Lưu trữ cho từ khóa: chất béo động vật

Thế nào là một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng?

Hàng ngày, tôi thường đi chợ và lựa chọn thực phẩm rất đa dạng và phong phú. Nhưng để đảm bảo có một bữa ăn thực sự cân đối và đầy đủ chất dinh dưỡng cho gia đình thì tôi không biết phải chế biến, nấu nướng như thế nào, xin cho biết?


Theo các chuyên gia, bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là thực phẩm của bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể.

Trong khẩu phần có chất sinh năng lượng là chất bột, đạm và béo. Rau và hoa quả cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ.

Nhu cầu năng ượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý.

Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó có các chất dinh dưỡng cân đối hợp lý. Khẩu phần năng lượng từ chất bột chiếm 65 - 70%, chất đạm là 12 - 14%, chất béo là 18 - 20%.

Bên cạnh sự cân đối về các chất sinh năng lượng còn phải bảo đảm cân đối về nguồn thức ăn động vật và thực vật. Trong thành phần chất đạm thì đạm động vật chiếm 35 - 40% và có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối. Chất béo nguồn thực vật là 40 - 50%, còn chất béo động vật chiếm 50 - 60% so với tổng số chất béo.

Muốn đảm bảo một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Phói hợp thực phẩm nguồn động vật và nguồn thực vật. Ví dụ không chỉ ăn thịt, cá mà còn ăn đậu phụ, vừng, lạc, rau và hoa quả.

Meo.vn (Theo Vnmedia)

4 nhóm thực phẩm giúp trẻ khỏe mạnh ngày xuân

Mùa xuân thời tiết ấm dần, cũng là mùa sinh sôi nảy nở của nhiều loại vi khuẩn lây bệnh nhưng cũng là thời điểm cơ thể trẻ phát triển nhanh. Vì thế, lưu ý thực phẩm trong giai đoạn này sẽ giúp bé khỏe mạnh, lớn nhanh.

1. Bổ sung các thực phẩm chứa can-xi

Mùa xuân là mùa trẻ phát triển nhanh nhất cả về thể chất và chiều cao. Do tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu can-xi của cơ thể bé cũng tăng theo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu can-xi của trẻ thay đổi theo lứa tuổi, bổ sung can-xi hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển tốt.

Thông thường, các bé dưới 1 tuổi mỗi ngày cần nạp 300 - 400mg can-xi vào cơ thể. Bé 1-4 tuổi mỗi ngày cần 600mg. Trẻ 4-7 tuổi mỗi ngày cần 800mg. Từ 7 tuổi trở lên, mỗi ngày trẻ cần 1.000mg can-xi.

Các mẹ nên cho bé ăn các thực phẩm giàu can-xi như:

- Sữa và các chế phẩm từ sữa

- Các chế phẩm từ đậu: đậu tương, đậu phụ…

- Các loại hải sản: tôm, cua, rong biển, ốc…

- Các loại thịt và trứng: thịt gà, thịt vịt, trứng…

- Các loại rau: rau cần, cà rốt, vừng, mộc nhĩ đen, nấm…

- Các loại trái cây tươi và quả khô: chanh, táo, nho khô, lạc, sen…

Lưu ý: Các mẹ nên chú ý cân bằng các nguồn can-xi cho trẻ. Ngoài ra, các mẹ không nên cho bé dùng nhiều các thực phẩm nhiều muối, có hàm lượng protein và chất béo cao, hay các đồ ngọt, nước ngọt, nước có ga… để tránh gây trở ngại cho việc hấp thụ can-xi của cơ thể.

2. Các thực phẩm chứa axit béo không no

Do sự phát triển của bé tăng nhanh vào mùa xuân nên não bộ của trẻ cũng ở trạng thái “cao trào”, bởi vậy cần bổ sung kịp thời các axit béo không no. Theo các chuyên gia, axit béo không no là thành phần dinh dưỡng quan trọng cho hệ thần kinh và trí não, hàm lượng này không đủ sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ và năng lực tư duy, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Do cơ thể con người không thể tự tổng hợp thành chất này nên cần nạp từ các nguồn thực phẩm thích hợp. Thông thường, chất béo động vật chủ yếu chứa axit béo no, chất béo thực vật chủ yếu chứa axit béo không no.Để cung cấp đủ axit béo không no cho bé, khi làm thức ăn cho trẻ, các mẹ nên dùng dầu thực vật, đồng thời cho bé ăn các thực phẩm chứa dầu thực vật như lạc, vừng đen, hồ đào…

Lưu ý: Cần cân bằng chất béo động vật và thực vật nhưng không có nghĩa là cho bé ăn nhiều thực phẩm chiên rán.

3. Ăn các thực phẩm giàu vitamin

Mùa xuân bé dễ bị chốc mép, chảy máu lợi, da khô ráp… các triệu chứng trên đều bắt nguồn từ việc thiếu vitamin. Ngoài ra, việc thiếu hụt vitamin còn dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, hay mắc các bệnh hô hấp, dạ dày và đại tràng. Theo các chuyên gia, vitamin là các hợp chất hữu cơ không thể thiếu cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu trong bữa ăn hàng ngày của bé thiếu vitamin A sẽ gây bệnh khô mắt, da khô nứt, và các bệnh về hô hấp; thiếu vitamin B gây viêm lưỡi, tróc mép, nứt môi…; thiếu vitamin D khiến cơ thể thiếu can-xi…

Các mẹ có thể bổ sung vitamin cho bé qua các nguồn thực phẩm phong phú:

- Vitamin A: rau quả màu xanh sẫm hoặc vàng sẫm, dầu gan cá, gan động vật…

- Vitamin B: thịt nạc, trứng , sữa, các chế phẩm từ đậu, ngũ cốc, cà rốt, cá…

- Vitamin C: các loại rau xanh, các loại quả họ cam quýt…

- Vitamin D: dầu gan cá, gan động vật, sữa, lòng đỏ trứng…

- Vitamin E: trứng, gan động vật, các loại thịt…

Lưu ý: Các mẹ tốt nhất nên thông qua sự tư vấn của bác sỹ để tìm hiểu xem bé cần bổ sung loại vitamin nào. Bữa ăn hàng ngày cũng cần kết hợp cân bằng các nguồn thực phẩm.

4. Các nguồn thực phẩm “thuốc”

Mùa xuân thời tiết ấm dần, cũng là mùa sinh sôi nảy nở của nhiều loại vi khuẩn lây bệnh, khiến cơ thể các trẻ vốn yếu dễ bị mắc bệnh. Các mẹ có thể cho bé ăn các loại thực phẩm “thuốc” để tăng cường hệ miễn dịch. Theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm mang đặc tính của thuốc rất có lợi cho sức khoẻ của bé.

Các thực phẩm như: nấm hương, mộc nhĩ đen, kỳ tử, hạnh nhân, quýt, bí đỏ, mật ong, long nhãn, sơn trà, sơn dược…có hàm lượng các chất dinh dưỡng phong phú, vị cam, tính bình, hầu như không có tác dụng phụ, phù hợp với trẻ nhỏ.

Lưu ý: Do thể chất mỗi trẻ mỗi khác, các mẹ nên hỏi qua ý kiến thầy thuốc Đông y để biết rõ thể chất của bé trước khi cho bé ăn các thực phẩm trên.

Cách ăn uống hợp lý ngày Tết

 

Tết Vào những ngày Tết, mọi người thường đi chơi, nên mỗi bữa chỉ nên ăn khoảng 70-80% lượng thức ăn so với bình thường, chia làm nhiều bữa, tối đa 4-5 bữa ăn mỗi ngày, không nên ăn quá no, uống quá say và phải đảm bảo VSATTP.

Bánh chưng, bánh tét, hầu như có đủ các chất dinh dưỡng bao gồm: đạm, tinh bột và mỡ, chỉ thiếu thành phần xơ. Trung bình 100g tương đương 250kcal, nhiều chất béo, và các chất béo này có nguồn gốc từ mỡ động vật nên ít có lợi cho sức khỏe. Bánh chưng thường được ăn kèm với dưa món, củ kiệu. Các món dưa này vừa chính là thành phần chất xơ vừa giúp cho người ăn ngon miệng, không có cảm giác ngán.

Tuy nhiên, những thức ăn này nếu ăn thường xuyên sẽ không tốt cho bệnh nhân (BN) có bệnh lý tim mạch và đái tháo đường (ĐTĐ), vì có nhiều chất béo động vật không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, dưa món, củ kiệu còn có chứa hàm lượng muối cao không thích hợp cho BN tăng huyết áp. Đối với BN ĐTĐ, nếu dùng bánh chưng không nên dùng quá 200g/ ngày và phải tiết giảm lượng thức ăn trong ngày. Còn đối với BN tăng huyết áp, nếu ăn dưa món, củ kiệu nên dùng loại ngâm bằng giấm đường để giảm hàm lượng muối.

Các món thịt nguội, giò chả: nhóm thực phẩm này chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, thực phẩm này có chứa hàn the để tạo độ giòn nên rất có hại. Đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp nên sử dụng hạn chế, không quá 100g thức ăn này mỗi ngày.

Thịt kho trứng là món ăn hầu như không thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, vì thịt mỡ chứa nhiều mỡ động vật không tốt nên đối với BN ĐTĐ, tăng huyết áp hay bệnh lý gan mật, khi ăn nên bỏ phần mỡ và da. Ngoài ra, một lòng đỏ trứng có chứa khoảng 200mg cholesterol, nếu ăn quá lượng trên mỗi ngày sẽ có hại cho tim mạch vì gây ra xơ vữa động mạch. Vì vậy, lượng đạm ăn vào mỗi ngày nên khoảng 400g từ thịt, cá hoặc đậu hũ.

Các loại bánh mứt có chứa hàm lượng đường cao nên dễ gây cảm giác ngán cho cả người bình thường. Các thức ăn này chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường rất cao, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp cho BN ĐTĐ. Đối với BN ĐTĐ mà đường huyết kiểm soát tốt có thể dùng vài miếng. Ngược lại, nhóm BN đường huyết kiểm soát kém thì không nên sử dụng.

Trái cây: đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân. Đối vời người bình thường có thể dùng 2-3 suất trái cây trong ngày (mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 quả cam vừa, hoặc 1 góc dưa hấu…). Đối với BN ĐTĐ không nên dùng quá 2 suất trái cây/ngày, các loại trái cây quá ngọt, hàm lượng đường cao không nên dùng quá 3 lần/tuần.

Các thức uống trong những ngày Tết, đa số là nước ngọt và rượu, bia. Đối với người bình thường thì mỗi ngày khoảng 300-400ml bia hoặc 60ml rượu nhẹ (rượu vang) là tốt cho sức khỏe. Đối với BN ĐTĐ, cũng có thể dùng nước ngọt ăn kiêng nhưng nên hạn chế không nên dùng quá 1 lon/ngày. Ngoài ra, cũng có thể dùng vài tách trà, ly rượu thơm là rất tốt.

Tóm lại, không có thức ăn xấu, không có thức ăn tốt. Thức ăn tốt hay xấu là phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải, đảm bảo đủ 3 bữa chính trong ngày.

ThS.Bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình

Uống sữa đậu nành để bảo vệ tim mạch!

Một nghiên cứu kéo dài hơn 50 năm của các nhà khoa học trường ĐH Tulane (New Orleans, Mỹ) đã chứng minh: Sữa đậu nành không đơn thuần là loại thức uống thơm ngon, bổ dưỡng, mà còn có thể giúp phòng chống được nhiều bệnh, trong đó có tim mạch!

Giảm cholesterol xấu trong máu

Những nghiên cứu thuộc trường đại học Tulane ở New Orleans (Mỹ) cho thấy: Sau khi chọn 302 người bị cao huyết áp và cho họ dùng đậu nành thì sau một thời gian, huyết áp giảm rõ rệt.

Những tác dụng của đậu nành gây ấn tượng mạnh đến nỗi, Hiệp hội bác sĩ liên bang Mỹ đã cho phép ghi trên các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành câu: 'Có lợi cho sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh mạch vành'.

Tháng 10/1999, Cơ quan Kiểm tra Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đưa ra kết luận: 'Bổ sung 25 gam đậu nành trong khẩu phẩn ăn hằng ngày với ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm nguy cơ đau tim'.

Làm được chuyện 'thần kỳ' này là vì sữa đậu nành có tác dụng giúp làm giảm lượng cholesterol LDL 'xấu' trong máu. Nhà nghiên cứu Ethan Balk ở Trung tâm Nghiên cứu Y khoa New England đã chỉ ra rằng: chính nhờ giảm được cholesterol 'xấu' nên sữa đậu nành hoàn toàn có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não… Theo tỷ lệ, cứ 1% cholesterol 'xấu' được giảm đi trong máu thì các dạng nguy cơ tim mạch cũng giảm 1%.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Alabama ở Birmingham (Hoa Kỳ), sữa đậu nành có thể giúp tránh sự tích tụ mỡ ở vùng bụng - đặc biệt là với phụ nữ ở tuổi mãn kinh, một hiện tượng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đây là một kết luận có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh những người có vòng bụng quá khổ ở các thành phố lớn đang tăng lên nhanh chóng. Vòng eo càng lớn thì tuổi thọ càng ngắn bởi người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc mắc chứng xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch cao hơn 40 % so với những người bình thường.

Sữa đậu nành - 'trợ thủ' cho quả tim khỏe mạnh!

Các thống kê gần đây của Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy, số ca đột quỵ ở Việt Nam đã tăng gấp 3 so với 10 năm trước, tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần so với những năm 1960. Bệnh cao huyết áp cũng tăng mạnh ở các thành phố lớn.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự thay đổi thói quen dinh dưỡng theo hướng tăng chất đạm và béo. Chính vì thế, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Phó Viện Dinh dưỡng Việt Nam, khuyến nghị: cần đảm bảo một tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật và chất béo thực vật. Trong đó, nên giảm lượng chất béo động vật và tăng chất béo có nguồn gốc thực vật, ví dụ như đậu nành.

Ở các nước châu Á, sữa đậu nành từ rất lâu đã được xem như một loại thức uống kỳ diệu bởi đậu nành giàu đạm và acid amin thiết yếu, nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6) và vitamin E, giàu các khoáng chất Ca, Fe, Mg, K, Na; và chứa hoạt chất Isoflavone có tác dụng rất tốt với phụ nữ.

Giờ đây, với những phát hiện mới về công dụng của mình, sữa đậu nành càng đáng được quan tâm hơn. Không chỉ rất tốt cho hệ tim mạch, cũng cần nói thêm là đậu nành có rất ít tinh bột nên có cũng lợi cho những bệnh nhân thừa cân, béo phì hay tiểu đường - những căn bệnh vốn là 'anh em họ hàng' với bệnh tim mạch.

Khi lối sống hiện đại với một chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý đang khiến cho nhiều trái tim phải làm việc quá sức và số người mắc các bệnh lý tim mạch tăng cao thì đậu nành có thể xem là một trong những cách ngừa bệnh hiệu quả, thân thiện và ít tốn kém.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng sữa đậu nành được sản xuất theo quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, có nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc xuất xứ và thời hạn sử dụng rõ ràng.

Đối với sữa đậu nành bán rong ngoài đường phố, người tiêu dùng phải thận trọng vì sữa có thể không đảm bảo vệ sinh và có chứa các chất phụ gia thực phẩm không kiểm soát. Nguy cơ ngộ độc và mắc bệnh là rất lớn trong những ly sữa đậu nành bán rong, không rõ nguồn gốc mà chúng ta tiêu thụ với niềm tin đấy là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng.

Theo Dân Trí

Khi nào đậu phộng, hạt điều… hại người?

Với những loại hạt giàu chất béo nếu chế biến và bảo quản không kỹ, có thể hạt sẽ bị nhiễm nấm Aspergilus, là nguy cơ sinh ra độc tố aflatoxin gây ung thư. Vì vậy phải hết sức thận trọng khi sử dụng hạt thường xuyên.

Ngày nay mọi người đã quá quen với những thức ăn có chứa những loại hạt giàu chất béo như đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, hạt hướng dương... Khi đi ăn ở quán, trong lúc chờ dọn món, nhiều người thường được mời nhâm nhi trước một ít đậu phộng, hạt điều. Nhiều món ăn cũng chế biến từ nguyên liệu là hạt giàu chất béo. Những dịp lễ tết thì các loại hạt giàu chất béo gần như trở thành món ưa thích của mọi gia đình.

Hạt điều, đậu phộng… để lâu trong không khí dễ bị oxy hoá các axit béo, tạo

ra những hợp chất độc, làm cho hạt có vị gắt dầu - Ảnh: SGTT

'Nội soi' dưỡng chất trong hạt

Ngoài nguồn dầu thực vật chiết xuất từ những loại quả như olive, dừa, cọ… nguồn dầu thực vật chiết xuất từ các loại hạt như đậu nành, hạt cải, hạt hướng dương, đậu phộng, hạt mè… đang ngày càng được sử dụng rộng rãi do chứa nhiều chất béo không no một nối đôi có tác dụng hạ cholesterol máu, chống bệnh tim mạch. Ngoài ra còn có các axit béo không no đa nối đôi anpha linolenic axit và linoleic axit. Đây là hai axit béo thiết yếu, cơ thể không tự tổng hợp được, phải nhận từ chế độ ăn để giúp xây dựng các cơ quan như hoàn thiện cấu trúc thần kinh, màng tế bào, hormon… Các loại hạt khác nhau sẽ có thành phần axit béo khác nhau. Có loại giàu chất béo không no một nối đôi như đậu phộng; có loại giàu chất béo không no đa nối đôi như dầu hướng dương, hạt cải, dầu nành…

Sử dụng hạt và dầu hạt hợp lý trong khẩu phần ăn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Cụ thể, tăng sử dụng hạt và dầu hạt, thay thế nguồn chất béo động vật sẽ giúp giảm cholesterol máu, hạn chế bệnh tim mạch. Hạt giàu chất béo chứa khá nhiều dầu, khá giàu đạm, nhưng lại ít chất bột. Người ta có thể dùng làm bữa ăn phụ cho người tiểu đường. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều hạt mà không cân đối khẩu phần ăn thì cũng dễ gây ra béo phì. Ngoài ra, các hạt cũng cung cấp khá nhiều chất xơ, phospho, sắt và magne. Nhiều loại hạt cung cấp vitamin E (hướng dương, hạt điều…), niacin và folate, là những chất chống oxy hoá. Hạt còn chứa phytoestrogen, có nhiều trong đậu nành, ôliu và hướng dương, giúp cạnh tranh hấp thu với cholesterol, do đó làm giảm cholesterol tỷ trọng thấp LDL trong máu, chống xơ vữa động mạch.

Dùng thế nào có lợi cho sức khoẻ?

Năm 2003, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo: 'Các bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng khoảng 1,5 ounces (42,5g) hạt dạng đậu hay giàu béo mỗi ngày, kết hợp với chế độ ăn hạn chế chất béo bão hoà và cholesterol sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch'.

Khi ăn những loại hạt giàu chất béo, do lượng chất béo trong hạt đã kích thích niêm mạc họng (nhất là những hạt bảo quản không tốt, chất béo bị biến đổi thành những chất oxy hoá có hại) thì nên hạn chế uống nước lạnh, bia rượu, hút thuốc lá, nói quá nhiều… cùng lúc, bởi đây là những yếu tố gây kích ứng họng nhiều hơn, làm cho người ăn dễ bị mất tiếng, khàn giọng. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới ba tuổi, khi dùng những hạt giàu chất béo như đậu phộng, hạt điều… phải chú ý tránh để vương vãi hoặc để trong tầm tay trẻ nhỏ, vì dễ xảy ra nguy cơ nuốt sặc vào đường hô hấp. Khi cho trẻ ăn cũng nên thận trọng, không để vừa ăn vừa giỡn, rất nguy hiểm. Nếu trẻ không nhai nát được hạt, các chất dinh dưỡng sẽ không được hấp thu mà thải hết ra ngoài đường tiêu hoá. Cũng nên chú ý không cho trẻ cắn quá nhiều những hạt có vỏ cứng vì có thể làm hư, mẻ răng.

Ngoài ra cũng cần lưu ý, trong thu hoạch, chế biến và bảo quản hạt, phải tránh hạt bị nhiễm nấm Aspergilus, vì đây là nguy cơ sinh ra độc tố aflatoxin gây ung thư. Loại nấm này hay phát triển trên ngũ cốc, nhất là khi để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không đảm bảo. Các hạt chứa dầu để lâu trong không khí cũng dễ bị oxy hoá các axit béo, tạo ra những hợp chất độc và làm cho hạt có vị gắt dầu. Cũng cần tránh tẩm những hoá chất độc hại trong bảo quản, chế biến hạt ăn trực tiếp như hạt dưa, hạt điều, hạt hướng dương… để đảm bảo sức khoẻ người dùng.

(BS.chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu, SGTT)

(Trưởng khoa dinh dưỡng,

bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM)

2 ly đậu nành mỗi ngày giúp chị em tránh xa bệnh tim mạch

Đây là lời kêu gọi của dự án sữa đậu nành bảo vệ tim mạch cho phụ nữ Việt Nam, vừa được đưa ra hôm nay tại Hà Nội.

Các thống kê gần đây của Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy, số ca đột quỵ ở Việt Nam đã tăng gấp 3 so với 10 năm trước, tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần so với những năm 1960. Bệnh cao huyết áp cũng tăng mạnh ở các thành phố lớn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự thay đổi thói quen dinh dưỡng theo hướng tăng chất đạm và béo.

Bởi vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện Phó Viện Dinh dưỡng Việt Nam, người tiêu dùng nên giảm lượng chất béo động vật và tăng chất béo có nguồn gốc thực vật, ví dụ như đậu nành.

Trong dự án do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Tim mạch học quốc gia thực hiện, sữa đậu nành được coi như một sứ giả kêu gọi các gia đình và cả xã hội tăng cường chăm sóc sức khỏe tim mạch của phụ nữ mỗi ngày, nhất là khi chị em vẫn chịu nhiều sức ép về công việc và gia đình, ít có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc bản thân.

Trong một năm thực hiện, dự án sẽ có các hoạt động như: thi tìm hiểu về tim mạch và sữa đậu nành, kêu gọi phụ nữ uống 2 ly sữa đậu nành mỗi ngày, tuyên truyền kiến thức về bệnh tim mạch và thăm khám tim miễn phí cho phụ nữ và người thân tại 18 tỉnh...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Tuy nhiên, đối với sữa đậu nành bán rong ngoài đường phố, người tiêu dùng nên thận trọng vì sữa có thể không đảm bảo vệ sinh và chứa các chất phụ gia thực phẩm không kiểm soát.

Một nghiên cứu kéo dài hơn 50 năm của các nhà khoa học Đại học Tulane (New Orleans, Mỹ) đã chứng minh: Sữa đậu nành có thể giúp phòng chống được nhiều bệnh, trong đó có tim mạch vì sữa đậu nành có tác dụng giúp làm giảm lượng cholesterol 'xấu' trong máu, nhờ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não...

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Alabama ở Birmingham (Hoa Kỳ), sữa đậu nành có thể giúp tránh sự tích tụ mỡ ở vùng bụng - đặc biệt là với phụ nữ ở tuổi mãn kinh, một hiện tượng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Minh Thùy (VnExpress)