Lưu trữ cho từ khóa: chắc xương

Ăn gì, kiêng gì sau khi sinh?

Sau quá trình vượt cạn, người phụ nữ cần phải được chú ý bổ sung nhiều dinh dưỡng để mau chóng phục hồi sức khỏe và có sữa cho con bú. Nhưng có nhiều người lại ăn uống kiêng khem với quan niệm "đề phòng hậu vận", vậy nên ăn thế nào và kiêng thế nào cho hợp lý?

Bà mẹ sau sinh nên ăn uống bổ sung dưỡng chất để nhanh phục hồi sức lực và giúp tuyến sữa phát triển tốt, đảm bảo cung cấp đủ sữa cho bé. Khi chọn lựa thức ăn trong thời gian chăm sóc bé, bạn nên cân nhắc một thực đơn hợp lí, khỏe cho mẹ và tốt cho bé. 

Nên:

- Trong thời gian này, sản phụ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng (khoảng 3.500 calo/ngày), khẩu phần ăn cần tăng thêm cả số lượng và chất lượng.

- Bảo đảm đủ những chất protein động vật và thực vật, cân đối các thành phần dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe và thúc đẩy quá trình tạo sữa. Cần nạp các loại thức ăn nguồn gốc động vật giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa... để cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng dễ hấp thu như protein và canxi. Cũng đừng quên các thức ăn giàu chất protein thực vật như các loại họ đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen) lạc hạt, vừng.

- Bổ sung vitamin từ các loại rau quả tươi để tránh táo bón, điều hòa tiêu hóa, bài tiết tốt.

- Cung cấp vitamin D giúp chắc xương cho mẹ mà cũng tốt cho con vì thông qua sữa mẹ, bé cũng được bổ sung thêm vitamin D giúp cứng xương. Ngoài ra vitamin D còn có trong lòng đỏ trứng, dầu cá và các thực phẩm bổ sung như sữa…


- Chất béo cũng không thể thiếu bởi nó không chỉ cung cấp năng lượng lớn, làm cho bữa ăn thêm ngon miệng mà còn tạo điều kiện hấp thu tốt các chất dinh dưỡng khác.

- Uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để tăng tiết sữa.

- Nên ăn nóng, uống sôi để tốt cho sức khỏe của mẹ, ăn uống không hợp vệ sinh có thể gây tiêu chảy, mất nước.

- Ngoài 3 bữa ăn chính, sản phụ nên ăn thêm nhiều bữa phụ để cung cấp thêm năng lượng và đủ sữa cho bé bú. Có thể chỉ là một ly sữa, một trái chuối hay một cái bánh…

Tránh:

- Tránh các loại gây kích thích (rượu, cà phê, nước chè đặc và nhất là thuốc lá...) có ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh và tới sức khỏe nói chung của trẻ.

- Nên hạn chế một vài loại gia vị như ớt, tỏi, hành có thể qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Tránh những thức ăn cay nóng

- Tránh kiêng khem quá mức vì dẫn làm cho cơ thể mệt mỏi, suy nhược vì thiếu chất dinh dưỡng. Nhiều người còn có quan niệm buộc sản phụ sau khi sinh phải kiêng đồ ăn tanh như tôm cá… Thực tế sau sinh sản phụ cần phải bổ sung nhiều loại chất dinh dưỡng, các nhóm thực phẩm chính và phụ đều cần phải đa dạng hoá, nếu chỉ thiên về một số loại nào đó sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể khiến tuyến sữa hoạt động kém hiệu quả.

- Nếu phải dùng thuốc, bạn nên cho bác sĩ biết mình đang cho bé bú để bác sĩ sẽ kê những loại thuốc thích hợp.

Thực đơn bồi bồ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh:

- Móng giò hầm táo đen, a giao: Móng giò (2 chiếc), táo đen 200g, a giao 15g, đường đỏ, nước đủ dùng. Cách làm: Móng giò làm sạch, chặt miếng nhỏ. Làm tan a giao. Cho móng giò, táo đen và nước vào hầm nhừ, rồi đổ a giao, đường đỏ vào đun thêm 15 phút rồi bắc ra. Nên ăn khi canh còn nóng và ăn cả nước lẫn cái, ăn liên tục 7 ngày, cách 2 ngày ăn 1 lần.


- Đu đủ xanh với móng giò lợn: Đu đủ 400g, móng giò 1 cái. Gia vị vừa đủ. Rửa sạch đu đủ thái miếng, móng giò làm sạch chặt miếng nhỏ. Ninh nhừ móng giò, cho đu đủ vào đun chín, cho gia vị vào rồi bắc ra. Ăn ngay khi còn nóng hoặc dùng làm canh ăn hàng ngày. Ăn liên tục trong 7 ngày. Món ăn này có tác dụng thông sữa, rất tốt cho những sản phụ ít sữa hoặc sữa loãng.

Meo.vn (Theo Sucsongmoi)

Thêm một loại thuốc chống loãng xương có vấn đề

Làm sao một loại thuốc chống loãng xương với tác dụng phụ đáng lo ngại lại có thể có mặt trên thị trường trong suốt 7 năm? Cần phải bàn về những độc tính của loại thuốc trị loãng xương Protelos.

Năm nay không có gian hàng, không có tờ rơi quảng cáo thuốc. Trong đám đông các bác sĩ khoa thấp khớp hội tụ tại San Diego, những người của Hãng Servier cố thu nhỏ mình lại. Hội nghị diễn ra từ ngày 16 đến 20/9 vừa qua bàn về những độc tính của loại thuốc trị loãng xương Protelos. Người ta thấy rõ sự khó chịu của các bác sĩ Pháp khi bàn về một loại thuốc mà nhiều người đã từng kê toa, và một số người khác được ca tụng trong các hội nghị trước đây.

 

Một tờ rơi nói về tác dụng của thuốc Protelos

 

Các đặc phái viên của Hãng Servier tỏ ra bực bội vào ngày thứ hai của hội nghị. 6 loại thuốc của hãng, trong đó có Vastarel được cho là có tác dụng chặn đứng chóng mặt và đau tức ngực, đang bị kiểm soát chặt chẽ và một số có thể bị đưa vào danh sách thuốc cấm.

Người ta bàn tán về thuốc Mediator đã làm hoen ố hình ảnh của hãng. Đã có từ 500-2.000 người chết, một chiến lược che giấu tác dụng phụ bị phát giác, cả một dây chuyền sản xuất thuốc bẩn thỉu, một sự tổn thương tập thể có thể ví với scandal máu bị nhiễm HIV. Và giờ đây mọi dược phẩm của hãng đều bị nghi ngờ, mà trước tiên là Protelos.

Câu chuyện bắt đầu từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước. Trong một thế giới không muốn già, viên thuốc làm chắc xương tỏ ra đầy hứa hẹn. Những nhân viên tiếp thị vô cùng bận rộn, các bác sĩ học thuộc từng lời quảng cáo để lăng-xê "loại thuốc cách mạng".

Chống loãng xương, một "nạn dịch âm thầm": người ta đã bán thuốc Protelos bằng cách thổi phồng tỉ lệ phụ nữ khỏi bệnh, dù phải cường điệu xem chứng mãn kinh như là một căn bệnh. Một số bác sĩ chỉ khuyên nên tập thể dục, uống vitamin C và phơi nắng. Các phòng thí nghiệm thường quen đưa ra những hình ảnh gây lo lắng để chinh phục thị trường vô hạn của sự phòng ngừa (cũng như mới đây đối với loại vaccin ngừa ung thư cổ tử cung).

Các nhà kinh doanh vẫn chưa hiểu cơ chế hoạt động của loại thuốc "sửa chữa và tạo ra xương mới" đó. Nhưng quan trọng gì, chỉ cần nhắc rằng "cách hoạt động" của các sản phẩm Servier là "độc đáo".

Bác sĩ chuyên về thấp khớp Francis Herbière lại muốn tìm hiểu. "Lạ thật, nó hoạt động như thế nào?" - ông hỏi trình dược viên của hãng. Ông biết rằng muối strontium cố định một phần vào xương, nhưng liệu nó có nhiễm vào não không? Nhưng nhân viên đại diện khu vực của hãng trả lời là "chẳng có nguy cơ gì". Và để chứng minh, anh này đưa ra những kết luận nghiên cứu của các nhân vật có tiếng tăm.

Như mọi hãng dược khác, Servier nhắm đến các "ý kiến chủ đạo", tức các nhà nghiên cứu ở bệnh viện vốn có tiếng nói rất mạnh trong các hội nghị. Ngoài lợi ích về trí tuệ, khi cộng tác với các hãng dược, những nhân vật này có được bổng lộc cho họ và cho phòng thí nghiệm của họ. Có cả những bữa tiệc và các chuyến du lịch đến Miami do tiền của hãng.

"Tất cả tiền tài trợ được dùng để trả lương nhân viên, cấp học bổng và mua trang thiết bị… Nếu không có các hãng công nghiệp, việc nghiên cứu công sẽ không hoạt động được. Nếu các nghiên cứu không thuyết phục thì tôi đã nói. Nhưng chúng cho thấy hiệu quả của chất ranélate de strontium đối với các phụ nữ mãn kinh bị loãng xương nghiêm trọng" - nhà nghiên cứu Christian Roux giải thích. Chính vì thế nên giấy phép cho thương mại hóa thuốc Protelos đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp vào năm 2004.

Năm 2006, thuốc Protelos đến Pháp với giải thưởng Galien. Một năm sau, vị giám đốc Ban liệu pháp của Servier than thở: "Cơ quan An toàn các sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) vừa ghi nhận 27 trường hợp "Dress syndrome", tức một sự nhạy cảm với thuốc làm tổn hại mặt và cơ thể, đôi khi da cũng tróc từng mảng, và cả sự tổn hại gan hay thận có thể dẫn đến tử vong (đã có 3 người chết). Đó là chưa kể đến nhiều ca nghẽn mạch phổi".

Các hãng dược đối thủ từng quảng cáo những loại thuốc chống loãng xương (biphosphonate) và bị cáo buộc là gây ra hoại tử xương hàm lại châm biếm: "Ít ra chúng tôi chưa giết chết ai cả".

Vai trò chính yếu của việc điều trị loãng xương là tránh gãy xương, và đặc biệt nghiêm trọng nhất là gãy cổ xương đùi (xương háng), có thể khiến bệnh nhân bị tật nguyền và giảm thọ 11 năm. Nhưng theo giới chức y tế Anh, thuốc Protelos hiệu quả đối với các đốt xương sống nhưng lại chẳng ích lợi gì đối với xương háng.

Ngày 29/9 vừa qua, Ủy ban Cấp phép kinh doanh của Pháp đã quyết định vẫn cho thuốc Protelos được bày bán trong các hiệu thuốc. Thuốc này đã được cấp phép lưu hành tại châu Âu từ tháng 9/2004 và được an sinh xã hội trợ giá 65%. Vì thế, Pháp không có quyền quyết định chung cuộc về việc rút thuốc khỏi thị trường. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn còn nhiều phương cách để "giết chết" một loại thuốc, hoặc ngưng trợ giá hoặc kiểm soát chặt chẽ việc kê toa. Với Protelos họ đã pha trộn cả hai.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế Pháp quyết định xiết chặt các điều kiện trợ giá. Từ nay nó chỉ được trợ giá cho các đối tượng "không có yếu tố nguy cơ nghẽn mạch do cục máu". Và vì đa số phụ nữ lớn tuổi đều có nguy cơ này nên phần lớn các bệnh nhân sử dụng thuốc Protelos sẽ không được trợ giá. Từ đó bác sĩ sẽ ít kê toa hơn. Ngoài ra, giới chức y tế còn đề nghị hạ tỉ lệ trợ giá xuống, có thể là 35%. Kết quả là tuy thuốc vẫn có mặt trên thị trường nhưng sẽ được bán ra rất ít.

Meo.vn (Theo ANTĐ)

“Lột trần” nước giải khát thiên nhiên

Mùa hè cũng là “mùa gặt” của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Họ dốc sức tung sản phẩm, chiêu thức bán hàng, tiếp thị... với tốc độ và tần suất chóng mặt...

 


Đội lốt... thiên nhiên

Hàng loạt sản phẩm rất bắt mắt, được quảng bá rầm rộ, hoàn toàn đánh trúng tâm lý người tiêu dùng với thành phần chủ yếu được chiết xuất từ thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ như: sâm, atiso, vải, dâu, trà xanh, táo, cam, la hán, cam thảo, kim ngân, cúc.... Nhưng chỉ cần chịu khó đọc thành phần, hàm lượng trên nhãn có thể “bắt vở” được “gan ruột” các loại nước giải khát này.

Theo khảo sát của chúng tôi, loại nước tăng lực hương dâu Tây có nhân sâm nhưng trên nhãn hàng cho thấy hàm lượng chiết xuất từ nhân sâm rất nhỏ, chỉ khoảng 40mg/lít. Trong khi đó, hàm lượng cafein - chất có tác dụng làm “tỉnh táo” cho người uống lại ở mức 190 mg/l, cao gấp 4 lần so với hàm lượng của nhân sâm. Như vậy, chất được thể hiện trên nhãn hàng như là thành phần chính giúp tăng cường sức khoẻ là nhân sâm thực chất chỉ có một hàm lượng rất khiêm tốn.

Ở một trường hợp khác, với loại trà xanh vị chanh được quảng bá 100% từ thiên nhiên nhưng thực chất vị chua có trong loại trà này lại từ vitamin C mà ra và hương chanh chủ yếu được nhà sản xuất bổ sung vào. Như vậy, cái được gọi là 100% thiên nhiên ở loại nước giải khát này đang gây tranh cãi bởi rõ ràng, hương vị chính của loại nước này lại không hề... thiên nhiên.

Cá biệt, một số sản phẩm “đội lốt” dưới mỹ từ: nước ép trái cây với màu sắc bắt mắt, hấp dẫn trẻ nhỏ như: nước ép hương vải, nước ép hương dâu, nước cam ép... nhưng thực chất thành phần chính của chúng lại là: nước, đường cùng hương vải hoặc hương dâu, hương cam tổng hợp và thậm chí là những thành phần “đánh đố” người tiêu dùng như: chất làm dày, chất điều chỉnh độ chua, chất bảo quản, màu tổng hợp.

Với những sản phẩm được quảng cáo làm từ thiên nhiên với lượng vitamin C dồi dào, giúp thúc đẩy quá trình giải độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể như: nước cam ép chẳng hạn nhưng thực tế thành phần cũng chỉ có 20% nước cam pha từ cam ép cô đặc. Còn lại là nước, đường tinh luyện (13%), chất chống ôxy hóa, hương liệu tổng hợp và hiển nhiên là sự hiện diện của các chất ổn định sodium, carboxymethyl cellulose, guar gum...

Đáng chú ý nhất trên thị trường là dòng sản phẩm được quảng bá là thanh nhiệt làm từ thảo dược nhưng tổng hàm lượng của các thảo dược chứa trong đó chỉ quanh quẩn ở mức 13-15%, còn lại là nước, đường... Thậm chí có sản phẩm mà thành phần chủ yếu là hương liệu, sử dụng chất điều chỉnh độ chua nhưng vẫn quảng bá “100% từ thiên nhiên”!. Ngay cả nhà sản xuất cũng mập mờ, hoặc cố tình “lờ” việc công bố các hoạt chất được cho là quan trọng như chất chống lão hoá, chất thanh nhiệt, tăng sức đề kháng.

Một thứ nước “giả cầy”

Nếu tinh ý, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy, trong phần lớn nội dung quảng cáo sản phẩm nước giải khát, nhà sản xuất rất thích nhấn mạnh vào hai từ “thiên nhiên” và những tác động tích cực của nó tới sức khoẻ con người. Những gì bất lợi, không cần thiết trong việc công bố các chất cấu thành thì một là “nhẹm” đi, hai là nếu buộc phải công bố thì thể hiện kiểu mập mờ, người tiêu dùng hiểu thế nào cũng được.

Mấu chốt của vấn đề này ở chỗ, để có được những sản phẩm thiên nhiên đúng nghĩa, chi phí giá thành cho một sản phẩm sẽ tăng lên, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp giảm, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại kém đi. Cả hai tình huống này đều khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Vì vậy, họ chẳng dại gì đầu tư cho sản phẩm thiên nhiên đúng nghĩa.

Thứ nước giải khát “giả cầy” đội lốt thiên nhiên là một nguồn lợi nhuận khổng lồ mà không một doanh nghiệp nào tiết lộ. Với công nghệ sản xuất đơn giản (pha và chế), bảo quản được vài năm, giả thành rẻ, nguồn lợi nhuận đem về quá lớn là lời giải vì sao trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm nước giải khát thiên nhiên đến vậy.

Đừng coi đó là thần dược

Theo PGS.TS Nguyễn Công Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nước trái cây có hai loại: một loại được pha chế từ hương liệu trái cây, nước đường, axit, chất thơm... Với sản phẩm này mùi vị không khác trái cây thật nhưng thực chất toàn là hương liệu trái cây. Một loại khác là nước ép trái cây nguyên chất và một phần nước ép trái cây. Trên thị trường hiện nay phần lớn là nước ép trái cây được sản xuất theo phương pháp cho thêm nước và đường, hương liệu vào nước ép trái cây. Với các sản phẩm này, cơ bản thành phần cũng rất ổn, cung cấp được năng lượng, chất đạm, chất béo, hydrat cacbon... cho người sử dụng.

Như vậy, trên thực tế, việc sử dụng nước giải khát 100% từ thiên nhiên hay chỉ là loại “giả cầy” với thành phần chủ yếu là hương liệu cũng không đáng lo ngại tới sức khỏe. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, các loại nước ép trái cây không thể thay thế rau quả tự nhiên. Ít nhất là vì chúng không có chứa chất xơ rất quan trọng đối với cơ thể. Nhất là với nước ép đóng hộp phải trải qua quá trình chưng cất từ hoa quả tươi, một số chất dinh dưỡng sẽ mất đi, điển hình là vitamin và chất xơ. Hơn nữa, loại nước này còn chứa một lượng nhỏ chất bảo quản, hương liệu... vì vậy không thể tốt bằng nước ép nguyên chất tươi.

Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng dù ưa chuộng bất cứ sản phẩm nước giải khát nào cũng đều có lý do của họ. Với người này đó là mùi vị phù hợp, với người khác đó là giá thành rẻ. Điều tối quan trọng là đánh giá đúng mức về chất lượng và tác dụng của sản phẩm. Không nên vì những lời quảng cáo, vì những đồn đoán mà tẩy chay dòng sản phẩm này hoặc đề cao quá mức tác dụng của sản phẩm khác như là thần dược. Nếu hiểu đúng bản chất của các sản phẩm nước giải khát có trên thị trường, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn thông minh hơn cho bản thân và gia đình.

Thị trường nước giải khát mùa hè 2011 vẫn chứng kiến sự lên ngôi của sản phẩm trà xanh. Có nhiều bằng chứng cho thấy, sản phẩm này làm giảm nguy cơ loãng xương, các bệnh tim mạch, ung thư cũng như trung hoà các gốc tự do có hại trong cơ thể. Trà xanh còn chứa fluo, làm chắc xương và răng. Nước trà bổ sung thêm bạc hà có tác dụng chống lại sự rối loạn trong hoạt động của dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hoá, làm giảm sự đau cơ và căng cứng cơ.

 

5 rắc rối mẹ thường gặp khi cho bé ăn

Bé bị trớ sữa, thích ăn một loại thực phẩm, hay ăn bim bim mà không thích ăn thịt, cá, rau... là những vấn đề đang làm đau đầu các bà mẹ.

 

Bé bị trớ sữa

Tình trạng này thường có ở bé sơ sinh tới 6 tháng tuổi.

Hầu hết các bé sơ sinh đều bị trớ sữa. Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra vì hệ tiêu hóa của bé vẫn non nớt. Cơ thắt thực quản – các cơ giữ thức ăn trong dạ dày – không chặt như giống như các bé lớn hơn. Kết quả là bé rất dễ bị trớ sữa.

Hiện tượng này không đáng lo ngại. Nếu bé tăng cân thì bạn đã cho bé bú đủ. Dấu hiệu để nhận biết bé bú đủ hay không là thông thường bạn phải thay khoảng 10 lần tã cho bé/ngày. Để giúp bé không bị trớ sữa, bạn nên cho bé ăn khi bé có dấu hiệu đói. Bé nên được bế dựa lưng lên nhưng không thẳng đứng mà nửa ngồi nửa nằm khi bạn cho bé ăn. Hạn chế việc đung đưa, xô đẩy bé sau khi bé ăn trong vòng 1 giờ.

Trong một số trường hợp, nếu bé bị trớ sữa nhiều, bạn cũng nên để ý. Nếu bé bị mất cân hoặc khóc khi bị trớ sữa, bé bị hóc hoặc dường như bị đau thì bạn nên đưa bé đi khám vì có thể bé mắc bệnh trào dịch dạ dày.

Khó khăn khi cho bé ăn dặm

Tình trạng này thường xảy ra ở bé từ 4-12 tháng tuổi

Khi bé bắt đầu khám phá và thưởng thức các thực phẩm ăn dặm, bé có thể bắt đầu uống hoặc bú ít sữa. Điều này sẽ dẫn đến xung đột ở các bậc cha mẹ là dinh dưỡng ở sữa mẹ quan trọng hơn hay trong thực phẩm quan trọng hơn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì khi bé ăn dặm, sữa mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của bé vì chất béo trong sữa đặc biệt cần thiết cho sự phát triển não bộ và canxi có trong sữa giúp chắc xương và răng.
Điều này có nghĩa rằng, vẫn duy trì lượng sữa bé bú mẹ và giảm thức uống đi cho bé.

Nhưng một số bà mẹ băn khoăn là nên cho bé bú sữa trước hay ăn thực phẩm ăn dặm trước? Có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng các chuyên gia cho rằng nên cho bé bú sữa trước khi cho ăn thức ăn dặm. Bởi vì khi bé rất đói, bé có thể không tập trung vào thức ăn trong miệng và sẽ trớ ra.

Dưới đây là một vài hướng dẫn về lượng thức ăn ăn dặm và lượng sữa mẹ theo độ tuổi:

Bé 6 tháng tuổi: 100 calo ăn dặm và 50-100 phút bú mẹ/ngày.

Bé 9 tháng tuổi: 200-300 calo ăn dặm và 40-120 phút bú mẹ/ngày.

Bé 12 tháng tuổi: 300-500 calo ăn dặm và 10-90 phút bú mẹ/ngày.

Bé luôn miệng ăn vặt

Tình trạng này diễn ra khi bé từ 10 tháng tuổi tới 2 năm tuổi

Không có gì thích thú hơn đối với bé là khám phá mọi thứ bằng việc di chuyển, bò, ngồi và ăn. Đặc biệt là trong độ tuổi này bé rất thích ăn vặt, khi thì bim bim, khi thì kẹo, lúc thì bánh và nhìn thấy bạn khác có nhất định bé sẽ đòi cha mẹ mua cho. Bé có thể ăn cả ngày và điều này nảy sinh nguy cơ rất lớn là bé sẽ chán ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng vào bữa ăn chính.
Dạ dày của bé rất nhỏ nên nếu chứa hết trong đó toàn là bim bim thì chẳng còn khoảng trống nào chứa thực phẩm khác nữa. Cho nên bạn cần hạn chế những thực phẩm ăn nhanh đó của bé. Nếu bé không thể nào mà không ăn những thứ này, bạn nên lựa chọn những thực phẩm ăn nhanh có vitamin và khoáng chất như ngũ cốc, kẹo chuối, kẹo sữa bò…
Tránh tình trạng ăn uống tràn lan, bạn nên hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho bé ngay từ khi còn bé. Nhất thiết phải ngồi ăn cùng mọi người gia đình ít nhất 1 bữa/ngày.

Bé ăn quá nhiều vào hôm nay và ngày mai không ăn gì cả

Tình trạng này xảy ra khi bé được 12 tháng tuổi tới 3 năm tuổi

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì không có gì phải lo lắng trong trường hợp này. Phần lớn, trẻ con thường cư xử tốt hơn với cơn đói của chúng hơn người lớn. Chúng đói chúng sẽ ăn và không ăn nếu chúng no.

Tuy nhiên, để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, bạn nên giới hạn thời gian ăn uống của bé. Không quá nhanh mà không quá lâu. Uống quá nhiều nước ép trái cây và những nước ép khác cũng khiến bé không muốn ăn món gì khác.

Bé chỉ thích ăn một số thứ và không thích ăn thức ăn khác

Thỉnh thoảng, một số bé có sở thích với một số loại thức ăn và không ăn bất cứ thứ gì khác ngoài thức ăn đó. Thậm chí có bé cả tháng chỉ thích ăn cá mà không ăn thịt.

Để tránh tình trạng này, bạn nên khiến cho bữa ăn trở nên phong phú, có nhiều loại với nhiều món ngay từ khi bé đang tập ăn dặm để bé quen dần với nhiều mùi vị thức ăn.