Lưu trữ cho từ khóa: chả lụa

4 món xôi dễ chế biến

1. Xôi gánh ngũ sắc

xoi-ganh-9944-1379379790.jpg

Nguyên liệu:

- 1 kg nếp, 200 g đậu phụng, 200 g đậu đen, 200 g đậu xanh cà còn vỏ, 200 g đậu xanh cà không vỏ.

- 1 kg dừa nạo vắt lấy nước, 1 lít nước dừa, hành phi, đậu phụng rang, vừng rang, lá chuối, dừa bào sợi.

Cách chế biến:

- Hạt sen, đậu đen, đậu xanh cà, đậu phụng rửa sạch rồi luộc chín. Đậu xanh cà không vỏ luộc chín, 1/2 trộn với nếp, 1/2 còn lại tán nhuyễn với ít muối, đường. Đậu phộng, vừng rang giã nhỏ để làm muối vừng.

- Nếp ngâm mềm qua đêm, đãi sạch rồi ngâm với nước dừa trong khoảng 30 phút. Vớt nếp ra để ráo rồi xóc với ít muối. Dừa bào sợi để riêng.

- Chia nếp làm năm phần rồi trộn đều với các loại đậu, hạt sen. Cho vào xửng hấp chín, trong quá trình hấp nhớ rưới đều nước cốt dừa để xôi chín mềm, thơm ngon. Xôi hấp chín cho vào lá chuối, rắc muối vừng, hành phi dừa nạo lên rồi dùng khi nóng.

2. Xôi mặn

xoi-man-5749-1379379790.jpg

Nguyên liệu:

- 500 g nếp, 2 cây lạp xưởng, nước tương.

- 100 g chà bông, 100 g chả lụa, 100 g pate gan, hành lá.

Cách chế biến:

- Nếp ngâm mềm, vo sạch rồi đem hấp chín.

- Lạp xưởng nướng chín, thái lát mỏng. Chả lụa thái sợi. Hành lá thái nhỏ, phi làm mỡ hành.

- Xôi hấp chín cho ra đĩa, xịt ít nước tương rồi trét một lớp pate. Tiếp đến cho lạp xưởng, chà bông, chả lụa. Cuối cùng là mỡ hành, nếu thích bạn có thể cho ít tương ớt để món ăn đậm đà hơn.

3. Xôi mít lá cẩm

xoi-mit-9371-1379379791.jpg

Nguyên liệu:

- 8-10 múi mít to, 1 bát con nếp.

- Muối, đường, 200 ml nước cốt dừa, 1 thìa nhỏ muối, 1 thìa nhỏ đường cát trắng, 1 thìa nhỏ bột ngô.

- 1 mớ lá cẩm để tạo màu tím, dừa bào sợi, vừng rang chín.

Cách chế biến:

- Lá cẩm rửa sạch, để ráo. Cho lá cẩm vào nồi đun sôi để lấy màu, vớt bỏ lá, nước để nguội.

- Nếp đãi sạch, ngâm vào âu nước lá cẩm, cho một ít muối rồi ngâm nếp qua đêm. Cho nếp vào xửng rồi hấp chín, thỉnh thoảng dùng đũa xới đều, thêm muối, đường cho vừa ăn.

- Mít ăn kèm với xôi thì bạn nên lựa mít chín, múi to, đầy đặn, dùng dao xẻ một đường ở thân múi mít, lấy bỏ hạt mít. Cho nước cốt dừa, muối, đường, bột ngô, bắc lên bếp, vừa đun vừa khuấy đến khi phần nước cốt dừa đặc lại thì tắt bếp, để nguội.

- Múi mít sau khi xẻ thì dùng thìa múc một ít xôi cho vào giữa, tiếp theo bên trên rắc một ít dừa bào sợi, thêm muối vừng và rưới một ít nước cốt dừa.

4. Xôi khúc nhân trứng muối

xoi-khuc-6429-1379379791.jpg

Nguyên liệu:

- 1/2 kg nếp, 8 trứng vịt muối, 1 bó lá dứa.

- 200 g thịt bằm, 200 g bột nếp, 100 g hành tím bằm nhỏ, 50 g đậu phụng rang, 10 g hành phi, 1 thìa cà phê muối.

- Làm nhân bánh: Trứng vịt muối luộc chín lấy lòng đỏ. Ướp thịt heo bằm với hành tím bằm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa đường, 2 thìa tiêu bột rồi trộn đều.

Cách chế biến:

- Nếp ngâm qua đêm vo sạch rồi để ráo nước. Trộn đều nếp với 1 thìa cà phê muối. Lá dứa rửa sạch, cho vào máy sinh tố với 400 ml nước lọc rồi xay lấy nước. Lược qua rây để loại bỏ cặn.

- Trộn 1/2 nước lá dứa với nếp rồi để trong khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra để ráo. Bột nếp trộn với nước lá dứa rồi nhồi đến khi mềm và dẻo là được.

- Vo bột nếp thành từng viên nhỏ, nặn dẹp cho phần nhân vào giữa rồi vo tròn lại. Tiếp tục lăn phần nhân qua nếp tạo thành một lớp bám dày bên ngoài làm vỏ xôi. Xếp xôi vào xửng đem hấp chín trong khoảng 40 phút. Xôi hấp xong cho ít hành phi, đậu phộng giã nhỏ lên trên và dùng nóng với muối vừng.

Khánh Hòa

Phương pháp chọn giò lụa ngon đón Tết

Giò có hương thơm thoang thoảng, khi cắt phải mịn, ướt và có rỗ xốp trên mặt...

Dưới đây là một số cách đơn giản giúp bạn lựa chọn giò lụa cho gia đình dùng trong những ngày đầu năm.

- Thịt lợn được chọn để làm giò lụa phải là thịt nạc loại ngon, tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục đến khi thịt nhuyễn (gọi là giò sống), nhấc chày lên thịt không còn dính. Thời nay, thịt được xay bằng máy nên nhanh hơn và không tốn nhiều công sức của người làm. Tuy nhiên, cây giò làm theo cách cổ truyền vẫn giữ được hương vị ngon khác so với giò xay bằng máy. Nước mắm làm giò cũng phải chọn loại ngon và thơm.

phuong-phap-chon-gio-lua-ngon-don-tet

- Cắt miếng giò, thấy thơm lừng mùi giò, thì nên thận trọng: Giò đã được tẩm hương thịt. Mùi giò do chất lượng giò ngon, chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói. Giò mà thiếu lá gói sẽ mất đi một nửa hương vị truyền thống của nó.

- Mặt giò cắt phải mịn và ướt, đôi chỗ trên mặt có vài rỗ xốp. Đó là do giò được làm từ thịt ngon, nghiền thịt cho độ quánh dẻo, bọc lớp không khí. Khi luộc hoặc hấp giò, không khí bục tạo ra mặt xốp cho giò. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở làm giò cũng “ngụy trang” bằng cách dùng thủ thuật để tạo ra lớp mặt rỗ này cho những loại giò ít thịt mà nhiều mỡ và bột

- Giò ngon, khi cắn, miếng giò không bị bở. Hương vị đặc trưng của giò còn ở cuống họng, sau khi nuốt.

- Khi mua giò về cho dù một số loại có dùng chất bảo quản thì cũng không để được lâu ở nhiệt độ thường từ 250 trở lên. Giò chả loại ngon (ít dùng bột) nếu để trong tủ lạnh, ở ngăn trên cùng (sát ngăn làm đá), có thể bảo quản giò chả được hơn 10 ngày.

(Theo Tạp chí món ngon)

Bản tin 27.12: Giữ gìn truyền thống Việt

(Webtretho) Cuối tuần vừa qua, tấm lòng nhân ái của người Việt đã được tôn vinh trong một chương trình từ thiện đem đến niềm vui cho hơn 3000 trẻ em kém may mắn. Và chúng ta hãy dành chút thời gian để cùng thưởng thức chả giò và chả lụa – món ăn ngon điển hình của Tết Việt.

“Giáng sinh yêu thương” cho trẻ em kém may mắn

Nhân dịp Giáng sinh và đón chào năm mới 2013, cùng sự chung tay của người tiêu dùng và các đối tác, Parkson Việt Nam trao tặng hơn 3.000 phần quà bao gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo… cho hàng ngàn trẻ em nghèo kém may mắn hiện đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại gần 40 mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ xã hội, trường khuyết tật… tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp hoạt động này được tổ chức nhằm đem đến niềm vui ấm áp cho các trẻ em kém may mắn, giúp các em có thêm niềm tin và nghị lực vượt khó vươn lên.

Giáng sinh yêu thương

"Giáng sinh yêu thương" cho trẻ em kém may mắn

Buổi trao quà từ thiện này được tổ chức tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Long Hoa (TP.Hồ Chí Minh) vào ngày 22/12. Ngoài các phần quà được trao tận tay, các em nhỏ kém may mắn còn được hòa vào không khí của các tiết mục văn nghệ tưng bừng, các màn ảo thuật thú vị và sự xuất hiện của các khách mời đặc biệt của chương trình: Hoa hậu Trúc Diễm và MC Phan Anh. Các vị khách mời đặc biệt này sẽ cùng tặng quà và giao lưu với các em trong suốt chương trình. Trước đó các buổi trao tặng cũng đã được tổ chức tại Trường Khuyết tật Thanh Trì (Hà Nội) ngày 13/12, và tại Làng trẻ em SOS Hải Phòng ngày 15/12.

khách mời

MC Phan Anh và Hoa hậu Trúc Diễm tham gia trao quà cho các em nhỏ

Cùng với hơn 2.000 phần quà với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng bao gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu được dành tặng cho các em bởi Parkson Việt Nam, Parkson cũng kêu gọi các đối tác, khách hàng của mình cùng đóng góp thêm hơn 1.000 phần quà khác cho các em nhỏ trong chương trình có tên gọi “Be Santa Claus – Hãy là Ông già Noel tốt bụng”.

Cùng nhau xây dựng Bếp Việt cho thế giới

Đề Án bếp Việt với Chương trình Cùng nhau xây dựng Bếp Việt cho thế giới từ năm 2007 ra mắt năm 2009, kết nối của các chuyên gia ẩm thực, chuyên gia công nghệ thực phẩm, các doanh nhân nhà hàng, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam… hòng từng bước chuẩn hóa ẩm thực Việt, chuẩn hóa các món ăn, sản phẩm thực phẩm chế biến, các nhà hàng và đóng góp thiết thực cho việc quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới. Vừa qua, nhân dịp Tết Nguyên đán Quí Tỵ sắp tới, Đề Án lại cùng nhau tổ chức sự kiện bàn tròn “Giữ gìn Bản Sắc và Giá Trị Ẩm Thực Truyền Thống Việt Nam” và giới thiệu hai món ăn truyền thống độc đáo của Việt Nam: Giò lụa (chả lụa) và Chả giò (nem rán) với sự tham gia trình bày của TS. Nguyễn Nhã và chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương.

webtretho_đề án Bếp Việt

Các khách mời tham dự sự kiện bàn trò "Giữ gìn bản sắc và giá trị ẩm thực truyền thống Việt Nam" (Ảnh: Cầu Tre)

Giò lụa và Chả giò là hai món ăn truyền thống rất độc đáo của Việt Nam:

Giò là một loại món ăn được gói chặt chủ yếu chế biến bằng phương pháp luộc. Có nhiều loại giò gồm giò lụa, giò nạc, giò mỡ, hay giò thủ; giò làm bằng thịt lợn (heo), hay làm bằng thịt bò (giò bò), sau này còn có thêm giò chay… Cũng giống như nguyên liệu làm giò lụa, song thay vì luộc mà nướng thì được gọi là chả như chả quế. Chả phải có dầu mỡ, còn nếu có nước lại là món nấu hay luộc hoặc có nhiều dầu mỡ lại xen rau củ quả cắt miếng thì lại thành món xào.

Chả giò là món ăn chiên, nướng, hấp được cuốn thành từng miếng, bên trong là nhân với thịt, tôm, cá, củ quả xay nhuyễn. Chả giò có rất nhiều chất, nhiều vị, và cực kỳ phong phú với 50 loại chả giò khác nhau. Chả giò hay nem muốn ngon thì không thể thiếu nước chấm ngon, tùy theo món ăn và khẩu vị vùng miền mà có những cách pha khác nhau cho phù hợp.

webtretho_chả giò, chả lụa

Chả giò, chả lụa - những món ăn truyền thống Việt Nam (Ảnh: Cầu Tre)

Có lẽ đọc đến đây, bạn đã thấy rằng vẫn còn nhiều điều chưa hiểu rõ về những món ăn yêu thích từ lâu của mình đúng không nào? Vậy thì hãy cùng tìm hiểu để yêu hơn, để giữ gìn và tiếp tục phát huy những truyền thống văn hóa – nhân văn tốt đẹp của dân tộc mình nhé, từ những miếng ăn cho đến lòng tương thân tương ái!