Lưu trữ cho từ khóa: cậu ấm

8 nguy cơ đối với sức khỏe thanh thiếu niên

 Thanh thiếu niên là những người thuộc độ tuổi từ  10-19. Đây được coi là nhóm tuổi tồn tại rất nhiều nhu cầu để phát triển một cách toàn vẹn nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thật không may rất nhiều người trong số họ gặp những chướng ngại và khó khăn trên con đường phát triển lành mạnh. Đó là sự nghèo đói, chất lượng phục vụ y tế kém và cả những tác hại từ môi trường độc hại xung quanh. Các chuyên gia của WHO đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra những vấn đề cơ bản nhất liên quan tới sự phát triển sức khỏe của giới trẻ hiện nay.

teen

HIV. Gần 45% số người bị nhiễm HIV trên thế giới đều thuộc nhóm tuổi 15-24. Đó chính là lí do tại sao thanh thiếu niên nên biết cách bảo vệ bản thân tránh nguy cơ bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Hãy truy cập vào những trang web hoặc những trung tâm tư vấn miễn phí để xét nghiệm và  biết được tình trạng sức khỏe hiện nay của mình.

Mang thai và sinh con sớm. Mỗi năm có khoảng 16 triệu thiếu nữ từ 15-19 tuổi sinh con và hầu hết đều là những cô gái từ các nước kém phát triển. Ở lứa tuổi này nguy cơ tử vong do các biến chứng sau khi sinh là rất cao. Việc sửa đổi luật pháp như giới hạn độ tuổi kết hôn, tuyên truyền các biện pháp tránh thai… có thể góp phần cải thiện được tình hình.

Thiếu ăn. Thực tế trên thế giới ngày nay tồn tại 2 khuynh hướng tiêu cực và khá đối lập phá hủy sức khỏe của trẻ vị thành niên. Đó là bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em ở các nước thuộc thế giới thứ ba và bệnh béo phì ở các cậu ấm cô chiêu thuộc các nước phát triển. Đối với các nền kinh tế lạc hậu, giải pháp chính là các chương trình viện trợ lương thực, còn ở các nước giàu nên có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc phát triển giáo dục thể chất, tăng cường hoạt động thể thao và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Tâm lý. Theo thống kê ít nhất có tới 20% thanh thiếu niên bị mắc các chứng rối loạn tâm sinh lý, trầm cảm và có xu hướng tự tử. Gia đình và xã hội nên đặc biệt quan tâm tới vấn đề này để có thể cung cấp và hỗ trợ tinh thần kịp thời.

Hút thuốc lá. 150 triệu USD là số tiền mà giới trẻ hiện nay bỏ ra để hút thuốc tính trung bình một ngày trên toàn thế giới. Cấm quảng cáo thuốc lá, tăng giá tiền và cấm hút thuốc ở những nơi công cộng được coi là phương pháp phổ biến nhất để chống hút thuốc. Tuy nhiên chúng vẫn chưa đủ thuyết phục giới trẻ từ bỏ thói quen vô cùng độc hại này.

Sử dụng quá nhiều các loại đồ uống có cồn (bia, rượu). Đây được coi là một xu hướng nguy hiểm của lớp thanh niên hiện đại. Uống quá nhiều bia rượu thực sự ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể dẫn tới tình trạng không làm chủ được mọi hành vi và có thể làm bản thân rơi vào các tình huống nguy hiểm. Đây được coi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, bạo lực và chết yểu. Phương pháp đề ra là cấm quảng cáo và bán bia rượu cho trẻ vị thành niên.

Bạo dâm, bạo lực gia đình và chiến tranh đều là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong cho thanh thiếu niên trên toàn cầu.  Hàng ngày trung bình có từ 20-40 cuộc gọi tới bệnh viện xin giúp đỡ  do hậu quả của các vụ bạo lực. Đối với những người dù đang hồi phục dần sau những chấn thương về mặt thể xác nhưng những tổn thương về mặt tinh thần sẽ luôn đeo bám. Để giúp những người trẻ tuổi thoát khỏi tình trạng này cần cấp thiết xây dựng hệ thống y tế và xã hội hiệu quả.

Tai nạn giao thông. Tính bất cẩn trên đường đi cũng như trong cuộc sống hàng ngày là một mối đe dọa lớn đến cuộc sống và sức khỏe của thanh thiếu niên. Không tập trung và chú ý khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông có thể dẫn tới thương tích nghiêm trọng thậm chí là tử vong. Điều này chỉ có thể được giúp đỡ từ các cơ quan trung ương và địa phương, tuyên truyền phổ biến pháp luật rộng rãi chính là cách thức để bảo vệ thế hệ tương lai của chúng ta.

(Theo ANTD)

“Cậu ấm cô chiêu” và thói quen ỷ lại

Là con nhà khá giả nên có rất nhiều teen quen thói ỷ lại vào bố mẹ mà không có ý chí tự mình vươn lên trong cuộc sống.

Ông cha ta thường có câu “có lớn mà không có khôn” khi nói về những đứa trẻ trưởng thành về mặt thể xác nhưng vẫn “trẻ con về mặt tâm hồn. Đó cũng là một trong những căn bệnh thường gặp ở teen thời nay, sống dựa dẫm và lệ thuộc và cha mẹ!

Há miệng chờ sung

Minh Đức (16t) dù đã học lớp 10 nhưng sáng nào mẹ cũng phải… lên phòng gọi dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng, đồ ăn trưa, chuẩn bị sẵn quần áo, giày dép tận nơi, rồi đeo găng tay, mũ, đưa đi đón về tận nhà. Về nhà lúc nào cũng chỉ sẵn ăn, sẵn uống, chỉ cần “réo” một tiếng là cậu có những thứ mình cần, rồi đâm ra thành thói quen. Theo như lời giải thích của mẹ Đức thì: “Tại vì nó… yếu quá, sợ em nó không làm được việc nặng nhọc”(?!)

Hay Yến (17t) dù là con gái lớn trong nhà, cao lớn, khỏe mạnh nhưng không bao giờ biết làm việc nhà, cứ đi học về là cô bạn ôm truyện tranh hoặc bật máy vi tính, chờ cơm mẹ nấu xong rồi mới chịu rời quyển truyện có khi còn chờ mẹ hay bố gọi lên phòng giục xuống ăn cơm cô bạn còn oằn èo nhõng nhẽo. Việc rửa chén, nhặt rau, quét nhà… Yến chẳng bao giờ đụng tay đến, cái gì cũng “Mẹ ơi!” – câu nói trở thành thói quen của Yến tự khi nào.

Và cứ thế, tự khi nào những cô chiêu cậu ấm chỉ biết sống dựa dẫm vào cha mẹ, không thể tự làm được bất kì một việc nào khác ngoài học và chơi đôi khi sống ở tập thể bị người khác nhìn vào “ái ngại”. “Những công việc chung của lớp chẳng bao giờ thấy các bạn ấy tự giác tham gia cùng mọi ngườ. Mà cũng có thể là do các bạn không biết làm, vì quen được chiều chuộng. Không ít bạn lúc nào cũng coi mình như công tử tiểu thư.” – Minh (THPT Đống Đa) chia sẻ.
Đến chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”

Hân được sinh ra trong một gia đình giàu có được bố mẹ quan tâm hết mực. Cuối năm lớp 12, trong khi bạn bè hối hả làm hồ sơ ngồi kể về những dự định nghề nghiệp của mình trong tương lai và mơ ước về ngôi trường đại học sau này sẽ học của mình thì Hân lại cực kì bàng quan, giống như đó chẳng phải là chuyện gì to tát mà cũng không phải là chuyện của mình. “Chuyện thi cử, chọn trường, hồ sơ bố mẹ tớ lo hết rồi, tớ chỉ cần đi thi cho tốt thôi. Mà thật ra tớ cũng chẳng biết gì mà lo.” – Hân tâm sự. Té ra từ trước đến nay, Hân học vì… bố mẹ, từ chuyện chọn lớp, chọn thầy cô giáo dạy đến chuyện chọn trường, định hướng nghề nghiệp cho mình đều toàn quyền quyết định của bố mẹ Hân. Bạn ấy chỉ cần ngoan ngoãn lắng nghe và thực hiện đúng như những yêu cầu trên mà không phải lo bất kì việc gì khác.

Hay chuyện của cô bạn Ngọc Mai (17t), bố mẹ đôi khi quan tâm thái quá đến cuộc sống riêng tư của cô bạn. Cô bạn chơi với ai, đi đâu, làm gì đều phải báo cáo, trước khi đâu là phải xin phép đi với ai, đi đâu, không được tự ý đi ra ngoài, mẹ gật mới được rđi chơi về trễ. Mai được đưa đi đón về đúng theo giờ qui định, tối khi đi chơi, học xong không la cà, bạn bè không được đến nhà. Mai có tình cảm với một bạn nam trong lớp, dĩ nhiên mọi chuyện mới chỉ dừng ở chuyện cảm mến nhau mà thôi. Bố mẹ biết được ngăn cấm Mai đến cùng, viện đủ mọi lí do để tách hai bạn. Bố mẹ Mai còn chuyển lớp, chuyển trường cho Mai. Bạn bè của Mai thường trêu cô rằng Mai giống như “công chúa cấm cung” vậy.

Và hậu quả của thói “cậu ấm, cô chiêu”

Nếu không nói hẳn các bạn cũng biết được hậu quả của những cậu ấm cô chiêu ấy như thế nào. Được chiều chuộng quen thói khi sống độc lập với cha mẹ Yến trở nên lạc lõng, đi picnic với các bạn có hai ngày nhưng cô bạn không thể tự lo được cho mình, từ chuyện mang vác đồ đạc, đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ đều cảm thấy xa lạ, trong khi các bạn ăn uống ngon lành thì Yến không biết phải làm thế nào với đống đồ ăn sẵn kia. Vì ở nhà mọi thứ đều được mẹ làm cho hết chỉ sẵn ăn thôi. không chỉ thế các bạn còn nhìn cô bạn với ánh mắt ái ngại khi đụng việc gì cũng… hỏng!

Đến câu chuyện của Hân, vì ngôi trường chọn quá cao so với khả năng của Hân, năm ấy Hân thi trượt đó thực sự là một cú sốc không chỉ với Hân mà còn với cha mẹ bạn. Hân cảm thấy ê chề thất vọng như không có lối thoát có những thời gian Hân bị stress nặng, kèm theo đó là sự thất vọng còn lớn hơn từ phía cha mẹ (vì họ đã quá kì vọng vào bạn ấy). Cảm giác mặc cảm, tinh thần xuống dốc phải gần nửa năm Hân mất lấy lại được trạng thái cân bằng. Vì quá được nuông chiều, quan tâm thái quá của cha mẹ mà khi gặp những thất bại từ cuộc sống Hân không thể tự vượt qua được còn cha mẹ họ cũng không thể sống thay những cảm xúc này của cậu.

Cuộc sống là một chặng đường dài mà mỗi bước người ta đi đều là những kinh nghiệm bài học, con người trưởng thành hơn từ mỗi bước đi ấy. Ai rồi cũng phải lớn, nếu bạn lúc nào cũng sống núp dưới bóng của cha mẹ thì bạn mãi mãi là một đứa trẻ không thể thành người lớn và lúc nào cũng trong trạng thái sợ hãi khi không cha mẹ bên cạnh. Chúng mình đã lớn rồi, hãy sống một cách độc lập khi trưởng thành, chọn cho mình những hướng đi tốt nhất nhưng cũng đừng quên lắng nghe và thấu hiểu những lời dạy của cha mẹ, bạn nhé!

BACSI.com (Theo kenh14)