Lưu trữ cho từ khóa: cao niên

Các ngả đường dẫn đến bệnh Parkinson

Có nhiều biểu hiện giống với dấu hiệu của tuổi già, Parkinson dễ khiến nhiều người tặc lưỡi bỏ qua. Chính vì vậy, bệnh lại càng trở nên trầm trọng.

Mắc bệnh do di truyền

Trong tâm trạng lo lắng, ông Trần Hưng, 50 tuổi ở Lĩnh Nam (Hà Nội) tìm đến bác sĩ. Ông thấy mắt dạo này bị đơ, không linh hoạt như trước đây, thỉnh thoảng tay như bị lạnh cóng, sinh hoạt khó khăn.

Sau khi làm một vài xét nghiệm, bác sĩ hỏi tiền sử gia đình có ai mắc bệnh parkinson không thì biết ông nội ông Hưng mắc bệnh này lúc ngoài 60 tuổi. Bác sĩ chẩn đoán ông Hưng đã bị bệnh này vài năm rồi, nhưng bây giờ nó mới biểu hiện ra bên ngoài. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng có khoảng 5-10% bệnh nhân Parkinson có xu hướng di truyền trội hoặc di truyền cơn.

Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như: rối loạn cương dương ở nam giới, một số viêm não B, bệnh giang mai, sau chấn thương làm chảy máu ở các nhân xám trung ương. Tuổi càng cao bệnh càng gây khó khăn khi cử động, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ, người già hay kéo lê chân và tăng nguy cơ té ngã. Bệnh bắt đầu từ giai đoạn không triệu chứng và có thể tiến triển đến mức bị tàn phế hoàn toàn trong vòng 10-20 năm.

Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa thần kinh hay gặp nhất. Cả nam và nữ đều có nguy cơ bị mắc bệnh Parkinson ngang nhau. Ở Việt Nam vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về bệnh này. Nhưng rất nhiều người không biết mình bị mắc bệnh, và con cháu vẫn nhầm là biểu hiện của tuổi già nên không đưa đi khám, hoặc khám không đúng chuyên khoa.

cac-nga-duong-dan-den-benh-parkinson Các ngả đường dẫn đến bệnh Parkinson cac nga duong dan den benh parkinson1

Ảnh minh họa

Trầm cảm có thể gây bệnh

Trong quá trình điều trị, bác sĩ phát hiện ra ông Hưng bị mắc bệnh trầm cảm từ khi vợ ông qua đời. Vì rất yêu vợ nên sự ra đi của bà khiến ông đau buồn trong suốt nhiều năm. Từ đó, ông sống khép mình và ít chia sẻ buồn vui với mọi người. Ông hay nhớ về quá khứ, đôi khi khóc một mình.

Trầm cảm có thể mắc ở mọi lứa tuổi, nó là một dạng rối loạn tâm lý, người ta có thể đau khổ quá mức về một chuyện gì trong đời như thất nghiệp, ly hôn, bị tai nạn, người thân qua đời… Khi về già con người càng dễ mắc hơn nếu thiếu sự quan tâm của người thân.

Gần đây các nhà khoa học chỉ ra rằng đó có thể là một trong những biểu hiện sớm của bệnh Parkinson. Kết luận này được chứng minh bằng một cuộc khảo sát tại châu Âu. Các nhà nghiên cứu phát hiện trên 80% bệnh nhân Parkinson thường xuyên bị trầm cảm.

Trong cuộc khảo sát trên 500 bệnh nhân Parkinson từ loại nhẹ đến vừa phải ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh, các nhà nghiên cứu phát hiện 40% bệnh nhân ít khi hoặc không bao giờ nói với bác sĩ về tình trạng trầm cảm của mình. Họ cũng phát hiện gần như tất cả các bệnh nhân thường xuyên hay thỉnh thoảng có các triệu chứng của trầm cảm, nhưng chính họ cũng khó biết là mình bị trầm cảm.

Triệu chứng mắc Parkinson

Rối loạn phản xạ gân xương, phản xạ mũi, run môi, run tay chân, mi mắt tăng, không có rung giật nhãn cầu; rối loạn thần kinh thực vật như ra nhiều mồ hôi, tiết nhiều nước bọt, tăng tuyến bã, táo bón, phù, tím đầu chi…

cac-nga-duong-dan-den-benh-parkinson Các ngả đường dẫn đến bệnh Parkinson cac nga duong dan den benh parkinson

Chăm sóc tại gia

Ban đầu những triệu chứng rất mờ nhạt nên người bệnh vẫn có thể tiếp tục cố gắng được trong các sinh hoạt bình thường như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, uống thuốc và đi vệ sinh. Vì vậy, đến khi thấy rõ các triệu chứng run tay chân, khó cử động nhiều người mới lo lắng đi khám bác sĩ. Họ không biết mình mắc bệnh từ khi nào vì những năm trước nó không có biểu hiện gì rõ ràng nên cho rằng mình bị mỏi cơ đơn thuần.

Chúng ta không thể nào dự đoán trước triệu chứng nào sẽ trở nên chính yếu và làm cho bệnh nhân suy yếu nhiều nhất. Điều này gây khó khăn cho việc sắp xếp và lên kế hoạch chăm sóc trong tương lai. Tuy nhiên, chăm sóc cho người bệnh tại nhà tốt hơn so với việc để bệnh nhân nằm viện. Bởi vì bệnh nhân sẽ có tâm lý thoải mái vì được gần gũi người thân, chi phí đỡ tốn kém. Gia đình chỉ cần cho bệnh nhân đi khám định kỳ hoặc gọi bác sĩ tới nhà thăm khám xem mức độ của bệnh đến đâu và kê thuốc điều trị hợp lý.

Nhu cầu của người bệnh parkinson sẽ tăng lên theo thời gian và yêu cầu đối với người chăm sóc cũng sẽ cao hơn. Người bệnh sẽ bị mất khả năng sống độc lập, nấu ăn, lái xe, đi ra ngoài… Do đó người chăm sóc sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Căn phòng dành riền cho người bị bệnh Parkison cũng phải được chuẩn bị sẵn dụng cụ tập đi, xe lăn, đồ ăn uống… những gì dễ rơi vỡ để tránh xa. Nếu người bệnh có triệu chứng lú lẫn thì không được để tủ thuốc cạnh giường

Bị Parkinson uống thuốc hay phẫu thuật?

Ít người lựa chọn phương pháp phẫu thuật bởi vì nó liên quan tới não, sẽ có một số nguy cơ nhất định. Phẫu thuật thường được chỉ định khi bệnh nhân mắc bệnh Parkinson nửa người, không có suy giảm trí nhớ, tuổi dưới 50.

Mục tiêu điều trị đối với bệnh Parkinson là phải kiểm soát những triệu chứng càng lâu càng tốt và hạn chế tối đa hiện tượng đãng trí, ảo giác. Bác sĩ sẽ chọn cách điều trị phù hợp nhất tùy thuộc vào những triệu chứng nổi bật của bệnh nhân.

Thông thường trong giai đoạn sớm, bệnh nhân uống thuốc để duy trì công việc và sinh hoạt bình thường. Đa số các triệu chứng của bệnh là do thiếu hụt chất dopamin ở não, nên người ta đã chế ra các thuốc nhằm thay thế cho dopamin, hoặc bắt chước tác dụng liên kết của dopamin trên não. Các thuốc này giảm run, giảm cứng đờ và chậm chạp do bệnh Parkinson gây ra.

– Nếu nguyên nhân là do run giật, có thể sử dụng thuốc điều trị run giật như amantadine Symadine, Symmetrel. Thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng run giật khoảng 50% trường hợp và không gây cứng khớp và di chuyển chậm chạp.

– Nếu nguyên nhân là do cứng khớp, di chuyển chậm chạp, giảm sự khéo léo, nói chậm, lê chân, đó là những triệu chứng liên quan đến các neuron dopamin. Thuốc được sử dụng là Levodopa-carbidopa (Sinemet) có tác dụng tăng lượng dopamin trong não.

Bên cạnh việc uống thuốc đúng cách, người bệnh nên tập thể dục tích cực. Những người càng lười vận động thì bệnh càng nặng hơn. Nên ăn nhiều rau quả, không kiêng thịt cá, nhưng không ăn nhiều trong một bữa.

Theo Nguyễn Nam/Suckhoegiadinh.com.vn

Người già cần cảnh giác khi khớp kêu “lục cục”

Đôi khi những người già nghe tiếng kêu “lục cục” phát ra từ khớp gối hay từ một khớp nào khác. Liệu đó có phải là biểu hiện của một tình trạng tổn thương của khớp hay không?

nguoi-gia-can-canh-giac-khi-khop-keu-luc-cuc Người già cần cảnh giác khi khớp kêu “lục cục” nguoi gia can canh giac khi khop keu luc cuc

Khi tuổi tác nhiều lên, các khớp xương không được hoạt động trơn tru dẫn đến khô khớp. Hiện tượng khớp kêu thường là một triệu chứng lành tính. Trừ trường hợp có kèm theo các triệu chứng đau, cứng khớp gây trở ngại khi vận động… thì nhất thiết phải được thăm khám và xác định nguyên nhân.

Bệnh trầm kha của người già

Trên cơ thể người có một số vị trí khớp căn bản: ngón tay, cột sống thắt lưng, cột sống cổ, gót chân, khớp gối, khớp háng… giống như mối nối giúp cơ thể di chuyển, cử động dễ dàng.

Cấu tạo khớp gồm có dây chằng, cơ bắp, gân, sụn và bao khớp. Trong đó sụn là một lớp mô trong suốt, có tính đàn hồi tốt, sụn bao quanh đầu xương để ngăn các xương chạm vao nhau, hấp thụ lực tác dụng lên khớp khi đi làm khớp cử động nhẹ nhàng mà không đau.

Tuy nhiên sụn lại không chứa mạch máu và dây thần kinh nên không được máu nuôi trực tiếp nên sụn dễ bị thoái hóa theo tuổi tác mà không có dấu hiệu nào.

Theo thời gian, mặt sụn khớp này sẽ hư dần, đầu tiên là lớp sụn mềm đi hay còn gọi là nhuyễn sụn, tiếp theo sau mặt sụn bị tưa, xuất hiện các khe nứt làm bong tróc lớp sụn, dẫn đến tình trạng nặng nhất là bong lớp sụn làm trơ mặt xương dưới sụn gây ra hiện tượng khô xương khớp. Khô khớp có thể chỉ biểu hiện đơn độc cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác của bệnh khớp như sưng, nóng, đỏ khớp, đau khớp, hạn chế vận động. Bệnh làm khớp bị khô, đau rát, khó vận động, biến dạng chi như vẹo trong, vẹo ngoài khớp gối; gồ ghề quanh khớp hay vẹo cột sống thắt lưng…; nghe, cảm nhận tiếng lục cục khi bắt đầu vận động khớp…

Khô khớp gặp chủ yếu ở người trưởng thành, trong đó đáng chú ý nhất là người cao tuổi. Những người trẻ tuổi không được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất; ngoài ra, những người uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, những người béo phì, người thường xuyên phải lao động nặng do các khớp bị đè nén nhiều hay sự thay đổi hormon như estrogen… cũng dễ bị khô khớp.

Ở người còn trẻ tuổi, nhất là còn thiếu niên thì tình trạng trên có thể chỉ là hiện tượng sinh lí bình thường do hệ thống dây chằng, bao khớp và các sụn đầu xương chưa ổn định, khi vận động đột ngột có thể phát ra những âm thanh.

Ngoài ra khô khớp còn do các nguyên nhân sau: Do viêm khớp (viêm đa khớp tiến triển), bệnh thống phong, bệnh vẩy nến, do hiện tượng vôi hóa ở ổ khớp: Sự lắng đọng canxi ở ổ khớp gây trở ngại cho hoạt động của khớp, làm khớp bị khô, do trật khớp thường sau chấn thương, Do căng giãn quá mức cân cơ khiến các khớp bị lệch vị trí và tạo ra sự cọ xát, lạo xạo…, do béo phì dẫn đến thoái hóa khớp và làm nặng thêm tình trạng viêm khớp do sức nặng của trọng lượng cơ thể đè nén lên ổ khớp, do hoạt động điền kinh: chạy nhảy, di chuyển với tốc độ nhanh.

Lành tính nhưng không được chủ quan

Để đề phòng và hạn chế khô khớp, ngay khi còn ở lứa tuổi ngoài 40 cần tập thể dục đều đặn và cố tránh bị béo phì hoặc bị tiểu đường vì khô khớp rất thường gặp, dễ xảy ra nặng ở những người bệnh này. Chú ý tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống.

Một khi đã bị hiện tượng khô khớp xương bạn cần tìm rõ nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm. Kiểm tra trọng lượng cơ thể để hạn chế sự tiến triển của tình trạng thoái hóa khớp và giảm nguy cơ chấn thương.

Nếu chỉ thấy xuất hiện tiếng lạo xạo đơn thuần, không có triệu chứng kèm theo thì không nên ngừng hoạt động, bởi khớp bất động kéo dài càng làm cho tình trạng thêm nặng.

Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giàu axit béo omega-3 có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, dầu ô liu có tác dụng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng đau khớp. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, D, E và beta-caroten có nhiều trong rau, củ, quả như ổi, dâu tây, cà chua, cà rốt, bí đỏ, các loại rau xanh và đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch. Có tác dụng giảm đau, chống viêm, làm chậm sự tiến triển của bệnh. Uống đủ 2 lít nước lọc mỗi ngày. Bạn cần hạn chế đồ uống có cồn, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Bạn cũng cần bảo vệ khớp khỏi các chấn thương.

Không có thuốc nào chữa khỏi hẳn bệnh khô khớp vì đây là một tất yếu của tuổi già. Nhưng ta có thể hạn chế, làm chậm lại quá trình này bằng tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp tình trạng sức khỏe và chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng khô khớp.

Tập thể dục mỗi ngày là phương pháp khỏe mạnh để giúp các khớp xương hoạt động trơn tru, giảm bớt co cứng cơ, tránh hiện tượng dính khớp. Xoa bóp vùng bị tổn thương giúp cho phục hồi nhanh hơn. Có thể áp dụng các bài tập thể dục trị liệu hay tập bơi, chơi cầu lông, bóng bàn, đi bộ nhẹ nhàng vào buổi sáng, tối. Hạn chế việc gấp duỗi gối. Đặc biệt tránh động tác ngồi xổm, ngồi gập gối quá 90 độ làm tăng áp lực lên khớp bánh chè đùi.

Ngoài ra bạn không nên bẻ các khớp ngón tay, chân, hay vặn xương sống. Tuy nó sẽ giảm mỏi nhất thời xong lại rất có hại nếu tình trạng ấy thường xuyên xảy ra. Bẻ các khớp sẽ càng làm cho khớp khô hơn, lâu dần sẽ tăng thoái hóa. Những lúc nghỉ giải lao giữa giờ làm việc, bạn nên vươn người, co duỗi tay, chân tại chỗ, làm các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Không nên tập quá sức, khi cảm thấy khớp có triệu chứng, đau, mỏi cần nghĩ ngơi.

Trường hợp các khớp khô và kèm theo viêm, sưng, tấy đỏ và đau nhức bạn nên đên chuyên khoa xương khớp để chuẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Hiểu Đan/Suckhoegiadinh.com.vn

Tác dụng phụ của thuốc ở người già

Quá trình lão hóa làm giảm khả năng hấp thu, chuyển hóa cũng như phân bổ và bài tiết thuốc kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến phản ứng bất ngờ và có hại do thuốc gây ra ở người già.

Phần vì người già lại thường nay đau mai ốm nên dùng nhiều thuốc hơn so với người trẻ tuổi. Phần do trí nhớ sa sút, thị lực và thính lực kém nên đôi khi có sự nhầm lẫn khi uống thuốc nhất là liều lượng thuốc.

Đôi khi, họ còn tự ý dùng quá liều chỉ định để phòng bệnh chẳng hạn như uống thuốc giảm đau đề phòng bệnh cảm cúm.

tac-dung-phu-cua-thuoc-o-nguoi-gia Tác dụng phụ của thuốc ở người già tac dung phu cua thuoc o nguoi gia

Ảnh minh họa

Những biểu hiện lâm sàng thường gặp khi người già bị tác dụng phụ của thuốc

Trường hợp té ngã phổ biến khi người già bị tác dụng phụ của thuốc. Người già phần nhiều dễ mắc bệnh loãng xương sẽ bị té ngã, đôi khi phải nằm bất động lâu và gây ảnh hưởng đến sinh họat hàng ngày của họ.

Cảm giác buồn ngủ như ngủ gật sẽ xuất hiện, do một số lọai thuốc gây ức chế họat động của hệ thần kinh trung ương. Sự rối loạn giấc ngủ cũng có nguy cơ xảy ra, đặc biệt đối với các loại thuốc điều trị bệnh hen suyễn, cao huyết áp, an thần…

Hoạt động tiêu hóa bị rối loạn do phản ứng phụ của thuốc rất dễ nhận biết. Nguyên nhân do chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày ít làm giam sự tưới máu cho dạ dày và ruột gây phản ứng nhất là khi dùng thuốc điều trị bệnh viêm khớp. Điều này có thể gây đầy bụng, khó tiêu hoặc trướng bụng một cách khó chịu, đôi khi gây xuất huyết đường tiêu hóa.

Táo bón do tác dụng phụ của thuốc cũng thường xảy ra ở người già. Đồng thời, một số loại uốc điều trị bệnh trầm cảm, bệnh Parkinson… cũng gây tiểu khó hoặc tiểu không kiểm sóat đối với người già.

Lưu ý khi người già bị tác dụng phụ của thuốc:

– Việc uống thuốc và theo dõi những phản ứng của thuốc có nguy cơ xảy ra ở người cao tuổi luôn cần đến sự quan tâm của gia đình và người thân của họ.

– Người thân trong nhà cần liệt kê những chủng loại thuốc và khả năng tương tác của thuốc, nếu có cũng như những chỉ dẫn cụ thể khi sử dụng thuốc cho người cao tuổi.

– Chẳng hạn như thực phẩm cần tránh khi uống thuốc, thời điểm uống thuốc… Khi mua thuốc cho người cao tuổi, cần tìm hiểu xem bệnh nhân có thể sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc hay không?

Theo Thạch Thảo/Suckhoegiadinh.com.vn

8 điều không nên làm ở người cao tuổi

Con người khi về già các bộ phận trong cơ thể đều bị lão hóa. Do vậy, một số thói quen thời trẻ có thể gây ra những hậu quả rất khó lường.

1. Giảm tốc độ khi nói

Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, nói nhanh, nói nhiều dễ làm tăng huyết áp, nhịp tim theo đà cũng tăng theo. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh tim mạch nên nói ít, nói chậm, kể chuyện vui nhẹ nhàng sẽ có lợi cho sức khỏe.

8-dieu-khong-nen-lam-o-nguoi-cao-tuoi 8 điều không nên làm ở người cao tuổi 8 dieu khong nen lam o nguoi cao tuoi

2. Không nên thể dục vào sáng sớm

Vâng, bạn không đọc sai đâu. Nhiều người già khó ngủ nên hay dậy sớm tập thể dục, nhưng khoa học đã chứng minh rằng việc tập luyện vào lúc chiều tối sẽ khỏe và an toàn hơn.

Từ 4-6 giờ sáng theo quy luật đồng hồ sinh học thì cả thân nhiệt lẫn huyết áp của người già đều cao hơn sơ với buổi tối. Nếu vận động quá sức, sẽ không có lợi cho tim mạch. Đặc biệt, sau khi tập luyện không nên tắm ngay huyết áp tăng đột ngột, dễ đột quị.

3. Không nên trở dậy vội vàng khi đang ngủ

Có tuổi, thần kinh sẽ phản ứng chậm chạp hơn. Khi đang ngủ mà bất ngờ ngồi dậy dễ làm tăng huyết áp dẫn đến đứt mạch máu não. Do vậy, đang ngủ khi có việc cần dậy phải từ từ theo ba bước sau, mỗi bước khoảng nửa phút:

– Bước một khi tỉnh giấc hãy nhắm mắt lại nằm thêm nửa phút.

– Bước hai, ngồi dậy tại giường nửa phút, xoa tay, xoa chân.

– Bước ba, cho hai chân chạm đất hoặc chạm nền nhà nửa phút rồi mới đứng dậy đi.

4. Mặc quần không nên đứng co một chân

Người già xương thường bị xốp do thiếu calci. Khi mặc quần tốt nhất là nên ngồi trên ghế hoặc trên giường tránh tình trạng đứng xỏ chân từng ống sẽ mất thăng bằng dễ bị ngã. Khi trong nhà tắm nếu không có chỗ ngồi thì phải dựa vào một bên tường để giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Đã có nhiều người già bị ngã gãy xương ống chân, dập xương chậu vì đứng co chân mặc quần.

5. Khi đi đại tiện không nên rặn quá mức

Người già thường xuyên bị táo bón. Do vậy khi đi vệ sinh, các bác sĩ khuyến cáo không nên rặn mạnh dễ giãn tĩnh mạch ở hậu môn gây chảy máu. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn khi rặn quá sức, mặt mũi đỏ gay, huyết áp tăng dẫn tới tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

6. Không nên ngửa cổ quá nhiều về phía sau

Khi ngồi ghế tựa, người già thường có thói quen ngửa cổ về phía sau cho đỡ nhức mỏi. Tuy nhiên, nếu ngửa cổ quá mức ra phía sau, xương cổ có thể chèn ép mạch máu, hạn chế lượng máu đưa lên não gây ra thiếu máu não làm ngất xỉu.

7. Không nên quá xúc động

Với người có tuổi, mạch máu đã bị lão hóa, nếu để tâm trạng bị xúc động mạnh như quá vui, quá tức giận hay quá buồn dễ bị nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não. Vì vậy, người già cần sống thanh thản, vui vẻ không nghĩ ngợi hay tính toán nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.

8. Đừng ngoái đầu một cách đột ngột

Người già mạch máu thường xơ cứng, thành mạch dày hẹp và đàn hồi kém. Nếu đột nhiên quay ngoắt đầu về phía sau, mạch máu ở cổ bị chèn ép, động mạch vốn đã hẹp bị chèn ép lại càng hẹp hơn cộng thêm thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh làm mạch máu co lại, máu lưu thông chậm làm não thiếu máu cục bộ, thiếu ôxy nên bị choáng, hoa mắt, chóng mặt, có người đã bị ngã.

Vậy đang đứng hoặc đang đi nếu có ai gọi từ phía sau, chớ có quay ngoắt đầu lại ngay mà nên quay chầm chậm. Tốt nhất là xoay cả người lại, tránh chỉ quay đầu.

Theo Bình Nguyên/Suckhoegiadinh.com.vn

Tập thể dục giúp cơ phục hồi nhanh ở người cao tuổi

Thêm một lợi ích của tập luyện thể dục thường xuyên ở người cao tuổi là có thể giúp cơ phục hồi nhanh hơn sau khi bị tổn hại. Kết luận này được các nhà khoa học Canada thuộc ĐH Hamilton ở TP Ontorio công bố trên tờ The FASEB Journal sau những khảo sát trên chuột.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 3 nhóm chuột – gồm chuột già có tập thể dục thường xuyên trong 8 tuần, chuột già không luyện tập và chuột trẻ không luyện tập – cùng có cơ ở chân bị tổn thương vì nọc rắn. Họ xem xét mô cơ của chúng trước, 10 ngày sau và 28 ngày sau khi bị tổn thương. Kết quả cho thấy cơ bắp của cả 3 nhóm đều teo lại ở ngày thứ 10 nhưng đến ngày thứ 28, cơ bắp chỉ phục hồi ở 2 nhóm chuột có tập thể dục và chuột trẻ.

Nhóm nghiên cứu kết luận chính việc tập luyện trước khi cơ bị tổn thương đã cải thiện khả năng tái tạo khung cơ ở chuột già. Họ giải thích với nhiều loài động vật có vú như người và chuột, cơ ở tuổi trưởng thành chứa những tế bào vệ tinh vốn là những tế bào gốc im lìm nhưng sẽ hoạt động khi bị thương và sửa chữa tổn hại do vết thương gây ra khi chúng được kích hoạt. Thời gian cơ tự phục hồi chậm dần theo tuổi tác và tới độ tuổi nào đó, khung cơ hoàn toàn không thể phục hồi nhưng tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện khả năng từng có.

Theo Trúc Lâm/nld.com.vn

Biện pháp giúp người già giữ thăng bằng

Người già việc giữ thăng bằng và đi lại đôi khi khó khăn. Dưới đây là một vài lưu ý để người già giữ thằng bằng tốt hơn, tránh những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lưu ý

Chỉ mang những loại giày thoải mái và an toàn (<5cm).

Khi đi bộ phải giữ đầu thẳng, nhìn thẳng về phía trước.

Tránh các nơi trơn trượt, đừng ngại dùng gậy để chống nếu cần.

bien-phap-giup-nguoi-gia-giu-thang-bang

Ảnh minh họa

Cúi xuống

Không được cúi xuống nếu không tựa vào một vật chắc chắn nào đó. Khi đó, phải cúi người xuống thật từ từ và sử dụng vật tựa. Một khi hai đầu gối đã ở trên mặt đất, chống tay xuống đất và ngồi nghiêng sang một bên.

Ra khỏi giường

Nằm nghiêng sang một bên, sau đó cho cùng lúc cả hai chân xuống giường. Ngồi dậy bằng cách chống một tay lên giường. Phải ngồi một lúc ở thành giường trước khi đứng dậy.

Đứng dậy sau khi ngã

Một khi đang ngã trên mặt đất, nếu muốn đứng dậy phải nhổm dậy bằng cả hai tay lẫn hai chân, sau đó trườn (bò) đến một vật tựa nào đó và đứng dậy thật từ từ.

Nhặt một vật trên mặt đất

Phải tựa tay vào một vật chắc chắn nào đó và giữ trọng lực cơ thể trên chân của bạn. Cúi xuống trên một đầu gối, tay vẫn dựa trên vật tựa, và nhặt lấy vật cần thiết bằng tay kia. Kéo vật đó về phía mình và sau đó đứng lên từ từ, lúc nào cũng phải dựa vào vật để tựa.

Theo Bình An/Suckhoegiadinh.com.vn

The post Biện pháp giúp người già giữ thăng bằng appeared first on Tin Sức Khỏe.

Triệu chứng đau mỏi xương khớp ở tuổi trung niên

Triệu chứng đau mỏi xương khớp cũng khá phổ biến và là một trong những lý do chính khiến những phụ nữ này đến gặp bác sĩ khám bệnh. Hơn thế nữa, tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh là lứa tuổi mà một số bệnh xương khớp bắt đầu xuất hiện như:

1. Triệu chứng đau xương khớp thông thường

Ở giai đoạn tiền mãn kinh là những triệu chứng đau mơ hồ, thường là đau ít, lan tỏa toàn thân, đau cả xương và khớp không xác định rõ vị trí cụ thể, các khớp đau không có biểu hiện của viêm (không sưng nóng đỏ).

Đây là những biểu hiện lành tính, thường kết hợp với các triệu chứng khác của biểu hiện tiền mãm kinh. Triệu chứng sẽ giảm và hết khi qua giai đoạn này.

trieu-chung-dau-moi-xuong-khop-o-tuoi-trung-nien

Ảnh minh họa

2. Đau khớp do thoái hóa khớp

Ở tuổi tiền mãn kinh cũng là lứa tuổi mà bắt đầu có biểu hiện triệu chứng thoái hóa khớp. Bệnh nhân thường đau khớp khi cử động, giảm khi nghỉ ngơi. Khớp thường bị là khớp gối, cột sống, khớp đốt ngón tay, ngón chân.

Đau khớp trong bệnh lý thoái hóa thường không sưng nóng đỏ. Đôi khi chỉ sưng khớp gối khi có tràn dịch khớp.

3. Đau cột sống do loãng xương, lún xẹp đốt sống

Mật độ xương đỉnh của con người cao nhất ở lứa tuổi 20-35 tuổi, sau 40 tuổi mật độ xương đỉnh bắt đầu giảm, đặc biệt giảm nhanh ở giai đoạn đầu của mãn kinh với tốc độ đạt đỉnh là 1,8-2,5% giảm mật độ xương hàng năm.

Do đó, phụ nữ ở tuổi mãn kinh có nguy cơ loãng xương rất cao và nguy cơ gẫy xương, lún xẹp đốt sống cũng tăng lên.

4. Đau khớp do viêm khớp

Viêm khớp do thấp ở nhóm tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh ít gặp hơn. Nhóm bệnh lý này (viêm khớp dạng thấp) thường khởi phát ở tuổi trẻ hơn 30 tuổi đến trước 50 tuổi, đôi khi cũng gặp khởi phát bệnh ở tuổi mãn kinh với những triệu chứng khớp đau kèm theo sưng nóng, cứng khớp buổi sáng kéo dài, khớp viêm đối xứng hai bên, vị trí thường gặp là các khớp cổ tay, bàn ngón tay, ngón gần, bàn ngón chân. Nếu không chẩn đoán và điều trị đúng sẽ dẫn đến dính và biến dạng khớp.

5. Đau khớp trong ung thư

Tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh cũng là lứa tuổi có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất. Với phụ nữ nhóm tuổi này; ung thư vú, ung thư cổ tử cung, buồng trúng, ung thư phổi, đường tiêu hóa là những ung thư hay gặp với tần suất mắc cao.

Khi bệnh nhân bị ung thư ở một cơ quan nào đó, ngoài triệu chứng toàn thân suy sụp như gầy sút cân, mệt mỏi thì những biểu hiện xương khớp cũng thường gặp như: sưng đau một vài khớp (khớp gối, cổ chân, khớp vai), đau dọc các xương dài, phì đại các đầu ngón tay (ngón tay hình dùi trống).

Khi ung thư đó có biểu hiện di căn xương thì bệnh nhân thường rất đau, toàn thân suy sụp nhiều vì di căn xương là giai đoạn muộn của bệnh. Khi đó, chụp xạ hình xương toàn thân sẽ phát hiện được di căn xương hay không. Vị trí di căn thường là khung chậu và cột sống.

Lưu ý để điều trị bệnh xương khớp

Những biểu hiện đau xương khớp ở lứa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh có thể chỉ là những triệu chứng cơ năng, lành tính, thoáng qua cùng với nhiều triệu chứng khác của hội chứng tiền mãn kinh. Cũng có thể là những triệu chứng của bệnh lý thực nhe trên đã nêu.

Có hai thái cực cần tránh: Một là lo lắng quá, những phụ nữ có những biểu hiện của tiền mãn kinh đôi khi hay có trạng thái lo lắng quá mức. Hai là chủ quan quá mức không đi khám bệnh kịp thời để bệnh diễn biến nặng rất khó điều trị và chi phí sẽ tốn kém.

Do dó, những phụ nữ ở lứa tuổi này cần đến khám bác sĩ định kỳ như các bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ cơ xương khớp, bác sĩ tim mạch và bác sĩ tâm lý để được phát hiện bệnh kịp thời, tư vấn bệnh tật và hướng dẫn dùng thuốc, đặc biệt khi có những biểu hiện bất thường trong tuổi mãn kinh.

Ngoài chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, thể dục hợp lý ở lứa tuổi tiền mãn kinh đôi khi cần phải dùng một số thuốc như: liệu pháp hormone thay thế, oestrogen, các thuốc bình thần để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh, hay là các thuốc điều trị thoái hóa khớp, loãng xương hoặc thuốc điều trị đặc hiệu khác khi bác sĩ chuyên khoa thấy cần thiết phải dùng.

Ths. BS. Hoàng Văn Dũng

Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai

Theo Suckhoegiadinh.com.vn

Biểu hiện biến chứng bệnh khí phế thũng

 Bệnh khí phế thũng là một bệnh phổi tiến triển rất hay gặp ở người cao tuổi (NCT) do căng giãn thường xuyên làm giảm khả năng đàn hồi, thậm chí làm mất khả năng hồi phục của thành các tiểu phế quản, phế quản tận và phế nang. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Những yếu tố gây bệnh khí phế thũng

Nguyên nhân gây nên khí phế thũng rất đa dạng, nổi bật nhất là viêm phế quản, tiểu phế quản, phế nang mạn tính, kéo dài. Những viêm nhiễm này có thể do vi khuẩn, virut, ký sinh trùng nhưng cũng có thể do tác động của hóa chất, bụi bẩn, khói do các chất đốt (than đá, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào), khói thải ra từ các động cơ (ôtô, xe máy, máy nổ). Nghiên cứu cho thấy, người nghiện thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt là NCT, tỷ lệ mắc bệnh khí phế thũng rất cao. Lý do là khói của thuốc lá, thuốc lào có thể làm tê liệt tạm thời các lông chuyển của thành phế quản, tiểu phế quản và phế nang (ở người bình thường, các lông chuyển này có tác dụng đẩy các chất gây kích ứng và các mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp). Khi các lông chuyển bị tê liệt thì các chất gây kích ứng sẽ bị ứ đọng lại ở phế quản, dần dần thâm nhiễm vào các phế nang gây viêm và cuối cùng làm xơ hóa các sợi chun.

nct1

Tổn thương phổi do khí phế thũng.

Ngoài ra, do tuổi cao nên thiếu một loại protein có tên là AAt (anpha1- antitripsin) có tác dụng bảo vệ các cấu trúc chun của phổi tránh tác động của một số men (enzym). Nếu thiếu protein AAt có thể dẫn đến tổn thương phổi tiến triển và hậu quả là bị bệnh khí phế thũng. Một số bệnh mạn tính như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn tính cũng làm căng giãn thường xuyên các thành phế quản, phế nang và cả hệ thống mao mạch của tổ chức phổi gây nên khí phế thũng. Lao phổi cũng là một trong những nguyên nhân gây khí phế thũng vì vi khuẩn lao làm tổn thương và xơ hóa thành phế nang. Ngoài ra, bệnh khí phế thũng cũng gặp ở những nghệ sĩ thổi kèn, công nhân thổi bóng đèn thủy tinh hoặc bị bệnh bụi phổi do phải thường xuyên tiếp xúc với bụi của hầm lò, nhà máy, công ty may, công ty bông vải, sợi…

Biểu hiện và biến chứng của bệnh như thế nào?

Biểu hiện chính của bệnh khí phế thũng là khó thở ra, nhất là lúc mang, vác nặng, lên cầu thang hoặc làm việc nặng, quá sức, mệt mỏi và giảm khả năng hoạt động thể lực. Khó thở có thể tăng lên khi nằm hoặc đang bị viêm phế quản, viêm phế quản – phổi, áp-xe phổi, hen suyễn… Khám bệnh có thể thấy người bệnh có biểu hiện khó thở, môi tím (do thiếu ôxy), lồng ngực biến dạng (người ta gọi là lồng ngực có dạng hình thùng), gõ vang, rì rào phế nang giảm, nghe phổi có ran ẩm, ran ngáy, ran rít, ran nổ. Trường hợp nặng có thể xuất hiện phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi (khi đã biến chứng).

Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như Xquang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu ngoại vi, xét nghiệm đờm, điện tim… rất cần được thực hiện để giúp cho việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Lưu ý một số bệnh về phổi có thể nhầm với khí phế thũng như hen suyễn, tràn khí màng phổi, kén phổi, COPD… Bệnh khí phế thũng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm như tâm phế mạn (dẫn đến suy tim), suy hô hấp, tràn khí màng phổi (do vỡ bóng khí) hoặc gây tắc nghẽn động mạch phổi. Tuy vậy, nếu được phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

nct2

Tập thở đúng cách giúp phòng bệnh khí phế thũng.

Phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất

Vệ sinh cá nhân hàng ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng bệnh viêm đường hô hấp nói chung và bệnh khí phế thũng đối với NCT nói riêng. Cần đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ buổi tối, những người mang răng giả cũng rất cần vệ sinh hàm răng hàng ngày. Khi bị viêm đường hô hấp, cần đi khám bệnh để được điều trị đúng và không tái phát. NCT, đặc biệt là những người đã và đang mắc bệnh đường hô hấp thì tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào bởi thuốc lá, thuốc lào gây nên nhiều bệnh về phổi, đặc biệt càng làm nặng thêm bệnh khí phế thũng, COPD và ung thư phổi.

Cần trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi (khai thác than đá, đá, vệ sinh môi trường, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, công nhân may, làm đường). Hàng ngày, nên tập thể dục đều đặn, nhất là các động tác thở làm tăng tính đàn hồi cho tổ chức phổi. Cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, không để cảm lạnh dễ dẫn đến bệnh viêm đường hô hấp.

ThS. MAI HƯƠNG

Theo Suckhoevadoisong.net

Cải thiện bệnh thoái hóa khớp bằng thực đơn hàng ngày

Thoái hóa khớp (THK) là một bệnh khớp thường gặp ở người cao tuổi (khoảng 80% cụ trên 70 tuổi). Người bệnh thường có các triệu chứng đau khớp, hạn chế vận động hay sưng khớp, biến dạng khớp. Những người có dị dạng khớp, thừa cân béo phì, chấn thương khớp, khi trẻ lao động nặng thì đến tuổi trung niên hoặc về già cũng dễ mắc bệnh. Vậy làm thế nào để có được chế độ ăn uống phù hợp để dự phòng và giảm nhẹ căn bệnh THK?

Thực phẩm từ động vật

Người THK có thể ăn thịt lợn, thịt gia cầm (gà, vịt), tôm, cua, đặc biệt là nên ăn cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ vì chúng chứa nhiều acid béo omega-3. Nhiều người quan niệm “ăn gì bổ nấy”, do vậy, để phòng ngừa thoái hóa khớp, họ thường ăn những món ăn nấu từ xương ống hoặc sườn. Về mặt khoa học, nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò và bê có chứa nhiều glucosamin và chondroitin là những hợp chất tự nhiên trong sụn, có tác dụng giúp sụn chắc khỏe. Ngoài ra, các món ăn nấu từ xương ống hoặc sườn còn có thể bổ sung nguồn canxi quí báu cho cơ thể. Việc ăn các món ăn từ tôm, cá hầm cả xương cũng giúp bổ sung canxi. Những người cao tuổi nếu có điều kiện thì nên sử dụng những “dược liệu” tự nhiên này.

thoaihoakhop1

Quá trình của thoái hóa khớp.

Thực phẩm từ thực vật

Người THK nên ăn đầy đủ các loại ngũ cốc. Ngoài ra, đậu nành, rau xanh, hạt mầm có đặc tính chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, kháng ôxy hóa. Tăng cường ăn đu đủ, dứa, chanh, bưởi vì các loại trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, hai hoạt chất có tác dụng kháng viêm. Đặc biệt hiện nay, người ta đã phát hiện được tác dụng chữa THK của quả bơ kết hợp với đậu nành.

Nghiên cứu cho thấy các chất trong trái bơ hay đậu nành có thể kích thích tế bào sụn sinh trưởng collagen, một thành phần protein chủ yếu của gân, sụn và xương. Trong một nghiên cứu, những người bị THK gối hay khớp háng được cho uống trái bơ hay đậu nành trong vòng 6 tháng thấy giảm các triệu chứng của THK và không phát hiện thấy tác dụng phụ gì cả. Một số gia vị như ớt, hạt tiêu, gừng, lá lốt đều có tác dụng chống viêm, giảm đau đối với bệnh THK. Thậm chí, người ta còn phân tách được từ ớt hoạt chất capsain có thể bôi chữa sưng đau khớp thoái hóa.

Có nhiều loại nấm rất có ích cho sức khỏe người cao tuổi. Các món ăn chế từ nấm như canh nấm đông cô, lẩu nấm, nấm hương xào thập cẩm rất được ưa chuộng. Không chỉ là món ăn ngon, các loại nấm còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch… là các bệnh thường hay kèm theo người cao tuổi. Mộc nhĩ có tác dụng hạ huyết áp, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch. Nó còn chứa một loại polysaccharid có khả năng tăng cường miễn dịch trong cơ thể để chống chất phóng xạ và ức chế khối u. Nấm hương được mệnh danh là “vua của các loại nấm” còn có tác dụng chống viêm, chữa cơ thể suy nhược, chứng chân tay tê bại.

thoaihoakhop2

Súp lơ, cà rốt, ớt đỏ giàu vitamin K và C giúp xương chắc khỏe.

Y học hiện đại coi nấm hương như một nguồn bổ sung đáng kể lượng vitamin D2 để phòng và chống bệnh còi xương, trị chứng thiếu máu. Đó là do chất ergosterol có trong nấm hương, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ chuyển thành vitamin này. Nấm hương, mộc nhĩ kết hợp với súp lơ xanh, cà rốt, ớt đỏ để tạo thành món nấm hương xào thập cẩm, không chỉ ngon mà còn có khả năng phòng bệnh THK. Cà rốt và ớt rất giàu vitamin A và E, hai nhân tố cần thiết để bảo vệ bao khớp và đầu xương. Súp lơ xanh là thực phẩm giàu vitamin K và C, giúp cho xương khớp chắc khỏe.

Có quan điểm cho rằng khi chế biến cà chua phải bỏ hạt vì ăn phải thì dễ bị viêm xương khớp. Trên thực tế không đúng như vậy. Ăn cà chua rất có lợi vì có thể làm bớt đau khớp. Hạt cà chua không những không có hại mà còn có thể thay thế aspirin, có tác dụng giảm đau, chống viêm khớp. Tuy nhiên, quả thật có một số thực phẩm không có lợi cho những người cao tuổi như các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt như kẹo, bánh, đồ uống ngọt.

Về đồ uống, các nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển đã chứng tỏ uống rượu vang có điều độ có thể làm giảm một nửa nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp mạn tính.

PGS.TS.BS. NGUYỄN VĨNH NGỌC (Khoa Khớp – Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Suckhoevadoisong.net

Bệnh suy thoái hoàng điểm ở người cao tuổi

Suy thoái hoàng điểm thể hiện dưới 2 dạng: Thoái hóa khô và thoái hóa ướt. Có trên 90% trường hợp bị thoái hóa dạng khô, liên quan đến tuổi già, thường xảy ra ở một mắt, sau đó lan sang mắt thứ hai, không phải điều trị, ít biến chứng.

Số còn lại khoảng 10 % trường hợp bị thoái hóa dạng ướt, dễ gây mất thị lực nghiêm trọng. Nguyên nhân do mao mạch ở phía dưới vùng nhạy cảm nhất của võng mạc phát triển bất thường, hoặc rỉ nước, được gọi là xuất tiết, thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp cao. Những người trong độ tuổi từ 50 trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao. Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.

benh-suy-thoai-hoang-diem-o-nguoi-cao-tuoi

Ảnh minh họa – Internet

Hoàng điểm là bộ phận nằm ở vùng trung tâm của võng mạc giúp ta nhận biết độ nét, màu sắc và độ rõ của hình ảnh. Khi hoàng điểm bị thoái hóa sẽ gây nên tình trạng mất thị lực ở vùng trung tâm. Đây là nguyên nhân gây mù lòa ở người cao tuổi. Nguyên nhân của suy thoái hoàng điểm thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng kém, cholesterol trong máu cao.

Dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa hoàng điểm dạng khô là thị lực bắt đầu kém đi. Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh thấy điểm mờ ở trung tâm hình ảnh ngày một rộng hơn hoặc tối đi. Với người bị thoái hóa hoàng điểm dạng ướt có triệu chứng ban đầu là hình ảnh các đường thẳng biến thành đường dạng sóng. Khi đó các mạch máu mới bất thường hình thành gây tiết dịch và chảy máu ở điểm vàng khiến các hình ảnh thu nhận bị biến dạng.

Bệnh thoái hóa hoàng điểm thường có tiến triển chậm. Bệnh chỉ có thể ngăn ngừa được và hạn chế sự tiến triển bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp cho mắt. Vì vậy, để tránh và hạn chế tình trạng này, những người ở độ tuổi trên 65 nên đi khám mắt định kỳ ngay cả khi chưa có dấu hiệu của bệnh. Hiện nay việc điều trị bệnh này chủ yếu bằng tia laser và thuốc. Những thuốc dùng điều trị thoái hóa hoàng điểm là lucentis (ranibizumal) và macugen (pegaptanib).

Bệnh viện Mắt trung ương đã và đang áp dụng điều trị thoái hóa hoàng điểm dạng ướt bằng kỹ thuật laser, nhằm tiêu hủy các mạch máu bất thường, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra một vài thoái hóa hoàng điểm dạng ướt có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Để giảm nguy cơ tiến triển của bệnh, tốt nhất người bệnh cần chú ý bổ sung dinh dưỡng cho mắt bằng việc sử dụng một số vitamin và nguyên tố vi lượng chống ô xy hóa, nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần.

Theo Daidoanket.vn