Lưu trữ cho từ khóa: cạo gió

Cách cạo gió cho từng loại bệnh

 

Cạo gió thích hợp với những người cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch (còn gọi là cảm cúm, bệnh cúm) và một số trường hợp bị đau nhức.

Cạo gió là phương pháp sử dụng bờ của những vật có cạnh hình cung tròn nhẵn như muỗng nhôm, rìa đồng tiền kim loại, miệng chén, rìa bát, đĩa sứ, lược, nhẫn bạc, sừng trâu… tác động lên các vị trí thích hợp khác nhau trên cơ thể nhằm phòng và chữa trị bệnh tật.


Cạo gió phải đúng cách.Ảnh minh họa

Khi bị bệnh các huyệt đạo của cơ thể bị bế tắc, bề mặt da cũng bế tắc một phần nên không thể thải độc tố trong cơ thể ra ngoài. Cạo gió sẽ giúp khí huyết, huyệt đạo và kinh lạc lưu thông, giúp bề mặt da thông thoáng để thải độc tố.

Tuy nhiên, mỗi loại bệnh có một cách cạo gió khác nhau, không phải bệnh nào cũng có thể lạm dụng phương pháp cạo gió.

Cạo gió đúng cách là tác động đúng lên các huyệt nằm trên đường Kinh Bàng Quang, giúp sự lưu thông, vận hành của khí huyết trở nên tốt hơn, nâng cao thể trạng bệnh nhân, giúp bệnh nhân tự đề kháng, khỏi bệnh.

Cách cạo gió cho các loại bệnh

1. Sốt nóng nhức đầu: Cạo 2 bên đường gân dưới cổ (ngay bên dưới ót) tạo thành 2 đường chéo ở 2 bên vai, theo chiều từ cổ đến vai và từ đốt xương sống lưng số 2,3 ra 2 bên vai.

2. Ho: Cạo gió phía sau lưng, giữa sống lưng và trước ngực theo đường thẳng giữa ngực.

3. Đau bụng, nôn ọe, đi ngoài: Cạo giữa sống lưng và 2 bên mạng sườn từ trên xuống. Cạo trước ngực, từ lõm cổ xuống, rồi từ cánh tay đến các đầu ngón tay. Sau đó, cạo từ mặt ngoài chân xuống đến mu bàn chân, sau gáy đến mặt sau cánh tay, lưng đến chân rồi bàn chân.

4. Đau nhức: Tay chân nhức mỏi hay đau nhức chỗ nào thì cạo ngay chỗ ấy. Tại điểm đau nhức, cạo 2 bên theo đường tuyến từ trên xuống.

5. Bị trúng gió, cảm nắng: Cạo gió sau lưng (giữa lưng và 2 bên), bắt gió ở trước trán (chỗ ấn đường), chà xát 2 bên Thái Dương (mang tai). Nếu bị ngất thì lấy móng tay ấn mạnh tại huyệt nhân trung cho tỉnh lại. Nếu phát sốt, lấy kim châm các tĩnh huyệt hay đầu ngón tay ra máu. Trong trường hợp người bệnh đầu còn nặng thì ấn mạnh tại xoáy hay huyệt bách hội trên đỉnh đầu và cạo gió thêm ở hai bên tay, chân.

(Theo Bee)

 

Những cách cạo gió trị bệnh cảm mạo

Bệnh cảm mạo gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là ở người già, trẻ nhỏ…

Bệnh cảm mạo có thể được điều trị rất đơn giản bằng cách đánh gió, với những vật dụng, vị thuốc dễ tìm ở ngay quanh chúng ta.

Khi cạo gió phải sát trùng dụng cụ cạo gió, thoa dầu lên vùng cần cạo rồi dùng lực vừa phải miết đều một chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài sao cho người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu

Bệnh cảm mạo có thể mắc quanh năm nhưng hay gặp nhiều nhất lúc giao mùa khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến bị bệnh.

Kỹ thuật đánh gió: Xát toàn bộ cơ thể, từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài. Vùng trán, xát từ vùng giữa trán sang 2 bên xuống đến cổ, rồi cánh tay dến các đầu ngón tay, vùng ngực bụng, rồi đến mặt ngoài chân xuông đến mu bàn chân, sau gáy đến mặt sau cánh tay, lưng đến chân rồi bàn chân.

Một số cách đánh gió đơn giản như sau:

Dùng bạc hay đồng tiền bằng bạc: Dùng khăn mùi xoa bọc miếng bạc hay đồng tiền bạc cùng lòng trắng trứng gà vừa luộc xong chà xát lên người bệnh từ trên xuống, làm liên tục từ 10 đến 20 phút.

Dùng gừng và tóc rối: Dùng khăn mùi xoa  bọc củ gừng tươi to độ bằng ngón chân cái người lớn giã nát cùng với mớ tóc rối, rồi xát lên người bệnh từ trên xuống.

Dùng gừng tươi, tóc rối tẩm rượu: Cũng giã gừng bọc trong tóc rối như trên, rồi nhúng vào chén rượu mạnh 40º chà xát như trên, khô rượu lại tẩm tiếp.

Dùng lá trầu không hay lá đu đủ nhúng vào rượu rồi đánh gió như trên.

Dùng dầu gió bôi dọc cột sống thắt lưng và dùng đồng bạc hoặc thìa inox để cạo. Ngoài ra, cũng có thể phối hợp đánh gió với day bấm một số huyệt như: ấn đường, phong trì, thái dương, hợp cốc, khúc trì, phế du, thận du,…

Chỉ nên đánh gió khi người bị cảm mạo (cảm mạo phong hàn hay phong nhiệt), đau đầu, đau lưng và đau thắt lưng cấp, đậu lào hoặc trong trường hợp sốt không ra mồ hôi.

Lưu ý, không đánh gió cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người có bệnh ngoài da, ra mồ hôi nhiều, ỉa chảy nhiều. Đánh  gió nên trong phòng kín tránh gió, tránh dùng quạt vì khi đánh gió lỗ chân lông mở ra nếu có gió sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể làm bệnh nặng hơn. Khi cạo xong cần ủ ấm người bệnh, cho uống nước nóng, ăn cháo nóng,…

(Theo Lao động)

Cạo gió để hạn chế dùng thuốc

Đã từ lâu, trong dân gian để chữa một số chứng bệnh nhẹ như cảm mạo, bà con ta dùng cách xông lá thuốc, đánh gió, chích lể, giác hút…, trong đó, cạo gió là cách làm đơn giản, dễ thực hiện nhất nên được dùng thường xuyên.

Cần nói ngay, đây là cách chữa theo kinh nghiệm lưu truyền bất thành văn nên không có trong y văn của y học hiện đại, cũng không thể giải thích duy lí như trong trường đại học y khoa hay các bệnh viện chính quy; song có một thực tế phải thừa nhận là nó giúp ích thiết thực, hiệu quả cho mọi người khỏi được những cơn đau mỏi, nhức đầu, cảm cúm… nhanh gọn, không tốn tiền, không mất thời gian phiền nhiễu chờ đợi .

Cạo gió không chữa bệnh mà chữa chứng, nghĩa là chữa những cơn đau, nhức mỏi, đau bụng, đầy bụng, cảm gió, cảm cúm, chắc chắn là không chữa viêm ruột thừa hay gãy chân, gãy tay, nhưng không vì thế mà không có ích khi nó giải quyêt một việc mà y học hiện đại quan tâm là chữa khỏi triệu chứng. Trong thuật chữa bệnh, thầy thuốc phải trị được nguyên nhân chính nhưng không thể không chữa những triệu chứng vì nhiều khi người bệnh rất khổ sở, phàn nàn, kêu la vì các triệu chứng đó. Ví dụ khi đau dạ dày, phác đồ điều trị bao giờ cũng gồm cả thuốc chữa viêm loét (chữa nguyên nhân) đồng thời phải có thuốc chữa triệu chứng để trị cơn đau, chứng đầy hơi, chứng mất ngủ... Ngay cả khi chưa rõ được nguyên nhân chính của bệnh, vẫn phải điều trị triệu chứng như trong trường hợp sốt cao phải tìm cách hạ sốt.

Như vậy, chữa được triệu chứng đã giúp người bệnh giảm đau đớn và trong đa số các bệnh nhẹ, cơ thể sẽ tự hồi phục nhờ vào khả năng đề kháng, miễn dịch của chính cơ thể. Cạo gió làm được điều này rõ nhất trong chữa cảm cúm, vì khi nhiễm virus cúm, thuốc kháng sinh không có tác dụng để diệt siêu vi trùng. Tất cả những triệu chứng sốt nhẹ, đau mỏi rã rời mình mẩy, sổ mũi, nhức đầu… hoàn toàn chỉ cần cạo gió rồi làm “bát cháo Thị Nở” là sẽ nhẹ hẳn người, dăm ba hôm bệnh tự lui mà không cần dùng viên thuốc nào.

Hiện tại, y học hiện đại phải đối mặt với một câu hỏi khó: Dùng thuốc “tây” như thế nào cho đúng? Một lí do đơn giản, các loại hóa dược bên cạnh tác dụng dược lí chủ đạo để trị bệnh bao giờ cũng kèm theo tác dụng phụ ngoài ý muốn. Nếu cho “toa” thuốc không thận trọng, người bệnh sẽ gánh thêm bệnh khác phát sinh do tác hại của thuốc. Rõ rệt nhất là các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm luôn ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, dạ dày.

Giải pháp tốt là biết cách cạo gió thay cho dùng các thuốc chữa triệu chứng để tránh được những hệ lụy vừa tốn tiền mua thuốc vừa hại cho gan, thận.

Cạo gió như thế nào cho đúng cách?

Khi bị cảm cúm, cảm gió, cảm lạnh, đầy hơi, chướng bụng, đau mỏi các cơ, đau mình mẩy, nhức đầu, chóng mặt… có thể cạo gió thay cho dùng thuốc. Nguyên tắc đơn giản nhưng bất di bất dịch là khi cạo thấy da nổi vệt tím đỏ là đúng. Nếu cạo không thấy gì thì ngừng ngay và đi khám bệnh để tìm nguyên nhân khác.

Không cạo gió cho các chấn thương như bong gân, gãy xương. Không cạo gió cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ. Không cạo gió khi có bệnh ngoài da hay bị những trầy xước trên da. Không cạo gió những người có bệnh lí tim mạch. Không cạo dọc cột sống .

Tránh gió, tránh dùng quạt cả trong và sau khi cạo. Khi cạo xong cần ủ ấm người bệnh, cho uống nước nóng, ăn cháo nóng, nằm nghỉ thoải mái, khi trong người thấy khỏe mới được tắm rửa bằng nước nóng.

Trước đây, có cách đánh gió bằng trứng gà luộc, tóc rối, gừng tươi và đồng bạc, có hiệu quả tốt, nhưng khó thực hiện, không tiện lợi bằng cách cạo gió hiện giờ nên chỉ có lời khuyên bà con lúc nào cũng có theo người một lọ dầu nhỏ và một cái thìa inox để có thể chữa trị hiệu quả những cái trái gió trở trời.

Meo.vn (Theo Lao Động)

Cạo gió trị cảm

Cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian có từ lâu đời. Khi có bệnh người ta thấy thân thể mệt mỏi rã rời nếu được cạo gió sẽ thấy tinh thần sảng khoái và dễ chịu khác thường.

Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như: Ở lưng cạo hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên

Mặc dù hiện nay y học hiện đại vô cùng phát triển nhưng cạo gió trị bệnh vẫn được thịnh hành vì rất an toàn, thao tác đơn giản và ưu điểm là có bệnh thì khỏi bệnh không có bệnh thì người thêm khoẻ. Đặc biệt là những nơi xa các trung tâm y tế, thiếu phương tiện chữa trị thì cạo gió trị bệnh là biện pháp vô cùng hữu hiệu.

Đông y gọi cảm gió là trúng gió. Phương pháp trị bệnh hiệu quả nhất là dựa vào sức đề kháng của hệ thống miễn dịch bản thân người bệnh, cho nên khi bị cảm phương pháp chính là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn có ít mỡ để rút ngắn thời gian bị bệnh. Cạo gió cũng là một phương pháp tốt để làm thuyên giảm bệnh và rút ngắn thời gian bị bệnh.

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng cảm cúm là do sức đề kháng của cơ thể yếu không chịu được sự thay đổi của khí hậu, chướng khí xâm nhập vào cơ thể qua lỗ chân lông trên da và đường hô hấp gây nên ác hàn phát nhiệt, đau đầu, xổ mũi, toàn thân đau nhức mỏi mệt. Phương pháp trị bệnh chủ yếu là trừ chướng khí từ bên ngoài.

Cạo gió thường cạo các bộ phận chính trên cơ thể như: Ở lưng cạo hai bên xương sống từ vai xuống thắt lưng, dọc theo xương sống nửa thân trên; ở tay cạo dọc cánh tay mặt theo mặt trước và mặt trong theo lòng bàn tay. Thông qua cạo gió có thể giải hàn, giảm nhiệt, thuyên giảm bệnh. Nếu người bệnh có ho và ngứa cổ họng thì cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực.

Kiến thức cơ bản để cạo gió

1. Cách cạo

- Phương hướng: Theo hướng một chiều từ trên xuống dưới.

- Dùng lực: ở cánh tay và ngực dùng lực nhẹ, ở lưng có thể hơi mạnh nhưng cũng nên căn cứ vào tình hình cụ thể, đặc biệt là sức chịu đựng của người bệnh mà quyết định dùng lực mạnh yếu.

- Giới chất để bôi lên da khi cạo là dầu gió, hay các loại dầu vẫn thường bôi để trị cảm gió.

- Sau khi cạo gió nên uống nhiều nước nóng, có thể đắp chăn để ra mồ hôi.

2. Dụng cụ dùng để cạo

Bất cứ vật gì có cạnh hình cung tròn và tương đối nhẫn nhụi như lược, thìa canh, miệng chén… Hiện nay sử dụng rộng rãi là cái cạo gió làm bằng sừng trâu vì bản thân sừng trâu là một vị thuốc Đông y có khả năng phát tán chướng khí và thông khí huyết.

3. Trình tự và phương pháp cạo

Khi cạo gió người bệnh để lộ da chỗ cần cạo. Người cạo bôi dầu lên mặt da người bệnh, tay cầm vật cạo để góc 90 hoặc 45 tiến hành cạo. Cổ, lưng, bụng, chân và tay cạo từ trên xuống dưới; ngực cạo từ trong ra ngoài, chú ý dùng lực đều và miết dài. Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 đến 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím. Nhiều nhất cũng không nên cạo quá 10 phút, cũng không nên dùng lực cưỡng bức để tạo vết. Cạo xong chỗ này mới cạo sang chỗ khác, lần cạo sau cách lần cạo trước từ 3 đến 6 ngày để vết cạo lần trước kịp tan đi.

4. Các điều chú ý khi cạo

- Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh.

- Sau khi nổi vết cạo trong khoảng 30 phút cấm tắm rửa bằng nước lạnh.

- Cạo xong người bệnh nên uống một cốc nước nóng (có pha thêm chút muối thì càng tốt).

- Phải khử trùng vật cạo trước và sau khi cạo.

- Cấm cạo chỗ có vết lở loét, phần bụng người có thai, mà da có độ mẫn cảm quá cao, người có bệnh khó đông máu, có các bệnh về da.

Theo TTOL

Cạo gió, đánh gió thế nào cho đúng?

Cạo gió, đánh gió là những cách chữa bệnh dân gian khi người bệnh cảm thấy cơ thể khó chịu, mệt mỏi. Dù là động tác khá đơn giản, nhưng khi nào cần được cạo gió, vị trí trên cơ thể được tác động… là những điều cần đặc biệt quan tâm.

Cạo gió

Dụng cụ cạo gió thường là vật dụng bằng bạc có cạnh tròn nhẵn nhụi như nhẫn bạc, vòng bạc, muỗng bạc, đồng bạc trắng… Ngoài ra còn có dụng cụ cạo gió làm bằng sừng trâu (theo Đông y, sừng trâu có thể phát tán chướng khí, thông khí huyết).

Người bệnh ngồi hoặc nằm sấp nơi kín gió, bộc lộ vùng muốn cạo.

Xoa dầu (thường dùng dầu cù là) vào nơi cần cạo. Cầm thẳng vật để cạo gió, vì cầm nghiêng rất dễ làm vỡ mạch máu nhỏ.

Ảnh: Internet

Vùng cạo:

- Vùng cổ gáy: dọc hai bên cổ gáy.

- Vùng lưng: dọc hai bên cột sống.

- Vùng vai: từ cổ đến vai.

- Ở tay: dọc cánh tay.

Cạo xong, người bệnh cần mặc đồ kín, ấm, nghỉ ngơi, tránh ra gió, uống nước ấm, có thể đắp mền để cơ thể toát mồ hôi.

Cần cạo đến khi da đỏ ửng, người bệnh cảm thấy nóng ấm, dễ chịu là được. Không được cạo làm xước da hoặc xuất huyết dưới da gây đau đớn cho bệnh nhân, rát bỏng nhiều ngày sau.

Thông thường thì người ta cảm thấy nhẹ nhõm, các triệu chứng mệt mỏi giảm sau khi cạo gió.

Nhiều người thường có khuynh hướng cạo cho đến khi da đỏ bầm, đây là cách làm chưa đúng, cần phải tránh.

Đánh gió

Ảnh: Internet

Dùng cám gạo, gừng tươi hoặc lá ngải cứu tươi để đánh gió.

- Củ gừng tươi: Giã nhỏ một đầu củ gừng và cầm củ gừng để chà xát lên da.

- Lá ngải cứu tươi: Xào lá ngải cứu cho nóng, đổ vào một ít rượu. Cho tất cả vào khăn, cột chặt lại và dùng để xát lên nơi cần đánh gió (nên thử cho độ nóng vừa, nếu không sẽ bị phỏng).

- Cám gạo: Lấy khoảng 100g cám gạo, rang nóng cho đến khi bắt đầu có khói đen. Cho vào khăn, cột chặt lại và bắt đầu chà xát lên da.

Đánh cho đến khi da người bệnh ửng đỏ lên là được.

Lưu ý:

Mặc dù đây là phương pháp đơn giản, dễ sử dụng, nhưng để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra, trước khi áp dụng đánh gió, cần có chẩn đoán chính xác căn bệnh, có chỉ định của thầy thuốc, không nên áp dụng một cách tùy tiện.

Việc đánh gió, cạo gió thường để chữa các chứng cảm phong hàn: sổ mũi, ngạt mũi, ớn lạnh...

Không đánh gió, cạo gió với các trường hợp sau:

- Người bị sốt không rõ nguyên nhân (có thể là sốt rét, sốt xuất huyết...).

- Người bị chóng mặt, đau đầu (triệu chứng có thể gặp trong tăng huyết áp, huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, u não, thiên đầu thống...).

- Người đang mắc bệnh tim mạch hay có tiền sử bệnh tim mạch.

- Người bị đau vai gáy (khi chưa có chẩn đoán xác định bệnh lý).

- Người có vết loét ngoài da hay mắc bệnh ngoài da.

- Người mắc bệnh Hemophylie (bệnh máu không đông).

- Phụ nữ đang mang thai (vì những động tác đánh gió, cạo gió có thể gây kích ứng quá mạnh, ảnh hưởng đến thai nhi).

- Trẻ em (da của trẻ còn non và gây khó phát hiện khi trẻ bị sốt xuất huyết).

PGS-TS Lưu Thị Hiệp

(BV Đa khoa Hồng Đức)

Đau nhức vai gáy khi ngủ dậy

Sau một đêm ngủ dậy, bạn thấy đau cứng vùng cổ gáy nhất là khi ngoái cổ. Sau đó là cảm giác đau khi vận động, tê từ vai xuống tận bàn tay, lưng, hông, sườn - những nơi có khối cơ dày.

Cảm giác khó chịu nửa người và cảm giác đau khó chịu ngày càng tăng. Khi gặp tình trạng này, phần đông mọi người cho là bị cảm gió, cảm mạo nên đã xoa dầu nóng, cạo gió.

Theo lương y Dương Xuân Mến (Hà Nội), chứng đau nhức này chủ yếu do gối quá cao, nằm ngủ không đúng tư thế nên các mạch máu, cơ bị chèn ép. Ở những người có thói quen nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt (tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm), họ dễ thấy đau nhức một bên mình khi ngủ dậy do bị chèn ép. Lúc đó, cơ bắp lâm vào tình trạng thiếu máu quá ngưỡng, không thể tự khắc phục và gây nên hiện tượng cứng cơ, vẹo cổ sau khi ngủ dậy.

Nhiều người khi bị đau cổ gáy đã tự xoa bóp không đúng cách, bôi dầu nóng, thuốc rượu, kem giảm đau, day ấn chỗ đau. Nhiều người cạo gió vì nghĩ mình bị cảm mạo, trúng gió. Thực tế, các loại thuốc, kem, dầu nóng... đều có tác dụng giảm đau nhất thời, nhưng sau một thời gian ngắn chứng đau nhức lại tái phát. Biện pháp cạo gió lại gây xuất huyết dưới da, có thể gây tụ máu chèn ép thêm hay tạo ra phản xạ co thắt cơ, làm đau nhức nặng hơn...

Một số người khi thấy bị cứng cổ, đau vai, lưng càng cố vận động xoay cổ, vặn tay, lưng... khiến bệnh không khỏi mà còn thấy đau và cứng cổ nhiều hơn.

Nên làm gì?

Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều yếu tố tác động gây thiếu máu ở các cơ như ngồi trước quạt, máy lạnh, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm, ngồi lâu ở bàn giấy... rồi khi ngủ lại nằm sai tư thế. Điều này đã làm sụt giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, khiến một lượng lớn axit lactic - thủ phạm gây đau mỏi cơ - được giải phóng và gây nên chứng đau nhức mình mẩy.

Người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong vài ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B. Việc xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp nhưng phải làm đúng cách, tốt nhất là do bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

Hồng Hạnh (Theo Gia Đình & Xã Hội)

Cạo gió thế nào cho đúng?

'Tôi là 'tín đồ' của cạo gió. Trước đây, mỗi lần thấy chóng mặt nhức đầu, tôi thường nhờ người khác cạo gió hoặc 'tự xử'. Khi đau bụng, tôi tự cạo vùng rốn, thấy cơn đau giảm dần.
Khi nhức đầu, tôi cạo vùng cổ và bứt gió vùng trán và thái dương, và cơn đau dịu hẳn… Thế nhưng, gần đây, lại có người cho rằng nếu cạo gió không đúng sẽ… chết. Tôi nghe mà… hãi, không biết đúng – sai thế nào' (Minh Nga, Q.3, TPHCM).

Dù Tây y phát triển với nhiều loại thuốc chữa cảm cúm nhưng bà con vẫn thích cạo gió, giác hơi… Đây là phương cách trị bệnh dân gian được sử dụng khi bệnh nhân thình lình cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, xây xẩm…

Ảnh minh họa

Để cạo gió, người ta dùng dầu và đồ cạo gió. Trong đó dầu cù là tốt nhất, vì có độ trơn, không làm rách da. 'Đồ nghề' cạo gió có thể là chiếc muỗng sứ, thẻ bài. Theo giải thích của các 'lương y tay ngang' thì cạo gió nhằm trục xuất gió độc ra khỏi cơ thể. Các vị trí thường được cạo gió là lưng, ngực, gáy, bụng, cánh tay, cẳng tay. Nếu sau khi cạo, vết đỏ nổi những hạt đậm, thì được coi là trúng nước, còn chỉ là những mảng đỏ bầm thì được cho là trúng gió. Ở những nơi không cạo gió được như trán, cổ, người ta dùng hai ngón tay giật mạnh vào da cho đến khi đỏ ửng mới ngưng – gọi là giật gió. Với quan niệm gió độc gây bệnh, cạo gió được thực hiện ở những địa điểm ấm áp, kín gió, để người bệnh không tiếp tục bị nhiễm lạnh.

Cạo gió có phải là phương pháp điều trị của Đông y? Nếu đúng thì cạo thế nào mới đúng? Theo lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TPHCM, cạo gió là liệu pháp điều trị trong dân gian, tuy không chính thống nhưng Đông y vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cảnh báo rằng, cạo gió chỉ đúng khi thực hiện theo đường kinh mạch âm dương. Điều này đòi hỏi người cạo gió cần có kiến thức về y lý, để thực hiện theo chiều từ trên xuống và từ trong ra ngoài. Cạo vào những vị trí không cho phép như: cột sống, ngực, mắt, cổ là sai. Đây là những vùng gây kích thích nhiều nơi trên cơ thể. Ví dụ như sau khi 'bị' cạo gió vùng ngực, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mỏi nhừ, đau nhức…Còn nếu cạo gió quá mạnh tay, chẳng những không giúp tăng cường tuần hoàn mà còn làm trầy xước da.

Cầm thẳng đồ cạo gió, thay vì cầm nghiêng còn làm vỡ mạch máu li ti, kiểu cạo này không ra gió mà ra… huyết (xuất huyết dưới da) 'bệnh nhân' sau đó sẽ cảm thấy đau như bị đánh. Cạo đúng, 'bệnh nhân' sẽ thấy khỏe hẳn ra, cơ thể ấm nóng, người giảm dần cơn đau nhức. Trong trường hợp không nắm vững cách cạo gió thì nên dùng ống giác. Qua nhiệt, ống giác cũng kích thích các huyệt đạo giúp cơ thể 'vùng dậy' kháng lại bệnh tật. Sau khi cạo gió, giác hơi cần thay quần áo ấm, tăng cường đề kháng bằng cách uống trà gừng, nước chanh nóng, ăn cháo, xúp hành để cơ thể tiết mồ hôi… trục xuất hàn khí.

Cũng theo lời khuyên của lương y Đinh Công Bảy, những người bị bệnh tim mạch, huyết áp không nên cạo gió.

Trẻ con và phụ nữ có thai có nên cạo gió? Câu trả lời từ các nhà chuyên môn là không nên cạo gió cho phụ nữ mang thai, vì những động tác này gây kích ứng quá mạnh ảnh hưởng đến thai nhi. Trẻ em cũng không nên cạo gió, vì da của trẻ còn non nớt và dễ lầm lẫn khó phát hiện khi bị sốt xuất huyết.

Theo Phụ nữ online