Lưu trữ cho từ khóa: can khí uất kết

Ăn uống khi gan nhiễm mỡ

Thường khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, kết quả hay cho ra gan nhiễm mỡ khiến nhiều người thấy lo lắng.

Lương y Như Tá cho rằng, phần lớn các trường hợp gan nhiễm mỡ chưa phải là bệnh lý của gan, mà đó chỉ là sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan mà thôi. Vì thế, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ cần điều chỉnh lại các yếu tố nguy cơ. Thường gan nhiễm mỡ hay gặp ở những người béo phì, nghiện rượu, tiểu đường dạng 2; dùng nhiều thức ăn giàu năng lượng, chất béo...

Đa phần những người có gan nhiễm mỡ không có biểu hiện triệu chứng, mà biết được là qua xét nghiệm. Tình trạng tích mỡ tại gan diễn ra từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm nhận được. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, lúc đó gan có thể lớn, bao gan căng ra và khi đó bệnh nhân có thể có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan.


Bắp, rau muống, cà rốt... cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ - Ảnh: Minh Khôi - Hạ Huy

Ăn uống, bài thuốc

Theo lương y Như Tá, với người khi xét nghiệm cho biết gan nhiễm mỡ, thì cần giảm thức ăn béo, giảm lượng mỡ động vật, lòng đỏ trứng, tránh rượu, hạn chế dùng phủ tạng động vật. Nên dùng nhiều rau củ quả tươi xanh, như cải xanh, cải cúc, rau muống, cà chua, cà rốt, mướp, dưa chuột, quả dâu, bắp, trà xanh... Bên cạnh đó cần vận động cơ thể nhiều hơn.

Ngoài ra, theo lương y Như Tá, tùy vào thể bệnh mà y học cổ truyền có những bài thuốc khác nhau. Với thể can khí uất kết - người hay khát nước, tiểu ít, hông sườn đầy tức, bụng đầy; có thể dùng bài thuốc gồm các vị: bạch thược, bạch truật (cùng 15g), chỉ thực, phục linh (cùng 30g), đương quy 12g, sài hồ, sơn tra, uất kim (cùng 12g), bạc hà, chỉ xác (cùng 8g), cam thảo 6g, sắc (nấu) uống.

Nếu thể khí trệ huyết ứ thì biểu hiện hay mệt mỏi, hay đau nhói trước ngực; có thể dùng bài thuốc gồm các vị: sinh địa, đương quy, bạch thược (12-16g), đào nhân, xuyên ngưu tất, sài hồ (cùng 10-12g), đơn sâm 12g, hồng hoa, sung quý tử, chỉ thực, hương phụ, xuyên khung, ô dược, uất kim (cùng 8-10g).

Nếu thể tỳ hư đờm thấp, biểu hiện chân tay mệt mỏi, ăn kém, bụng đầy...; trường hợp này có thể dùng bài thuốc gồm các vị: đảng sâm, bạch truật, bạch linh, trúc nhự (cùng 10-12g), trần bì, bán hạ, chỉ thực, mộc hương, sa nhân, uất kim (cùng 6-10g), chích thảo 3g, ô dược 10g, sơn tra 10g, sắc uống. Cách sắc như sau: cho các vị thuốc vào nồi cùng 3 chén nước, nấu còn 1 chén, chắt nước ra; cho tiếp 2 chén nước vào, sắc còn nửa chén. Hòa hai nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày.

Meo.vn (Theo TNO)

Vỏ quýt và vị thuốc trần bì, thanh bì

Cây quýt có tên khoa học là Citrus deliosa Tenero thuộc họ Cam (Rutaceae). Nhiều bộ phận của cây quýt đều là vị thuốc. Trong đó phải kể đến 2 vị thuốc từ vỏ quả quýt:

- Trần bì: là vỏ quýt chín đã phơi, sấy khô (để càng lâu năm càng tốt).

- Thanh bì: là vỏ quả quýt còn xanh đã phơi sấy khô.

Trong đó trần bì là vị thuốc thường được dùng nhất, đặc biệt là đối với nam giới nên có câu:

"Nam bất ngoại trần bì

Nữ bất ly hương phụ".

Trần bì: Trần bì vị cay, đắng, tính ôn, thường dùng kèm thuốc điều khí có tác dụng táo thấp trừ hoá đờm. Thường dùng trong các trường hợp sau:

Tiêu trướng trừ nôn:

Do phế vị khí trướng mà gây tức ngực, vùng ngực trướng mãn, cồn ruột, nôn oẹ... có thể dùng trần bì với chỉ xác, bán hạ, tô ngạnh (cành tía tô), tô tử... Trần bì có tác dụng trừ vị nhiệt (tưa lưỡi vàng, hay ăn đồ lạnh, mạch sác) có thể thêm hoàng cầm, xuyên đông tử; còn có tác dụng với vị hàn (tưa lưỡi trắng, thích chườm ấm, mạch trì) thêm ô dược, lương khương, có tác dụng với trung tiêu thấp nhiệt (tưa lưỡi trắng dày mà nề, không hay uống nước, mạch tượng hoạt) có thể thêm phục linh, thương truật...

Trừ đờm, trừ ho: Với trung tiêu thấp nhiệt đờm thương phạm hoặc ngoại cảm phong hàn, dẫn tới phế khí bất lợi mà sinh ho, nhiều đờm, ngực tức, không muốn ăn, lưỡi tưa trắng nề, mạch hoạt thường dùng trần bì với bán hạ, phục linh, tô tử, hạnh nhân, hạt cải sao, kim phật thảo (toàn phúc hoa thời trước gọi là kim phật thảo, gần đây hoa của nó gọi là toàn phúc hoa, toàn cây gọi là kim phật thảo), tiền hồ... ngoại cảm chứng rõ rệt có thể thêm kinh giới, cát cánh, ma hoàng.

Điều khí khai vị: Với trung tiêu khí trệ, ăn uống không ngon, phối hợp với mạch nha, cốc nha, khấu y, thần khúc, sơn tra... có tác dụng thúc đẩy ăn uống.

Khi dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược, thục địa, sinh địa... để làm thuốc bổ, nếu phối hợp với một ít trần bì thì tránh xảy ra tức ngực, trung mãn, ăn uống không ngon và các tác dụng phụ khác... nó còn phát huy đầy đủ tác dụng bổ của thuốc.

Trong Bản thảo bị yếu có ghi trần bì "tân năng tán, khổ năng táo năng tả, ôn năng bổ năng hoà" nghĩa là dùng với thuốc bổ thì bổ, dùng với thuốc tả thì tả, dùng với thuốc thăng thì thăng, với thuốc giáng thì giáng. Vì thế nó là thứ thuốc trị phế khí phần, điều trung khoái cách, đạo trệ tiêu đờm, lợi thủy phá ứ, tuyên thông ngũ tạng đủ để ta thấy tác dụng của trần bì.

Vỏ quýt gọt sạch màng trắng bên trong thì gọi là quýt hồng. Quýt hồng, trần bì đều có tác dụng hoá đờm, nhưng quýt hồng hiệu quả hoá (long) đờm mạnh nhất. Với đờm nhiều, đờm quánh, đờm trắng dính thì thích hợp nhất. Quýt hồng thiên về thanh nhập phế, thích hợp để chữa ho, ngoại cảm, nhiều đờm, ngực tức còn trần bì có thể có tác dụng điều khí tiêu trướng khai vị. Vì vậy quýt hồng mạnh hơn trần bì.

Xơ quýt có tác dụng hoá đờm thông lạc, thường dùng chữa ho, ngực sườn trướng tức và ngón tay tê dại... Hạt quýt có thể tán kết thông thường dùng trị trướng khí thống. Lá quýt có thể thư can giải uất thường dùng trị ngực sườn trướng tức và ngón tay tê bại...

Thanh bì thiên về nhập can đởm, phá khí tán trệ còn có thể trị thoát vị, trần bì thiên về nhập tỳ phế điều khí hòa vị và còn hoá đờm.

Thanh bì: Thanh bì vị ngọt, cay, tính ấm có tác dụng phá khí tiêu trệ, thư uất giáng nghịch và có thể dùng trị thoát vị đau nhức.

http://www.kinhtenongthon.com.vn/Uploaded/thanduong/Nam%202009/Thang%207/Ngay%2016/04.JPG

Dùng vào can khí uất kết mà ngực sườn trướng tức, khí nghịch ăn uống khó vào, sườn ngực trướng mạn, hay cáu gắt, khí trệ vị thống... dùng thanh bì phá khí kết, thư can uất thường phối hợp với chỉ xác, cành tía tô, hương phụ, tân lang, hậu phác, trần bì.

Thanh bì có thể phá khí bình can, dẫn mọi thứ thuốc tới can kinh. Phối hợp với ô dược, xuyên đông tử, ngô thù du, tiểu hồi hương, hạt quýt... có thể chữa trướng thống. Bài thuốc Thiên đài ô dược tán gồm ô dược, xuyên đông tử, mộc hương, tiểu hồi hương, cao lương khương, thanh bì, tân lang trong đó dùng thanh bì để phá khí bình can. Đây là bài thuốc chữa lao tinh hoàn, viêm tinh hoàn mạn, viêm tuyến tiền liệt. Nếu thấy hoạt tinh kèm theo đau vùng bụng dưới, thích ấm sợ lạnh thì dùng xuyên đông tử sao 9 - 12g, hạt quýt sao 9g, thanh bì 6 - 9g, tiểu hồi hương sao 6 - 9g, ô dược 9g, ngô thù du 3 - 6g, hạt lệ chi 9g, bạch thược 12 - 15g, nhục quế 0,9 - 3g, tùy chứng gia giảm.

Chú ý: Những người khí hư dùng cần thận trọng, không khí trệ mà nhiều mồ hôi không dùng được, không được dùng quá lượng, dùng dài ngày tránh thương phạt chính khí.

Lương y Vũ Quốc Trung (Sức khoẻ và đời sống)

Các bài thuốc trị viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên. Theo y học cổ truyền (YHCT), bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống với các thể: vị âm hư suy, tỳ vị hư hàn và can khí phạm vị. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc YHCT có hiệu quả tốt trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng thể tỳ vị hư hàn và vị âm hư suy.

Thể tỳ vị hư hàn

Triệu chứng: Đau vùng thượng vị liên miên, nôn nhiều, mệt mỏi, thích xoa bóp và chườm nóng, đầy bụng, nôn ra nước trong, sợ lạnh, tay chân lạnh, đại tiện phân nát, có lúc táo, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt, mạch hư tế.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Phương pháp chữa: Ôn trung kiện tỳ (ôn bổ tỳ vị, ôn vị kiện trung).

Bài 1: Bố chính sâm 12g, bán hạ chế 6g, lá khôi 20g, sa nhân 10g, gừng 4g, trần bì 6g, nam mộc hương 10g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm: hoàng kỳ 16g, quế chi 8g, sinh khương 6g, bạch thược 8g, cam thảo 6g, đại táo 12g, hương phụ 8g, cao lương khương 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu đầy bụng, ợ hơi (khí trệ) thêm chỉ xác, mộc hương mỗi thứ 6g, trong bụng óc ách nước, nôn ra nước trong bỏ quế chi, thêm bán hạ chế 8g, phục linh 8g.

Bài 3: Hương sa lục quân tử thang hợp Lý trung thang gia giảm: đảng sâm 9g, bạch truật 9g, bán hạ 9g, phục linh 12g, trần bì 6g, can khương 4g, ngô thù 4g, mộc hương 6g, cam thảo 6g, sa nhân 6g.

- Nếu hàn nhiều gia nhục quế 4g, nếu khí hư nhiều gia trích hoàng kỳ 12g.

Thể vị âm hư suy

Triệu chứng: Vùng thượng vị đau âm ỉ, không muốn ăn, miệng khô, đại tiện táo, lưỡi đỏ khô, mạch tế hoặc tế sác.

Pháp điều trị: tư dưỡng vị âm.

Bài 1: Sa sâm mạch đông thang hợp Thược dược cam thảo thang: sa sâm 12g, mạch môn đông 12g, ngọc trúc 9g, thạch hộc 12g, bạch thược 12g, cam thảo 6g, phật thủ 9g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu âm hư nhiều - trường hợp thiểu toan của dạ dày có thể gia sơn tra 10g, ô mai 10 quả, mộc qua 6g.

- Nếu kết quả sinh thiết thấy niêm mạc dạ dày loạn sản ruột, trường hợp tăng sinh không điển hình gia nga truật 12g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bán chi liên 20g.

- Nếu viêm dạ dày cấp và loét trợt xuất huyết gia liên kiều 12g, bồ công anh 20g, phù dung diệp 12g.

Bài 2: Nếu thiểu toan dạ dày có thể dùng bài Ô mai hoàn: ô mai 10 quả, hoàng bá 18g, phụ tử chế 8g, hoàng liên 8g, quế chi 6g, can khương 6g, tế tân 6g, đương quy 8g, đảng sâm 12g, xa tiền 10g. Sắc uống ngày 1 thang.        

Nguyên nhân - cơ chế bệnh sinh theo YHCT

- Do tình chí bị kích thích, dẫn đến can khí uất kết mất khả năng sơ tiết, làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra các triệu chứng đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua... u uất buồn giận thương tổn can, can khí mất sơ thông, hoành nghịch phạm vị, tạo thành can vị bất hòa. Vị khí không thông giáng thì buồn nôn, nôn, ợ hơi. Can khí uất lâu hóa hỏa, hỏa tà thương tổn âm dẫn tới đau tăng lên.

- Hoặc do ăn uống thất thường, ăn nhiều các chất chua cay... làm tỳ vị bị tổn thương mất khả năng kiện vận, hoặc do tiên thiên bất túc (tỳ vị hư) hàn tà nhân đó xâm nhập vào gây khí trệ, huyết ứ mà sinh ra các cơn đau.  

Theo ThS. BS. Trần Thái Hà (Suckhoedoisong.vn)