Lưu trữ cho từ khóa: Cẩm nang sống

Bố mẹ có thể để con ở nhà và đi du lịch riêng?

(Webtretho) Ngay sau khi có con, những kỳ nghỉ của vợ chồng bạn hoàn toàn thay đổi. Mặc dù có thêm được rất nhiều niềm vui khi đi du lịch cùng bọn trẻ nhưng bạn cũng nên tranh thủ dành những khoảng thời gian hiếm hoi cho những chuyến du lịch riêng tư cùng anh ấy của mình. Đây là cách hiệu quả để hâm nóng tình cảm và duy trì hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, việc để các con ở lại nhà cùng với người khác không phải là điều dễ dàng, khiến đa phần các bậc cha mẹ đều cảm thấy có lỗi và vô cùng băn khoăn. Nhiều người lo lắng về những việc có thể xảy ra với bọn trẻ hoặc với họ trong quá trình du lịch và chính điều này đã khiến chuyến đi không được thú vị như mong đợi. Thật sự, tội gì phải buộc tất cả phải khổ sở thế bạn ơi, chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng là vợ chồng bạn hoàn toàn có thể bước vào một chuyến hành trình đầy thú vị và lãng mạn kia mà.

webtretho_tìm người trông trẻ

Tìm được một người yêu thương và thân thiết với con để trông nom bé trong thời gian vợ chồng bạn đi vắng là điều quan trọng hàng đầu (Ảnh: Inmagine)

1. Chọn người giữ trẻ đáng tin cậy

Đây là một trong những quyết định quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ cần phải thực hiện, không chỉ trong chuyến đi này. Và với người nào thì bạn có thể tin tưởng giao cho trông con mình? Với những người trông trẻ thuê, bạn cần xem lý lịch của họ, phỏng vấn kỹ, liên hệ với những nguồn tham khảo để từ đó có thể phần nào kết luận. Bạn cũng có thể nhờ một người họ hàng, người quen thân hay bạn bè có kinh nghiệm của mình. Lý tưởng nhất, bạn nên nhờ một người mà bạn tin tưởng và đã có nhiều thời gian tiếp xúc với con bạn bởi việc chăm sóc những đứa trẻ khi không có bố mẹ chúng ở nhà không phải chuyện dễ.

Bên cạnh đó, bạn nên cung cấp cho người chăm sóc con bạn những đặc điểm về tính cách, thói quen, giờ giấc sinh hoạt… của bé để chính họ và cả con bạn đều không gặp quá nhiều áp lực trong khoảng thời gian này.

2. Lập thời gian biểu hằng ngày cho con

Có một thời gian biểu rõ ràng sẽ tốt cho cả con bạn và cả người nhận trông nom bé. Thời gian biểu không chỉ giúp bé có thói quen sinh hoạt điều độ mà còn giúp giảm đáng kể những căng thẳng không đáng có. Ngoài ra, lịch trình này cũng sẽ giúp người mà bạn nhờ trông nom con mình không gặp quá nhiều lúng túng hay khó khăn trong việc quyết định khi nào cần cho bé ăn, tắm, hay đi ngủ...

3. Cung cấp lịch trình chi tiết về chuyến đi

Người chăm sóc con bạn cần có thể liên lạc với bạn bất cứ lúc nào, bạn hãy lưu ý để cung cấp cho họ những thông tin cần thiết, bao gồm địa chỉ khách sạn nơi bạn sẽ ở, thông tin chuyến bay, số điện thoại của vài người quen mà bạn sẽ gặp... cuối cùng, hãy mở điện thoại di động của chính bạn.

4. Chuẩn bị các dụng cụ y tế dự phòng

Hãy kiểm tra lại một lần tủ thuốc gia đình nhà mình. Các loại dụng cụ y tế để sơ cứu vết thương, vết bỏng cần được chuẩn bị sẵn sàng để con bạn và cả người trông nom chúng không phải lo lắng, lúng túng hay bị động trong trường hợp chẳng may xảy ra. Hãy dán danh sách các số điện thoại của bác sĩ, trung tâm y tế hay bệnh viện gần nhất ở nơi dễ thấy, đặc biệt là thông tin của bác sỹ riêng hoặc người đang theo dõi, chăm sóc cho các nhu cầu đặc biệt của con. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các loại bảo hiểm y tế của con, và các giấy tờ cần thiết đề phòng trường hợp xấu hơn xảy ra cần được xử lý tức thì khi không có mặt bạn.

webtretho_vợ chồng du lịch

Chỉ cần có sự chuẩn bị, vợ chồng bạn có thể "trốn con" đi chơi một chuyến, hâm nóng tình cảm gia đình (Ảnh: Inmagine)

5. Vấn đề về tài chính

Trước khi hai vợ chồng đi du lịch, hãy chuẩn bị sẵn sàng và chu đáo những điều kiện cần thiết nhất cho con bạn trong những ngày chúng ở nhà với người chăm sóc, và cả những ngày sau đó. Tài chính là một vấn đề quan trọng, bạn nên trao đổi và đưa ra ra một khoản tiền hợp lý để người ở cùng các con bạn trong thời gian hai vợ chồng bạn đi vắng sẽ có đủ điều kiện chăm sóc trẻ một cách tốt nhất. Bên cạnh tiền sinh hoạt hàng ngày, bạn nên chú ý đến các khoản phát sinh, các khoản tiền dịch vụ có thể sẽ được thu trong thời gian bạn đi vắng. Với những người lo xa, họ thậm chí còn suy nghĩ về người sẽ thay họ chăm sóc con lâu dài và chuẩn bị cả di chúc để bảo đảm cuộc sống của con...

Có rất nhiều điều cầu chuẩn bị để vợ chồng bạn có một chuyến du lịch riêng hoàn hảo với nhau. Quả thật có rất nhiều điều, nhưng bạn đừng để chúng "hù dọa" và làm nản lòng, bởi nghĩ lại mà xem, bạn hoàn toàn có thể làm tốt mà. Một khi đã có sự chuẩn bị tốt, các con bạn cũng sẽ dễ dàng thích nghi với việc không có bố mẹ ở nhà - một trải nghiệm thú vị dành cho bọn trẻ, còn hai vợ chồng bạn thì sẽ thoát khỏi những mối lo lắng thường trực để có một kỳ nghỉ như mong đợi.

Chúc các bạn vui vẻ!

7 cách thêm gắn kết tình cảm vợ chồng

(Webtretho) Bạn chẳng cần đến những chuyến du lịch xa xỉ và lãng mạn để làm cho tình cảm vợ chồng thêm nồng thắm hơn đâu. Hãy thể hiện tình yêu mỗi ngày với một nửa yêu thương của mình và bồi đắp cho tình cảm đôi lứa khắng khít hơn chỉ với những bí quyết nhỏ sau đây:

Hâm nóng tình cảm vợ chồng

Ảnh: Getty Images

Tin nhắn yêu thương
Mỗi ngày bạn hãy cố gắng gửi cho chàng một tin nhắn thể hiện sự yêu thương và trân trọng đối với chàng, những điều chàng làm vì bạn, dù đó là những việc rất cỏn con.

Những bức hình cũ

Nghiên cứu cho thấy rằng việc hồi tưởng lại những kỉ niệm cũ, những giây phút mà cặp đôi cùng chia sẻ có thể khiến cho mức độ hài lòng về cuộc hôn nhân tăng cao. Hãy gom góp lại những bức ảnh kỉ niệm yêu thích nhất của hai bạn, như ảnh bữa tiệc sinh nhật bất ngờ, ảnh ngày hai bạn mới yêu nhau, lần hẹn đáng nhớ… và cùng treo chúng lên ở những vị trí dễ thấy nhất như tường phòng khách. Bạn có thể đầu tư một khung tranh to để lồng tất cả hình vào, hoặc tỉ mỉ hơn thì mua nhiều khung hình nhỏ để trang trí thành một bức tường kỉ niệm riêng của mình.

Hãy tích cực

Những con người vui vẻ, tích cực luôn gây được ảnh hưởng tốt, được mọi người quý mến và thích được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều. Điều này cũng có thể áp dụng trong quan hệ vợ chồng bạn. Chỉ qua những hành động nhỏ thôi, bạn có thể khiến chàng thích được ở cạnh bạn hơn, và cảm thấy gắn bó thắm thiết với bạn hơn. Trong mối quan hệ vợ chồng, tích cực có nghĩa là tăng cường thực hiện những niềm vui đơn giản, những hành động lãng mạn hay bất ngờ đáng yêu dành cho đối phương, hoặc không tranh luận về vấn đề bố mẹ chồng vào bữa ăn tối nay.

>> Học cách hài hước để trở thành người phụ nữ hấp dẫn hơn

Chia sẻ cởi mở

Để tình cảm càng gắn bó sâu đậm, bạn cần phải tạo được không gian cởi mở trong mối quan hệ để cả hai cùng tâm tình và có những cuộc nói chuyện thật sự nghiêm túc, sâu sắc, để hiểu và kết nối với nhau. Bạn càng cởi mở để chia sẻ, chàng càng dễ mở rộng lòng mình với bạn hơn.

Đồng đội của nhau

Những công việc nhà nhàm chán không những sẽ trở nên thú vị hơn khi cả hai bạn làm cùng nhau, mà việc "cộng tác" này còn có tác động tốt đến mối quan hệ vợ chồng nữa. Việc chia sẻ trách nhiệm chăm sóc nhà cửa càng khiến chàng và bạn cảm thấy gần gũi với nhau hơn. Điều này không có nghĩa là cả hai phải cùng lúc làm một việc mà hãy phân chia công việc trong nhà ra để cùng nhau thực hiện, ví dụ như trong khi bạn rửa chén thì anh ấy thu dọn bàn ghế… Những cuộc khảo sát đã chứng thực được rằng khi cả hai vợ chồng cùng nhau tham gia chia sẻ những công việc nhà sẽ có thể làm gia tăng thêm tình cảm gia đình và sự gắn kết của các cặp đôi.

>> Kế hoạch của các bà nội trợ

Hâm nóng tình cảm vợ chồng

Ảnh: Getty Images

Hãy cứ là tình nhân

Khi cả hai bạn đang trong giai đoạn hẹn hò, bạn thường thích làm những hành động lãng mạn hoặc bất ngờ ví dụ như tự tay làm cho chàng một chiếc bánh kem, mua tặng chàng một món quà không-nhân-dịp-gì-cả, gặp gỡ gia đình chàng (dù bạn không thích tí nào)… khiến chàng cảm thấy bạn là người phụ nữ ngọt ngào và tuyệt vời nhất trên đời. Thế nhưng khi quá bận rộn “làm vợ”, bạn dường như đã quên mất những cử chỉ nhỏ nhặt này, và cũng không còn động lực cố gắng để trở thành người phụ nữ hoàn hảo trong mắt chàng nữa. Thả lỏng nào, đôi lúc bạn cũng nên trở thành “bạn gái” của chồng để nhắc nhở và cho chàng biết bạn vẫn là cô gái đáng yêu như ngày nào. Hãy cùng tham gia với chàng trong những thú vui yêu thích (mà bình thường không bao giờ bạn ngó tới) như đá banh, chơi game, “dụ” chàng cùng âm yếm nhau trên ghế sofa, hoặc nhắn cho chàng rằng bạn rất nhớ và mong muốn gặp chàng biết bao…

Đừng nên phỏng đoán

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình hiểu rõ về đối phương đến mức có thể đoán được họ sẽ phản ứng thế nào. Tuy nhiên, việc giữ được sự tò mò và háo hức trước những phản hồi của anh ấy trong các tình huống xảy ra sẽ khiến mối quan hệ vợ chồng luôn mới mẻ và tránh được các cuộc cãi vã. Thay vì bạn “cho rằng” chồng sẽ không muốn tham dự buổi party cùng bạn và bắt đầu lèo nhèo: “Em biết là anh chẳng bao giờ thích đi nhưng mà...”, sao bạn không thử đề cập trực tiếp hơn: “Anh ơi, tối nay anh đi cùng em nhé!”. Đừng quá chủ quan mà vội phỏng đoán trước suy nghĩ và hành động của chàng, nó sẽ tổn thương đến tình cảm của hai bạn, bởi thông thường chúng ta sẽ phản ứng lại những cái mà chúng ta “cho rằng” chứ không chừa cho chàng không gian để có thể bộc bạch hết ý kiến và phản ứng thật sự của chàng.

>> Làm thế nào để chồng luôn muốn về nhà với vợ?

Kinh nghiệm thuê nhà, phòng trọ

(Webtretho) Giống như câu nói “an cư lạc nghiệp”, có được một nơi ở thoải mái lâu dài là rất quan trọng, đặc biệt là với những người sống và làm việc xa gia đình, vì chỉ khi như thế bạn mới có điều kiện ổn định cuộc sống và thực hiện được nhiều kế hoạch khác. Nào, cùng tìm hiểu những gợi ý sau để có thể tìm được một nơi ở phù hợp nhé!

Thông tin tìm phòng/ nhà trọ

Có rất nhiều kênh để bạn tìm kiếm nơi ở trọ như qua báo chí, các trang mạng về bất động sản hoặc hỏi thăm bạn bè, người thân. Bạn cần cẩn thận với những lời quảng cáo hấp dẫn nhưng không rõ ràng trên các trang cho thuê nhà, phòng trọ, vì có thể đó là qua môi giới, “cò” nhà. Để đảm bảo, bạn nên gọi điện kiểm tra trước về những thông tin cụ thể như: diện tích phòng, khu vực ở đâu, tiền điện nước tính thế nào… Nếu là chính chủ, họ sẽ trả lời cụ thể cho bạn, còn không thì bạn nên bỏ qua.

Tìm hiểu những kênh thông tin cho thuê nhà trọ uy tín (Ảnh: Internet)

Khu vực ở và giá thuê

Ai cũng mong muốn được ở trong hoặc gần trung tâm thành phố, nhưng điều này còn phải phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn vì giá thuê ở những nơi này khá mắc. Bạn nên tìm nhà bắt đầu từ yếu tố quan trọng nhất – tiền: mức giá bạn có thể thuê cũng như khoản tiền cọc bạn có thể chuẩn bị để trao “liền tay”. Thường thì bạn cần đặt cọc một tháng đối với phòng trọ nhỏ, cọc 2 – 3 tháng đối với phòng trọ lớn, chung cư, hoặc tùy theo yêu cầu của người cho thuê.

Tiếp theo, bạn cần chú ý đến khu vực nơi bạn định thuê trọ. Hãy quan tâm đến những vị trí thuận tiện cho việc học tập, làm việc của bạn nhất; khu vực đông dân cư, gần chợ và bệnh viện thì càng tốt. Tuy một số khu vực có thể thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nhưng bạn hoàn toàn có thể khắc phục điều này bằng cách đi xe bus, hoặc chủ động thời gian đi sớm về muộn một chút, tìm các tuyến đường dễ lưu thông… Bên cạnh đó, cũng hãy quan tâm tìm hiểu xem khu vực này có thường bị ngập khi trời mưa không, có gặp vấn đề triều cường không vì những vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

Khi đi xem nhà, hãy tranh thủ hỏi han những người xung quanh về vấn đề trật tự an ninh của khu phố và để ý một chút về cuộc sống sinh hoạt của hàng xóm. Nếu bạn ở trong ngõ, hẻm thì vấn đề này rất đáng lưu ý. Bạn nên hạn chế ở những nơi có nhiều tệ nạn như bài bạc, cá độ…

Chất lượng phòng trọ

Không gian nơi ở một phần phụ thuộc vào số người ở và đồ đạc đi kèm, hãy nhắm chừng diện tích phòng để ở thoải mái, không nên chật quá sẽ khiến mọi sinh hoạt bất tiện, hoặc quá rộng sẽ làm lãng phí tiền trọ của bạn. Bạn cần lưu ý về độ nóng của phòng trong mùa khô ở miền Nam, và mùa hè ở miền Bắc nhé. Cũng rất cần được quan tâm đó là khu vực vệ sinh. Nhà vệ sinh phải an toàn, kín đáo và sạch sẽ, hạn chế sử dụng chung với 4 người trở lên vì như thế sẽ vô cùng bất tiện cho sinh hoạt của bạn sau này.

Ngoài ra, khi thuê phòng bạn sẽ gặp 2 trường hợp: ở cùng chủ nhà hoặc không.

- Thường người thuê phòng trọ có xu hướng không muốn ở cùng chủ nhà để có thể thoải mái giờ giấc, tự do sinh hoạt. Vậy thì trước khi quyết định thuê phòng trọ riêng biệt, bạn nên kiểm tra kỹ các thiết bị điện, ống nước cũng như các đồ vật có sẵn trong nhà xem có hư hỏng gì không trước khi bạn nhận phòng thuê để yêu cầu chủ nhà sửa lại và để tránh việc bạn chịu những chi phí hao tổn không phải do mình.

Chất lượng nơi ở rất quan trọng (Ảnh: Getty Images)

- Nếu ở cùng chủ, bạn nên chọn chủ nhà có giờ giấc sinh hoạt phù hợp với mình, không quá xét nét đến cuộc sống riêng của bạn. Không dễ để biết chủ nhà có “hợp” với bạn hay không, nhưng hãy để ý qua những lần bạn tiếp xúc, trò chuyện khi đến xem nhà. Bạn có thể hỏi thêm thông tin như: “Tôi có thể dẫn bạn về chơi không?”; “Tôi về khuya quá có ảnh hưởng gì không?”… Và yêu cầu có chìa khóa cổng và phòng riêng.

Ngoài ra, nơi ở cần có đủ chỗ để bạn cất xe bên trong hoặc chỗ giữ xe an toàn gần đó. Bạn cũng cần nhờ chủ nhà hoặc hỏi thông tin về việc đăng  ký tạm trú, tạm vắng tại nơi bạn ở nhé.

Điện, nước của phòng trọ

Nếu chủ nhà thu tiền điện, nước trực tiếp, bạn cần nắm được thông tin sau: Theo thông tư số 38/2012/TT-BCT, đối với sinh viên và người lao động thuê nhà để ở thì cứ 4 người đăng ký được hưởng định mức của một hộ (một người được tính là ¼ định mức). Giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính như sau (đơn vị: đồng/ kWh):

Phí nước sinh hoạt: với người nhập cư, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê nhà từ 12 tháng trở lên), định mức nước được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn theo sổ hộ khẩu thường trú và tạm trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước. Trường hợp nhiều hộ gia đình sử dụng chung một đồng hồ nước (địa chỉ trong hộ khẩu thường trú khác với địa chỉ đặt đồng hồ nước) thì tính định mức các nhân khẩu sử dụng chung cho khách hàng đứng tên thuê bao đồng hồ nước.

Tốt nhất là nhà hoặc phòng trọ của bạn nên có đồng hồ điện, nước riêng. Trong trường hợp bạn nghi ngờ có hiện tượng câu trộm điện, nước từ nhà bạn, hãy tắt cầu dao điện và nước và kiểm tra đồng hồ xem có tiếp tục nhảy số hay không. Nếu có tức là bạn đã bị câu trộm, nếu không, bạn cần có kế hoạch sử dụng tiết kiệm hơn, hoặc nhờ nhân viên điện lực hay công ty nước đến kiểm tra đồng hồ cho chắc chắn.

Đọc kỹ hợp đồng

Đọc thật cẩn thận hợp đồng thuê nhà luôn luôn là việc nên làm. Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần để chắc chắn rằng bạn sẽ không là người bị thiệt khi cầm bút ký vào bản hợp đồng đó. Các khoản mục cần quan tâm là thông tin người cho thuê và người thuê cần rõ ràng, giá tiền thuê nhà, số tiền đặt cọc, chi phí bồi thường các thiết bị có sẵn nếu hư hỏng, thời gian trả nhà hay kết thúc hợp đồng trước hạn là bao lâu… Cần ghi rõ số tiền đền bù nếu chủ nhà phá bỏ hợp đồng trước thời gian kết thúc hợp đồng.

(Ảnh: Getty Images)

Còn rất nhiều kinh nghiệm tìm kiếm và thuê phòng, nhà trọ. Hãy cùng nhau tiếp tục chia sẻ nhé và chúc bạn có thể tìm được nơi ở phù hợp!

 
 
 

Đừng trở thành “kẻ nhiều chuyện”

(Webtretho) Xu hướng hội họp theo nhóm, chia sẻ cùng nhau với những câu chuyện vô thưởng vô phạt là một trong những cách giải trí của phái nữ. Nhưng nếu bạn không biết chọn lọc những câu chuyện để tán gẫu, không biết gạn lọc thông tin và để mình cuốn theo những buổi "buôn dưa lê" thì vô tình bạn sẽ trở thành một kẻ nhiều chuyện đáng ghét.

Những lời dèm pha, đồn thổi có tác hại vô cùng lớn đối với nạn nhân cũng như với chính người "buôn" chuyện. Đặc điểm chung của “căn bệnh” nhiều chuyện xấu xí này đó là mọi người thường tụ tập tán dóc, để ý chuyện người khác và loan truyền những điều không hay sau lưng người khác. Vậy làm cách nào để bạn có thể tránh được thói nhiều chuyện vô bổ này?

"Tam sao thất bản" với những tin đồn (Ảnh: Inmagine)

Hãy suy nghĩ trước khi nói

Lời khuyên này không có gì mới mẻ, nhưng lại là kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta. Hãy suy nghĩ trước khi nói và trước khi làm một điều gì! Những lời nói xấu đôi khi chỉ xuất phát từ buổi tán gẫu của bạn bè, đồng nghiệp với nhau khi nhàn rỗi. Hầu như ai cũng đều rất hứng thú khi nghe một câu chuyện buồn cười, hoặc những bí mật, những điều riêng tư của người khác. Và cuốn theo nhịp độ của buổi "tám", bạn cũng hào hứng góp thêm nhiều tình tiết hay ho vào câu chuyện mà không kịp nghĩ về những gì có thể xảy ra sau đó. Không ai tự nhận mình là người nhiều chuyện, chỉ đến khi những lời "tam sao thất bản" kia ảnh hưởng đến nạn nhân và kể cả bạn nữa thì bạn đã "kịp" mang tai tiếng đầy mình và có hối hận thì cũng đã muộn.

Nói tóm lại, hãy có ý thức về giá trị và sức ảnh hưởng của lời nói của bạn, và nghĩ thêm vài giây, đặc biệt trước khi nói về người khác!

Không tham gia hội nhóm “buôn dưa”

Ai cũng sẽ có một nhóm bạn riêng, có những câu chuyện để chia sẻ, tán gẫu. Thế nhưng việc tham gia cùng những người bạn chuyên thêu dệt và đồn thổi chuyện thiên hạ thì không những rất vô bổ mà còn khiến cho bạn dễ dàng bị gắn thêm cái "mác" nhiều chuyện, khiến mọi người lánh xa vì không muốn "mang họa" vào người. Việc ngồi lê đôi mách sẽ hạ thấp giá trị của chính bản thân người nói trước khi gây ảnh hưởng xấu đến "nhân vật chính" trong câu chuyện đấy!

Nếu bạn vô tình là người tiếp nhận thông tin, bạn hoàn toàn có thể khéo léo chuyển sang chủ đề khác, im lặng hoặc tỏ thái độ dứt khoát không tham gia vào câu chuyện, hoặc vì lí do nào đó bạn buộc phải nghe thì cũng nên tránh việc góp ý, thêm bớt vào. Quan trọng nhất là sau khi nghe, bạn cần phải để mọi thứ kết thúc tại đó và không tiếp tục loan truyền chúng. Bạn hãy nhớ rằng, nếu đã "buôn chuyện" không hay của người khác với bạn thì họ cũng có thể nói về bạn với những người khác y như vậy.

Đừng trở thành kẻ nhiều chuyện đáng ghét! (Ảnh: Getty Images)

Thay đổi thái độ của bản thân

Nhiều chuyện, tò mò là một trong những đặc tính nổi bật của thói ngồi lê đôi mách. Nếu bạn đang như thế thì cần phải điều chỉnh lại bản thân bằng cách:

  • Không nên để ý, dèm pha chuyện của người khác;
  • Đừng nên có tính ganh tị và so sánh;
  • Không kể lại, thêm bớt, suy diễn những sự việc mà bạn chỉ được nghe một chiều, không có gì xác thực;
  • Hãy nghĩ xem, liệu bạn có thấy thoải mái và vui vẻ khi có kẻ luôn soi mói, tọc mạch chuyện riêng của bạn?
  • Nếu có những vấn đề không rõ ràng liên quan đến người khác khiến bạn khó chịu hay bận tâm, hãy tâm sự với người thân trong gia đình hoặc bạn thân - người mà bạn hoàn toàn tin tưởng, hoặc trao đổi trực tiếp với chính "đối phương" để tìm ra cách giải quyết.

Nếu bạn là "nạn nhân"?

Nếu chẳng may trở thành tâm điểm cho những cuộc tán gẫu của hội "buôn dưa", bạn cần phải tạo cho bản thân sự tỉnh táo và phớt lờ những lời nói ấy vì "cây ngay không sợ chết đứng". Quả thật, chẳng thoải mái gì khi có lời ra tiếng vào sau lưng mình, nhưng bạn hãy sống và làm việc tốt hơn nữa để những kẻ dèm pha kia thấy rằng lời nói của họ chẳng có giá trị gì, thậm chí còn là động lực để bạn chứng minh điều ngược lại. Nếu cần thiết, bạn nên gặp trực tiếp những kẻ nhiều chuyện kia và nói rõ quan điểm của bạn về những gì họ đang nói sau lưng bạn - "Biết cách tôn trọng cuộc sống riêng của người khác thì cuộc sống của bạn mới đáng nhận được sự tôn trọng tương tự!"

Hãy tán gẫu với những câu chuyện vô hại, vui vẻ cùng nhau (Ảnh: Inmagine)

Những cuộc tán gẫu sẽ giúp cuộc sống của bạn và mọi người xung quanh thêm thoải mái và giảm bớt căng thẳng, nhưng đừng mang chuyện của người khác ra để làm trò tiêu khiển, làm niềm vui cho cuộc trò chuyện của mình, bạn nhé!

 
 
 
 
 

Chia sẻ của một “mày râu” về người phụ nữ biết sống hạnh phúc

(Webtretho) Thật lạ khi có một người đàn ông chủ động mở lời chia sẻ quan điểm và những suy nghĩ về việc người phụ nữ nên yêu, hay sống bên chồng thế nào cho hạnh phúc. Lời lẽ rõ ràng lồng ghép với những phép toán đơn giản lại có thể giúp bạn ngộ ra được những lời khuyên vô cùng hữu ích.

"Điều gì sẽ xảy ra khi một cá nhân coi chính họ quan trọng bằng phần còn lại của thế giới? Nghĩa là bản thân ta quan trọng bằng tất cả mọi người còn lại cộng vào nhau. Theo tớ thì chẳng có tai họa nào xảy ra, mà ngược lại, mọi thứ cực kỳ trật tự." - Hãy theo chân thành viên Anhgia để cùng chia sẻ thêm về vấn đề này tại đây nhé!

(Ảnh: Internet)

Chia sẻ về cuộc sống mới tại Canada

(Webtretho) Đối với những người xa xứ, chắn hẳn trong khoảng thời gian đầu tại đất khách gặp phải rất nhiều khó khăn, từ chuyện giao tiếp, thuê nhà cửa, phương tiện đi lại, hay thời tiết... Và khi đó, nếu có được sự chia sẻ từ những người "đi trước" có kinh nghiệm hơn như thành viên CongNghia sẽ giúp ích cho họ rất nhiều.

Hãy cùng nhau chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm của mình khi bắt đầu cuộc sống mới ở Canada tại đây bạn nhé!

canada

Ảnh: Inmagine

10 loại bạn xấu cần tránh xa

(Webtretho) Không phải ai cũng may mắn có được những người bạn tốt. Hãy cùng học cách để nhận diện một người bạn không tốt và xác định khi nào nên chấm dứt một tình bạn không lành mạnh, đặc biệt là khi “tình bạn” đó làm cho cuộc sống của bạn đảo lộn.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta sẽ gặp rất loại người, có người xấu, người tốt. Bạn bè cũng vậy, cũng có bạn xấu, bạn tốt, thậm chí cả những người có vẻ rất tốt nhưng thực chất lại ảnh hưởng tiêu cực và tệ hơn nữa là phá hoại cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm không phải tất cả bạn xấu đều là người xấu, chỉ là họ không phù hợp để trở thành người bạn thật sự của bạn mà thôi. Nhiều lúc chính bản thân người đó cũng không nhận ra được việc mình làm không phải xuất phát từ tình bạn thật sự và có thể gây tổn thương cho người khác.

bạn xấu

Ảnh: Inmagine

Vậy thế nào là một người bạn không tốt? Đó có thể là người luôn muốn sự quan tâm, chú ý của tất cả mọi người; họ luôn muốn là số một trong cả nhóm bạn; họ phải luôn có mặt trong mỗi một cuộc vui; một người có thể dễ dàng cướp lời của bạn mà không quan tâm đến bạn sẽ thế nào; họ cố gắng để khống chế mọi thứ xung quanh họ theo ý thích của bản thân và khống chế cả cuộc sống của bạn. Đôi lúc, những người này lại xuất hiện như một người bạn tốt, biết quan tâm và giúp đỡ bạn, thế nhưng đó chỉ là sự thể hiện bề ngoài.

Tại nơi làm việc, sẽ có một vài người tự xưng là bạn tốt nhưng xoay lưng đi, họ có thể chơi xấu bạn lúc nào không biết chỉ vì bạn được sếp đánh giá cao hơn. Hoặc trong những bữa tiệc, buổi gặp gỡ bạn bè, một người bạn không tốt luôn cố gắng kéo dồn mọi sự chú ý về phía mình, không ngần ngại làm xấu mặt bạn nếu bạn có vẻ nổi bật hơn.Trong những bộ phim truyền hình có rất nhiều nhân vật bạn xấu như vậy, thường cười thầm thích thú khi thấy nhân vật chính – có thể là bạn đó – thất bại và đau khổ.

Vậy tại sao bạn lại vẫn tiếp tục níu giữ “tình bạn” không lành mạnh này? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, bạn thật sự phải nhìn rõ hơn về mối quan hệ này. Hãy thật bình tâm mà suy nghĩ, người bạn này có khiến bạn được vui vẻ, thoải mái khi ở cạnh hay là một con người khó chịu, độc đoán, khiến bạn mệt mỏi và suy nghĩ; họ vô tình hay cố tình có nhiều hành động, lời nói làm bạn tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn hay không?

bạn xấu

Ảnh: Inmagine

Với những người thường xuyên có những yếu tố sau đây, bạn nên nghĩ đến việc chấm dứt tình bạn sớm để có thể lấy lại cân bằng và niềm vui trong cuộc sống của mình:

Người khiến bạn thấy chán nản

Mỗi lần tiếp xúc, nói chuyện hoặc có bất cứ việc gì liên quan đến người này cũng đều khiến tâm trạng của bạn không vui, chán nản, thất vọng, tức giận… Những người bạn tốt luôn khiến cho chúng ta cảm thấy vui vẻ, thoải mái, mang lại sự phấn khởi và cùng giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn. Cho dù đôi lúc cũng không tránh khỏi những xung đột nhưng bạn bè vẫn là niềm vui. Nếu người bạn nào đó mang đến cho cuộc sống bạn những cảm giác u ám, buồn phiền, hay cảm xúc tiêu cực, có lẽ bạn cần mau chóng rời xa họ càng sớm càng tốt.

Người khiến bạn như mất hết năng lượng

Có một số người “có khả năng” khiến bạn mệt mỏi, phiền hà và khó chịu. Điều này có thể là do họ luôn đòi hỏi được bạn chú ý đến như một đứa trẻ con trong bất kể việc gì, từ những việc vụn vặt họ làm cho đến những vấn đề to lớn hơn trong cuộc sống, chuyện yêu đương, công việc, tiền bạc… Vâng, bạn không phải là một người giữ trẻ!

Người có quá nhiều “bi kịch”

Bạn cảm thấy nhức đầu và mệt mỏi bởi những câu chuyện dài kì của người bạn này, những “bi kịch” hay rắc rối tự họ tạo ra… Dường như những may mắn, xui xẻo, buồn phiền, vui mừng… tất cả chi tiết về cuộc đời họ lúc nào cũng nhuốm một màu “kịch nghệ”. Người bạn này luôn hành xử như một diva “lắm chiêu”.

bạn xấu

Ảnh: Inmagine

Người khiến bạn thấy bản thân mình thật tệ

Bạn bè chẳng phải là để nâng đỡ, khuyến khích nhau hay sao? Thế nhưng người bạn này có thể rất nhiều lần “vô tình” làm bạn xấu mặt, khiến bạn tủi thân về những khiếm khuyết của mình, làm cho bạn mất hết tự tin… Công việc này là của kẻ thù mới đúng!

Người thích chỉ trích

Sự thành thật luôn được đánh giá cao, thế nhưng khi những “lời thật lòng” lại cứ như những mũi dao chọc ngoáy vào bạn, châm biếm, chỉ trích, chê bai… thì điều đó thật tệ. Sự ghen tị và cạnh tranh khi vượt quá giới hạn sẽ khiến những người bạn này có những hành động gây tổn thương đến bạn rất sâu sắc.

Người luôn muốn bạn mang ơn

Giữa bạn bè với nhau, có thể giúp đỡ nhau để tốt lên thì thật là một điều đáng mừng. Thế nhưng người bạn này lúc nào cũng đi kể lể sau lưng rằng bạn không hề tỏ ra mang ơn họ vì những điều họ đã làm cho bạn, rằng bạn là người vô ơn, và rằng công lao của họ đối với cuộc đời bạn lớn biết chừng nào, bạn đáng ra phải làm thế này thế kia cho họ… Lòng biết ơn là rất cần thiết, thế nhưng đó không phải là lý do để bạn phải nhẫn nhịn, chịu đựng hoặc trở thành điểm yếu để người kia có thể điều khiển, can thiệp vào cuộc đời bạn.

bạn xấu

Ảnh: Inmagine

Người độc tài

Một số người có bản tính tự nhiên rất thích chỉ đạo. Họ thích quyết mọi việc theo ý mình, trong mắt họ chỉ có họ và sự lựa chọn của họ là tốt nhất, họ thích được người khác phục tùng và trở thành trung tâm của mọi cuộc vui…Tuy nhiên có một ranh giới rất nhỏ giữa sự quyết đoán với sự xấu tính và ích kỉ thuần túy. Điều này có thể xảy ra trong các bộ phim tuổi teen, nhưng trong cuộc sống thật của chúng ta, bạn chẳng có lý do gì phải đi nuông chiều một người bạn độc đoán và trở thành một trong những “tùy tùng” của họ.

Người bạn 24/7

Bạn bè không phải là vật sở hữu. Khi người bạn kia thường xuyên tỏ ra ghen tị với mối quan hệ của bạn với những người bạn khác, có thái độ khó chịu, dằn vặt, khiến bạn thấy khó xử, hoặc họ không thích bạn gặp gỡ những người bạn mới, thậm chí họ còn trở thành “cái đuôi” đi theo kè kè để theo dõi… thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại về tình bạn này rồi đấy.

Người hay nói xấu

Với người hay nói xấu người khác trước mặt bạn, có bao giờ bạn nghĩ khi khuất mặt bạn, người này sẽ nói những gì về bạn không? Cũng có một số người lại có ảnh hưởng xấu đến bạn, họ giả vờ hỏi han, kể lể này kia để khích bạn vào tham gia vào cuộc nói xấu, và những việc bạn nói ra hoặc nhận xét gì sau này lại trở thành chuyện để cho họ đi “buôn”. Có khi bạn lại trở thành “kẻ đi nói xấu người khác” lúc nào không hay.

bạn xấu

Ảnh: Internet

Người “bận rộn”

Một người chẳng bao giờ có thời gian rảnh để gặp bạn, luôn có những lý do rất “củ chuối” mỗi khi bạn cần hoặc muốn gặp họ. Nhưng ngược lại, đến khi cần nhờ vả, họ lại muốn bạn phải sẵn sàng ở bên họ bất cứ lúc nào. Nếu bạn không có thời gian, họ sẽ cho rằng bạn là một người bạn cực kì tệ và sẽ thường xuyên nhắc đi nhắc lại điều này. Tình bạn này rõ ràng chỉ mang tính vụ lợi mà thôi.

Đã bao giờ bạn phải “bái bai” một người bạn xấu chưa? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi nhé!  Hy vọng rằng bạn sẽ luôn tỉnh táo để biết trân trọng hơn những người bạn tốt ở bên cạnh mình cũng như cảnh giác với những người bạn xấu, những người mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho bạn. Quan trọng nhất bạn phải biết khi nào là điểm dừng cho tình bạn không lành mạnh đó, để giúp cho cuộc sống của chính mình dễ chịu và hạnh phúc hơn thật nhiều.

Bạn trai tôi là người Hàn Quốc

(Webtretho) Giữa các vùng miền trong cùng một đất nước dù cách nhau không xa nhưng đã có rất nhiều sự khác biệt từ văn hóa, ứng xử đến quan niệm, thói quen, ẩm thực… huống chi đến một đất nước xa xôi với những con người và lối sống hoàn toàn khác. Đó cũng là băn khoăn của thành viên leaving on a jetplane cũng như rất nhiều cô gái khác khi yêu một người ngoại quốc.

Tình yêu có thể xóa tan những khác biệt từ nguồn cội này không, lời khuyên nào dành cho cô gái đang yêu này, và liệu văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc có thể dung hòa cùng một mái nhà không? Mời bạn cùng theo dõi tại đây.

hàn quốc

Ảnh: Inmagine

6 điều cần cân nhắc trước khi nghỉ việc

(Webtretho) Bạn có bao giờ suy nghĩ muốn bỏ công việc hiện tại của mình? Sẽ không có lý do nào khiến bạn phải ở lại với công việc mà bạn không mấy yêu thích, tuy nhiên trước khi có bất cứ quyết định nào bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ và xem xét một vài yếu tố sau:

1. Sắp xếp lại nguồn tài chính
Bạn cần đảm bảo nguồn tài chính của mình ngay sau khi nghỉ việc. Bạn có thể sống với số tiền còn lại không? Liệu có công việc nào tạm thời giúp bạn duy trì thu nhập cho tới khi có việc mới không? Ai có thể giúp đỡ khi bạn khó khăn? Tài chính là một trong những điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến khi suy nghĩ đến nghỉ việc, ít nhất là từ vài tháng trước đó để tiết kiệm là vừa. Thời điểm này bạn không thể hoang phí hay vui chơi như trước nữa.

Cân nhắc tài chính trước khi nghỉ việc (Ảnh: Getty Images)

2. Cần có một kế hoạch
Trước tiên, bạn cần đánh giá một cách khách quan và toàn diện về cuộc sống của mình trong thời gian qua và lý do gì khiến bạn không hài lòng. Bạn có bao giờ đấu tranh, thay đổi để công việc được hoàn thành tốt hơn? Bạn đã cố gắng hết sức chưa? Khúc mắc nào làm bạn phải bỏ việc?… Bằng việc trả lời những câu hỏi trên, bạn sẽ biết được vấn đề của mình nằm ở đâu, để từ đó xác định được bước tiếp theo cần làm gì.

Về công việc mới, bạn quan tâm đến điều gì? Hãy kết hợp đam mê cùng những kỹ năng để tìm hiểu về những công việc, lĩnh vực mà bạn yêu thích. Bạn cũng có thể bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, cách tốt nhất để “sa thải” ông chủ của bạn đó chính là bạn hãy làm chủ chính mình. Bên cạnh đó, bạn cũng cần một kế hoạch chi tiết cho những khoản tiền chi tiêu cần thiết trong lúc chưa thể có việc công việc mới, và một kế hoạch dự phòng trong trường hợp mọi thứ không đi theo đúng kế hoạch chính.

Thật mạo hiểm để từ bỏ công việc hiện tại, thế nhưng nếu bạn có một kế hoạch cụ thể cho tương lai mình và với lòng quyết tâm thực hiện thì cũng không phải quá khó khăn.

3. Phát triển kỹ năng và khắc phục yếu điểm
Trước khi nghỉ việc, bạn cần xem xét lại các kỹ năng làm việc và nhất là điểm yếu của bản thân, rồi từ đó nhanh chóng tìm cách nâng cao hoặc khắc phục chúng để chuẩn bị thật tốt trước khi tìm kiếm một công việc mới. Nếu để bỏ việc rồi bạn mới bắt đầu lưu tâm tới yếu tố này thì sẽ gặp khó khăn, khi mà nguồn thu nhập của bạn không ổn định để có thể duy trì cho đến lúc bạn tìm thấy công việc mới. Vì thế tốt nhất bạn hãy luôn nâng cao kỹ năng của bản thân ở mọi thời điểm.

4. Tìm hiểu môi trường công việc mới
Nếu bạn đã có điểm đến mới ngay khi nghỉ việc hiện tại thì coi như những mối lo đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, bạn nên có những bước tìm hiểu về môi trường công việc mới, những khó khăn, trở ngại có thể sẽ gặp để có kế hoạch làm việc cũng như các hướng giải quyết. Con người ta thường có tính “đứng núi này trông núi nọ”, đừng vì thế mà bạn vội vã “nhảy việc” không suy nghĩ, không xem xét. “Lịch sử” thay đổi công việc quá nhiều lần sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hồ sơ làm việc của bạn.

Cần tìm hiểu và có kế hoạch làm việc trong môi trương mới (Ảnh: Getty Images)

5. Cân nhắc thời điểm bỏ việc
Nếu bạn muốn chuyển công việc, tốt nhất bạn nên tìm việc mới ngay khi còn đang làm công việc hiện tại, nếu không, hãy xem xét thời điểm trong năm mà bạn muốn nghỉ việc. Cân nhắc thời điểm để bạn không bị mất đi những quyền lợi của mình, ví dụ như vào thời gian cuối năm sẽ có những phần thưởng, ưu đãi cho nhân viên chăm chỉ, lâu năm; hay giải quyết về các vấn đề giấy tờ bảo hiểm, sổ sách lương bổng… Nên tránh những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp, công ty đang tập trung vào tổng kết doanh thu cũng như thời điểm các nhà tuyển dụng không tìm kiếm nhân lực.

6. Tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp và người thân
Dù đây là việc bạn tự quyết định, thế nhưng bạn vẫn cần chia sẻ quan điểm và nhận lời khuyên từ đồng nghiệp, hay người thân để có cái nhìn khách quan hơn và có quyết định tốt hơn. Hãy tìm và trao đổi với những người đã từng như bạn, có kinh nghiệm có thể cho bạn những lời khuyên thực tế và hữu ích nhất.

 
 

Ăn gì để hơi thở… bớt mùi?

(Webtretho) Hơi thở không thơm tho thường là hậu quả của hai yếu tố chính: vệ sinh răng miệng chưa tốt hoặc sức khỏe đường ruột có vấn đề, có nghĩa mùi hơi thở của bạn không chỉ được hình thành trong khoang miệng mà còn từ toàn bộ hệ tiêu hóa của bạn. Và thủ phạm trong cả hai trường hợp này chủ yếu đều là vi khuẩn.

Các bác sỹ thường khuyên bạn nên bảo đảm ăn uống lành mạnh (có chế độ ăn cân bằng, ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước…), vệ sinh răng miệng đầy đủ và đúng cách sau khi ăn. Tuy vậy, chắc chắn có những khi bạn không thể bảo đảm được việc này, và thế không có nghĩa rằng bạn bị bắt phải “ngậm miệng” trong suốt cuộc họp chỉ vì bữa trưa trước đó đã ăn một món hơi nhiều gia vị. Bạn có thể:

webtretho_trà thảo mộc

Nhâm nhi tách trà thảo mộc giúp bạn tiêu hóa tốt hơn (Ảnh: Inmagine)

1. Các loại thảo mộc tuyệt vời! Có khá nhiều loại lá, rau có thể giúp chúng ta chống lại hơi thở có mùi, chẳng hạn như: lá bạc hà, lá khuynh diệp, lá hương thảo, lá bạch đậu khấu… Bạn có thể nhai lá rau tươi hoặc hãm cùng trà nóng. Các loại thảo mộc này còn có tác dụng tuyệt vời giúp hệ tiêu hóa - vậy là sau bữa ăn, bạn được một công đôi việc.

2. Yogurt muôn năm! Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện thấy rằng việc ăn yogurt mỗi ngày có thể làm giảm nồng độ hydrogen sulfide gây mùi trong miệng, không chỉ vậy còn làm giảm vi khuẩn trong miệng, giảm mảng bám và các bệnh về nướu răng. Thêm vào đó, Hội Thực chế học Hoa Kỳ (ADA) cũng khuyến khích chúng ta tiếp nhận vitamin D từ yogurt, phô mai và sữa nếu lo lắng về tình trạng hôi miệng do loại vitamin này sẽ tạo môi trường kiềm chế vi khuẩn phát triển.

3. Thức ăn giòn giòn. Táo, cà rốt, cần tây… các loại rau và trái cây quen thuộc, giòn giòn và nhiều chất xơ sẽ đồng hành với bạn trong cuộc chiến chống mồm hôi. Thứ gì ở trong miệng sẽ gây nên mùi khó chịu? Đó là các mảng bám, các mảnh, mẩu thức ăn bị giắt vào răng… Và những loại thức ăn giòn giòn như đã kể trên sẽ giúp bạn tăng tiết nước bọt, làm cho khoang miệng của bạn ẩm và làm trôi đi một phần nào những “kẻ” kia. Bạn cũng đừng quên ăn xong thì súc miệng cho sạch nhé.

4. Tăng cường C. Ăn nhiều trái cây nhóm berries, nhóm cam chanh, dưa và các loại thực phẩm, rau trái chứa nhiều vitamin C khác có thể giúp bạn tạo môi trường kiềm chế vi khuẩn sinh sôi. Chế độ ăn đa dạng vitamin C còn quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh viêm nướu và các bệnh khác liên quan đến nướu răng – cũng là nguyên nhân quan trọng gây hơi thở không được thơm tho. Tốt nhất bạn nên bổ sung vitamin C từ thực phẩm chứ đừng lạm dụng các thức uống bổ sung vì có thể gây tình trạng dạ dày lục bục, làm trầm trọng thêm hơi thở “rau mùi”.

webtretho_trái cây

Các loại trái cây như táo, cam, chanh... sẽ giúp ích nhiều cho sức khỏe của bạn (Ảnh: Inmagine)

5. Kỹ thuật “mặt nạ”. Các loại kẹo gum không đường không thể thay thế cho việc đánh răng nhưng có thể giúp hơi thở của chúng ta thơm mát hơn (làm “mặt nạ” cho hơi thở đó), đồng thời làm tăng tiết nước bọt để “rửa” bớt mảng bám và vi khuẩn. Kẹo mùi vị bạc hà khá được ưa chuộng, nhưng thật sự mùi này chỉ giữ được trong khoảng thời gian ngắn, không chỉ thế, đường sẽ tạo thêm mảng bám. Bạn nên chọn loại kẹo nhai không đường là tốt nhất.