Lưu trữ cho từ khóa: cảm mạo

Vị thuốc chữa bệnh từ thịt dê

Thịt dê và các bộ phận khác của dê có tác dụng ôn bổ tỳ vị, ôn bổ can thận nên thường dùng cho người bị tỳ vị hư hàn, nôn ói, thân thể gầy còm… Tuy nhiên, theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt dê nói riêng và các sản phẩm lấy từ dê nói chung đều có tính ấm nóng cho nên những người thể chất thiên nhiệt và đang bị sốt do cảm mạo không nên dùng.

Thịt dê: Vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ huyết ích khí, ôn trung noãn thận. Được dùng để chữa các chứng thiếu máu, gầy yếu, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau bụng do hư hàn, thận dương hư gây nên đau lưng mỏi gối, liệt dương, di tinh, di niệu…

Trị các chứng suy nhược cơ thể, đau bụng do hư hàn: Thịt dê 250g thái miếng, 30g đương quy, 15g sinh khương hầm thật nhừ rồi chắt nước cốt uống.

vi-thuoc-chua-benh-tu-thit-de

Trị chứng tỳ vị hư nhược, chán ăn, nôn và buồn nôn do hư hàn: Thịt dê 250g thái vụn rồi nấu với 180g gạo thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Trị chứng liệt dương, di tinh, di niệu, lưng đau gối mỏi do thận dương hư: 250g thịt dê luộc chín, thái miếng, trộn đều với 15g tỏi giã nát và các gia vị khác vừa đủ rồi ăn…

Gan dê: Vị ngọt, tính bình có công dụng bổ huyết ích can và làm sáng mắt. Được dùng để chữa các chứng thiếu máu, gầy còm, hoa mắt, suy giảm thị lực… do can hư.

Trị chứng suy nhược cơ thể, hoa mắt chóng mặt, thong manh, thị lực giảm sút do can huyết hư: Gan dê 150g thái miếng  nấu với 50g gạo tẻ thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Trị chứng can hỏa vượng biểu hiện bởi các triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mắt đỏ… Gan dê 60g, cúc hoa 10g, cốc tinh thảo 10g, tất cả sắc kỹ, bỏ bã lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày.

Thận dê: Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận khí, ích tinh tuỷ. Được dùng dể chữa các chứng suy nhược cơ thể, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, di tinh, di niệu, liệt dương… do thận hư.

Trị chứng liệt dương, xuất tinh sớm: Thận dê 1 đôi làm sạch thái miếng, đem hầm với nhục thung dung 12g, kỷ tử 10g, thục địa 10g và ba kích 8g được gói trong túi vải, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Trị chứng gầy yếu suy nhược, tai ù tai điếc, di tinh, liệt dương, hậu sản hư lãnh: Thận dê 100g, thịt dê 100g, kỷ tử 50g, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ, tất cả đem nấu thành cháo, chia ăn vài lần.

Trị chứng đau lưng mạn tính: Thận dê 1 đôi thái miếng hầm với đậu đen 60g, đỗ trọng 12g, tiểu hồi hương 3g, sinh khương 3 lát, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

Tinh hoàn dê: Vị ngọt mặn, tình bình, có công dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh. Được dùng để chữa các chứng di tinh, liệt dương, hạ bộ hư lãnh, thiểu năng sinh dục…

Trị các chứng đau lưng do thận hư, di tinh, liệt dương, tiêu khát: Tinh hoàn dê nấu cháo ăn thường xuyên

Trị chứng liệt dương: Tinh hoàn dê 1 đôi làm sạch, bỏ màng, thái miếng, nấu với nước dùng xương lợn trong 5 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng.

Bác sĩ Hữu Nam

Theo Suckhoedoisong.vn

Cháo nhông cát giúp chữa cảm mạo

Nhông cát không chỉ là đặc sản của miền Trung mà còn là một vị thuốc bồi bổ và chữa nhiều bệnh.

Nhông cát (Leiolepis belliana Gray) còn được gọi là nhông biển, nhông cát sử nữ sinh... là một loài bò sát giống thằn lằn, chỉ có ở các tỉnh miền Trung nước ta và là đặc sản từ Quảng Trị - Bình Thuận. Nhông cát có loại to, nặng khoảng vài trăm gam, có thể dài đến 0,8 - 1m kể cả đuôi và loại nhỏ bằng ngón tay được gọi là nhông que.

Thịt nhông cát có giá trị dinh dưỡng cao.

Về mặt thực phẩm, nhông cát có giá trị dinh dưỡng cao. Từ thịt nhông người ta chế biến nhiều món ăn ngon, rất hấp dẫn, trong dó có 7 món phổ biến là nhông nướng, nhông hấp, nhông quay, nhông xào lăn, nhông làm gỏi với lá me non, chả nhông và cháo nhông, món nào cũng ngon, lạ miệng.

Ngoài giá trị ăn uống, thịt nhông còn là một vị thuốc hay được dùng để bồi dưỡng sức khoẻ và chữa nhiều bệnh. Theo Đông y, thịt nhông cát có vị ngọt, mặn, mùi thơm, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể, giảm đau, kích thích, giúp tiêu hoá, tiêu độc, làm khô vết thương, chữa hen suyễn, nhức mỏi gân xương, thấp khớp, tê bại.

Dạng thuốc dùng thông thường là thịt nhông cát phơi khô hay sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần 10 - 20g, ngày uống 2 - 3 lần. Có thể trộn bột thịt nhông cát với mật ong làm thuốc viên.

Đối với những trẻ em suy dinh dưỡng, gầy còm, kém ăn, chậm lớn dùng món ăn - bài thuốc dưới dạng cháo nóng cho trẻ ăn hằng ngày. Cách chế: Dùng gạo ngon nấu cháo. Lấy thịt nhông băm nhỏ xào qua với dầu lạc, đợi cháo nhừ cho thịt nhông vào cùng với gia vị, mắm muối. Múc ra bát cho trẻ ăn ngay lúc còn nóng.

Ngoài ra, người ta còn dùng cháo nhông nóng để chữa cảm mạo, đặc biệt là với chứng cảm mạo phong hàn như người bệnh sợ lạnh, nhức đầu, không ra mồ hôi, tắc mũi và chảy nước mũi, ho, sốt... Gặp trường hợp này dùng cháo nhông nóng cho bệnh nhân ăn rất tốt. Bát cháo nhông nóng hổi, ngon ngọt, ăn đến đâu ấm dạ đến đấy, chỉ cần ăn một bát cháo nhông nóng sẽ toát mồ hôi, đắp chăn nằm nghỉ ở chỗ ấm. Khi mồ hôi ra đều, bỏ chăn ra, lau khô mồ hôi, thay quần áo, nằm nghỉ một lúc sẽ thấy người nhẹ nhõm, hết sốt.   

BS Kim Minh

Meo.vn (Theo Bee)

Ăn uống giữ ấm cơ thể

Tiết trời sắp lập đông, cần biết cách bảo vệ cơ thể để không mắc một số bệnh thường gặp trong mùa này.

Thường thì mùa đông bắt đầu khoảng tuần thứ hai của tháng 11 dương lịch. Theo y học cổ truyền, hàn tà và phong tà kết hợp gây ra bệnh cảm mạo phong hàn, viêm khí quản, đau các khớp... Nếu cơ thể không thích ứng với tiết trời, khí hậu lạnh rất dễ mắc bệnh. Đông y cho rằng giữa tạng phủ và thời tiết có quan hệ mật thiết với nhau. Trong mùa đông càng dễ xuất hiện các bệnh có quan hệ đến dương khí bất túc, đau mỏi eo lưng, phù thũng, đại tiện ít, tiểu tiện nhiều, kinh nguyệt không đều, hen suyễn nặng hơn...


Gừng


Hành


Ớt


Quế... đều có tính ấm nóng, giúp giữ ấm cơ thể  - Ảnh: K.Vy

Ăn uống, dưỡng sinh

Theo lương y Quốc Trung, mục đích của việc điều dưỡng cơ thể, phòng trị bệnh là giúp cho cơ thể, tinh thần phù hợp với tính chất của tự nhiên, phù hợp với sự thay đổi của thời tiết. Phương pháp cơ bản điều dưỡng cũng chính là tận dụng hết khả năng thích ứng với mọi thay đổi của thời tiết, sáng ngủ dậy nên xoa lòng bàn tay, bàn chân; cần giữ ấm cơ thể - nhất là những người hay ra ngoài khi còn sớm; hằng ngày nên mở cửa sổ vào buổi trưa để không khí lưu thông. Ngoài ra, mùa đông nên dùng thiên về các món, thực phẩm có tính ấm, cay (gừng, hành, ớt, hẹ, lá lốt...); dùng khi món ăn còn nóng ấm. Hạn chế các món béo, lạnh, hay còn sống.

Người nhiễm phong hàn thường có các triệu chứng như: nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, phát nhiệt (sốt), sợ lạnh, khớp tay chân đau mỏi, cơ thể khó chịu. Để phòng và trị, theo lương y Quốc Trung, cần dùng các món ăn có vị tân (cay), tính ôn, sơ phong tán hàn như sau:

- Hành củ 30g, gạo tẻ 60g, gia vị. Đem nấu cháo, dùng lúc còn nóng ấm.

- Hành củ 15g, chao đậu 30g, đường đỏ 15g. Bỏ chao vào nước sôi luộc 15 phút, cho hành và đường đỏ vào, gạn lấy nước, uống nóng.

- Gừng tươi 15g, hoắc hương tươi 50g, đường đỏ 15g. Rửa sạch hoắc hương thái ngắn, gừng rửa sạch thái mỏng, rồi cho vào nồi nước sôi luộc 3-5 phút, gạn lấy nước uống nóng.

- Ma hoàng 6g, hạnh nhân 10g, đường trắng 15g. Rửa sạch ma hoàng, hạnh nhân bỏ vỏ bỏ tim, cho vào nước sôi luộc 15-20 phút, lọc lấy nước, cho đường vào khuấy đều, uống nóng.

- Quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường trắng 15g. Rửa sạch các loại, cho vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, nấu với lửa lớn đến sôi, nấu tiếp 10-15 phút nữa. Lọc lấy nước cho đường vào khuấy đều uống nóng.

- Gừng tươi 20g, gạo tẻ 60g, đường đỏ 15g. Rửa sạch gừng tươi, thái thành dạng hạt nhỏ. Gạo vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu với lửa lớn, đến khi gạo chín thì cho gừng vào, nấu tiếp cho cháo nhừ thì cho đường vào khuấy đều, dùng nóng.

Meo.vn (Theo TNO)

Rượu gừng nhiều công dụng

Rượu gừng có công dụng tuyệt vời trong điều trị cảm, đau khớp, buồn nôn, hạ cholesterol, khó tiêu, bệnh gout, hội chứng ruột kích ứng…

Để chế biến rượu gừng, lấy nửa chén gừng tươi băm nhuyễn (gừng khô thì khoảng 1/4 chén), cho vào hũ thủy tinh miệng rộng, màu tối, sạch và khô nhằm tránh ánh sáng, ô nhiễm. Sau đó, cho vào hũ một chén rượu Vodka (nếu là gừng tươi) hoặc 2/3 chén rượu Vodka cộng 1/3 chén nước (gừng khô), đậy nắp lại và lắc hũ trong khoảng 2 phút.
Dùng giấy ghi tên sản phẩm và ngày chế biến, dán vào hũ để tránh nhầm lẫn. Trong 2 tuần kế tiếp, lắc hũ khoảng 1 phút mỗi ngày, sau đó lọc bỏ bã lấy phần rượu, pha một muỗng cà phê với tách nước ấm uống. Rượu gừng để ở nơi khô mát, tránh ánh sáng, có thể bảo quản 1 - 2 năm.

Người đi chơi xa có thể đem theo sản phẩm này để tránh nôn mửa do say xe và phòng cảm mạo khi thay đổi thời tiết. Những bệnh nhân đang hóa trị liệu cũng nên dùng rượu gừng để giảm buồn nôn. Lưu ý, phụ nữ có thai và bệnh nhân mắc các bệnh về mật không nên dùng sản phẩm này. Khi đi khám bệnh, lúc bác sĩ kê đơn thuốc, bạn cần báo mình đang dùng rượu gừng để tránh “nguy cơ” tương tác thuốc.


Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (ĐH Dược Murdoch - Úc)
Meo.vn (Theo NLD)

Hành tây, bổ thận tráng dương

Hành tây là một chất kích thích tình dục mạnh, được gọi là “viagra trắng” tự nhiên tốt nhất.

Hành tây là một loại cây thảo, có tên khoa học là Allium cepa, thuộc họ hành (Alliaceae), sống ngắn ngày (khoảng 90- 150 ngày). Hành tây còn được gọi là “vua của các loại rau” vì hương vị cay nồng. Vỏ hành tây chứa nhiều rutin, rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch, dự phòng tai biến xuất huyết não.

Vì chứa chất phytonxit - một loại kháng sinh mạnh nên hành tây có thể dùng để trị các bệnh như ho, xơ cứng động mạch, cổ trướng, tiểu đường, giúp ngủ ngon, trừ giun đũa, chống đông máu, chống viêm, hạ huyết áp, giảm cholesterol, chống táo bón và đầy hơi, lợi tiểu và làm sạch máu, chữa ù tai, rụng tóc, tăng cường miễn dịch, chống loãng xương, phòng chống ung thư ruột kết… Đặc biệt, hành tây là một chất kích thích tình dục mạnh, được gọi là “viagra trắng” tự nhiên tốt nhất.


Đông y cho rằng hành tây có vị thơm cay, tính ấm, không độc, chữa nhiều bệnh như tiêu khát, huyết áp cao, mỡ máu, xơ vữa thành mạch, bệnh mạch vành tim, cảm mạo phong hàn... Còn theo tài liệu nghiên cứu của các nước Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... về mặt dược lí của hành tây như sau:

Theo kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của vị giáo sư miễn dịch học tại Trường Đại học California, Hoa Kỳ thì trong hành tây có chứa chất hoá học quecectin là một trong những chất chống ung thư thiên nhiên hiệu quả nhất mà hiện nay thế giới đều biết đến. Hay một công trình nghiên cứu tại Hà Lan cũng cho thấy, ngoài chức năng lợi tiểu, hành tây còn tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Do vậy những người có tiền sử gia đình mắc ung thư thì thường xuyên nên ăn mỗi ngày nửa củ hành tây. Người ta đã theo rõi thấy những người luôn thích ăn hành tây thì nguy cơ gây ung thư giảm hẳn một nửa.

Tại Nga các nghiên cứu cũng nhận thấy hành tây có tác dụng làm hạ huyết áp nhờ chứa chất prostaglandin (prostagladin A, PG) và thành phần hoạt tính fibrin nên có thể kích thích hoạt động hoà tan máu, chống lại những chất gây tăng áp trong cơ thể. Mặt khác, các chất này còn thúc đẩy sự bài tiết muối Natri (một loại muối gọi nước), do đó làm hạ huyết áp. Các nhà khoa học Nga đã chứng minh rằng, chỉ cần một lượng nhỏ nhất chất prostaglandin trong cơ thể người đã có tác dụng điều hoà huyết áp và các thành phần của máu, ngăn ngừa sự tạo thành huyết khối.

Dưới đây xin giới thiệu một vài món ăn bổ dưỡng, tăng cường sinh lực từ hành tây.
Món hành tây ngâm dấm: Hành tây tươi 1 củ khoảng 100g, bóc bỏ vỏ ngoài, thái dọc với bản rộng khoảng 2cm, ngâm với dấm khoảng 4 giờ. Khi ăn trộn thêm một chút gia vị và đường. Mỗi ngày ăn khoảng 50-100g, ăn liên tục trong 1-2 tháng sẽ có tác dụng giảm cholesterol, hỗ trợ điều trị bệnh động mạch vành, tắc mạch máu não, cơ tim hoại tử, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đau đầu, viêm quanh vai, bí đại tiểu tiện, béo phì, các chứng bệnh thời kỳ tiền mãn kinh và yếu sinh lý ở nam giới.

Súp hành tây kiểu Pháp: 6 củ hành tây cỡ trung, lột vỏ, cắt hạt lựu. Lấy 3 muỗng bơ và phi hành tây bằng lửa vừa cho đến khi chín tới. Cho chỗ hành tây nói trên vào nồi nước dùng (nước dùng gà, bò hay heo đều được) đun sôi trong 30 phút. Múc súp ra bát, rắc phô-mai bào lên trên và ăn nóng với bánh mỳ nướng. Món ăn này giúp thông mạch, tăng cường sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tình dục cho cả nam và nữ.

Tôm xào đậu và hành tây: 200g tôm tươi bóc vỏ, bỏ đầu, ướp với gia vị khoảng 10 phút. 100g đậu Hà Lan làm sạch. 1 củ hành tây thái miếng vuông quân cờ. Phi thơm tỏi, xào nhanh hành tây và trút ra đĩa, sau đó xào tôm cho chín tới thì cho đậu Hà Lan vào xào. Nêm chút dầu hào cho vừa miệng. Khi thấy đậu chín tới thì đổ hành vào, đảo qua rồi bày ra đĩa. Dùng nóng với cơm. Tôm, hành tây và đậu Hà Lan đều là những thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho hệ tuần hoàn và sinh sản.

Cật heo trộn hành tây: 2 quả cật heo làm sạch, bổ đôi (tốt nhất là không bỏ túi khai trong lòng quả cật), khía vẩy rồng rồi cắt thành miếng bằng 2 ngón tay. Đun sôi một nước với  ít muối và rượu trắng, rồi nhúng cật đến khi thấy các vết khứa nở ra thì vớt, để ráo. Hành tây 1 củ cắt mỏng, xào với tỏi phi thơm cho chín vừa, nêm chút muối, đường, dầu hào, rồi phi tỏi trong chảo cho thơm rồi nêm dầu hào. Trộn hành với cật cho đều, ăn nóng. Đây được xem là một trong những món ăn hàng đầu tăng cường “bản lĩnh đàn ông”.

Theo B.S Hoàng Tuấn Long

Meo.vn (Theo alobacsi)

Bệnh nặng thêm vì trái cây

Bệnh nhân suy tim không nên ăn dưa hấu, nước dừa tránh cho tim khỏi bị nặng thêm.
Y học phương Đông nhấn mạnh, trái cây cũng như dược phẩm Đông y, chúng cũng có những thuộc tính hàn, nhiệt, ôn lương khác nhau.

Ví dụ lê sống tính hàn, quả đào tính nhiệt; quả mận tính ôn; dưa hấu tính lương. Nếu người bệnh bị tỳ dương hư, hàn thấp thịnh mà ăn nhiều lê sống thì thường dẫn đến đau bụng, đi ngoài. Tỳ hư bên trong hàn mà ăn nhiều dưa hấu cũng dễ bị như vậy.

Trái cây cũng có 5 vị: chua, ngọt, đắng cay, mặn, cũng dễ gây ra ảnh hưởng nhất định đối với bệnh tật. Vị ngọt phần nhiều có tác dụng bồi bổ, vị chua phần nhiều có tác dụng thu liễm và làm cho kết dính lại, có thể dùng để làm ngừng ra mồ hôi và ngừng đi lỏng, nhưng trường hợp thấp nhiệt thịnh thì không nên ăn.

Về lâm sàng, người bị bệnh đái tháo đường nên ít ăn dưa hấu, nếu mỗi lần ăn 1.000 - 2.000g, thì trong thời gian ngắn tăng 50 - 100g đường. Còn những loại trái cây có hàm lượng đường cao như chuối tiêu, táo, vải, lê, long nhãn, đại táo thì không ăn một cách tùy tiện.


Những người bị loét dạ dày, hành tá tràng, do axit trong dạ dày quá nhiều không nên ăn mơ, chanh.

Bệnh nhân suy tim không nên ăn dưa hấu, nước dừa tránh cho tim khỏi bị nặng thêm.

Những bệnh nhân thể chất dễ bị dị ứng, nếu ăn dứa, vải cũng dễ sinh dị ứng.


Những bệnh nhân cơ tim bị cứng tắc thì không nên ăn táo, hồng, hạt sen bởi những loại này có hàm lượng axit tương đối cao, sinh ra tác dụng thu liễm quá mạnh, làm cho bí tiểu tiện nặng thêm, dễ dẫn tới bệnh của cơ tim, phát đi phát lại.

Hồng là loại trái cây có tính hàn, những người bị khí hư, người yếu nhiều bệnh, phụ nữ sau khi sinh và những bệnh nhân cảm phong hàn bên ngoài thì không nên ăn.

Hồ đào là loại trái cây có tính ôn, tự nhuận (bồi bổ và nhuận) nhiều, những người bị đờm hỏa tích nhiệt nên dùng ít.

Long nhãn vị ngọt, tính ôn nếu bị cảm mạo phong hàn, tiêu hóa không tốt, rêu lưỡi dày và nhầy thì không nên dùng.

Theo BS. Nguyễn Đức Lê

Meo.vn (Theo alobacsi)

Đau bụng, viêm nhiễm không ăn yến sào

Theo Đông y, yến sào tức tổ yến có vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế và vị. Tác dụng dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho, định suyễn.

Yến sào thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, khí huyết suy yếu, người nóng bứt rứt, gầy ốm, da khô nóng, tim đập nhanh. Ngoài ra, yến sào còn giúp tăng thêm sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể, bảo vệ da, giúp da tăng tính đàn hồi, tươi nhuận và mịn màng.

Liều dùng 6 - 12g/ngày, thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, nếu cơ thể suy nhược thì có thể dùng hằng ngày, nếu chỉ bổ sung dinh dưỡng thì cách một ngày dùng một lần.


Yến sào thường đươc sử dụng làm thuốc trong các trường hợp sau: Người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, người cao tuổi già yếu, có các triệu chứng như ăn uống kém, mất ngủ, người không có sức, tiếng nói nhỏ yếu, nói không ra tiếng, đi lại không vững vàng, đau lưng mỏi gối thì dùng yến sào 6 - 10g, nhân sâm 6 - 8g, đương quy 8 - 10g, câu kỷ tử 6 - 8g, hoài sơn 8 - 10g, hạt sen 10 - 12g, táo tàu 5 quả. Tất cả cho vào thố đất để tiềm cho chín mềm. Chia 2 - 3 lần để uống trong ngày.

Người suy nhược, thiếu máu, hay ho khan, ngứa cổ, ăn ngủ kém, dễ bị cảm mạo thời khí thì dùng yến sào 6 - 10g đã làm sạch, nấu cháo với gạo tẻ 50g, thịt bò (hoặc thịt gà) 100g để ăn vào lúc đói bụng. Có thể thêm hạt sen, táo tàu để nấu. Có thể nấu yến sào với bồ câu (hoặc gà giò, gà ác, chim cút) bằng cách làm sạch bồ câu, hầm chín mềm rồi cho yến sào 6 - 10g vào cùng với gia vị nêm vừa ăn, để ăn vào lúc đói bụng.

Chè yến sào với hạt sen: Ngâm hạt sen 100g với nước ấm khoảng 2 giờ. Nấu hạt sen với 1 lít nước đến khi chín mềm thì cho yến sào 6 - 10g vào cùng lượng đường vừa đủ để nấu chè. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng hoặc trước khi đi ngủ.

Cần chú ý, những người đang bị cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau bụng do lạnh, đầy bụng, ho nhiều đàm loãng, trong, thì không nên dùng yến sào. Những người đang bị bệnh viêm nhiễm ngoài da, viêm gan vàng da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm đường tiết niệu... nói chung là bệnh viêm nhiễm cấp tính, có sốt, thực nhiệt, đều không được dùng yến sào.

Những người gầy yếu nhưng chức năng hoạt động của tỳ vị còn quá yếu, không thể hấp thụ các thực phẩm (hoặc dược liệu) có quá nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất đạm (Đông y gọi là hư bất thụ bổ) thì không nên dùng yến sào. Những người có tình trạng dương khí suy yếu với các triệu chứng người lạnh, sợ lạnh, tiêu lỏng, tiểu nhiều lần, nước tiểu trong, không nên dùng yến sào.

Theo Lương y Hạnh Lâm (Hội Dược liệu TPHCM)

Meo.vn (Theo Khoahocdoisong)

Các cách trị bệnh từ gừng

Nhiều người khi bị chóng mặt xây xẩm, buồn nôn hay giã gừng tươi nấu với nước lọc và đường để uống. Lại có người nướng gừng lên cho thơm sau đó giã nát và pha với nước sôi, đường, chanh để uống... Vậy nên uống nước gừng như thế nào cho đúng?

Gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị, tiêu đàm, cầm nôn mửa, lợi thủy, giải độc. Thường dùng làm thuốc chữa cảm mạo phong hàn (cảm lạnh), lạnh bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa, ho có đàm, giải độc cua, cá, thịt...

Có nhiều cách chế biến để sử dụng củ gừng gồm: Dùng ngoài, gừng tươi giã nhỏ đắp chữa tụ huyết do chấn thương, đau tức hoặc ngâm với rượu để xoa bóp tay chân nhức mỏi, đau nhức khi trời lạnh.

a

 

Củ gừng tươi đồ chín rồi đem phơi khô, có vị cay tính nóng, tác dụng tán hàn, dùng chữa cảm lạnh.

Gừng có thể ngừa chứng nôn nao dạ dầy ở những phụ nữ đang mang thai hay những người đang chữa hoá học trị liệu.
Gừng cũng có tác dụng ngăn chặn ảnh hưởng của chất serotonin sinh ra do não và dạ dày khi buồn nôn và ngừa việc sinh ra các gốc tự do là nguyên nhân gây ra các bệnh ở dạ dày.

Gừng khô (can khương): Củ gừng tươi đồ chín rồi đem phơi khô, có vị cay tính nóng, tác dụng tán hàn, dùng chữa cảm lạnh, thổ tả do lạnh. Khương lộ là nấu củ gừng cho chín rồi đem phơi sương. Khương lộ có vị cay, tính nóng, dùng chữa các chứng trúng hàn, trợ tiêu hoá, giải độc sương móc vùng lam sơn chướng khí, trừ được đàm. Thán khương tức gừng khô đem sao đến khi mặt ngoài cháy đen, trong còn màu vàng thẫm, dùng làm thuốc cầm máu khi bị xuất huyết, tay chân lạnh, truỵ mạch.

Ổi khương là gừng tươi đem nướng, gừng lùi, bóc bỏ vỏ cháy ở ngoài, cắt lát mỏng hoặc giã lấy nước, dùng chữa đau bụng lạnh, trúng thức ăn lạnh, nôn mửa nhiều, sợ gió lạnh. Tiêu khương là củ gừng sao vừa cháy sém vỏ ngoài, dùng chữa đau bụng lạnh, cầm máu.

Không nên dùng gừng để lâu ngày đã bị thối, ủng, để chế biến thức ăn, vì gừng bị thối, ủng, sẽ sinh ra chất lưu huỳnh, là loại độc tố có thể gây tổn thương cho gan.

Lương y Đinh Công Bảy
Meo.vn (Theo Bee)

Xông hơi “vùng kín”, không khéo hỏng… “hàng”

Tại TPHCM, các dịch vụ massage, spa đang nở rộ do nhu cầu thư giãn và làm đẹp của chị em ngày càng cao.

Nhằm “hút Thượng đế”,nhiều cơ sở đã đưa ra những chiêu rất “độc”- Xông hơi “vùng kín” để trị bệnh phụ khoa, “sạch người”… đang là một dịch vụ được nhiều quí bà, quí cô rất mặn mà!

Khổ như đi...  xông “lá nho”

Theo BS Hữu Vinh: Việc “xông ghế” để trị bệnh phụ khoa như quảng cáo của các điểm xông hơi là chưa được phép.

Cần phải đưa ra được phương pháp, mục đích trị liệu cụ thể. Người trị liệu là lương y, bác sỹ và nhất thiết phải xin phép cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, các điểm spa và massge chỉ quảng cáo bằng... miệng chứ không lưu hành văn bản nên chưa thể xử lý được.

Các “thượng đế” cần thận trọng khi dùng phương pháp trị liệu này.

Tại một số phòng khám, chữa bệnh Đông y, các spa... người ta gọi phương pháp này bằng cái tên khá ý nhị: Xông ghế.

Để “tận mục sở thị” có đúng như những lời quảng cáo hoa mỹ,  phóng viên GĐ&XH Cuối tuần đã chọn một spa có dịch vụ này.

Tại điểm spa HBL tại đường Kỳ Đồng (Q.3), khi hỏi dịch vụ “xông ghế”, cô nhân viên vồn vã tiếp thị ngay: “Xông ghế rất tốt cho phụ nữ, nó làm săn và sạch vùng “lá nho”. Hệ thống spa của chúng em “độc quyền” đó chị! Phương pháp này hay lắm nhé! Nước xông được nấu từ 7 loại thuốc Nam như sả, gừng, v..v, giá cả lại phải chăng. Chúng em chỉ lấy 100.000 đồng/lần/20 phút xông...”.

Miệng nói là “độc quyền” nhưng khi tôi hỏi giá một vài chỗ khác thì cô nhân viên mau mắn: “Chị mà lên mấy spa ở đường Võ Văn Tần thì người ta thu 150.000 đồng cơ! Còn ở đường Lê Văn Sĩ và Huỳnh Văn Bánh thì họ thu 130.000 đồng.  Giá ở đây là rẻ nhất rồi chị ơi! Xông một lần có thể trị được bệnh huyết trắng và một số bệnh phụ khoa khác. Nếu chị không có bệnh thì cũng làm săn, sạch, khỏe “lá nho”. Khỏe người lắm đó chị!

Thấy tôi có vẻ ngần ngừ vì lí do: “Vừa sinh xong, không biết có ảnh hưởng gì không”, cô nhân viên liếng thoắng: “Chị yên tâm, phụ nữ vừa sinh xong, xông là tốt nhất. Chị cũng không phải ngại vì mỗi khách hàng có một phòng xông riêng rất thoải mái. Nếu chị thấy buồn, muốn xông cùng cô bạn đi cùng thì chúng em sẽ đặt hai ghế xông gần nhau”...

Tôi thắc mắc: “Bạn chị chưa có chồng. Thế phụ nữ chưa chồng có xông được không? Có bị ảnh hưởng gì không?- Cô nhân viên đáp luôn: “Không sao chị ạ. Xông ghế phù hợp với mọi phụ nữ, không nhất thiết là có chồng hay chưa chồng. Nó sẽ hút sạch chất dơ, bẩn, giúp các chị có cảm giác sạch sẽ, sảng khoái... Sau 20 phút xông, các chị sẽ được tắm qua nước ấm để gột bỏ mùi thuốc... Khách hàng đến đây rất thích dịch vụ này của chúng em. Sau khi xông hơi, các chị  nên massge body để được thư giãn, rất tốt cho sức khỏe”.

Tôi và cô bạn gật đầu đồng ý xông thử. Chúng tôi được bố trí ngồi trên hai ghế xông trong một căn phòng chưa đầy 1 m². Ghế xông cao chừng 40 cm, được đóng từ mấy thanh gỗ không có thành ghế, gá lại thành hình vuông, ở giữa khoét lỗ tương đương với... cái nồi xông. Phía dưới mỗi ghế được đặt một bếp điện từ để đun nóng nồi thuốc xông đang bốc hơi nghi ngút.

Tôi và cô bạn ngồi chưa đầy 5 phút đã giãy nảy lên vì... nóng quá không chịu nổi! Cô nhân viên thò đầu vào trấn an: “Các chị phải xông đủ 20 phút thì “tam giác vàng” mới được săn, sạch được. Nếu nóng quá thì các chị đứng lên một lúc rồi lại ngồi xuống xông tiếp. Đừng bỏ, phí đi...”.

http://chotructuyen.net/images_product/1295428022_1617.JPG
Ảnh minh họa: TL

Không trị được bệnh phụ khoa!

Thanh Mai - Khách hàng từng đi “xông ghế” chia sẻ: “Em có làm thử dịch vụ này ở spa vài lần, nhân viên tư vấn là sẽ làm săn, sạch vùng kín, trị bệnh phụ khoa bằng thuốc Nam, nếu có bệnh, sẽ khỏi ngay(?!) Sau vài lần thử dịch vụ này, em thấy huyết trắng xuất hiện còn nhiều hơn...”.

Trước những mỹ từ quảng cáo hấp dẫn cho dịch vụ xông “tam giác vàng” như thư giãn, giảm stress, làm sạch âm đạo, tránh nhiễm trùng, cải thiện để “cô nhỏ” mịn màng, đàn hồi tốt... không ít chị em đã tìm đến. Dịch vụ này càng có cơ hội hốt bạc.

Còn các chuyên gia khuyến cáo: Nếu chị em phụ nữ đi “xông vùng kín” không đúng cách sẽ rất dễ mua bệnh, thậm chí “hỏng hàng”.

Thu Quế - Nhân viên văn phòng - cho biết: “Em nghe quảng cáo xông ghế trị bệnh phụ khoa nhưng chưa dám thử! Nghe mấy chị kể qua, không biết thực hư thế nào...”. Còn chị Lan Vi – 39 tuổi - thì lại hào hứng: “Chị đi xông trên chục lần rồi. Cảm giác thích lắm. Tuần nào chị cũng đi xông một lần”...

BS Trần Hữu Vinh - Trưởng phòng Y học cổ truyền (Sở Y tế TPHCM ) -trao đổi với PV GĐ&XH cuối tuần: Xông hơi là phương pháp sưởi ấm cơ thể. Tinh dầu của lá xông có tác dụng sát trùng đường hô hấp trên, giúp người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi...

Việc dùng  thảo dược làm thuốc xông chữa cảm mạo là rất tốt, nhưng phải làm đúng cách. Tuy nhiên, phương pháp dùng các loại thuốc Nam để xông “vùng kín”, chữa bệnh phụ khoa phụ nữ thì bây giờ ông mới nghe nói đến.

“Rất nhiều điểm xông hơi – massage đã thực hiện sai phương pháp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng. Vì tại đây, nhân viên đều hướng dẫn cho khách hàng  xông hơi (khô hoặc ướt) trước rồi sau đó tắm lại ngay (bằng nước nóng, hoặc nước lạnh) trước khi lên bàn để được massage.

Sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là nước ấm hay nước lạnh. Bởi các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước. Nếu tắm ngay, sẽ khiến lỗ chân lông co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể. Thậm chí có thể bị cảm. Cần phải tắm, vệ sinh cơ thể trước, sau đó mới xông hơi nóng rồi lau lại bằng khăn khô sạch trước khi lên bàn massage thì mới khoa học.

Nếu xông hơi nóng thì ít cũng phải 6 tiếng sau mới được tắm. Riêng phương pháp xông hơi “vùng kín” bằng thảo dược, theo tôi không hề có tác dụng chữa bệnh phụ khoa như quảng cáo miệng -  BS. HữuVinh khuyến cáo.

Không khéo... hỏng “hàng”

Theo ThS. BS Hoàng Khánh Toàn- Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không phải bệnh phụ khoa nào cũng chữa được bằng xông thuốc. Hơn nữa, với mỗi loại bệnh phụ khoa, lại phải có những vị thuốc cụ thể để chữa bệnh cụ thể. Có loại bệnh phụ khoa xông được, có loại bệnh phụ khoa lại không thể xông được.

Thậm chí với một số loại bệnh, nếu lạm dụng việc xông sẽ khiến bệnh lan rộng, nặng hơn! Còn quảng cáo: Có thể giúp thư giãn sảng khoái nhưng nghe qua miêu tả là nồi lá để dưới bếp từ với nhiệt độ cao thì đi xông không bỏng là may chứ đừng nói gì đến chuyện “thư giãn”! Người bệnh không nên hồ đồ cả tin kẻo tiền mất mà bệnh lại nặng thêm!

Ông Phùng Đình Khánh - Chủ tịch Hội Đông y Ninh Bình thẳng thắn: “Dịch vụ “xông lá nho” chỉ là hình thức lừa bịp ăn tiền. Xông không bao giờ khỏi bệnh. Vì không một loại bệnh phụ khoa nào có thể khỏi được thông qua việc bốc hơi của nước lá.

Những loại bệnh nấm thông thường như trùng roi, nấm candida, chàm, nấm hắc lào... bác sĩ còn phải thông qua khám bệnh, soi tươi, xét nghiệm nấm, đặt thuốc hàng tháng trời chưa chắc đã khỏi chứ đừng nói đến chuyện những loại bệnh đó sẽ khỏi sau khi xông bằng nước lá.

Cũng theo ông Phùng Đình Khánh, một số cơ sở spa có liệt kê những bài thuốc xông gồm những vị như ngũ trảo, bạch chỉ, kinh giới, hoắc hương, bạc hà, địa liền, nhục quế, thiên niên kiện, đinh hương, tiểu hồi, phòng phong, xuyên khung, tế tân, khương hoạt, nhũ hương, mộc dược, lá trầu, lá lốt, củ nghệ, phèn chua... Đây đều là những vị thuốc xông rất bình thường có tinh dầu, mùi thơm giúp sát trùng ngoài da, hưng phấn thần kinh, kích thích tiêu hóa...

Đúng là hương của những vị thuốc này có thể giúp thần kinh hưng phấn và “vùng kín” cũng có thể sảng khoái nếu nóng đủ liều. Nhưng trên thực tế, xông tinh dầu thường chỉ dùng trong những trường hợp: cảm cúm, cảm lạnh...

Một số chuyên gia về lĩnh vực Đông y khi được hỏi cũng chia sẻ: Dịch vụ  này hết sức nhố nhăng.

Thông thường khi làm dịch vụ, khách đã vào phòng thì nhân viên bê nồi xông lên ngay- Như thế nghĩa là lá xông đã được nấu sẵn. Chỉ động tác này thôi đã thấy phản tác dụng. Bởi bất kể hình thức xông như thế nào (xông lá hay xông bằng vị thuốc quí), về nguyên tắc nấu như thế là không đúng! Thuốc xông đạt tiêu chuẩn phải là thuốc mới, còn mùi tinh dầu. Dùng tới đâu, cắt thuốc đến đó chứ không cắt sẵn, nấu sẵn. Vì chỉ để sau một vài giờ,  thuốc sẽ giảm tác dụng.

Meo.vn (Theo Gia đình & Xã hội)

Rau mùi làm thuốc

Nhiều loại rau mùi là dược liệu tốt cho sức khỏe nếu chúng ta biết kết hợp với một số cây lá khác trong vườn nhà.

Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta thường sử dụng nhiều loại rau mùi khác nhau, mùa nào thức ấy giúp cho ngon miệng.

Bạc hà: Là loại rau được sử dụng trong nhiều món ăn. Bạc hà có vị cay mát, thường dùng để chữa cảm mạo, phong nhiệt, nhức đầu, viêm họng, đầy bụng do tích thực, đau mắt đỏ, mẩn ngứa, viêm loét miệng... Để chữa đau mắt đỏ thì dùng lá bạc hà và lá dâu, mỗi thứ 12 g, nấu nước xông mắt ngày 2 – 3 lần. Để chữa cảm mạo phát sốt,  dùng 12 g lá bạc hà; lá tía tô, kinh giới, củ tóc tiên (thiên môn), mỗi loại 10 g; cam thảo dây 6 g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ở các chợ thôn quê cũng như thành thị đều có bán rất nhiều loại rau mùi - Ảnh: Hồng Thúy

Dấp cá: Là loại rau không thể thiếu khi ăn thủy hải sản, còn gọi là ngư tinh thảo. Dấp cá có vị cay, chua, hơi tanh, tính mát, có tác dụng tán nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng (phù). Để chữa viêm phế quản dùng lá dấp cá, cam thảo đất, mỗi thứ 20 g. Sắc đặc uống ngày 1 thang. Để chữa ho gà, lấy lá dấp cá tươi 50 g, nấu đặc uống hằng ngày.

Húng quế: Còn có tên là húng chó, húng dổi. Đây là thứ rau không thể thiếu khi ăn lòng heo, thịt chó, thịt vịt... Húng quế có mùi thơm đặc biệt, vị hơi cay, tính ôn; có tác dụng kích thích tiêu hóa, sát khuẩn. Thường được đông y dùng để phòng ngừa và trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Để chữa viêm họng, dùng 20 g húng quế, 6 g rẻ quạt, 5 lát gừng tươi, sắc uống ngày 1 thang. Để chữa đầy bụng khó tiêu  dùng 20 g húng quế, gừng nướng 5 lát, sắc uống nóng ngày 1 thang.

Lá lốt: Là loại rau không thể thiếu trong các món ốc, lươn, ếch, rắn… Lá lốt có tác dụng làm tan hơi lạnh, trừ thấp, dễ thở, tốt cho tiêu hóa. Để chữa phong thấp, dùng lá lốt, chìa vôi, cỏ xước, gối hạc, bưởi bung, rễ quýt, mỗi thứ 12 g. Sắc uống ngày 1 thang. Để chữa đau nhức tay chân, dùng lá lốt, ngải cứu, mỗi thứ 50 g, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp chườm vào chỗ đau.

Hành hoa: Rất nhiều món ăn có dùng đến hành. Hành hoa có vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng thông dương, hoạt huyết, lợi thủy, giải độc, kích thích tiêu hóa. Đông y dùng hành hoa để chữa cảm mạo phong hàn, đau răng, giun sán, đại tiểu tiện không lợi, nhọt lở, ăn uống khó tiêu. Để chữa cảm mạo phong hàn, dùng hành hoa và tía tô, mỗi thứ 10 g, xắt nhỏ; lòng đỏ trứng gà 2 quả. Nấu cháo loãng, sau đó cho hành hoa, tía tô, lòng đỏ trứng vào đánh đều rồi ăn. Ăn xong, trùm mền cho ra mồ hôi.

Meo.vn (Theo TNO)