Lưu trữ cho từ khóa: cách chữa

Bị chuột rút có phải là bệnh không?

Tôi năm nay 60 tuổi, thường xuyên bị chuột rút, đã đi khám và uống thuốc cả Đông và Tây y mà bệnh không khỏi. Tình trạng chuột rút xảy ra nhiều hơn vào mùa lạnh và khi làm việc nhiều. Xin bác sĩ cho biết, bệnh của tôi có chữa được không và chữa như thế nào?

Trần Văn Thông (Lạng Sơn)

Chuột rút là sự co cơ ngoài ý muốn, xuất hiện đột ngột làm bệnh nhân rất đau đớn. Đây là một bệnh khá phổ biến, hay gặp ở nam giới. Tình trạng chuột rút sẽ dày hơn mùa lạnh, khi làm việc quá sức và ngay cả trong lúc ngủ. Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến chuột rút. Khi đã bị chuột rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản: Nếu chuột rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng.

chuotrut

Nếu rút ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút. Nếu chuột rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất. Có thể dùng dầu hoặc cồn long não xoa bóp vùng bị chuột rút, đồng thời tập cơ bắp nhẹ nhàng đến khi hết chuột rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ giãn ra, lấy lại tính đàn hồi. Để phòng ngừa chuột rút, cần ăn nhiều thực phẩm có chất sắt để giúp cho thân thể chống lạnh hữu hiệu hơn; hạn chế dùng nhiều cà phê, thuốc lá, rượu vì các chất này gây cản trở lưu thông máu. Trước khi vận động mạnh, nên ăn các thức ăn có muối và đường, uống nhiều nước, xoa bóp khởi động cơ thể. Nên tập thể dục thường xuyên, có một chế độ nghỉ ngơi thích hợp. Trước khi đi ngủ nên ngâm chân với nước nóng.

Nếu thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm trong khoảng thời gian dài, bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh.

BS. Vũ Nhân

Theo Suckhoevadoisong.net

Cách chữa chứng đầy hơi, chướng bụng?

Tôi 31 tuổi, sức khỏe tốt, nhưng khoảng 3 tuần trở lại đây dù khẩu phần ăn không thay đổi nhưng mỗi ngày đi tiêu ít nhất 3 lần, lúc thì giống như tiêu chảy, lúc lại bị táo bón. Bụng tôi luôn có cảm giác đầy hơi, ậm ạch. Xin hỏi tôi mắc bệnh gì, cách điều trị như thế nào?

Nguyễn Việt Dũng (Thanh Hóa)

dayhoi

Ảnh nguồn google.

Nếu khẩu phần ăn không thay đổi mà đi tiêu nhiều lần, phân bình thường, không có máu, bụng luôn đầy hơi… bạn nên xem lại thực phẩm bạn đang dùng vì rất có thể thức ăn không bảo đảm vệ sinh (thức ăn cũ, nấu không chín, có nhiễm vi khuẩn, rửa không sạch…) có thể làm bụng đau và gây tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng cần xem lại trạng thái tinh thần của mình. Những người căng thẳng thần kinh, lo lắng quá mức và ăn uống không điều độ cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm ruột bồn chồn khó chịu, đầy hơi, hay bị táo bón. Nếu sau 2 tuần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và khoa học mà các triệu chứng như bạn mô tả không hết, hãy đi khám chuyên khoa tiêu hoá để xem liệu có phải bạn mắc hội chứng ruột kích thích hay không. Người bị hội chứng ruột kích thích thường có các biểu hiện tiêu chảy xen kẽ táo bón, phân lỏng có nhiều chất nhầy. Hội chứng ruột kích thích có những biểu hiện đa dạng, mỗi người mỗi khác. Cùng với đó là trướng bụng, ợ nóng, đau lưng, mệt mỏi, đánh trống ngực… Bạn nên đi khám để xác định bệnh cụ thể và có hướng điều trị.

BS. Vũ Ngọc Tú

Theo Suckhoevadoisong.net

Viêm môi là bệnh như thế nào?

Con gái tôi 14 tuổi, thường xuyên bị khô môi và bong vảy, nhất là vào mùa hanh khô. Tôi đã đưa cháu đi khám và được bác sĩ kết luận bị bệnh viêm môi. Xin hỏi bệnh do nguyên nhân gì và có chữa khỏi được không?

Hà Thủy (Ninh Bình)

viemmoi

Viêm môi là một bệnh khá thường gặp trong bệnh lý ngoài da. Bệnh làm cho môi bị nứt nẻ, gây đau đớn, khó chịu, mất thẩm mỹ, khó ăn uống và giao tiếp. Bệnh thường gây tổn thương ở môi dưới trước với cảm giác vướng, ngứa. Sau đó, toàn môi đỏ lên rồi bong ra các vảy mỏng (có khi bong một mảng vảy lớn) làm tróc da để lại bên dưới một nền da đỏ tươi. Sau đó vảy lại hình thành và bong hết lớp này đến lớp khác. Đối tượng hay mắc bệnh là những người có cơ địa dễ dị ứng và thường đi kèm viêm môi với khô da và nẻ.

Về nguyên nhân gây viêm môi có thể do ánh sáng, do dị ứng tiếp xúc, do thuốc… nhưng cũng có thể viêm môi là triệu chứng của một bệnh nào đó như lupus ban đỏ, dày sừng actinic… hoặc nhiều khi không rõ nguyên nhân. Để điều trị được bệnh viêm môi cần tìm ra nguyên nhân thì mới có hiệu quả. Chị nên cho con kiên trì tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ vì nếu không điều trị thì bề mặt môi không thể trở về như bình thường được. Trong sinh hoạt, chị nên nhắc nhở cháu không nên liếm môi, không rửa môi nhiều, uống nước bằng ống hút nhằm tránh cho môi tiếp xúc với nước do khi lớp bảo vệ trên cùng của môi bong ra nếu gặp nước sẽ làm cho tế bào môi bên dưới bị tổn thương làm môi lâu lành.

BS. Nguyễn Lan Anh

Theo Suckhoevadoisong.net

Chữa bệnh đau nửa đầu Migraine

Thưa bác sĩ, cháu bị đau nửa đầu Migraine, đã dùng thuốc valproic, flunaiine, paracetamol một thời gian và có đỡ, giờ cháu bị đau lại và đau nhiều hơn, nhiều khi bị đau sang cả mắt trái. Cháu có đo điện não nhưng không bị sao. Xin bác sĩ tư vấn về bệnh và cháu có tiếp tục uống thuốc trên được không?

Nguyễn Thị Thu Vân ([email protected])

daunuadau

Đau đầu Migraine chiếm khoảng 10 – 12% dân số, gặp nhiều ở nữ giới, thường khởi đầu ở tuổi từ 10 – 40 (chiếm 90%), một số xuất hiện ở trẻ em, hiếm khi ở lứa tuổi trên 40, bệnh có tính chất gia đình (70%). Tần số cơn thưa hoặc mau tùy theo từng bệnh nhân. Ở nữ, đại đa số cơn đau xuất hiện xung quanh thời kỳ kinh nguyệt, ngược lại tần số cơn giảm trong thời gian có thai hoặc khi mãn kinh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khởi phát cơn đau như yếu tố tâm lý, thức ăn, môi trường… Điều trị Migraine bao gồm điều trị cắt cơn đau và điều trị dự phòng cơn. Đặc điểm của bệnh là các lần sau đau thường kéo dài và đau tăng hơn lần trước. Do vậy, bệnh nhân đau nửa đầu cần phải biết cách phòng tránh những yếu tố khởi phát cơn đau cũng như biết cách điều trị dự phòng… Các yếu tố thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, bỏ bữa, stress hoặc sau stress, kinh nguyệt, mệt mỏi… là những yếu tố khởi phát. Theo thư em viết thì em đã điện não đồ, kết quả bình thường và các thuốc em đã dùng là thuốc điều trị triệu chứng đau (cắt cơn đau) nhưng giờ đau lại thì em nên đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám để được kê đơn điều trị cụ thể, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc em nhé.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

Theo Suckhoevadoisong.net

Làm sao để giảm chứng mẩn ngứa lan nhanh?

Những vết mẩn ngứa như muỗi đốt ở toàn thân cứ hành hạ bạn.

Chào bác sĩ,

Năm nay em 19 tuổi và là nam. Hiện tại, trên người em nổi rất nhiều nốt mẩn đỏ. Chúng có mặt ở mọi nơi, to như vết muỗi đốt, ngày càng lan rộng và ngứa ngáy vô cùng. Mọi người nhìn thấy đều bảo rằng em bị côn trùng cắn nhưng em lại nghĩ có lẽ do mình bị nóng trong tại vì gần đây em chẳng chuyển chỗ ở hay đi du lịch rừng núi để mà gặp phải côn trùng lạ cả. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và phải làm sao để nhanh hết ngứa ạ? Em xin cảm ơn! (giang…@gmail.com).

ngúa

Trả lời:

Chào em,

Cơ thể người có khoảng 2 mét vuông da, bất cứ chỗ nào cũng có thể ngứa. Nó xuất hiện do kích thích cục bộ, đôi khi do rối loạn thần kinh. Triệu chứng này không trực tiếp gây chết người nhưng là biểu hiện của các loại bệnh tiềm ẩn.

Ngứa là một phản ứng tự vệ của cơ thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, hầu như không di truyền và không lây.

Rất đáng tiếc vì những gì em mô tả trong thư còn quá chung chung, không rõ ràng về thời gian tình trạng ngứa tồn tại và kéo dài bao lâu nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh trong trường hợp của em.

Tuy nhiên, biểu hiện ngứa toàn thân thường đặc trưng cho một số vấn đề về sức khỏe sau:

* Các bệnh ngoài da, bao gồm:

- Nổi mề đay: Da nổi những mẩn đỏ, ngứa, xuất hiện độ vài tiếng rồi biến đi, để rồi lại mọc ở chỗ khác trên da. Bệnh gây bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Bệnh cái ghẻ hay bệnh chấy, rận: Bệnh cái ghẻ, hay chấy, rận gây bởi những ký sinh trùng, lây từ người nọ sang người kia do sự chung đụng. Bệnh hay gây ngứa ở những vùng như kẽ ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, nách, ngực, rốn, bộ phận sinh dục. Người bị bệnh cái ghẻ ngứa nhiều hơn về buổi tối và ban đêm.

- Bệnh vảy nến: Bệnh tạo những vết đỏ, dày trên da trông giống những vẩy nến. Chúng thường hiện diện ở khuỷu tay và đầu gối nhưng có thể mọc trên da nhiều nơi, cả ở trên đầu, trên móng tay và trong miệng.

– Bệnh viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng (dị ứng thời tiết, dị ứng với một số hóa chất).

* Các bệnh lý bên trong, bao gồm:

- Bệnh thận: Trong các bệnh nội thương, suy thận là bệnh hay gây ngứa nhất. Ngứa do suy thận nặng hơn về mùa hè.

- Bệnh gan: Bệnh gan có nhiều loại. Loại gây tắc nghẽn và ứ đọng mật (trong hay ngoài gan) cũng hay gây ngứa, chỉ đứng hàng thứ nhì sau bệnh thận.

- Bệnh cường tuyến giáp trạng: 5% những người bị bệnh cường tuyến giáp trạng gặp phải tình trạng ngứa ngáy. Ngứa bớt dần khi bệnh được chữa trị và kiểm soát.

– Những bệnh lý khác như tiểu đường, suy tuyến giáp trạng, thiếu máu do thiếu chất sắt… cũng có thể gây ngứa.

Nếu ngứa kéo dài vài ngày hay là xuất hiện và biến mất một cách thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng thì cần phải được khám và làm các xét nghiệm. Trong trường hợp nghi ngờ dị ứng, cần phải làm test da; còn nghi ngờ bệnh hệ thống thì phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, mức đường huyết, số lượng bạch cầu ái toan.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để được làm những xét nghiệm cần thiết, từ đó có chỉ định điều trị bệnh kịp thời và thích hợp.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý loại trừ trước những dị nguyên có thể gây ngứa bằng các biện pháp như:

– Không nên tiếp xúc nhiều với thú vật nuôi.

– Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

– Cố gắng không ăn uống những thứ không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng.

– Khi bị ngứa không nên gãi nhất là gãi làm xây xước da vì như vậy rất dễ nhiễm khuẩn và càng ngứa thêm.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Theo Kenh14.vn

Bệnh xơ cứng bì có điều trị được không?

Tôi năm nay 54 tuổi, gần đây tôi thấy người căng cứng, sờ vào cảm giác đàn hồi như cao su. Đi khám bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh xơ cứng bì. Xin quý báo cho biết bệnh có điều trị được không?

Đinh Thị Tuyết (Đăk Nông)

xocungbi

Bệnh xơ cứng bì khá thường gặp, nguyên nhân đến nay chưa rõ nhưng y học xếp bệnh này vào nhóm bệnh tự miễn. Xơ cứng bì là tình trạng ngoài da bị xơ cứng. Khi sờ thấy da cứng, khô, không ra mồ hôi. Bệnh này có biểu hiện gồm hai dạng: Xơ cứng bì ở ngoài da đơn thuần và xơ cứng bì hệ thống.

Đối với xơ cứng bì hệ thống, bệnh nhân ngoài tổn thương ở ngoài da còn có thể bị tổn thương ở phổi, đường tiêu hóa. Nếu xảy ra ở phổi thì tổn thương làm bệnh nhân khó thở, còn xảy ra ở đường tiêu hóa sẽ gây tình trạng ăn uống khó, nuốt khó, vướng. Ngoài tổn thương thường gặp ở phổi, đường tiêu hóa thì xơ cứng bì còn có thể gây tổn thương ở bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể.

Với xơ cứng bì ngoài da đơn thuần cũng có hai dạng: Xơ cứng bì khu trú (tổn thương chỉ xảy ra ở một vùng da nhất định) và xơ cứng bì toàn thân (cả người bị căng cứng). Theo triệu chứng mô tả thì có thể bác bị xơ cứng bì ngoài da đơn thuần dạng toàn thân. Việc điều trị xơ cứng bì gần như phải điều trị suốt đời để giúp người mềm trở lại và bệnh nhân có thể sinh hoạt, hoạt động trở lại. Ngoài dùng thuốc còn phải kết hợp với vật lý trị liệu để bệnh nhân không bị cứng khớp. Tiên lượng điều trị của xơ cứng bì ngoài da đơn thuần tốt hơn nhiều so với xơ cứng bì hệ thống.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh

Theo Suckhoevadoisong.net

Cách chữa bệnh phì đại cuốn mũi

Khoảng gần 2 năm trở lại đây cháu bị ngạt mũi triền miên sau một đợt cúm. Cháu đi khám, bác sĩ nói bị viêm xoang có phì đại cuốn mũi, cho thuốc và khí dung nhưng chỉ đỡ được vài ngày bệnh lại tái phát. Xin hỏi quý báo, cách điều trị phì đại cuốn mũi thế nào?

Ngô Văn (Hà Nội)

Theo như mô tả, bạn đã bị viêm mũi xoang, biến chứng sang bệnh phì đại cuốn mũi. Đây là một biến chứng rất tự nhiên sau một đợt điều trị không bài bản hoặc không dứt điểm.

múi

Với bệnh phì đại cuốn mũi, người bệnh sẽ cảm thấy rất khó chịu. Khi nằm xuống, khi ngồi thấp, khi cúi, người bệnh đều cảm thấy rất khó thở. Với bệnh nghẹt mũi do nước mũi chảy ra, chỉ cần xì mũi ra hoặc lau đi, hít mạnh có thể lưu thông mũi dễ dàng, thở lại như bình thường. Nhưng với bệnh phì đại cuốn mũi, dường như các biện pháp trên chẳng ăn thua. Lý do cúi hoặc nằm ngửa, nghiêng làm cho khó thở hơn vì khi đó máu về, cuốn mũi càng nở to hơn và rất khó thở. Nhưng khi đứng lên, chạy nhảy hoặc kích thích, cuốn mũi sẽ tự động co nhỏ lại do mạch máu co lại. Vì thế người bệnh cảm thấy rất dễ chịu, dễ thở hơn khi thức. Nếu để đến giai đoạn muộn thì cả ngủ và thức đều làm người bệnh khó chịu, không thở nổi.

Điều trị bệnh phì đại cuốn mũi có nhiều biện pháp khác nhau. Điều trị bằng uống thuốc (nội khoa), đốt bằng sóng tần số radio, laser, phẫu thuật cắt bỏ một phần cuốn mũi. Mỗi một phương pháp có một chỉ định riêng và có một số nhược điểm riêng.

Trường hợp của bạn, cuốn mũi còn dễ trị. Vì nó còn có thể co lại một cách tự nhiên nên bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình. Chỉ cần nhớ, mũi của bạn rất yếu và rất mẫn cảm, chỉ một tác động nhỏ cũng khiến chúng viêm và phì đại ngay. Do vậy, khâu chăm sóc hậu điều trị là rất quan trọng giúp duy trì hiệu quả lâu dài. Có nhiều thứ bạn cần tránh: tránh quạt gió thổi vào mặt, tránh điều hòa thổi vào mũi, tránh sương sớm tối trời và sáng sớm, tránh tắm nước lạnh, tránh nằm ngủ gần cửa sổ hoặc cửa ra vào. Vị trí giường ngủ phải hoàn toàn ấm và kín gió. Khi đi đường bạn phải đeo khẩu trang, dù chỉ là đi quãng đường ngắn.

BS. Nguyễn Lâm Hà

Theo Scukhoevadoisong.net

Những điều nên biết về chứng hăm tã ở trẻ

Bạn đã biết gì về chứng hăm tã gây khó chịu cho trẻ nhỏ? Liệu cách chữa trị và phòng tránh mà bạn chọn đã phù hợp với làn da nhạy cảm của con yêu. Bạn hãy tìm hiểu thêm về chứng hăm tã và những khuyến cáo hữu ích cho việc chăm sóc da trẻ nhỏ để có thể bảo vệ bé yêu một cách an toàn nhất.

Hăm tã là khu vực bị viêm, hay sưng đỏ gây ngứa được phát hiện tại vùng da mang tã của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguyên nhân phổ biến là do sự kích ứng khi da tiếp xúc, cọ xát kéo dài với nước tiểu và phân trong tã. Các bậc phụ huynh nên hiểu được mức độ nhạy cảm của làn da trẻ nhỏ để có thể chăm sóc và tìm mua những loại sản phẩm cũng như mỹ phẩm phù hợp hơn cho con mình.

Có phải chỉ khi vệ sinh và chăm sóc trẻ không tốt thì mới xuất hiện chứng hăm tã?

Không hẳn vậy. Dù được chăm sóc vệ sinh kỹ thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn có nhiều khả năng bị hăm tã do cấu trúc da của trẻ ở giai đoạn này rất mong manh và nhạy cảm. Da trẻ chưa phát triển đầy đủ những yếu tố bảo vệ chính như các lớp sừng, phần mô sợi bảo vệ da và lớp màng có tính acid nhẹ ở bề mặt da giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, bạn cần lưu ý khi quấn tã cho con mình: sử dụng loại vải quấn, bỉm tã nào để đảm bảo mức độ vệ sinh, cũng như các sản phẩm mỹ phẩm bôi ngoài da ở vùng da quấn tã của trẻ nhằm tránh sự kích ứng với làn da nhạy cảm.

Ngoài môi trường trong bỉm lót, còn lý do nào khác gây ra chứng hăm tã?

Trước hết, nguyên nhân chính và phổ biến nhất cho chứng hăm tã là sự cọ xát của tã lót và môi trường ẩm thấp bên dưới lớp tã. Bạn nên biết nước tiểu, phân cùng sự thiếu thông thoáng từ tã lót đã tạo nên một môi trường rất “thù địch” đối với làn da non nớt của bé.

Bên cạnh đó việc thay đổi thức ăn (từ dạng lỏng sang dạng đặc), ngưng cho bé bú sữa mẹ hoặc chăm sóc da bé không đúng cách như dùng xà phòng dạng lỏng hoặc phấn rôm có chất kích ứng cũng là những nguyên nhân gây hại cho da của bé.

Chăm sóc đúng cách giúp bảo vệ làn da mong manh của trẻ (Nguồn: Bayer)

Vậy nên chăm sóc và lựa chọn sản phẩm trị hăm tã cho trẻ như thế nào?

Các chuyên gia về làn da trẻ em khuyến cáo bạn nên thực hiện các bước sau để tránh gây tổn thương cho vùng da mang tã của bé:

  • Lau nhẹ da mông trẻ bằng nước, rồi thấm khô bằng gạc.
  • Dùng dầu bôi để ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa nước tiểu và phân với da trẻ, đồng thời tạo độ ẩm thích hợp cho da nhằm đẩy nhanh quá trình lành bệnh tự nhiên.
  • Không cần phải tẩy rửa lớp dầu bôi khi thay tã lót, việc này có thể làm hại các mô đang phục hồi.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần sử dụng thêm thuốc mỡ có chứa Dexpanthenol và Lanolin, không chỉ trong điều trị mà còn có thể dùng hàng ngày để phòng ngừa tình trạng hăm tã.Thuốc mỡ đặc trị hăm tã chứa Dexpanthenol và Lanolin giúp tạo màng phân cách giữa các tác nhân gây kích ứng da cũng như hơi ẩm thừa, đồng thời giúp dưỡng ẩm và điều trị các thương tổn trên da bé. Bên cạnh đó, thuốc mỡ không chứa tá dược gây kích ứng như các loại kem khác, không cần chất hóa học bảo quản mà cũng giữ được rất lâu. Ngoài tác dụng tuyệt vời trong việc phòng ngừa và điều trị hăm tã, Dexpanthenol được xếp vào loại dược chất an toàn nên các bà mẹ có thể sử dụng để chăm sóc núm vú mà không sợ tác dụng phụ và nguy hiểm cho con mình.

Hãy tìm hiểu kỹ tình trạng sức khỏe làn da của con mình để có sự lựa chọn phương thức chăm sóc phù hợp cũng như sản phẩm bảo vệ da tốt nhất cho bé yêu, bạn nhé!

Nguồn: Bayer

Xem đầy đủ thông tin chi tiết về Bepanthen tại đây

Hóa giải chứng chán ăn cho bệnh nhân ung thư

Chán ăn, sụt cân, suy kiệt là nguyên nhân khiến 20%-30% bệnh nhân ung thư tử vong.

Trong việc điều trị bệnh nhân ung thư, ngoài theo dõi và chọn phác đồ thuốc, thay đổi phác đồ theo từng thời điểm thích hợp, còn có một lo ngại khác: Sợ bệnh nhân chán ăn dẫn đến suy kiệt, không đủ sức để “đua” với bệnh. Thực ra, hóa giải chứng chán ăn là không quá khó.

Hóa giải chứng chán ăn cho bệnh nhân ung thư
Một trường hợp khám cho bệnh nhân ung thư.
Ảnh: ĐỖ HẰNG

Chết vì… đói

Thuốc tốt, bác sĩ giỏi nhưng nếu bệnh nhân suy kiệt thì chuyện thất bại trước ung thư là khó tránh. Bệnh nhân chán ăn thường có các triệu chứng no sớm, thay đổi vị giác, thay đổi mùi, ghét thịt, buồn nôn, nôn.

Nguyên nhân gây chán ăn ở bệnh nhân ung thư có thể do tổn thương u choán chỗ đường tiêu hóa; u tạo nên các bất thường tại niêm mạc đường tiêu hóa gây rối loạn hấp thu; nhiễm trùng; sốt; rối loạn chức năng gan, thận; tác động của điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị; tâm lý căng thẳng, buồn phiền…

Đặc biệt là chán ăn do các hoạt chất trung gian tế bào (các cytokine) được phóng thích và hoạt hóa trong quá trình cơ thể phản ứng chống lại khối u, gây mất cân bằng giữa tín hiệu thèm ăn - chán ăn trong não.

Khoảng 50% bệnh nhân ung thư có bất thường trong hành vi ăn uống tại thời điểm chẩn đoán. Tỉ lệ bệnh nhân ung thư bị sụt cân có thể đến 86% trong một, hai tuần lễ trước khi mất và là nguyên nhân dẫn đến 20%-30% bệnh nhân tử vong do ung thư và liên quan trực tiếp đến tình trạng suy kiệt vì bất động, suy hô hấp, suy tim. Có thể nói nhiều bệnh nhân ung thư đã chết vì đói. Điều này thúc đẩy những nỗ lực nhận biết và điều trị chán ăn ung thư.

Cần dinh dưỡng đúng và đủ

Thuốc điều trị ung thư không bao giờ gánh luôn nhiệm vụ dinh dưỡng cho người bệnh. Đối với chán ăn thì dinh dưỡng đúng và đủ là cách hóa giải hay nhất. Dinh dưỡng đúng giúp phục hồi cân nặng cơ thể, tăng cường chức năng vận động, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, miễn dịch… giúp người bệnh hoàn thành đúng phác đồ điều trị, phát huy cao nhất khả năng miễn dịch chống u tự nhiên của cơ thể để đạt kết quả chữa bệnh cao nhất.

Dinh dưỡng đúng nghĩa là đúng thành phần (khẩu phần có đủ chất bột, béo, đạm và các dưỡng chất đặc hiệu như EPA - Eicosapentaenoic acid); đúng dạng thức (phù hợp khẩu vị và tình trạng tiêu hóa của người bệnh. Thức ăn dạng lỏng, xay nhuyễn như sữa, xúp, cháo xay, sinh tố… thường dễ nuốt, tiêu hóa và hấp thu tốt hơn thức ăn đặc. Bệnh nhân thay đổi vị giác do hóa trị hoặc khô tuyến nước bọt thường được khuyên sử dụng thức ăn lỏng); đúng giai đoạn (giai đoạn điều trị và hồi phục cần nhiều chất và năng lượng hơn khi bình phục).

Vì một lần ăn là một lần khó nên bệnh nhân ung thư cần có chế độ ăn nhiều năng lượng trong một thể tích nhỏ và bảo đảm năng lượng cao, giàu đạm và đặc biệt là cung cấp đủ lượng EPA (thuộc acid béo omega 3 rất cần thiết cho cơ thể, có tác dụng giảm sự tạo thành các cytokine gây viêm, giảm hiện tượng viêm và giảm hoạt động của yếu tố gây tiêu hủy đạm do các tế bào ung thư tiết ra nên được xem là một dược chất dinh dưỡng có tác dụng chống hội chứng chán ăn - suy mòn trong ung thư). Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ khuyến cáo liều mục tiêu 2 g EPA/ngày là thích hợp để gia tăng cảm giác thèm ăn, ổn định cân nặng và khối nạc cơ thể.

Meo.vn (Theo NLD)

“Song kiếm hợp bích” chữa Alzheimer

Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy trà xanh và ánh sáng laser đỏ có thể hợp thành “song kiếm hợp bích” để phá hủy những mảng bám beta-amyloid ở bệnh Alzheimer, theo báo New Scientist.

Ông Andrei Sommer và các cộng sự tại Đại học Ulm (Đức) nhận thấy ánh sáng laser đỏ cho phép chiết xuất trà xanh hoạt động chống lại các mảng bám.

Các nhà nghiên cứu trước đó đã sử dụng ánh sáng đỏ với bước sóng 670 nanomet để đưa thuốc trị ung thư vào các tế bào.


Ảnh: Shutterstock

Trong quá trình này, họ nhận thấy ánh sáng laser đẩy nước ra khỏi các tế bào và khi ánh sáng laser tắt đi, các tế bào hút nước và các phân tử khác, bao gồm thuốc, từ khu vực xung quanh.

Nhóm của ông Sommer nhận định rằng kỹ thuật trên có thể được sử dụng để tiêu diệt các mảng bám beta-amyloid ở bệnh Alzheimer.

Theo các nhà nghiên cứu, những mảng bám này bao gồm các peptide (phân tử gồm 2 hoặc nhiều a-xít amin kết hợp với nhau) có nếp gấp bất thường và được cho là tác nhân cản trở liên lạc giữa các tế bào thần kinh, vốn có thể gây ra những triệu chứng như mất trí nhớ.

Nhóm của ông Sommer đã nhúng các tế bào não chứa beta-amyloid trong epigallocatechin gallate (EGCG), chiết xuất trà xanh được cho là có những đặc tính ngăn chặn mảng bám beta-amyloid, cùng lúc với việc kích thích các tế bào bằng ánh sáng đỏ.

Kết quả cho thấy beta-amyloid trong các tế bào bị cắt giảm đi 60%, riêng việc chiếu ánh sáng laser vào các tế bào đã tiêu diệt 20% beta-amyloid.

Ông Sommer nói rằng việc đưa thuốc vào não có thể là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng các cuộc thử nghiệm cho thấy chiết xuất trà xanh có thể xuyên qua cái gọi là hàng rào máu não khi được uống kết hợp với việc sử dụng ánh sáng đỏ.

“Nghiên cứu quan trọng này có thể tạo lập cơ sở cho một cách chữa trị bệnh Alzheimer tiềm năng, có hoặc không dùng biện pháp chữa trị bằng thuốc bổ sung”, ông Mario Trelles, Giám đốc Viện Y Khoa Vilafortuny ở Cambrils (Tây Ban Nha), cho biết.

“Kỹ thuật được mô tả có thể giúp ổn định và thậm chí ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh này”, ông nói thêm.

 

Meo.vn (Theo TNO)