Lưu trữ cho từ khóa: buồng tim

Bệnh tim đập nhanh – Nguyên nhân và cách khắc phục

Tim đập nhanh là căn bệnh thường gặp khi leo cầu thang, hoạt động mạnh, hốt hoảng, lo âu hay sợ hãi… dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh và cách khắc phục căn bệnh này.

Thế nào là nhịp tim nhanh?

Nhịp tim nhanh là căn bệnh nói về nhịp tim cao hơn mức bình thường. Trẻ nhỏ trên 10 tuổi và người lớn có mức mạch đập từ 60 đến dưới 100 lần/phút được xem là bình thường. Để biết được nhịp tim nhanh hay bình thường người ta đo mạch đập khi nằm nghỉ. Nhịp đập tim cao hơn mức bình thường gọi là nhịp tim nhanh hay còn gọi là nhịp xoang nhanh.

Đo điện tâm đồ
Nguyên nhân bệnh tim đập nhanh

Tim khỏe thường đảm nhận việc bơm máu tốt đi các bộ phận trong cơ thể, có nhịp tim ở mức tối thiểu. Ngược lại, nếu tim yếu buộc phải làm việc cần mẫn hơn, đập nhanh hơn mới đủ cung cấp máu nên hậu quả nhịp tim tăng cao. Vì vậy chỉ cần nghe nhịp đập là biết được sức khỏe tim. Nguyên nhân làm tăng nhịp tim rất đa dạng, phổ biến như các lý do sau:

- Mắc bệnh cao huyết áp dài kỳ.

- Van tim không làm đúng chức năng.

- Lưu thông máu gặp sự cố trục trặc.

- Viêm màng ngoài tim, các túi xơ bao tim.

- Viêm cơ tim.

- Mắc bệnh tim vành.

- Bộ phận tạo nhịp của tim làm việc kém.

- Không đủ lượng oxy cung cấp cho cơ tim.

- Mắc bệnh rối loạn tuyến giáp.

- Mắc bệnh rối loạn máu, ví dụ như máu đông.

- Khuyết tật buồng tim trên.

- Từng mắc bệnh đau tim một hoặc nhiều lần.

- Chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc quá nhiều muối.

- Mất cân bằng điện giải.

- Mắc bệnh về phổi, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khả năng đàn hồi mô phổi kém, ảnh hưởng đến chức năng của tim.

Trường hợp tim đập nhanh tạm thời có thể do các nguyên nhân sau:

- Thiếu vitamin.

- Thiếu máu.

- Sử dụng một số thuốc chữa bệnh.

- Dùng thuốc chữa bệnh, thuốc bổ quá liều.

- Quá căng thẳng, sợ hãi, lo lắng.

- Nhiễm trùng, sốt cao.

- Ăn quá no, lạm dụng các chất kích thích như: trà, cà phê, thuốc lá...

- Gắng sức quá mức, ví dụ như leo núi, mang vác vật nặng.

Làm gì để giảm nhịp tim?

Có nhiều cách điều trị bệnh tim đập nhanh nhưng trước tiên phải biết rõ nguyên nhân. Một khi biết rõ nguyên nhân mà không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mắc bệnh đau tim do thiếu oxy, tế bào cơ tim bị tiêu diệt, gây co thắt, thiếu máu cục bộ. Khi điều trị, bác sĩ thường kê đơn dùng thuốc chống loạn nhịp (antiarrhythmics), thuốc làm loãng máu hoặc các loại dược phẩm giảm nhịp tim khác. Đôi khi người ta còn áp dụng cả liệu pháp sốc điện nhẹ để phục hồi chức năng tim. Người bệnh có thể thông báo cho bác sĩ biết các loại bệnh, thuốc mà bản thân đang dùng để bác sĩ quyết định thuốc cụ thể và nên điều trị, đồng thời những loại bệnh mà bản thân mắc phải như: cao huyết áp, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường... Ngoài việc dùng thuốc, nên thay đổi lối sống và thực đơn cho phù hợp, tránh dùng các loại thức ăn, đồ uống có thể gây tăng nhịp tim, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc bổ, tăng cường luyện tập giảm béo, áp dụng các liệu pháp giảm stress như: tập dưỡng sinh, ngồi thiền, yoga, đi bộ, bơi lội, liệu pháp giao tiếp, tăng cường cuộc sống giao lưu, vận động, tiếp xúc cộng đồng để làm cho cuộc sống có ý nghĩa, sống vui, khỏe để cuối cùng làm giảm nhịp tim và hạn chế bệnh cho tim.

Khắc Nam (Theo MDN-4/2011)
(suckhoe-doisong)

Phương pháp mới chữa rối loạn nhịp tim

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi (TP.HCM) đã triển khai một phương pháp mới trong điều trị rối loạn nhịp tim - phương pháp điện sinh lý học can thiệp.

Kỹ thuật khó

Vì là kỹ thuật khó, lần đầu áp dụng, nên hai ca chữa trị đầu tiên bằng phương pháp điện sinh lý học can thiệp tại BV Nguyễn Trãi (TP.HCM) có sự hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ của Viện Tim mạch VN (BV Bạch Mai, Hà Nội). Hai bệnh nhân gồm: L.T.K.Q (48 tuổi) bị hội chứng W.P.W (Wolf Parkinson White - là một trong những bệnh lý thuộc rối loạn nhịp tim). Căn bệnh làm cho bà Q. hay bị hồi hộp, đánh trống ngực, mệt..., và bệnh nhân H.Đ.V (75 tuổi) bị bệnh cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, biểu hiện các triệu chứng: tim đập nhanh, thường bị hồi hộp...

Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh - Phó chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp VN - người tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho các bác sĩ khoa Tim mạch của BV Nguyễn Trãi để thực hiện những ca đầu tiên, trình bày về phương pháp chữa trị này như sau: Phương pháp điện sinh lý học can thiệp được áp dụng lần đầu tiên tại Mỹ trên một bệnh nhân mắc hội chứng W.P.W (W.P.W là hội chứng bẩm sinh, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nó gây ra các cơn nhịp tim rất nhanh, nếu để lâu có thể dẫn đến suy tim, và có thể gây đột tử). Sau đó phương pháp này được áp dụng tại các nước châu  Âu, rồi qua châu Á...

Còn tại VN, phương pháp này được áp dụng lần đầu ở Viện Tim mạch VN (BV Bạch Mai, Hà Nội), cũng trên một bệnh nhân mắc hội chứng W.P.W. Vì đây là một kỹ thuật rất khó, phức tạp trong số những kỹ thuật can thiệp tim mạch học, khó hơn cả kỹ thuật đặt Stent nong mạch vành, đòi hỏi bác sĩ phải nắm vững về lý thuyết lẫn kỹ thuật, nên chưa được nhiều BV trong nước triển khai rộng rãi. Đến nay, hiện có hai BV thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai và Thống Nhất cùng BV Nguyễn Trãi (thuộc Sở Y tế, TP.HCM) áp dụng phương pháp này.

Lập bản đồ điện học nội mạc của tim

Để điều trị những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim bằng phương pháp điện sinh lý học can thiệp, bác sĩ sẽ đưa các điện cực vào trong buồng tim người bệnh, đo các hoạt động điện trong buồng tim dựa trên mối tương quan của các hoạt động điện ở buồng tim để lập nên bản đồ điện học nội mạc của tim, nhờ đó sẽ xác định chính xác những vị trí bất thường ở tim, mà nó gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim.

Khi đó, bác sĩ sẽ sử dụng sóng radio thông qua đầu các điện cực trong buồng tim để triệt bỏ những vị trí bất thường đó - nguyên tắc điều trị của phương pháp này là như thế. Theo tiến sĩ Phạm Quốc Khánh, phương pháp này không cần gây mê, mà chỉ gây tê tại chỗ (người bệnh vẫn tỉnh táo trong lúc bác sĩ thao tác), và chỉ cần điều trị một lần duy nhất, mỗi lần bình quân vài giờ đồng hồ, tỷ lệ thành công của phương pháp điện sinh lý học can thiệp trong điều trị loạn nhịp rất cao. Nếu điều trị bằng phương pháp điện sinh lý học can thiệp thất bại, thì người bệnh cần phải được chuyển qua điều trị nội như trước.

Điện sinh lý học can thiệp không áp dụng được cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim có kèm theo bệnh lý nặng khác; đồng thời cũng có một tỷ lệ tai biến, nhưng rất nhỏ, thống kê cho thấy, tỷ lệ tai biến của phương pháp điện sinh lý học can thiệp chỉ bằng 1/20 so với phương pháp chữa trị bằng thuốc.

Theo Thanh niên

Uống nước lọc sao cho đúng?

Nhiều gia đình hiện có thói quen đun nước sôi để nguội đổ vào bình lọc và để lưu trữ từ ngày này qua ngày khác. Nhưng không phải ai cũng biết rằng thói quen này đã vô tình biến sự cẩn thận của họ trở thành vô ích.

Sau 2 giờ, nước đun sôi đã có vi khuẩn

Theo các bác sĩ ở Viện dinh dưỡng Quốc gia, nước đun sôi 100oC đã diệt được vi khuẩn nhưng để nguội trên 2 giờ đồng hồ vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại và sau 24 giờ, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.

Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng: Phần lớn những vi khuẩn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60oC trong 10 phút hoặc 100oC trong 5 phút. Tuy nhiên, vi sinh vật có ở khắp mọi nơi, trong không khí, trong nước, đất, các đồ vật trong nhà, trên áo quần và thậm chí cả trên da người, vì vậy chúng có thể xâm nhập vào nước sôi để nguội. Do vậy, người dân không nên dùng nước đun sôi để nguội để tráng bát, đĩa hoặc dụng cụ vì chúng không có tác dụng diệt khuẩn.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên uống nước sôi để nguội lâu ngày vì khi đó ôxy trong nước đã bốc đi gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải và những vật vô cơ lắng xuống, khiến giá trị của nước uống bị mất đi.

Ngoài ra, nếu uống nước sôi để nguội lâu ngày rất bất lợi cho sức khoẻ, vì chất muối axít nitrat (là một chất dễ gây ung thư) được sản sinh trong nước đun sôi để nguội.

Cụ thể sau một ngày, mỗi lít nước có thể sản sinh 0,004mg muối axít nitrat, để sau 3 ngày lượng nước muối này lên đến 0,011mg và sau 20 ngày có thể lên đến 0,73mg. Chính vì vậy, nước đun sôi để nguội tốt nhất là dùng trong ngày và không nên sử dụng khi nước đã quá 3 ngày.

Không nên uống nhiều nước sau khi lao động nặng, tập thể thao.

Không nên uống nhiều nước sau khi lao động nặng

Nhiều người sau khi lao động nặng, gắng sức sẽ có cảm giác khát và uống rất nhiều nước. Tuy nhiên, theo các bác sĩ việc uống nhiều nước sau khi lao động mệt nhọc rất có hại cho tim mạch. Vì sau khi lao động mệt nhọc, những mao mạch máu trong đường ruột dạ dày ở trạng thái co lại, cơ bắp tập trung trong khi lao động cũng rất căng thẳng. Nếu ngay lúc đó mà đưa một lượng nước lớn vào cơ thể thì dạ dày sẽ không hấp thụ và chuyển hoá ngay được. Nước dễ bị tích tụ trong dạ dày và đường ruột gây cảm giác khó chịu, buồn nôn và ảnh hưởng đến việc tiêu hoá.

Hơn nữa buồng tim đã rất vất vả trong khi ta lao động, nếu tăng đột ngột một lượng nước lớn trong cơ thể sẽ khiến tim phải tiếp tục làm việc nhiều hơn để điều hoà lượng nước này. Chính vì vậy, sau khi lao động nặng, chỉ nên uống nước từ từ để bù đắp lượng nước đã bị mất do bài tiết qua tuyến mồ hôi.

Trước và sau khi ăn cũng không nên uống nhiều nước vì trong khi ăn, dạ dày và ruột sẽ tiết dịch theo phản xạ có điều kiện. Uống nhiều nước sẽ làm loãng dịch tiêu hóa và các dung môi trong dịch, ảnh hưởng tới sự hấp thụ tiêu hóa thức ăn.

Cũng không nên để quá khát rồi mới uống nước vì lúc đầu lượng nước bị thiếu chưa nhiều, nếu chỉ cần bổ sung một lượng nước nhỏ có thể giải toả được cơn khát. Nhưng nếu cứ tiếp tục nhịn uống, nhất là những lúc cơ thể đang ra nhiều mồ hôi, nước trong cơ thể sẽ cạn khiến các tế bào lâm vào tình trạng thiếu nước. Khi đó, dù uống bao nhiêu nước cũng vẫn thấy khát vì nước chưa kịp tới các tế bào. Và theo thói quen chưa thấy hết khát, lại càng uống nhiều nước. Trường hợp này cũng có hại cho sức khoẻ tương tự như uống nhiều nước sau khi lao động nặng nhọc.

Bác sĩ  Nguyễn Lâm

Trị bênh tim bẩm sinh cho trẻ em

* Ai là tác giả của Ba mươi sáu chước (Tam thập lục kế)?

Nguyễn Thị Diệu Hồng, Mỹ Xuyên, Long Xuyên, An Giang

Gần đây các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện thấy Ba mươi sáu kế được ghi trên các thẻ ngọc tìm thấy được ở thành phố Tế Ninh thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Thẻ đầu có ghi Tam thập lục kế. Thẻ cuối có ghi Khai hoàng thập lục niên thập nhất nguyệt nhất nhật, Hà Chấn khắc (nghĩa là: Ngày 1 tháng 11 năm Khai Hoàng thứ 16, người khắc tên là Hà Chấn).

Khai Hoàng là niên hiệu đầu tiên của Văn đế (Dương Kiên) - người sáng lập ra Nhà Tùy vào năm 581. Một Hội thảo khoa học gần đây được tổ chức tại tỉnh Sơn Đông đã xác định Tam thập lục kế được viết vào đời Tùy chứ không phải là vào cuối triều Minh, đầu triều Thanh như trước đây lầm tưởng. Tác giả là Đàn Đạo Tế, người xã Kim, tỉnh Sơn Đông, một võ tướng nổi tiếng thời Nam Tống.

* Trẻ em bị tim bẩm sinh có biểu hiện ra sao và có thể cứu chữa được không?

Hoàng Tiến Khoa, Tiền Hải, Thái Bình

Theo BS. Vũ Minh Phúc thì tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật của tim có từ lúc trẻ còn trong bào thai. Các dị tật này có thể ở các vị trí sau: van tim (hẹp van, hở van, không có lỗ van), buồng tim (tim chỉ có một tâm nhĩ, hay một tâm thất, hay 3 buồng tâm nhĩ), vách ngăn tim hay các động mạch lớn gần tim. Rất khó xác định nguyên nhân gây ra TBS. Một số ít bệnh TBS là do di truyền, phần lớn còn lại do sự tác động của nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài lên bà mẹ lúc mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên.

Theo Vietnamnet thì hàng năm trung bình Việt Nam có thêm 16.440 trẻ sơ sinh chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh. Khoảng 1% trẻ em chào đời trên thế giới gặp phải các chứng bất thường về tim.

Bất thường bẩm sinh ở tim là một trong những bất thường vô cùng quan trọng gây ra nhiều biến chứng và tử vong. Một đứa trẻ bị bất thường tim bẩm sinh da hay bị tím tái, rối loạn nhịp đập hay tiếng tim bất thường, đứa trẻ bú kém, hạn chế về thể lực, có những dấu hiệu suy tim và những bất thường thể chất khác như thường chậm lớn, không tăng cân, thở khó, đau ngực. Trẻ cũng có thể bị đột tử khi hoạt động mạnh.

Bên cạnh đó, bệnh tim bẩm sinh được phát hiện một cách tình cờ khi thực hiện điện tâm đồ, chụp X-quang ngực, hay khi khám thai phụ. Có hai loại bệnh tim bẩm sinh: Bệnh tim bẩm sinh "tím" và loại bệnh tim bẩm sinh "không tím ". Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt đó là do những lỗ giữa các buồng tim bị tắc nghẽn hay rò rỉ trong các van, bất thường ở các phần nối khác nhau ở tim, tim có những mạch máu bất thường hay tư thế bất thường của tim (bình thường tim xoay qua bên trái)...

Tuy nhiên, không phải bệnh tim bẩm sinh nào cũng cần phẫu thuật. Các bệnh thông liên thất nhỏ phần cơ hoặc hẹp van động mạch phổi nhẹ không cần phải phẫu thuật, chỉ cần dùng kháng sinh dự phòng khi nhổ răng hoặc làm các thủ thuật đường hô hấp hay đường niệu.

Ngoài ra, nhiều bệnh tim bẩm sinh có thể được điều trị bằng thông tim can thiệp, như đục thủng vách liên nhĩ trong để chuyển vị đại động mạch, nong van động mạch phổi trong do hẹp động mạch phổi, đóng ống động mạch - lỗ thông liên nhĩ và lỗ thông liên thất bằng dụng cụ chuyên dụng hoặc ghép tim với tim, hay tim với phổi. Chương trình Trái tim cho em do Đài truyền hình VN phối hợp với nhiều đơn vị đã quyên góp được tiền bạc của đông đảo những tấm lòng từ thiện trong ngoài nước, nhờ đó đã cứu sống được hàng năm rất nhiều trẻ em bị tim bẩm sinh nghèo không có đủ tiền để đến điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Nguy cơ do viêm màng ngoài tim co thắt

Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của quá trình xơ hoá. Quá trình viêm mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra làm tổn thương dày và dính màng ngoài tim.

Khi đã bị viêm màng ngoài tim co thắt, trái tim bị màng ngoài tim cứng chắc bao bọc, làm hạn chế tim giãn ra trong thì tâm trương, tăng các áp lực trong buồng tim và làm mất tương đồng giữa áp lực trong các buồng tim và áp lực của lồng ngực. Do tăng áp lực trong buồng tim và giảm sự giãn của tim thì tâm trương làm hạn chế sự đổ về của máu tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch phổi, gây ra triệu chứng suy tim ứ huyết của cả tim bên phải và bên trái. Nguy hiểm nhất là tuy bệnh nhân bị bệnh nhưng lại không được chẩn đoán ra bệnh vì không được nghĩ đến nên đã dẫn tới hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.

Hình ảnh viêm màng ngoài tim.

Vì sao lại bị viêm màng ngoài tim co thắt ?

 

Khoa học đã biết đến một số nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt gồm: nhiễm khuẩn lao, vi khuẩn, virut, nấm và ký sinh trùng, trong đó lao là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng ngoài tim co thắt. Chấn thương do phẫu thuật tim có tràn máu màng tim là yếu tố thuận lợi dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt sau đó. Do chạy tia xạ: đây là biến chứng muộn của xạ trị dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt. Viêm nhiễm hoặc rối loạn miễn dịch trong các bệnh thấp tim, lupus ban đỏ, sarcoidose.

Do các bệnh ung thư vú, phổi, hạch lympho, u sắc tố, u trung biểu mô. Không rõ nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận dạng bệnh là gì?

Những dấu hiệu sớm của viêm màng ngoài tim co thắt thường không đặc hiệu như ngất xỉu, mệt và giảm khả năng khi gắng sức. Thời gian sau đó bệnh nhân thường có các triệu chứng của suy tim trái như khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm. Giai đoạn nặng bệnh nhân sẽ thấy các dấu hiệu giống như suy tim phải: phù ngoại biên, căng tức bụng và cổ trướng. Khám thấy tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch  cổ dương tính. Nhiều bệnh nhân có dấu hiệu mạch đảo của Kussmaul (hít sâu vào lại làm giảm độ căng to của tĩnh mạch cổ). Tuy nhiên dấu hiệu này có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu thấp vì có thể gặp trong các trường hợp phì đại thất phải và nhồi máu cơ tim thất phải. Nguyên nhân của các hiện tượng này là do sự giãn nhanh của tâm thất trong thời kỳ đầu tâm trương. Nghe tim thường thấy tiếng tim mờ do màng ngoài tim dày. Tiếng đóng van hai lá và ba lá gần như xuất hiện ở cuối thì tâm trương, gây ra tiếng T1 rất nhẹ. Có khi nghe thấy tiếng gõ của màng ngoài tim ngay ở đầu tâm trương. Tiếng này xuất hiện do sự giãn ra đột ngột của tâm thất sau một giai đoạn bị màng tim cứng hạn chế giãn. Cần phân biệt tiếng này với các tiếng tâm trương sớm khác như tiếng T3, tiếng mở van hai lá. Thường tiếng gõ màng ngoài tim có âm sắc cao hơn và đến sớm hơn tiếng T3 và tiếng mở van hai lá luôn luôn đi kèm với tiếng rung tâm trương.

Nghe phổi thường thấy giảm rì rào phế nang ở hai đáy phổi, do sung huyết phổi hay tràn dịch nhẹ ở đáy màng phổi hai bên. Trường hợp ứ trệ nhiều, có thể thấy phù phổi với các ran ẩm xuất hiện. Gan to, trường hợp nặng có thể dẫn đến xơ gan tim với bụng cổ trướng rõ. Phù hai chi dưới, sau đó có thể dẫn đến phù toàn thân. Điện tâm đồ thấy có dấu hiệu điện thế thấp lan tỏa, sóng T thường dẹt, có thể thấy dấu hiệu dày nhĩ trái và cũng hay gặp rung nhĩ phối hợp. Chụp Xquang thấy màng ngoài tim canxi hoá trên phim chụp nghiêng và hay thấy ở vị trí của thất phải và rãnh nhĩ thất; tràn dịch màng phổi là dấu hiệu hay gặp; giãn nhĩ phải và nhĩ trái; hiếm thấy phù phổi. Siêu âm tim là phương pháp hữu hiệu nhất để chẩn đoán và theo dõi tràn dịch màng ngoài tim. Có thể thấy: thành tự do thất trái dẹt; độ dày của màng ngoài tim tăng lên và có thể thấy cả dấu hiệu vôi hoá của màng ngoài tim; van động mạch phổi mở sớm; vận động nghịch của vách liên nhĩ trong thì tâm thu. Thông tim là phương pháp quan trọng để chẩn đoán phân biệt viêm co thắt màng ngoài tim và bệnh cơ tim hạn chế.

Tổn thương viêm màng ngoài tim co thắt, trái tim bị màng ngoài tim cứng chắc bao bọc.

Chữa trị và phòng bệnh

 

Điều trị nội khoa bệnh nhân ở giai đoạn đầu có thể điều trị bảo tồn bằng lợi tiểu và chế độ ăn hạn chế muối. Ngoài ra điều trị nội khoa cũng được chỉ định ở các bệnh nhân quá nặng không còn chỉ định mổ hay không chấp nhận nguy cơ của cuộc mổ.

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim là phẫu thuật được lựa chọn. Trên  90% các trường hợp có cải thiện triệu chứng đáng kể sau phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong trong và ngay sau mổ từ 5 - 20% nên cần thận trọng cân nhắc. Việc mổ sớm cho các bệnh nhân là tốt hơn chứ không đợi đến khi thể trạng bệnh nhân đã bị suy sụp do bệnh diễn biến kéo dài.

Phòng bệnh cần chẩn đoán và điều trị sớm, dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn như lao, viêm nhiễm do vi khuẩn, virut, nấm và ký sinh trùng, các bệnh thấp tim, lupus ban đỏ, sarcoidose, ung thư vú, ung thư phổi, u sắc tố…

ThS. Nguyễn Mạnh Hà

Đánh trống ngực liên hồi chứng tỏ yếu tim

Nhiều người nghĩ đánh trống ngực là do hồi hộp hay lo sợ. Nhưng các bác sĩ chỉ rõ đây có thể là triệu chứng yếu tim và đưa ra cách điều trị bằng sóng tần số radio.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Linh, Viện Tim mạch Việt Nam, cấu tạo tim người gồm tâm thất và tâm nhĩ. Đánh trống ngực (rung nhĩ) là tình trạng tâm nhĩ đập rất nhanh và hỗn loạn. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm.

Biến chứng nguy hiểm

Rung nhĩ thường làm cho nhịp tim không đều và nhanh. Khi đó nhịp tim của bệnh nhân có thể lên đến 350 nhịp/phút, trong khi bình thường là 60 - 80 nhịp/phút. Trạng thái tâm nhĩ rung mà không co bóp làm cho máu ứ lại, dễ dẫn đến hình thành những cục máu đông, là nguyên nhân gây đột quỵ và tắc mạch máu. Ngoài ra, rung nhĩ mạn tính khiến tim co bóp thiếu hiệu quả, lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim.

Do tâm nhĩ đập nhanh và hỗn loạn nên bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, nhức đầu, khó thở… Rung nhĩ thường gặp ở người lớn tuổi và tăng dần theo lứa tuổi. Trung bình tỷ lệ mới mắc rung nhĩ khoảng 0,1% mỗi năm ở người dưới 40 tuổi nhưng tăng lên tới 1,5% - 2% ở người trên 80 tuổi.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Viện Tim mạch. Ảnh: Kim Anh.

“Nguyên nhân chính gây rung nhĩ là do các bệnh về mạch vành và van tim, bệnh cơ tim, bệnh tim phổi mạn tính. Nói cách khác, rung nhị mạnh chứng tỏ tim yếu”, tiến sĩ Phạm Quốc Khánh, Viện phó Viện Tim mạch, cho biết.

Phương pháp chữa tiệt căn

Để trị bệnh rung nhĩ, Việt Nam đã áp dụng tiến bộ mới nhất của thế giới là dùng sóng tần số radio. Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh cho biết, các điện cực được đưa vào trong buồng tim và ghi điện đồ bằng hình ảnh không gian 3 chiều qua đó xác định được điểm xuất phát rối loạn nhịp tim. Sau đó, sóng có tần số radio sẽ được đưa vào qua đầu các điện cực và phát sinh nhiệt để triệt bỏ những điểm gây rối loạn. 

Trước đây, các bác sĩ thường điều trị nội khoa bằng thuốc để phục hồi trở về nhịp tim cơ bản. Có một số trường hợp không phục hồi về được nhịp tim cơ bản, các bác sĩ sẽ dùng máy sốc điện một chiều, dùng dòng điện rất cao tác động đến cơ tim, đưa về nhịp cơ bản, sau đó dùng thuốc để duy trì nhịp. Với những trường hợp không khống chế được bằng thuốc, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ nút nhĩ thất, sau đó đặt máy tạo nhịp tim. Tuy nhiên, các cách này đều chủ yếu điều trị triệu chứng mà không điều trị được căn nguyên.

Trong khi đó, dùng sóng radio hoàn toàn không phải mở ngực bệnh nhân. Phương pháp này được Viện Tim mạch áp dụng từ năm 2009 và tới đây Viện sẽ xây dựng riêng một khu can thiệp sớm để sử dụng rộng rãi phương pháp này.

Để điều trị tốt bệnh rung nhĩ, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên có lối sống tích cực. Bệnh nhân cần tránh các loại chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá vì những chất kích thích này có thể làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp. Bệnh nhân cũng nên ăn nhạt, ít muối và ít chất béo và tập thể dục đều đặn.