Lưu trữ cho từ khóa: bơi

Amip ăn não – mắc bệnh là coi như… xong!

ANTĐ - Một bé gái 12 tuổi đến từ bang Arkansas (Hoa Kỳ), đã phải nhập viện sau khi bị nhiễm vi khuẩn gây chết người, xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và ăn các mô não…

Cơ quan y tế Arkansas và trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã khẳng định rằng, bé Kali Hardig đã tiếp xúc với mầm bệnh, sau khi đi bơi ở công viên nước Willow Springs ở thành phố Little Rock, bang Arkansas.

Mẹ của Kali, Traci, đã đưa cô bé đến bệnh viện địa phương một ngày sau khi vui chơi ở công viên nước. Bà Traci cho hay: “Tôi chẳng thể nào làm cho con bé hạ sốt. Kali bắt đầu nôn mửa, và nói rằng đầu nó đau rất dữ dội. Con bé chỉ biết nhìn vào tôi và đôi mắt của nó cứ cuộn lên cuộn xuống…”

Trùng amip ăn não (Naegleria fowleri) là nguyên nhân của một loại viêm màng não có tên viêm màng não amip cấp tính (PAM). Loại vi khuẩn đơn bào này, thường có trong các vùng nước ngọt và ấm của hồ hay sông suối, vào cơ thể thông qua đường mũi và di chuyển dọc các thần kinh khứu giác lên não, và tại đó, nó bắt đầu phá hủy các mô não.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Trùng amip có ngoại hình khá giống mặt người

Ở Mỹ, các ca nhiễm bênh thường xảy ra ở phía Nam trong suốt những tháng hè. Những ca mắc phải PAM thường rất hiếm: khoảng giữa năm 2001 và 2010, chỉ có 32 ca được báo cáo lên CDC. Loại vi khuẩn này không có trong nước biển và những vùng nước mặn khác.

Triệu chứng ban đầu của người bị nhiễm PAM thường xuất hiện trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp xúc với mầm bệnh, bao gồm: cứng cổ, đau đầu, sốt, buồn nôn và ói mửa. Sau đó, các triệu chứng nặng hơn như rối trí, mất thăng bằng, co giật và ảo giác có thể xuất hiện.

Đây là loại bệnh luôn gây tử vong cho người bệnh, cho dù việc điều trị đã bắt đầu từ rất sớm. Các bác sĩ ở Arkansas đã phải đưa Kali vào tình trạng hôn mê để ổn định cô bé.

Cơ hội sống sót sau khi bị mắc PAM là rất ít. Kể từ năm 1962, đã có 128 ca nhiễm bệnh và chỉ có duy nhất một người sống sót (không tính trường hợp của bé Kali) sau khi được cho uống kháng sinh. Tuy nhiên, phương pháp này lại không áp dụng thành công đối với các bệnh nhân khác.

Dù phần đa các ca mắc bệnh đều được gây ra bởi việc bơi lội trong các vùng nước ấm, nhưng vẫn có trường hợp do nước máy gây nên. Năm 2011, 2 người sống tại hai vùng hoàn toàn khác nhau của bang Louisiana (Hoa Kỳ), cũng đã bị nhiễm trùng amip, sau khi sử dụng nước máy để rửa mũi.

Hiện các quan chức của bang Arkansas đã cho đóng cửa công viên nước Willow Springs, nơi bé Kali bị nhiễm khuẩn để thuận tiện cho quá trình điều tra. Vào năm 2010, một ca nhiễm trùng amip ăn não cũng đã xảy ra tại công viên này.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh PAM, mọi người cần phải tránh bơi lội ở vùng nước ngọt khi nước vẫn còn ấm, bịt mũi và tránh động chạm đến các lớp chất cặn bên dưới hồ, hoặc sông suối.

Ngoài ra, đối với những người có thói quen rửa mũi, nước cần phải được chưng cất, tiệt trùng, lọc hoặc đun sôi, sau đó để nguội, và công cụ rửa mũi phải được cọ sạch và lau khô sau mỗi lần sử dụng.

Việc uống nước máy không thể gây nhiễm trùng amip, vì khuẩn này chỉ có thể lên não qua đường mũi. Và bênh PAM không thể lây từ người này sang người khác.
Trang Hà
Theo National Geographic

“Tinh binh” khỏe nhất vào mùa đông và đầu xuân

“Tinh binh” nhìn chung khỏe nhất vào mùa đông và đầu xuân.

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Đại học Ben-Gurion (Israel) sau khi khảo sát hơn 6.000 nam giới đang điều trị vô sinh.

Các nhà khoa học phát hiện thấy trong suốt mùa đông, tinh trùng trong cơ thể họ tăng rõ rệt về số lượng, tốc độ bơi, cũng như ít bị dị tật hơn. Tuy nhiên, chất lượng “tinh binh” giảm dần khi càng vào sâu mùa xuân.

Chuyên gia khoa tiết niệu – Tiến sĩ Edmund Sabanegh, người không tham gia nghiên cứu, cho biết một số nghiên cứu trước đó được tiến hành trên động vật cũng thu được kết quả tương tự, đúng theo mùa sinh sản của chúng.

tinh-binh-khoe-nhat-vao-mua-dong-va-dau-xuan

Ảnh minh họa.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu yếu tố mùa ảnh hưởng tới chất lượng tinh binh thì các cặp đôi cần nắm được điều này. Biết khi nào cần tập trung nỗ lực để thụ thai có thể giúp các cặp đôi giải tỏa sự bức bối trong lòng và giúp họ tiết kiệm tiền bạc.

Trong khảo sát lần này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích mẫu tinh dịch của 6.445 bệnh nhân nam đăng ký điều trị vô sinh tại trung tâm hỗ trợ sinh sản của họ trong từ tháng 1/2006 – 7/2009.

Trong số này, 4.096 người có quá trình sản xuất tinh trùng diễn ra bình thường và 1.495 người xuất hiện các dị tật, chẳng hạn như có lượng tinh binh thấp. Tổ chức y tế thế giới (WHO) định mức 15 triệu tinh trùng/1 ml tinh dịch là bình thường.

Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy những người đàn ông với quá trình sản xuất tinh trùng diễn ra bình thường có “tinh binh” khỏe nhất vào mùa đông.

Chẳng hạn, những người thuộc nhóm này sản xuất khoảng 70 triệu tinh trùng/1 ml tinh dịch trong suốt mùa đông. Khoảng 5% trong số “tinh binh” này có độ di động cao, bơi nhanh, giúp các cặp đôi cải thiện cơ hội thụ thai.

Trong khi đó, mức sản xuất tinh trùng vào mùa xuân của họ là xấp xỉ 68 triệu tinh trùng/1 ml tinh dịch và chỉ 3% trong số chúng có độ di động cao.

Ở những người đàn ông có mức sản xuất tinh trùng bất thường, tinh trùng lại có hơi hướng di động tốt hơn vào mùa thu và đạt tỷ lệ mức tinh trùng có hình dạng bình thường (khoảng 7%) trong suốt mùa xuân.

“Theo kết quả, “tinh binh” bình thường sẽ hoạt động tốt hơn vào mùa đông, trong khi đó, với những trường hợp vô sinh do có lượng “tinh binh” thấp nên tìm cơ hội cho mình vào mùa xuân và mùa thu” – Nghiên cứu nhận định.

Tuy nhiên, theo Sabanegh, trưởng khoa tiết niệu tại Cleveland Clinic ở Ohio (Mỹ), các bác sĩ không nên vội khuyến cáo những người đàn ông có lượng “tinh binh” thấp đợi tới mùa đông hoặc mùa xuân mới thụ thai.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến cáo họ nỗ lực, dù là bất cứ mùa nào, họ có thể cải thiện được tình hình nhờ các biện pháp điều trị” – Sabanegh nói.

Trong các nghiên cứu về động vật, sự thay đổi chất lượng sản xuất tinh trùng theo mùa và khả năng sinh sản có liên quan tới một số yếu tố như nhiệt độ, độ dài quãng thời gian tiếp xúc với ánh sáng ban ngày và sự thay đổi của hormone.

Ở người, nghiên cứu trước đó cho thấy số lượng tinh trùng của đàn ông trên khắp thế giới đang giảm. Nguyên nhân cụ thể chưa được làm rõ, tuy nhiên, nhiều giả thuyết cho rằng đó là do lối sống tĩnh tại hoặc sự phơi nhiễm với các chất hóa học ảnh hưởng xấu tới chất lượng “tinh binh”.

(Theo TTVN)

Cùng bệnh viện FV “giúp con ăn ngon ăn vui”

Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi, bệnh viện FV, chia sẻ bí quyết hiểu tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon

Làm thế nào để trẻ ăn ngon – ăn vui?

“Khá nhiều bé có biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao hoàn toàn bình thường nhưng vẫn được cha mẹ đưa đi khám dinh dưỡng và khám tâm lý thường xuyên vì cho rằng bé mắc chứng lười ăn hay bị suy dinh dưỡng. Vậy là phụ huynh có ‘bệnh’ chứ không phải trẻ!” – Nhà tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi chia sẻ một cái nhìn mới về việc kết hợp liệu pháp tâm lý trong điều trị chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ tại Bệnh viên FV.

Chuyện ăn của cha mẹ ảnh hưởng tới con thế nào?

Có một thực tế là nhiều cha mẹ chỉ tầm thước nhưng cứ mong con cao bằng hoặc cao hơn các bạn cùng lứa nên dẫn trẻ đi khám dinh dưỡng liên tục (dù rằng chỉ số chiều cao của trẻ hoàn toàn bình thường). Đó là “bệnh” của cha mẹ. Có cha mẹ thì lại tổ chức bữa ăn cho trẻ dựa trên những trải nghiệm ăn uống của chính mình, cứ ép con ăn món ăn mình thích. Chuyên gia Hồng Nhi, bệnh viện FV, nhấn mạnh: “Thức ăn cung cấp dưỡng chất để trẻ lớn lên, và thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển tâm lý và vai trò xã hội của trẻ. Cha mẹ rất nên can thiệp và giúp trẻ xây dựng thái độ tích cực với ăn uống. Tuy nhiên, trước hết, cần xác định những vấn đề trẻ gặp phải trong ăn uống là vấn đề của trẻ hay của chính phụ huynh.”

Bác sĩ Hồng Nhi khoa tâm lý lâm sàn bệnh viện FV (Pháp Việt) (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)

Rất ít trẻ ăn đúng như những gì cha mẹ muốn. Về cơ bản, trẻ từ 1 – 3 tuổi không hiểu khái niệm thức ăn tốt như người lớn. Trẻ có thể “phiên dịch” đồ ăn tốt là đồ ăn mẹ của bạn hàng xóm nấu và đang đút cho bạn ấy ăn. Trẻ cũng không phân biệt được cảm giác no đói mà thường ăn theo “tình cảm” nhiều hơn, như ăn nhiều hơn khi đua với bạn, hoặc không ăn vì không thích màu sắc… Phản ứng của trẻ với các bữa ăn và các loại thực phẩm cũng thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng đều có điểm chung là chúng đều muốn ăn uống tự do, chán ăn cơm nhưng lại thích ăn gà rán, khoai tây chiên và kẹo…

Khi nào nên cho trẻ gặp khó khăn trong ăn uống gặp chuyên gia tâm lý

• Khi trẻ không đạt chuẩn về chiều cao, cân nặng, trẻ ăn quá lâu, quấy khóc nhiều, quậy phá nhiều khi đến giờ ăn.

• Khi không khí bữa ăn quá nặng nề và cha mẹ cảm thấy hoàn toàn bất lực với chứng biếng ăn ở trẻ.

Có nên cho trẻ ăn theo ý mình?

Ăn uống không chỉ là đơn thuần cho thức ăn vào miệng. Có thể thấy ở trẻ nhỏ, ăn uống và tình cảm không tách rời, và nguyên nhân của việc ăn uống khó khăn của trẻ đôi khi là do những vấn đề về mặt tình cảm, tâm lý.

Vậy trong “cuộc chiến” tại bàn ăn, đâu là quyền bính của cha mẹ để giúp trẻ “ăn ngon”, đâu là giới hạn sự tự do của trẻ để trẻ “ăn vui”? Nhà tâm lý lâm sàng Hồng Nhi giới thiệu một vài tư vấn riêng đang áp dụng tại Bệnh viện FV:

- Cha mẹ quyết định trẻ ăn gì (chọn những món có giá trị dinh dưỡng cho trẻ), còn trẻ sẽ tự quyết ăn bao nhiêu.

- Cha mẹ chuẩn bị một thực đơn duy nhất cho cả nhà trong mỗi bữa ăn (khi trẻ đã đủ tuổi ngồi ăn chung với người lớn). Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng gia đình, và sau này là xã hội có những quy tắc, quy định và trẻ cần tôn trọng những giá trị này. Tuy nhiên, đối với những món trẻ cương quyết không ăn, cha mẹ có thể đề nghị trẻ nếm thử 1 miếng, nếu vẫn không thích thì có quyền không ăn món đó.

Bác sĩ Hồng Nhi đang tư vấn cho một thai phụ về tâm lý trẻ theo từng giai đoạn để giúp trẻ ăn ngon (Ảnh do bệnh viện FV cung cấp)

Ngoài ra, để xây dựng thái độ tích cực với việc ăn uống và giúp trẻ “ăn vui”, chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FV khuyên cha mẹ nên:

- Cho trẻ đi chợ, cùng tìm hiểu các loại thực phẩm và cùng nấu nướng: trẻ sẽ thích thú khi khám phá một con cá đang bơi khác với đĩa cá đã chế biến thế nào…

- Giúp con đánh thức khẩu vị: khuyến khích trẻ nếm và mô tả đồ ăn bằng giác quan (nhìn thấy đẹp, sờ thấy mềm, ngửi thấy thơm, nếm thấy ngọt…); không nên để con dùng từ “Thích” hay “Không thích” khi mô tả về một món ăn mới.

- Duy trì bữa cơm gia đình đầm ấm và nhẹ nhàng bằng các “trò chơi”: ví dụ đố bé đoán xem nhai món này sẽ xảy ra điều gì trong miệng, hoặc đố bé tìm được hạt của quả nho trong miệng…

Cha mẹ đặc biệt cần tránh dùng món ăn này làm phần thưởng cho món ăn khác, chẳng hạn hứa với bé ăn hết chén cơm sẽ thưởng đùi gà rán, điều này sẽ càng làm trẻ hiểu sai khái niệm “đồ ăn tốt”. Tránh “ăn cho mẹ vui”, “ăn rồi mẹ thương” vì trẻ sẽ nhầm lẫn cảm giác muốn ăn và muốn được cưng nựng.

“Không có em bé hoàn hảo như trong quảng cáo, và trẻ ăn ngon ăn vui không có nghĩa là phải ăn nhiều, ăn cho cả bố mẹ,” chuyên gia Hồng Nhi bệnh viện FVtổng kết về phương pháp của mình.

Nhà Tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý lâm sàng và bệnh lý tại trường Đại Học Bretagne Occidentale, Pháp vào năm 2008. Hiện cô là nhà chuyên môn phụ trách toàn bộ các ca tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện FV, đồng thời là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc tế, thuộc khối Đại học Quốc Gia.