Lưu trữ cho từ khóa: bổ máu

Hấp dẫn bà bầu với trứng gà xào đậu non

Với màu sắc đẹp, ngon, giòn đồng thời nhiều giá trị dinh dưỡng từ trứng, món ăn không chỉ hấp dẫn mà còn rất tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Nguyên liệu

-  200g trứng gà
-  50g đậu Hà Lan non
-  50g củ năng
-  30g jambon chín
-  300g cánh gà
-  40g dầu thực vật
- 30g rượu gia vị
- Bột năng hoặc bột bắp
- Bột ngọt, muối, mỗi thứ một lượng thích hợp.

Cách làm

- Đậu Hà Lan non nhặt, rửa sạch, trần sơ nước sôi, để nguội; jambon cắt nhuyễn, củ năng bỏ vỏ, cắt miếng vừa ăn, muối, rượu gia vị, bột năng hoặc bột bắp, canh gà vào cùng rồi đánh đều.

- Đun dầu thật nóng, cho dung dịch trứng đã đánh vào xào nhanh.

- Khi món ăn đã có dạng hồ, thêm bột ngọt.

- Sau đó đổ tất cả ra đĩa, rải jambon, đậu Hà Lan non lên.


Trứng gà chứa các nguyên tố vi lượng quan trọng như kali, natri, magie, photpho, đặc biệt là nguyên tố sắt cần thiết cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Tác dụng của món ăn

Trứng gà chứa các nguyên tố vi lượng quan trọng như kali, natri, magie, photpho, đặc biệt là nguyên tố sắt cần thiết cho cơ thể. Vì vậy ăn món ăn có trứng gà sẽ giúp bổ máu cho mẹ bầu vì có thể hấp thụ được lượng sắt vừa phải.

Trứng cung cấp một lượng đáng kể protein có giá trị sinh học cao (loại protein có chứa các acid amin gần giống và cần thiết cho cơ thể người). Ngoài ra, trứng còn có nhiều vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo, nhất là omega 3. Các chất dinh dưỡng trên có chủ yếu ở lòng đỏ, lòng trắng chủ yếu có nước và protein. Các thành phần khoáng chất vitamin, sắt, canxi, magie có thể phân giải các chất gây ung thư.

Mẹ bầu nên ăn nhiều trứng gà để giảm lượng cholesterol trong máu và tăng cường khả năng ghi nhớ ở trẻ sau này.

Ngoài ra, với lượng canxi dồi dào trong trứng gà và các vitamin mỡ hòa tan giúp cho việc phát triển khung xương của thai nhi.

Hơn nữa củ năng có vị ngọt, tính hàn vì vậy tác dụng thanh nhiệt, rất tốt cho cơ thể mẹ bầu lúc nóng bức.

Đây là món ăn có thể giúp mẹ mang thai những tháng đầu hấp thu được chất dinh dưỡng toàn diện và có lợi cho sự hình thành, phát triển các cơ quan của thai nhi.

Meo.vn (Theo Eva)

Món ngon giúp mẹ bầu thanh nhiệt

Chỉ cần vài phút với trứng gà và lá mơ, mẹ bầu sẽ có món ăn vừa bổ dưỡng lại giúp thanh nhiệt vô cùng hiệu quả.

Nguyên liệu

- Lá mơ 1 nắm vừa
- Trứng gà ta 2 quả
- Gia vị một lượng vừa phải
- Lá chuối tươi 2 miếng to bằng tờ giấy A4

Cách chế biến

- Lá mơ rửa sạch thái nhỏ

- Trứng gà đập ra bát

- Cho lá mơ đã thái nhỏ vào bát trứng gà, trộn đều

- Thêm chút hạt nêm hoặc bột canh, tùy ý.

Cách 1. Cho vào bát, hấp vào nồi cơm lúc vừa nảy sang nút warm hoặc hấp cách thủy.

Cách 2. Bắc chảo lên bếp cho ráo nước, trải miếng lá chuối thứ nhất xuống chảo, dàn đều trứng trộn lá mơ lên rồi úp miếng lá chuối thứ 2 lên trên, đậy vung, đun nhỏ lửa cho trứng chín om là ăn được

Cả 2 cách chế biến này đều không dùng đến dầu ăn hay mỡ, rất tốt cho bà bầu vì bà bầu nên hạn chế bớt dầu, mỡ.

Món trứng gà lá mơ rất mát cho mẹ bầu. (Ảnh minh họa)

Công dụng

Theo đông y, rau mơ có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn và chữa các bệnh về đường tiêu hóa rất hiệu nghiệm. Đây là món ăn dân dã không chỉ bổ cho người thường mà còn cho cả bà bầu.

Hơn nữa, chúng ta cũng đã biết, trứng gà chứa các nguyên tố vi lượng quan trọng như kali, natri, magie, photpho, đặc biệt là nguyên tố sắt cần thiết cho cơ thể. Vì vậy món ăn này còn có tác dụng bổ máu cho mẹ bầu.

Lượng canxi dồi dào trong trứng gà và các vitamin mỡ hòa tan giúp cho việc phát triển khung xương của thai nhi.

Cách chọn trứng gà

Để chọn được trứng gà ngon và bổ dưỡng, quan trọng nhất là bạn phải chọn được quả trứng tươi.

Hãy soi trứng dưới ánh sáng để nhận biết độ tươi của trứng và soi nhiều quả để có thể lấy căn cứ so sánh. Những quả trứng đã để lâu sẽ có khoảng trống trên đầu lớn hơn là trứng còn tươi. Trứng càng tươi thì khoảng trống này càng nhỏ, bạn cần soi và so sánh để chọn mua được những quả trứng ngon.

Meo.vn (Theo Eva)

Đông y phòng chữa rối loạn kinh nguyệt

Bình thường kinh nguyệt trong 3 ngày thì sạch. Nếu quá 10 ngày gọi là kinh nguyệt kéo dài - gây mất máu nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngày nay, do nhiều tác động của đời sống kinh tế xã hội, hành kinh có thể xuất hiện từ tuổi 12 - 13 và kéo dài đến độ tuổi  54 - 55.

Kinh mỗi tháng thấy một lần nên gọi là kinh nguyệt. Bình thường kinh nguyệt trong 3 ngày thì sạch. Nếu quá 10 ngày gọi là kinh nguyệt kéo dài - gây mất máu nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe. Các kỳ kinh thường kéo dài từ 28 - 30 ngày.
Nếu chu kỳ kinh chênh nhau trên 5 - 10 ngày gọi là không đều hay rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn chu kỳ kinh cần tìm nguyên nhân để chữa trị.

Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Do căng thẳng trong cuộc sống

Điều khiển hoạt động của cơ thể có hai hệ thống và hai hệ thống này liên quan chặt chẽ với nhau. Khi căng thẳng, thần kinh tiết chất kích thích, buồng trứng bị rối loạn. Do vậy hoạt động của buồng trứng cũng bị rối loạn, dẫn đến kinh nguyệt không đều.

Tạng người

Béo quá hay gầy quá cũng làm thay đổi hoạt động của buồng trứng, gây rối loạn chu kỳ kinh. Người bị nhiễm trùng hay nhiễm độc đặc biệt là nhiễm trùng đường sinh dục (tử cung, buồng trứng).

Tạng thận

Chức năng tạng thận là tàng tinh sinh tinh.

Thiên quí đầy đủ, kinh nguyệt đều. Thiên quí thiếu, thận hoạt động yếu thì kinh nguyệt rối loạn.

Cây ích mẫu

Phòng và chữa rối loạn kinh nguyệt

Cách phòng và chữa bệnh của đông y là:

Một là: không lao động quá nặng, quá mệt, kéo dài. Không chơi bời quá mức sẽ hao tinh. Tinh hao kinh nguyệt rối loạn.

Hai là: trong quan hệ cuộc sống cần biết đủ (chi túc), có lòng vị tha để hòa đồng, giải tỏa uất ức buồn phiền cùng người thân, kinh nguyệt sẽ đều.

Ba là: ăn uống đủ ngũ vị: cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Không quá nhiều vị nào trong bữa ăn hàng ngày. Trên mâm cơm đủ ngũ sắc là màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu đen và màu trắng. Đủ ngũ vị và ngũ sắc khí huyết sẽ đầy đủ và lưu thông, kinh nguyệt sẽ đều.

Để chữa bệnh, thầy thuốc cần khám để tìm nguyên nhân – thuốc chữa tùy địa phương, tùy kinh nghiệm mỗi thầy thuốc – nhưng đều tuân theo các quy luật chung là:

Nếu khí huyết kém dùng bài: xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, đảng sâm.

Nếu có yếu tố buồn phiền uất ức, dùng các vị: sài hồ, bạch thược, đan bì, hoàng cầm, đương quy, tô ngạch, hương phụ chế.

Nếu đau bụng khi hành kinh dùng các vị tăng lưu thông khí huyết như: đan sâm, hồng hoa, ích mẫu, ngải cứu.

Nếu kinh ra nhiều kéo dài 6, 7 ngày, dùng các vị bổ máu và cầm máu như: đương quy, ngải diệp xao đen, hòe hoa, cỏ nhọ nồi, azao…

Nếu kinh nguyệt ra quá ít có thể tăng bổ thận và bổ huyết dùng các vị như: thục địa, hoài sơn, sơn thù, đan bì, hoàng kỳ, ích mẫu, ngải diệp, xuyên khung.

Nếu chậm kinh, kinh quá 5 - 10 ngày không ra, (nhưng không phải do có thai) thì dùng thêm các vị ích mẫu, hồng hoa, đào nhân, đan sâm…

Nếu kinh nguyệt không đều có thể dùng bài xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, hương phụ, ích mẫu, ngải cứu.

Nếu có khí hư ra nhiều, mùi hôi; khí hư màu vàng hay đen, cần dùng thêm thuốc ngâm rửa dùng bài: hoàng bá, phèn phi, lá móng, tô mộc, linh lang - đun ngâm rửa 7 đến 10 ngày liền.

Tóm lại, phòng chữa bệnh không quá khó. Cần người bệnh có hiểu biết để phối hợp với thầy thuốc.

Theo GS.TS. Dương Trọng Hiếu

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Vì sao uống viên thuốc sắt dễ bị ngộ độc?

Tôi bị thiếu máu, đi khám bác sĩ cho uống viên sắt, nhưng nghe người bán thuốc dặn phải cẩn thận kẻo bị ngộ độc sắt. Mong bác sĩ tư vấn? - (Nguyễn Thị Mây - Nghệ An)


Trả lời:

Thuốc viên sắt bổ máu thường chứa FeSO4 có 20% nguyên tố sắt, gluconate sắt chứa 12% nguyên tố sắt.

- Liều an toàn không độc là dưới 10-20mg/kg.

- Liều độc: trên 20mg/kg.

- Liều chết: trên 180 - 300mg/kg.

Sắt gây độc do các gốc tự do và tổn thương đường tiêu hoá, gan, thận, tim và phổi, nguyên nhân tử vong thường là sốc và suy gan.

Triệu chứng ngộ độc: sau 2 giờ uống viên sắt: bệnh nhân bị nôn, tiêu chảy, ngủ lịm, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp. Sau 12-48 giờ bệnh nhân có biểu hiện chảy máu đường tiêu hoá, hôn mê, co giật, phù phổi, trụy tim mạch; suy gan và suy thận, rối loạn đông máu, hạ đường huyết, toan chuyển hoá trầm trọng.

Xử trí: thải bỏ chất độc khỏi đường tiêu hoá bằng cách gây nôn, rửa dạ dày nếu phát hiện bệnh nhân mới uống thuốc quá liều, hoặc dùng thuốc tẩy rửa ruột non nếu uống đã lâu, những viên sắt đã qua dạ dày và không thể loại bỏ bằng cách rửa dạ dày.

Ở phòng cấp cứu dùng giải độc đặc hiệu là deferoxamine. Lọc máu trong trường hợp ngộ độc nặng. Bạn nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh ngộ độc sắt.

Theo BS Bùi Thị Thu Hương

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Ngộ độc sắt do thuốc

Tôi bị thiếu máu, đi khám bác sĩ cho uống viên sắt, nhưng nghe người bán thuốc dặn phải cẩn thận kẻo bị ngộ độc sắt. Mong bác sĩ tư vấn?

Nguyễn Thị Mây (Nghệ An)

Thuốc viên sắt bổ máu thường chứa FeSO4 có 20% nguyên tố sắt, gluconate sắt chứa 12% nguyên tố sắt. Liều an toàn không độc là dưới 10-20mg/kg. Liều độc: trên 20mg/kg. Liều chết: trên 180 - 300mg/kg. Sắt gây độc do các gốc tự do và tổn thương đường tiêu hoá, gan, thận, tim và phổi, nguyên nhân tử vong thường là sốc và suy gan. Triệu chứng ngộ độc: sau 2 giờ uống viên sắt: bệnh nhân bị nôn, tiêu chảy, ngủ lịm, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp. Sau 12-48 giờ bệnh nhân có biểu hiện chảy máu đường tiêu hoá, hôn mê, co giật, phù phổi, trụy tim mạch; suy gan và suy thận, rối loạn đông máu, hạ đường huyết, toan chuyển hoá trầm trọng. Xử trí: thải bỏ chất độc khỏi đường tiêu hoá bằng cách gây nôn, rửa dạ dày nếu phát hiện bệnh nhân mới uống thuốc quá liều, hoặc dùng thuốc tẩy rửa ruột non nếu uống đã lâu, những viên sắt đã qua dạ dày và không thể loại bỏ bằng cách rửa dạ dày. Ở phòng cấp cứu dùng giải độc đặc hiệu là deferoxamine. Lọc máu trong trường hợp ngộ độc nặng. Bạn nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh ngộ độc sắt.

 

BS. Bùi Thị Thu Hương

Meo.vn (Theo SKĐS)

Làm sao để trẻ thích ăn rau, trái cây?

Trẻ không chịu ăn rau và trái cây là nỗi lo rất phổ biến của các bà mẹ, bởi trẻ sẽ thiếu chất xơ, thiếu vitamin. Tại sao lại như vậy?

Có trẻ bắt đầu ăn giặm, sợ con bị “hóc” nên mẹ thường chỉ cho bé ăn nước hầm từ xương và rau hoặc cho tất cả mọi thứ (thịt, rau) vào máy xay sinh tố, do vậy làm cho chén bột của bé đơn điệu mùi vị và bé không được làm quen với động tác nhai. Có bà mẹ nghĩ để bé được vài tuổi rồi tập ăn rau quả cũng không muộn. Cũng có bé không ăn rau vì bố mẹ ít ăn rau.

Ảnh minh họa

Vậy làm cách nào cho bé ăn rau và trái cây? Hãy thử làm theo những cách sau:

Nên: bằm nhuyễn thức ăn bằng dao thớt. Cho bé ăn cả bã thức ăn. Luôn đủ bốn nhóm thức ăn/bữa ăn và thay đổi món ăn mỗi ngày. Nạo trái cây bằng muỗng cho bé ăn. Tập cho bé ăn các loại rau mềm như mồng tơi đến các loại dai hơn như hẹ, rau muống và lưu ý chiều theo sở thích của bé.

Khuyến khích bé ăn rau bằng những câu chuyện kể hấp dẫn: “ăn càrốt sẽ sáng mắt và nhanh nhẹn như thỏ”, “ăn rau ngót da sẽ đẹp như hoa hậu”. Cho bé ăn cùng với gia đình với những món rau, trái cây trình bày hấp dẫn. Cho bé ăn riêng và khi bé lớn không trộn lẫn các loại thực phẩm vào một tô.

Không nên: xay nhuyễn thức ăn bằng máy xay sinh tố. Chỉ hầm lấy nước cho bé ăn. Không đủ bốn nhóm, món ăn không thay đổi, thiếu đa dạng. Ăn sinh tố trái cây. Ép bé ăn các loại rau theo suy nghĩ của người lớn, như bé thích ăn rau mồng tơi nhưng mẹ bắt bé ăn rau dền, vì nghĩ rau dền đỏ bổ máu hơn. Doạ nạt và có hình phạt nếu bé không chịu ăn rau.

Theo BS- CK2 Nguyễn Thị Hoa
Trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1, TPHCM

Meo.vn (Theo Saigontiepthi)

Uống thuốc tây nhiều sẽ làm khô người phải không BS?

Em nghe nói uống thuốc tây nhiều sẽ không tốt cho cơ thể. Cho em hỏi nếu người bình thường không bị bệnh mua thuốc tây uống có tốt không?

Em nghe nói là uống thuốc tây y nhiều sẽ không tốt cho cơ thể, chất kháng sinh và các hóa chất khác trong các loại thuốc uống sẽ làm khô, rốc người, uống nhiều sau này sinh con có thể bị biến chứng.

Như vậy, cho em hỏi nếu người bình thường không bị bệnh mua thuốc tây uống có tốt không, chẳng hạn như mua các loại thuốc bổ vitamin, thuốc bổ máu, bổ canxi… để uống? - (Văn Nam - Quảng Nam)

Trả lời

Nam thân mến,

Câu hỏi em đặt ra cũng là thắc mắc của nhiều người: “Phải chăng uống thuốc tây y nhiều sẽ không tốt cho cơ thể? Chất kháng sinh và các hóa chất khác trong các loại thuốc uống sẽ làm khô, rốc người? Uống nhiều sau này sinh con có thể bị biến chứng thuốc?”

Đây là nhưng nhận định không chính xác và hoàn toàn không có cơ sở khoa học!


Khi chỉ định các thuốc điều trị cho bệnh nhân, từ thuốc điều trị đặc hiệu đến các thuốc hỗ trợ điều trị như thuốc bổ chẳng hạn, các thầy thuốc đều phải tìm hiểu rõ cách sử dụng cũng như công dụng của từng loại thuốc và bên cạnh đó là phải biết những chống chỉ định, tác dụng phụ và cả sự tương tác giữa các thuốc, nhằm chọn thuốc thích hợp điều trị, hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn, cũng như hạn chế các tai biến xảy ra trong quá trình điều trị.

Việc sử dụng các loại thuốc, dù là tây y hay đông y thì cũng cần phải có chỉ định hay có sự hướng dẫn sử dụng của các thầy thuốc.

Em thấy đó, hiện tượng kháng thuốc hiện nay gây khó khăn cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn chính là hậu quả của việc tự ý dùng thuốc không đúng cách, không đúng chỉ định của thầy thuốc.

Các thuốc bổ như: thuốc bổ máu có chứa chất sắt, thuốc bổ có chứa canxi hay các thuốc vitamine .... nếu dùng quá liều, quá nhu cầu của cơ thể cũng sẽ gây hại hay thậm chí gây ngộ độc cho cơ thể.

Như vậy, các loại thuốc, kể cả thuốc bổ đều là con dao 2 lưỡi: nếu được dùng đúng chỉ định, chúng có thể trở thành vũ khí sắc bén giúp cơ thể chiến thắng lại bệnh tật, nhưng ngược lại, nếu dùng sai chỉ định, thì cũng chính chúng cũng có thể trở thành “sát thủ” làm tổn thương cơ thể hay nặng hơn có thể kết liễu sinh mạng của chính người sử dụng chúng.

Tóm lại, em không nên tự ý mua bất cứ loại thuốc bổ nào uống, nhất là các loại thuốc bổ máu, bổ vitamine hay bổ canxi... khi chưa có ý kiến của BS, em nhé!

Chúc em luôn vui - khỏe!

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu

Meo.vn (Theo alobacsi)

Dùng thuốc bổ máu cần lưu ý gì?

Thuốc bổ máu là loại thuốc dùng cho những người bị thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm lượng hemoglobin (huyết cầu tố) trong một đơn vị thể tích máu. Biểu hiện của thiếu máu là da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, mau mệt, khó thở khi gắng sức…

Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, nhưng thường hay gặp là do thiếu các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu như: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu do thiếu acid folic, thiếu vitamin B12, thiếu protein. Bên cạnh đó là những thiếu máu cấp tính (chảy máu…) hoặc mạn tính (giun móc, trĩ, loét dạ dày – tá tràng…).

Các thuốc có chất sắt

Nếu cơ thể thiếu sắt (chất cần thiết để tổng hợp huyết sắc tố) thì có thể dùng các thuốc có chứa các muối sắt hóa trị hai (sắt II). Trong cơ thể, chính sắt quyết định màu của máu và cả tính chất chủ yếu của máu nghĩa là khả năng liên kết ôxy và khả năng cho ôxy. Khả năng đó là của phức chất hem – một hợp phần của phân tử hemoglobin.

Thiếu máu thiếu sắt có đặc điểm là thiếu máu nhược sắc, hồng cầu nhỏ. Trẻ em thiếu máu thường mệt mỏi, kém ăn, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tóc thưa dễ rụng, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức. Mặt khác, có thể gây rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động, ngôn ngữ và giảm trí thông minh, kết quả học tập kém hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi. Người lớn thiếu máu thiếu sắt hay bị hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau ngực, kém minh mẫn, dễ mệt, hay quên, năng suất lao động giảm, phụ nữ thì kinh nguyệt không đều…

Khi thiếu máu thiếu sắt cấp tính, hay kéo dài thì nhất thiết phải bổ sung bằng thuốc có chứa sắt. Có thể dùng các loại viên thuốc có chứa sắt đơn thuần như: viên sắt gluconat, sắt succinat, sắt oxalat… Muốn dùng viên sắt có hiệu quả thì không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng vì đã chuyển sang dạng sắt khó hòa tan.

Tác dụng phụ của viên sắt là buồn nôn, táo bón, nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe. Để tránh táo bón, một số viên sắt người ta có cho thêm đại hoàng vào để nhuận tràng, nhưng nếu dùng nhiều đại hoàng sẽ bị tiêu chảy, ngừng dùng sẽ hết. Hoặc dùng thuốc có sắt phối hợp với một số chất khác bào chế dưới dạng dung dịch hoặc sirô cho dễ uống như: tót héma, ferrolip, sắt peptonat hòa tan…

Khi dùng thuốc có sắt nên uống thêm vitamin C để sắt dễ được hấp thu. Mặt khác, không nên uống nhiều nước trà và quả xanh có nhiều tanin vì sẽ ức chế hấp thu sắt. Nên ăn nhiều rau tươi, quả chín có nhiều vitamin C. Sau khi dùng thuốc phục hồi đủ sắt thì ngừng thuốc, mà chỉ duy trì bằng chế độ ăn giàu chất sắt, protein và vitamin.

Acid folic

Acid folic (còn gọi vitamin B9, vitamin Bc…) là một vitamin tan trong nước, biến đổi trong cơ thể dưới dạng hoạt động tetrahydrofolat (FH4) phân bố ở hầu hết các tổ chức, đặc biệt ở gan. Lượng acid folic dự trữ trong toàn bộ cơ thể rất ít, thay đổi từ 6 – 20mg. Thiếu acid folic làm chậm sự phân chia tế bào máu, gây thiếu máu. Đặc điểm thiếu máu do thiếu acid folic là thiếu máu hồng cầu to, hồng cầu không đều. Vì vậy, thuốc được sử dụng để phòng và điều trị các trường hợp thiếu máu hồng cầu to.

Acid folic được bào chế dưới dạng viên nén và ống tiêm, với các tên biệt dược: folacin, foldine, folvite, millafol… có bán rộng rãi trên thị trường. Người lớn dùng 0,5-1mg/ngày, nếu thiếu máu nặng thì 5mg/ngày, uống đến khi hết thiếu máu. Dùng đường uống là đủ, chỉ dùng đường tiêm khi có hội chứng kém hấp thu nặng, hay khi dùng thuốc làm ức chế hấp thu acid folic. Mặt khác, thiếu máu do thiếu acid folic thường hay phối hợp với thiếu sắt. Khi điều trị acid folic đơn thuần mà kết quả hạn chế, cần xem xét điều trị phối hợp sắt.

Vitamin B12

Vitamin B12 còn gọi cyanocobalamin với hơn 100 tên biệt dược, dạng thuốc ống tiêm 100 – 500 và 1.000mcg. Bình thường trong cơ thể, vitamin B12 phân bố ở tất cả các tổ chức, nhưng chủ yếu ở gan, thận. Nó rất cần thiết cho một số phản ứng enzym tham gia vận chuyển gốc methyl để tổng hợp một số acid amin và mạch DNA. Thiếu vitamin B12 làm phân chia tế bào chậm ở tổ chức tạo máu gây thiếu máu. Khi thiếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu to, viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động khu trú ở chân. Nhu cầu bình thường vitamin B12 hàng ngày từ 1 – 3mcg.

Với trẻ em bị thiếu vitamin B12, có thể cho trẻ tiêm bắp vitamin B12 từ 500 – 1.000mcg/ngày, kéo dài 6 – 8 tuần, sau đó duy trì mỗi tháng tiêm 1 lần.

Ngoài ra, còn nhiều chất khác có thể dùng trong điều trị thiếu máu như erythropoietin, recormon, vitamin B6, đồng, kẽm coban… Nhưng 3 chất đã đề cập ở trên là quan trọng, thường dùng trong điều trị thiếu máu do thiếu các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu (thiếu máu dinh dưỡng). Dùng riêng lẻ hay phối hợp với nhau là tùy tình trạng bệnh lý.

BS. Vũ Hướng Văn
(suckhoe-doisong)

Thiếu máu do thiếu sắt

Em 23 tuổi. Em thường cảm thấy choáng váng khi thay đổi tư thế, khó tập trung, nhức đầu nhẹ đặc biệt khi đến ngày kinh (trước và sau từ 3-4 ngày). Em có uống thuốc sắt Ferrovit (mỗi ngày 1 viên trước khi ăn) thì khoảng 1 tuần sau thấy đỡ nhưng khi quên uống thì bị lại. Mong bác sĩ tư vấn dùm, em uống thuốc sắt như vậy có đúng không và có thể uống liên tục trong thời gian dài hay không? Xin cám ơn. (thaominh)

Trả lời:

Có thể bổ sung sắt qua thực phẩm - Ảnh: Internet

Triệu chứng như em mô tả có thể là em bị thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân là em bị mất máu sinh lý hàng tháng nhưng chế độ ăn có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu chất sắt để tạo máu. Khi uống Ferrovit, em cảm thấy đỡ là vì Ferrovit cung cấp chất sắt để tạo máu. Liều dùng thuốc bổ máu dự phòng thiếu máu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là mỗi tuần uống một viên và uống liên tục 16 tuần hàng năm. Đây là liều dự phòng, không phải liều điều trị thiếu máu. Lượng sắt uống dự phòng này sẽ được dự trữ ở gan và sử dụng từ từ để tạo máu bù đắp cho lượng máu mất sinh lý hàng tháng.

Trường hợp của em uống Ferrovit 1 tuần thì chưa đủ nên khi ngưng em bị choáng váng, khó tập trung. Em có thể uống Ferrovit mỗi ngày 1 viên liên tục trong 2 tuần hoặc 1 tháng. Trường hợp bị thiếu máu thì có khi phải uống kéo dài đến 3 tháng. Nếu sau khi uống thuốc 1 tháng mà các triệu chứng trên vẫn lặp lại thì em nên đi bác sĩ để được khám, chẩn đoán, theo dõi và điều trị thích hợp.

Bên cạnh việc uống thuốc sắt phòng ngừa thiếu máu, em cũng cần thường xuyên ăn chế độ ăn giàu chất sắt. Chất sắt có nhiều trong gan, thịt (đặc biệt là thịt bò, heo), cá (nhất là cá ngừ, cá thu) hoặc trứng. Rau xanh và các loại đậu cũng chứa nhiều sắt nhưng sẽ khó hấp thu hơn chất sắt từ thịt cá.

Em cũng cần nhớ phải giữ vệ sinh ăn uống và uống thuốc tẩy giun mỗi 6 tháng vì các loại giun sán, đặc biệt là giun móc, sẽ gây mất máu rỉ rả qua đường ruột dẫn đến thiếu máu mãn tính.

TS – BS Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng Phòng Dinh dưỡng cộng đồng, TT Dinh dưỡng TP.HCM

(PNO)

Không nên ngại khám phụ khoa

* Em 24 tuổi, cao 1,52m, nặng 48kg, lập gia đình được sáu tháng, lần đầu tiên quan hệ với ông xã em bị rách cùng đồ và vào Bệnh viện Từ Dũ thực hiện tiểu phẫu may lại. Sau đó BS cho em thuốc kháng sinh Cefixime 200mg 2 viên/ngày trong năm ngày và thuốc bổ máu Adofex uống 1 viên/ngày trong 20 ngày.

Sau một tháng vợ chồng em quan hệ lại và từ lúc này mỗi lần quan hệ đều chảy máu. Vợ chồng em cứ nghĩ do vết thương chưa lành nhưng thời gian sau vẫn bị như thế, đã bốn tháng rồi em cũng chưa có kinh nghiệm về bệnh phụ khoa nên đã không đi khám.

Đến nay vẫn bị ra máu sau khi gần chồng, em đã gọi điện nhờ BS tư vấn, BS bảo em có thể bị viêm cổ tử cung nên đi khám. Em định đầu tuần sẽ khám nhưng sáng nay lại thấy bất an vì vợ chồng em quan hệ đã ba ngày rồi mà vẫn còn thấy máu (trước ðó chỉ có sau khi quan hệ), và còn có dấu hiệu bất thường nữa là trong huyết trắng pha lẫn máu có những hạt nhỏ màu trắng. Em rất lo lắng, xin BS tư vấn giúp em bị bệnh gì và có ảnh hưởng ðến việc có con sau này không?

(Nhu Quynh)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Khám phụ khoa là một phần khám bệnh quan trọng đối với phụ nữ, nhất là một khi có gia đình. Qua việc thăm khám phụ khoa, người phụ nữ sẽ được khám kiểm tra cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trên (tử cung, tai vòi và buồng trứng).

Theo khuyến cáo của chương trình chăm sóc sức khỏe thì nên đi khám kiểm tra định kỳ mỗi sáu tháng đến một năm. Trong chương trình khám định kỳ này, BS sẽ khám để phát hiện tình trạng viên nhiễm, các khối u của tử cung, buồng trứng và làm các xét nghiệm trong đó có phết tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung.

Từ việc khám phụ khoa, BS có thể phát hiện các dị dạng đường sinh dục có thể ảnh hưởng tới khả năng có thai (như tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn), các rối loạn của chức năng của buồng trứng…

Trong trường hợp của em đang có một vần đề đó là ra huyết âm đạo bất thường. Khám phụ khoa kết hợp với các xét nghiệm mới có thể xác định vị trí ra huyết (từ âm đạo, cổ tử cung hay tử cung…), nguyên nhân ra huyết. Từ nguyên nhân mới có thể biết được có thể ảnh hưởng tới khả năng có thai hay không.

Rách cùng đồ khi giao hợp là một chấn thương của âm đạo. Em đã được khâu vết thương, dùng kháng sinh và cho thuốc sắt. Tôi nghĩ nhiều khả năng vết thương sau một tháng đã lành. Và nguyên nhân chảy máu có thể từ vị trí khác của đường sinh dục.

Tóm lại, em hãy đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt.

Theo Tuổi Trẻ