Lưu trữ cho từ khóa: biến chứng thần kinh

Bảo vệ mạch máu giúp giảm biến chứng tiểu đường

Ths.BS Nguyễn Huy Cường, nguyên Phó trưởng khoa ĐTĐ BV Nội tiết TƯ cho biết, biến chứng đái tháo đường (ĐTĐ) phần lớn xuất phát từ những tổn thương tại hệ thống mạch máu (mạch máu lớn và mạch máu nhỏ) trên toàn cơ thể.

Tắc nghẽn dòng máu lưu thông tại hệ thống vi mạch
Biến chứng mạch máu nhỏ (vi mạch) sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan được nuôi dưỡng bởi hệ thống vi mạch (mắt, thận, thần kinh…) do màng đáy tế bào dày lên gây tắc nghẽn dòng máu lưu thông. Tại mắt, sự tắc nghẽn này gây thiếu máu võng mạc, phù nề, xuất huyết, bong võng mạc, đây là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa ở người bệnh ĐTĐ. Ở thận sẽ là tổn thương các cuộn vi mạch cầu thận, tiểu cầu thận làm ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận làm thoát Protein (tiểu ra đạm), hậu quả cuối cùng là suy thận.

Biến chứng vi mạch còn ảnh hưởng đến các mạch máu nuôi dưỡng hệ thần kinh khiến khả năng truyền tín hiệu suy giảm và rối loạn. 50% người bệnh ĐTĐ typ2 đã xuất hiện biến chứng thần kinh ngay tại thời điểm phát hiện ĐTĐ. Dấu hiệu của biến chứng thần kinh thường gặp như: tê bì, châm chích, bỏng rát, mất cảm giác nóng, lạnh... Nhiều người bệnh còn phải đối mặt với những  sang chấn tâm lý do suy giảm tình dục ở cả 2 giới (rối loạn cương ở nam giới, khô âm đạo ở nữ giới)

Xơ vữa nhanh hơn ở mạch máu lớn.

Đối với mạch máu lớn, ĐTĐ làm cho quá trình xơ vữa mạch diễn ra nhanh hơn. Mảng xơ vữa gây chít hẹp hoặc bít tắc lòng mạch làm cản trở quá trình lưu thông máu. Biến chứng tại mạch máu lớn còn là yếu tố thuận lợi để làm nặng thêm bệnh lý tăng huyết áp, bệnh huyết khối, rối loạn mỡ máu ở người bệnh ĐTĐ. Đồng thời là nguyên nhân chính gây tai biến mạch não; nhồi máu cơ tim, viêm tắc động mạch chi dưới… Viêm tắc động mạch chi dưới thường phối hợp với tổn thương thần kinh và nhiễm trùng gây ra bệnh lý bàn chân. Nếu không được chăm sóc tốt, người bệnh có thể phải cắt cụt chi..

Tăng cường khả năng chống oxy hóa của tế bào để hạn chế tổn thương

Mục tiêu làm giảm biến chứng là kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát tốt các bệnh cơ hội nếu có (cao huyết áp, rối loạn lipid máu), kết hợp với việc cải tạo chức năng sinh học của mạch máu để ngăn chặn “sự gỉ sét” thông qua việc tăng cường khả năng chống oxy hóa của tế bào.

Ở Việt Nam,  Hộ Tạng Đường được phối hợp giữa ALA (ALA được biết đến như chất chống ôxy hóa "lý tưởng", đồng thời ALA còn làm giảm đề kháng Insulin) với một số thảo dược (Nhàu, Hoài Sơn, Câu Kỷ, Mạch Môn). Đây là sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền nhằm thiết lập lại sự cân bằng đường huyết cũng như tạo ra một mạng lưới chống oxy hóa toàn diện trong cơ thể giúp nâng cao hiệu quả trong điều trị và phòng ngừa sớm biến chứng do ĐTĐ.
Độc giả quan tâm gọi đến số 04.3775.9865 – 04.3775.9866 để được tư vấn.

Yến Ngọc

Giadinh.net

Bệnh tay chân miệng tiếp tục cướp đi sinh mạng trẻ em

Sốt, chân tay nổi bóng nước, bé trai 2 tuổi ở quận 4 đã tử vong hôm 8/5. Đây là trường hợp thứ 7 tại TP HCM chết vì bệnh tay chân miệng, kể từ đầu năm.

Bệnh nhi bị biến chứng tay chân miệng điều trị tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bệnh đã trở nặng với những biến chứng thần kinh. Diễn tiến sức khỏe bé ngày càng yếu dần dù đã được cấp cứu tích cực.

Theo đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng quận 4, bé không có biểu hiện bệnh một cách rõ ràng nên người nhà không cho nhập viện sớm. Trước đó, bé không có tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Tại TP HCM, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh tăng đột biến từ tháng 4 và đang tiếp tục dâng cao. Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, trong hai loại virus gây bệnh thì loại có độc tính cao đang lấn át khiến trẻ mắc bệnh thường bị biến chứng thần kinh.

Chiều 9/5, tại khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, có gần 100 trẻ sống tại TP HCM và các tỉnh lân cận đang điều trị vì tay chân miệng. Hơn 20 trẻ nguy kịch bởi biến chứng thần kinh phải cấp cứu.

Số trẻ nằm viện điều trị tay chân miệng ở khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng hơn 80 trường hợp. Trong đó gần 10% bé bị biến chứng thần kinh.

Cảnh báo tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho hay, khó khăn lớn nhất đối với bệnh tay chân miệng là chưa có văcxin phòng bệnh, đồng thời phụ huynh không thấy được mầm bệnh để đề phòng như sốt xuất huyết.

Theo ông Thọ, virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng đường tay – miệng. Cho nên biện pháp duy nhất để phòng bệnh là thường xuyên dùng dung dịch Cholamine B để rửa sạch những vật dụng mà trẻ hay cầm nắm và thường xuyên rửa tay cho trẻ. Đối với phụ huynh, trước khi cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với bé thì nên rửa tay thật sạch.

Theo Cao Lâm / VnExpress

Tê chân bởi bệnh tiểu đường

Bố tôi 54 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, gần đây thường có triệu chứng tê chân vào buổi sáng. Tôi nghe nói, bị tê chân trong bệnh tiểu đường là rất nguy hiểm, không còn cảm giác gì nên rất dễ bị tổn thương. Vậy có đúng không, xin được tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn! (vietcuonghcl@...)

- Trả lời: Hiện tượng tê bì xảy ra như vậy nhiều khả năng do việc quản lý đường huyết trong bệnh tiểu đường không tốt, dẫn đến biến chứng. Trong trường hợp này, chúng tôi nghĩ có thể bố bạn bị biến chứng thần kinh ngoại vi ở người tiểu đường. Biến chứng ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có rối loạn cảm giác ở hai chi dưới, bàn tay. Biến chứng này khiến bệnh nhân có cảm giác tê bì hoặc như kim châm, kiến bò. Bệnh nhân cũng có thể bị bong da chân bởi biến chứng gây nên rối loạn dinh dưỡng ở bàn chân. Tiến triển nặng lên, bệnh nhân sẽ bị mất cảm giác. Với bệnh nhân tiểu đường lớn tuổi, tình trạng rối loạn cảm giác sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh lý bàn chân xuất hiện: đi không vững, dễ ngã do mất cảm giác ở bàn chân, người bệnh bước đi bồng bềnh như trên đệm bông. Với tình trạng này, bệnh nhân dễ vấp, ngã. Do ngã hoặc do sơ ý trong sinh hoạt hằng ngày gây nên những vết xước ở bàn chân khiến vi khuẩn dễ có điều kiện xâm nhập và bệnh lý nhiễm trùng bàn chân xuất hiện. Bệnh lý bàn chân ở người tiểu đường nếu không điều trị kịp thời và chăm sóc tốt có thể diễn biến nặng hơn. Với trường hợp như bạn nêu, cần đưa người nhà đi khám chuyên khoa để điều trị làm chậm lại quá trình gây biến chứng nguy hiểm viêm loét bàn chân. Người bệnh tiểu đường rất cần giữ vệ sinh bàn chân, tránh trầy xước vì có thể là khởi đầu cho những viêm nhiễm rất khó lành. Đặc biệt, cần tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết tốt.

Tiến sĩ Đỗ Trung Quân (Đại học Y, Hà Nội)

‘Súng nổ nhưng không thấy đạn’

Tôi 42 tuổi, có một con trai 16 tuổi. Thời gian trước quan hệ vợ chồng tôi đều bình thường và vợ tôi phải điều hòa ba lần do dính bầu.

Tuy nhiên trong vòng năm năm trở lại đây, khi quan hệ với vợ, lúc đạt khoái cảm, tôi có cảm giác xuất tinh song khi kiểm tra lại bao cao su thì không thấy có tinh trùng hay tinh dịch gì hết. Tôi nghi ngờ mình bị chứng xuất tinh ngược dòng.

Vui lòng cho biết tôi phải đi khám ở đâu? Phòng mạch riêng của bác sĩ hay đến bệnh viện? Khả năng chữa trị ra sao? Có phải can thiệp bằng phẫu thuật?

(CMT)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Chào anh,

Theo những thông tin anh cung cấp cho thấy anh đã có con và hiện tại anh vẫn sinh hoạt tình dục bình thường. Chỉ có điều là anh ghi nhận gần đây không thấy tinh dịch sau khi xuất tinh, nói vui là 'nghe thấy súng nổ nhưng không thấy đạn'.

Tinh dịch bao gồm tinh trùng, dịch tiết từ các ống sinh tinh và mào tinh (chỉ chiếm 5% thể tích tinh dịch), dịch tiết từ tuyến tiền liệt (chiếm 30% thể tích tinh dịch), dịch tiết từ túi tinh (chiếm tới 60% thể tích tinh dịch) và dịch tiết từ các tuyến ở niệu đạo (5% thể tích tinh dịch). Bình thường, thể tích tinh dịch mỗi lần xuất tinh là 2-6ml, trong đó đa số là dịch từ túi tinh và tuyến tiền liệt. Tinh trùng và dịch từ các ống sinh tinh, mào tinh chỉ chiếm một thể tích rất nhỏ.

Trường hợp của anh có hai khả năng: một là do lượng tinh dịch của anh quá ít nên anh không thấy có tinh dịch trong bao cao su, khả năng thứ hai là anh bị xuất tinh ngược dòng đúng như anh nghi ngờ.

Số lượng tinh dịch ít đi là do túi tinh hoặc tuyến tiền liệt giảm tiết tinh dịch do teo của túi tinh, tuyến tiền liệt, hoặc do tắc ống phóng tinh hoặc chỉ đơn thuần là giảm số lượng tinh dịch do lớn tuổi.

Còn xuất tinh ngược dòng là hiện tượng tinh dịch thay vì đi xuống ra niệu đạo lại đi ngược vào bàng quang khi xuất tinh (sau đó đi tiểu sẽ thấy nước tiểu hơi đục do có tinh dịch). Bình thường khi xuất tinh, cơ vùng cổ bàng quang sẽ co thắt lại không cho tinh dịch đi ngược vào bàng quang. Xuất tinh ngược dòng là do tổn thương cơ chế co thắt ở vùng cổ bàng quang: do phẫu thuật tuyến tiền liệt, phẫu thuật vùng cổ bàng quang, do biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường hoặc do một số loại thuốc uống gây ra.

Tinh dịch ít hoặc xuất tinh ngược dòng có thể làm người đàn ông không có con được, vì vậy cần phải điều trị đối với trường hợp vô sinh. Điều trị tùy nguyên nhân. Đối với xuất tinh ngược dòng có thể dùng một số loại thuốc nhóm giao cảm hoặc kháng đối giao cảm, một số trường hợp cần sử dụng dụng cụ để lấy tinh trùng.

Đối với trường hợp người đàn ông đã có con rồi và không muốn có thêm con nữa (đây là trường hợp của anh) thì không cần thiết phải điều trị triệu chứng này, vì họ vẫn sinh hoạt tình dục và có khoái cảm bình thường. Chỉ có điều là khi 'nổ súng' thì không thấy 'đạn' bắn ra mà thôi, và khi đi tiểu sẽ thấy tinh dịch ra theo nước tiểu. Tuy nhiên họ cần đi khám bệnh để tìm nguyên nhân cần điều trị ví dụ như bệnh tiểu đường, hoặc cần phải điều chỉnh một số loại thuốc đang dùng.

Để có chẩn đoán chính xác là anh bị tinh dịch ít hay xuất tinh ngược dòng, nguyên nhân là gì, hướng xử trí cụ thể ra sao, có cần điều trị gì không, anh có thể đến các bệnh viện có phòng khám nam khoa hoặc tiết niệu như BV ĐH Y dược TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân…

Theo Tuổi Trẻ

Bệnh tay chân miệng: 50% bệnh nhi bị biến chứng thần kinh

Ngay trong thời điểm ngày 31/5, khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 đang điều trị cho 20 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. 50 - 60% trong số đó bị các biến chứng thần kinh nặng.

Trong tuần qua, BV Nhi Đồng 1 vừa cứu sống 2 trẻ bị biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng.

Đó là hai chị em ruột bé V.T.K.O, 3 tuổi và bé K.T. 1 tuổi, nhà ở quận Tân Phú - TP.HCM, đã qua khỏi cơn nguy kịch biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1.

Mẹ bé O. cho biết bé bị sốt, nôn ói nhiều lần, ăn ít, tay chân bé thỉnh thoảng bị run, ngủ không yên hay quấy khóc.

Khi đến khám sức khoẻ tại BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ chỉ phát hiện ra một sẩn hồng ban ở ngón tay út của bé K.O.

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định đây là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng và có khả năng bé K.O bị biến chứng nặng ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, nên cho bé K.O nhập viện ngay.

Sau đó, các bác sĩ khuyên người nhà đưa các cháu nhỏ sống cùng nhà đến khám tiếp. Bé K.T, em ruột của K.O khi nhập viện đã bắt đầu có những dấu hiệu giật mình, khó ngủ, sốt cao, mạch đập nhanh, run chi - những biểu hiện khi vi-rút EV 71 gây bệnh tay chân miệng đang tấn công vào hệ thần kinh trung ương.

Hiện nay, mặc dù tay trái của bé K.O còn hơi yếu nhưng cả hai bệnh nhi này đã qua khỏi giai đoạn nguy hiểm và bắt đầu hồi phục.

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1, cảnh báo thông thường đỉnh điểm của dịch bệnh tay chân miệng là vào các tháng 9-12 và từ tháng 2-4. Nhưng năm nay, có thể do thời tiết quá nóng, nên đến tháng 5 bệnh tay chân miệng vẫn không giảm. Và hơn một nửa trong số đó bị các biến chứng thần kinh.

BS. Khanh nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với bệnh tay chân miệng là các bậc phụ huynh phải theo dõi sát để có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng và mang trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, các bệnh nhân bị tay chân miệng nhập viện điều trị trên toàn thành phố là 315 ca.

Hương Cát (Theo VNN)

Tại sao sốt không đáng sợ với trẻ?

Trẻ sốt không phải là điều gì đáng sợ.
Đừng cuống lên tìm cách hạ sốt khi trẻ bị ốm, hãy thả lỏng và để cơn sốt làm nhiệm vụ của nó, một nghiên cứu mới vừa cho biết.

Đa số các ông bố bà mẹ sẽ hoảng lên nếu sờ thấy trán con ấm bất thường. Và lẽ tự nhiên là họ sẽ căng thẳng tìm mọi cách để dập cơn sốt của bé.

Nhưng theo báo cáo mới đây của Viện Nhi khoa Mỹ, hạ sốt ngay lập tức bằng ibuprofen hoặc acetaminophen không phải là cách tốt nhất.

Lý do: Cơn sốt là cơ chế sinh lý có hiệu quả trong việc chống lại sự nhiễm trùng, vì thế việc hạ sốt có thể lại cản trở quá trình lành bệnh.

Cũng theo báo cáo này, ngay cả khi trẻ bị sốt nhẹ, nhiều bậc phụ huynh đã muốn cho bé dùng thuốc, bởi họ chỉ muốn kim nhiệt kế ở mức bình thường. Thực tế là, không có bằng chứng cho thấy sốt sẽ làm bệnh tình của bé nặng lên, hoặc gây các biến chứng thần kinh dai dẳng.

“Vì thế, mục tiêu cơ bản nhất khi trẻ sốt là làm cho thể trạng bé thật thoải mái, thay vì nhăm nhăm làm mát”, báo cáo cho biết.

“Chẳng hạn, nếu em bé một tuổi của bạn bị giật giật tai, trông khó ở và thân nhiệt là 39,5 độ C, bạn sẽ muốn cho bé uống thuốc ngay để bé cảm thấy dễ chịu. Nếu thân nhiệt mới hạ xuống 38,3 độ C nhưng bé đã dễ chịu, thế là ổn. Đừng lo lắng về việc phải hạ nhiệt độ của bé xuống 37 độ C”.

“Sau cùng, sốt là bạn của chúng ta”, tiến sĩ Sullivan nói. “Thông thường, đó là phản ứng tích cực. Nó làm giảm khả năng phân chia của virus và vi khuẩn trong cơ thể, và kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều bạch cầu – vũ khí chống lại nhiễm trùng”.

Dưới đây là những lời khuyên cụ thể của tiến sĩ Sullivan khi trẻ ốm, trên rodale.com:

- Đừng chỉ tập trung vào hiện tượng sốt. Ngay cả khi trẻ không sốt hoặc quấy khóc dễ nhận thấy, thì bé có chơi đùa không? Bé vẫn đang chạy nhảy hay ngủ lịm? Bé có khó thở không? Bé có đau không? Da có ửng đỏ không? Tất cả những đặc điểm này đều là dấu hiệu bé bị ốm, cần điều trị.

- Cảnh giác với sự mất nước: Thân nhiệt tăng cao sẽ thúc đẩy sự mất nước, và bản thân chuyện này đã là một vấn đề. Hãy xem miệng bé có khô không, có đi tiểu ít hơn bình thường không. Nếu bé ói mửa, cần bổ sung nước bù điện giải. Nếu bé không ói, có thể cho bé uống loại nước nào mà bé thích, như nước trắng, nước hoa quả.

- Nếu bé bị một loại bệnh mãn tính, thì sốt lúc đó sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Chẳng hạn, với trẻ bị bệnh tim mạch, sốt có thể khiến tim làm việc khó nhọc hơn. Khi đó, cần phải xin ý kiến bác sĩ ngay.

- Để ý đến những điều nhỏ nhất. Một bé sơ sinh dưới 3 tháng tuổi khi tăng cao quá 38 độ C cần phải gặp bác sĩ ngay. Ở tuổi này, các bé quá nhỏ để uống thuốc, và thân nhiệt có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng hơn.

- Cho bé uống thuốc với liều chính xác. Một phần lớn các ông bố bà mẹ cho trẻ uống thuốc quá liều hoặc không đủ liều, thường là do họ dùng dụng cụ đo không chính xác.

- Để trẻ ngủ. Đừng đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc. Nếu bé ngủ được, nghĩa là bé thấy thoải mái. Bé sẽ cần nghỉ ngơi hơn.

ST

Trái rạ có phải là bệnh nhẹ?

Câu hỏi: Người ta thường quan niệm bệnh trái rạ là bệnh nhẹ không có gì nguy hiểm, ai cũng sẽ có lần mắc bệnh tự nhiên để có kháng thể. Điều đó có đúng không?

Trả lời:

90% những trẻ sống chung với người bệnh, học tập, sinh hoạt với trẻ mắc bệnh trái rạ có nguy cơ lây bệnh. Trẻ mắc bệnh mang nhiều siêu vi gây bệnh ở vùng mũi hầu, đường hô hấp. Những siêu vi này phát tán ra không khí xung quanh khi trẻ khóc, la, nói, ho, hắt hơi. Siêu vi cũng có thể từ đó bám lên các vật dụng, đồ chơi làm cho những trẻ chung quanh ngậm, hít phải bị lây bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ chưa chích ngừa hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch bị bệnh nặng hơn những trẻ khác. Sau khi mắc bệnh trẻ sẽ có miễn dịch lâu dài, ít mắc bệnh lần thứ 2. Tuy nhiên vẫn gặp các trường hợp tái nhiễm thể nhẹ hoặc không có biểu hiện lâm sàng.

Trung bình sau khi tiếp xúc với trẻ bệnh từ 2 đến 3 tuần, trẻ bị lây bệnh có triệu chứng sốt nhẹ, phát ban dạng sẩn ngứa ngoài da, sau đó thành bóng nước. Những bóng nước này gọi là nốt rạ. Vị trí nốt rạ thường mọc bắt đầu ở thân mình, sau đó lan rộng đến mặt, tay chân, có khuynh hướng mọc nhiều ở thân mình, nơi quấn tã lót nhiều hơn ở vùng tay chân. Nốt rạ cũng mọc ở trong miệng, mắt và niêm mạc những nơi khác. Số nốt rạ càng nhiều thì bệnh càng nặng.

Trong thời gian mọc nốt rạ trẻ bị ngứa rất khó chịu, gãi nhiều làm các nốt rạ vỡ gây nhiễm trùng hoặc bong vảy sớm để lại sẹo. Nhiễm trùng da gây sẹo do vi khuẩn bên ngoài hoặc thường trú trên da như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn sinh mủ… là biến chứng thường gặp ở trẻ bệnh trái rạ. Bệnh xảy ra do vi khuẩn xâm nhập qua nốt rạ bị vỡ hoặc da bị trầy xước do gãi ngứa. Nhiễm trùng da làm nốt rạ chứa nước hóa mủ và có thêm nhiều bóng mủ mới. Nốt mủ nếu không được đánh giá và điều trị kịp thời sẽ lan rộng gây viêm mô tế bào, áp xe dưới da, viêm hạch lân cận, thậm chí nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, bệnh còn gây những biến chứng thần kinh như viêm màng não, viêm não, viêm tủy cắt ngang gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng.

Bệnh trái rạ tưởng chừng là nhẹ nhưng để lại những biến chứng nghiêm trọng đến bệnh nhân. Để phòng tránh bệnh trái rạ, nên chủ động phòng ngừa bằng vắc-xin. Nên tiêm 2 liều cho cả trẻ em và người lớn để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ phòng bệnh, 2 liều cách nhau tối thiểu tốt nhất là 6 tuần.

BS CKI Nguyễn Viết Thịnh

(PNO)

Chứng liệt nửa mặt

Dân gian thường dùng từ 'méo mặt' để chỉ chứng bệnh này. Liệt nửa mặt thường gặp ở mọi giới và ở nhiều lứa tuổi, với nhiều biểu hiện khác nhau, nguyên nhân có thể là do u não và các sang chấn về thần kinh.

Người bệnh có thể tự phát hiện triệu chứng liệt nửa mặt qua hoạt động vệ sinh buổi sáng (khó chải răng, khó súc miệng), qua việc khó ăn sáng và soi gương thấy mất cân xứng nửa mặt (nhân trung lệch về một bên, môi miệng xếch về một bên). Bệnh nhân không nhắm kín được mắt ở bên liệt, không huýt sáo, thổi hay chúm môi được. Có thể có rối loạn vị giác (cảm giác nếm) ở hai phần ba trước của lưỡi và rối loạn thính giác (nghe kém). Những biểu hiện này thường do tổn thương nứt xương đá gặp sau sang chấn sọ (ngã đập đầu xuống đất gây rạn nứt xương đá) gây nên.

Người liệt nửa mặt có thể bị ù tai, nghe kém, tê nửa mặt và mỏi chân tay bên đối diện (đối diện với nửa mặt bị liệt).

Nguyên nhân gây liệt nửa mặt có thể do u não (u ở cầu não, góc cầu tiểu não, nền sọ) hoặc biến chứng thần kinh của u vòm họng. Sang chấn cũng gây liệt nửa mặt, điển hình là đụng dập gây rạn nứt xương đá. Một nguyên nhân thường gặp khác là viêm nhiễm: viêm màng não (nhất là do lao), viêm rễ dây thần kinh, biến chứng của viêm tai, viêm tuyến mang tai, viêm xương đá.

Liệt mặt cũng có thể do liệt dây 7 ngoại biên 'do lạnh', thường gặp với bệnh cảnh đột ngột: sau khi tiếp xúc với trời lạnh, bệnh nhân ngáp và bị liệt. Đây cũng có thể do nhiễm khuẩn tiềm tàng, biểu hiện ra khi lạnh.

Người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám và điều trị theo nguyên nhân. Đối với liệt nửa mặt chưa rõ nguyên nhân hoặc 'do lạnh', cần giữ mặt cho ấm (quấn khăn len nếu trời lạnh), dùng vitamin B1 liều cao dài ngày, thuốc kháng sinh, kháng viêm; nếu nặng thì thường xuyên nhỏ mắt bằng dung dịch chloramphenicol. Nên kết hợp với vật lý trị liệu, châm cứu và thường xuyên tập các động tác ở mặt, trán, môi miệng. Những trường hợp nhanh chóng chuyển sang liệt co cứng nửa mặt cần được phẫu thuật.

TS Nguyễn Chương, Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh đái tháo đường: Phòng rẻ hơn chữa rất nhiều

Tại nước ta, mặc dù bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) mắc khá phổ biến (chiếm tỷ lệ 5,7% dân số) và hoàn toàn có thể phòng chống được ở mức cộng đồng, song nhận thức của đa phần người dân về bệnh này còn hạn chế, thường nhập viện muộn 7-10 năm, khi bệnh đã bắt đầu xuất hiện biến chứng, dẫn đến chi phí điều trị vô cùng tốn kém.

Tuổi cao và béo phì là 2 yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường

Nhiều người không biết mình bị bệnh

Có mặt tại BV Nội tiết Trung ương sáng 5-10, có rất đông bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh liên quan đến nội tiết, trong đó người trung, cao tuổi chiếm số đông và quá nửa trong số họ mắc bệnh ĐTĐ (tiểu đường).

Bà Phạm Thị Nga, 58 tuổi, một mình lặn lội từ Vũ Thư (Thái Bình) lên Hà Nội để khám sức khỏe định kỳ. Bà Nga cho biết, năm 2003, bà đã phải nằm điều trị gần một tháng tại BV Nội tiết do bị viêm dây thần kinh dưới mắt khiến mi mắt bị sụp xuống, không nhìn được. Các bác sĩ chẩn đoán rằng đó là biến chứng thần kinh vận động do bệnh ĐTĐ gây ra. Từ đó, sau khi được điều trị đỡ, hàng năm cứ 6 tháng bà Nga lại phải lên BV Nội tiết một lần kiểm tra định kỳ các chỉ số sức khỏe, đường huyết nhằm theo dõi tình hình diễn tiến của bệnh. Mỗi lần khám sức khỏe như vậy tốn khoảng trên 700.000 đồng, chưa tính tiền mua thuốc về uống.

Ngoài những bệnh nhân trung, cao tuổi, tại BV Nội tiết những năm gần đây ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ đến khám, điều trị ĐTĐ, số này chiếm khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân ĐTĐ. Điều đáng nói hơn nữa là có đến hơn 64% số bệnh nhân ĐTĐ đến khám không hề biết mình bị bệnh và thường đến khám muộn, khi bệnh đã bắt đầu xuất hiện các biến chứng kèm theo... TS. Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, có đến hơn 40% bệnh nhân ĐTĐ đến khám đã bị biến chứng thần kinh, trên 70% bị biến chứng về thận, khoảng 10% bị biến chứng về mắt...

Chi phí cho điều trị bệnh ĐTĐ rất cao vì người bệnh buộc phải chung sống với nó, với thuốc men mỗi ngày và một chế độ tập luyện, dinh dưỡng nghiêm ngặt. Điều tra của BV Nội tiết cho thấy, trong số các bệnh nhân bị ĐTĐ hoặc biến chứng do ĐTĐ, chỉ có 26,3% số bệnh nhân đủ khả năng tự chi trả chi phí điều trị; 21,2% bệnh nhân phải bán đồ dùng trong nhà và 51,5% số bệnh nhân phải vay mượn để có tiền điều trị.

Các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được

Theo TS Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, bệnh ĐTĐ do nhiều nguyên nhân, trong đó có các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể phòng tránh được và yếu tố nguy cơ gây bệnh không thể phòng tránh được. Mặc dù bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được ở mức cộng đồng bằng cách tác động vào các yếu tố nguy cơ, song trên thực tế có đến trên 80% số người bệnh không hiểu biết về các yếu tố nguy cơ gây bệnh để phòng tránh.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ không thể phòng tránh được thường bao gồm các yếu tố về di truyền, tuổi tác và sắc tộc. Những người có mối liên quan huyết thống với người ĐTĐ như bố, mẹ, anh chị em ruột của bệnh nhân ĐTĐ thì có nguy cơ mắc ĐTĐ cao gấp 4-6 lần so với người không có tiền sử gia đình bị ĐTĐ. Khi bố hoặc mẹ bị ĐTĐ thì nguy cơ ĐTĐ ở con tăng đến 30%, còn nếu cả bố và mẹ cùng bị thì nguy cơ ở người con tăng đến 50%. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ĐTĐ càng lớn và đây được coi là nguy cơ hàng đầu mắc ĐTĐ, nhất là người trên 50 tuổi.

Các yếu tố như béo phì (rất phổ biến), tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực, uống rượu nhiều hàng ngày, nghiện thuốc lá, có tiền sử đẻ con nặng trên 4kg... là các yếu tố nguy cơ cao mắc ĐTĐ có thể phòng tránh được. TS Tiến cho biết, những người mang các yếu tố nguy cơ này cần được giáo dục, tuyên truyền để hiểu đúng về nguy cơ mắc bệnh, từ đó thay đổi thói quen, tập quán ăn uống, sinh hoạt có hại như trên và hoàn toàn có thể tránh khỏi mắc bệnh ĐTĐ. Mặt khác, những người bị bệnh nếu được phát hiện sớm, được hướng dẫn về chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc để quản lý điều trị tích cực thì sẽ có cuộc sống gần như người bình thường và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây nên.                  

Theo Nguyễn Phan (Anninhthudo)

Hạ đường máu, xử trí thế nào?

Bố tôi năm nay 62 tuổi, bị ĐTĐ týp 2 đã 10 năm. Bố tôi bị biến chứng thần kinh nên đau rát hai chân, ông phải nhập viện do đường máu tăng cao. Sau khi điều trị ổn định bệnh, bố tôi được ra viện và đang phải tiêm insulin 4 mũi/ngày, tổng số insulin là 58đv/ngày. Xin hỏi, liều insulin như thế bố tôi có nguy cơ bị hạ đường máu không? Xin cho biết thêm thông tin về đề phòng và xử trí hạ đường máu?      

Nguyễn Thị Hồ (Nghệ An)

Đúng là bố của anh có nguy cơ bị hạ đường máu do liều insulin khá cao. Đặc biệt là ông đã có biến chứng thần kinh nặng nên nếu bị hạ đường máu thì các triệu chứng sẽ không rõ, có thể dẫn đến bị hạ đường máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Để phòng tránh thì điều quan trọng nhất là bản thân ông hoặc một người trong gia đình phải học để biết tiêm insulin đúng liều và đúng kỹ thuật (tốt nhất là tự tiêm một vài lần tại bệnh viện dưới sự hướng dẫn, giám sát của thầy thuốc) và bệnh nhân phải nhớ ăn sau khi tiêm 30 phút. Điều quan trọng thứ 2 là ông phải đo đường máu 2-3 lần mỗi ngày, nhất là khi có cảm giác đói. Nếu kết quả đo đường máu không nằm trong vùng an toàn thì nên báo ngay cho bác sĩ để chỉnh liều thích hợp. Người nhà cần nên chuẩn bị sẵn đồ ăn tại nhà hoặc để trong cặp và trong túi áo của bệnh nhân để nếu bị hạ đường máu thì có đồ ăn ngay, tránh để bị hạ đường máu nặng rất nguy hiểm.

Dự án ĐTĐ quốc gia - BVNT Trung ương

(suckhoe&doisong)