Lưu trữ cho từ khóa: biến chứng nguy hiểm

Hôi miệng – Coi chừng bệnh nguy hiểm

Các bác sĩ khẳng định, ngoài nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, hôi miệng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nội tạng nguy hiểm.

Chồng lạnh nhạt vì miệng vợ hôi

Suốt mấy tháng nay, thấy chồng hững hờ chuyện chăn gối, thậm chí né tránh vợ, chị Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghi ngờ chồng có bồ nhí. Hậm hực nhưng chưa có chứng cứ để "vạch mặt", chị âm thầm chịu đựng.

Một hôm, tình cờ chị nghe chồng tâm sự với ông bạn thân rằng anh không thể gần gũi hay đối diện với vợ bởi vì thời gian gần đây hơi thở của chị có mùi hôi rất khó chịu.

Nghe thấy những tâm sự của chồng, chị Thúy bất ngờ và thấy khó tin vì hàng ngày chị vẫn vệ sinh răng miệng rất chu đáo, còn sử dụng nước súc miệng. Tự kiểm nghiệm và chị phải thừa nhận đúng là hơi thở mình có vấn đề thật.

Cẩn thận chị Thúy đến bệnh viện Răng - Hàm - Mặt tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ xác nhận răng lợi của chị vẫn bình thường và khẳng định không phải nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Chị đi khám sức khỏe tổng thể, bác sĩ kết luận chị bị viêm xoang rất nặng, cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

Ngoài chị Thúy, còn rất nhiều người bất ngờ bị hôi miệng mà nguyên nhân lại xuất phát từ viêm amidan, viêm xoang, viêm phổi, phế quản hoặc do các bệnh lý toàn thân như bệnh tiểu đường, bệnh suy thận, bệnh gan…

Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Coi chừng bệnh nguy hiểm

Hôi miệng là bệnh khá phổ biến của người Việt. Ngoài nguyên nhân do các bệnh về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém, lưỡi bẩn, bênh nha chu, khô miệng, chân răng nhiễm trùng… thì hôi miệng còn là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nếu như trước đây, ngoài các vấn đề về răng miệng, chứng hôi miệng còn được cho là do hở van tâm vị thực quản thì ngày nay, nguyên nhân hôi miệng phức tạp hơn nhiều. Triệu chứng này còn là biểu hiện khi cơ thể bị viêm nhiễm ở một số bộ phận như viêm dạ dày, viêm thực quản, hẹp môn vị, loét dạ tràng… Ngoài các bệnh dạ dày, các nguyên nhân khác như viêm amiđan, viêm mũi, viêm họng… cũng có thể gây hôi miệng.

Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng để nhận biết cơ thể bị nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng… thì cũng phải kể đến dấu hiệu hôi miệng. Vì vậy mà những bệnh nhân bị loét hoặc có khối u thì miệng có mùi hôi là điều rất dễ hiểu. Đó là biểu hiện các chất hoại tử trong cơ thể đang chuyển sang giai đoạn lên men nên gây hôi.

Điều đáng nói là đa phần người bị hôi miệng không tự phát hiện ra bệnh của mình. Hầu hết họ chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch là khỏi chứ không nghĩ đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác.

Điển hình như trường hợp của chị Thúy, dù hơi thở có mùi hôi từ nhiều ngày nhưng chị không hề hay biết. Cũng may chị là người cẩn thận nên khi phát hiện sự thật này chị đã đi khám thật kỹ để tìm hiểu rõ nguyên nhân nên điều trị kịp thời.

Bác sĩ  Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Ngoài nguyên nhân phổ biến là các bệnh về răng miệng, bệnh hôi miệng còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Nhiều người dù đã giữ gìn vệ sinh răng miệng rất tốt nhưng vẫn bị chứng hôi miệng thì càng cần phải cẩn thận vì có thể đó là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác.

Khi đột ngột bị hôi miệng nặng, tốt nhất bạn nên đi khám xác định rõ nguyên nhân, chữa trị tận gốc, tránh những tai biến đáng tiếc. Không nên tìm đến các loại nước thơm để xử lý vì đó chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, sau đó mùi hôi sẽ tăng lên.

Vì vậy, trước mắt, những gì bạn có thể làm để hạn chế mùi hôi từ miệng hiệu quả nhất là thực hiện vệ sinh răng miệng một cách đầy đủ và hiệu quả như đánh răng thường xuyên (ngày 2 lần sau bữa ăn), cạo sạch bẩn ở lưỡi, dùng dung dịch sát trùng miệng, thay đổi thói quen ăn uống (giảm bớt tỏi, hành, các chất gia vị, rượu), không nên hút thuốc lá, đi khám răng miệng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chăm sóc các răng sâu, thay răng giả bị hỏng, điều trị bệnh nha chu...

(Theo Tri thức trẻ)

 

Càng stress, càng khó có thai

Có nhiều người cả chục lần kích trứng, 4 - 5 lần thụ tinh ống nghiệm, thậm chí ra cả nước ngoài điều trị vẫn không có con.

GS.TS Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam cho biết, quá trình điều trị vô sinh thường kéo dài, tốn kém và không ít cặp vợ chồng đã tan vỡ.

Khó nhất là không tìm ra nguyên nhân

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết, theo thông kê của Bộ Y tế, số  người vô sinh ở Việt Nam ở mức 8% và 10 - 15% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Mỗi ngày Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TƯ tiếp nhận khám, tư vấn và điều trị cho khoảng trên 100 ca vô sinh.

Nguyên nhân vô sinh cũng có rất nhiều và phức tạp. Đối với người chồng thường do chất lượng và số lượng tinh trùng không tốt. Về phía người vợ có thể do dị tật bẩm sinh ở tuyến sinh dục. Có khi do hoạt động không bình thường của hệ thống nội tiết trong cơ thể, đặc biệt là các tuyến nội tiết trên não và ở buồng trứng. Có khi do các bệnh nội khoa, đặc biệt là ở các loại viêm nhiễm đường sinh dục từ ngoài vào trong có thể gây tắc vòi trứng, dính tử cung, chít hẹp cổ tử cung, thay đổi môi trường âm đạo... làm cho không thể thụ thai.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Vy, điều trị vô sinh tùy theo nguyên nhân để giải quyết bằng nội khoa hay phẫu thuật. Nếu đã thực hiện phương pháp này mà không thành công thì cần tiếp tục chuyển qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thường cho kết quả cao (30 - 35%), tuy nhiên, để sinh nở "mẹ tròn con vuông" chỉ khoảng 20 - 25%. Đặc biệt, chi phí cho mỗi lần sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm có thể rơi vào khoảng từ 40 - 100 triệu đồng, nhiều trường hợp chi phí cao hơn gấp nhiều lần tuỳ vào thể trạng bệnh nhân.

Càng sốt ruột, càng khó mang thai

Các chuyên gia cảnh báo, điều khó khăn nhất trong điều trị vô sinh là tâm lý của cả bệnh nhân và bác sĩ. Người đi chữa vô sinh thường rất sốt ruột. Việc sốt ruột, điều trị một lúc nhiều thầy, nhiều thuốc cả Đông và Tây y có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm bởi sự tương tác thuốc. Đặc biệt, yếu tố tâm lý rất quan trọng trong điều trị vô sinh.

Ở một phụ nữ bình thường nếu stress diễn ra thường xuyên cũng rất khó thụ thai, còn ở phụ nữ có "vấn đề về sinh nở" lại càng khó khăn hơn nếu họ không tự vượt qua được những áp lực từ bản thân, gia đình, xã hội... thì khó mà có kết quả được.

Meo.vn (Theo Bee)

Hiểm họa rình rập phía sau trào lưu bấm khuyên

Sành điệu và cá tính cũng có cái hại của nó đó nha!

Dù bấm lỗ ở đâu, tác hại vẫn tồn tại

Theo các chuyên gia y tế, việc dùng dụng cụ không đảm bảo tiệt trùng, đã qua sử dụng nhiều lần có thể khiến chúng mình bị nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan… Bên cạnh đó, teen còn dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như chảy máu, nhiễm khuẩn và virus (tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, vi khuẩn mủ xanh...). Chưa hết, những trường hợp như rách mô, sẹo lồi do cơ địa kém, tổn thương thần kinh, dị ứng… cũng đều rình rập tấn công chúng mình khi bấm lỗ khuyên đấy!

Ở mức nhẹ, teen có thể chỉ cần uống thuốc kháng sinh phù hợp là ổn nhưng những trường hợp bệnh chuyển biến nặng thì chúng mình phải đến các cơ sở y tế để nhờ sự can thiệp của bác sĩ. Thậm chí, việc bấm khuyên tùy tiện với các dụng cụ không tiệt trùng còn có thể làm chúng mình bị nhiễm HIV/AIDS nữa cơ.

Tổn thương dạng nặng do bấm lỗ trên cơ thể thường xảy ra với tỉ lệ thay đổi tùy vị trí: ở rốn là 40%, ở tai là 35%, mũi là 12%, 8% cho lưỡi, cằm, mi mắt và các bộ phận khác là 5% đó nha!

Xỏ lỗ tai thì làm gì có nguy hiểm?!

Không hẳn là như vậy đâu các ấy ạ! Bấm lỗ xuyên qua da dù ở vị trí nào cũng tiềm tàng nguy cơ gây hại cho sức khỏe của chúng mình. Sai sót hay biến chứng đều có thể xảy ra, kể cả khi người thực hiện kĩ thuật bấm khuyên được đào tạo chuyên môn về y khoa.


Xỏ khuyên tai nhanh, dễ chịu và mau lành hơn nhưng nhiều teen bấm không chỉ ở dái tai mà cả ở phần sụn. Các vết thương ở đây chậm lành và đau hơn do kiểu mô và sức ép trên vùng xỏ khác nhau. Chính vì thế, nó dễ dàng gây ra nhiều biến chứng tai hại cho teen như tiêu sụn hay biến dạng vành tai.

Nếu ấy muốn tàn phá miệng xinh, hãy bấm ở đó 1 lỗ khuyên

Teen có biết, hiệp hội nha sĩ Mỹ (ADA) đã cảnh báo rằng việc bấm khuyên trong miệng có thể làm tắc đường hô hấp do sưng họng, hóc nữ trang... Thậm chí, nó có thể gây xuất huyết thứ phát nặng ở vùng động mạch lưỡi vì ở đây có rất nhiều mạch máu.

Bên cạnh đó, ngoài sự đau đớn và sưng tấy do nữ trang gây ra, các nhà khoa học còn quan sát thấy hiện tượng dị ứng của teen với kim loại thường được dùng xỏ khuyên đeo là niobi, titan, platin... Do đó, khi xỏ trên lưỡi, chúng có thể làm biến đổi giọng nói, ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai và nuốt. Chưa hết, nó còn có thể làm hình thành mô sẹo, gây thương tổn cho các dây thần kinh lưỡi, gây mòn và nứt vỡ răng của chúng mình. Việc bấm lỗ trong miệng còn có thể làm tắc các tuyến nước bọt, cản trở chức năng tiêu hóa, nghẽn đường hô hấp do viêm, sưng hoặc chảy máu nặng do cọ xát nữa cơ.


Tai hại từ những lỗ bấm khuyên ở mũi, rốn...

Teen biết không, một chiếc khuyên lấp lánh ở mũi sẽ gây ảnh hưởng đến cơ chế thở của chính mình đấy! Còn rốn lại là vùng ấm nóng và hay có mồ hôi. Trong khi đó, quần áo lại khiến không khí bên trong không thể lưu thông tự do, từ đó sinh ra ẩm ướt quanh rốn. Thế nên, việc lựa chọn bấm khuyên ở đây sẽ khiến chúng mình phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng nặng, gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu trong một thời gian dài sau đó.


Và cuối cùng, các ấy đừng quên, tùy từng bộ phận khác nhau trên cơ thể mà thời gian lành vết thương có thể dao động từ vài tuần đến một năm. Đối với các vết thương chậm hồi phục, việc dùng cồn, oxy già hay betadine để rửa có thể làm tổn hại các mô mềm mới tái tạo và khiến vết bấm của teen càng lâu lành hơn nhá!

Meo.vn (Theo Kenh14)

Trẻ sổ mũi: Phòng hơn chữa

Chỉ cần một chút kích thích nóng lạnh, hoặc thay đổi sinh lý cũng có thể khiến trẻ sổ mũi, ngạt mũi... gây khó thở và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Sổ mũi kéo dài, nhất là khi có tình trạng “thò lò mũi xanh” có thể là dấu hiệu của viêm xoang, niêm mạc quanh xoang mũi bị viêm nhiễm. Đây là bệnh nguy hiểm với trẻ vì do đặc điểm thể trạng, xoang trẻ em dễ bị nhiễm trùng lan tỏa và dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như áp xe mắt, viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa.

Một vài mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bé phòng tránh ngạt mũi, sổ mũi

1.   Dùng tăm bông lau mũi

Dùng bông tăm lau sạch mũi bé 1 – 2 lần/ngày. Mẹ phải lưu ý, trước khi dùng bông tăm lau sạch mũi bé, cần phải nhúng đầu bông tăm vào một chén nước ấm rồi mới lau cho bé. Nếu mẹ không nhúng bông tăm trước khi lau cho bé, những mảnh bụi li ti trong bông tăm sẽ bám vào mũi bé, làm bé khó chịu và có thể sẽ khó thở hơn.

2. Dùng gói lá xông mũi

Mẹ có thể mua gói lá xông mũi ở hiệu thuốc bắc về cho bé. Lúc bé thức: mẹ cho gói lá xông vào một túi nhỏ, đeo trên ngực áo cho bé. Khi bé ngủ: mẹ có thể đặt 2 gói lá xông vào hai cái túi vải nhỏ, đặt ở hai bên gối của bé.

Sổ mũi, ngạt mũi là bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa. (Ảnh minh họa).

3. Dùng nước muối sinh lý

Nếu trẻ bị nghẹt nhiều, nên sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi.

Làm thông mũi 2 đến 3 lần mỗi ngày. Ngoài ra, chăm sóc trẻ nghẹt mũi cũng cần tăng cường nước uống và dinh dưỡng đầy đủ. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có ý kiến của bác sĩ.

4. Day hai bên cánh mũi

Khi bé ngủ, mẹ kê cao gối cho bé hơn ngày thường cho bé dễ thở. Mẹ dùng tay, day vào phần 2 cánh mũi (nơi giao nhau của gốc mũi và má), bé sẽ không còn ngạt mũi.

Lưu ý

-  Mẹ không nên dùng miệng để hút mũi trẻ, sẽ lây lan thêm mầm bệnh cho trẻ, chỉ sử dụng dụng cụ hút mũi và vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần dùng.

-  Một số loại thuốc ngạt mũi chỉ có người lớn mới dùng được, nếu sử dụng cho trẻ tuy có thể giúp bé dễ chịu ngay sau khi nhỏ hay xịt nhưng lại có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kể cả tính mạng của trẻ. Những thuốc có thể dùng cho trẻ em là:

* Natriclorid (efticol): là dung dịch nhỏ mũi chứa 0,9% natriclorid. Cơ chế tác dụng rất đơn giản là nước muối gây co niêm mạc mũi, co mạch, làm thông thoáng mũi. Vì là dung dịch có nồng độ natriclorid bằng với nồng độ sinh lý (0,9%) nên không gây rát niêm mạc. Có thể dùng cho trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Mỗi ngày có thể dùng 3- 4 lần, mỗi lần 2-3 giọt cho mỗi bên mũi .

* Ephedrin: Trên thị trường có loại thuốc nhỏ mũi 3% dùng cho người lớn và loại nhỏ mũi 1% dùng cho trẻ em. Khi dùng cần phân biệt để tránh nhầm lẫn. Tuy nhiên khi dùng cho trẻ em loại ephedrin 1% cũng chỉ dùng khi thật cần thiết và không dùng quá 8 ngày. Nếu dùng kéo dài thuốc gây độc toàn thân (làm nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ).

Meo.vn (Theo Eva)

Còn con gái cũng bị viêm âm đạo?

Hỏi: Cháu mới lấy chồng và mới quan hệ được một lần. Từ khi chưa lấy chồng và chưa có quan hệ tình dục, cháu đã thấy khí hư có màu bã đậu đóng thành cục và bám ở thành âm đạo, ngứa, có mùi khó chịu. Vậy có phải cháu đã bị bệnh viêm âm đạo từ khi còn con gái?… Cháu vừa đi khám, bác sĩ cho làm xét nghiệm. Kết quả: nấm candida +, tế bào ++, bạch cầu +. Cháu đã đặt thuốc 12 ngày và sau đó đi khám xét nghiệm lại, kết quả bạch cầu +, tế bào +, trực khuẩn ++. Xin hỏi so kết quả lần 2 thì bệnh của cháu có tiến triển tốt hơn không? Bây giờ cháu phải làm thế nào và cháu có sinh được con không?


Viêm âm đạo có thể xảy ra với mọi đối tượng, có thể để lại biến chứng nguy hiểm cho chức năng sinh sản

Trả lời:

Viêm âm đạo là bệnh thường gặp ở mọi độ tuổi và do nhiều nguyên nhân: do vi khuẩn (trực khuẩn, cầu khuẩn…); nấm; trùng roi, hay gặp là nấm Candida. Bình thường trong âm đạo vẫn có các vi khuẩn hoạt động gọi là vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, khi nó phát triển quá mức sẽ gây bệnh. Theo thư bạn mô tả và kết quả xét nghiệm, bạn vừa nhiễm nấm vừa nhiễm trực khuẩn. Khi bị nhiễm nấm nếu không điều trị triệt để sẽ dễ tái phát. Đặc điểm của nhiễm nấm Candida là khí hư ra nhiều, đóng vón thành cục ở thành âm đạo và gây ngứa. Về điều trị, cần thụt rửa âm đạo và đặt thuốc chống nấm vào âm đạo ngày 1 lần, trong 7 – 14 ngày. Chú ý, khi đặt thuốc không quan hệ tình dục đồng thời điều trị cho cả chồng bằng thuốc uống chống nấm. Trường hợp của bạn sau đặt thuốc chống nấm, xét nghiệm chỉ còn trực khuẩn, bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ cho bệnh khỏi hoàn toàn vì nếu viêm nhiễm phụ khoa không điều trị có thể gây viêm tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh sau này. Nên nhớ, viêm âm đạo không chỉ gặp ở phụ nữ  có chồng mà còn gặp cả ở các em gái do không biết cách vệ sinh kinh nguyệt, do tắm rửa ở nguồn nước không sạch… Lời khuyên là hằng ngày cần vệ sinh bộ phận sinh dục ít nhất một lần bằng nước sạch, khi có kinh cần thay băng vệ sinh 3 – 4 lần/ngày, vệ sinh trước và sau khi sinh hoạt tình dục (cả hai người). Hiện tại, bệnh của bạn không có gì trầm trọng. Chúc bạn yên tâm điều trị.

Meo.vn (Theo Meyeucon)

Thường xuyên ăn quá no làm xơ cứng động mạch não phải không?

Sau khi động mạch bị xơ cứng, não sẽ thiếu oxy và dinh dưỡng, từ đó gây giảm trí nhớ, thậm chí làm giảm trí thông minh phải không ạ?

Thưa bác sĩ,

Em đọc bài “Vì sao không nên ăn no?” có đoạn:

“Ăn quá no trong một thời gian dài khiến não bộ sản sinh ra một loại tế bào đặc biệt, là nguyên nhân chủ yếu gây ra xơ cứng động mạch não. Sau khi động mạch bị xơ cứng, não bộ sẽ thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết để đáp lại các phản ứng, xử lý thông tin, từ đó gây giảm trí nhớ, thậm chí làm giảm trí thông minh, dễ mắc chứng Alzheimer khi về già”.

Bác sĩ cho em hỏi nếu đã ăn quá no trong thời gian dài và nhận thấy bệnh lý như thế thì việc người bệnh ăn uống điều độ và tập thể dục đều dặn mỗi ngày có thể cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ và cải thiện trí thông minh không ạ?
(Mỹ Tiên - Q.7, TPHCM)

http://congso.net.vn/uploads/news/2011/08/14/97762075.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời:

Rất hân hạnh được chào đón Mỹ Tiên!

Mỹ Tiên thường hay có những câu hỏi rất sát với thực tế: Trẻ nhỏ nên dùng xà phòng loại nào để rửa tay phòng bệnh tay chân miệng? Tại sao phải cho trẻ ăn trứng trước khi tiêm ngừa cúm? Làm sao để biết trẻ bị thiếu hay thừa canxi?...

Về vấn đề hôm nay em hỏi, AloBacsi giải đáp như sau:

“Theo các công trình nghiên cứu, ăn quá no trong một thời gian dài khiến não bộ sản sinh ra một loại tế bào đặc biệt, là nguyên nhân chủ yếu gây ra xơ cứng động mạch não” (theo Xinhuanet, báo Dân trí biên dịch).

Đây chỉ là một trong những nguyên nhân gây xơ cứng động mạch thôi em ạ, nguyên nhân chính là do là cholesterol trong máu tăng cao, có liên quan đến chế độ ăn uống như: ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn nhiều thức ăn có chứa cholesterol như phủ tạng động vật, thịt có màu đỏ, tôm, trứng, mỡ động vật… hoặc những người béo phì do thừa năng lượng.

Xơ cứng động mạch hay xơ vữa động mạch là hiện tượng thành của động mạch bị xơ cứng làm cho lòng động mạch hẹp lại gây thiếu máu cục bộ cho các cơ quan, có trường hợp lòng động mạch bị xơ vữa bong ra gây tắc mạch cục bộ.

Xơ vữa động mạch có thể gặp tất cả các cơ quan trong cơ thể nhưng nguy hiểm nhất là động mạch vành ở tim, não, động mạch cảnh, động mạch chủ bụng…

Bệnh xơ vữa động mạch thường biểu hiện âm thầm nhưng rất nguy hiểm, ngoài tác hại trên xơ vữa động mạch còn có biến chứng nguy hiểm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cao huyết áp…

Do vậy, ăn uống điều độ và tập thể dục đều dặn mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe của mọi người và cho nhiều bệnh lý chứ không riêng gì để cải thiện trí nhớ em ạ. Tuy nhiên, để giúp cải thiện trí nhớ, chúng ta nên sắp xếp lại công việc cho khoa học, cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh stress…

Đồng thời cần luyện tập thể lực, rèn luyện trí não, ngủ đủ giấc (mỗi đêm 7 – 8 giờ) và khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm một lần để kịp thời phát hiện các bệnh lý và kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…

Rất mong sắp tới sẽ nhận thêm nhiều câu hỏi thú vị từ Mỹ Tiên!

Meo.vn (Theo alobacsi)

Cấp cứu vết thương mạch máu

Vết thương mạch máu thường do tai nạn giao thông hay sinh hoạt: gãy xương chọc đứt mạch máu, chấn thương rách mạch máu; do bị đánh như: dao chém, lê hay kiếm đâm, do bom, mìn, đạn sát thương… Vết thương mạch máu lớn, nếu không cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị tử vong.

Dấu hiệu phát hiện vết thương mạch máu lớn

Vết thương mạch máu lớn thường gây thiếu máu cấp tính. Do mất máu nhanh và nhiều dễ dẫn tới sốc do mất máu. Biểu hiện của sốc mất máu là: nạn nhân hốt hoảng, vật vã, lo âu, vã mồ hôi, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt và kẹt.

Với vết thương hở có máu chảy ra ngoài, máu có thể chảy vọt thành tia hoặc chảy rỉ đều dễ nhận biết. Nếu vết thương đã được garô hoặc băng, khi tháo ra, thấy máu chảy dữ dội cũng dễ chẩn đoán, nếu không thấy chảy máu thì phải cảnh giác, kiểm tra mạch đập để xác định có tổn thương mạch máu hay không.

Vết thương không chảy máu ra ngoài có thể gặp hai trường hợp: một là vết thương mạch máu đã ngừng chảy máu; hai là tụ máu dưới da.


Vết thương đứt mạch máu bàn tay trái

Vết thương mạch máu nhờ sơ cứu đã cầm được máu: nhìn chỉ như vết thương phần mềm, rất dễ bị bỏ qua. Vì vậy, bạn cần tìm dấu hiệu thiếu máu ngoại biên như: chi bị thương lạnh, nhợt, không có mạch hoặc mạch đập yếu hơn bên lành, vận động giảm hoặc mất. Đôi khi vết thương mạch máu có thể tự cầm do: đầu mạch máu bị đứt co rút vào trong các tổ chức phần mềm, lớp nội mạc lộn vào trong lòng mạch, tạo điều kiện hình thành cục máu đông bịt đầu mạch máu lại. Hoặc do yếu tố thần kinh phản xạ, các mạch máu ngoại biên co thắt lại, mạch máu trung tâm giãn nở ra làm cho huyết áp giảm xuống, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành và máu ngừng chảy. Có khi do chảy máu quá nhiều làm cho huyết áp tụt cũng làm cho máu ngừng chảy, nhưng nếu không cầm máu ngay thì khi hồi sức, huyết áp lên máu lại tiếp tục chảy. Có trường hợp do khối máu tụ chèn ép các mạch máu làm cho máu ngừng chảy. 

Tụ máu dưới da có hai hình thái: khối máu tụ lan rộng, đập theo nhịp tim, để lâu bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu. Khối máu tụ khu trú: trường hợp điển hình nếu bị thương ở cẳng chân là bắp chân căng vì khối máu được các cân bao bọc chi hạn chế nên không to lên được nhưng rất căng, làm ngăn cản máu động mạch đến và máu tĩnh mạch về nên chi vùng ngoại vi lạnh, tím, không có mạch, rất đau, gọi là “garô bên trong”. Trường hợp này nếu không xử lý kịp thời sẽ gây hoại thư. Khối máu tụ thường có biến chứng: bị nhiễm khuẩn, nung mủ gây ra triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau rất dễ nhầm với một áp-xe nóng; bọc máu tụ bị vỡ ra ngoài gây chảy máu dữ dội, đe doạ tính mạng của nạn nhân.

Vết thương mạch máu có thể gây biến chứng nguy hiểm như: tử vong do thiếu máu cấp tính, nhiễm độc, hoại thư, co rút cơ, di chứng phồng động mạch và thông động - tĩnh mạch.

Sơ cứu như thế nào?

Khi gặp nạn nhân bị vết thương mạch máu, bạn cần nhanh chóng sơ cứu để cứu sống nạn nhân bằng cách: đặt garô, băng ép, ép mạch máu. Cách làm các thủ thuật đó như sau: 

- Đặt garô là phương pháp cầm máu tốt nhưng đòi hỏi thực hiện đúng các quy tắc sau: Đặt chỗ dễ  nhìn thấy nhất, gần vết thương nhất, ưu tiên chuyển nạn nhân đến bệnh viện trước kèm theo phiếu ghi giờ đặt garô. Trong quá trình đặt garô, cứ một giờ nới lỏng garô trong vài phút cho máu chảy xuống nuôi dưỡng phần dưới chỗ bị thương, sau đó lại tiếp tục siết garô khi máu bắt đầu chảy trở lại. Khi tháo garô để điều trị thực thụ phải chuẩn bị sẵn phương tiện để cầm máu và hồi sức. Chỉ đặt garô trong các trường hợp sau đây: chi bị dập nát không còn khả năng bảo tồn; đặt garô ở nơi xảy ra tai nạn, nhưng gần một bệnh viện, thời gian vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dưới một giờ; đặt tạm thời trong một thời gian ngắn để chuẩn bị mổ.

- Băng ép cầm máu: Dùng một cuộn băng hay một chiếc khăn gấp nhỏ lại thành một cục đặt lên vết thương và băng ép lên trên để cầm máu, dùng băng cuộn băng chặt quanh chi cho đến khi không thấy máu thấm băng. Băng ép cầm máu tốt nhất là dùng loại băng chun. Phương pháp này đơn giản dễ thực hiện, có tác dụng cầm máu tốt lại không gây hậu quả xấu đối với vùng bị tổn thương.

- Dùng ngón tay ép lên mạch máu: Bạn dùng ngón tay ép lên đường đi của mạch máu phía trên (gần tim hơn vết thương) vào nền xương. Vị trí thường được dùng để ấn mạch: ở chi trên là sau xương đòn, nếu chảy máu của động mạch dưới đòn ở vùng vai, cánh tay. Tại hõm nạch, nếu chảy máu của động mạch nách và động mạch cánh tay, ở vùng cánh tay. Tại bờ trong cơ nhị đầu, ở nếp gấp khuỷu, nếu chảy máu của động mạch quay và động mạch trụ, ở vùng cẳng tay. Chi dưới: điểm giữa nếp bẹn, nếu chảy máu của động mạch đùi do vết thương ở dưới đùi. Tại hõm khoeo, nếu chảy máu của động mạch vùng cẳng chân… Ngoài ra, bạn có thể gấp khuỷu tay hay đầu gối tối đa và ép vào thân để cầm máu, biện pháp này áp dụng khi chưa có điều kiện băng ép hoặc đặt garô.  Dùng kẹp cầm máu kẹp các mạch máu. Sơ bộ chống choáng: bằng cách ủ ấm cho nạn nhân, cho nạn nhân uống thuốc trợ tim, giảm đau.  

Điều trị ở bệnh viện gồm: Hồi sức tích cực, trường hợp mất máu nhanh và nhiều phải vừa truyền máu vừa mổ để cầm máu. Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và tiêm phòng uốn ván. Tại chỗ: mở rộng vết thương để tìm đầu mạch máu bị đứt thắt lại, cắt lọc sạch những tổ chức dập nát ở phần mềm, lấy dị vật, máu tụ, loại bỏ các ngóc ngách của vết thương. Áp dụng một trong những cách cầm máu vĩnh viễn như: thắt các đầu mạch máu bị đứt ở ngay vết thương; thắt mạch máu ở xa vết thương; ghép mạch máu; cắt cụt chi.

ThS. Trần Quốc An

Meo.vn (Theo SKĐS)

Thủ dâm khi bị bệnh quai bị có ảnh hưởng đến “con giống”?

Chào bác sĩ,

Cách đây 5 tháng tôi bị bệnh quai bị. Tôi không thấy tinh hoàn sưng đau nhưng có thủ dâm trong thời gian này. Tôi lo sẽ ảnh hưởng đến việc sinh con sau này. Mong BS tư vấn giúp. ([email protected])

http://socola.vn/photos/Image/2009/Adam/Thang3/04/QuaiBi.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn,

Quai bị là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Paramyxovirus gây nên, làm viêm tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn (nam), viêm buồng trứng (nữ), viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác…

Riêng viêm tinh hoàn có thể dẫn đến vô sinh nhưng ít gặp. Biểu hiện: tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thừng. Bệnh nhân bị viêm đau, sốt kéo dài 3-7 ngày, tinh hoàn bị teo dần và có thể dẫn đến vô sinh nếu bị cả 2 tinh hoàn.

Bạn không thấy tinh hoàn sưng đau thì yên tâm là không bị biến chứng viêm tinh hoàn rồi.

Còn vấn đề thủ dâm trong thời gian bệnh có thể làm cho bạn bị mất sức, còn hiện nay bệnh đã ổn thì không ảnh hưởng sinh sản sau này.

Thân ái!

Meo.vn (Theo alobacsi)

Thủng màng nhĩ do viêm tai giữa

Trẻ nhỏ có tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa cao nhất và càng lớn tuổi thì bệnh càng ít gặp do tai giữa được bảo vệ tốt hơn. Đối với các trường hợp viêm tai giữa không được điều trị đúng và kịp thời thì biến chứng thủng màng nhĩ rất dễ gặp.

Viêm tai giữa (VTG) cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc hòm nhĩ, vòi nhĩ và niêm mạc lót trong tế bào hơi của xương chũm.

Vì vị trí giải phẫu của tai, xương chũm rất gần não, tĩnh mạch bên nên dễ gây nên biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Hipocrat đã từng nói rằng “Đau tai cấp tính kèm theo sốt cao liên tục vô cùng nguy hiểm vì có thể dẫn đến hôn mê mà chết”. Từ khi kháng sinh ra đời và được đưa vào chữa bệnh rộng rãi thì VTG và xương chũm cấp đã được điều trị hiệu quả nếu được điều trị kịp thời. Chỉ có bệnh nhân phát hiện muộn, đã có biến chứng hoặc đe doạ biến chứng mới cần phẫu thuật.

Đối tượng nào dễ bị viêm tai giữa?

VTG cấp thường gặp ở trẻ em từ 1-2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch sau một số bệnh như sởi… thường dễ bị mắc bệnh VTG cấp. Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi tỷ lệ mắc bệnh là 80%. 30% có thể tự khỏi. Khoảng 40% bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần. Tuổi càng lớn VTG cấp càng giảm vì tuổi càng lớn tỉ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính càng giảm, chức năng vòi nhĩ càng tốt nên bảo vệ tai giữa tốt hơn, tổ chức VA dần teo đi ít gây tắc vòi nhĩ.

Thủng màng nhĩ do viêm tai giữa, Tai - Mũi - Họng, Sức khỏe đời sống, suc khoe, thung mang nhi, viem tai giua, tre em, viem cap, nhiem khuan

Viêm tai giữa dễ gây thủng màng nhĩ.

Thủ phạm gây viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa do viêm nhiễm tại chỗ chủ yếu do viêm VA, amidal, mũi họng cấp, xoang; tắc vòi nhĩ: do u sùi họng, thay đổi áp lực đột ngột khi đi máy bay, lặn sâu… tình trạng dị ứng gây phù nề tắc vòi; dị tật hở hàm ếch: các nghiên cứu của nhiều tác giả cho rằng có >50% bệnh nhân hở hàm ếch bị VTG cấp; do vi khuẩn thường gặp: tụ cầu (Streptococus pneumoniae) 30%, virut cúm (Hemophilus influenzae) 23%…, Moraxella catarralis 14%.

Vỡ mủ là dấu hiệu nhận biết thủng màng nhĩ do viêm tai giữa

Viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ là dấu hiệu màng nhĩ đã thủng. Triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm hẳn, đỡ sốt, trẻ đỡ quấy khóc, hết tiêu chảy. Thăm khám thấy ống tai ngoài có mủ, màng nhĩ có lỗ thủng ở giữa hoặc trước dưới, mủ lúc đầu loãng, nhầy, sau đặc dần thành mủ nhầy keo hoặc mủ trắng đặc. Nếu được điều trị kháng sinh, chống viêm, làm thuốc tai tốt, bệnh sẽ khỏi, màng tai có thể liền. Nếu giai đoạn này không được điều trị hay điều trị không kịp thời bệnh sẽ chuyển sang VTG mạn tính, hoặc viêm xương chũm cấp và có thể gây các biến chứng như: liệt mặt ngoại biên, viêm mê nhĩ, ù tai chóng mặt, viêm màng não…bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do bệnh tích lan qua khớp trai đá.

Chữa viêm tai giữa theo từng giai đoạn

Giai đoạn vỡ mủ: dùng kháng sinh, chống viêm uống hoặc tiêm, làm thuốc mũi xoang, làm thuốc tai hằng ngày đến khi tai khô, theo dõi trẻ đến khi màng tai liền hoàn toàn. Việc làm thuốc tai có ý nghĩa quan trọng, các thuốc nhỏ tai cần phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng vì một số thuốc dùng không đúng cách có thể gây điếc vĩnh viễn không phục hồi. Tuyệt đối tránh để nước vào tai.

Cần lưu ý những trẻ hay bị chảy mũi xanh, đặc, phải há mồm thở khi ngủ, hay sốt vặt và thường bị VTG cấp tái đi tái lại thì cần được nạo VA, cắt amidal, hút mũi xoang khi cần, chứ không chỉ điều trị nội khoa đơn thuần.

Phòng bệnh: để phòng tránh viêm tai giữa nói chung thì cần phòng chống các nguy cơ gây viêm nhiễm đường thở trên cấp tính như viêm mũi họng, viêm VA, viêm amydal, viêm xoang. Các gia đình có cháu nhỏ cần tạo một môi trường sống trong lành cho trẻ, khói thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây bệnh viêm nhiễm đường thở trên cấp tính và từ đó gây viêm tai giữa. Khi bị viêm nhiễm đường thở trên cấp tính cần được điều trị tại các cơ sở y tế. Khi có các biểu hiện về tai thì cần được thăm khám và theo dõi tại chuyên khoa tai mũi họng. Việc nhỏ thuốc vào tai và làm thuốc tai phải theo đúng chỉ định của bác sĩ tai mũi họng, không nên tự điều trị.

Theo TS. Lương Hồng Châu (Sức khỏe & Đời sống)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng các chất từ dạ dày trào lên thực quản, bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư. Việc chẩn đoán sớm, điều trị hợp lý và kịp thời sẽ làm cải thiện cuộc sống cho người bệnh cũng như giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm.
Các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản là hiện tượng sinh lý. Chỉ khi hiện tượng trào ngược gây ra triệu chứng hoặc gây tổn thương thực thể được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn chưa rõ, tuy vậy người ta nói nhiều tới vai trò của cơ thắt thực quản dưới. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ  góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày-thực quản như: uống rượu, hút thuốc, thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sô-cô-la, các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, phụ nữ có thai, thoát vị hoành; dùng các thuốc chẹn kênh canxi, theophyllin…

Bệnh có biểu hiện gì?

- Ợ nóng: Là triệu chứng thường gặp nhất, đó là cảm giác gây ra do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước.

- Ợ chua: Là hiện tượng do các thành phần acid của dịch dày hoặc thực quản trào ngược lại ra vùng hầu họng.

- Nuốt khó: Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược, đó là cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt. Nuốt khó, hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản.

Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp các triệu chứng không điển hình hoặc do biến chứng như nuốt đau, nôn, ợ hơi, khàn tiếng, đau họng, ho, tăng tiết nước bọt, hen phế quản… Cần lưu ý là không có sự song hành giữa triệu chứng lâm sàng và tổn thương thực thể, ợ nóng nhiều không có nghĩa là tổn thương thực quản nặng, ngược lại có trường hợp bệnh diễn biến âm thầm cho tới khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như loét, chảy máu, hẹp hay ung thư hóa.

Chẩn đoán bệnh dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và các thăm dò xét nghiệm. Khi chưa có biến chứng, chẩn đoán xác định dựa vào theo dõi pH thực quản 24 giờ. Căn cứ vào từng bệnh cảnh, thầy thuốc có thể chỉ định chụp X-quang, nội soi dạ dày thực quản. Nội soi rất hữu ích cho việc chẩn đoán các biến chứng của bệnh lý trào ngược, kết hợp nội soi và sinh thiết giúp xác định những biến đổi cấu trúc của thực quản, nội soi còn giúp phát hiện các nguyên nhân thực thể giúp thầy thuốc quyết định phương thức điều trị phù hợp.

Ðiều trị và dự phòng như thế nào?

Các mục tiêu của việc điều trị một bệnh nhân bị trào ngược dạ dày – thực quản là: làm mất triệu chứng của bệnh nhân; chữa lành tình trạng viêm thực quản nếu có;  ngăn ngừa chít hẹp, xước trợt niêm mạc và loét tái phát; duy trì hiệu quả điều trị. Do đó cho đến nay có rất nhiều thuốc được đưa vào sử dụng để điều trị.

Nhóm thuốc điều hoà vận động

- Metoclopramid (biệt dược Primperan, Anausin) viên 10mg. Tác dụng trung ương vào vùng lẩy cò và có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hoá. Nó làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị. Dẫn đến làm vơi dạ dày từ đó làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.

- Domperidon (biệt dược Motilium, Peridy): Đây là thuốc kháng Dopaminergic ngoại biên, nó cố định vào thụ thể D2 ngoại biên và không qua hàng rào máu não. Có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản do đó làm tăng sự vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược.

Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.

- Sulpirid (biệt dược Dogmatil) viên 50mg, có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, nó cũng có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực, vú phụ.

- Metopimazin (biệt dược Vogalen). Đây là thuốc chống nôn kháng tiết dopamin có tác dụng chọn lọc trên khu vực lẩy cò hoá học của não thất IV. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng sự vơi dạ dày do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hoá cao của các thuốc phối hợp.

- Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, tuỳ theo tình trạng bệnh cảnh lâm sàng mà có thể dùng một số thuốc khác như Alizaprid (biệt dược Plitican), Anzemet (biệt dược Dolasetron), Zelmac.
Thức ăn trào ngược lên thực quản gây viêm.

Nhóm thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược

- Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày - thực quản :

Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước.
+ Alginat (biệt dược Gaviscon, Topaal): acid Alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày.

+ Dimeticol (gel polysilan) là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên.

- Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: Sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định Sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Tránh dùng antacid hoặc kháng histamin H2 30 phút trước hoặc sau khi uống sucralfat.

- Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid (Maalox, Phosphalugel..), thuốc kháng thụ thể H2  (như Cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (như omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol) tuỳ theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Hiện nay việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày hoặc dùng một loại kháng thụ thể H2.

Đặc biệt, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa (4 – 5 bữa mỗi ngày), mỗi bữa ăn ít một; không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô; sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư  thế cúi ra phía trước... nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao; Bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng: Socola, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước khoáng có hơi; Ăn chậm, nhai nát kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày; không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như  Estrogen, Progesteron, Anticholinergic, Barbituric, ức chế calci, Diazepam, Theophylin. Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề.

Sai lầm hay mắc phải của người bệnh là tự ý mua thuốc về dùng, không theo chỉ định của bác sĩ. Cần phải hiểu rằng với mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý cụ thể khác nhau, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau lành và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và do dùng thuốc.

BS. Nguyễn Ngọc Hà

(suckhoe-doisong)