Lưu trữ cho từ khóa: bị hen

Trời trở lạnh, đề phòng viêm mũi dị ứng

Tiết trời cuối thu đầu đông và suốt mùa đông với các đợt gió mùa Đông Bắc khô hanh lạnh, lại thêm môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi là những yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm mũi dị ứng tăng cao. Không khí khô lạnh còn làm cho niêm mạc mũi bị nứt nẻ, càng dễ bị viêm mũi dị ứng.

Ai dễ bị viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý viêm niêm mạc mũi do các dị ứng nguyên gây ra. Khi bị viêm, niêm mạc mũi này trở nên nhạy cảm, vì vậy rất dễ bị kích ứng bởi các yếu tố dễ gây dị ứng như: bụi, khói, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc, lông thú, nấm mốc, thực phẩm có tính kích thích như hạt tiêu, ớt, không khí lạnh…

Viêm mũi dị ứng gay ngứa mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mất ngửi.

Do cơ địa của người bệnh và sự tiếp xúc với chất gây dị ứng, có thể gặp các thể bệnh viêm mũi dị ứng sau đây: viêm mũi dị ứng theo mùa, chất gây dị ứng thường gặp là bụi nấm mốc, phấn hoa, không khí lạnh…; Viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp gặp ở những người làm các nghề phải tiếp xúc với các yếu tố như: bụi gỗ, hóa chất, hơi xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, hơi nhựa, cao su…

Viêm mũi dị ứng quanh năm gặp ở bệnh nhân mà trong nhà của họ có các chất là dị ứng nguyên như: bụi nhà, lông chó mèo, bụi vải, quần áo, chăn màn, đồ chơi, côn trùng như gián, dĩn, mò, bọ chét... Tuy nhiên, bệnh chỉ xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nói trên, khi không tiếp xúc nữa thì các triệu chứng viêm mũi dị ứng cũng hết.

Viêm mũi dị ứng có ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn

Các bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn có điểm chung là… dị ứng; mũi và phế quản thuộc cơ quan hô hấp nên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một nghiên cứu cho thấy: trên 80% người bị suyễn có bị viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát hen suyễn. Nhưng khi điều trị tốt, viêm mũi dị ứng có thể làm giảm cơn suyễn. Viêm mũi dị ứng gây nghẹt mũi, làm cho bệnh nhân mất ngủ và mất ngủ lại dễ bị lên cơn hen.

Điều trị viêm mũi dị ứng thường dùng glucocorticoid xịt mũi để chống viêm, cũng tương tự thuốc điều trị hen suyễn. Do đó khi dùng thuốc loại này có tác dụng cho cả hai bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Vì triệu chứng của hen suyễn thường che lấp triệu chứng viêm mũi dị ứng, nên đối với bệnh nhân bị hen suyễn, cần kiểm tra xem có bị viêm mũi dị ứng không. Mùa lạnh, cả hai bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn đều có thể bùng phát và tăng nặng nên bệnh nhân cần lưu ý đề phòng.

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng

Sau khi tiếp xúc với các dị ứng nguyên nói trên, bạn thấy xuất hiện một số hay nhiều triệu chứng sau đây là đã bị viêm mũi dị ứng: đau họng thường xuyên, khàn giọng ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai và vòm họng; nhảy mũi, thường là từng tràng dài; chảy nước mũi, nghẹt mũi; mũi mất ngửi; thường phải thở bằng miệng, nhất là lúc ngủ, hay ngáy ngủ, nhức đầu; trẻ em hay bị viêm tai giữa, ho, nhất là lúc nằm ngủ ban đêm.

Những lưu ý trong điều trị và phòng bệnh

Người ta sử dụng nhiều loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, nhưng hiệu quả nhất là các thuốc xịt glucocorticoid, bởi thuốc làm giảm viêm niêm mạc mũi, nhưng phải xịt đều đặn và lâu dài mới đạt được kết quả tốt nhất. Những người bị viêm mũi dị ứng theo mùa thì không cần phải dùng thuốc liên tục. Còn người đã bị bệnh lâu năm, khi biết sắp có triệu chứng viêm mũi dị ứng nên dùng thuốc xịt khoảng 6 tuần rồi ngưng, thường thuốc xịt đạt được tác dụng sau 2 tuần dùng thuốc. Thuốc kháng histamin dạng uống có thể dùng một hay phối hợp với các thuốc khác, có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi...

Bệnh nhân vừa bị viêm mũi dị ứng vừa bị hen suyễn, phải chú ý rằng các thuốc kháng histamin mà dùng kéo dài có thể làm tình trạng hen suyễn nặng thêm. Người bị nghẹt mũi nhiều nên dùng thuốc giảm sung huyết mũi vì rất hiệu quả, nhưng chỉ nên dùng vài ba ngày, người bị tăng huyết áp phải dùng thận trọng. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là biện pháp tốt giúp làm sạch niêm mạc mũi, hạn chế viêm.
Bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần tránh: hút thuốc và ngồi gần người hút thuốc lá, vì khói thuốc làm cho viêm mũi dị ứng và hen suyễn nặng hơn. Một dị ứng nguyên có thể gây ra cả hen suyễn lẫn viêm mũi dị ứng, nên bệnh nhân cần biết để tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên này.

Bạn nên thường xuyên giặt sạch chăn màn, ga, vỏ gối... Không nên nuôi chó mèo, chim trong nhà, tránh tắm cho thú hoặc tiếp xúc với thú nuôi. Nếu không nuôi thú nữa thì phải làm vệ sinh sạch sẽ tường, sàn nhà, chú ý rằng các chất gây dị ứng từ thú nuôi có thể còn dính trong quần áo và một số bề mặt đồ vật trong nhà một thời gian dài sau khi đã loại bỏ thú nuôi. Bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh hít phải khói thuốc, khói xe, nước hoa, mùi hoa quả thực phẩm ôi thiu, xăng dầu, bụi đường..

ThS. PHẠM THANH TÙNG

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Điều trị dự phòng hen ở trẻ em

Điều trị hen ở trẻ em cần chú ý điều trị dự phòng là quan trọng nhất. Khi trẻ có cơn hen cấp cần xử trí nhanh chóng và theo dõi chặt chẽ.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hen ở trẻ ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn. Thống kê mới nhất cho thấy tại TPHCM, tỷ lệ mắc hen ở trẻ em lên tới 30% và Hà Nội là 17%. 1/3 số bệnh nhân không được chẩn đoán đúng bệnh đã dẫn đến điều trị không thích hợp, bệnh nhân dễ chuyển thành thể hen nặng gây dị dạng lồng ngực, giảm phát triển cơ thể. Các bác sĩ cho biết, đây là thời điểm bệnh hen tái phát và thường gây ra những đợt hen cấp.           

Tại phòng khám hen nhi, bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có gần 100 trẻ tới khám và chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Nhiều trường hợp trước đây đã có tiền sử mắc hen phế quản, sau một thời gian điều trị thấy các cháu không bị ho hay không thấy những cơn rít nên đã ngừng điều trị.

Hen là bệnh do viêm mãn tính đường hô hấp, có 4 triệu chứng điển hình của bệnh là ho, khò khè, nặng ngực, tức và thở ngắn hơi. Các cơn hen thường xảy ra khi có các yếu tố kích thích, hay xảy ra vào ban đêm và gần sáng, do thay đổi thời tiết, hít phải dị nguyên như bụi, phấn hoa, các chất gây dị ứng, nước hoa, xà phòng, khói thuốc lá...

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, việc không điều trị dự phòng đối với những trẻ mắc hen đã dẫn tới tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và nhiều trường hợp trẻ lên những cơn hen cấp. Đối với những trường hợp trẻ đến viện không kịp thời có nguy cơ dẫn tới tử vong. Các nghiên cứu cho thấy, điều trị hen ở trẻ em cần chú ý điều trị dự phòng là quan trọng nhất, khi trẻ có cơn hen cấp cần xử trí nhanh chóng và theo dõi chặt chẽ.

Bệnh hen ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo những người mắc bệnh hen cần biết các biện pháp ngừa cơn hen như vậy có thể kiểm soát được và thậm chí là chữa khỏi.

Nên làm gì để phòng bệnh hen phế quản?

1. Cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường).

2. Tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm. Cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ.

3. Mùa lạnh mỗi lần chuẩn bị tắm, rửa cho trẻ nên chuẩn bị một số phương tiện như: Quần áo sạch, lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là cháu được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.

4. Đối với trẻ có tiền sử hen phế quản thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: Tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp điện, bếp ga thì nên cải tiến bếp đun củi, rơm, rạ bằng loại bếp ít khói. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà.

5. Cần phơi nắng chăn, gối, đệm mỗi khi có điều kiện. Trong phòng ngủ của trẻ không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể).

6. Trẻ đã từng bị hen phế quản, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đặc biệt cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì khi trẻ bị hen phế quản, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng. Mặt khác, điều trị bệnh hen phế quản trẻ em không giống như người lớn về thuốc, liều lượng, cách dùng... bởi lẽ “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”.

Meo.vn (Theo VTV)

Thuốc hen suyễn có thể gây sốc cho trẻ

Loại thuốc để làm giảm triệu chứng ngáy và thở khò khè ở những người bị hen suyễn có thể là nguyên nhân khiến cho bệnh nhi phải nhập viện – đó là cảnh báo mới đây của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, đó có thể là do chất beta  hoặc LABA – chất dẫn xuất có trong thuốc chữa hen suyễn kết hợp với corticosteroid – thành phần chính của loại thuốc dùng để xịt mỗi khi khó thở. Những cảnh báo này cũng đã được khuyến cáo cho trẻ em và thanh - thiếu niên khi sử dụng corticosteroid dạng hít.  Nhưng  một số trẻ em và người lớn bị hen suyễn có quy định dùng LABA để thư dãn các cơ xung quanh đường thở và ngăn ngừa các triệu chứng như thở khò khè. Nhưng cũng có bằng chứng cho thấy sử dụng lâu dài của các loại thuốc có thể làm tăng nhẹ nguy cơ của các triệu chứng nghiêm trọng bất ngờ.

Báo cáo của FDA kết hợp dữ liệu an toàn từ hơn 100 nghiên cứu, trong đó có khoảng 600.000 người bị bệnh hen suyễn. Các thử nghiệm ban đầu đã được thực hiện với các Cty dược có dùng LABA để sản xuất thuốc chữa bệnh, trong đó có thuốc foradil của  Merck và  serevent của GlaxoSmithKline.

So với các bệnh nhân không dùng thuốc có chứa LABA  thì những người dùng LABA có nguy cơ cao hơn 27% phải cấp cứu, đặt nội khí quản và trong số ít trường hợp có thể tử vong. Đối với trẻ từ 4 – 11 tuổi thì nguy cơ này còn cao hơn, tới 67%. Theo cơ quan cảnh báo và kiểm soát nguy cơ bệnh tật ở Mỹ, hằng năm con số bệnh nhi bị hen suyễn tăng trung bình là  7 triệu trẻ (khoảng 9%). Do vậy, các nhà khoa học khuyến cáo phải hết sức cẩn trọng khi dùng thuốc cho trẻ, tốt nhất là phải có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Meo.vn (Theo Laodong)

Ðể sống khỏe mạnh với bệnh hen

Có thể bạn đã từng biết một vài người bị hen suyễn và bạn rất ấn tượng với hình ảnh họ “hen rút cổ lại với các tiếng cò cử”. Nhưng xin bạn hiểu cho rằng: có nhiều tác nhân gây hen suyễn và khác nhau ở từng người, nên không thể đem “kinh nghiệm” của bệnh nhân này “truyền” cho bệnh nhân khác được. Vậy loại bỏ tác nhân gây hen suyễn cách nào để có thể sống khỏe mạnh với bệnh hen?

Bạn cần biết các tác nhân gây hen suyễn để tự mình phòng tránh và giúp người bệnh biết cách phòng tránh nhằm giảm thiểu cơn hen và không làm bệnh nặng thêm.  Dưới đây chúng tôi xin mách bạn một số phương pháp loại bỏ các tác nhân gây hen suyễn thường gặp:

Thuốc lá thuốc lào: Hãy thống nhất cùng mọi thành viên trong gia đình không cho phép bất cứ ai hút thuốc trong nhà hay xung quanh, nhất là trong phòng ngủ hoặc trong xe hơi.

Tổn thương phế quản và phế nang trong bệnh hen suyễn.

 

Tác nhân gây hen suyễn rất khác nhau

Trên thực tế, tác nhân gây bệnh hen rất đa dạng: chẳng hạn bệnh nhân A khi hít phải hơi thuốc lá thì lên cơn “cò cử”, bệnh nhân B ngửi phải mùi thuốc xịt muỗi lập tức “kéo nhị”, bệnh nhân C ăn vài con nhộng tằm bị xảy ra cơn hoảng hốt khó thở như “bó lấy ngực”…, tác nhân gây hen suyễn mỗi người một khác. Việc xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn có ý nghĩa rất quan trọng để giúp kiểm soát được bệnh hen suyễn của bạn hay người thân. Tuy thật khó mà loại trừ hoàn toàn các tác nhân, nhưng bạn vẫn nên cố gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt các tác nhân gây hen suyễn ở những nơi mà bạn phải thường xuyên sinh sống và làm việc. Làm được như vậy sẽ giúp bạn có được một sức khỏe tốt hơn, với các triệu chứng nhẹ hơn và các cơn hen ít xảy ra hơn.

Vi sinh vật

Trong không khí nói chung là những vi khuẩn, virut rất nhỏ bé mà mắt thường không nhìn thấy được. Tuy nhiên bạn có thể loại bỏ chúng bằng nhiều cách: bọc che nệm và gối trong bao ni lon; thay bỏ các gối cũ; luộc giặt ga giường và chăn hàng tuần để tiêu diệt vi khuẩn; không để thú nhồi bông trong giường và giặt định kỳ các thú nhồi bông này trong nước nóng; giảm độ ẩm trong nhà ở dưới 50%.

Thú nuôi trong nhà: có nhiều người bị dị ứng với phân, nước tiểu, các vảy da hay nước bọt đã khô của các con thú có lông mao hay lông vũ nuôi trong nhà; hãy để chúng ở bên ngoài nhà vì đó sẽ là cách tốt nhất để kiểm soát hen suyễn nếu bạn bị dị ứng với thú nuôi; trường hợp không thể nuôi các con thú ở ngoài nhà, thì đừng đưa chúng vào phòng ngủ, cách ly chúng bằng cách đóng cửa phòng ngủ; dùng máy lọc không khí cho phòng ngủ; không dùng thảm hay các khăn phủ bàn ghế bằng vải vì đây là nơi “trú ẩn” của chất thải các thú nuôi và các bụi lạ gây hen suyễn.

Chống gián: phân, các mảnh vụn xác gián gây dị ứng hen suyễn với nhiều bệnh nhân, vì vậy cần chống gián bằng nhiều cách như  không để thức ăn trong phòng ngủ; tránh làm thức ăn vương vãi, thùng rác phải có nắp đậy; phun thuốc diệt gián thường xuyên, nhưng đừng để cho bệnh nhân hen ngửi phải mùi thuốc bằng cách bảo họ ra khỏi nhà cho đến khi hết mùi thuốc.

Loại trừ nấm mốc trong nhà:  nấm mốc phát triển được là nhờ sự ẩm thấp vì vậy không để nước rò rỉ ra nhà gây ẩm tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển; dùng khăn tẩm thuốc tẩy rửa lau nấm mốc trên các bề mặt đồ vật; thay hoặc giặt kỹ các thảm chùi chân bị mốc.

Chống khói và các mùi nặng: không đun bếp củi, bếp than hoặc bếp dầu trong nhà; dùng bếp ga theo đúng hướng dẫn an toàn như khóa bình ga rồi mới tắt bếp để khỏi hít phải mùi khí ga chưa cháy hết; tránh cho bệnh nhân hen hít phải các mùi nặng như nước hoa, phấn rôm, thuốc xịt tóc, lăn khử mùi, xăng dầu…

Bụi, phấn hoa, nấm mốc ngoài nhà: mùa hanh khô hay mùa bạn thường bị dị ứng, nên đóng kín cửa sổ vì thời gian này lượng phấn hoa và một số nấm mốc có nồng độ cao nhất dễ bay vào nhà; khi phải ra ngoài cần đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi và phấn hoa.

Phòng chống cảm cúm và nhiễm khuẩn khác: bệnh cảm cúm và nhiễm khuẩn thường làm bùng phát cơn hen suyễn ở nhiều bệnh nhân hen, vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng chống như: tiêm phòng bệnh cúm hàng năm; làm việc, nghỉ ngơi điều độ, không lao động quá sức, tránh thức khuya, ăn uống đủ chất, tập thể dục đều đặn, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm và các bệnh nhiễm khuẩn, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh bị lây bệnh cúm…

Không bao giờ dùng lại các thức ăn và thuốc đã từng gây dị ứng như thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm, con nhộng tằm, tôm, cua, thủy hải sản…, rượu, bia; một số thuốc chữa bệnh như thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc điều trị viêm khớp, kháng sinh…

Loại bỏ được các tác nhân gây hen suyễn là bạn có thể sống khỏe mạnh với bệnh hen.

ThS. Phạm Thanh Tùng

Meo.vn (Theo SK & ĐS)

6 tác dụng phụ đáng lưu ý của nhân sâm

Nhân sâm là loại thảo dược quý hiếm để chữa trị nhiều bệnh và bồi bổ cơ thể. Thế nhưng, nó cũng có lắm tác dụng phụ nếu dùng sai.

1. Rối loạn tiêu hóa

Đây là tác dụng phụ thường gặp của nhân sâm. Rất nhiều người khi mới bắt đầu sử dụng loại thảo mộc quí này thường gặp phải các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ói. Tuy nhiên tác dụng phụ này không nguy hiểm, bạn chỉ cần bổ sung đủ nước cho cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng thích hợp hơn.

2. Tâm thần bất ổn

Bản thân nhân sâm hội tụ nhiều chất bổ dưỡng, trong đó có những chất kích thích tự nhiên. Vì vậy, chẳng lạ gì khi nhân sâm có thể gây ra các rối loạn tạm thời về tinh thần.

Theo các nhà khoa học, việc dùng nhân sâm có thể khiến bạn căng thẳng, dễ bị kích động trong một thời gian ngắn. Nếu tác dụng phụ này kéo dài, bạn nên ngừng sử dụng nhân sâm và tới gặp bác sĩ.

3. Dị ứng

Mặc dù được biết đến với tính năng bồi bổ cơ thể, nhưng nhân sâm cũng là tác nhân khiến một số bệnh thêm trầm trọng. Điển hình là việc bệnh nhân cao huyết áp và bị hen suyễn sẽ phải cực kỳ lưu ý khi lựa chọn sử dụng nhân sâm vì thảo mộc này được chứng minh là có thể gây cao huyết áp, kích thích cơn hen suyễn.

6 tac dung phu dang luu y cua nhan sam

4. Mất ngủ

Trong thời gian đầu mới sử dụng nhân sâm, bạn sẽ thường gặp vấn đề với giấc ngủ. Đau đầu, mất ngủ, khó ngủ là triệu chứng khá phổ biến trong giai đoạn này. Nhưng bạn không cần quá lo lắng bởi các triệu chứng liên quan tới mất ngủ sẽ nhanh chóng tự biến mất sau một thời gian ngắn.

5. Phản ứng với loại thuốc khác

Đây là tác dụng phụ nguy hiểm nhất, không chỉ của các loại thuốc tây mà ngay chính các loại thảo mộc như nhân sâm cũng có. Một số nghiên cứu cho thấy các chất trong nhân sâm có thể làm mất tác dụng của thuốc cao huyết áp, thuốc dành cho người bệnh tiểu đường.

Nhiều trường hợp còn cho thấy nhân sâm có thể kết hợp với thuốc aspirin, thuốc chống trầm cảm…gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó, tốt nhất bạn nên dùng nhân sâm cách các loại thuốc khác ít nhất 1 giờ.

6. Các tác dụng phụ nặng hơn

Theo các bác sĩ, bạn cần ngừng sử dụng nhân sâm ngay lập tức nếu sau khi dùng thấy xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Căng tức ngực, khó thở.
- Đau mỏi cơ bắp, tim đập loạn.
- Phát ban, nổi mẩn đỏ.
- Lên cơn hen.

Meo.vn (Theo Afamily)

Bệnh nhân hen suyễn có nên tập thể dục

Vận động là rất tốt cho sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Tuy nhiên đôi khi các nỗ lực về thể chất của tập thể dục hoặc chơi thể thao có thể gây ra một cơn hen suyễn. Điều này được gọi là 'bệnh hen do tập luyện (EIA). Bệnh hen suyễn do tập luyện thường dễ dàng kiểm soát và nên là một phần của kế hoạch điều trị bệnh suyễn.

Ảnh minh họa.

 

Thường xuyên hoạt động thể chất có thể giúp bạn kiểm soát bệnh suyễn của bạn cũng như có lợi cho sức khỏe của bạn. Hãy dành thời gian để tìm hiểu làm thế nào để kiểm soát bệnh hen suyễn của bạn để bạn có thể có một lối sống lành mạnh và  năng động.

Những người bị bệnh suyễn có thể tham gia vào hầu như bất kỳ môn thể thao hoặc tập thể dục nào. Lặn là môn thể thao duy nhất không được khuyến khích. Hầu hết các bệnh nhân bị hen do tập luyện đều có thể vận động tối đa sức của họ nếu các triệu chứng của họ được kiểm soát đúng cách. Nhiều vận động viên hàng đầu thi đấu ở cấp độ quốc gia và quốc tế có bệnh hen suyễn.

Lặn là môn thể thao duy nhất không được khuyến khích đối với bệnh nhân hen suyễn - Ảnh minh họa.

 

Bệnh hen suyễn do luyện tập

Hầu hết mọi người bị hen suyễn có các triệu chứng nếu họ tập thể dục trong không khí khô hoặc lạnh. Khi nghỉ ngơi, bạn thở bằng mũi của bạn và không khí được làm ấm, làm ẩm và lọc trước khi chúng đi vào cơ thể của bạn. Khi bạn tập thể dục, bạn cần nhiều oxy hơn và do đó, bạn thở nhanh hơn thông qua miệng của bạn. Đường hô hấp của bạn phản ứng với không khí lạnh, khô, và các cơ bắp xung quanh bị thắt  lại.

Ảnh minh họa.

 

Triệu chứng hen suyễn có thể xảy ra trong hoặc sau khi tập thể dục. Một số các triệu chứng của hen do luyện tập:

Thở khò khè

Ho

Cảm giác tức ngực

Khó thở.

Loại bài tập, số lượng thời gian dành cho luyện tập và cường độ tập thể dục là rất quan trọng. Thông thường, vận động mạnh trong sáu phút hoặc hơn trong không khí lạnh, khô, nhiều khả năng dẫn đến hen suyễn.

Chuẩn bị để tập thể dục

Bạn có thể làm giảm nguy cơ hoặc ngăn ngừa bệnh hen do tập luyện bằng cách chuẩn bị cho hoạt động thể chất với một vài cách đơn giản:

Hãy chắc chắn rằng bệnh hen suyễn được kiểm soát tốt.

Sử dụng thuốc thuốc giảm bệnh hen suyễn của bạn khoảng 5-10 phút trước khi bạn khởi động. Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

Ảnh minh họa.

 

Luôn khởi động bằng cách tập thể dục nhẹ và kéo dài từ 10 đến 15 phút trước khi bạn chơi thể thao hay tập thể dục.

Luôn tập nhẹ đến khi nghỉ hắn.

Nếu bạn bị suyễn trong lúc hoạt động

Nếu bạn cảm thấy các triệu chứng của bệnh hen suyễn trong khi luyện tập thì nên:

Dừng những gì bạn đang làm.

Thực hiện kế hoạch khi bị hen suyễn của bạn. Nếu bạn không có một kế hoạch, hít bốn hơi của loại thuốc hít màu xanh của bạn (chẳng hạn như Airomir, Asmol, Bricanyl, hay Ventolin).

Chờ bốn phút.

Chỉ tập thể dục hoặc hoạt động trở lại nếu bạn hoàn toàn hết các triệu chứng.

Nếu các triệu chứng không biến mất, hoặc nếu chúng trở lại trong khi bạn đang tập thể dục, sử dụng thuốc giảm màu xanh của bạn như trước. Đừng tập thể dục hoặc hoạt động trở lại cho đến hết ngày và gặp bác sĩ của bạn.

Meo.vn (Theo Khoemoingay.vn)

Dùng paracetamol và codein kéo dài có hại gì không?

Tôi 83 tuổi, bị ho viêm họng kéo dài, đã uống nhiều loại thuốc mà không khỏi. Gần đây, tôi uống efferalgan codein 1 viên buổi tối thì thấy đỡ nhiều. Tuy nhiên vừa rồi có đọc bài báo của một dược sĩ viết là paracetamol có thể gây hoại tử tế bào gan, nên tôi rất lo ngại! Xin hỏi với liều lượng này đã gây hoại tử gan chưa, tôi có nên uống tiếp không? Nếu không uống được thì nên uống thuốc gì? - Hoàng Trí Thành (Quận Lê Chân - Hải Phòng)

Efferalgan codein bao gồm 2 dược chất: paracetamol (500mg/viên) và codein phosphat (15mg) được chỉ định dùng trong các triệu chứng đau ở người lớn, tùy theo mức độ đau ngày uống 1 - 3 lần, mỗi lần 1 viên, cách nhau ít nhất 4 giờ. Thuốc không có chỉ định điều trị ho. Khi dùng cần lưu ý:

Không dùng efferalgan codein lâu dài vì dễ dẫn đến nghiện thuốc. Thuốc gây buồn ngủ, khi đang dùng thuốc không được uống bia, rượu và không dùng cho người có bệnh gan.

Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau và tương đối an toàn, được dùng khá rộng rãi. Nhưng nếu dùng với liều lượng cao hoặc dùng dài ngày có thể gây ảnh hưởng xấu tới gan, hoại tử tế bào gan. Bởi vậy, thuốc có chống chỉ định với người bệnh suy gan.

Nếu ông không có bệnh gan, không nghiện rượu, khi đang dùng thuốc không uống rượu và không dùng thuốc lâu dài, thì với liều lượng efferalgan codein (1 viên/ngày) như ông đã dùng là không đáng ngại lắm.

Tuy nhiên, efferalgan codein không phải là thuốc dùng điều trị ho. Sở dĩ ông uống thuốc thấy giảm ho và ngủ được là do tác dụng của codein, còn paracetamol trong trường hợp này là thừa. Nếu dùng thừa và dùng lâu dài thì paracetamol gây hoại tử tế bào gan là điều có thể xảy ra.

Nếu ông thấy codein có tác dụng tốt đối với mình (đêm ngủ được, không ho) thì nên chọn loại thuốc khác chỉ có codein có tác dụng gây ngủ làm dịu ho, mà không có paracetamol như: codeisan, codicept, colinstuc, tricodein, quintopan… Tuy nhiên, dùng thuốc giảm ho chỉ là chữa triệu chứng và nó còn có chống chỉ định (với codein không được dùng trong trường hợp ho của người bị hen suyễn, người suy hô hấp, trẻ em dưới 15 tuổi). Tốt nhất, ông nên đi khám tìm nguyên nhân gây ho để trị tận gốc, dùng thuốc cho đúng bệnh. Chúc ông khỏe mạnh!

BS. Vũ Hướng Văn

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Giữ ấm cho trẻ bị hen mùa lạnh như thế nào

Mùa lạnh nên đặc biệt chú ý giữ ấm cho con khi đi ra đường. Cần tắm cho trẻ trong phòng kín gió, có máy sưởi, lau khô người ngay, hạn chế để trẻ bị lạnh đột ngột...


Khi trẻ lên cơn hen, cần xịt thuốc để giãn phế quản cho trẻ

Con gái tôi 3 tuổi, mùa lạnh cháu thường bị các cơn hen. Bác sĩ khám cho biết cháu bị hen phế quản mãn tính. Mỗi khi vào mùa lạnh tôi rất lo lắng. Vậy tôi cần chuẩn bị các điều kiện gì để chăm sóc cho con thật chu đáo? - Bích Hạnh (Tổng Cty Sông Đà 3)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen suyễn ở trẻ như thay đổi thời tiết, phấn hoa, lông chó mèo, khói thuốc, vi khuẩn, vi rút thậm chí có trẻ dị ứng với một số ký sinh trùng mà mắt thường không nhìn thấy được (nấm mốc, rệp…), dị nguyên (một số hóa chất có trong thuốc, hóa mỹ phẩm, chất tảy rửa…)… Vì thế, chị cần nắm rõ các nguyên nhân bị hen suyễn của con và tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật có chất đó. Mùa lạnh, chị nên đặc biệt chú ý giữ ấm cho con khi đi ra đường.

Cần tắm cho trẻ trong phòng kín gió, có máy sưởi, lau khô người ngay, hạn chế để trẻ bị lạnh đột ngột. Nếu con có tiền sử hen cũng hạn chế cho con ăn các loại thức ăn có nhiều chất gây dị ứng như tôm, cua, hải sản, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, tránh khói thuốc, tránh nấm mốc hoặc tránh dùng nhiều hóa chất tẩy rửa trong nhà. Nếu trẻ dị ứng xà phòng thì không nên giặt quần áo bằng xà phòng…

Khi cháu lên cơn hen suyễn cũng nên cho trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc hoặc dùng quá liều. Một số thuốc chữa hen của trẻ có một số chất có tác dụng phụ nên chị cần hỏi bác sĩ chuyên khoa để dùng đúng liều lượng. Để đề phòng trẻ lên cơn hen cấp tính, gây khó thở, chị nên tích trữ trong nhà một số loại thuốc dạng xịt phù hợp với bệnh tình của trẻ.

Sau khi xịt thuốc để tạm thời làm trẻ thở lại được thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa. Tuy nhiên, cần phải kiểm tra thuốc thường xuyên, cũng không nên dùng quá lâu một lọ xịt, tránh việc thuốc bị hết hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, mất tác dụng, trẻ sẽ bị nguy hiểm.

TS Lưu Thị Liên
(Giám đốc BV Lao Phổi Hà Nội)

Meo.vn (Theo Danviet)

Thuốc giảm đau: Ranh giới giữa sử dụng và lạm dụng

Đau là triệu chứng thường hay gặp ở người bệnh. Vì vậy, thuốc giảm đau là loại thuốc được dùng thường xuyên và phổ biến nhất.

Có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau, trong đó có thuốc giảm đau tác dụng mạnh nhưng lại dễ gây nghiện hoặc dùng lâu dài sẽ gây tác dụng phụ nặng nề. Để giúp việc sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra ba bậc thang dùng thuốc giảm đau như sau.

Bậc 1 là khi đau nhẹ và vừa, nên dùng thuốc giảm đau thông thường, mua không cần có toa của bác sĩ (gọi là thuốc OTC). Đó là paracetamol hoặc thuốc nằm trong nhóm là thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID, gồm có: aspirin, ibuprofen, diclofenac…). Nếu dùng thuốc giảm đau bậc 1 là paracetamol hay aspirin không cải thiện, có nghĩa người bệnh bị đau ở bậc cao hơn tức ở bậc 2 (đau nặng) hoặc bậc 3 (đau dữ dội). Lúc này phải dùng đến thuốc giảm đau là loại gây nghiện có nguồn gốc thuốc phiện với loại trung bình như codein hoặc loại mạnh như morphin. Thuốc giảm đau bậc 2 và 3 có tính chất gây nghiện, bắt buộc phải có bác sĩ điều trị chỉ định, tức là chỉ dùng khi có đơn thuốc được ghi bởi bác sĩ.

Chính vì thuốc giảm đau bậc 1 có thể mua dễ dàng, sử dụng rộng rãi và dùng ngày càng tăng liều nên tỷ lệ tai biến do thuốc này ngày càng tăng. Việc tự ý sử dụng thuốc và không biết được các tác dụng phụ tiềm tàng, không biết được sự khác nhau giữa các thuốc giảm đau thường làm cho người bệnh lơ là trong lựa chọn thuốc, dùng bất cứ thuốc gì mà họ cho là thích hợp, dùng trong thời gian rất dài và dẫn đến các tai biến trầm trọng.

Ảnh: Internet

Gần đây, nhiều chuyên gia y tế lưu ý đặc biệt đến nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc giảm đau đối với hai nhóm người: nhóm người bị hen suyễn và nhóm người có vấn đề về tim mạch.

Trước hết, đối với người bị hen suyễn hoặc người có cơ địa dễ bị dị ứng, không nên dùng thuốc aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Bởi vì loại thuốc giảm đau này có thể gây co thắt phế quản, làm khởi phát cơn hen, làm triệu chứng hen suyễn nặng thêm đến mức có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Người đang có bệnh lý về tim mạch phải hết sức thận trọng trong lựa chọn thuốc giảm đau. Nên tránh dùng các thuốc NSAID nói chung (ngoại trừ aspirin liều thấp có tác dụng ngừa huyết khối có thể được bác sĩ tim mạch chỉ định dùng để ngừa đau thắt ngực, ngừa nhồi máu cơ tim). Nếu tự ý dùng thuốc NSAID có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người cao tuổi, hoặc thuốc aspirin có thể làm tăng huyết áp ở người đang mắc bệnh huyết áp cao.

Riêng thuốc paracetamol tuy an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp, nhưng cần phải lưu ý độc tính của nó đối với gan. Đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều. Vậy, nên lưu ý:

- Không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá năm ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

- Đối với người lớn, liều thông thường không nên quá 4g/ngày (mỗi lần chỉ nên dùng 500mg-1.000mg, một ngày không quá ba lần). Riêng người cao tuổi, nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém.

- Người uống rượu nhiều không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc với mục đích “ngừa nhức đầu, để uống rượu không say”. Paracetamol và rượu đều có hại cho gan, do đó nếu kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.

Tóm lại, việc chọn và dùng thuốc giảm đau không phải là việc đơn giản mà đòi hỏi phải thận trọng. Khi cần dùng thuốc giảm đau chỉ nên dùng thuốc giảm đau bậc 1 và nên chọn paracetamol là thuốc dùng đầu tiên, dùng đúng liều và không dùng kéo dài.

Nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc cải thiện, sau đó lại tái phát, ta nên đến cơ sở điều trị để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân và giúp chọn loại thuốc giảm đau thích hợp.

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức
Đại học Y Dược TP.HCM

Meo.vn (Theo PNO)

Thụ thai khi bị hen suyễn

Một phụ nữ hỏi: ‘Tôi bị hen suyễn. Tôi phải làm sao nếu muốn có thai?’.

Babycentre trả lời:

Bệnh suyễn ảnh hưởng đến thai kỳ theo nhiều cách khác nhau. Khoảng 1/3 phụ nữ có tiền sử hen suyễn, khi mang thai sẽ khiến bệnh nặng hơn (trong khi đó, 1/3 hen suyễn nhẹ đi, 1/3 còn lại thì triệu chứng bệnh không có gì thay đổi).


Ảnh Internet

Nếu bạn bị hen suyễn và đang dùng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về tình trạng sức khỏe (một số thuốc chữa suyễn có thể ảnh hưởng đến bào thai, nhất là trong 3 tháng đầu tiên). Còn nhìn chung, hầu hết các loại thuốc chữa hen suyễn được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai (gồm cả Ventolin và Becotide); do đó, nhiều phụ nữ mang thai vẫn được bác sĩ chỉ định dùng thuốc chữa suyễn bình thường như trước đây.

Tuy nhiên, khi bạn có ý định mang thai, bạn cần được bác sĩ tư vấn để điều chỉnh thuốc cũng như liều lượng thuốc. Nếu chứng suyễn giảm trong thời gian mang thai, bạn sẽ cần giảm liều thuốc nhưng phải dưới sự giám sát của bác sĩ.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh suyễn – nếu được kiểm soát tốt trong thời gian mang thai sẽ làm giảm các biến chứng cho cả mẹ và bé, ví dụ như nghén nặng hay sinh non.

Sinh con nhẹ cân cũng là một mối nguy đặc biệt cho người mẹ mắc suyễn trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, đối với hầu hết người mẹ, hen suyễn sẽ được kiểm soát tốt trong thời gian thai nghén nên nguy cơ kể trên không đáng lo ngại. Xa hơn, bạn vẫn được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong khi dùng thuốc chữa hen suyễn nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước đã.

Meo.vn (Theo mevabe)