Lưu trữ cho từ khóa: bệnh trĩ nội

Bệnh trĩ: Dễ mắc khi ngồi máy tính nhiều

Trĩ là bệnh lý của vùng hậu môn trực tràng, rất phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Hơn 50% số người mắc bệnh có độ tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên, bệnh trĩ đang bị trẻ hóa dần do ảnh hưởng của việc ngồi nhiều bên máy tính của giới trẻ.

Bệnh trĩ  là gì?

Bệnh Trĩ còn gọi là bệnh lòi dom được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa. Trĩ ngoại có thể có huyết khối phát triển rất đau.

Vì sao ngồi máy tính nhiều dễ mắc bệnh trĩ?

Hiện nay, số đông giới trẻ đang sử dụng máy tính trong công việc, học, chơi nhiều giờ trên máy vi tính, và toàn thân hầu như rất ít vận động. Điều này sẽ làm tăng áp lực đối  với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, tăng nguy cơ mắc và tăng  mức độ nặng của bệnh trĩ.

Bạn Mai Hương, nhân viên ngân hàng thấy khó chịu khi đi vệ sinh, cô đi khám và sững sờ khi bác sĩ kết luận  cô bị bệnh trĩ với búi trĩ đã bị thò ra ngoài. Rất may là tình trạng của chị chưa cần phải phẫu thuật, và chưa có biến chứng nguy hiểm xẩy ra. Chị Hương cho biết chị ngồi máy tính 8 tiếng mỗi ngày, và ít khi uống nước.

Theo GS. Nguyễn Mạnh Nhâm – Bệnh viện Đa khoa Tràng An, Hà Nội, số bệnh nhân như chị Hương khá phổ biến hiện nay, đa số các trường hợp đến chữa bệnh đều trong tình trạng khá muộn, khi biện pháp can thiệp đã ở mức tiêm hoặc phẫu thuật.

Chữa bệnh trĩ như thế nào?

Theo GS Nhâm, có các phương pháp điều trị như: điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp thủ thuật như tiêm xơ, thắt vòng cao su,…; phẫu thuật gồm Longo cải tiến, triệt mạch treo  trĩ… Bệnh trĩ nên được phát hiện và điều trị sớm bằng thuốc khi bệnh mới ở cấp độ 1 & 2 để có hiệu quả cao và giảm nguy cơ tái phát. Với các trường hợp mắc bệnh trĩ cấp độ 3 & 4 cần có các thủ thuật can thiệp. Tuy nhiên các thủ thuật can thiệp đều có tỉ lệ tái phát cao, do đó đừng để bệnh nặng mới đi chữa trị.

Những người ngồi máy tính nhiều nên thỉnh thoảng đứng dậy đi lại 5 – 10 phút. Bên cạnh đó, họ cũng nên chú ý về dinh dưỡng, ăn nhiều rau, uống nhiều nước, tránh các đồ cay nóng, chất kích thích,… Ngoài ra có thể dùng đông dược có tác dụng tiêu trĩ.

Theo Dantri.com.vn

Hỏi: về bệnh trĩ nội

Tôi 24 tuổi, bị đau rát hậu môn và chảy máu khi đi tiêu. Tôi nội soi đại tràng cách nay 2 tháng, kết quả bị trĩ độ 1, tôi uống thuốc thì triệu chứng chảy máu hết, nhưng giờ mỗi lần đi tiêu xong là hậu môn bị nóng và đau rát, giống như có con gì trong đó vậy, kéo dài khoảng 1 giờ sau mới hết. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (trungtha@…)

Trả lời: Theo mô tả của bạn, giai đoạn đầu với triệu chứng đi cầu ra máu và đã đi nội soi để loại trừ các nguyên nhân gây chảy máu khác, đúng là do bệnh trĩ nội.

Trĩ nội gồm có 4 độ: 1, 2, 3 và 4:

+ Với trĩ nội độ 1 chỉ có triệu chứng đi cầu ra máu đỏ tươi và không bị sa búi trĩ ra ngoài;

+ Trĩ nội độ 2 có triệu chứng chảy máu khi đi cầu và sa búi trĩ ra ngoài nhưng sau khi đi xong búi trĩ tự tụt vào;

+ Trĩ nội độ 3 là búi trĩ sa ra ngoài khi đi cầu, khi đi cầu xong không tự tụt vào và phải dùng tay đẩy vào;

+ Trĩ nội độ 4 là búi trĩ sa ra ngoài khi đi cầu và không thể đẩy búi trĩ tụt vào được.

Bị nóng và đau rát sau đi cầu kéo dài khoảng 1 tiếng thì có thể bạn bị nứt hậu môn – có triệu chứng chảy máu khi đi cầu kèm theo là đau rát nóng kéo dài sau đó. Để điều trị dứt tình trạng này, ngoài việc uống thuốc tăng cường thành mạch và đặt thuốc vào hậu môn, bạn phải chú ý điều trị rối loạn đi cầu như tiêu chảy hay táo bón, tránh các thức ăn có nhiều gia vị cay hay thức ăn gây bón. Cần cải thiện chế độ sinh hoạt hằng ngày như không thức khuya, ăn uống điều độ về giờ giấc lẫn khối lượng…

Theo Bác sĩ Dương Phước Hưng/ Thanhnien Online