Lưu trữ cho từ khóa: bệnh suy thận

Nghi án những nốt dị ứng trên da có thể gây suy thận

Trông đơn giản mà lại nguy hiểm đến vậy sao?

Em năm nay 16 tuổi. Nửa tháng trước em bị thủy đậu, mẹ có mua cho em 1 chai thuốc có chứa povidone iod về để bôi với liều lượng 3 lần/ngày. Thế nhưng em sử dụng được gần 1 tuần thì mặt bỗng sưng phù lên. Vì quá lo sợ nên em lập tức lên mạng để tìm kiếm thông tin và nhận ra là mình đã lạm dụng thuốc. Từ đó, em đã ngưng dùng thuốc luôn và mặt em cũng hết sưng. Nhưng nó lại bắt đầu nổi mẩn đỏ, ngứa, bong tróc rất rát, nhất là vào ban đêm khoảng từ 23h đến 2h sáng. Ngoài ra, em còn thấy mình bị ra mồ hôi nhiều hơn bình thường, phải uống nước nhiều nhưng đi tiểu ít và hay mắc tiểu. Đó có phải là triệu chứng của bệnh suy thận không ạ? (koolb…@yahoo.com)


Trả lời:

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị dị ứng povidone iod. Nguyên nhân do sử dụng quá liều loại thuốc này khiến cho thận phải làm việc quá sức để bài tiết, dẫn đến tình trạng rối loạn tiểu tiện.

Povidine là một loại thuốc được dùng để sát trùng trước khi phẫu thuật hay tiêm, truyền. Ngoài ra, nó còn được chỉ định để chữa trị một số bệnh ngoài da có liên quan đến sơ nhiễm hay bội nhiễm.

Povidon iod là phức hợp của iod với polyvinylpyrrolidon (povidon), dễ tan trong nước và trong cồn. Dung dịch chứa 0,85 - 1,2% iod có pH 3,0 - 5,5 nên có tác dụng mạnh, có thể thấm nhanh qua da, đặc biệt là khi được dùng nhiều lần ở vùng da rộng và mỏng. Vì vậy, chế phẩm này có thể gây kích ứng tại chỗ khi sử dụng quá liều hoặc không pha loãng dung dịch theo tỉ lệ thích hợp trước khi bôi lên da. Cụ thể là nó có thể gây nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri huyết và tổn thương chức năng thận. Không những thế, nó còn gây dị ứng, viêm da, thậm chí xuất huyết tại một số vùng da tiếp xúc với thuốc.

Tình trạng của em hiện nay đã khá nặng do đã lạm dụng thuốc trong một thời gian quá dài. Do vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên nhanh chóng đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa uy tín để được khám và tư vấn bệnh trực tiếp, tránh kéo dài để bệnh nặng thêm.

Ngoài ra, hiện nay làn da của em đang bị tổn thương và có những triệu chứng tiêu cực nên em càng cần chú ý những điều sau:

- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm hay dược phẩm bôi ngoài da nào khi chưa có chỉ định của các bác sĩ.

- Chăm chỉ bổ sung nhiều rau xanh và uống nhiều nước để giúp cơ thể bài tiết hết độc tố trong máu.
- Tránh xa các thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò - gà, trứng, đồ hộp, các thực phẩm lên men như mắm, tương…

- Giữ gìn vệ sinh làn da, tránh rửa mặt bằng nước nóng và rửa mặt quá nhiều lần trong ngày.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Meo.vn (Theo Kenh14)

Nguyên nhân hơi thở nặng mùi

Hôi miệng không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tình cảm, các mối quan hệ của khổ chủ và gây khó chịu cho người đối diện. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về chứng bệnh này.

Nặng mùi do đâu?

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây hơi thở nặng mùi đều từ trong khoang miệng - và đa phần chúng bắt nguồn từ cuối lưỡi. Lưỡi bạn giống như một tấm thảm dày mà những vi khuẩn gây mùi hôi cứ trú trong những lỗ rất nhỏ của tấm thảm đó. Có khoảng 600 loại vi khuẩn khác nhau sống trong miệng bạn, và chúng tạo ra rất nhiều chất nặng mùi khác nhau. Dưới đây là những lý do phổ biến:

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Hơi thở thơm mát sẽ khiến bạn tự tin hơn

Miệng khô

Đây là nguyên nhân hàng đầu. Nước bọt giúp làm sạch là làm ẩm khoang miệng, nhưng khi không có đủ nước bọt, các tế bào chết tích tụ trên lưỡi, lợi và bên trong má, sau đó sẽ phân hủy và tạo ra mùi hôi. Điều này giải thích tại sao hơi thể của bạn lại thường nặng mùi nhất vào buổi sáng bởi miệng của bạn bị khô đi trong lúc ngủ.

Các bệnh lý khác

Đôi khi hơi thở nặng mùi cũng là tấm gương phản ánh tình trạng bệnh tật của bạn. Các bệnh tai mũi họng như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng là bạn đồng hành của chứng hôi miệng. Chúng tạo ra nhiều vi khuẩn hơn mức thông thường ở trong miệng khiến cho miệng trở nên nặng mùi.

Điều này cũng xảy ra tương tự với bệnh viêm phế quản và các bệnh viêm đường hô hấp trên. Nếu bạn bị mắc chứng táo bón hoặc những vấn đề liên quan đến dạ dày thì hơi thở của bạn cũng không được dễ chịu cho lắm. Bệnh viêm phổi mãn tính thường khiến cho hơi thở có mùi hôi hám trong khi bệnh suy thận lại khiến hơi thở có mùi cá ươn.

Chế độ ăn uống

Những người theo chế độ ăn ít carbohydrate thường dễ mắc chứng hôi miệng bởi cơ thể phải đốt cháy lượng mỡ dự trữ, tạo ra một hợp chất hữu cơ gọi là ketones, gây ra mùi khó chịu. Bên cạnh dó, việc ăn các loại thực phẩm có mùi như hành, tỏi cũng khiến hơi thở bạn không được thơm.

Lượng dầu trong hai loại gia vị này ngấm vào trong máu, đưa tới phổi và thải ra từ từ qua hơi thở. Phải mất 24 giờ thì mùi hành tỏi mới biến mất. Đừng quên rằng rượu champagne cũng là một thủ phạm bởi nó chứ rất nhiều đường khiến cho dạ dày sau khi phân hủy xong sẽ tạo ra một thứ mùi rất chua và mùi này lại thoát ra ngoài theo đường miệng.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá khiến miệng khô, tạo ra một thứ mùi rất khó chịu. Những người hút thuốc lá thường mắc các bệnh về nướu (lợi) - điều này cũng gây ra hơi thở nặng mùi cho miệng.

Làm thế nào để phát hiện?

Nên gặp nha sĩ ít nhất là 2 lần/năm để loại bỏ các nguy cơ gây hôi miệng từ răng miệng

Muốn hay không, bạn vẫn phải thừa nhận có lúc bạn lo lắng về hơi thở của mình. Trên thực tế, ai cũng có thể là nạn nhân của chứng hôi miệng nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó. Và hãy dè chừng nếu bạn đang đọc những dòng này với nụ cười tự mãn. Rất có thể chỉ sáng mai thôi, khi thức dậy bạn sẽ thấy khó chịu với chính miệng của mình.

Các nha sĩ khuyên rằng có những cách thông thường nhất để bạn tự 'chẩn bệnh' cho mình như: khum tay trước miệng và mũi, hà hơi rồi ngử; liếm cổ tay rồi ngửi; ngửi đầu thu âm của điện thoại ngay sau khi sử dụng. Nhưng cách hiệu quả nhất để phát hiện xem hơi thở của bạn có nặng mùi không là yêu cầu ai đó ngửi hơi thở của bạn và trả lời thật trung thực. Còn nếu bạn vẫn nghi ngờ trong e ngại thì bạn nên gặp riêng nha sĩ. Bác sĩ của bạn sẽ có cách truyền thông điệp trung thực cho bạn một cách dễ chịu nhất.

6 bước để hơi thở thơm tho

Đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày: Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó thực sự là biện pháp tốt nhất vì nó giúp loại bỏ vi khuẩn trên lớp men răng. Bạn nên chọn loại bàn chải có độ mềm thích hợp và thay bàn chải ba tháng/lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải đổi màu, mòn hoặc biến dạng.

Việc đầu tư một chiếc bàn chải răng bằng máy cũng hoàn toàn là xứng đáng vì nó giúp loại bỏ vi khuẩn tốt hơn so với bàn chải thông thường. Tuy nhiên cần nhớ thay đầu bàn chải thường xuyên.

Khi đánh răng, nhớ chải nhẹ lưỡi, đặc biệt chú ý tới phần 1/3 giữa lưỡi, để quét sạch vi khuẩn khu trú. Nếu không muốn dùng bàn chải, cũng có thể sử dụng đầu của một chiếc thìa nhựa để nạo lưỡi nhưng nhớ không chạm vào phần cuối lưỡi - đó là nơi tập trung các vị giác quan trọng nhất của bạn.

Sử dụng chỉ nha khoa: Nó không chỉ giúp bạn hết giắt răng mà còn giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về nướu (lợi).

Uống nhiều nước: Điều này giữ cho miệng bạn luôn ẩm ướt - cách hiển nhiên là tốt nhất để giảm bớt nguy cơ cho hơi thở nặng mùi. Nhai kẹo cao su (tốt nhất là loại không đường) hoặc mút kẹo là cách kích thích tuyến nước bọt hoạt động để loại bỏ các mẩu thức ăn thừa và vi khuẩn.

Thường xuyên gặp nha sĩ: Nên gặp nha sĩ ít nhất là 2 lần/năm để loại bỏ các nguy cơ gây hôi miệng từ răng miệng.

Luôn ăn sáng: Điều này giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt hơn để làm sạch miệng.

Súc miệng trước khi đi ngủ: Phương pháp đơn giản này giúp loại bỏ những loại vi khuẩn sinh sôi vào ban đêm. Bạn có thể dùng nước muối loãng hoặc tự chế loại nước súc miệng thơm tho cho riêng mình theo công thức sau: 1 muỗng cồn hoa oải hương, 1 muỗng cồn hoa cúc vạn thọ (calendula), 2 muỗng nước cây lô hội, 2 muỗng nước đun dôi để nguội, 2 muỗng dầu thực vật, 5 giọt tinh dầu bạc hà trộn đầu, dùng khoảng 60ml/tối. (Dung dịch này có thể bảo quản để sử dụng trong 6 tháng).

Theo TTO

Cây tầm gửi và tác dụng chữa bệnh

Cháu muốn hỏi về đặc tính sinh học của cây tầm gửi. Cháu có nghe nói cây tầm gửi trên cây gạo có thể chữa được bệnh suy thận đúng không? Và tại sao phải nhất thiết là cây tầm gửi ở trên cây gạo mà không phải ở cây khác?

Theo thông tin trên mạng thì có khoảng hơn 1.300 loài tầm gửi. Hầu hết các loài tầm gửi có lá xanh giúp chúng tự tạo ra năng lượng nhờ quá trình quang hợp. Vì thế các nhà khoa học gọi nó là loài bán ký sinh. Hạt của tầm gửi được phát tán qua mỏ, chân và cơ quan tiêu hoá của loài chim. Đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi: Nhiều loài chim sử dụng tầm gửi để làm tổ.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Charite (Đức) cho biết chất chiết xuất từ một loài tầm gửi – Loranth, có khả năng kích hoạt một số tế bào miễn dịch tấn công virut viêm gan C và có khả năng lọc sạch các tế bào bệnh, làm cho gan bệnh nhân sớm phục hồi. Cây tầm gửi trên cây dâu (tang ký sinh): có tác dụng trị các chứng đau nhức xương cốt, lợi sữa, an thai. Để trị chứng phong thấp thường phối hợp với các vị thuốc khác (trong bài thuốc độc hoạt tang ký sinh).

Gần đây có những phát hiện mới về dược tính của tang ký sinh trong quá trình điều trị của một số thầy thuốc đông y: Bệnh nhân bị cao huyết áp sau điều trị huyết áp trở lại bình thường. Bệnh nhân kèm chứng đường huyết cao, sau điều trị đường huyết giảm rõ rệt. Bệnh nhân kèm chứng co thắt mạch vành thường có cơn đau thắt ngực như dùi đâm, sau điều trị triệu chứng đau mất hẳn. Bệnh nhân kèm chứng chức năng thận suy yếu, sau điều trị chức năng thận trở lại bình thường. Tầm gửi trên cây bưởi được dùng chữa các bệnh khớp, ăn uống khó tiêu.

Tầm gửi cây gạo: trong nhân dân có nhiều người cho rằng tầm gửi cây gạo có công dụng giải nhiệt, điều hòa huyết áp và tốt cho người bệnh gan, thận… nên nhiều người săn tìm mua làm thuốc. Có một địa chỉ có thể cung cấp tầm gửi trên cây gạo cổ thụ, liên hệ qua điện thoại 0978982289. Theo kinh nghiệm của những người dân thì tầm gửi tốt được phân biệt như sau: phải là tầm gửi trên cây gạo tía, còn loại gạo trắng thì không tốt bằng; nếu là loại tươi thì cành phải giòn, lá xanh, bóng. Còn nếu là loại khô thì phải có mùi thơm, được nắng, sau khi phơi khô nhưng thân và lá vẫn có màu xanh. Tầm gửi khô được bảo quản trong các lớp nilông buộc kín, ngoài cùng bọc bao tải, được treo lên cao hoặc để ở những nơi khô ráo như gác bếp, tủ chè…

Tầm gửi là vị thuốc nam rất tốt cho sức khoẻ được lưu truyền trong dân gian, ngoài tầm gửi cây gạo còn có những loại khác cũng có công dụng riêng như: tầm gửi cây na, cây mít chữa sốt rét; tầm gửi cây xoan chữa kiết lỵ, táo bón; tầm gửi cây chanh chữa ho… tuy nhiên giá cả không thể sánh với tầm gửi cây gạo. Cách dùng các loại tầm gửi đều giống nhau, cành và lá đều được cắt thang, đem phơi nắng già hoặc sao khô, rồi đun nước uống. Tầm gửi cây gạo có mặt trong rất nhiều các bài thuốc nam, thuốc bắc. Công dụng: Mát gan, thải độc cho người bị thận (viêm cầu thận); chữa sỏi thận, phù thận, chức năng gan yếu; tăng thể lực cho người mệt mỏi, gây thèm ăn, dễ ngủ, tiêu phù. Cách dùng: Đun, sắc uống hằng ngày.

Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Phương pháp lọc màng bụng cho những người bệnh suy thận

Theo số liệu thống kê của Hội Thận học quốc tế, trên toàn thế giới, hiện có khoảng hơn 500 triệu người đang có vấn đề bệnh lý mạn tính ở thận.  Tiến triển của bệnh thận mạn tính sẽ dẫn đến suy thận, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận (lọc máu Thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hay Lọc màng bụng và ghép thận). Hiện có khoảng 1,5 triệu người bệnh trên toàn cầu đang sống nhờ các phương pháp điều trị thay thế.

Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ về số liệu mắc mới bệnh thận, nhưng hiện tại, cả nước có khoảng hơn năm triệu người bệnh suy thận và hằng năm có thêm khoảng  800 ngh×n  ng­êi bệnh suy thận mới. Hiện có khoảng 10 nghìn ng­êi bệnh đang được điều trị thay thế thận.

Vừa qua, tại Khoa Thận - Tiết Niệu, Bệnh viện Bạch Mai đã thành công phương pháp Lọc màng bụng. Đây là phương pháp lọc máu tại nhà, gióp cho những ng­êi bệnh bị suy thận giai đoạn cuối không phải chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. Với phương pháp Lọc màng bụng Khoa Thận -Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho gần 300 người bệnh từ các nơi chuyển về. Sau khi thực hiện các kỹ thuật ban đầu tại bệnh viện, đặt ống Catheter trong ổ bụng người bệnh, người bệnh có thể tự lọc máu tại nhà riêng, thay vì một tuần phải đến bệnh viện ba lần để chạy thận nhân tạo, hàng tháng chỉ đến bệnh viện kiểm tra định kỳ một lần. Mỗi ngày, người bệnh thực hiện khoảng bốn lần lọc màng bụng, đưa khoảng hai lít dịch vào ổ bụng mỗi lần. Mỗi lần thực hiện chỉ mất khoảng 30 phút. Sau khi đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định ra ngoài. Với phương pháp Lọc màng bụng, quá trình lọc máu diễn ra liên tục, vì thế người bệnh luôn ổn định, tránh hội chứng mất cân bằng.  Nó giúp duy trì chức năng thận tồn dư lâu hơn, giảm nguy cơ mất máu và lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm hơn so với chạy thận nhân tạo.

Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý, đó là người bệnh Lọc màng bụng cần chú ý đến vấn đề vệ sinh, yêu cầu là phải vô trùng tuyệt đối. Trước khi thực hiện thao tác truyền dịch, cần vệ sinh tay, thân thể sạch sẽ, đeo khẩu trang theo đúng quy định… Nếu không vô trùng tốt, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, nếu bị viêm phúc mạc có thể tử vong, hoặc người bệnh bị tắc Catheter lúc đó sẽ phải chuyển sang thận nhân tạo. Trong quá trình lọc máu tại nhà, nếu bệnh nhân thấy có các biểu hiện bất thường như dịch lọc chảy ra đục, dịch hơi hồng, sốt, đau bụng, đi ngoài... hoặc dịch vào và ra chậm, không như bình thường... thì phải báo ngay cho nhân viên y tế theo dõi rồi làm theo hướng dẫn và nhanh chóng đưa người bệnh  tới bệnh viện.

Theo TS Đinh Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi suy thận tiến triển đến giai đoạn cuối thì người bệnh cần được điều trị thay thế bằng ghép thận hoặc lọc máu. Lọc máu là phương pháp được lựa chọn nhiều vì ghép thận không phải lúc nào cũng thuận lợi như tìm được người cho thận. Người bệnh suy thận độ 3b trở lên có thể điều trị bằng phương pháp này. Khi đó người bệnh sẽ được phẫu thuật để đặt Catheter vào ổ bụng. Bác sỹ và y tá của khoa, sẽ chăm sóc và hướng dẫn cách tự lọc màng bụng. Khi đã thuần thục các kỹ năng cần thiết, người bệnh có thể về nhà tự điều trị. Với phương pháp lọc màng bụng, không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như khi lọc máu hoặc bằng các phương pháp khác, ít xảy ra biến động huyết áp và không cần sử dụng kim tiêm. Cách điều trị tại nhà sẽ giúp người bệnh kiểm soát các chỉ số sinh hóa, nước điện giải, huyết áp. Phương pháp này còn áp dụng được với người mắc bệnh lý tim mạch, bảo tồn chức năng thận còn sót lại., trừ người bệnh quá cao tuổi hoặc từng phẫu thuật ổ bụng, suy dinh dưỡng…

Ông Đỗ Hùng Mạnh, 55 tuổi (Hưng Yên) kể: Tôi đã chạy thận  gần một  năm, nhớ lại những ngày phải chạy thận nhân tạo vất vả vô cùng. Vợ thì lên theo chăm chồng, các cháu còn đang đi học, công việc thì bỏ, nhà cửa không ai trông, lợn gà chẳng ai cho ăn. Đã không làm ra tiền lại chi tiêu rất nhiều tiền từ tiền chữa bệnh, tiền ăn ở, tiền thuê nhà trọ... Khi có phương pháp Lọc màng bụng, được các bác sĩ tư vấn rất kỹ, tôi chuyển sang điều trị bằng phương pháp này đến nay đã được năm tháng. tôi thấy khoẻ hẳn lên, ăn ngon hơn và lên được ba kg. Cuộc sống không phải phụ thuộc vào việc chạy thận, tôi được ở nhà giúp đựơc nhiều việc cho gia đình, hiện giờ vợ con không còn phải khổ vì cảnh đi thuê nhà trọ trên Hà Nội và chi phí được giảm đi rất nhiều...Cũng giống như hoàn cảnh của ông Mạnh, anh Nguyễn Thanh Tú, 35 tuổi, làm việc tai Công ty dược phẩm, Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội)  cho biết, anh bị suy thận mãn tính, đã từng chạy thận ba tháng. Mỗi lần chạy thận rất mệt mỏi, cơ thể anh yếu hẳn đi, sút cân. Từ khi có phương pháp Lọc màng bụng, anh đã lên được ba cân  và có thể đi làm bình thường, …

Khi được hỏi về vấn đề chi phí, TS Đinh Thị Kim Dung, cho biết: "Chi phí cho dịch lọc, thuốc và các vật tư tiêu hao hơn tám triệu đồng/tháng/người bệnh. Riêng ống Catheter thì có nhiều loại và nhiều giá cả, loại hiện tại ở khoa đang dùng cho người bệnh khoảng hơn một triệu đồng… So với thu nhập hiện nay của người dân nghèo thì đây là một khoản chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, đối với những người bệnh có thẻ BHYT thì hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên đối với những thể loại thẻ BH khác nhau thì chế độ chi trả cũng khác nhau.

Với phương pháp lọc màng bụng đã giúp cho nhiều người bệnh nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa bớt phần nào gánh nặng chi phí nằm viện, sinh hoạt, chăm nom…và đã làm giảm đáng kể tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Theo Công văn số 1086/BHXH - GĐC ký ngày 23-12-2004 về việc thanh toán tạm thời chi phí Lọc màng bụng cho người bệnh BHYT: Mức thanh toán tạm thời cho mỗi người bệnh: tiền dịch lọc theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá sáu triệu đồng/tháng, thuốc tăng sinh hồng cầu (nếu có chỉ định) như cung cấp cho người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ. Hiện nay BHYT đang thanh toán 100% tiền dịch lọc và tăng thuốc hồng cầu, nếu có sự chỉ định của bác sĩ tại khoa, nhưng catheter và chi phí phẫu thuật chưa được thanh toán bảo hiểm.

Còn đối với người bệnh có Thẻ Bảo hiểm người nghèo 139 thì việc chi trả tiền dịch lọc tuỳ thuộc vào cơ quan Bảo hiểm mỗi tỉnh. Khi có sự đồng ý của cơ quan Bảo hiểm tỉnh bằng Công văn gửi cho Bệnh viện Bạch Mai thì người bệnh mới được hưởng chế độ của Bảo hiểm chi trả cho điều trị ngoại trú bằng phương pháp này. Đối với trường hợp dùng thẻ BHYT tự nguyện, người bệnh mang tất cả hoá đơn về BHXH tỉnh thanh toán.

QUỲNH TRANG - Theo Nhan Dan

Dùng thuốc bừa bãi, gây suy thận

Chỉ vì lạm dụng thuốc giảm đau, nhiều bệnh nhân phải ghép thận hoặc lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời.

Các bác sĩ cho biết, có đến 85% bệnh nhân khi phát hiện suy thận đã rơi vào giai đoạn cuối, bởi hầu hết người bệnh suy thận thường không có triệu chứng rõ rệt ban đầu; thậm chí, khi mắc bệnh lại nhầm do biếng ăn, suy dinh dưỡng, cao huyết áp…

Tự đầu độc

Mỗi tuần, PGS-TS-BS Phạm Văn Bùi, Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân (BN) có dấu hiệu suy thận đến khám. Đáng nói là hầu hết BN đều đã bước sang giai đoạn cuối của bệnh. Mặc dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng BS Bùi cho biết, hiện có hơn 20 trường hợp BN suy thận được ông theo dõi điều trị có liên quan đến tình trạng sử dụng thuốc vô tội vạ. Còn tại BV Nhi Đồng II TP.HCM, có đến 60 trẻ mắc bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối phải nằm điều trị nội trú để lọc máu liên tục. Cũng như người lớn, chậm được phát hiện bị suy thận, có đến 85% trẻ em khi chẩn đoán đúng bệnh đã ở giai đoạn cuối. Số còn lại nhờ vô tình phát hiện ra hoặc do bệnh liên quan đến thận sẵn có.

PGS-TS Trần Thị Mộng Hiệp - Trưởng khoa Thận - máu - nội tiết, BV Nhi Đồng II cho biết, nguyên nhân của suy thận thường do dị dạng đường tiết niệu, bệnh lý cầu thận, di truyền, nhưng có đến 50% trẻ bị suy thận mà không tìm ra nguyên nhân. Những trường hợp này, suy thận chính là hậu quả của các bệnh lý khác nhau gây ra; trong đó có cả việc sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch. Các thuốc này khi thải qua thận lâu dài, sẽ khiến tế bào của ống thận bị hoại tử, gây suy thận.

Trẻ bị suy thận phải lọc máu liên tục tại BV Nhi Đồng II TP.HCM

Các BS khuyến cáo, có trên 90% loại thuốc uống bài tiết qua thận trước khi rời khỏi cơ thể. Nhiều loại thuốc tích tụ lâu ngày trong cơ thể trở thành chất độc, khiến thận hay những bộ phận khác trong cơ thể bị tổn thương, đặc biệt là các nhóm thuốc giảm đau (nhức đầu, cảm cúm, sốt, viêm khớp) hoặc thuốc kháng sinh. Riêng với một số loại thảo dược, người ta còn phát hiện những chất tồn tại trong cây cỏ như Aristolochic axít… nếu uống lâu dài không kiểm soát, không chỉ khiến thận bị suy mà còn có thể ung thư. Do đó, việc uống thuốc buộc phải có chỉ định và được bác sĩ theo dõi.

3% người bị suy thận sống đến giai đoạn cuối

Nhiều BN thấy cao huyết áp nghĩ do mắc bệnh tim, thấy xanh xao nghĩ thiếu máu, cuối cùng bệnh không hết lại đi siêu âm thận, lúc này khi bệnh được phát hiện thì đã quá muộn bởi sự lòng vòng trước đó. Đặc biệt, nhiều trẻ em trở nên biếng ăn, chậm tăng trưởng chiều cao, cân nặng so với trẻ bình thường, thế nhưng nhiều bác sĩ chỉ kê toa chế độ dinh dưỡng hợp lý mà bỏ qua kiểm tra chức năng thận, khiến trẻ không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Vì không được tầm soát tốt, nên mỗi năm BV Nhi Đồng II 'đón nhận' hơn 20 bệnh nhi mới phải ghép thận hoặc lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời.

Theo BS Mộng Hiệp, khi phát hiện trễ, nhiều hậu quả ập lên đầu người bệnh, chi phí trung bình cho một BN chạy thận nhân tạo suy thận mãn giai đoạn cuối mỗi năm lên đến 100 triệu đồng, còn BN ghép thận cũng tiêu tốn ngót nghét 80-90 triệu đồng/năm cho các loại thuốc chống thải ghép. Chưa kể, nhiều trường hợp bị tai biến dẫn đến tử vong trong quá trình phẫu thuật, điều trị.

BS Bùi lo ngại, nhiều người cho rằng khi nào đến giai đoạn cuối thì bệnh suy thận mới nguy hiểm, nhưng thực tế chỉ có khoảng 3% người bị suy thận sống được đến giai đoạn cuối. Vì sự chủ quan, không điều trị chặt chẽ nên đã xảy ra một số tai biến, biến chứng khiến BN tử vong ở những giai đoạn trước đó. Theo BS Bùi, một trong những biểu hiện của bệnh thận mãn tính là cao huyết áp.

Suy thận thường không có triệu chứng ban đầu, khi có vài dấu hiệu như: chán ăn, nhợn ói liên tục, chậm tăng trưởng, cao huyết áp… lúc này đã rơi vào tình trạng thiếu máu do độ lọc cầu thận đã giảm mạnh (dưới 25%), tình trạng phù phổi cấp bắt đầu ở giai đoạn nặng. Triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm sinh học và biến chứng của suy thận mãn ở trẻ em tương tự như ở người lớn. Điều khác biệt là suy thận mãn ở trẻ em diễn ra trên một cơ thể đang tăng trưởng. Thật khó để xác định khi nào thận bị suy chức năng vì không có dấu hiệu lâm sàng, hoặc chỉ có dấu hiệu lâm sàng ở giai đoạn bệnh đã tiến triển xa. Do đó, với những BN bị hội chứng thận hư, dị dạng đường tiết niệu… nên đi khám thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời. Nếu đã mắc bệnh, phải cố gắng điều trị để làm chậm suy thận tiến đến giai đoạn cuối, kéo dài sự sống cho người bệnh. Có thể dự phòng bằng cách phát hiện sớm nguyên nhân qua tầm soát bằng que thử nước tiểu, hoặc khám sức khỏe định kỳ để được thử nước tiểu, máu, sinh thiết thận, siêu âm.

Văn Thanh - An Quý

(PNO)

Nên bổ sung kali khi dùng clorothiazid lợi tiểu

Clorothiazid và các thuốc lợi tiểu thiazid là một trong những nhóm thuốc được dùng điều trị bệnh tăng huyết áp (dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác). Thuốc có tác dụng làm tăng sự bài tiết natri clorid và nước, do cơ chế ức chế sự tái hấp thu các ion Na+ và Cl- ở đầu ống lượn xa. Tác dụng lợi tiểu của các thiazid ở mức trung bình vì gần 90% lượng các chất đã lọc qua thận được tái hấp thu, trước khi đến ống lượn xa là nơi tác dụng của những thuốc này. Tác dụng hạ huyết áp của thuốc, trước hết là do giảm thể tích huyết tương và dịch ngoại bào liên quan đến bài tiết niệu natri, quá trình này rất ngắn. Sau đó trong quá trình dùng thuốc tác dụng hạ huyết áp tùy thuộc vào sự giảm sức cản ngoại vi, thông qua sự thích nghi dần của các mạch máu trước tình trạng giảm nồng độ Na+. Vì vậy tác dụng hạ huyết áp của các thiazid thể hiện chậm sau một, hai tuần, nhưng tác dụng lợi tiểu xuất hiên  nhanh có thể thấy ngay sau vài giờ.

Ngoài ra, thuốc còn được dùng trong các trường hợp: phù do suy tim, phù do các căn nguyên khác (gan, thận) do corticosteroid, oestrogen; đái tháo nhạt. Để điều trị phù phổi cấp, furosemid là thuốc lợi tiểu mạnh được chọn lựa ưu tiên chứ không phải các thiazid.

Sau khi uống, thuốc hấp thu tương đối nhanh. Tuy nhiên, các thiazid nói chung và clorothiazid nói riêng lợi tiểu kém ở người suy thận.  Không có hiện tượng quen thuốc khi dùng thuốc lâu dài. Các hướng dẫn điều trị đều nhấn mạnh cần dùng liều thấp nhất và tối ưu sẽ giảm được nguy cơ tác dụng có hại. Vấn đề quan trọng là phải chờ đủ thời gian để đánh giá sự đáp ứng của cơ thể đối với tác dụng hạ huyết áp của clorothiazid vì tác dụng trên sức cản ngoại vi cần phải có thời gian mới thể hiện rõ.

Không dùng thuốc trong các trường hợp suy gan, suy thận (vô niệu), biểu hiện bệnh gút, mẫn cảm với các thiazid và các dẫn chất sulfonamid. Tất cả những người bệnh dùng clorothiazid phải được theo dõi định kỳ chất điện giải trong huyết thanh và nước tiểu (Na, Cl, K, Ca, Mg) nhất là người dùng corticosteroid, ACTH, digitalis, quinidin. Thận trọng dùng ở người bệnh suy thận (vì thuốc có thể làm suy giảm chức năng thận), suy gan (dễ bị hôn mê gan), bệnh gút (làm bệnh nặng thêm), đái tháo đường (chú ý đến việc điều chỉnh thuốc insulin, thuốc hạ glucose huyết... vì clorothiazid có thể gây tăng đường huyết).

Khi sử dụng clorothiazid có thể gây mất nhiều kali. Tác dụng này phụ thuộc vào liều lượng. Để khắc phục tác dụng phụ này điều quan trọng là cung cấp đầy đủ kali trong chế độ ăn hàng ngày hoặc bổ sung bằng thuốc (theo chỉ dẫn của thầy thuốc).            

BS. Nguyễn Bích Ngọc

(suckhoe&doisong)