Bệnh lây qua đường tình dục (STDs) là một trong những căn bệnh nguy hiểm với khoảng 20 bệnh, nhưng nhiều người vẫn còn có lầm tưởng tai hại về căn bệnh này, khiến cho người bệnh dễ lây cho bạn tình của mình.
Tại Việt Nam mỗi năm có từ 800.000 đến trên 1 triệu trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD).
Ai có nguy cơ mắc bệnh LTQĐTD?
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh LTQĐTD, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tầng lớp xã hội, hoặc khuynh hướng tình dục. Thanh thiếu niên và người trẻ tuổi có khả năng quan hệ tình dục dễ dàng hơn so với những người lớn tuổi. Do vậy số lượng người mắc bệnh LTQĐTD trong độ tuổi trẻ nhiều hơn, người có nhiều bạn tình cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh LTQĐTD hơn những người khác. Mới đây, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo rằng một số bệnh LTQĐTD đang gia tăng ở đối tượng quan hệ tình dục đồng giới, có nguy cơ mắc bệnh giang mai và bệnh hột xoài.
Người không quan hệ tình dục không thể mắc bệnh LTQĐTD
Điều này là sai, bởi nhiều người cho rằng bệnh LTQĐTD phải mắc ở những người đã quan hệ tình dục. Tuy nhiên nhiều bệnh LTQĐTD không lây qua hoạt động tình dục mà nó lây qua việc tiếp xúc ngoài da như Herpes sinh dục, nhiễm HPV. Virus Herpes có thể lây truyền qua một nụ hôn sâu, đặc biệt nếu niêm mạc miệng bị trầy xước, nguy cơ bị các bệnh LTQĐTD còn cao hơn. Ngoài ra còn một số đường lây bệnh LTQĐTD ít phổ biến như miệng, họng, đường hô hấp, mắt, đường máu.
Có cách ngăn chặn tuyệt đối các bệnh LTQĐTD
Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh LTQĐTD là có mối quan hệ tình dục lành mạnh, một vợ một chồng, đảm bảo người bạn tình của mình không bị nhiễm bệnh. Để giảm tỷ lệ mắc các bệnh LTQĐTD:
-Hãy tìm hiểu xem bạn tình của của mình có mắc bệnh LTQĐTD hay không.
-Yêu cầu bạn tình kiểm tra sức khỏe tình dục trước khi có một mối quan hệ thân thiết.
-Sử dụng bao cao su.
-Tuyệt đối không quan hệ tình dục nếu bạn tình có các dấu hiệu của bệnh LTQĐTD.
-Khi xuất hiện bất cứ các triệu chứng nghi mắc bệnh LTQĐTD , bạn cần đi gặp bác sĩ ngay.
Bao cao su ngăn được tất cả các bệnh LTQĐTD
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc sử dụng bao cao su là một biện pháp đáng tin cậy, giảm nguy cơ mắc các bệnh LTQĐTD, tuy nhiên bao cao su chỉ ngăn ngừa sự lây lan của một số bệnh LTQĐTD chứ không phải tất cả các bệnh.
Bao cao su được xem là biện pháp tốt để bảo vệ con người khỏi một số bệnh như bệnh lậu, chlamydia, HIV, nhiễm Trichomonas. Nhưng bao cao su ít có hiệu quả trong việc chống lại các bệnh như herpes sinh dục, giang mai, hay mụn cóc sinh dục, ghẻ. Các bệnh nhiễm trùng có thể lây lan qua tiếp xúc ngoài da, nhất là ở những vùng da bị tổn thương, nơi không được bảo vệ bởi bao cao su.
Khi điều trị bệnh LTQĐTD hoặc dùng bao cao su thì không lây bệnh cho bạn tình
Nếu bạn nghĩ rằng bạn mắc bệnh LTQĐTD, nói với bạn tình của mình càng sớm càng tốt vì bạn có thể lây bệnh ngay khi bắt đầu điều trị hoặc kể cả khi sử dụng bao cao su. Với một số bệnh LTQĐTD, các bác sĩ khuyên nên điều trị cả hai người cùng một lúc.
Người mang thai mắc bệnh LTQĐTD không cần điều trị
Đối với phụ nữ mang thai cần kiểm tra các bệnh LTQĐTD. Bởi bệnh LTQĐTD có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh con, hoặc sau khi em bé được sinh ra. Ảnh hưởng của các bệnh LTQĐTD trên trẻ sơ sinh bao gồm thai chết lưu, sinh con nhẹ cân, các vấn đề về thần kinh, mù mắt, bệnh gan và nhiều bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên có nhiều phương pháp điều trị để giảm thiểu những rủi ro này. Điều trị trong khi mang thai có thể chữa được một số bệnh LTQĐTD và giảm nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi.
Bệnh LTQĐTD không tái phát
Việc điều trị các bệnh LTQĐTD không đảm bảo cho người bệnh không mắc bệnh một lần nữa. Nếu một trong 2 người không được điều trị (ở một số bệnh LTQĐTD ) thì nguy cơ nhiễm trùng qua lại, dai dẳng rất cao. Nếu đã một lần nhiễm bệnh, bạn cần có biện pháp bảo vệ chính mình bởi nguy cơ tái phát bệnh rất cao, thậm chí là mắc thêm một căn bệnh LTQĐTD mới.
Theo Suckhoedoisong.vn