Lưu trữ cho từ khóa: bệnh động kinh

Những biểu hiện thường gặp của bệnh động kinh

Co giật, sùi bọt mép chỉ là một số biểu hiện thường gặp của bệnh động kinh. Bệnh còn có nhiều kiểu biểu hiện khác từ nhẹ tới nặng.

Triệu chứng đa dạng

Bác sĩ Trương Văn Luyện, Phó khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh động kinh có rất nhiều biểu hiện khác nhau, cần nhận biết rõ hơn về căn bệnh này để đi khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân của bệnh động kinh tới nay vẫn chưa được xác định.

Bệnh nhân bị động kinh do rối loạn chức năng ở vỏ não: khi vỏ não của bệnh nhân bị rối loạn chức năng nào đó thì sẽ có các biểu hiện về chức năng tương ứng (chức năng nhìn, vận động, cảm giác, thính giác, chức năng vùng cấm nếu lan tỏa làm mất nhận thức…).

Triệu chứng bệnh động kinh rất đa dạng từ nhẹ tới nặng, từ có ý thức tới mất ý thức, từ không co giật tới co giật.

Một ổ tổn thương trên vỏ não cũng có thể gây động kinh. Tổn thương ở một bên bán cầu não thì gọi là động kinh cục bộ (không mất ý thức), nhưng tổn thương nặng hơn lan qua bán cầu não còn lại sẽ khiến người bệnh mất ý thức.

“Nếu thấy một người lên cơn co giật nhưng vẫn tỉnh táo rồi sau đó bất tỉnh, sùi bọt mép có nghĩa là tổn thương ở vỏ não đã lan tỏa rộng”, bác sĩ Luyện nói.

nhung-bieu-hien-thuong-gap-cua-benh-dong-kinh

Ảnh minh họa: internet

Biểu hiện co giật, sùi bọt mép chỉ là một kiểu hay gặp, còn có những kiểu động kinh tâm thần hết sức ghê gớm. Có người đang đi xe máy bỗng lên cơn động kinh, đuổi theo ủi vào xe khác; hoặc không kiểm soát được hành vi dẫn đến giết người, nhảy lầu…

Các bác sĩ xác định, bệnh động kinh phải trải qua các quy trình khám lâm sàng, tìm hiểu bệnh sử của bệnh nhân và gia đình, tiền sử chích ngừa. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Quan trọng nhất để xác định bệnh vẫn là chẩn đoán lâm sàng, bởi bác sĩ sẽ có định hướng cho những xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh cũng như phương án điều trị.

Một xét nghiệm rất quan trọng đối với bệnh nhân nghi động kinh là điện não đồ. Nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được cho đo điện não đồ kéo dài trong 24 giờ.

Dễ nhầm với bệnh lý nguy hiểm khác

Bác sĩ Luyện lưu ý, có nhiều trường hợp mặc dù có biểu hiện động kinh nhưng đó lại là triệu chứng của một bệnh lý khác, hay xảy ra ở người lớn. Đó là các bệnh u não, dị dạng mạch máu não, tai biến mạch máu não, viêm não do vi trùng, siêu vi trùng, lao hoặc ký sinh trùng, bệnh lý nội khoa gây ảnh hưởng về não, bệnh lupus, bệnh xã hội, hội chứng thận hư, viêm nội tâm mạc, áp xe não, bệnh rối loạn điện giải, chấn thương sọ não, sốt cao…

Trong những trường hợp kể trên, bệnh nhân phải được điều trị hết bệnh nền thì các triệu chứng động kinh mới khỏi.

Mới đây, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị co giật, động kinh, liệt nửa người do nhiễm ấu trùng sán lợn. Bệnh nhân đi khám khắp nơi cứ tưởng mình bị bệnh động kinh, nhưng uống thuốc suốt 20 năm không khỏi.

Rất nhiều trường hợp bị ký sinh trùng trong não nhưng lại nhầm với bệnh động kinh như nữ bệnh nhân này.

Theo các bác sĩ, khi có triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế khám ngay.

“Bệnh động kinh về nguyên tắc có thể chữa khỏi nhưng với điều kiện bệnh nhân phải tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu làm được điều này, tỷ lệ khỏi hẳn sau 5 năm điều trị là 70%. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được cho thuốc để dứt cơn và giữ nguyên liều thêm một năm. Sau đó, cứ sau mỗi năm bác sĩ lại cho bệnh nhân giảm liều dần”, bác sĩ Trương Văn Luyện cho biết.Thực tế vẫn có những trường hợp điều trị cả mười mấy năm vẫn không khỏi do gia đình và bệnh nhân không đủ kiên trì, bỏ ngang trong quá trình chữa chạy, tới khi bệnh nặng quá mới quay lại khiến kết quả điều trị không như mong muốn.
Theo thống kê, 2% dân số mắc bệnh động kinh. Bệnh này có thể điều trị ngoại trú.

Theo Phunuonline.com.vn

Lưu ý khi dùng thuốc trị bệnh động kinh

Người bệnh động kinh phải dùng thuốc đều đặn, liên tục và lâu dài theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Do đó, ngoài việc điều trị tại bệnh viện (nội trú) thì người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để dùng tại nhà (ngoại trú). Và, carbamazepin là một trong những thuốc như vậy. Tuy nhiên khi dùng thuốc này người bệnh cần hiểu cặn kẽ về thuốc để dùng thuốc an toàn.

luu-y-khi-dung-thuoc-tri-benh-dong-kinh

Trong bệnh động kinh carbamazepin dùng trong các trường hợp động kinh cục bộ có triệu chứng phức tạp (động kinh tâm thần vận động và động kinh thùy thái dương). Người động kinh loại này tỏ ra đáp ứng tốt với thuốc hơn các loại động kinh khác; Ðộng kinh lớn (co giật cứng toàn bộ); Các kiểu động kinh hỗn hợp gồm các loại trên, hoặc các loại động kinh cục bộ hoặc toàn bộ khác. Cơn vắng ý thức (động kinh nhỏ) không đáp ứng với carbamazepin

Carbamazepin còn có tác dụng chống các cơn đau kịch phát ở người bệnh đau dây thần kinh tam thoa, làm giảm nguy cơ co cứng và giảm các triệu chứng cai nghiện rượu.

Khi được kê đơn dùng thuốc này, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, số lần dùng, và thời gian dùng thuốc, thời gian tái khám bệnh… nhưng do thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng, nên bệnh nhân cần lưu ý. Các tác dụng phụ của thuốc thường bắt đầu xảy ra là các triệu chứng về thần kinh trung ương, sau đó đến các phản ứng về da. Thường gặp nhất là các hiện tượng như toàn thân thấy chóng mặt. Trên thần kinh trung ương là các hiện tượng như ngủ gà, mất điều hòa, mệt mỏi. Trên hệ tiêu hóa người bệnh thấy chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, khô miệng, kích ứng trực tràng nếu dùng thuốc đặt trực tràng và ở da có hiện tượng nổi ban và ngứa, thoát dịch dưới da. Mắt thấy khó điều tiết, nhìn một thành hai…

Đây là danh mục những tác dụng phụ thường gặp. Vì vậy, người bệnh gặp một trong các triệu chứng trên hoặc thấy bất thường (không có trong danh mục này), cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Các tác dụng không mong muốn của carbamazepin xảy ra khá phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn đầu điều trị, gồm có hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ và mất điều hòa. Có thể giảm thiểu các tác dụng này bằng bắt đầu điều trị với liều thấp. Buồn ngủ và rối loạn chức năng tiểu não và vận nhãn cũng là các triệu chứng của nồng độ carbamazepin quá cao trong huyết tương và có thể hết khi tiếp tục điều trị với liều thấp. Các tác dụng không mong muốn liên quan đến liều dùng thường tự hết trong một vài ngày hoặc sau khi tạm thời giảm liều. Khi bị các tác dụng không mong muốn nặng như phát ban đỏ toàn thân, phản ứng quá mẫn, có thể cần phải ngừng điều trị.

DS. Nguyễn Thị An

Theo Suckhoedoisong.vn

Những điều cần làm khi trẻ bị động kinh

Thông thường, khi thấy trẻ bị động kinh các bậc cha mẹ luôn cảm thấy lo sợ, quýnh quáng. Theo các chuyên gia sức khỏe, để đối phó với tình huống trẻ bị động kinh, phụ huynh hãy thực hiện theo một số lời khuyên dưới đây:

dongkinh

Ảnh minh họa: internet

Tiến sĩ Adam Hartman, một chuyên gia thần kinh và động kinh nhi khoa tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) cho biết, tất cả cơn động kinh xảy ra lần đầu tiên ở trẻ đòi hỏi phải được giám định y khoa và chăm sóc y tế khẩn cấp.

Trong các lần động kinh sau, các bậc cha mẹ không cần chăm sóc y tế khẩn cấp cho trẻ, ngoại trừ các trường hợp:

-Cơn động kinh kéo dài hơn năm phút.

-Cơn động kinh diễn biến một cách khác thường so với cơn động kinh trước.

-Một chuỗi cơn động kinh xảy ra liên tục cùng lúc; trẻ hôn mê vài phút sau cơn động kinh.

-Sau cơn động kinh môi và da trẻ trở nên xanh tái do thiếu oxy.

Tiến sĩ Hartman cho biết, các triệu chứng được liệt kê ở trên có nghĩa là trẻ đang bị động kinh với mức độ nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng, nên đòi hỏi phải điều trị cấp cứu.

Trong lúc trẻ bị động kinh, nên ghì cho trẻ nằm xuống (nhưng không được ôm trẻ quá chặt) và không nên để bất cứ vật gì vào miệng trẻ, vì có thể gây nghẹt, tắc đường thở của trẻ. Khi nằm, không nên đặt trẻ nằm ngửa, mà cho trẻ nằm nghiêng một bên và đặt một chiếc gối nhỏ dưới đầu.

Sau khi cơn động kinh kết thúc, cha mẹ hãy để trẻ nghỉ ngơi đồng thời kiểm tra và chữa trị các chấn thương nếu có. Không nên cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho đến khi trẻ hoàn toàn tỉnh táo. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ về thời điểm và khoảng thời gian từ khi cơn động kinh bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Ngoài ra, các bâc cha mẹ cần ghi lại nhật ký về diễn biến của tất cả cơn động kinh cũng như các vấn đề có thể gây ra các cơn động kinh ở trẻ như: tình trạng thiếu ngủ, sốt cao, bệnh tật và căng thẳng…

Tiến sĩ Hartman khuyến cáo: “Trẻ em thường có phản ứng khác nhau đối với những tình huống gây căng thẳng. Vì vậy, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần chú ý đến các yếu tố khiến trẻ bị động kinh và tránh để các tình huống này xảy ra với trẻ”.

Theo Tổ chức Động kinh Mỹ, động kinh là một thuật ngữ chuyên môn mô tả hơn 40 rối loạn co giật, ảnh hưởng đến gần 3 triệu người ở Mỹ. Trong số đó có hơn 320.000 trẻ em dưới 15 tuổi. Và có khoảng 45.000 trẻ em ở Mỹ bị động kinh mỗi năm .

Theo Phunuonline.com.vn

Móng giò lợn chữa được bệnh động kinh

Món ăn chữa bệnh động kinh bằng móng giò có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, an thần, thường dùng chữa bệnh động kinh.

Tôi nghe nói móng giò và tim lợn có thể chữa được bệnh động kinh nhưng không biết cách nấu món này. Mong tòa soạn giúp đỡ

– Nguyễn Thị Nguyệt (Phú Xuyên, Hà Nội).

gioheo

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Món ăn chữa bệnh động kinh bằng móng giò gồm móng giò 2 cái, tim lợn 1 quả, địa du tươi 30g. Móng giò làm sạch, chặt miếng, chần qua nước sôi; tim lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả đem hầm thật nhừ bằng lửa nhỏ, khi được chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Bổ khí, dưỡng huyết, an thần, thường dùng chữa bệnh động kinh.

Theo Kienthuc.net.vn

Nguyên nhân gây ra bệnh động kinh?

Ngày nay, dưới sự soi sáng của khoa học, người ta thấy rằng, động kinh là do sự rối loạn về phóng điện ở não.

Nguyên nhân gây ra bệnh động kinh? Hay lên cơn choáng, rùng mình rồi ngất có phải biểu hiện của động kinh? - Trần Anh Tuấn (Thái Nguyên).

nguyen-nhan-gay-ra-benh-dong-kinh

Ảnh minh họa.

BS Trịnh Bích Huyền, Viện Sức khoẻ Tâm thần T.Ư:

Ngày nay, dưới sự soi sáng của khoa học, người ta thấy rằng, động kinh là do sự rối loạn về phóng điện ở não. Bình thường não phóng ra những xung động điện với tần số khoảng 80 lần/giây.

Khi xung điện phóng ra với tần số khoảng 500 lần/giây dẫn đến có một điện thế bất thường ở trong não sẽ gây ra bệnh lý động kinh với những biểu hiện như thay đổi về cảm giác hoặc trạng thái ý thức của người bệnh, không thể kiểm soát được vận động của một phần hoặc toàn bộ cơ thể…

Động kinh có thể do nhiều căn nguyên khác nhau, do tổn thương ở não, do sự phát triển bất thường, và khoảng 3/4 trường hợp động kinh không biết được nguyên nhân. Để chẩn đoán chính xác chính xác căn bệnh này, cần đi khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần chứ không thể dựa vào một số dấu hiệu như bạn mô tả.

Theo Kieenthuc.net.vn

Xác định được gien liên quan đến bệnh động kinh

Các nhà khoa học vừa xác định một gien liên quan đến một dạng bệnh động kinh, có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh này, theo hãng tin AFP hôm nay 2.4.

Tác giả nghiên cứu Ingrid Scheffer tại Đại học Melbourne (Úc) nói rằng, một số loại gien liên quan đến động kinh không xa lạ đối với các nhà khoa học, nhưng chúng chỉ liên quan đến những gia đình thuộc dạng hiếm, vốn có nhiều thành viên cùng mắc bệnh này.

xac-dinh-duoc-gien-lien-quan-den-benh-dong-kinh

“Lý do mà khám phá mới rất quan trọng là vì nó không chỉ biểu hiện trong các gia đình thuộc dạng hiếm, mà còn là gien quan trọng đối với những người không có tiền sử gia đình”, bà Scheffer nhận định với AFP.

Cũng theo bà Scheffer, chẩn đoán lâm sàng không thể được tiến hành đối với động kinh nếu bệnh nhân không có biểu hiện lên cơn, nhưng phát hiện mới có thể hỗ trợ tư vấn về gien và chẩn đoán, đặc biệt trong những trường hợp trong não không có gì bất thường.

Bà Scheffer cho biết thêm: “Nó cũng quan trọng về tư vấn di truyền cho con cháu họ”. Điều này có nghĩa nếu được phát hiện có gien mới nói trên, nhiều người sẽ có thể đánh giá nguy cơ động kinh đối với con cháu họ.

Kết quả nghiên cứu trên được công bố sau khi các nhà khoa học dùng kỹ thuật phát hiện gien mới để tìm ra sự bất thường và đã phát hiện gien mới nói trên có ở 12% trong số 80 gia đình, với mỗi gia đình có ít nhất một thành viên bị động kinh.

Nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san Nature Genetics.

(Theo Thanhnien)

Bé nói nhiều, có hành vi lạ có phải bị động kinh?

Thưa bác sĩ,

Tôi có một người cháu trai hoc lớp 4, cháu thường xuyên nói nhiều, làm những hành động kỳ lạ, ngủ thì hay mằm mơ kinh khủng dẫn đến việc chay lung tung trong nhà, vừa chạy vừa la. Khi được 1 bác sĩ ở Cần Thơ khám thì nói cháu bị động kinh. Mong BS cho lời khuyên!(Hồng Hãn – tranho…@yahoo.com)

be-noi-nhieu-co-hanh-vi-la-co-phai-bi-dong-kinh

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo:

Chào bạn,

Theo AloBacsi bạn nên đưa bé đến BV Nhi Đồng khám chuyên khoa nội thần kinh, BS cần khám, đánh giá trực tiếp và loại trừ các bệnh lý sau:

- Rối loạn hành vi.

- Rối loạn giấc ngủ (mộng du).

- Sau đó mới nghĩ đến bệnh lý động kinh.

Bạn nên sắp xếp đưa bé đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp cho bé.

Thân mến!

(Theo Alobacsi)

Dấu hiệu chẩn đoán động kinh ở trẻ

 

Hỏi: Làm thế nào để chẩn đoán một đứa trẻ có bị động kinh hay không? Khi trẻ khóc, lên cơn co giật, gồng người tím tái… có phải là trẻ dấu hiệu không tốt cho sức khoẻ?

Lê Anh Thư (Thái Bình).


Ảnh minh họa.

BS Đinh Việt Hùng, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 trả lời: Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức và nhất thời của các tế bào thần kinh ở não.

Tỷ lệ người bị động kinh vào khoảng 0,5 – 0,7% dân số, tỷ lệ mắc hằng năm là 20 – 70 người trong 100.000 dân. Đa số động kinh xảy ra ở trẻ em (khoảng 50% số bệnh nhân động kinh dưới 10 tuổi và 75% số người động kinh dưới 20 tuổi).

Tỷ lệ động kinh ở nam và nữ tương đương nhau, có khoảng 10 – 25% bệnh động kinh có yếu tố gia đình.

Chẩn đoán động kinh trẻ em dựa trên cở sở lâm sàng và điện não. Về lâm sàng: Cơn xuất hiện đột ngột, cơn lặp lại giống nhau, ít nhất đã có hai cơn, trong cơn có rối loạn ý thức, mất định hướng và thường xảy ra trong đêm.

Về điện não: Ghi trong cơn có sóng động kinh điển. Trẻ khóc, lên cơn co giật, gồng người tím tái… là dấu hiệu không tốt cho sức khoẻ. Nhưng dấu hiệu đó chưa chắc là cơn động kinh.

Hạ canxi máu hay sốt cao cũng gây co giật. Nếu do hạ canxi máu, sẽ co các cơ ở bàn tay, xét nghiệm máu có hạ canxi. Nếu co giật do sốt cao, cơn hầu hết là cơn toàn thể (co giật toàn thân).

(Theo bee)

 

Có chữa được bệnh động kinh?

Từ khi còn nhỏ, em bị mắc bệnh động kinh. Em xin hỏi bệnh của em có chữa khỏi hẳn được không? Và khi lấy chồng có con, liệu có bị ảnh hưởng gì không?Phan Thị Lan (Phú Xuyên – Hà Nội)

Động kinh là bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau và phổ biến trong nhân dân, chủ yếu thường liên quan đến các bệnh thực thể não. Tuy nhiên có một số trường hợp người ta chưa rõ nguyên nhân, gọi là động kinh vô căn.

Các cơn co giật bắt nguồn từ thùy thái dương của não.Ảnh: TL

Việc điều trị động kinh là việc làm liên tục, lâu dài. Không phải bao giờ động kinh cũng có xu hướng tiến triển mạn tính. Nhiều trường hợp được điều trị hợp lý, tích cực bệnh đã tiến triển tốt và khỏi hoàn toàn. Điều đặc biệt lưu ý là khi dùng thuốc trị động kinh không được ngừng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì vì như thế bệnh sẽ tái phát trở lại và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Người bị động kinh nên tránh làm việc và ở gần những nơi nguy hiểm như: lửa, điện, nước.. và tránh bị căng thẳng thần kinh quá mức như: lo lắng, trầm cảm…

Thuốc chữa động kinh cũng có ảnh hưởng đến thai nghén nhưng nếu bạn được bác sĩ chuyên khoa theo dõi và điều trị thì có thể tránh được những ảnh hưởng khi mang thai. Vì vậy, trong quá trình điều trị bệnh động kinh, bạn nên tuân thủ mọi nguyên tắc điều trị của bác sĩ đã hướng dẫn; thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe định kì, nhất là khi lập gia đình và có thai để được bác sỹ chuyên khoa tư vấn và tránh mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)