Lưu trữ cho từ khóa: bé sơ sinh

8 điều cần biết về trẻ sơ sinh

Dù có chuẩn bị tinh thần kĩ càng đến đâu và hồi hộp chờ mong thế nào đi nữa thì việc bạn cảm thấy em bé sơ sinh của mình thật… xa lạ là một điều hết sức bình thường.

Dưới đây là một vài điều bạn cần biết về thành viên mới sinh ra trong gia đình mình để hiểu bé hơn.

1. Bé sơ sinh có thể nhìn rất… buồn cười

Đầu của bé sơ sinh có thể hơi bị méo sau một quá trình sinh nở kéo dài đầy vất vả hay lớp lông tơ phủ khắp người bé cũng là điều khiến mẹ cảm thấy lạ lùng. Khuôn mặt của một số bé có thể còn hơi sưng và mắt thì luôn nhắm (thậm chí có rỉ mắt)… Tất cả những điều đó là hoàn toàn bình thường và bé sẽ rất nhanh chóng có những thay đổi khiến bạn ngạc nhiên.

Cho đến lúc đó, để vượt qua sự mệt mỏi và biến động về tình cảm, bạn phải nhớ điều này: những nỗ lực của bạn về em bé trong những ngày đầu sẽ không uổng phí.  Khi được cha mẹ vỗ về, bé sẽ cảm thấy mình được gắn kết và thương yêu.

2. Thóp đỉnh đầu con không phải là “vùng cấm”

Nhiều bà mẹ rất sợ chỗ thóp của con đến mức không dám chải tóc cho con qua chỗ đó. Thế nhưng, bạn không cần phải lo lắng, việc chạm vào thóp và tóc ở gần đó sẽ không gây ra vấn đề gì cả. Chỗ thóp này có thể rung đập vì nó nằm trực tiếp trên mạch máu che phủ não.

3. Bé sẽ cho bạn biết khi nào ăn no

Trẻ con cần ăn hai đến ba lần mỗi giờ – nhưng nếu bạn đang cho con bú, sẽ rất khó để biết được con đã đủ lượng sữa chưa. Các bác sĩ cho biết trọng lượng của em bé chính là chỉ số tốt nhất trong những ngày đầu của bé. Một bé sơ sinh mất 5-8% trọng lượng của mình trong tuần đầu tiên nhưng sẽ lấy lại cân nặng ở tuần thứ hai. Việc đếm số lần đi tiểu cũng có thể giúp bạn đo tính: lịch trình của bé trong năm ngày đầu tiên là khá lộn xộn, nhưng sau đó, bạn sẽ thấy bé đi tiểu 5-6 lần một ngày, và ít nhất một hoặc hai lần đại tiện.

4. Da khô là một “tiêu chuẩn” của bé sơ sinh

Ban đầu, da bé của bạn sẽ mềm, mịn, nhưng sẽ thay đổi nhanh chóng. Hãy tưởng tượng bé ngâm trong chất lỏng suốt chín tháng, và sau đó tiếp xúc với không khí, chắc chắn da bé sẽ bị khô!. Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì để hạn chế, vì nó thường tự bong ra. Nhưng nếu bạn quá lo lắng, bạn có thể dùng dưỡng thể trẻ em  không gây dị ứng, không có chất tạo hương để cải thiện làn da.

8-dieu-can-biet-ve-tre-so-sinh

5. Đừng giấu bé trong nhà

Hãy cho bé ra ngoài trời thay vì giữ khư khư bé trong nhà. Nhưng nhớ giữ bé tránh khỏi ánh nắng mặt trời, tránh những người bị bệnh, và những không gian chật hẹp và đông đúc (như trung tâm mua sắm trong những ngày nghỉ). Ngoài ra, bạn có thể dạy đứa lớn (nếu có) cách chạm vào bàn chân của em thay vì tay và mặt, điều này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh tật.

6. Trẻ khóc rất nhiều – đó là cách trẻ giao tiếp

Những tiếng kêu rền rĩ thét to của bé sẽ cho bạn biết bé đang đói, đang lạnh, muốn thay tã bẩn, hay muốn được bế. Những “cuộc hội thoại” đầu tiên này có thể gây bực bội, nhưng yên tâm, qua thời gian, bạn sẽ biết cách xử lý tốt hơn về những gì bé muốn.

7. Bé sơ sinh ngủ rất nhiều

Ba tháng đầu tiên có chút khác biệt khi bé cần ăn 2-3 giờ mỗi lần, do đó bé sẽ không ngủ nhiều. “Nhưng sau 3 tháng tuổi, hầu hết bé sơ sinh có thể ngủ trừ 6 đến 8 tiếng liền. Trong thời gian đó, cố gắng tạo lịch ngủ ngày và đêm cố định cho bé: không để con ngủ nhiều hơn ba giờ mà không đánh thức giấc con dậy để ăn; vào ban đêm để cho con ngủ thoải mái vì con đang lấy lại cân nặng bị giảm khi sinh.

8-dieu-can-biet-ve-tre-so-sinh

8. Giai đoạn sơ sinh sẽ trôi qua nhanh

Căng thẳng, mệt mỏi, và cô đơn? Những ngày đầu bé chào đời thật khó khăn. Nhưng tất cả sẽ sớm được để lại phía sau. Và trải nghiệm giai đoạn sơ sinh ấy vẫn luôn là một trải nghiệm chăm sóc con cái mà mọi bà mẹ thường ghi nhớ.

Theo Ngọc Dung/Afamily.vn

8 dấu hiệu bé sơ sinh đang bị ốm

Trẻ sơ sinh có rất nhiều vấn đề khiến bố mẹ băn khoăn, lo lắng. Dưới dây là 8 dấu hiệu cho thấy bé dưới 6 tháng tuổi đang bị ốm và những gợi ý cần thiết cho bố mẹ.

1. Sốt

Sốt không phải là một bệnh mà là phản ứng của em bé với một bệnh nào đó mà phổ biến nhất là với nhiễm trùng. Hãy gọi bác sỹ trong trường hợp trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt lên đến 38 độ C, hoặc đối với trẻ từ 3-6 tháng tuổi mà sốt lên đến 38,5 độ C. Đối với những trường hợp chưa sốt đến mức nhiệt này nhưng thấy cơ thể có các dấu hiệu như phát ban, khó chịu, kém ăn, khó thở, nôn liên tục, mất nước, tiêu chảy hoặc hôn mê thì cần gọi bác sỹ ngay lập tức.

Mother kissing newborn

Hãy gọi bác sỹ trong trường hợp trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt lên đến 38 độ C. Ảnh minh họa: Internet

2. Mất nước

Mất nước có thể xảy ra trong tình trạng các bé ăn kém, sốt hoặc ở trong môi trường quá ấm, nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài. Bạn có thể nhận thấy tình trạng thiếu nước nếu bé bị khô miệng và nướu, đi tiểu ít hơn thường xuyên, không có nước mắt khi khóc hoặc thóp có vẻ hơi chìm.

3. Tiêu chảy

Tiêu chảy thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, nhưng hãy đưa bé đến gặp bác sỹ ngay trong trường trong phân có máu (máu có thể màu đỏ tươi hoặc nghiêm trọng hơn là màu đen).

4. Nôn mửa

Trẻ sơ sinh thường hay bị nôn trớ nhưng nếu bị nôn mửa thường xuyên thì lại là dấu hiệu đáng lo lắng. Nôn mửa có thể không quá nghiêm trọng nếu chỉ xảy ra một, hai lần. Tuy nhiên, nếu bé thường xuyên nôn mửa, hoặc có máu khi nôn, dung dịch nôn ra có màu xanh lá cây, và thấy bé mất nước thì cần đưa ngay đến bệnh viện để khám.

8-dau-hieu-be-so-sinh-dang-bi-om

Bị khò khè khi thở ra là dấu hiệu cho thấy bé bị khó thở . Ảnh minh họa: Internet

5. Khó thở

Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, các mẹ cần đưa con ngay tới bác sỹ. Dấu hiệu để nhận biết khó thở:

- Trẻ thở nhanh hơn so với mức bình thường

– Mô giữa các xương sườn, phía trên xương cổ, hoặc ở vùng bụng bị thụt vào sâu khi trẻ hít vào.

– Trẻ bị khò khè khi thở ra

– Đầu của trẻ nhấp nhô

– Môi hoặc da của trẻ có màu hơi xanh.

6. Một số bộ phận nổi đỏ, chảy nước hoặc chảy máu

Nếu rốn của trẻ (hoặc phần dây rốn còn sót lại), dương vật chuyển sang màu đỏ, đang chảy nước hoặc chảy máu, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức. Đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng.

7. Phát ban

Phát ban thường xảy ra phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên hãy gọi bác sĩ nếu phát ban lan trên một khu vực rộng trên cơ thể, đặc biệt là trên mặt, hoặc phát ban kèm theo sốt, chảy máu hoặc sưng tấy.

8. Cảm lạnh

Viêm đường hô hấp trên (URI) là do virus gây ra và rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh thường kéo dài một hoặc hai tuần kèm theo chảy nước mũi, sốt và chán ăn trong một vài ngày, ho có thể kéo dài 2-3 tuần.

Dấu hiệu cần gọi bác sỹ:

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt 38 độ C, và trẻ từ 3-6 tháng tuổi sốt trên 38,5 độ C

– Có dấu hiệu phát ban và khó thở như ở trên

– Có dấu hiệu bất thường, thường xuyên quấy khóc

– Ho nặng tiếng, không ngừng nghỉ và có thể ho ra máu

– Nôn mửa

– Các triệu chứng trên kéo dài hơn hai tuần.

Cuối cùng, trong các trường hợp, nếu bạn cảm thấy bất an, hãy tin vào bản năng của mình và gọi ngay cho bác sỹ.

Theo Yeutretho.com

Thúc đẩy sự phát triển 5 giác quan của bé sơ sinh

Khi hiểu về 5 giác quan của bé sơ sinh, bạn có thể giúp thúc đẩy sự phát triển các cơ quan cảm giác này bằng những cách làm phù hợp.

1. Xúc giác

Da được coi là cơ quan xúc giác, trong đó da ở miệng và tay của bé là bộ phận nhạy cảm nhất. Theo các nhà khoa học, bé sơ sinh có thể cảm nhận được nhiệt độ nóng và lạnh hay cảm giác đau. Vì vậy, bạn không nên quấn bé trong chăn ủ hoặc mang găng tay cả ngày mà hãy để tay, chân bé được tự do chuyển động càng nhiều càng tốt để cảm nhận được thế giới bên ngoài.

thuc-day-su-phat-trien-5-giac-quan-cua-be-so-sinh

Đồng thời, bạn nên cho bé chạm vào một số đồ vật như khăn tắm, đồ chơi nhồi bông, gậy gỗ, thanh kim loại… để kích thích làn da và bàn tay bé. Trong độ tuổi sơ sinh, có thể bé sẽ thích mút tay. Đây là một cách để bé khám phá thế giới xung quanh và cũng là cách bé tìm kiếm sự an ủi. Thay vì cấm đoán bé làm “công việc” yêu thích đó, bạn chỉ cần bảo đảm rằng tay bé luôn sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh là được.

2. Vị giác

Thông thường, các bé sơ sinh bẩm sinh đã có vị giác rất tốt. Bé thích vị ngọt và không có mấy cảm tình với vị đắng, mặn và chua. Tuy vậy, theo thời gian, cần cho bé tiếp xúc với nhiều vị khác nhau để “bộ nhớ” của bé về các vị trở nên phong phú. Không nên quá nuông chiều và nuôi dưỡng sở thích hảo ngọt của bé sơ sinh, nếu không sau này bé vẫn sẽ không thích và không cảm nhận được các hương vị khác.

3. Thị giác

Bé sơ sinh thích nhìn hình có họa tiết mang màu sắc tương phản đặt cạnh nhau (ví dụ: quả bóng có sọc đen trắng); hình có nội dung phong phú, phức tạp (ví dụ: gương mặt người xung quanh) và bé đặc biệt thích màu đỏ.

Bé có thể nhìn được người hoặc đồ vật ở cách mắt khoảng 20 cm, ở quá gần hay quá xa mắt, bé đều không nhìn thấy rõ. Bên cạnh đó, bé sơ sinh còn có khả năng ghi nhớ đồ vật mình đã nhìn thấy, vì thế bạn cần liên tục “đổi mới” đồ vật trước mắt bé để duy trì “hứng thú” nhìn của bé nhằm kích thích thị giác phát triển.

thuc-day-su-phat-trien-5-giac-quan-cua-be-so-sinh

4. Thính giác

Bé sơ sinh không những đã biết lắng nghe âm thanh mà còn có thể định hướng âm thanh phát ra từ đâu. Điều đó cho thấy ngay từ khi sinh ra, các dây thần kinh thính giác và thị giác đã hoàn thành quá trình “kết nối” với nhau.

Trong giai đoạn sơ sinh, bé thường thích nghe giọng nói của mẹ và những âm thanh mềm mại, dịu nhẹ, đồng thời “cự tuyệt” với những tiếng ồn, âm thanh huyên náo. Vì vậy, bạn nên “tranh thủ” giai đoạn này để “thủ thỉ” thật nhiều với bé và cho bé nghe những giai điệu trữ tình, nhẹ nhàng.

5. Khứu giác

Khi mới lọt lòng, bé sơ sinh đã có thể phân biệt giữa các mùi khác nhau. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi sau vài ngày bú mẹ, bé hoàn toàn có khả năng nhận biết đâu là mùi hương của cơ thể mẹ và tỏ ra rất hứng thú với mùi thơm từ sữa mẹ của bé.

Bạn nên cho bé ngửi nhiều mùi hương khác nhau để kích thích khứu giác của bé phát triển, phân biệt được nhiều loại mùi hơn nữa.

Theo Afamily.vn

7 điều phải có ở bé sơ sinh khỏe mạnh

Mẹ nên ghi nhớ những “chuẩn” của bé sơ sinh mới chào đời này để đối chiếu với con mình.

Khi nằm trong bụng mẹ, bé hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ nhưng khi được đẻ ra, bé đã trở thành một cá thể độc lập. Tuy nhiên, cơ thể bé vẫn còn vô cùng non nớt, các chức năng hoạt động của các cơ quan nội tạng chưa trưởng thành vì vậy bé rất dễ suy yếu và thậm chí dẫn đến tử vong.

Sức khỏe thể chất và tinh thần của em bé sau khi lớn lên sẽ phát triển như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự theo dõi, chăm sóc của gia đình đặc biệt là người mẹ trong những giờ phút đầu tiên và tháng đầu sau sinh.

Dưới đây là 1 số đặc biệt bà mẹ cần biết để theo dõi sự phát triển của trẻ trong ngày đầu sau khi sinh:

1. Cơ sở nhận biết trẻ sơ sinh khỏe mạnh

Cân nặng trung bình 2,8 -3,0 kg

Khi đẻ ra, bé khóc to, thở đều.

Da dẻ hồng hào, ấm.

Trẻ biết ngậm ngay đầu vú và bú khi được mẹ cho bú lần đầu tiên.

2. Hạ thân nhiệt sinh lý

Khi bé nằm trong tử cung của mẹ trong trường hợp mẹ bị sốt thì con cũng bị sốt bởi vì bình thường thai nhi đã có thân nhiệt cao hơn nhiệt độ cơ thể của mẹ.

Sau khi chào đời, thân nhiệt của bé sẽ giảm dần, trong vòng 2-3 tiếng bé chỉ còn 36-36,5 độ C. Nếu bà mẹ theo dõi thấy thân nhiệt của con hạ thấp hơn, kết hợp triệu chứng li bì, không chịu bú mẹ thì đây chính là dấu hiệu nguy hiểm.

Nếu trẻ sinh non thì có dấu hiệu da căng, phù, tím bầm. Việc hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có thể cướp đi tính mạng của bé một cách nhanh chóng.

7-dieu-phai-co-o-be-so-sinh-khoe-manh

Trẻ sau sinh sẽ hạ nhiệt tự nhiên (ảnh minh họa)

3. Thở nhanh

Sau khi đẻ ra ngoài khoảng 10-20 giây bé sẽ có những nhịp thở đầu tiên. Đầu tiên, em bé sẽ hít đầy không khí, sau đó thở mạnh ra, không khí đi qua khe thanh quản tạo nên tiếng khóc đầu tiên của bé.

Tiếp sau đó, bé thở đều với nhịp 40-60 lần/phút, tức là nhanh gấp đôi so với nhịp thở của người lớn vì bố mẹ của bé chỉ thở 16-20 lần/phút.

4. Sụt cân

Trẻ mới đẻ ra sẽ sút cân trong tuần đẩu tiên vì mất đi lượng phân xu và tiêu bướu huyết ở đầu. Lượng cân nặng mất đi tối đa không quá 10% cân nặng khi vừa sinh. Sau giai đoạn này, bé bắt đầu tăng cân dần và nhanh. 6 tháng sau sinh bé sẽ nặng gấp đôi lúc mới sinh.

5. Vàng da sinh lý

Kể từ ngày thứ 3 sau sinh, bé sẽ xuất hiện triệu chứng da vàng, mỗi ngày tăng một chút và 6-7 ngày sau sẽ bớt dần, màu da của bé trở lại bình thường. Trong thời điểm bé bị vàng da sinh lý các vận động khác của bé vẫn diễn ra, nếu vàng da nhanh, đậm, bé bỏ bú và quấy khóc, kết hợp với hiện tượng co giật thì cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và theo dõi.

6. Ngủ nhiều

Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, có khi gần hết thời gian trong một ngày trong những tuần đầu sau khi sinh. Thông thường, bé chỉ thức giấc khi cần bú mẹ hoặc người bị ẩm ướt do đi vệ sinh chưa được mẹ lau chùi.

7. Vệ sinh

Từ 4 -6 tiếng sau khi bé ra đời sẽ đại tiện ra phân xu, có màu nâu đen, quánh, không mùi. Bé đi phân xu chỉ khoảng 2 ngày đầu, có bé hết ngay trong ngày đầu tiên và sau đó đi phân sữa, màu vàng, nhão, mùi chua. Nếu mẹ nhận thấy bé “ị” nhưng ra nhiều nước, đi tóe ra, đồng thời trong phân lổn nhổn các hạt màu vàng và màu xanh thì có nghĩa bé đã bị tiêu chảy.

12 tiếng sau khi đại tiện lần đầu thì bé cũng “đi tè” lần đầu. Nếu mẹ theo dõi chưa thấy bé đi vệ sinh trong khoảng thời gian này cần thông báo cho bác sĩ để kiểm tra các vấn đề bất thường của trẻ.

Bé sẽ đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, mẹ cần học cách nhận biết tiếng khóc hoặc kiểm tra tã của bé để thay nhanh chóng tránh việc hăm kẽ hoặc nhiễm lạnh.

Theo Khampha.vn

Cách trị mụn cho trẻ sơ sinh

Phải làm gì khi bé sơ sinh bị mụn? Sau đây là câu trả lời từ chuyên gia y tế.

MỤN SỮA:

Sau sinh khoảng 1 tuần, trẻ sơ sinh thường bị nổi mụn sữa gồm những nốt nhỏ li ti trên trán, mặt, tay, chân. Nguyên nhân là do ở trẻ, hormone nhận được từ mẹ hoặc do phì đại tuyến bã. Mụn sẽ tự khỏi trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Không nên đắp lá hoặc kiêng tắm cho bé vì có thể làm cho tình trạng viêm da phát sinh. Nếu sau 3 tháng, mụn của bé không tự khỏi thì nên cho bé khám da liễu.

MỤN CÓ VẨY ĐỎ:

Nếu sau sinh bé có những nốt đỏ, ngứa ngáy, da khô, rò rỉ nước hoặc có vảy xuất hiện thì có thể bé bị viêm da thể tạng. Viêm da thể tạng ở trẻ là do hệ miễn dịch của bé kém, tiền sử cha, mẹ mắc bệnh. Trong trường hợp này, bé phải được giữ vệ sinh sạch sẽ, điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng bệnh nặng thêm.

RÔM SẢY:

Là cách gọi của dân gian khi bé bị viêm da. Nguyên nhân có thể do bé bị nóng, da bị trầy xước. Các nốt rôm sảy thường xuất hiện ở những vùng da hay có mồ hôi như trán, lưng, cổ, ngực. Rôm sảy thường có ngày nóng, mùa hè nhưng cũng có thể có cả vào mùa đông khi bé bị nóng, sốt, mặc quần áo chật. Những nốt rôm sảy sẽ hết khi cơ thể bé sạch sẽ, thoáng mát. Nhưng cũng có thể gây bội nhiễm nếu bé gãi làm vỡ các mụn rôm sảy và làm lan rộng. Khi bé bị rôm sảy, có thể tắm cho bé bằng các loại lá mướp đắng, lá khế, chanh làm mát da bé. Nới lỏng quần áo cho bé. Tình trạng nặng khiến bé quấy khóc, nóng sốt phải đưa đến bác sĩ để điều trị nhiễm trùng.

L.T

Nguồn: http://www.baobariavungtau.com.vn/vn/yte/97814/index.brvt

Cách mặc quần áo cho bé sơ sinh

Chọn quần áo nào cho bé, mặc sao để bé cảm thấy thoải mái là những vấn đề tuy nhỏ nhưng không ít mẹ còn lúng túng.

Lúc đầu có thể các bà mẹ trẻ còn lúng túng, vụng về với việc mặc quần áo cho em bé. Nhưng rồi các mẹ cũng sẽ làm thuần thục thôi nếu tuân thủ theo những lưu ý sau:

- Hãy thao tác thật nhanh chóng và gọn gàng để bé không cảm thấy khó chịu và quấy khóc.

- Vì đầu của trẻ sơ sinh vẫn còn rất yếu nên các mẹ phải thật cẩn thận khi nâng đỡ đầu con trong quá trình thay áo nhé.

- Các mẹ nhớ kéo căng cổ áo khi đưa áo chui qua đầu con để không bị chạm vào mặt bé. Mẹ hãy đỡ cổ bé bằng 1 tay và lột chiếc áo qua đầu bé. Việc làm này nghe có vẻ phức tạp và hơi sợ nhưng khi đã thuần thục thì mẹ chỉ cần thao tác trong vòng 2 giây là xong rồi.

- Cởi áo ở vùng cánh tay bạn cũng thực hiện tương tự như vậy. Giữ lỗ xỏ cánh tay áo càng rộng càng tốt, sau đó kéo tay áo lên và luồn tay của bé qua đó rồi kéo xuống. Tay còn lại cũng làm tương tự như vậy.

- Mẹ nên nhớ phải luôn thay đồ cho bé trên một mặt phẳng không trơn trượt vì như vậy sẽ không làm bé té ngã mà bạn cũng rảnh tay hơn để thao tác những việc khác.

- Thông thường thì các bé sẽ khóc khi bị mẹ cởi đồ vì bé rất ghét cảm giác bị lột trần nhưng các mẹ đừng lo, hãy thao tác thật nhanh và sau khi mặc quần áo vào bé sẽ cảm thấy thoải mái ngay thôi.

cach-mac-quan-ao-cho-be-so-sinh

Và các mẹ nên tránh 4 lỗi sau khi mặc quần áo cho bé:

1. Mặc quá nhiều quần áo

Nhiều mẹ vì cứ nghĩ bé mới sinh ra sẽ lạnh nên mặc cho bé rất nhiều quần áo. Điều này sẽ làm cho bé cảm thấy khó chịu và việc hô hấp cũng trở nên khó khăn

Để bé không bị lạnh, mẹ hãy tăng nhiệt độ phòng ở mức phù hợp để bé cảm thấy thoải mái nhất.

2. Mặc quần quần áo sặc sỡ

Trẻ con mặc quần áo sặc sỡ quả thật trông rất đáng yêu nhưng đằng sau vẻ dễ thương đó lại tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Vì những bộ quần áo có màu sắc quá sặc sỡ thì thuốc nhuộm từ vải có thể sẽ khiến trẻ bị kích ứng da, viêm da và nhiều vấn đề khác do da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm.

Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ không nên cho bé mặc những bộ quần áo quá nhiều màu sắc, hãy chọn những bộ có màu đơn giản nhưng chất liệu thoáng là được.

3. Thường xuyên mặc đồ rời

Các bé rất hay tè dầm và để thuận tiện cho việc thay, nhiều mẹ thường xuyên cho con mặc những bộ áo rời quần. Như vậy bụng của trẻ rất hay bị lạnh, rốn của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lẽ đây là bộ phận cần được giữ ấm và có sự chăm sóc đặc biệt.

Vì vậy lời khuyên cho mẹ là hãy cho bé mặc những bộ đồ cả người, hay còn gọi là bộ đồ body.

4. Để băng phiến trong tủ quần áo của con

Nhiều mẹ vẫn nghĩ rằng đặt băng phiến trong tủ quần áo của con sẽ đuổi được côn trùng, giúp quần áo của con được sạch sẽ, an toàn khi mặc. Điều này là hoàn toàn không nên vì trên thị trường hiện nay nhiều loại băng phiến có chứa naphthalene và naphthol dẫn xuất. Chất này ảnh hưởng tới quá trình oxi hóa khử hồng cầu, phá hủy màng tế bào và gây ra bệnh thiếu máu cấp tính. Hiện tượng này phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh, trong những trường hợp nghiêm trọng, bé sẽ bị tình trạng thiếu máu và vàng da sinh lý kéo dài.

(Theo Afamily)

Lưu ý “quan trọng” khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Nếu bé không tăng cân, không đi vệ sinh đều đặn, ngủ nhiều, quấy khóc, bỏ bú, chất thải của bé đôi khi quá rắn hay quá lỏng… bạn nên đưa con đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Cho con bú mẹ theo “nhu cầu”

Hầu hết các trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên khi chào đời đều có nhu cầu được bú mẹ từ 8 – 12 lần/ngày với khoảng thời gian trung bình từ 2 -3 tiếng/ lần.

2- 3 tháng tuổi tiếp ngay sau đó, số lần trẻ cần bú có thể giảm xuống, dần dần số lần bú cũng sẽ giảm đi tỷ lệ nghịch với sự phát triển từng ngày của bé, điều này có nghĩa là trẻ càng lớn thì số lần bú sẽ càng giảm đi, nhưng lượng sữa mỗi lần trẻ bú lại tăng lên.

Bên cạnh nguồn sữa mẹ thiêng liêng, bạn cũng có thể bổ sung cho bé thêm các loại sữa bột ăn ngoài. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một điều rằng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con.

Bên cạnh đó, bạn phải quên ngay chuyện cho con bú theo đồng hồ và “dạy con theo khuôn khổ ngay từ tấm bé, kể cả nết ăn”. Nếu bé được bú theo đúng nhu cầu, bé sẽ tăng cân một cách tự nhiên, tốt nhất.

tre-so-sinh
(Ảnh minh họa)

Lưu ý cho mẹ:  mẹ nên cho bé bú sớm trong vòng 30 phút đầu ra đời khi sinh thường và sau một giờ khi sinh mổ. Điều này giúp bé được tận hưởng nguồn sữa non tuyệt vời của mẹ.

Trẻ bú nhiều thì mẹ càng được tạo sữa nhiều, cha mẹ nên tin tưởng rằng bé “ăn là đói và dừng nghĩa là no”.

Bổ sung vitamin D hợp lý và đúng cách

Vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển xương, tăng trưởng chiều cao, củng cố hệ miễn dịch cho cơ thể của bé. Nhóm bé bú mẹ liên tục (nhất là khi mẹ thiếu hụt vitamin D) và nhóm bé hầu như không được tắm nắng (lại không được bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin D) rất dễ bị còi xương.

Nếu vậy, bạn cần đưa bé đi khám và xin ý kiến của bác sĩ.

Phơi nắng

Những ngày ấm áp, bạn nên cho trẻ phơi nắng buổi sáng thường xuyên mỗi ngày, thời gian phơi nắng khoảng 15 – 20 phút và nên phơi trước 9 giờ sáng. Phơi nắng qua cửa kính tác dụng sẽ như không bởi như vậy trẻ sẽ không nhận được vitamin D từ nắng.

Để ý tới từng dấu hiệu nhỏ của bé

Nếu bé không tăng cân, không đi vệ sinh đều đặn, ngủ nhiều, quấy khóc, bỏ bú, chất thải của bé đôi khi quá rắn hay quá lỏng… Đó là những biểu hiện bất thường, khi đó bạn không nên chần chừ mà hãy đưa con đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Để ý tới lịch tiêm chủng cho con

Ngay từ lúc mới sinh ra đời, bé đã phải chích ngừa, từ 2 tháng trở đi sẽ có từng đợt tiêm phòng cần thiết. Trẻ cần được thăm khám đầy đủ với mục tiêu sàng lọc bệnh trước khi quyết định tiêm phòng. Cha mẹ cần để ý và sát sao với lịch tiêm của con. Tiêm chủng là việc vô cùng quan trọng cho sức khỏe con.

Phòng bé phải được bố trí hợp lý

Phòng bé ở phải thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh. Phòng phải được bố trí nhiều cửa sổ, cha mẹ cần đảm bảo ánh sáng tốt cho con.

Nhiệt độ nơi bé nằm phải bảo đảm duy trì thân nhiệt của trẻ ở mức bình thường. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, cần giữ ấm trẻ khi trời lạnh như hiện nay và cho trẻ nằm nơi thoáng mát khi thời tiết nóng.

Mát-xa thường xuyên cho bé

Mát-xa là một việc làm cực kỳ có ích cho sự phát triển toàn diện của bé. Mát-xa hàng ngày sẽ tạo nên mối quan hệ sâu sắc hơn về tình mẹ con. Việc trò chuyện tâm sự của người mẹ trong lúc mát-xa sẽ giúp bé tích lũy dần vốn ngôn ngữ.

Bé được mát-xa thường xuyên sẽ có thân hình săn chắc, dẻo dai, mạnh khỏe hơn. Mát-xa vùng bụng giúp bé tiêu hóa tốt hơn, đẩy lùi các chứng rối loạn tiêu hóa hay trướng bụng thường gặp ở trẻ.

Mát-xa vùng đầu giúp bé thoải mái, minh mẫn, mát-xa tay, chân giúp bé giảm mệt mỏi, ngủ ngon, ăn tốt…

Mát-xa giúp loại bỏ các độc tố trong người, giúp bé khỏe mạnh hơn vì làm tăng khả năng bài tiết và quá trình trao đổi chất thông qua làn da bé. Mát xa thường xuyên giúp da bé mềm mại, giàu sức sống. Bé cũng không phải đối mặt với những vấn đề về da như bị nổi mẩn đỏ, khô da.

(Theo Afamily)

Bé sơ sinh ngủ 20 tiếng mỗi ngày có bình thường không?

Con tôi mới 2 tuần tuổi, cháu ngủ rất nhiều, khoảng 20 tiếng một ngày. Cháu ngủ đến quên cả bú, nhiều lúc tôi phải đánh thức để cho bú.

Không biết bé ngủ nhiều như vậy có bình thường không, thưa bác sĩ?Nguyễn Thị Hạnh(Bắc Ninh)

Giấc ngủ là rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí não của trẻ, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Mỗi em bé cần một số giờ ngủ khác nhau tùy thuộc vào thói quen và tháng tuổi của trẻ.

Trẻ sơ sinh cần phải được ngủ ít nhất 16 giờ mỗi ngày hoặc hơn số giờ trung bình trên.Và cũng giống như giấc ngủ của tất cả mọi người, giấc ngủ của trẻ sơ sinh cũng có những giai đoạn như: buồn ngủ, giấc ngủ nông, giấc ngủ sâu và ngủ rất sâu. Ban đầu, khi mới ra đời, trẻ sẽ luôn có những giấc ngủ ngắn khoảng 3-4 giờ và sau đó sẽ là giờ bú sữa.

Trong thời gian sau sinh này, các bác sĩ nhi khoa vẫn khuyến khích và đề nghị các bà mẹ không nên để một trẻ sơ sinh ngủ quá lâu mà không cho ăn. Nếu trẻ say sưa ngủ quá lâu, thì cứ khoảng 3-4 giờ, các bà mẹ có thể đánh thức trẻ dậy và cho trẻ bú.

Và lời khuyên đưa ra của các nhà chuyên môn đối với trường hợp bé sơ sinh ngủ quá nhiều là: Nếu bé vẫn ngoan, ăn ngủ bình thường thì không có gì phải lo lắng. Hãy đánh thức trẻ sau những giấc ngủ từ 3-4 giờ và cho bú đầy đủ theo nhu cầu của trẻ.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Quảng Bình: Mổ lấy thai thành công một bé sơ sinh nặng 5,3kg

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) vừa mổ lấy thai thành công một cháu bé sơ sinh nặng 5,3kg, là trường hợp nặng cân nhất từ trước đến nay tại bệnh viện này.

Sự việc xảy ra sáng 3/8. Sau khi được mổ đẻ, vì quá khổ nên cháu bé có dấu hiệu hạ đường huyết, các bác sĩ đã phải chuyển sang khu vực chăm sóc đặc biệt và truyền đường cho cháu.

Em bé nặng 5,3 kg đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình). Chưa đầy 1 tháng trước, cơ sở này cũng có trường hợp bé nặng 5,2 kg. Ảnh: Long Nhật.

Thạc sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, bác sĩ điều trị khoa sơ sinh bệnh lý, cho biết "những cháu bé nặng cân thế này thường có nguy cơ rối loạn các chức năng tim mạch, hô hấp, hạ đường huyết vì vậy chúng tôi phải theo dõi và chăm sóc đặc biệt".

Sản phụ là Hoàng Thị Nguyệt, 35 tuổi, trú tại phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới cho biết trong quá trình mang thai chị ăn uống bình thường, tăng cân ít, và không mắc bệnh lý gì. Đây là đứa con thứ 2 của chị, cháu trước sinh bình thường.

Cách đây gần 1 tháng tại bệnh viện này cũng có trường hợp bé sơ sinh nặng 5,2 kg.

(Theo VNE)

Bí quyết giúp đẩy lùi những bệnh thường gặp ở trẻ

Trẻ nhỏ rất dễ bị mắc bệnh trong vòng 1 năm đầu đời. Hãy tham khảo một số bí quyết dưới đây để đẩy lùi những bệnh thường gặp ở trẻ.

Bí quyết giúp đẩy lùi những bệnh thường gặp ở trẻ

Đau bụng

Đau bụng có thể xuất hiện ở trẻ trong vòng từ 1-3 tuần sau khi sinh và có thể kéo dài tới 4 tháng. Để đối phó với vấn đề này trước hết bạn hãy xoa nhẹ nhàng quanh bụng bé, sau đó bế bé lên và áp nhẹ vào bụng bạn. Hơi ấm bé cảm nhận được từ bạn sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Mụn sữa

Nếu như những trẻ ở độ tuổi dậy thì thường bị mụn trứng cá thì trẻ nhỏ lại thường bị mụn sữa. Nếu bé yêu của bạn bị mụn sữa thì hãy vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng nước ấm. Bạn không cần dùng thuốc và cũng không phải quá lo lắng vì mụn sữa sẽ tự hết sau vài tuần.

Khô da

Bé đã quen với môi trường nước trong nhiều tháng vì vậy chúng có thể bị tróc da sau khi sinh. Tình trạng khô da có thể xảy ra ở toàn cơ thể. Song đừng bóc những vảy đó vì chúng sẽ tự bong. Dùng khăn và nhẹ nhàng lau lên da bé hàng ngày và sử dụng kem dưỡng ẩm tự nhiên không mùi.

Cặn sữa

Cặn sữa có thể tích tụ ở lưỡi bé và trông như lớp váng sữa dày. Sử dụng dụng cụ tưa lưỡi hoặc khăn xô mỏng để vệ sinh lưỡi cho trẻ bằng nước ấm.

Cứt trâu

Chúng trông giống như những mảng gàu dày bám vào da đầu bé. Để đối phó tình trạng này bạn có thể xoa nhẹ lên đầu bé một chút dầu ôliu trước khi tắm cho bé. Nó sẽ có tác dụng làm mềm lớp gàu. Sau đó bạn gội đầu cho bé bằng xà phòng riêng và dùng lược mềm dành cho trẻ em chải nhẹ lên đầu bé. Hãy kiên trì thực hiện hàng ngày vì có thể phải mất thời gian để điều trị dứt điểm hiện tượng cứt trâu.

Hăm tã

Hăm tã sẽ khiến bé cảm thấy rất khó chịu vì vậy luôn lưu ý giữ cho phần dưới của bé được thoáng mát. Nếu có thể hãy để bé nằm trên một chiếc đệm không thấm nước, cởi bỏ tã để bé bớt khó chịu. Bạn cũng nên vệ sinh cho bé 3 lần/ngày bằng nước ấm và lau khô bằng khăn cotton sau đó sử dụng kem chống hăm.

Chàm

Nếu bé nhà bạn bị chàm thì bạn nên cho bé khám bác sĩ vì có nhiều nguyên nhân có thể khiến bé bị chàm. Cần lưu ý rằng chàm có thể là do xà phòng bạn dùng để giặt quần áo cho bé hoặc do nước hoa. Vì vậy tránh dùng xà phòng có hương thơm để giặt quần áo cho bé.

BACSI.com (Theo Dantri)