Lưu trữ cho từ khóa: bể bơi

15 mẹo chăm tóc đẹp

Dưới đây là những mẹo chăm sóc từ những phụ nữ có mái tóc khiến bạn phải ghen tỵ

Dội soda lên tóc

Bể bơi chứa nhiều hóa chất có hại cho tóc và các chất ô nhiễm, vì thế sau khi bước ra từ bể bơi, nên tráng tóc bằng một lon nước soda. Cacbonat trong nước soda giúp rửa trôi các hóa chất có hại khi tóc bạn vẫn ẩm ướt. Khi tóc khô, gần như không thể loại bỏ những hóa chất đó nữa.

Hair-Care-Products-1374894438_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Beauty.organicxbenefits.com.

Bôi dầu xả lên tóc trước khi bơi

Những cô gái thông minh bảo vệ tóc trước  khi bơi. Nếu bạn thích tắm nắng hay bơi lội, nên bôi một lớp dày dầu xả lên tóc khô trước khi xuống bể. "Điều này đặc biệt tốt cho tóc vàng. Dầu xả sẽ ngăn clo nhiễm vào tóc, tránh tóc bị xỉn màu và giòn, dễ gãy.

Bảo vệ tóc trước ánh nắng

Bạn có biết là giữ tóc tránh nắng mặt trời cũng quan trọng như bôi kem chống nắng lên mặt không. Hầu hết mọi người không nhận thức được điều này nên hầu như chẳng ai chống nắng cho tóc. Mái tóc dài càng dễ bị hư tổn. Vì thế, không nên phơi tóc dưới trời nắng, và một ý tưởng tốt là tết tóc thành bím, vừa ít bị ảnh hưởng bởi nắng, vừa giúp bạn có cái nhìn mát mẻ, tươi trẻ. 

Không gội đầu hàng ngày

Nghe có vẻ bẩn nhưng sự thật đúng như vậy. Nếu bạn có thể chỉ gội đầu 2-3 lần mỗi tuần, bạn sẽ thấy lợi ích đáng kể với mái tóc của mình. Khi bạn gội đầu quá thường xuyên, sẽ làm tóc mất đi độ ẩm tự nhiên và làm tóc khô hơn. 

Dùng lược có sợi nilong tự nhiên để chải tóc

Này nhé, loại lược bạn dùng có thể ảnh hưởng tới vẻ đẹp và sức khỏe của mái tóc. Một chiếc lược có sợi tự nhiên giúp lưu thông lượng dầu cần thiết từ da đầu đến ngọn tóc, giữ cho tóc có độ ẩm thích hợp.

Không buộc tóc đuôi ngựa quá chặt

Buộc tóc kiểu này có thể làm tóc bị kéo căng quá mức, đặc biệt khi bạn gỡ bỏ dây chun buộc. Việc thắt chặt cũng dẫn đến rụng tóc, hỏng tóc và chẻ ngọn. Thay vào đó, nên đầu tư cho một loại gen hay gôm xịt tóc "xịn" để tạo nếp tóc khi buộc tóc mà không cần buộc quá chặt, nên thả tóc khi ngủ là tốt nhất. 

Thường xuyên cắt tỉa tóc

Có thể bạn nghĩ việc này tốn nhiều thời gian, tiền bạc, nhưng thực tế, nó cần thiết và xứng đáng. Việc cắt tỉa định kỳ sẽ giúp loại bỏ tóc chẻ ngọn, khiến tóc trông khỏe, đẹp hơn. 

Năng động và ăn uống lành mạnh

Những cô gái có mái tóc bóng đẹp hiểu rõ họ cần ăn gì. Một chế độ ăn uống cân bằng với những thực phẩm tinh bột tốt, giàu năng lượng, ví dụ như gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các loại hạt sẽ đảm bảo cho mái tóc khỏe từ bên trong. Những đồ chiên xào và đồ ngọt không phải là bạn tốt của tóc. 

Đầu tư cho những sản phẩm chất lượng

Bạn không cần phải bỏ ra số tiền cắt cổ để có mái tóc tuyệt vời nhưng chất lượng sản phẩm bạn dùng cũng là một vấn đề. Những phụ nữ sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc từ các chuyên gia tạo kiểu có mái tóc khỏe mạnh hơn vì các chuyên gia sẽ tư vấn sản phẩm phù hợp với mái tóc của bạn. Các chuyên gia sẽ xem xét cách nào, chất gì sẽ cải thiện độ chắc khỏe, phong cách tóc và sức khỏe tổng thể của bạn. 

Không kéo căng khi tóc còn ướt

Tin hay không thì tùy,  buộc tóc khi ướt sẽ khiến đuôi tóc của bạn bị chẻ ngọn. Phụ nữ thường làm vậy sau khi tập thể dục hay khi họ quá vội và không có thời gian sấy khô. Hãy dùng một khăn bản rộng để buộc sơ tóc, nếu bạn không thể đợi tóc khô hẳn.

Xoa bóp dầu dừa lên da đầu

Một trong những chuyên gia làm đẹp mách bạn một mẹo nhỏ là một ngày sau khi gội đầu, xoa dầu dừa lên toàn bộ da đầu, massage nhẹ nhàng bằng đầu ngón tay và để đó khoảng 30 phút đến một tiếng. Bôi dầu khi tóc khô thay vì khi tóc ướt vì cho phép dầu thấm sâu hơn. Sau nửa giờ, gội sạch dầu với hỗn hợp giấm và nước (3 phần nước một phần giấm) để mái tóc thực sự sạch. Thực hiện thói quen này một tuần một lần để có mái tóc bóng mượt, chắc, khỏe. 

Bổ sung vitamin

Thêm vitamin mỗi ngày có thể giúp loại bỏ tóc xấu. Nếu bạn muốn tóc mình bóng lâu hơn, dày hơn và khỏe hơn, nên bổ sung một vài vitamin như axit folic, sắt và canxi vào chế độ hằng ngày. Sau 2-3 tháng, bạn sẽ thấy sự khác biệt đáng kể.

Không dùng các dụng cụ tạo kiểu tóc bằng nhiệt hằng ngày

Dùng máy là tóc hay máy uốn xoăn vài lần mỗi tháng thì không sao, nhưng nếu nhiều hơn thì không ổn. Thay vì thế, hãy dùng các cách tự nhiên, như tết tóc lọn lớn, kẹp tăm trước khi đi ngủ, gỡ ra vào buổi sáng và bạn sẽ có những lọn sóng tự nhiên gợi cảm mà không gây hại cho tóc.

Vương Linh (theo Latest-hairstyles.com)

Điều tra vụ bê bối ghép tạng chấn động ở Đức

Các công tố viên đang điều tra vụ bê bối ghép tạng chấn động ở thành phố Leipzig (Đức). Các bác sĩ tại đây đã nhận tiền hối lộ để ưu tiên mổ ghép tạng cho hàng chục bệnh nhân, mặc cho những bệnh nhân khác thật sự cần phẫu thuật.

Một giám đốc và hai bác sĩ tại Trung tâm Ghép tạng thuộc Bệnh viện Đại học Leipzig (thành phố Leipzig, bang Saxony, Đức) đã bị đình chỉ công tác do có liên quan đến vụ bê bối trên, theo tin tức từ AFP ngày 4.1.

ghep-noi-tang
Thiếu tạng hiến trên toàn thế giới tạo ra nhiều áp lực cho các bệnh viện -
Ảnh: Reuters

Truyền thông Đức cho biết các bác sĩ này trong các năm 2010-2012 đã nhận tiền hối lộ rồi làm khống hồ sơ bệnh án “cần ghép tạng gấp” cho 38 bệnh nhân mắc bệnh gan để họ không phải đợi lâu.

Trong khi đó, có rất nhiều bệnh nhân khác, trong tình trạng nguy kịch, đang thật sự cần ghép tạng sớm hơn 38 bệnh nhân này.

“Hối lộ để ưu tiên cho một số bệnh nhân có thể đợi được đồng nghĩa với án tử hình cho những bệnh nhân đang có nhu cầu cấp bách phải ghép tạng”, theo chính trị gia Đức Jens Spahn, phát ngôn viên về các chính sách y tế thuộc đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Đức, ông Frank Ulrich Montgomery, cho biết những bác sĩ nhận hối lộ trong các ca phẫu thuật ghép tạng sinh tử sẽ làm mất lòng tin mà người Đức dành cho họ.

“Những bác sĩ nên ra khỏi ngành vì họ không biết rằng việc họ nhận hối lộ từ bệnh nhân làm hủy hoại hình ảnh người thầy thuốc”, ông Montgomery chia sẻ với tờ Passauer Neue Presse của Đức.

Đài radio MDR của Đức cho biết vụ bê bối này là một tin xấu cho bang Saxony, nơi thành phố Leipzig tọa lạc vì tại đây có rất nhiều bệnh nhân đang cần được ghép tạng gấp.

Các chuyên gia y tế Đức cho biết cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm ghép tạng cũng như nhu cầu ghép tạng cao, phần nào giải thích nguyên nhân của vụ bê bối này.

Ông Eugen Brysch, lãnh đạo Tổ chức Bảo vệ quyền lợi bệnh nhân, cho biết phân nửa trung tâm ghép tạng ở Đức phải đóng cửa để chấm dứt những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các chương trình ghép tạng thành công giúp tăng uy tín của các bệnh viện.

Đài ARD của Đức cho biết có 47 trung tâm ghép tạng ở Đức và Bộ Y tế nước này trong năm 2012 đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm.

Hiện vẫn chưa rõ vụ bê bối ghép tạng ở Leipzig có liên quan đến những vụ bê bối và sai phạm khác từng bị phanh phui ở thành phố Munich, Regensburg và Goettingen trong năm 2012.

Ông Montgomery cho biết thêm: “Chiếu theo luật hình sự và nghề y chúng ta phải mang những bác sĩ tham nhũng ra vành móng ngựa bằng mọi giá”.

(Theo Thanhnien)

Coi chừng hỏng mắt vì đi bơi

Mùa hè nóng bức mọi người đổ xô đến bể bơi mà không biết rằng, ẩn trong làn nước có vẻ sạch sẽ đó là cả tỷ vi khuẩn, nấm mốc, rong rêu, mồ hôi, thậm chí cả… nước tiểu của những người kém ý thức. Bể bơi chính là môi trường lý tưởng cho bệnh viêm kết mạc mắt lây lan.

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, Phòng khám Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị viêm kết mạc mắt mà nguyên nhân xuất phát từ việc đi bơi. BS Nguyễn Song Nhật, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thu Cúc cho biết, bể bơi chính là nguồn lây nhiễm của các bệnh về mắt nói chung và bệnh viêm kết mạc nói riêng rất nhanh. Viêm kết mạc từ hồ bơi thường do virus gây ra và dễ lây lan trong nước. Vi khuẩn Chlammydia Trachomatis gây bệnh viêm kết mạc cũng khá phổ biến trong nước hồ bơi.

Nguyên nhân là, càng những ngày cao điểm nắng nóng lượng người bơi đông, hoá chất khử trùng trong bể bơi bốc hơi nhanh thì độ ô nhiễm của nước càng cao. Đó là chưa kể việc kiểm soát người bị bệnh dễ lây nhiễm như các bệnh mắt, da liễu… tại các bể bơi gần như là không có. Chính vì vậy, bể bơi là môi trường lây nhiễm các loại bệnh rất nhanh.

Theo bác sĩ của Bệnh viện Thu Cúc, trong tổng số các bệnh lý gây đau mắt đỏ, viêm kết mạc có lẽ là bệnh lý mà các bác sĩ đa khoa thường gặp nhất. Bệnh đặc trưng bởi sự giãn nở các mạch máu nông của kết mạc đưa đến tình trạng cương tụ, phù nề kết mạc và xuất tiết. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh này là sau khi bơi xong ngay lập tức mắt đỏ lên kèm chảy nước mắt, ngứa mắt.

Một điều nữa, mọi người cần lưu ý, bệnh viêm kết mạc còn có loại do lậu gây ra. Nếu bể bơi có người bị bệnh lậu tắm thì môi trường nước chính là nơi phát tán vi khuẩn lậu. Ngoài ra, hóa chất sát trùng, làm sạch nước bể bơi cũng chính là một trong những tác nhân gây bệnh.

Để phòng tránh bệnh này, theo BS Nguyễn Song Nhật, mọi người nên chọn bể bơi nào rộng rãi, được vệ sinh tốt, nguồn nước sạch. Một lưu ý quan trọng là, sau khi bơi xong, mọi người nhớ nhỏ ngay dung dịch nước muối Nacl 9‰ thì sẽ phóng tránh bệnh viêm kết mạc mắt bể bơi hiệu quả. Tuy nhiên, khi đã bị bệnh cần phải đến các bác sĩ để được điều trị hiệu quả.

(Theo TTOL)

Đề phòng các bệnh “vô hình” khi đi bơi

Mùa hè nóng bức, bơi lội giúp hạ nhiệt, giải tỏa nóng nực trong cơ thể, nhưng cũng dễ lây lan các căn bệnh vô hình.

Theo tổ chức y tế và dịch vụ con người toàn cầu (Centers for Disease Control and Prevention – CDC): những nguồn nước công cộng như hồ bơi hay công viên nước dễ dàng trở thành địa điểm lây truyền vi khuẩn, một số căn bệnh thông qua môi trường nước ô nhiễm như bệnh nhiễm trùng da, bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp, mắt hay các vết thương nhiễm trùng…

Để bảo vệ cơ thể cũng như tránh được các bệnh “vô hình” từ bể bơi, bạn nên chú ý:

Không nuốt nước ở hồ bơi.

Khi xuống hồ bơi, bạn nên tránh để nước vào trong miệng. Ngay cả hồ bơi đã qua thanh lọc cũng không thể tiêu diệt hết 100% vi khuẩn. Vi khuẩn có thể thông quan khoang miệng, xâm nhập và hệ hô hấp, hệ tiêu hóa gây viêm nhiễm, đặc biệt khi sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu.

Sau khi bơi, bạn nên dùng nước sạch hoặc nước súc miệng để súc miệng nhằm kịp thời loại bỏ các vi khuẩn đang lưu lại trên bề mặt khoang miệng, tránh để các vi khuẩn này xâm nhập sâu hơn, gây viêm nhiễm. Bạn cũng không nên ăn uống bất kì thứ gì trước khi súc miệng.

Vệ sinh ngay sau khi bơi

Do nước trong bể bơi chứa nhiều vi khuẩn nấm, vi trùng gây bệnh…nếu không vệ sinh sạch sẽ, các mầm bệnh gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây hiện tượng nhiễm nấm, và bệnh phụ khoa. Nếu không phòng tránh, các căn bệnh này rất nguy hiểm và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm: ở nam giới là hiện tượng tiểu ra máu, tiểu buốt, viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt; với phụ nữ dễ bị viêm âm hộ, viêm cổ tử cung và viêm phần phụ.

Các bệnh ngoài da như viêm da tiếp xúc (xuất hiện ở các vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, nách, bẹn, mặt trong đùi…) với các triệu chứng điển hình như đỏ da, ngứa, có thể là các mụn nước nhỏ lấm tấm trên da. Gãi nhiều có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm da nặng hơn. Khi có những xây xát nhỏ (đứt tay, trầy da, vết thương ngoài da, các bệnh dễ lây lan như tiêu chảy…) bạn không nên đi bơi để tránh bị truyền bệnh hoặc truyền bệnh.

Sau mỗi lần bơi lội, bạn nên chú ý vệ sinh cơ thể bằng cách tắm rửa sạch sẽ để tẩy sạch chất hữu cơ bám dính vào cơ thể và dùng khăn tắm cá nhân lau khô người. Hạn chế tối đa việc thuê, mượn quần áo bơi đã sử dụng cũng giúp bạn phòng bệnh và bảo vệ cơ thể.

Dùng mũ và kính… bảo vệ tóc và mắt

Các hóa chất dùng để khử trùng và làm sạch nước sẽ làm tóc bạn trở nêm thô xơ và khô cứng, thậm chí là rụng tóc sau một thời gian đi bơi. Bạn nên dùng mũ nilon bảo vệ tóc, tránh cho tóc và da đầu tiếp xúc với những chất độc hại này.

Viêm kết mạc với biểu hiện mắt bị ngứa, đỏ dễ lây lan qua môi trường hồ bơi. Đeo kính trong khi bơi không để nước vào mắt, không dùng tay dụi mắt, dùng nước sạch để rửa mắt sau khi đi bơi là các cách có thể giúp bạn hạn chế phần nào bệnh liên quan đến “cửa sổ tâm hồn”. Trước và sau khi đi bơi, bạn nên nhỏ một vài giọt thuốc mắt để chống viêm.

Bể bơi cũng chứa nhiều nguồn gây dị ứng mũi. Ngoài mắt và tóc, bạn có thể dùng thuốc rửa mũi để giảm kích thích từ nước hồ bơi lên niêm mạc mũi và các thuốc chống dị ứng khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.

(Theo Dep)