Lưu trữ cho từ khóa: bấm huyệt

Cách xoa bóp điều trị thiểu năng tuần hoàn não

Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng thiếu máu cung cấp cho não, bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, phổ biến nhất ở người lao động trí óc và người cao tuổi.

Nguyên nhân chính là do xơ vữa các động mạch nuôi não, co cứng các cơ vùng cổ gáy cũng gây cản trở máu lưu thông lên não…

Thiểu năng tuần hoàn não thường biểu hiện với các triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, dị cảm, rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về sự chú ý, rối loạn về cảm xúc… Tùy triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não mà lựa chọn cách xoa bóp thích hợp sau đây:

Nếu thường xuyên nhức đầu,

có cảm giác nặng trong đầu, đau vùng chẩm gáy, chóng mặt ù tai sau khi làm việc căng thẳng, tiến hành xoa xát và ấn huyệt sau:

Xoa xát: Dùng bàn tay xát trán 5-10 lần (tốc độ vừa phải), sau đó dùng 10 đầu ngón tay trải da đầu từ trán ra sau gáy 5-10 lần, tiếp đến dùng bàn tay xát gáy 5-10 lần.

cach-xoa-bop-dieu-tri-thieu-nang-tuan-hoan-nao

Ấn huyệt phong trì.

Ấn huyệt: bách hội, phong trì (thời gian khoảng 2-3 phút) kết hợp thở chậm.

Nếu hay tỉnh dậy lúc nửa đêm, giảm trí nhớ

hoặc thường xuyên quên những việc mới xảy ra:

Xoa xát lòng bàn chân: dùng lòng bàn tay xát lòng bàn chân 20-30 lần.

Ấn huyệt: nội quan, thần môn (thời gian ấn mỗi huyệt 2-3 phút.

Nếu dễ xúc động, dễ nổi nóng, căng thẳng thần kinh, mệt mỏi:

Ấn huyệt: thái xung, tam âm giao.

Nếu giảm khả năng làm việc, chậm chạp:

Ấn huyệt: túc tam lý.

Cách tự xoa bóp ấn huyệt trên có mục đích là giúp người bệnh tự giải quyết những triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, khi bệnh nặng, cần kiểm tra và điều trị tại bệnh viện.

cach-xoa-bop-dieu-tri-thieu-nang-tuan-hoan-nao

Xoa bóp trán.

Vị trí huyệt:

Huyệt bách hội: cách đường chân tóc phía sau 7 tấc, tại điểm giữa đường nối vòng hai chóp tai.

Huyệt phong trì: ở chỗ lõm giữa cơ ức – đòn – chũm và phần trên cơ thang.

Huyệt thái xung: Ở kẽ ngón chân 1 và 2 cách mép da 2 tấc.

Huyệt thần môn: về phía trụ của cổ tay, ở bờ sau xương đậu, tại chỗ lõm về phía quay của gân cơ trụ trước.

Huyệt tam âm giao: Trên chỏm mắt cá chân trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày.

Huyệt nội quan: trên lằn chỉ cổ tay 2 tấc, giữa các gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay nhỏ.

Huyệt túc tam lý: cách mào chày 1 khoát ngón tay về phía ngoài.

BS. Đỗ Thu Hiền

Theo Suckhoedoisong.vn

Nên xoa bóp và bấm huyệt thế nào để điều trị chuột rút ban đêm?

Chuột rút chân lúc ngủ đêm là sự co cơ xảy ra ở cơ bắp chân, cơ bàn chân trong lúc ngủ.

Tôi thường xuyên bị chuột rút bắp chân ban đêm rất đau. Tôi nghe nói có cách xoa và bấm huyệt để chữa bệnh này. Xin tòa soạn hướng dẫn! -Nguyễn Thị Thành (Đông Anh, Hà Nội).

nen-xoa-bop-va-bam-huyet-the-nao-de-dieu-tri-chuot-rut-ban-dem

Ảnh minh họa.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn

, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108:

Chuột rút chân lúc ngủ đêm là sự co cơ xảy ra ở cơ bắp chân, cơ bàn chân trong lúc ngủ. Biểu hiện chủ yếu là cẳng chân duỗi đơ với các ngón chân quắp xuống, xảy ra thoáng qua trong vài giây hoặc vài phút và sự đau kéo dài một lúc sau đó. Khi lâm vào tình trạng này, hãy bình tĩnh ngồi dậy, dựng hai lòng bàn tay đặt nhẹ lên cơ bắp chân rồi xoa xát nhẹ nhàng trong 1 phút.

Chú ý không được dùng lực quá mạnh. Tiếp đó, dùng ngón tay cái day bấm hai huyệt Thừa sơn và Thừa cân với một lực từ yếu đến mạnh, mỗi huyệt 1 phút, rồi dùng gốc bàn tay ấn vào cơ bắp chân trong 2 phút.

Vị trí huyệt Thừa sơn: theo sách Giáp ất, nằm ở bắp chân, trong chỗ lõm của khe hai bắp thịt. Huyệt nay thường lấy ở đỉnh của góc tạo nên bởi đầu dưới phần thịt của hai cơ sinh đôi ngoài và trong, chỗ tiếp giáp nhau ở sau bắp cẳng chân (kiễng bàn chân góc sẽ hiện ra). Vị trí huyệt Thừa cân: từ điểm giữa nếp nhăn ngang kheo chân đo thẳng xuống 2 thốn, rồi từ đây nối với huyệt Thừa sơn, điểm giữa của đoạn nối này là vị trí huyệt Thừa cân.

Cuối cùng, dùng hai bàn tay ôm lấy bắp chân rồi lăn qua lăn lại từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong 2 phút.

Theo Kienthuc.net.vn

Có thể kéo dài tuổi thọ bằng xoa bóp bấm huyệt

Ngoài việc duy trì một nếp sống lành mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ bằng xoa bóp bấm huyệt là thủ pháp rất hiệu quả.

Theo năm tháng, cơ thể của chúng ta lớn lên, trưởng thành rồi già nua. Dẫu biết đó là quy luật của tạo hóa nhưng chúng ta vẫn không khỏi lo lắng và mong muốn có một phép màu nào đó giúp ta trẻ mãi không già. Ngoài việc duy trì một nếp sống lành mạnh, tích cực và lạc quan, chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm được quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ chỉ bằng các biện pháp đơn giản, trong đó xoa bóp bấm huyệt là thủ pháp rất hiệu quả.

Đứng thẳng, thư giãn, ưỡn ngực, thẳng lưng (điều thân); hít thở đều, giữ hơi tại đan điền (điều tức); tĩnh tâm, ý niệm nhất quán (điều tâm); hai bàn tay xoa vào nhau, làm từ 1 – 2 phút.
Hai bàn tay đặt vào hai bên má, day tròn từ trong ra ngoài theo thứ tự: day miết mũi lên trán, tách ra hai bên đến thái dương, đến tai, xuống gặp nhau tại má. Lặp lại 10 – 15 lần.

Nhắm mắt, dùng bụng các ngón cái, trỏ và giữa chà xát xung quanh vành mắt. Làm 5 – 10 lần. Sau đó dùng đầu ngón cái ấn huyệt tình minh, ngư yêu, tứ bạch, đồng tử liêu mỗi huyệt khoảng 5 – l0 lần.

co-the-keo-dai-tuoi-tho-bang-xoa-bop-bam-huyet

Xoa quanh vòng mắt

Mím môi, ngẩng đầu, dùng ngư tế và bụng các ngón trỏ, giữa chà xát từ dưới cằm ra hai bên lên má, đến chỗ lõm, chỗ lồi sau tai (vừa đẩy vừa day) 5 – 10 lần. Tiếp tục dùng hai bàn tay chà xát hai bên cổ, làm khoảng 5 lần.

Hai bàn tay khum, 10 đầu ngón tay chải và miết da đầu từ chân tóc đến đỉnh đầu rồi xuống sau gáy khoảng 10 lần. Sau đó day xoa da đầu, day miết chân tóc cũng theo thứ tự như trên, làm 5 – 10 lần. Tiếp tục gõ da đầu thông lợi chân tóc cũng theo thứ tự trên, làm 3 – 5 lần.

Khum hai bàn tay, lòng bàn tay ép chặt vào hai lỗ tai, rồi đột nhiên bung ra, làm 5 – 10 lần. Tiếp tục khum hai bàn tay, lòng bàn tay ép vào hai lỗ tai, 5 ngón tay giữ gáy, dùng ngón trỏ và ngón giữa gõ vào sau gáy khoảng 10 – 15 lần. Sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ vê và kéo hai vành tai xuống khoảng 5 – 10 lần. Dùng đầu ngón cái hai tay day chỗ lõm trước tai và chỗ lồi sau tai, day ấn nhĩ môn, thính cung, thính hội, ế phong khoảng 1 phút.

Dùng ngón cái ấn day huyệt bách hội trong 1 – 2 phút.

Dùng hai ngón trỏ day ấn huyệt phong trì trong khoảng 2 phút. Sau đó dùng bụng ngón tay trỏ và giữa chà xát hai bên cổ 5 – 10 lần.

Hai bàn tay úp lên nhau, lòng bàn tay xoa tròn vùng bụng theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 2 – 3 phút sau đó ấn vào bụng theo nhịp thở 5 – 10 lần.

Bàn tay duỗi thẳng, dùng mép tiểu ngư tế chà xát chéo hai bên bụng theo thứ tự: chương môn, thần khuyết, khí xung, quan nguyên, làm khoảng 5 lần. Chú ý: khi miết xuống thì mạnh và nhanh, khi lên thì chậm và nhẹ hơn.

Hai bàn tay nắm lại thành quyền, dùng gồ ngón trỏ day các huyệt ở hai bên sống lưng: tỳ du, thận du, đại trường du, bát liêu, làm khoảng 10 lần. Tiếp theo dùng hai bàn tay vỗ hoặc đấm vào hai bên sườn lưng, hông.

co-the-keo-dai-tuoi-tho-bang-xoa-bop-bam-huyet

Xát hai bên lưng hông

Ngồi trên ghế, hai bàn tay xoa day khớp gối khoảng 2 phút. Sau đó xoa miết và vỗ vào hai bên trong ngoài chi dưới từ trên xuống, làm khoảng 3 – 5 lần. Bàn chân bên này gác lên đùi bên kia, dùng nắm đấm hoặc mép ngư tế chà xát lòng bàn chân trong 3 – 5 phút.

Dùng ngón cái day huyệt hợp cốc, túc tam lý, dũng tuyền mỗi huyệt 1 phút.

Chú ý: Tốt nhất nên tiến hành xoa bóp sau khi tắm, huyết dịch toàn thân sung mãn nhất thì xoa bóp sẽ hiệu quả. Nếu xoa bóp phần mặt nên dùng kem dưỡng da. Mỗi ngày làm 1 – 2 lần.

Vị trí huyệt

Tình minh: Cách đầu trong góc mắt 0,1 tấc.

Ngư yêu: Chỗ lõm trung tâm lông mày.

Tứ bạch: Mắt nhìn thẳng, từ con ngươi xuống 1 tấc, chỗ lõm của vành mắt.

Ðồng tử liêu: Khóe mắt ngoài đo ra 0,5 tấc.

Nhĩ môn: Ở ngay phía trước rãnh trên bình tai, đầu trên chân bình tai, nơi cơ tai trước.

Thính cung: Khi há miệng, huyệt ở chỗ lõm phía trước bình tai, sau lồi cầu xương hàm dưới.

Thính hội: Phía trước rãnh bình tai, ở chỗ lõm khi há miệng, bờ sau tuyến mang tai, dưới huyệt thính cung

Ế phong: Phía sau dái tai, chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm.

Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

Bách hội: điểm lõm ngay trên đỉnh đầu, là điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể.

Chương môn: Ở đầu xương sườn tự do thứ 11.

Thần khuyết: huyệt ở ngay lỗ rốn.

Khí xung: dưới rốn 5 tấc, trên đường giữa bụng.

Quan nguyên: dưới rốn 3 tấc, trên đường giữa bụng.

Tỳ du: Dưới gai sống lưng 11, đo ngang ra 1,5 tấc.

Thận du: Dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1,5 tấc.

Ðại trường du: Dưới gai sống thắt lưng 4, đo ngang ra 1,5 tấc.

Bát liêu: Trong lỗ xương cùng 1-2-3-4 (gồm tập hợp của 4 đôi huyệt: thượng liêu, thứ liêu, trung liêu, hạ liêu).

Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Túc tam lý: Dưới lõm ngoài xương bánh chè (độc tỵ) 3 thốn.

Dũng tuyền: Chỗ lõm dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2 và giữa bờ sau gót chân.

Lương y Thái Hòe

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Giữ cho gót chân mềm mại trong tiết trời lạnh giá

Đã bao giờ bạn bớt chút thời gian nghĩ tới đôi chân, và thấy nó là nơi ‘bị’ bạn hờ hững, ít quan tâm chăm sóc nhất?

Hãy bảo vệ gót hồng của bạn với những mẹo nhỏ đơn giản dưới đây nhé:

1. Thoa kem dưỡng da chân

Trước khi thoa kem, bạn cần vệ sinh đôi chân trần thật sạch để loại bỏ tế bào chết và các vùng da thô ráp, chai cứng giúp làn da mềm mại hơn. Sau đó, thoa kem dưỡng ẩm và massage nhẹ nhàng. Loại kem dưỡng da có tinh chất bạc hà rất thích hợp cho bạn với tác dụng làm đôi chân dễ chịu hơn.

2. Đi chân trần

Một cách tuyệt vời để chăm sóc đôi chân là đi chân trần bất cứ khi nào có thể (như ở nhà) con gái nhé. Hãy tháo bỏ những đôi giày cao gót để giúp đôi chân được thư giãn, cảm nhận được mặt đất mỗi khi bạn đang bước đi.

3. Cử động các ngón chân

Khi đôi chân xỏ giày cả ngày, các ngón chân của bạn sẽ bị bó cứng trong một tư thế suốt nhiều giờ liền. Điều này không tốt chút nào cho con gái. Để cải thiện, bạn cần cử động các ngón chân càng thường xuyên càng tốt. Hãy thử kéo nhẹ từng ngón chân để các khớp cơ được thư giãn và giải tỏa tình trạng căng cứng. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy bị nghẹt mũi, thì hãy thử kéo nhẹ các ngón chân nhé bởi chúng thông với khoang mũi mà. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn hẳn.

got-chan

4. Massage chân

Bạn có thể tự massage chân ngay tại nhà bằng phương pháp rất đơn giản như sau: Chuẩn bị một ít nước ấm sạch và nhỏ vài giọt tinh dầu hoặc kem dưỡng da làm ẩm để làm mềm da. Sau đó, bạn chỉ cần massage nhẹ nhàng để giải phóng mọi căng thẳng và mệt mỏi cho đôi chân luôn khỏe mạnh.

5. Đi giày đúng size

Một lỗi mà con gái thường hay mắc phải khi mua giày đó là chọn giày không đúng cỡ chân. Hãy chú trọng đến mức độ thoải mái và tiện ích của chúng với đôi chân của bạn đầu tiên. Do đó, hãy chọn đôi giày có kích cỡ và kiểu dáng chuẩn nhất để bảo vệ đôi chân ngọc ngà đáng yêu nhé.

6. Bấm huyệt

Bấm huyệt cũng là một phương pháp phổ biến để giúp đôi chân cũng như toàn bộ cơ thể được thư giãn. Sao con gái không tự thưởng cho mình một buổi massage bấm huyệt tại các trung tâm thẩm mĩ nhỉ?

7. Giải phóng cho đôi chân

Con gái sau một ngày phải đi lại hoặc đứng nhiều giờ liền sẽ thấy đôi chân mệt mỏi và đau nhức. Hãy giải cứu đôi chân của bạn bằng cách ngồi xuống ghế, đặt chân lên một vị trí cao hơn chỗ bạn ngồi một chút. Bạn cũng có thể nằm xuống sofa và gác chân lên thành ghế. Với cách này, lượng dịch thừa ở đôi chân sẽ được giải phóng. Một cách thật đơn giản để giúp đôi chân được nghỉ giải lao phải không nào con gái?

(Theo iOne)

Tác dụng trị bệnh của xoa bóp, bấm huyệt

Sử dụng đúng kỹ thuật, đúng chỉ định, xoa bóp bấm huyệt không chỉ giúp bạn khỏe khoắn, phòng bệnh tốt mà còn có tác dụng điều trị một số bệnh.

Khỏi bệnh nhờ xoa bóp bấm huyệt

Nhiều năm nay, mỗi khi “trái gió trở trời” chị Hương Giang (37 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) lại thấy các khớp xương tê buồn như có kiến bò ở các khớp gối, cổ tay. Lâu dần sinh ra đau nhức rất khó chịu, có lúc chỉ vận động nhẹ các khớp xương đã phát ra tiếng kêu.

Đặc biệt vào mùa đông, những cơn đau hành hạ chị thường xuyên hơn. Chị đã thử cả thuốc nam, thuốc tây đủ loại nhưng bệnh không có gì biến chuyển, thậm chí các khớp còn đau hơn.

Tình cờ giới thiệu một danh y có chuyên môn trong lĩnh vực châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chị Hương Giang quyết định theo để điều trị. Không ngờ trong thời gian ngắn, những cơn đau xương, nhức khớp cũng giảm hẳn.

Trị nhiều bệnh bằng xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt không chỉ điều trị hiệu quả các bệnh cơ xương khớp mà còn có tác dụng với nhiều căn bệnh khác như đau cổ – vai – gáy, mất ngủ, đau nửa đầu, tê chân, táo bón…

Đối với bệnh đau nhức xương khớp, xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với châm cứu là những kích thích vật lý tác động tại chỗ vào da, cơ, thần kinh, mạch máu có tác dụng tại chỗ là giảm đau, giãn cơ và lưu thông khí huyết.

Xoa bóp làm tăng tuần hoàn tại chỗ nên có tác dụng tăng cường dinh dưỡng, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa của xương khớp.

Đối với bệnh mất ngủ, y học cổ truyền định nghĩa, xoa bóp là những thủ thuật xoa nắn các mô của cơ thể một cách khoa học và hệ thống, tác động lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn tổng thể giúp giảm triệu chứng cứng cơ ở vùng cổ, cơ ở vai và bụng nên sẽ giúp bạn thoải mái hơn, thư giãn các cơ bắp nên dễ ngủ hơn.

tac-dung-tri-benh-cua-xoa-bop-bam-huyet

Việc xoa bóp, bấm huyệt giúp thư giãn các cơ còn có tác dụng giảm tê cứng chân, tay. Ảnh minh họa

Việc xoa bóp, bấm huyệt giúp thư giãn các cơ còn có tác dụng giảm tê cứng chân, tay, kích thích nhu động ruột đúng cách có tác dụng cải thiện tuần hoàn, tăng nhu động ruột nên hạn chế được tình trạng táo bón.

Tuy nhiên, xoa bóp tại đâu và bấm huyệt nào lại cần phải được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ chứ không thể theo yêu cầu của bệnh nhân. Sau một lần xoa bóp, nếu hôm sau bệnh nhân thấy mệt mỏi nghĩa là phương pháp đó không hợp, cần điều chỉnh lại.

Xoa bóp, bấm huyệt phòng bệnh hiệu quả

Ứng dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt không chỉ điều trị hiệu quả nhiều bệnh mà còn có tác dụng phòng bệnh.

Theo BS Nguyễn Hữu Toàn, BV châm cứu Trung ương thì xoa bóp bấm huyệt là dùng bàn tay, ngón tay tác động trực tiếp vào da thịt, thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ làm thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết.

Đối với mạch máu, việc xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ góp phần chống viêm, giảm phù nề, tăng cường trao đổi chất.

Đối với cơ xương khớp, xoa bóp làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Trong các bệnh khớp, gân, dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, từ đó gây đau, hạn chế vận động. Xoa bóp thường xuyên làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.

Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ, điều hòa chức năng nội tạng, tăng cường nhu động của dạ dày, ruột, cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da.

Chính nhờ những tác dụng này của xoa bóp, bấm huyệt mà phương pháp chữa bệnh này cũng có tác dụng phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng từng người thì có thể còn gây bầm tím, thậm chí ê ẩm hơn hoặc nếu làm những động tác mạnh tác động vào phần xương, khớp thì có thể gây ra nhiều tác hại xấu, thậm chí liệt cột sống.

(Theo Tri thức trẻ)

Có thể chữa mù mắt bằng bấm huyệt không?

Đông y có thể chữa được những bệnh mà Tây y không chữa được, có những điều kỳ diệu mà chúng ta không thể giải thích được bằng chứng cứ khoa học.

Chào quý báo. Tôi có người thân bị mù không phải bẩm sinh. Hiện mắt phải của người đó đã không nhìn thấy gì. Đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ kết luận mù mắt là teo dây thần kinh thị lực, không có cách chữa. Điều tôi băn khoăn là liệu đến giờ y học hiện đại có cách nào chữa trị cho người nhà tôi khỏi mù không?

Vừa rồi khi tìm đọc trên mạng tôi thấy có người mắt bị giống em tôi chữa bằng phương pháp bấm huyệt Đông y. Và trong đông y cũng có nhiều phương pháp bấm huyệt phục hồi thị lực… Mong quý báo cho lời khuyên, mắt em tôi như vậy có thể chữa bằng phương pháp đó không? Tôi rất mong nhận được câu trả lời. Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn(Nam Hòa- Hải Dương)

Chào bạn Nam Hòa.

Điều trước tiên bạn cần làm là dẫn em gái mình đi khám lại một lần nữa chuyên khoa mắt ở BV Mắt, khám kỹ lại một lần nữa xem bệnh của em gái bạn có phải là teo dây thần kinh thị giác thực sự không? Do nguyên nhân nào, có phương pháp điều trị gì không?

Bệnh teo thần kinh thị là do sợi thần kinh thị giác (TKTG) ở người bệnh vì nguyên nhân nào đó mà phát sinh biến chứng làm ảnh hưởng đến công năng truyền dẫn các xung động của nó về trung ương thần kinh, làm cho người bệnh có thị lực giảm đi rõ rệt hoặc mất hẳn.

Các đường thị giác gồm: thần kinh thị giác, giao thoa thị giác, dải thị giác, tia thị và trung tâm thị giác (của não).

Nguyên nhân của bệnh rất phức tạp. Y học hiện đại cho rằng nguyên nhân teo thần kinh thị thường do tổn thương thần kinh chi phối vùng mặt như giao thoa thị, và bó thị cũng có thể do nhiễm độc một số chất có độc tố cao như chì, thạch tín,… Hoặc do viêm gai thị, viêm màng mạch, lạc võng mạc, do di truyền…

Còn theo đông y thì không ngoài 3 loại: hư chứng, thực chứng và hư thực giáp tạp. Hư chứng thường do can thận lương khuy; thực chứng thường do can khí uất kết, khi cơ không thông, khí huyết ứ trệ; hư thực giáp tạp thì thấy cả 2 chứng trên cùng phát tác.

Nếu như bạn nói là không còn phương pháp chữa trị nữa thì bạn nên tham khảo phương pháp bấm huyệt và dùng thuốc đông y nơi bạn biết.

Thực tế, Đông y có thể chữa được những bệnh mà Tây y không chữa được, có những điều kỳ diệu mà chúng ta không thể giải thích được bằng chứng cứ khoa học, bởi vì lý luận về bệnh là khác nhau và phương pháp điều trị cũng khác. Khi bạn quyết định theo một phương pháp điều trị nào thì nên có lòng tin vào phương pháp đó, đừng lưỡng lự.

Chúc em gái bạn mau khỏi bệnh!

BS Nguyễn Thị Nga

(Theo Kiến thức)

Chữa biến chứng zona thần kinh bằng châm cứu

Zona thần kinh hay thường được gọi là giời leo, giời đái… bệnh thường gây biến chứng rối loạn cảm giác. Biểu hiện của bệnh này là đau dây thần kinh sau khi tổn thương ngoài da đã khỏi (khoảng 50% bệnh nhân trên 50 tuổi bị đau viêm dây thần kinh).

Tuỳ thuộc vào giai đoạn, mức độ thể trạng người bệnh mà dùng thuốc cho thích hợp. Trường hợp bị di chứng thần kinh gây đau, rát sau điều trị cần châm cứu để chữa trị.

Chọn huyệt theo kinh

Huyệt chính: Khúc trì, thân trụ, dương lăng tuyền, tam âm giao. Huyệt phối hợp: Vùng trán thêm thái dương, đầu duy, dương bạch. Gò má trên thêm tứ bạch, tình minh, hạ quan; vùng hàm dưới thêm giáp xa, địa thương, đại nghênh; vùng hố nách thêm kiên trinh, cực tuyền; vùng trên rốn thêm hợp cốc; vùng dưới rốn thêm túc tam lý.

Thanh niên, dùng phép châm tả, đối với người lớn tuổi, nên dùng phép bổ. Hai ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình.

Ảnh minh họa.

Chọn huyệt theo á thị huyệt

Dùng á thị huyệt: Châm phía trên, phía dưới, bên phải, bên trái vùng tổn thương, châm xiên 15 – 30o hướng về chỗ tổn thương. Đắc khí thì lưu kim 30 phút, cứ 3 – 5 phút vê kim một lần. Ngày châm một lần. 10 ngày là một liệu trình sau đó, dựa vào biện chứng để chọn huyệt phối hợp. Huyệt chính: Can du, khúc trì, chi câu, a thị huyệt. Phối hợp: Do phong hỏa thêm kỳ môn, khúc tuyền, túc khiếu âm; do thấp nhiệt thêm nội đình, ngoại quan, hiệp khê; nhiệt nhiều thêm hợp cốc, âm lăng tuyền, thần môn, châm tả. Hai ngày châm một lần, 10 ngày là một liệu trình.

Nhĩ Châm (châm tai)

Chọn huyệt phế, thượng thận, vùng tương ứng vùng bệnh, phối hợp với thần môn, nội tiết, giao cảm, chẩm, dị ứng, can tỳ. Châm xong lưu kim 30 phút. Hai ngày châm một lần, 7 ngày là một liệu trình. Ngoài ra, tùy từng vùng bệnh kết hợp thêm các huyệt khác như hợp cốc, khúc trì; vùng chân thêm túc tam lý, tam âm giao và a thị huyệt. Gõ kim mai hoa quanh vùng tổn thương.

TS Võ Tường Kha (Bệnh viện Thể thao Việt Nam)

(Theo Kienthuc)

Cách bấm huyệt chữa bệnh đau gót chân

Đau gót chân thường gặp ở người có tuổi, gót chân đau nhức, nhất khi đột ngột đứng dậy.

Nguyên nhân gây đau gót chân là xương gót bị thoái hóa mọc gai, viêm bao hoạt dịch phần gót, viêm lớp đệm xương gót, viêm xung quanh gân cơ gót, viêm màng gân cơ bàn chân. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh sẽ trở thành mạn tính và ảnh hưởng lớn đến việc đi lại.

Một số cách bấm huyệt:

1. Trước tiên, dùng tay ấn nhẹ vùng gót để xác định vị trí đau nhất rồi lấy ngón tay cái day điểm này từ ngoài vào trong, từ nhẹ đến mạnh, theo chiều kim đồng hồ chừng 5 phút. Tiếp đó, vẫn dùng ngón tay cái bấm với cường độ vừa phải trong khoảng 1 phút. Cuối cùng, xác định huyệt dũng tuyền là điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ hai và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân. Day ấn huyệt này chừng 1 phút. Để tăng tác dụng, cần ngâm chân trong nước nóng chừng 7-10 phút trước khi tiến hành day bấm.

2. Xác định và day bấm huyệt phong trì chừng 5 phút. Vị trí huyệt phong trì là ở trong góc lõm do đáy hộp sọ và bờ ngoài khối cơ phía sau cổ (cơ thang) tạo nên, mỗi bên một huyệt. Day bấm huyệt vị này làm khí huyết được lưu thông, tuần hành xuống phía dưới bàn chân.

3. Xác định và day bấm huyệt túc căn chừng 5 phút. Vị trí huyệt túc căn là từ giữa nếp gấp cổ tay đo lên 8 phân. Đây là huyệt vị đặc trị chứng đau gót chân do bất cứ nguyên nhân nào. Nếu đau nhẹ thì chỉ day bấm 1-2 lần là khỏi, nếu nặng thì phải tiến hành 1-2 tuần mới thuyên giảm và ổn định.

4. Dùng ngón tay cái day ấn điểm đau từ 3-5 phút. Sau đó, dùng ngón tay cái day bấm các huyệt thừa sơn, tam âm giao, giải khê và côn lôn. Mỗi huyệt chừng 2-3 phút. Vị trí huyệt thừa sơn nằm ở giữa bắp chân phía sau. Huyệt tam âm giao nằm ở phía trên đỉnh mắt cá trong 3 tấc, ngay sát bờ trong xương chày. Huyệt giải khê nằm ở chỗ lõm giữa nếp gấp cổ chân. Vị trí huyệt côn lôn ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót. Tiếp đó, miết từ 1/3 dưới cẳng chân đến gân gót chân, rồi dùng 3 ngón cái, trỏ và giữa day bóp gót chân. Cần vận động xoay khớp mắt cá chân theo chiều thuận và ngược kim đồng hồ từ 3 – 5 phút, rồi dùng bàn tay xát phía trong, phía ngoài gót chân cho đến khi có cảm giác nóng lên là được. Tiếp tục day điểm đau trong vòng nửa phút.

Các phương pháp trên có thể kết hợp với động tác dùng bàn chân bên này cọ xát gót chân, gân gót và lòng bàn chân bên kia. Ngoài ra, cũng có thể dùng dấm chua đun nóng và ngâm chân vào đó cho đến khi dấm nguội.

Thạc sĩ Nguyễn Sơn

(Theo Sức khỏe & đời sống)

Chữa suy nhược thần kinh bằng bấm huyệt và mồi ngải

Suy nhược thần kinh là bệnh hay gặp ở tuổi già, nguyên nhân thường do quãng thời gian lao động nặng nhọc, ăn uống kém chất dinh dưỡng.

Ngoài việc dùng thuốc ra, có thể giảm bệnh nhờ bấm huyệt và cứu bằng mồi ngải.

Cứu bằng mồi ngải: Ngải cứu khô tán vụn, dùng giấy bản cuốn thành điếu ngải bằng ngón tay. Khi cứu thì châm lửa hơ trên huyệt từ 3 – 5 phút cho đến khi vùng huyệt và toàn thân nóng ấm là được.

Bấm huyệt túc tam lý: Vị trí huyệt nằm ở dưới đầu gối, cách hõm dưới ngoài xương bánh chè ba khoát ngón tay (ngang một bàn tay) và cách bờ xương ống chân một khoát ngón tay (khoảng 1,8cm).

Dùng đầu ngón tay cái bấm mạnh và vuông góc vào huyệt để tạo tác dụng tối đa. Mỗi ngày có thể day bấm 3 – 5 phút.

Khi bấm tạo được cảm giác căng tức tại huyệt vị là đạt yêu cầu. Nên bấm huyệt túc tam lý cả hai bên trước và ngay sau khi cơ thể lao động xong.

Ngoài bấm huyệt và châm ngải ra, người bệnh nên bổ sung vitamin, khoáng chất, chế độ dinh dưỡng đảm bảo đủ chất, khi khỏi bệnh cần tập luyện thể thao nhẹ nhàng, lao động phù hợp.

(Theo khoa học & Đời sống)

Xoa bóp, bấm huyệt phòng trị chuột rút

Chuột rút hay vọp bẻ là tình trạng co cơ quá mức gây cảm giác đau đớn bởi sự co rút của các nhóm cơ chủ yếu là ở bắp chân.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chuột rút do làm việc, hoạt động quá sức (bơi lội, thể thao, gánh vác...), thiếu oxy đến cơ, stress, rối loạn điện giải, thiếu nước và muối khoáng, thiếu canxi, hạ kali hay viêm tắc động tĩnh mạch chi, rối loạn thần kinh thực vật...

Chuột rút ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống con người, nhất là ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên chuột rút hoàn toàn có thể phòng trị được.

Huyệt Thừa Sơn có vai trò quan trọng trong cấp cứu chuột rút. Ảnh minh họa: IE.

Khi có cơn chuột rút lập tức lấy ngay ngón cái bấm mạnh huyệt thừa sơn (ở giữa đường nối từ nếp kheo chân và gót chân, ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi ngoài và trong hay giữa bắp chân) trong 2 - 3 phút để cắt cơn. Kế tiếp bấm huyệt côn lôn (ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ ngoài gân gót chân), ủy trung (ở giữa nếp ngang giữa kheo chân). Nếu chuột rút bàn chân thì bấm mạnh huyệt công tôn (ở chỗ lõm, nơi tiếp nối của thân và đầu sau xương bàn chân 1. Trên đường tiếp giáp da gan chân - mu chân, ở bờ trong bàn chân).

Sau khi đã cắt được cơn chuột rút ngồi thả lỏng người, dùng hai bàn tay xoa, bóp, lăn, vuốt từ bắp chân xuống dưới tận gót chân và ngược lại nhiều lần với một lực vừa phải. Kế tiếp rung lắc nhẹ bắp chân đồng thời cử động co duỗi bàn chân đứng nhẹ dậy nhằm giải tỏa sự co cơ làm cho khí huyết lưu thông.

Kế tiếp bấm huyệt thái khê (ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá trong và bờ trong gân gót) huyết hải (duỗi thẳng chân từ điểm cao nhất của xương bánh chè đo lên một đốt ngón tay vào phía trong đùi hai đốt) và huyệt khí hải (rốn thẳng xuống 3cm) mỗi huyệt bấm từ 1 - 3 phút để củng cố. Phụ nữ có thai không bấm hai huyệt huyết hải và khí hải.

 

Lương y Chu Văn Tiến
(Trung tâm Cấy chỉ - Phục hồi chức năng Minh Quang)

Meo.vn (Theo Bee)