Lưu trữ cho từ khóa: bại liệt

10 năm em bế chị đi học

Thương chị bị bại liệt mà ham học, Loan tình nguyện bế An đến trường. Hơn chục năm trôi qua, ngày An được vinh danh "Hoa trạng nguyên" với thành tích 12 năm xuất sắc nhất trường, em lại ôm chị lên sân khấu.

Tại buổi lễ tuyên dương 800 học sinh, sinh viên xuất sắc nhất khu vực miền Nam vừa tổ chức ở Long An, hàng nghìn ánh mắt ngạc nhiên lẫn cảm động dõi theo bước chân của thiếu nữ có nước da ngăm đen đang chầm chậm bế người chị bại liệt lên sân khấu nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên. Cô gái trẻ ấy tên Hoàng Thị Loan (17 tuổi) và người chị Hoàng Thị An (19 tuổi), cả hai đều là học sinh trường THPT Sơn Bình, huyện Long Thành, Đồng Nai.

Hai chị em. Ảnh: Thi Ngoan.

 

Bé Loan hàng ngày bế chị đi học. Ảnh: Thi Ngoan.

Mặc dù đôi chân bị liệt từ nhỏ và mang trong mình nhiều chứng bệnh nan y, song thành tích học tập của An luôn khiến bạn bè đồng trang lứa nể phục. Từ ngày bắt đầu đi học đến lúc tốt nghiệp, kết quả học tập của An luôn dẫn đầu toàn trường, rồi kỳ thi tốt nghiệp THTP vừa qua, cô bé cũng giành danh hiệu thủ khoa với kết quả thi bình quân mỗi môn 9 điểm.

12 năm miệt mài đèn sách, có được thành tích như ngày hôm nay, An luôn cho rằng mình là người may mắn, mà cái may lớn nhất là có một đứa em luôn biết yêu thương, sẵn sàng là "đôi chân" đồng hành cùng chị trên mọi nẻo đường.

Nói về đứa em với đầy niềm tự hào, cô gái có đôi mắt nai to tròn và gương mặt khả ái kể: "Gấu (tên ở nhà của người em) thương em lắm. Mỗi lần đi đâu, làm gì Gấu cũng ẵm em mà chưa bao giờ cằn nhằn gì. Để em được đi học là ba mẹ và bé Gấu vất vả lắm rồi nên em luôn tự hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng tin của mọi người".

Nhà hai chị em này nằm sâu trong một rừng cao su bạt ngàn tại một vùng quê hẻo lánh thuộc địa bàn ấp 1, xã Suối Trầu, Long Thành, Đồng Nai. Trong nhà có 6 chị em gái nhưng có đến 2 người (bé An và chị cả) bị bại liệt từ nhỏ. Thương con bệnh tật mà gia cảnh nghèo nên để có tiền chữa bệnh cho con, cha mẹ của các em hàng ngày phải lên rẫy trồng cà phê, cao su để kiếm tiền lo cho con.

An xem mình là một người may mắn khi đạt được thành tích cao trong học tập và có một người em hết mực thương chị. Ảnh: Thi Ngoan.

 

Để có ngày hôm nay, cô bé luôn cho rằng mình là người may mắn vì nhờ có gia đình luôn bên cạnh và đặc biệt là người em hết mực thương chị. Ảnh: Thi Ngoan

Ấm lòng khi nhìn các con sống hòa thuận yêu thương nhau, bà Bùi Thị Hương, mẹ của hai chị em kể: "Mới sinh ra, các cháu cũng mập mạp khỏe mạnh, nhưng đến 4 tuổi mà vẫn không đi được nên tôi mới lo đưa đi chữa bệnh. Bác sĩ trên tỉnh thì bảo bị chất độc da cam, bác sĩ huyện lại bảo do sốt bại liệt, hễ nghe ai mách chỗ nào là tôi đều đưa hai cháu đến chữa nhưng cũng không khỏi".

Thích đi học và học rất chăm, có khi mải học quá nên An lăn ra ốm khiến gia đình chạy chữa nhiều phen đuối sức. Một phần vì thương con, một phần vì gia cảnh khó khăn, bà Hương đã nhiều lần khuyên con nghỉ học ở nhà để dưỡng sức. Nhất là hồi bé An lên lớp 6 những cơn đau tim và căn bệnh viêm phổi hành hạ khiến em gần như kiệt quệ, gia đình lại càng lo lắng. Thế rồi năm ấy An cũng quyết định thôi học một thời gian dài để chữa bệnh.

"Nhưng cũng chỉ được chưa đến một năm, cháu lại nằng nặc đòi đi học vì bảo ở nhà buồn quá, nhớ trường nhớ lớp. Thế là thương con, vợ chồng lại xin cho cháu học tiếp", bà Hương nhớ lại.

Hàng ngày ngoài giờ đến lớp, An ở nhà dạy học cho các cháu của mình. Ảnh: Thi Ngoan.

 

Hàng ngày ngoài giờ đến lớp, An ở nhà dạy học cho các em nhỏ. Ảnh: Thi Ngoan

Cảm động trước nghị lực vượt khó của học trò, cô Tiêu Đình Nghiêm Văn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của An bày tỏ: "Tôi rất ấn tượng về An kể từ ngày đầu tiên em đến lớp. Tật nguyền vậy nhưng em ấy luôn cố gắng vượt lên số phận và học rất giỏi. Không có điều kiện học thêm, chỉ mày mò tự học, vậy mà 12 năm liền An đều đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện, là trường hợp đầu tiên tôi gặp trong suốt quãng đời làm giáo viên của mình".

Cô giáo còn cho biết, trong lớp An là một học sinh chăm chỉ, ngoan hiền, hòa đồng và là tấm gương cho bè về tinh thần vượt khó. "Hễ ai cần gì là em ấy vui vẻ giúp hết mình nên thầy cô và bạn bè ai cũng quý mến. Mỗi lần thấy hai chị em ẵm nhau đi học mình nhìn mà thương lắm", cô Văn kể.

Mặc dù năm nay đã hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông nhưng An quyết định chờ đến năm sau mới cùng "em Gấu" đi thi đại học. "Em không muốn xa em Gấu đâu. Hai chị em bàn kỹ rồi, tụi em sẽ cùng thi vào khoa tài chính ngân hàng của trường Đại học Kinh tế TP HCM. Em chỉ mong sau này ra trường kiếm được một công việc ổn định để có thể sống tự lập được, không để mình là gánh nặng cho mọi người", cô bé tủm tỉm nói.

Meo.vn (Theo Vne)

Nam giới cần khám tổng thể bệnh gì?

Tôi là nam giới, năm nay 34 tuổi, xin hỏi khi đi khám tổng thể hoặc khám định kỳ thì cần khám và xét nghiệm những gì?
> TƯ VẤN SỨC KHỎE TRỰC TUYẾN

Hỏi: Tôi là nam giới, năm nay 34 tuổi, xin tòa soạn tư vấn cho tôi xem khi đi khám tổng thể hoặc đi khám định kỳ thì cần khám và xét nghiệm những gì?

Truong Van Long ([email protected])
Trả lời: Nếu bạn không làm việc văn phòng không sử dụng rượu, bia, thuốc lá thì có thể đi khám tổng thể các nội dung sau: răng hàm mặt, tai mũi họng, điện tim đồ, siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận, viêm gan B, C xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang tim phổi và cột sống. Nếu bạn làm văn phòng và có sử dụng bia rượu thuốc lá nên khám thêm đường máu, mỡ máu, men gan, axit uric.

***

Hỏi: Cháu là một bệnh nhân bị liệt vì bị chấn thương cột sống. Cháu bị liệt cả 2 chân và mất cảm giác. Xin hỏi quý báo nếu bệnh như cháu có thể chữa được không ạ?

Nguyen Thu

Trả lời: Bệnh bại liệt thường không chữa khỏi hoàn toàn được nhưng có thể khắc phục một phần di chứng. Bạn nên đến khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện Việt Đức để được điều trị cụ thể.

BS Hà Thị Minh Ngọc

Tư vấn bởi Phòng khám Medelab, 41 Nguyễn Thượng Hiền, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ngay từ bây giờ bạn đọc có thể gửi câu hỏi vào phần Gửi ý kiến của bạn ở phía dưới, hoặc địa chỉ: [email protected]. Các bác sỹ của Phòng khám Medelab sẽ tư vấn và trả lời tất cả các câu hỏi về mọi lĩnh vực liên quan đến sức khỏe của bạn trong thời gian sớm nhất.

(giadinh.net)

7 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đối với cơ thể

Đừng thờ ơ với những dấu hiệu bất thường của cơ thể như giảm cân đột ngột, mất cảm giác khi ăn, hay cảm giác đau đầu dữ dội...

1. Giảm cân đột ngột hay mất chức năng vị giác

Nếu như chế độ ăn uống và sinh hoạt của bạn không có gì thay đổi, nhưng đột nhiên bạn lại có dấu hiệu giảm cân bất thường hay cảm thấy chán ăn, chứng tỏ 'thủ phạm' là do một căn bệnh nào đó gây nên, rất có thể đó là chứng bệnh ung thư nguy hiểm.

Bạn hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ và làm những xét nghiệm kịp thời để tìm ra nguyên nhân của những dấu hiệu  khác thường trên.

2. Mệt mỏi, tâm lý bất an, đau đớn, mẩn ngứa

Những dấu hiệu kể trên là biểu hiện của chứng đột quỵ nguy hiểm. Nếu bạn thấy xuất hiện các hiện tượng trên cùng nhau, bạn đừng chần chừ gì nữa mà hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ chuyên khoa.

Việc phát hiện và điều trị sớm chứng đột quỵ có thể loại trừ nguy cơ gây ảnh hưởng đến não và nguy cơ đột tử.

3. ' Chất thải' có màu đỏ đen

Nếu khi đi cầu bạn thấy phân thải ra có màu đỏ đen, rất có thể bạn đang bị xuất huyết dạ dày hay ruột. Tình trạng này nếu không được phát hiện và kịp thời xử lý cầm máu sẽ dẫn đến ung thư và tử vong.

4. Đau đầu kèm theo cứng cổ và sốt

Hiện tượng trên thường là biểu hiện của chứng viêm màng não.

Viêm màng não là chứng bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra. Bạn cần dùng kháng sinh ngay lập tức để tiêu diệt loại vi khuẩn này. Tránh gây nên những tổn thương cho bộ não.

Lưu ý rằng việc dùng thuốc kháng sinh gì và liều lượng ra sao, cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

5. Đột nhiên đau đầu dữ dội

Trong trường hợp bạn bỗng nhiên thấy những cơn đau đầu dữ dội, mà trước đó bạn chưa từng thấy bao giờ có thể bạn đang bị chảy máu não. Chảy máu não thường do vỡ một đông mạch hay vỡ một túi phồng động mạch từ trước.

Người bệnh khi bị chảy máu não có thể vẫn đang sinh hoạt bình thường bỗng dưng thấy hoa mắt chóng mặt, đứng không vững, rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, méo miệng hoặc bại liệt nửa người, đặc biệt dấu hiệu dễ nhận biết nhất là đau đầu dữ dội. Cần  nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

6. Chảy máu 'vùng kín' sau kỳ mãn kinh

Sẽ là bất thương đối với những phụ nữ đã mãn kinh, nhưng lại thấy ra huyết ở vùng âm đạo. Theo giới chuyên môn nhận định, đây phần lớn là dấu hiệu cảnh báo ung thư.

Thông thường đó là chứng ung thư dạ con hay cổ tử cung. Vì thế phụ nữ đã mãn kinh đừng nhầm tưởng đây là dấu hiệu bình thường, mà hãy nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra trước khi chưa quá muộn.

7. Nổi cục ở 'cậu nhỏ'

Việc xuất hiện những u bướu ở dương vật đối với các quý ông sẽ rất nguy hiểm.

Đó là 'đầu mối' của căn bệnh ung thư tinh hoàn. Căn bệnh này cũng rất phổ biến đối với các quý ông, đặc biệt nam giới ở độ tuổi trung niên trở ra.

Ngoài dấu hiệu kể trên, nam giới nên tạo thói quen kiểm tra tinh hoàn thường xuyên để sớm phát hiện ra những bất thường nơi 'cậu nhỏ' để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo Dân Trí

Khi nào không được tiêm chủng cho trẻ

Để ngừa 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, sốt bại liệt và lao, từ năm 1981 tất cả trẻ em Việt Nam đều được chủng ngừa miễn phí theo lịch tiêm chủng của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Các bậc cha mẹ đều nắm rõ điều này; tuy nhiên ít người quan tâm chỉ định cấm chủng ngừa khi trẻ không khoẻ dưới đây.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Lao

Việc ngừa lao cho trẻ sơ sinh được thực hiện bằng cách tiêm vaccine BCG ngay trong tuần đầu sau sinh. Thuốc được tiêm trong da. Sau khi tiêm, có thể nổi mẩn đỏ, sưng tấy nhẹ, hoặc loét tại chỗ tiêm.

Không nên tiêm cho trẻ bị viêm da có mủ, đang bị sốt trên 37,5 độ C, bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bệnh tai mũi họng, viêm phổi, vàng da,... và nhất là trẻ bị nhiễm HIV. Việc tiêm BCG có hiệu quả lâu dài, nhưng không được dùng cho những người đã bị lao.

Bạch hầu, uốn ván, ho gà

Việc tiêm ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà được thực hiện cùng một lúc khi các trẻ đã được 2 tháng tuổi. Thuốc chủng ngừa được pha trộn chung, viết tắt là DTP (theo tiếng Anh) hoặc DTC (theo tiếng Pháp) và được tiêm vào bắp thịt của trẻ.

Theo lịch tiêm chủng, trẻ được tiêm 8 liều cách nhau ít nhất 30 ngày. Liều thứ nhất khi trẻ

được 2 tháng tuổi. Liều thứ ba trước khi trẻ được 12 tháng tuổi. Trẻ sẽ được tiêm nhắc lại 1 năm sau khi tiêm liều thứ ba. Thuốc có hiệu quả bảo vệ trong nhiều năm sau khi đã tiêm đủ liều. Tại chỗ tiêm ngừa có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng đau nhẹ, gây sốt 38-39oC.

Trong trường hợp trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh... không nên tiêm ngừa.

Bại liệt

Trẻ sẽ được chủng ngừa sốt bại liệt cùng lúc với tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà bằng thuốc ngừa dạng uống (vaccin Sabin): uống ba lần vào lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Trẻ sẽ được bảo vệ trong 10 năm. Sau khi uống thuốc ngừa, trẻ có thể bị nhức đầu, đau cơ hoặc tiêu chảy và rất hiếm khi bị liệt mềm cấp (1/5 triệu các trường hợp).

Tuyệt đối không được cho uống Sabin ngừa sốt bại liệt trong lúc trẻ đang bị sốt, bị nôn, tiêu chảy, đang được điều trị bằng thuốc corticoid, mắc bệnh ác tính (u lympho, bạch cầu cấp...) hoặc bị nhiễm HIV. Không cho các cháu uống thuốc Sabin đồng thời với vaccine thương hàn uống.

Với một số trường hợp trẻ không uống được, nên dùng vaccine dạng tiêm (vaccine Salk).

Sởi

Trẻ được chủng ngừa bệnh sởi khi đã hơn 9 tháng tuổi. Thuốc được tiêm dưới da và có tác dụng bảo vệ trong nhiều năm. Sau khi tiêm, có thể có phản ứng tại chỗ tiêm: sưng đỏ, nổi mụn nước. Trẻ cũng có thể bị sốt, ho, sổ mũi và nhức đầu. Thuốc ngừa bệnh sởi được tiêm một lần.

Khi trẻ đang sốt cao, bị suy giảm miễn dịch nhiễm HIV, cần hoãn tiêm thuốc ngừa bệnh sởi.

Viêm gan siêu vi B

Từ năm 1995, việc phòng ngừa viêm gan siêu vi B (VGSVB) được chưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo đó, tất cả trẻ em được tiêm ba mũi:

Mũi thứ nhất: 0-2 tháng tuổi.

Mũi thứ hai: sau lần mũi đầu 1-4 tháng.

Mũi thứ ba: sau mũi 2 từ 6 đến 18 tháng.

Hầu hết các vaccine ngừa VGSVB đều rất an toàn. Một số ít các trường hợp có thể bị sốt nhẹ, đau chỗ tiêm, nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ sau khi tiêm.

Đối với trẻ sinh ra nhẹ cân (ít hơn 1,5kg) có thể chờ cho đến khi trẻ được 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm ngừa VGSVB.

Viêm não Nhật Bản

Để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, trẻ cũng cần được tiêm 3 mũi dưới da:

Mũi tiêm đầu: Khi trẻ hơn 1 tuổi.

Mũi thứ hai: Tiêm sau mũi thứ nhất 1-2 tuần.

Mũi thứ ba: Sau mũi thứ hai 1 năm.

Sau khi tiêm, ngay tại chỗ tiêm có thể bị đỏ, sưng tấy. Đôi khi trẻ bị ớn lạnh, đau đầu, sốt sau khi tiêm.

Tiêm ngừa bệnh viêm não Nhật Bản không dược tiến hành cho trẻ đang sốt cao, mắc bệnh tim, thận, gan, tiểu đường hoặc suy dinh dưỡng, đang mắc bệnh ung thư máu và nhất là trẻ đã từng bị dị ứng với thuốc ngừa VNNB.

Các bệnh khác

Tại Việt Nam, việc tiêm phòng tả và thương hàn đã được nhắc đến, và tùy theo tình hình dịch tễ của từng địa phương, mà các bệnh này được xem xét đưa hay không đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh 8 bệnh nói trên trong chương trình này, một số bệnh khác từ lâu đã có vaccine phòng ngừa như: dại, thủy đậu, viêm màng não, quai bị, cúm,... cũng được quan tâm. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đưa ra quan điểm (đến nay vẫn chưa thống nhất) không nên tiêm ngừa quá nhiều loại vaccine cho trẻ, đề phòng gây 'quá tải' cho hệ miễn dịch của cơ thể.  

Thuốc & Sức khoẻ

Chích ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh: Thời điểm nào là tốt nhất?

Có nên chích ngừa văcxin viêm gan siêu vi (VGSV) B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh? Nhiều bà mẹ lo lắng đặt câu hỏi khi biết có trẻ sơ sinh bị tử vong sau chích ngừa văcxin VGSV B. Các bác sĩ có ý kiến thế nào về vấn đề này?

VN nhiễm siêu vi B cao

Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP.HCM - dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện nay trên thế giới có hơn 2 tỉ người đã từng bị nhiễm siêu vi B. Trong đó có 350-400 triệu người đang mang siêu vi B mãn tính. Hằng năm có khoảng 500.000-700.000 trường hợp tử vong vì các bệnh có liên quan đến nhiễm siêu vi B mãn tính là xơ gan, ung thư gan.

Khu vực có tỉ lệ nhiễm siêu vi B cao nhất hiện nay là châu Phi, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, với khoảng 8-20% dân số. Tại những vùng này, con đường lây nhiễm VGSV B nhiều nhất là từ mẹ sang con, kế đến là lây nhiễm ở lứa tuổi dưới năm tuổi. Trong khi ở các vùng khác, nguy cơ lây nhiễm chính lại là qua quan hệ tình dục, qua các dụng cụ bén nhọn có dính máu và dịch tiết làm rách da, niêm mạc. Lây qua máu và các loại huyết phẩm ngày càng giảm dần do các cơ sở y tế đã kiểm soát tốt.

VN là vùng lưu hành VGSV B cao, với tỉ lệ mang HBsAg khoảng 8-20% dân số. Mỗi năm, nước ta có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó số phụ nữ mang thai đang mang mầm bệnh khá nhiều nên nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh cao. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm siêu vi B từ mẹ sẽ trở thành người mang mầm bệnh mãn tính, và có nguy cơ tiến triển đến xơ gan, ung thư gan trong tương lai. Vì vậy, biện pháp phòng chống làm giảm tỉ lệ nhiễm bệnh hiệu quả là chích ngừa văcxin.

Tiêm trong 24 giờ sau sinh là cần thiết

Theo BS Anh Tuấn, lịch chủng ngừa VGSV B rất linh hoạt và có nhiều phác đồ khác nhau. Việc chọn lựa phác đồ nào tùy thuộc vào tình hình dịch tễ và chiến lược của mỗi quốc gia, nhưng hiệu quả phòng bệnh của các phác đồ là tương đương nhau. Lịch tiêm chuẩn cho người lớn và trẻ lớn là: 0-1-6 tháng. Ngoài ra còn có các phác đồ nhanh như: 0-1-2 tháng và nhắc lại sau 12 tháng; 0-7-21 ngày và nhắc lại sau 12 tháng. Phác đồ nhanh được áp dụng trong những trường hợp cần có miễn dịch nhanh để phòng lây nhiễm bệnh.

Với những trẻ có mẹ bị nhiễm VGSV B thì phải chích sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh mới đảm bảo bảo vệ cho trẻ. Trong khi đó, BS Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết ở VN, phác đồ chích ngừa VGSV B được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khuyến cáo theo phác đồ của WHO là 0 (trong 24 giờ đầu sau sinh) - 2-4 tháng tuổi.

BS Anh Tuấn cho biết đối với trẻ nhỏ, để thuận tiện cho người tiêm chủng, văcxin VGSV B được lồng ghép vào chương trình tiêm mở rộng. Liều đầu tiên được tiêm sau khi sinh và các liều còn lại sẽ được tiêm cùng lúc với văcxin ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, và hiện tại đã có những dạng văcxin chứa phối hợp cùng lúc ngừa được cả sáu bệnh này.

Tại các nước có tần suất mắc bệnh cao trên 8%, WHO khuyến cáo nên tiêm liều đầu tiên ngay sau sinh. Đặc biệt là con của những bà mẹ có HBsAg dương tính thì liều đầu tiên cần được tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và chỉ dùng văcxin đơn giá, không được dùng văcxin phối hợp. Việc tiêm ngừa sớm văcxin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu có thể ngăn chặn hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan B.

Với các trường hợp khác, việc tiêm liều đầu tiên có thể muộn hơn trong vòng một tuần hoặc có thể đến một tháng sau sinh. Đối với những trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2kg, việc tiêm văcxin liều đầu được khuyến cáo nên dời lại sau một tháng hoặc cho đến khi trẻ có đủ cân nặng trên 2,8kg.

Các lần tiêm sau có thể tiêm cùng lúc với văcxin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và có thể dùng văcxin đơn giá hoặc văcxin kết hợp. Tạo miễn dịch cơ bản chỉ cần 3 hoặc 4 mũi thuốc chủng ngừa là đủ, không cần tiêm nhắc lại. Khoảng cách giữa các lần tiêm cũng cho phép dao động trong khoảng thời gian khá dài: giữa liều 1 đến liều 2 có thể dao động từ 1-4 tháng, giữa liều 2 đến liều 3 có thể dao động từ 6-18 tháng. Do đó việc tiêm trễ hơn lịch qui định vài ngày đến 1-2 tháng là hoàn toàn chấp nhận được.

Đối với VGSV B, khi đang tiêm loại văcxin này, ví dụ như đã tiêm văcxin Euvax-B của Hãng LG, Hàn Quốc mà vì một lý do nào đó trong lần tiêm sau không có loại văcxin này nữa thì hoàn toàn có thể chuyển đổi qua loại văcxin khác có cùng chủng loại, ví dụ như Engerix-B hoặc HBvax-pro... vì hiệu quả bảo vệ là như nhau.

Chú ý chống chỉ định

Tuy nhiên, theo BS Phan Thị Hiền Thu - phòng khám Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc chích ngừa văcxin cũng có chống chỉ định với một số trường hợp. Cụ thể, chống chỉ định tạm thời với người đang sốt cao; đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nặng; đang bị nhiều mụn mủ ngoài da, đang bị chàm; đang sử dụng liệu pháp corticoide dài hạn (đang điều trị các bệnh khớp, bệnh lý thận...). Chống chỉ định lâu dài với người đang có bệnh ung thư; người đang có bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

Ngoài ra, cần lưu ý chống chỉ định chích ngừa với các đối tượng đặc biệt như: đối với trẻ sinh non: hoãn mũi chích lao và VGSV B lần đầu cho đến khi trẻ được tròn một tháng tuổi; đối với trẻ suy dinh dưỡng nặng: không chủng ngừa sởi cho đến khi nào trẻ hết suy dinh dưỡng nặng; đối với những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch: chống chỉ định với các văcxin sống giảm độc lực.

Tuy nhiên, các văcxin bất hoạt cũng chỉ sử dụng được trong một số trường hợp và đáp ứng miễn dịch sẽ kém hơn so với người khỏe mạnh; đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh: có thể chủng ngừa an toàn nếu bệnh đang ở giai đoạn ổn định; đối với trẻ bị bệnh tim mắc phải do khớp: chỉ chích ngừa khi hết quá trình viêm; đối với trẻ có phản ứng mạnh ở lần tiêm trước như sốc phản vệ, co giật, sốt cao kéo dài... thì phải báo với BS và nên được chích trong bệnh viện để có sẵn các phương tiện cấp cứu triệt để hơn.

Theo Tuoitre

Thuốc từ cây cỏ

Có nhiều loại cây cỏ quanh ta tưởng chừng như vô dụng, nhưng trên thực tế, bạn sẽ bất ngờ khi biết được những thông tin sau:

Cỏ mần trầu hay còn gọi là thanh tâm thảo, có họ Lúa, dễ nhầm với cỏ chân vịt. Cỏ mần trầu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt, mát gan, lợi tiểu, ra mồ hôi, kích thích tiêu hoá, đun nước gội đầu ngăn rụng tóc và sạch gàu.

Chữa bệnh tăng huyết áp: Cỏ mần trầu cả cây 500g, rửa sạch, băm nhỏ, giã nát. Thêm vào 1 bát nước đun sôi để nguội, bóp, lọc lấy nước cốt.

Thêm ít đường cho dễ uống. Uống trong ngày, chia làm 2 lần sáng – tối (trước khi đi ngủ).

Chữa sốt cao, co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu tươi 120g, sắc với 600ml nước sạch, còn lại 400ml. Uống làm nhiều lần trong 12 giờ.

Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa: Cỏ mần trầu tươi giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

Cỏ mực chữa được nhiều bệnh

Cỏ mực còn gọi là cây nhọ nồi, thuốc họ Cúc, có vị ngọt, chua, mặn, tính mát, có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.

Có rất nhiều bài thuốc từ cỏ mực, có thể dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác để cầm máu, chữa rong kinh, rong huyết, chảy máu kéo dài, sốt xuất huyết, đái ra máu do viêm mạn tính đường tiết niệu, động thai, băng huyết, rối loạn kinh nguyệt, lỵ amip và trực trùng, di mộng tinh, ho do viêm đường hô hấp trên, lao phổi, tưa lưỡi ở trẻ em, chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu ở tuỷ xương, chữa viêm gan siêu vi, bại liệt trẻ em trong giai đoạn khởi phát, chữa đau nhức khớp do phong tê thấp, thấp khớp, chữa các chứng đau sưng ở người lớn và trẻ em cùng nhiều bệnh khác như bệnh nấm ngoài da, đau răng, rụng tóc, tóc bạc sớm, nhức đầu…

Bài thuốc chữa động thai, băng huyết: Nhọ nồi 1 nắm, ngải cứu 1 nắm, trắc bách điệp 1 nắm sao cháy đen, cành tía tô 12g, củ gai 12g. Sắc đặc, uống làm 1 lần.

Bài thuốc chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu ở tuỷ xương: Nhọ nồi, thục địa, mỗi vị 16g, hoài sơn, mai ba ba, ngẫu tiết, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g, phục linh, sơn thù, đơn bi, trạch tả, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa di mộng tinh: Nhọ nồi 12g, tỳ giải, bồ công anh, hoài sơn, mỗi vị 16g, ý di, hoàng bá nam, mẫu lệ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa thấp khớp (đang sưng khớp): Nhọ nồi 16g, rễ cỏ xước, hy thiêm, mỗi vị 16g, phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc đặc. Uống ngày 1 thang. Sắc uống trong 7 – 10 ngày liên tục.

Cỏ ngọt hạ đường huyết

Cỏ ngọt hay còn gọi là cúc ngọt, thuộc họ Cúc có tác dụng hạ đường huyết, giãn mạch, hạ huyết áp, kháng khuẩn, tránh thai.

Cỏ ngọt có độc với thận nếu dùng liều cao. Cỏ có vị ngọt rất đậm, thường dùng cho người bệnh đái tháo đường, béo phì và cao huyết áp.

Cỏ nến phương thuốc quý chữa bệnh về huyết

Cỏ nến còn gọi là bồ hoàng, thuộc họ Hương bồ. Phấn hoa cỏ nến có vị ngọt nhạt, tính bình, quy 3 kinh can, tỳ, tâm bào. Cỏ nến dễ sống, có tác dụng lợi tiểu, giảm đau, chống viêm, tiêu huyết ứ, bế kinh. Cỏ nến sao đen có tác dụng cầm máu, bổ huyết. Lưu ý, cỏ nến có thể ảnh hưởng đến sự co bóp dạ con. Tác dụng cầm máu của cỏ nến thể hiện rõ ràng trong các trường hợp có xuất huyết thông thường. Ho ra máu 2 – 6 ngày, xuất huyết tử cung 2 – 4 ngày, đại tiện, tiểu tiện ra máu… chỉ 2 ngày sử dụng là hiệu quả trông thấy, giảm bớt và có thể cầm máu hoàn toàn.

Chữa thổ huyết: Cỏ nến sao 80g. Uống 4 – 8g một lần cho đến khi ngừng thổ huyết.

Chữa chảy máu cam: Cỏ nến 4g, thanh đại 4g. Uống trong ngày.

Chữa đi cầu ra máu: Cỏ nến sao, lá sen tươi phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, 2 vị lượng bằng nhau, trộn đều. Uống với nước sắc vỏ rễ cây dâu, mỗi lần 8 – 12g.

Chữa trĩ mãn tính: Lá cỏ nến phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với đường mật mía. Ngày uống 80-100g, chia làm 4 lần trong ngày.

Cỏ tháp bút chữa các bệnh về mắt

Cỏ tháp bút còn có tên mộc tặc, họ Mộc tặc. Cỏ tháp bút có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào 4 kinh can, đởm, phế, thận, có tác dụng tán phong, giải độc, cầm máu, lợi tiểu, ra mồ hôi. Cỏ tháp bút được dùng chữa đau mắt đỏ do viêm giác mạc, màng mộng, viêm gan, vàng da, bí tiểu, sỏi tiết niệu, trĩ, huyết lỵ, rong kinh, ho hen, cảm mạo, đôi khi trị cả bệnh lậu.

Chữa viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi: Cỏ tháp bút, mộc thông, mã đề (hạt hay lá bông), sinh địa, cỏ xước (hay ngưu tất), rễ cỏ tranh, mỗi vị 15g. Sắc uống với bột hoạt thạch 15g, chia làm 3 lần.

Chữa đau mắt, mộng mắt và các bệnh mắt khác: Cỏ tháp bút, cỏ dùi trống, thảo quyết mình, gai chống, xác rắn, dinh địa, hoa cúc, mật mộng hoa, mỗi vị 10g, sắc uống.

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, sưng đỏ sưng đau, chói sợ sáng, mờ mắt, chảy nước mắt: Cỏ tháp bút, hoa cúc, lá dâu, hạt mào gà trắng, mỗi vị 12g, cỏ thanh ngâm 6g.

Chữa tiêu chảy ra máu mạn tính, rong kinh, băng huyết: Cỏ tháp bút 20-30g sắc uống hàng ngày.

Cỏ roi ngựa chữa đái rắt, đái buốt

Cỏ roi ngựa còn gọi là mã tiền thảo, họ Cỏ roi ngựa. Cỏ roi ngựa có vị đắng, tính hơi mát, vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thông kinh, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, sát trùng.

Công dụng chữa bệnh của cỏ roi ngựa rất nhiều: chữa bế kinh, trướng bụng, sưng vú, rối loạn kinh nguyệt, bệnh về gan mật, cảm lạnh, rối loạn tâm thần. Dùng ngoài trị vết thương, áp xe, u cục, eczema, thấp khớp…

Chữa rối loạn kinh nguyệt: Cỏ roi ngựa 12g, hương phục chế 16g, quy vĩ 12g, tô mộc 19g, tam lăng 8g, huyền hồ 8g, hồng hoa 8g, cam thảo 4g. Sắc với 400ml nước còn 100ml. Uống trong ngày, chia làm 3 lần.

Chữa viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi: Cỏ tháp bút, mộc thông, mã đề (hạt hay lá bông), sinh địa, cỏ xước (hay ngưu tất), rễ cỏ tranh, mỗi vị 15g. Sắc uống với bột hoạt thạch 15g, chia làm 3 lần.

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, mắt đỏ sưng đau, chói sợ sáng, mờ mắt, chảy nước mắt: Cỏ tháp bút, hoa cúc, lá dâu, hạt mào gà trắng, mỗi vị 12g, cỏ thanh ngâm 6g. Sắc uống.

24H.COM.VN

Chữa phong thấp bằng cách lấy độc trị độc

Hiếm ai trong đời không vài lần bị tê mỏi chân tay hay nhức đau xương khớp (dân gian gọi là phong tê thấp). Bệnh được cải thiện rất hiệu quả bằng phương thuốc cổ nổi tiếng có mã tiền - một vị thuốc độc - làm chủ đạo.

Phong tê thấp là bệnh khá phổ biến, với những biến chứng tai hại, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đông y đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý chữa bệnh này, trong đó có việc dùng hạt mã tiền theo nguyên tắc 'lấy độc trị độc'.

Mã tiền giúp thúc đẩy sự vận hành của huyết dịch, trừ khử ứ trệ, thông kinh hoạt lạc, chống tê mỏi và cắt cơn đau. Do đó hầu hết các bài thuốc chữa phong tê thấp đều có nó. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, vị thuốc này khi sử dụng với liều nhỏ sẽ kích thích thần kinh trung ương, làm mạnh tim, giảm đau, chống ho, trừ đờm và tăng tiết dịch vị.

Mã tiền sống là thuốc rất độc (bảng A), sau khi bào chế theo phương pháp truyền thống thì độ độc giảm bớt (bảng B), nhưng vẫn chỉ được sử dụng với liều lượng rất nhỏ. Trong Đông y truyền thống, mã tiền chế chủ yếu được dùng chữa trị tê liệt, đau nhức kinh niên do phong thấp hoặc ngoại thương. Trên lâm sàng hiện đại, nó được sử dụng để chữa trị tổn thương phần mềm, viêm khớp xương trong bệnh phong thấp, đau do ung thư, nhược cơ nặng, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bại liệt do ngoại thương.

Trong phương 'Thuốc phong bà Giằng' nổi tiếng, mã tiền được sử dụng cùng các vị thuốc khác theo cấu trúc 'quân - thần -tá -sứ' kinh điển:

- Mã tiền là 'quân' (vua, tức vị thuốc chủ đạo).

- Thương truật là 'thần' - vị tể tướng hỗ trợ trực tiếp cho quân vương. Nó tăng cường tác dụng giảm đau của mã tiền.

- Hương phụ, mộc hương, thương truật là 'tá', tức phụ tá để hạn chế tác dụng phụ của vị thuốc chính. Các vị này giúp tăng tác dụng giảm đau, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.

- Địa liền, quế chi là 'sứ', tức có tác dụng dẫn đường, đưa thuốc tới vị trí bệnh và điều hòa phương thuốc.

Phương thuốc trên phối hợp các vị nóng và lạnh nên có tính bình, thích hợp cho cả người tạng hàn lẫn tạng nhiệt. Sự phối hợp trên lại phát huy được sở trường và hạn chế sự độc hại của mã tiền nên an toàn, ít tác dụng phụ. Nó giúp chữa trị các chứng tê mỏi chân tay, đau xương khớp, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn... do phong tê thấp, đau do gút. Những người bị tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp và một số chứng bệnh tiêu hóa mạn tính cũng có thể dùng.

Bài thuốc phong bà Giằng hiện cũng được bào chế dưới dạng viên nén bao phim để tiện sử dụng và dễ xác định liều lượng hơn. Đó là thuốc Vimatine do Đại học Dược Hà Nội bào chế. Thay vì phải uống hàng chục viên hoàn, bệnh nhân chỉ cần dùng 2-3 viên nén mỗi lần.

Lương y Huyên Thảo, Sức Khỏe & Đời Sống

Những tin tức liên quan

90 tuổi vẫn ra sức cứu người

Cụ Một, cụ Lợi người tật nguyền, người bị bệnh tim, lại đã ở tuổi cửu tuần nhưng vẫn miệt mài cứu chữa cho những người bệnh nghèo mà không lấy tiền.

Ở Đà Nẵng, nhiều người biết đến lương y Lê Văn Một (hơn 70 tuổi, trú tại 121, Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi (90 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Tuổi cao, nhưng họ vẫn tận tâm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Là con thứ 12 trong một gia đình có tới 14 người con, từ khi lọt lòng, ông Một đã bị bại liệt gần nửa thân người. Năm 14 tuổi, ông Một xin bố mẹ cho đi học, nhưng không có trường nào nhận với lý do bị tật nguyền. Sau đó, một người thầy nhận ông làm học trò đặc biệt. Nhờ chăm chỉ, cần cù, chỉ hơn một năm, cậu bé tật nguyền Lê Văn Một đã biết đọc, biết viết. Từ đó, ông bắt đầu học nghề làm thuốc, chữa bệnh viêm xoang.

Chỉ sau một thời gian ngắn, mọi “công đoạn” về bốc thuốc, chữa bệnh viêm xoang đã được ông Một học thuộc. Cảm thông với những bệnh nhân nghèo, bất hạnh, ông Một chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo mỗi năm. Những người lao động nghèo từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định cũng tìm đến nhờ ông kê đơn bốc thuốc, chữa bệnh viêm xoang.

Cụ bà Nguyễn Thị Lợi đang chữa bệnh cho người nghèo tại nhà. 
Ảnh: Nguyễn Vũ.

Còn cụ bà Nguyễn Thị Lợi sinh ra trong một gia đình có người cha hành nghề nắn xương, đắp thuốc cho người bệnh từ thuở thiếu thời. Từ 9 tuổi, bà đã theo cha học làm thuốc và rong ruổi khắp nơi chữa bệnh cứu người. Bà Lợi nhớ lại: “Thời trẻ, tui đi rất khỏe. Dù ở Quảng Nam, Quảng Ngãi hay ở Huế, nơi nào có người mời là tui lại khăn gói đi. Thường thì đi ba ngày, nhưng có những trường hợp bệnh nhân bị nặng thì tui phải ở lại đến 10 ngày, nửa tháng”. Hầu hết bệnh nhân đến nhờ cụ Lợi chữa bệnh là người nghèo bị bong gân, trật khớp hoặc gãy chân, tay nhưng không có tiền đến bệnh viện để điều trị.

Hiện nay, hằng ngày vẫn có hàng chục người bệnh đến nhà để nhờ cụ nắn xương, đắp thuốc. Chị Nguyễn Thị Lan, hàng xóm của cụ Lợi, cho biết: “Cụ Lợi nay tuổi đã cao lại kèm theo chứng đau tim nên phải uống thuốc miết. Thế nhưng cứ ai đến nhà nhờ đắp thuốc, cụ lại gượng dậy để làm”.

Tiêm chủng: Sự lựa chọn phòng bệnh hiệu quả

Với sự phát triển của nền công nghiệp vaccin và sự triển khai rộng rãi hoạt động tiêm chủng, nhiều thế hệ trẻ em đã được bảo vệ khỏi nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Với những hiệu quả vô cùng to lớn của tiêm chủng mang lại, các loại vaccin mới vẫn đang được tiếp tục tìm kiếm, mở ra những hy vọng mới cho con người. Có thể nói nhờ có vaccin và hoạt động tiêm chủng đã làm thay đổi rất nhiều mô hình bệnh tật trên thế giới.

Tiêm chủng mang lại lợi ích như thế nào?

Ngày nay vaccin được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới vì đây là một biện pháp hiệu quả và rẻ tiền để nâng cao sức khoẻ. Trẻ em ở tất cả các quốc gia đều được tiêm chủng thường xuyên phòng ngừa các bệnh chủ yếu, biện pháp này đã trở thành chính sách trung tâm trong các nỗ lực về y tế công cộng trên toàn thế giới.

Tổ chức Y tế Thế (WHO) giới ước tính rằng việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp cho chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho việc chi phí vaccin, điều trị và phục hồi chức năng. Nhiều chiến dịch tiêm chủng vaccin sởi  đang được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, người ta hy vọng đến năm 2012 bệnh sởi cũng sẽ được thanh toán.

Loài người đã trải qua những thời khắc kinh khủng với sự tàn phá của bệnh đậu mùa, căn bệnh đã từng cướp đi tính mạng 2 triệu người mỗi năm cho tới cuối những năm 1960. Sau những chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, nó đã được thanh toán vào năm 1979. Nhờ có tiêm chủng mà bệnh bại liệt đã giảm từ trên 300.000 ca/năm giai đoạn những năm 1980 còn 2.000 trường hợp năm 2002. Hiện nay, 1/3 các nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005 và tiếp tục bảo vệ vững chắc thành quả quan trọng này. Từ khi có Chương trình TCMR của WHO (1974), số trường hợp tử vong do sởi được báo cáo giảm từ 6 triệu xuống còn 1 triệu mỗi năm, số mắc ho gà đã giảm từ 3 triệu/năm xuống chỉ còn 250.000, số mắc bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 còn 10.000 trường hợp như hiện nay. Vaccin phòng viêm màng não mủ (Hib) đã làm giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh này ở châu Âu trong 10 năm.

Tầm quan trọng của tiêm vaccin

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh rẻ tiền và hiệu quả.

Phòng bệnh là vấn đề chính của y tế công cộng, vaccin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ cho người tiêm không mắc bệnh và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và chi phí của người dân. Các bậc cha mẹ luôn quan tâm đến sức khoẻ, sự an toàn của trẻ em và làm tất cả những gì có thể để bảo vệ con em mình. Vaccin là một sự lựa chọn an toàn và chất lượng đối với tất cả mọi người.

Trẻ em khi mới ra đời có miễn dịch với nhiều bệnh vì nhận được kháng thể từ mẹ, qua sữa. Tuy nhiên thời gian miễn dịch này có thể chỉ kéo dài 1 tháng cho tới 1 năm. Ngoài ra trẻ nhỏ không có được miễn dịch của người mẹ đối với một số bệnh có vaccin phòng bệnh như bệnh ho gà. Nếu trẻ không được tiêm vaccin và bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh cơ thể các em sẽ không đủ sức để chống lại bệnh tật. Trước khi có vaccin, rất nhiều trẻ đã tử vong do mắc các bệnh mà ngày nay đã có vaccin phòng ngừa như ho gà, sởi, bại liệt… Hiện nay, các tác nhân gây bệnh vẫn còn tồn tại, nhưng trẻ em hoàn toàn có thể được bảo vệ nhờ vaccin.

Việc tiêm phòng cho từng cá nhân cũng góp phần bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, đặc biệt là những người không được miễn dịch, bảo gồm trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccin (trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccin sởi có thể bị nhiễm virut sởi), những người không được tiêm chủng do nguyên nhân y tế (như trẻ bị bạch cầu) và những người không có đáp ứng đầy đủ với tiêm chủng. Nhờ đó những người tiêm vaccin mà không có đáp ứng cũng được bảo vệ. Mặt khác, những người ốm yếu cũng ít có nguy cơ phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh. Tiêm chủng cũng làm chậm hoặc chặn đứng những vụ dịch.

Ở nước ta, Chương trình TCMR đã được triển khai ở tất cả các vùng miền trên cả nước với nhiều loại vaccin khác nhau, mỗi năm có 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vaccin, đã và đang tạo ra một cộng đồng được bảo vệ khỏi nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Hiện vaccin 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib) đã được đưa vào tiêm chủng cho trẻ em trên toàn quốc, giảm số mũi tiêm cho trẻ. Trẻ em Việt Nam đã được bảo vệ khỏi sự nguy hiểm của bệnh viêm màng não mủ và viêm đường hô hấp do vi khuẩn Hib. Vì tương lai của trẻ em, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch tại các cơ sở y tế.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ TW

12 loại vắc xin trẻ cần phải được tiêm

12 loại vắc xin dưới đây con bạn nên được tiêm để giúp trẻ bảo vệ chống lại những vi trùng có khả năng đe dọa đến tính mạng.

 

1. Viêm gan B

Trẻ sơ sinh cần phải được tiêm ngay sau khi sinh 24h, và nhận được một liều lượng tương tự từ khi được 1 đến 2 tháng tuổi và một phần ba liều tương tự vào lúc 6 đến 18 tháng tuổi. Thuốc chủng ngừa này bảo vệ trẻ chống lại virus viêm gan B - virus lây lan qua tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể (bàn chải đánh răng chia sẻ và một vài dụng cụ, đồ dùng cá nhân).

Triệu chứng khi trẻ tiêm thuốc thường gặp phải khi tiêm loại thuốc này là đau ở vết tiêm, hay sốt nhẹ.

2. DTaP

Thuốc chủng ngừa DTaP bảo vệ trẻ chống lại bệnh bạch hầu (một loại vi khuẩn có thể tạo khiến cổ họng của trẻ biến thành màu xám hoặc đen), bệnh uốn ván (một bệnh nhiễm trùng có thể gây co thắt cơ bắp rất mạnh khiến trẻ có thể phá vỡ xương), và ho gà (một căn bệnh rất dễ lây gây ra nghiêm trọng , không thể kiểm soát ho, được biết đến như ho gà).

Năm liều vắc-xin cho trẻ em tại các độ tuổi 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 15 đến 18 tháng, và 4 đến 6 tuổi. (Và tiêm nhắc lại ở độ tuổi 11 hoặc 12 và sau đó cứ mỗi 10 năm.)

3. MMR
Loại vắc xin này kết hợp bảo vệ chống lại ba loại virus: sởi (gây sốt cao, phát ban toàn cơ thể trẻ); quai bị (gây đau mặt, sưng tuyến nước bọt, và đôi khi bìu sưng ở bé trai); và rubella hay bệnh sởi Đức (mà có thể gây dị tật bẩm sinh nếu có nhiễm trùng xảy ra trong thai kỳ).

Hãy bắn đầu tiêm loại vắc xin này cho trẻ khi trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lần nữa trong độ tuổi từ 4 và 6 tuổi.

4. Bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu, là loại bệnh phát ban rất dễ lây ở trẻ do virus thủy đậu gây ra. Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác. Thường trẻ bị thủy đậu có thể dẫn đến bị bệnh zona, một bệnh phát ban phồng rộp rất đau đớn.

Loại vắc xin phòng bệnh này được tiêm chủng cho trẻ tốt nhất ở độ tuổi 12 đến 15 tháng và nhắc lại vào độ tuổi giữa 4 và 6 tuổi.

5. Vắc xin Haemophilus cúm B (Hib)

Haemophilus cúm B là loại vi khuẩn gây viêm màng não biểu hiện mức viêm bao quanh não và tủy sống, là đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Vắc-xin Hib được khuyến khích tiêm cho trẻ trong độ tuổi 2, 4, 6, và 12 đến 15 tháng tuổi. Sốt, sưng và tấy đỏ tại nơi tiêm là tác dụng phụ tthường gặp khi trẻ tiêm loại vắc xin này.

6. Bại liệt (IPV)

Bại liệt có thể gây tê liệt và thậm chí tử vong cho trẻ. Thuốc chủng ngừa bệnh bại liệt là một thành côngbởi vì vắc-xin loại trừ hoàn toàn các loại vi rút gây bệnh bại liệt ở trẻ. Trẻ em nên được tiêm IPV ở độ tuổi 2 tháng, 4 tháng, 6 đến 18 tháng tuổi và sau đó tiêm nhắc lại một lần nữa trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuôi.

7. Phế cầu khuẩn liên hợp (PCV)

Vắc-xin này, được gọi là PCV13 (tên thường gọi Prevnar), bảo vệ chống lại 13 loại vi khuẩn có thể gây ra tất cả các loại tình trạng xáo trộn sức khỏe ở trẻ như bệnh viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng máu, và thậm chí tử vong.

Với loại vắc xin này trẻ phải tiêm tổng cộng bốn mũi vào độ tuổi 2, 4, 6, và 12 đến 15 tháng tuổi để trẻ được bảo vệ chống lại các vi khuẩn phế cầu khuẩn. Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chủng bao gồm buồn ngủ, sưng tại vết tiêm, sốt nhẹ, và khó chịu.

8. Bệnh cúm (flu)

Tiêm chủng cúm được bắt đầu vào mùa thu mỗi năm. Các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đề nghị tiêm phòng vắc xin cúm cho trẻ ở độ tuổi từ 6 tháng tuổi trở lên. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc gồm đau nhức, tấy đỏ, hoặc sưng tại vết tiêm ngừa. Có thể gây sốt và đau nhức ở cơ thể.

9. Virut Rota (RV)

Thuốc chủng ngừa vi rút rota (RV); (tên thuốc RotaTeq, Rotarix) – một loại virut gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ được trao cho trẻ em ở 2 và 4 tháng tuổi (RotaTeq được tiêm cho trẻ vào lúc 6 tháng.) Thuốc chủng này được sản xuất ở dạng lỏng và là dạng thuốc uống. Nó có thể làm cho trẻ khó chịu hơn một chút và cũng có thể gây tiêu chảy nhẹ hoặc nôn mửa.

10. Viêm gan A

Trẻ em có thể bắt viêm gan A từ đồ ăn hay thức uống hoặc khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc đưa các vật nhiễm khuẩn vào miệng. Đây là bệnh do virus gây tổn hại đến gan với một số triệu chứng gồm sốt, mệt mỏi, vàng da, và chán ăn.

Trẻ em tuổi từ 12 đến 23 tháng tuổi thường được tiêm hai liều thuốc chủng ngừa viêm gan A, với một khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là sáu tháng giữa các mũi tiêm.

Đau nơi tiêm, đau đầu, và chán ăn là những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chủng ngừa này.

11. Viêm màng não (MCV4)

Vắc-xin này, được gọi là MCV4 (Menactra), giúp con bạn bảo vệ chống lại vi khuẩn viêm màng não – bệnh phổ biến có thể lây nhiễm ở các màng bao quanh não và tủy sống. MCV4 được khuyến khích tiêm cho trẻ tốt nhất ở độ tuổi 11 hoặc 12 tuổi, và tât cả mọi người ở độ tuổi từ 2 đến 55 có nguy cơ nhiễm trùng. Khi tiêm loại vắc xin này, một tác dụng phụ thường gặp đó là chỗ tiêm sẽ hơi đau.

12. Human papillomavirus (HPV)Vắc xin phòng chống ung thư cổ tử cung

Human papillomavirus (HPV) chủng ngừa (tên thuốc Gardasil, Cervarix) được đưa ra tiêm cho trẻ ba liều trong thời gian 6 tháng, và được chấp thuận cho các em gái ở độ tuổi từ 9 đến 26 là tốt nhất.

Loại vắc xin này bảo vệ trẻ chống lại hai loại vi rút lây truyền qua đường tình dục nguyên nhân phổ biến gây bệnh ung thư cổ tử cung.