Lưu trữ cho từ khóa: bạch truật

Trà thảo dược điều trị trĩ

Để điều trị bệnh trĩ, y học cổ truyền có thuốc ngâm, thuốc đắp, thuốc xông, thuốc thang, trà dược, dược thiện… Trong đó phương pháp dùng trà dược tỏ ra có nhiều ưu điểm.

Bài 1: Hoa hòe, cỏ mực, lá đắng, lá đinh lăng, dau diếp cá, đương quy, bạch thược, bạch truật, cam thảo mỗi vị 200g (dược liệu ở dạng khô).

Cách chế: Các vị sao giòn, tán vụn, trộn đều bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút là có thể dùng được. Uống dần trong ngày.

Công dụng: bổ trung ích khí, làm co búi trĩ, chống viêm chỉ huyết. Trong bài: đương quy, bạch truật, lá đắng bổ tỳ vị, bổ trung châu; hoa hòe, cỏ mực chỉ huyết và nhận tràng; rau diếp cá, cam thảo, lá đinh lăng tác dụng bổ trợ và điều hòa các vị thuốc. Nếu trĩ chưa chảy máu hoặc chảy máu ít nên dùng bài này từ 2-3 tháng. Đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp, dùng những loại thức ăn nhiều chất xơ, chống táo bón, chống dị ứng.

Bài 2: Nhân trần, rau má, cỏ mần trầu, vỏ đậu xanh, ngũ gia bì, khương truật, cam thảo, ngân hoa mỗi vị 200g (dược liệu ở dạng khô).
Cách chế: Các vị sao giòn, tán vụn, trộn đều bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút là có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày.

Công dụng: Nhuận gan mật, lợi tiêu hóa, chống viêm chỉ huyết, mát huyết. Bài này phù hợp với bệnh nhân trĩ có tiền sử kiết lỵ, chức năng gan suy giảm, vàng da vàng mắt, đau tức hông sườn, rối loạn tiêu hóa…

Nhân trần, rau má: bổ gan lợi mật; cỏ mần trầu, vỏ đậu xanh: đặc trị bệnh trĩ; ngân hoa: chống viêm tiêu độc; khương truật, ngũ gia bì: bổ tỳ; cam thảo có vị ngọt vừa bổ tỳ vừa điều hòa các vị trong bài.

Với bài này, người bệnh có thể dùng liên tục từ 2 tháng trở lên.

Bài 3: Hạ liên châu, ngân hoa, lá đắng, đương quy, bạch truật, huyết đằng, táo nhân, thủ ô, cam thảo, cỏ mực, thăng ma, sài hô, các vị lượng bằng nhau, mỗi lần chế biến nên lấy mỗi vị từ 150-200g.

Cách chế: riêng táo nhân (sao đen), các vị khác sao giòn tán vụn trộn đều bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.

Công dụng: Thăng đề dương khí, đại bổ khí huyết, chống viêm tiêu độc, theo quan điểm Đông y: nguyên tắc điều trị bệnh trĩ bao gồm: thăng đề dương khí, chống viêm, giảm đau, chỉ huyết. Trong bài đương quy, bạch truật, thăng ma, sài hồ: thăng đề dương khí; huyết đắng, thủ ô, đương quy: bổ khí huyết.

Ngân hoa, hạ liên châu: chống viêm tiêu độc, táo nhân sao đen cùng với cam thảo, cỏ mực: dưỡng tâm an thần, chỉ huyết lương huyết. Bài này thích hợp với bệnh nhân trĩ đã bị bệnh lâu ngày, khí huyết lưỡng hư, thể trạng suy yếu, cần được nâng đỡ bồi bổ nguyên khí với tinh thần “Nhân cường tật nhược”.

Bài 4: Ngũ gia bì 200g, củ đinh lăng 200g, bạch truật 200g, trần bì 100g, sơn tra 100g, phòng sâm 240g, sơn thù 200g, biển đậu 200g, cam thảo 200g, cỏ mần trầu 200g, ngân hoa 200g, thảo quả 100g.

Cách chế: Các vị sao giòn, tán vụn, trộn đều bảo quản trong hộp lín tránh ẩm. Ngày dùng 35-40g, hãm với nước sôi vào ấm chuyên, sau 10 phút có thể dùng được. Uống dần trong ngày.

Công dụng: bổ tỳ dương, cải thiện tiêu hóa, chống viêm, thăng đề.

Bài này phù hợp với bệnh nhân trĩ, thể trạng hư hàn, hay bị sôi bụng đi đại tiện lỏng, ăn uống chậm tiêu, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, dày da bụng.

Bạch truật, biển đậu, ngũ gia bì, củ đinh lăng, cam thảo: bổ tỳ, kiện tỳ, thăng dương; cỏ mần trầu, ngân hoa: chống viêm tiêu độc; phòng sâm và bạch truật: bổ khí, nâng đỡ tỳ thổ. Dùng phương pháp này các triệu chứng của trĩ giảm rõ rệt. Bệnh nhân dễ chịu ăn uống sinh hoạt được cải thiện.  

Theo Lương y Trịnh Văn Sỹ / SK&ĐS

10 vị thuốc quý cho thai phụ

Trong kho tàng dược liệu quý giá của nước ta, nhiều vị thuốc có tác dụng rất tốt cho thai phụ, những dược liệu này được gọi là những thuốc an thai. Với mong muốn năm Nhâm Thìn có được những “rồng con” khỏe mạnh, xin giới thiệu một số vị thuốc quý thường dùng cho phụ nữ mang thai.

Trữ ma căn: Vị thuốc là rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây gai, tên khoa học là Boehmeria nivea (L) Gaud, họ gai Urticaceae. Cây sống lâu năm, thuộc loại nửa bụi, có thể cao tới 1,5 – 2m, mọc khắp nơi trong nước, thường lấy sợi và lấy lá làm bánh. Rễ củ thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa thu đông. Trữ ma căn vị đắng, tính hơi hàn, quy kinh phế, tỳ, can. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông lâm, an thai. Dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái dắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10 – 20g.

Tô ngạnhlà cành đã phơi hay sấy khô của cây tử tô có tên khoa học là Perilla frutescens (L) Britt, họ Hoa môi Lamiaceae, là loại rau thơm phổ biến. Tô ngạnh vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế, tỳ. Tác dụng thuận khí, an thai. Dùng trong trường hợp khí nghịch lên gây đau bụng, động thai. Liều dùng 6 -12g.

Tô ngạnh tác dụng thuận khí, an thai.

Bạch truật: Vị thuốc là rễ cây bạch truật, tên khoa học Astractyloides macrocephala, Koidz, họ cúc Asteraceae. Cây mọc lâu năm cao khoảng 70 – 80cm. Rễ phát triển thành củ to và mầm. Rễ cây thu hái vào mùa đông khi lá ngả vàng. Cây được di thực về trồng ở một số nơi kể cả vùng núi và đồng bằng. Thuốc có vị ngọt, đắng, quy kinh tỳ, vị. Tác dụng kiện tỳ vị, tiêu thực, lợi thủy, ráo thấp, cố biểu, liễm hãn, an thai, chỉ huyết. Trường hợp động thai, ra huyết có thể dùng bạch truật. Liều dùng 6 -12g.

Tục đoạn

dùng rễ của cây tục đoạn, tên khoa học là Dipsacus japonicus, Mig, họ tục đoạn Dipsacaceae. Là loại cây thảo, cao chừng 1,5 – 2m, rễ củ không phân nhánh, thân đứng có khía dọc, có gai thưa. Vị thuốc còn có tên tiếp cốt thảo. Cây có ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, nhất là ở Sa Pa (Lào Cai). Tục đoạn có vị đắng, tính hơi hàn, quy hai kinh can, thận. Tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, thông điều huyết mạch, chỉ thống, trị phong thấp, chấn thương, xương khớp sưng đau, an thai, chỉ huyết. Dùng tốt trong các trường hợp động thai, đau bụng, ra huyết. Liều dùng 6 -12g

Tục đoạn bổ can thận, thông điều huyết mạch.

Tang ký sinh

: là toàn thân của cây tầm gửi cây dâu, tên khoa học Loranthus parasiticus (L), Merr, họ tầm gửi Loranthaceae. Thuốc có vị đắng, tính bình, vào hai kinh can, thận. Tác dụng trừ phong thấp, kiện cân, cường cốt, hạ huyết áp, dưỡng huyết, an thai. Dùng cho thai phụ huyết hư dẫn đến động thai, ra huyết. Liều dùng 8 -12g.

Sa nhân: Vị thuốc là hạt của cây sa nhân Amomum (wall ex Bak) vilosum, Lour.Var Xanthioides A, Longiligulare T.L Wu, họ Gừng Zingiberaceae. Cây thảo sống lâu năm, cao chừng 1,5m, phổ biến ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Quả được thu hái vào tháng 8 dương lịch. Thuốc có vị cay, tính ấm, quy vào kinh tỳ, thận, vị. Tác dụng lý khí hóa thấp, trừ thấp, giảm đau. Làm an thai trong trường hợp thai động không yên, ra máu. Liều dùng 2 – 4g.

Ngải diệp là lá của cây ngải cứu tên khoa học Artemisia vulgaris L. Họ cúc Asteraceae. Loại cây thảo, dùng làm rau ăn. Thành phần hóa học chủ yếu là tinh dầu. Ngải diệp vị đắng, cay, tính ấm, quy kinh can, vị. Tác dụng điều hòa khí huyết, ôn kinh, tán hàn, giải cảm, giảm đau, an thần, kiện vị, an thai. Liều dùng 6 -12g.

Đỗ trọng: Vị thuốc là vỏ phơi hay sấy khô của cây đỗ trọng, tên khoa học Eucommia ulmoides olive. Là loại cây gỗ cao 10-20m, được di thực về Việt Nam nhưng chưa nhiều. Trên thị trường chủ yếu là nhập từ Trung Quốc. Đỗ trọng vị cay, tính ấm, quy kinh can, thận. Tác dụng bổ can thận, mạnh cân cốt, bình can, hạ áp, dưỡng huyết, an thai. Dùng trong trường hợp thai động, ra huyết. Liều dùng 8 – 16g.

A giao là cao da lừa. Thành phần hóa học chứa collagen, khi thủy phân cho các amino acid, ngoài ra có chất vô cơ. A giao vị ngọt, tính bình vào 3 kinh phế, can, thận. Tác dụng tư âm, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết, an thai. Dùng cho phụ nữ rong huyết, có thai ra huyết, đau bụng hoặc sau sảy thai vẫn rong huyết. Liều dùng 6 -12g

Ban long còn gọi làlộc giác giao là chế phẩm cao được bào chế từ gạc hươu, nai. Thành phần hoạt chất chủ yếu gồm gelatine, các acid amin, calci phosphat, calcicarbonat, các chất nội tiết kích thích sinh trưởng. Ban long vị ngọt, tính ấm, quy kinh can, tỳ, thận là thuốc ôn bổ hạ nguyên, bồi bổ dương đạo, sinh tinh tủy, mạnh gân cốt, bổ huyết, chỉ huyết, điều hòa chức năng nội tiết, thuốc có tác dụng an thai, cầm máu. Ngày dùng 10g ăn với cháo nóng, hoặc ngâm rượu uống.

DSCKI. Phạm Hinh

Cốt khí củ – Khu phong trừ thấp

Cốt khí củ còn gọi là hổ trượng, điền thất, hoạt huyết đan, nam hoàng cầm. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, củ. Thu hái củ quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8, 9)… Theo Đông y, cốt khí củ vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết thông kinh, giảm đau, giải độc, lợi tiểu. Chữa phong thấp tê bại, đau nhức gân xương; ứ huyết do ngã, chấn thương, kinh nguyệt bế tắc gây đau đớn, sau khi đẻ huyết hôi bị tích lại gây bụng trướng, đái dắt, đái buốt, đái ra máu. Dùng ngoài trị mụn nhọt, lở ngứa, làm thuốc cầm máu. Liều dùng: 8 - 12g, dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu.

Một số cách dùng cốt khí củ làm thuốc:

Chữa phong thấp, đau nhức xương

- Cốt khí củ 12g, đơn gối hạc 12g, cỏ xước 8g, hy thiêm 8g, uy linh tiên 6g, binh lang 6g. Các vị sao vàng hạ thổ. Sắc uống 2 lần trong ngày. Ngày 1 thang.

- Cốt khí củ 12g, dây đau xương 12g, rễ lá lốt 12g, rễ cỏ xước 12g, bồ bồ 8g, cam thảo nam 8g, mã đề 8g, quế chi 6g. Sắc uống ngày 1 thang; kết hợp xoa bóp bằng rượu ngâm quế chi, huyết giác.

Chữa thương tích, ứ máu, đau bụng: Cốt khí củ 20g, cây lá móng 16g. Sắc lấy 300ml nước, cô lại còn 150ml, thêm 20ml rượu, chia uống 2 lần trong ngày.

Chữa sưng vú: Cốt khí củ 12g, hạt muồng 12g, rễ lá lốt 10g, rễ bồ công anh 10g, bạch truật 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

TS.Nguyễn  Đức Quang

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Cách ăn bưởi giảm béo dịp cuối thu, đầu đông

Bưởi là thực phẩm giảm béo hiệu quả, nhưng không phải ai cũng biết ăn cho hợp lý, đặc biệt là trong tiết trời cuối thu, đầu đông này.

Sau khi nghiên cứu tác dụng giảm béo của trái bưởi trong 12 tuần với 100 người tình nguyện, các chuyên gia Trung Quốc phát hiện rằng, việc ăn bình quân mỗi bữa nửa quả bưởi sẽ giúp giảm được 1,6 kg sau 12 tuần, uống ba cốc nước bưởi ép mỗi ngày giảm được 1,4 kg. Điều thú vị là, nhiều người giảm tới 4,5 kg trong suốt 12 tuần ăn bưởi.


Trong tiết trời giao mùa cuối thu, đầu đông này, để trái bưởi vừa có tác dụng giảm béo, vừa giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như axit hữu cơ, canxi, phốt pho, magiê, natri…, bạn có thể chế biến loại quả này thành các món ăn thông dụng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố ngon miệng.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, món salad bưởi, nước sinh tố bưởi phục linh (pha chế bưởi với cam thảo, phục linh, bạch truật và một lượng đường vừa phải), gà hấp nhồi bưởi là những món ăn bổ dưỡng thích hợp cho tiết trời giao mùa này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, bưởi tuy rất tốt nhưng không nên ăn nhiều hoặc ăn lúc đang uống thuốc. Các bệnh nhân mắc chứng mỡ máu cao càng nên chú ý hạn chế ăn bưởi trong thời gian trị bệnh, tránh bị trúng độc, gây đau cơ, thậm chí có nguy cơ mắc chứng viêm thận.

Meo.vn (Theo Baodatviet)

Bài thuốc chữa lãnh cảm tình dục ở phụ nữ

Nhiều phụ nữ sau khi kết hôn trong thời gian dài vẫn không thấy có yêu cầu ham muốn tình dục, hoặc có nhưng khi giao hợp thì không thấy khoái cảm.


Theo y học cổ truyền, bệnh này có quan hệ mật thiết với các bệnh về gan, thận. Một là thận dương hư suy, không thể ôn dưỡng hạ tiêu, mệnh môn hỏa suy, xung nhâm không đầy đủ thì sinh ra lãnh đạm tình dục. Hai là tình chí phiền muộn, can mạch mất thư thái điều hòa, dương khí không thể phân bố đến âm hộ, cho nên sinh ra ham muốn tình dục bị suy giảm.
Sau đây xin giới thiệu những phương thuốc độc đáo hiệu nghiệm chữa bệnh lãnh cảm tình dục ở phụ nữ:

Bài Long phượng tán: gồm mật cá 4 cái, mật gà trống 1 cái. Hai loại mật này phơi khô trong trời râm, nghiền thành bột, mỗi lần uống 1-2g, liên tục uống trong 1 tháng. Thích dụng điều trị đối với những phụ nữ bị lãnh cảm ham muốn tình dục do can thận bất túc, mệnh môn hỏa suy, những phụ nữ sợ, không muốn sinh hoạt tình dục.

Bài Mãn lân châu gia vị: Nhân sâm 15g, bạch truật 12g, phục linh 9g, bạch thược 9g, xuyên khung 6g, cam thảo nướng 6g, đương quy 12g, thục địa 12g, thỏ ti tử 15g, đỗ trọng 12g, sừng hươu 12g, xuyên tiêu 9g, hà xa 15g, đan sâm 12g, hương phụ 9g. Sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang chia 2 lần uống lúc thuốc còn nóng. Thích dụng điều trị giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ do xung nhâm huyết hư suy.

Bài Đạt uất thang: Thăng ma, sài hồ, xuyên khung, hương phụ, bạch tật lê, hợp hoan hoa (hoa dạ hợp), thỏ ti tử, mỗi thứ lượng bằng nhau, sắc lấy nước uống, ngày một thang chia ra 2 lần uống. Thích dụng điều trị lãnh cảm tình dục ở phụ nữ do tình chí bị tổn thương, can uất khí trệ.
Bài Thất phúc ẩm gia vị: Nhân sâm, thục địa, đương quy, bạch truật đều 12g, cam thảo nướng 6g; táo nhân, viễn chí, hoàn tinh, nhục thung dung, dâm dương hoắc đều 8g. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang, chia 2 lần uống. Thích dụng điều trị chứng bệnh suy giảm tình dục ở phụ nữ do khí huyết hư tổn, cơ thể mất dinh dưỡng, mệnh môn suy giảm dần.

Bài Hoa đà âm ủy thần phương: Thục địa 31g, bạch truật 15g, sơn thù du 12g, nhân sâm 9g, câu khởi tử 9g, nhục quế 6, linh chi 60g, viễn chí 3g, ba kích thiên 3g, nhục thung dung, đỗ trọng đều 3g, nấu lấy nước uống ngày 1 thang, chia ra 2 lần uống.

Bài Hà xa thỏ ti thang: Đảng sâm 12g, thục địa 12g, phục linh 9g, bạch truật 9g, bạch thược 9g, ngưu tất 9g, cao sừng hươu 9g, tử hà xa 9g, thỏ ti tử 9g, tử thạch anh 9g, đương quy 6g, hương phụ 6g, xuyên khung 5g, xuyên tiêu 2g. Sắc lấy nước uống ngày 1 thang. Thích dụng điều trị chứng bệnh lãnh cảm tình dục ở phụ nữ do thận âm hư tổn, mệnh môn hỏa suy.

Theo BS. Nguyễn Hải Diệp

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Trị lạnh tay chân bằng thuốc nam

Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiều người có cảm giác bàn chân, bàn tay luôn lạnh cóng, buốt giá, tay chân đỏ tấy hoặc trắng bệch, đau nhức… mặc dù đã mặc ấm, đi tất.  Cảm giác này thường gặp nhiều ở phụ nữ, người cao tuổi, người ăn uống kiêng khem, thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng kém.  Đông y cho rằng chân tay lạnh là do thận dương suy yếu, do tỳ hư. Để chữa trị bệnh này cần phải bổ thận dương, bổ tỳ dương, điều hòa thân nhiệt.

Xin giới thiệu một số bài thuốc nam điều trị chứng bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng khi cần.

Lạnh tay chân do thận dương suy yếu: Biểu hiện lạnh tay chân, đau lưng mỏi gối, da xanh, sức yếu, ăn uống kém, hay bị hoa mắt chóng mặt. Nếu là nam giới dễ bị tảo tiết, ngủ mơ, tim hồi hộp. Phép trị là ôn bổ thận dương. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: Phá cố chỉ 6g, nhục thung dung 10g, ngũ gia bì 16g, sơn thù 12g, tần giao 12g, hoàng kỳ 12g, mẫu lệ chế 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 3 quả, ngải diệp 12g, trần bì 10g, cam thảo 10g, quế 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Cây và củ đinh lăng.

Bài 2:

Thục địa (sao khô) 12g, đậu đen (sao thơm) 16g, ngũ gia bì 16g, cẩu tích 12g, ngải diệp 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, khởi tử 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 10g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, trần bì 10g, đại táo 3 quả, sinh khương 4g, phòng sâm 12g, cam thảo 12g, ngũ vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 3: Phòng sâm 12g, đương quy 12g, thục địa 10g, liên nhục 12g, tơ hồng xanh 16g, cẩu tích 16g, phụ tử 6g, sinh khương 4g, ngải diệp (khô) 12g, tần giao 12g, tế tân 10g, dâm dương hoắc 10g, trạch tả 12g, sơn thù 16g, tất bát 12g, lương khương 10g, chích thảo 12g, hoàng kỳ 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. 10 - 13 ngày một liệu trình.

Lạnh tay chân do tỳ hư: Biểu hiện chân tay lạnh, dày da bụng, da xanh, môi nhợt, bụng đau âm ỉ, thỉnh thoảng sôi bụng, phân lỏng, ăn uống kém, chân tay yếu mềm. Phép trị là ôn bổ tỳ dương. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: Bạch truật (sao hoàng thổ) 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, trần bì 12g, đại táo 6 quả, củ đinh lăng 16g, ngũ gia bì 12g, quế 8g, sa nhân 10g, hoàng kỳ (sao mật) 12g, sinh khương 4g, chích thảo 12g, đương quy 12g, hậu phác 10g, thần khúc 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: Cao lương khương 12g, ngũ gia bì 12g, ngải diệp 10g, bạch truật 16g, đương quy 12g, hậu phác 10g, sinh khương 6g, phòng sâm 16g, hà thủ ô 16g, rễ đinh lăng 16g, cây ngấy hương 16g, trần bì 10g, thần khúc 10g, chích thảo 12g, quế 8g, đại táo 6 quả. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Các phương pháp trị béo phì

Theo y học cổ truyền, béo phì thuộc phạm trù Phì nhân, Nhục nhân và tùy theo từng thể để áp dụng phương pháp điều trị thích hợp.


Hóa thấp pháp: do tỳ hư vận hóa không tốt làm cho thấp tụ lại mà gây béo phì, biểu hiện người mệt mỏi, ăn uống không ngon, tâm ngực đầy tức, rêu lưỡi bẩn, mạch trầm tế.
Bài thuốc: Phòng kỷ hoàng kỳ thang gia giảm. Phòng kỷ 10g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 12g, cam thảo 8g, sinh khương 6g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Khứ đàm pháp: do đàm trọc gây béo phì, biểu hiện các chứng khí hư, ngực đầy tức, đầu nặng, thích ngủ ngại vận động, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng bẩn, mạch hoạt.

Bài thuốc: Ôn đởm thang gia giảm. Bán hạ 10g, trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, quất bì 10g, phục linh 12g, sinh khương 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lợi thủy pháp: hay gặp ở những người béo bệu, mặt phù chân phù, tiểu tiện ít, bụng chướng, đại tiện nát, mạch trầm tế.

Bài thuốc: Đạo thủy phục linh thang gia giảm. Xích linh 10g, mạch môn đông 12g, trạch tả 10g, bạch truật 12g, tang bạch bì 10g, tử tô 6g, binh lang 8g, mộc qua 10g, đại phúc bì 8g, trần bì 8g, sa nhân 8g, mộc hương 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thông phủ pháp: thường gặp ở những người béo phì do ăn nhiều đồ béo ngọt, uống rượu nhiều, đại tiện bí kết, đàm trọc tích tụ, phủ khí không thông mà kèm theo có bụng trướng, tức ngực khó chịu, rêu lưỡi vàng dày, mạch thực.

Bài thuốc: Phòng phong thông thánh tán gia giảm. Phòng phong 8g, kinh giới 6g, bạc hà 8g, liên kiều 8g, cát cánh 12g, xuyên khung 10g, đương quy 12g, bạch thược 10g, bạch truật 12g, chi tử 8g, đại hoàng 8g, mang tiêu 8g, thạch cao 15g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 20g, cam thảo 8g, ma hoàng 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Sơ lợi pháp: người béo phì kiêm có can uất khí trệ hoặc huyết ứ; lâm sàng biểu hiện đau mạng sườn, cấp táo, huyễn vựng, mệt mỏi, bụng trướng, miệng đắng phiền muộn, phụ nữ kinh nguyệt không đều, kinh bế hoặc trước kỳ kinh nhũ phòng trướng đau, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.

Bài thuốc: Đại sài hồ thang gia giảm. Sài hồ 15g, hoàng cầm 9g, đại hoàng 6g, chỉ thực 9g, xích thược 9g, bán hạ 9g, sinh khương 12g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Kiện tỳ pháp: thường có biểu hiện của tỳ hư khí nhược, người mệt mỏi không có lực, đoản khí ngại nói, ăn uống kém, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhạt, mạch tế nhược vô lực.

Bài thuốc: Dị công tán gia giảm. Đảng sâm 15g, bạch truật 12g, phục linh 10g, cam thảo 8g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tiêu đạo pháp: gặp ở những người ăn ít mà vẫn béo phì, mệt mỏi ngại vận động, sau ăn bụng trướng đầy khó tiêu, rêu lưỡi trắng.

Bài thuốc: Bảo hòa hoàn gia giảm. Sơn tra 20g, thần khúc 12g, mạch nha 10g, bán hạ 10g,    phục linh 10g, trần bì 8g, liên kiều 8g, lai phục tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ôn dương: bệnh lâu ngày, tuổi cao, lâm sàng biểu hiện: sợ lạnh, lưng gối đau mỏi, tứ chi phù nặng, thường hay gặp ở người do thận dương hư.

Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn gia giảm. Phụ tử chế 9g, nhục quế 8g, thục địa 15g, sơn dược 12g, sơn thù du 10g, mẫu đan bì 10g,  trạch tả 12g, trư linh 12g, ngưu tất 15g, xa tiền tử 10g, ba kích 12g, thỏ ty tử 10g, tang ký sinh 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Dưỡng âm: do âm dịch không đủ, âm hư sinh nội nhiệt, thường có biểu hiện trên lâm sàng: đau đầu, váng đầu, lưng gối đau mỏi, hai gò má đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng, mạch tế sác hoặc vi huyền.

Bài thuốc: Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm. Tri mẫu 10g, hoàng bá 8g, sơn dược 12g, sơn thù du 10g, thục địa 15g, mẫu đan bì 8g, phục linh 10g, trạch tả 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Béo phì thường phát sinh với tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh mạch vành... do đó càng làm nhanh quá trình lão hóa và tử vong.    

TS. Trần Xuân Nguyên - Trung ương Hội Đông y Việt Nam

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Trị huyết áp thấp bằng thảo dược

Huyết áp (HA) thấp được biểu hiện bằng trị số HA tâm thu dưới 90mmHg và HA tâm trương dưới 60mmHg. HA thấp theo Đông y thuộc thể hư của chứng huyễn vựng.

Trên lâm sàng dù HA thấp do nguyên nhân nào thì biểu hiện chủ yếu là lúc đứng dậy đột ngột đều sinh hoa mắt, chóng mặt, nặng đầu, mắt mờ, người mệt mỏi, chân tay lạnh, thậm chí hôn mê, đột quỵ, HA tụt rõ rệt. Người bệnh có lúc đứng lâu tụt HA, ra mồ hôi, buồn nôn, tim đập chậm. Những người HA thấp nguyên phát tư thế đứng thẳng (phần nhiều người lớn tuổi) có thể kèm theo liệt dương, tiểu tiện không tự chủ, sau một thời gian có thể phát sinh nói khó, sụp mi mắt, đi không vững, chân tay run, tê dại... Hội chứng HA thấp nặng phát sinh tụt HA đột ngột, sắc mặt trắng bệch, ra mồ hôi lạnh, buồn nôn, không ngồi đứng dậy được dẫn tới hôn mê, tay chân lạnh, mạch tế huyền sác. Đối với những người cao tuổi cần cảnh giác với hội chứng này.

Sa nhân là vị thuốc trong bài “Hương sa lục quân gia giảm”.

Điều trị chứng HA thấp phải tùy theo thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp. Sau đây xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

- Nếu do “tâm dương bất túc”: thường gặp ở tuổi thanh nữ và người cao tuổi. Biểu hiện lâm sàng là váng đầu, hoa mắt, tinh thần mệt mỏi, buồn ngủ, ngón tay lạnh, chất lưỡi nhạt, thân lưỡi bệu, rêu trắng nhuận, mạch hoãn vô lực hoặc trầm tế.

Phép trị: Ôn bổ tâm dương. Dùng bài "Quế chi cam thảo thang gia giảm" gồm: nhục quế, quế chi, chích cam thảo đều 10g, mỗi ngày 1 thang sắc uống liên tục 9 - 12 thang, hoặc hãm nước sôi uống như nước trà.

Gia giảm: trong trường hợp chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô là chứng khí âm bất túc, gia mạch môn, ngũ vị để ích khí dưỡng âm.

Trường hợp khí hư, ít nói, ra mồ hôi thì dùng bài trên gia hồng sâm để bổ khí trợ dương. Trường hợp HA tâm thu dưới 60mmHg, chân tay lạnh, có triệu chứng vong dương, dùng bài thuốc trên bỏ quế chi, gia hồng nhân sâm, phụ tử chế để hồi dương cứu thoát.

- Nếu do “trung khí bất túc, tỳ vị hư nhược”: biểu hiện lâm sàng như váng đầu, tim hồi hộp, hơi thở ngắn, tinh thần mệt mỏi, chân tay mềm yếu, sợ lạnh, dễ ra mồ hôi, ăn kém, ăn xong đầy bụng, chất lưỡi nhợt, rêu trắng hoạt, mạch hoãn vô lực.

Phép trị: bổ trung ích khí, kiện tỳ vị. Dùng bài "Hương sa lục quân gia giảm" gồm: hồng sâm 8g, bạch truật 10g, bạch linh 10g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, bạch thược 12g, chỉ thực 8g, trần bì 8g, mộc hương 6g, sa nhân 6g, quế chi 6g, chích thảo 4g, đại táo 12g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu do “tỳ thận dương hư”: biểu hiện lâm sàng như váng đầu, ù tai, mất ngủ, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn kém, đau lưng mỏi gối, chân tay lạnh, sợ lạnh hoặc di tinh, liệt dương, tiểu đêm, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm nhược.

Phép trị: ôn bổ tỳ thận dương.Dùng bài "Chân vũ thang gia vị" gồm: đảng sâm 12g, chế phụ tử 6-8g (sắc trước), bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, nhục quế 6g, câu kỷ tử 12g, liên nhục 12g, bá tử nhân 12g, ích trí nhân 10g, toan táo nhân (sao) 20g, dạ giao đằng 12g, gừng tươi 3 lát, sắc uống.

- Nếu do khí âm lưỡng hư: biểu hiện lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, miệng khát, họng khô, lưỡi thon đỏ, ít rêu, khô, mạch tế sác.

Phép trị: ích khí dưỡng âm. Dùng bài "Sinh mạch tán gia giảm" gồm: tây dương sâm 20g, mạch môn 16g, ngũ vị tử 4g, hoàng tinh 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Phụ tử chế là vị thuốc chữa huyết áp thấp do tỳ thận dương hư.

Những phương thuốc kinh nghiệm đã được nghiên cứu theo dõi:

- Trà quế cam (Vương Hưng Quốc, tỉnh Sơn Đông, Sở Nghiên cứu trung y tế Ninh) gồm: quế chi, cam thảo đều 8g; quế tâm 3g; ngày 1 gói hãm nước sôi uống. 50 ngày là 1 liệu trình.

- Quế chi cam phụ thang:quế chi, cam thảo, xuyên phụ tử đều 15g, ngày 1 thang hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

Gia giảm: Lúc dùng thuốc bệnh nhân ngủ kém gia dạ giao đằng 50 - 70g. Trường hợp nặng có thể gia hồng sâm 15 - 25g, phụ tử gia đến 30g, sắc trước 1 giờ.

- Thục địa hoàng kỳ thang: gồm thục địa 24g; sơn dược 24g; đơn bì, trạch tả, phục linh, mạch môn, ngũ vị tử đều 10g; sơn thù 15g; hoàng kỳ 15g; nhân sâm 6g (đảng sâm 12g). Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Gia giảm:khí hư rõ dùng hoàng kỳ 20-30g; khí âm lưỡng hư thay nhân sâm bằng thái tử sâm 20g; huyết hư gia đương quy; váng đầu nặng gia cúc hoa, tang diệp; âm hư hỏa vượng gia hoàng bá, tri mẫu, kiêm thấp: trọng dụng phục linh; lưng gối nhức mỏi, chân sợ lạnh gia phụ tử, nhục quế.

BS. Hoàng Xuân Đại

Meo.vn (Theo SKĐS)

Đông y trị chứng huyết áp thấp

Đông y cho rằng, chứng huyết áp thấp do bất kỳ nguyên nhân nào đều thuộc chứng hư. Cách trị liệu còn tùy thuộc vào thể bệnh.

Điều trị theo thể bệnh

Tâm dương bất túc

Thường gặp ở tuổi thanh nữ và người cao tuổi. Biểu hiện lâm sàng là váng đầu, hoa mắt, tinh thần mệt mỏi, buồn ngủ, ngón tay lạnh, chất lưỡi nhạt, thân lưỡi bệu, rêu trắng nhuận, mạch hoãn vô lực hoặc trầm tế.

Phép trị: ôn bổ tâm dương.

Dùng phương “Quế chi cam thảo thang gia vị”, gồm nhục quế, quế chi, chích cam thảo đều 10g, mỗi ngày 1 thang, sắc uống liên tục 9 - 12 thang, hoặc hãm nước sôi uống như nước trà. Gia giảm: trong trường hợp chất lưỡi đỏ, rêu vàng khô, là chứng khí âm bất túc, gia mạch môn, ngũ vị để ích khí dưỡng âm.

Trường hợp khí hư, ít nói, ra mồ hôi thì bổ khí, gia hồng sâm để bổ khí trợ dương.

Trường hợp huyết áp tâm thu dưới 60mmHg, chân tay lạnh, có triệu chứng vong dương, đơn trên bỏ quế chi gia hồng sâm, phụ tử chế để hồi dương cứu thoát.

Trung khí bất túc, tỳ vị hư nhược

Biểu hiện lâm sàng như váng đầu, tim hồi hộp, hơi thở ngắn, tinh thần mệt mỏi, chân tay mềm yếu, sợ lạnh, dễ ra mồ hôi, ăn kém, ăn xong đầy bụng, chất lưỡi nhợt, rêu trắng hoạt, mạch hoãn vô lực.

Phép trị cần bổ trung ích khí, kiện tỳ vị.

Dùng phương “Hương sa lục quân gia giảm”, gồm hồng sâm 8g, bạch truật 10g, bạch linh 10g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, bạch thược 12g, chỉ thực 8g, trần bì 8g, mộc hương 6g, sa nhân 6g, quế chi 6g, chích thảo 4g, đại táo 12g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.

Tỳ thận dương hư

Biểu hiện lâm sàng như váng đầu, ù tai, mất ngủ, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn kém, đau lưng mỏi gối, chân tay lạnh, sợ lạnh hoặc di tinh, liệt dương, tiểu đêm, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm nhược.

Phép trị là ôn bổ tỳ thận dương.

Dùng phương “Chân vũ thang gia vị”, gồm đảng sâm 12g, chế phụ tử 6 - 8g (sắc trước), bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, nhục quế 6g, câu kỷ tử 12g, liên nhục 12g, bá tử nhân 12g, ích trí nhân 10g, toan táo nhân (sao) 20g, dạ giao đằng 12g, gừng tươi 3 lát, sắc uống.


Khí âm lưỡng hư

Biểu hiện lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, mồm khát, họng khô, lưỡi thon đỏ, ít rêu, khô, mạch tế sác. Phép trị là ích khí dưỡng âm. Dùng phương “Sinh mạch tán gia vị”, gồm tây dương sâm 20g, mạch môn 16g, ngũ vị tử 4g, hoàng tinh 12g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Những phương thuốc kinh nghiệm

- Trà Quế cam(Vương Hưng Quốc, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc): quế chi, cam thảo đều 8g, quế tâm 3g, ngày 1 gói hãm nước sôi uống. 50 ngày là 1 liệu trình.

- Quế chi cam phụ thang(Dương Vạn Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc): quế chi, cam thảo, xuyên phụ tử đều 15g, ngày 1 thang hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

Gia giảm lúc dùng thuốc bệnh nhân ngủ kém gia dạ giao đằng 50 - 70g. Trường hợp nặng có thể gia thêm hồng sâm 15 - 25g, phụ tử gia đến 30g sắc trước 1 giờ.

- Thục địa hoàng kỳ thang (Vương Triệu Khuê, Hà Bắc, Trung Quốc): thục địa 24g, sơn dược 24g, đơn bì, trạch tả, phục linh, mạch môn, ngũ vị tử đều 10g, sơn thù 15g, hoàng kỳ 15g, nhân sâm 6g (đảng sâm 12g) sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Biện chứng gia giảm: khí hư rõ dùng hoàng kỳ 20 - 30g, khí âm lưỡng hư: thay nhân sâm bằng thái tử sâm 20g, huyết hư gia đương quy, váng đầu nặng gia cúc hoa, tang diệp, âm hư hỏa vượng gia hoàng bá, tri mẫu, kiêm thấp: trọng dụng phục linh, lưng gối nhức mỏi, chân sợ lạnh: gia phụ tử, nhục quế.

- Trương thị thăng áp thang (Trương Liên Ba, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc): đảng sâm 12g, hoàng tinh 12g, nhục quế 10g, đại táo 10 quả, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Liệu trình: 15 ngày.

Theo BS. Hoàng Xuân Đại

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Món ăn giúp chống uể oải và hay buồn ngủ

Có những người mặc dù thời lượng ngủ đầy đủ, thế nhưng kho thức dậy lại có cảm giác như thiếu ngủ, khi làm việc uể oải và muốn ngủ.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Y học cổ truyền (YHCT) có những món ăn giúp khắc phục tình trạng trên.

Theo YHCT, hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân gây nên, chúng ta cần phân biệt để dùng những món ăn thích hợp cho mình.

Do đàm thấp tích tụ trong cơ thể

Thường do thay đổi thời tiết (mưa, ẩm thấp…), tình chí biến động, ăn uống không hợp lý làm cho tân dịch không vận hóa được, hóa thấp, thấp sẽ hóa đàm. Đàm đi lên não bộ, khiến cho tinh thần không được sảng khoái, trí óc kém minh mẫn, hay buồn ngủ, người nặng nề, rêu lưỡi dày nhớt. Nên dùng những món ăn sau:

Cháo trần bì, sơn dược, bán hạ: nấu các dược liệu sau: vỏ quýt tươi 20g, sơn dược 12g, bán hạ 8g trong thời gian 30 phút. Chắt lấy nước thuốc để nấu cháo với 50g gạo. Nên ăn cháo khi còn nóng.

Cháo gạo, thịt nạc, trần bì: thịt nạc 100g băm nhỏ, ướp với hành, tiêu, nước mắm ngon trong thời gian 20 phút.

Nấu 20g vỏ quýt tươi trong thời gian 10 phút rồi gạn lấy nước thuốc. Cho 50g gạo vào nước thuốc nấu cho nhừ, bỏ thịt nạc đã ướp vào. Khi thấy thịt chín thì nhắc xuống. Dùng khi ấm. Nước uống: trần bì 12g, sơn tra 12g nấu trà uống.

Do khí hư

Người mệt mỏi, làm việc hay thở dốc, dễ ra mồ hôi. Ăn uống kém, phụ nữ kinh nguyệt kéo dài và có thể sa nội tạng (sa tử cung, trĩ…). Nên dùng những món ăn sau:

Đùi gà hầm bổ trung ích khí: 2 đùi tỏi gà ướp nước tương, bột nêm, tiêu, hành, đường trong vòng 20 phút. Cho vào nồi đất 750ml nước hầm xương. Đun sôi nước rồi cho 2 đùi gà đã ướp vào. Sau khi vớt hết bọt cho trong nước thì cho vào những dược liệu sau: nhân sâm 12g, bạch truật 12g, cam thảo 2g, đương quy 12g, trần bì 4g, sài hồ 6g, thăng ma 4g, hoàng kỳ 12g. Vặn nhỏ lửa và nấu thêm 20 phút nữa.

Bò hầm nhân sâm, táo đỏ: thịt bò 150g cắt thành những miếng dày khoảng 3cm. Ướp gia vị. Cho vào nồi đất thịt bò đã ướp cùng với những dược liệu sau: nhân sâm 12g, táo đỏ 10 quả. Hầm với lửa nhỏ trong thời gian 30 phút.

Thịt thỏ hầm đẳng sâm, hoàng kỳ, sơn dược, câu kỷ tử, táo: thịt thỏ ướp với dầu hào, bột nêm trong thời gian 20 phút. Cho thịt thỏ vào nồi đất cùng với những dược liệu sau: đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, sơn dược 12g, câu kỷ tử 12g, táo 7 quả. Chế vào 500ml nước hầm xương. Hầm trong thời gian 20 phút.

Vịt hầm đẳng sâm, hoàng kỳ: thịt vịt 150g ướp với nước tương, bột nêm, tiêu, hành, gừng, đường, 15ml rượu trắng trong thời gian 20 phút. Đun sôi 600ml nước hầm xương rồi cho thịt vịt vào cùng với những dược liệu sau: đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 12g. Hầm trong thời gian 25 phút.

Do huyết hư

Hay bị váng đầu, ù tai, hồi hộp, sắc mặt vàng, môi tái. Mạch tế sác. Nên dùng món ăn sau:

Dê hầm đương quy: thịt dê 100g, đương quy 12g.

Thịt dê ngon 100g ướp nước tương, bột nêm, tiêu, gừng, hành, đường, 15ml rượu trắng trong thời gian 20 phút.

Lấy một chiếc nồi đất, cho khoảng 500ml nước hầm xương vào cùng với 12g đương quy và thịt dê đã ướp. Tiến hành rồi đun sôi với lửa nhỏ trong thời gian 30 phút. Nhắc nồi xuống, rắc hành, ngò, tiêu vào. Nên dùng khi còn ấm.

Do khí huyết lưỡng hư

Bao gồm những triệu chứng của khí hư và huyết hư. Trường hợp này nên dùng món ăn sau:

Gà hầm thập toàn đại bổ thang: thịt gà 120g được ướp gia vị. Đun sôi 750ml nước hầm xương, cho thịt gà vào. Vớt hết bọt rồi cho vào những dược liệu sau: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 2g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, nhục quế 2g, thục địa 12g. Đun thêm 20 phút nữa bằng lửa nhỏ.

BS. Hồ Đăng Khoa

Meo.vn (Theo SK&ĐS)