(Webtretho) Ngay sau khi sinh bé, ngực bạn sẽ thay đổi thế nào trong trường hợp bạn cho bé bú mẹ hoặc quyết định không cho bú? Vùng kín của bạn sẽ thế nào? Còn tóc và làn da nữa chứ?… Cùng đi tìm lời giải cho những thay đổi trên cơ thể mẹ ngay sau thời điểm sinh con nhé!
<< Phần 1
Dịch tiết âm đạo thay đổi thế nào?
Sau khi sinh xong, cơ thể bạn sẽ xả sản dịch qua ngả âm đạo trong khoảng 1-2 tháng. Sản dịch có thể lẫn máu, vi khuẩn và mô niêm mạc tử cung bong ra. Trong vài ngày đầu sau sinh, sản dịch chứa khá nhiều máu, do đó có màu đỏ sáng tương tự như máu kinh. Bạn thường sẽ thấy sản dịch giảm đi sau 2-4 ngày sau sinh, loãng hơn và có màu ngả hồng.
Khoảng 10 ngày sau khi sinh con, bạn sẽ chỉ còn ra một chút dịch màu trắng hoặc trắng ngà, giảm dần đến hết sau 2-4 tuần. Một số phụ nữ có thể tiếp tục ra sản dịch hay máu li ti thấm vào quần lót trong vài tuần nữa.
Ngực thay đổi thế nào nếu cho con bú mẹ?
Những thay đổi nội tiết sau sinh sẽ nhắc nhở cho bầu ngực của bạn sản xuất sữa. Khi bạn cho con bú trong mấy ngày đầu sau sinh, bé sẽ được bú sữa non, loại sữa đặc quánh ngả vàng được sản sinh ngay từ khi bạn còn đang mang thai. Động tác bú của bé sẽ khiến cơ thể giải phóng hormone prolactin kích thích sản xuất sữa và oxytoxin tác động lên các túi và tuyến sữa, giúp đẩy sữa mẹ ra đầu vú. (Quá trình này được gọi là phản xạ “xuống sữa” của người mẹ.)
Nếu những lần cho bú đầu tiên gây nên những cơn chuột rút bụng thì đó là do oxytocin cũng có tác dụng gây co thắt tử cung (do vậy, việc cho bé bú mẹ cũng được xem là một trong những cách giúp tử cung co hồi nhanh sau sinh). Khi sữa mẹ đã về, thường trong 2-3 ngày sau sinh, ngực bạn có thể hơi sưng, nhạy cảm, cương và căng cứng. Hiện tượng này thường được biết tới với tên gọi “tức sữa” và sẽ đỡ hơn sau 1-2 ngày.
Hãy nhờ chuyên gia hoặc những người có kinh nghiệm hướng dẫn bạn cho bú đúng cách để tránh các vấn đề về ngực sau sinh. Ảnh: Inmagine.
Cho con bú thông thường là điều tốt nhất mà mẹ có thể làm để giảm các khó chịu ở ngực sau khi sinh con. Trên thực tế, cho bú đúng cách và thường xuyên từ đầu giúp phòng ngừa và giảm căng tức ngực sau sinh. Mặc dù cho con bú là việc làm rất tự nhiên nhưng lại không hề dễ dàng, nếu bạn bối rối với việc này hoặc bị căng tức vú kéo dài khi cho bú, đừng ngần ngại đi khám để được tư vấn cho bú đúng cách hoặc kiểm tra các vấn đề ở vú.
Ngực thay đổi thế nào nếu không cho bú mẹ?
Nếu bạn không cho con bú, cơ thể bạn vẫn sẽ bắt đầu sản xuất sữa như một bản năng làm mẹ tự nhiên, và vài ngày sau sinh, ngực bạn sẽ trở nên căng tức. Tình trạng khó chịu này sẽ kéo dài trong vài ngày và bạn có thể cảm thấy đau vú lên đến đỉnh điểm vào khoảng 3-5 ngày sau sinh. Trong lúc này, hãy mặc áo ngực tốt và đặt các túi chườm lạnh lên ngực để ức chế tiết sữa (có thể thay liên tục bằng khăn lạnh để đỡ khó chịu cho da). Bạn có thể phải mất đến vài tuần để ráo sữa hoàn toàn.
Nếu cần giảm đau, bạn có thể dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen. Nếu bạn cảm thấy quá khó chịu thì có thể vắt bớt sữa ra để vú đỡ căng, tuy nhiên cách này sẽ khiến thời gian cắt sữa của bạn lâu hơn do việc kích thích đầu vú cũng đồng thời kích thích sản xuất sữa nhiều hơn. Bạn cũng nên tránh làm ấm ngực vì việc này cũng làm sữa tiết nhiều và lâu hơn.
Vì sao mẹ có cảm giác suy sụp sau sinh?
Tâm lý thất thường sau sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự thay đổi nội tiết, sự khó chịu sau khi trải qua quá trình chuyển dạ và sinh nở, tình trạng thiếu ngủ và những vấn đề khác quanh việc chăm sóc em bé mới sinh – như áp lực làm mẹ và sự căng thẳng. Dù là nguyên nhân nào, cảm giác suy sụp sau sinh là khá phổ biến ở các sản phụ, thường bắt đầu vào khoảng vài ngày sau sinh và tồn tại khoảng vài tuần.
Nếu cảm giác này không tự thuyên giảm trong vài tuần và bạn thậm chí còn thấy tệ hơn, bạn cần đi khám và trình bày triệu chứng của mình với bác sĩ để được tư vấn điều trị vì bạn có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh – một vấn đề tâm lý nghiêm trọng cần được can thiệp điều trị. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể làm hại đến bản thân và con, hoặc cảm thấy không thể chăm sóc con, hãy đến bác sĩ ngay lập tức.
Vì sao tóc rụng nhiều sau sinh?
Sau khi sinh, cái da cái tóc lại là vấn đề được mọi bà mẹ quan tâm. Ảnh: Inmagine.
Nếu tóc bạn trở nên dày hơn khi mang thai, giờ có thể là lúc chúng trở lại như trước và lượng tóc mọc nhiều hơn bình thường khi bạn mang thai sẽ dần rụng đi. Hiện tượng này xảy ra ở một số bà mẹ trong vài tháng sau khi sinh bé. Nhưng đừng lo, bạn sẽ không bị hói đầu đâu!
Trong suốt thai kỳ, nồng độ estrogen cao có thể khiến tóc bạn có một giai đoạn phát triển cực thịnh, mọc nhanh hơn và ít rụng hơn bình thường. Sau khi sinh, nồng độ estrogen giảm dần về mức bình thường và tóc bạn cũng mỏng đi dần. Sau khoảng thời gian này, thường kéo dài trong 1 năm hoặc hơn, tóc bạn sẽ trở lại nhịp tăng trưởng như trước đây.
Mặt tích cực của hiện tượng này là lông mặt và cơ thể của bạn (có thể mọc nhiều và dày hơn khi mang thai do tác động của hormone androgen) cũng sẽ rụng và mỏng đi trông thấy trong 6 tháng sau sinh.
Làn da sẽ có những thay đổi nào?
Nội tiết thay đổi, căng thẳng và mệt mỏi với trách nhiệm làm cha mẹ có thể ảnh hưởng rõ rệt lên làn da của bạn cũng như cả cơ thể. Một số phụ nữ có được làn da tươi sáng và hoàn hảo nhất khi mang thai sẽ phát hiện mình bị nổi mụn trong tháng đầu sau sinh. Ngược lại, nếu bạn bị mụn trong thai kỳ, bạn có thể thấy da mình được cải thiện trong khoảng thời gian này.
Nếu bạn bị sạm da thai kỳ những mảng da sạm đi ở môi, mũi, gò má và trán, chúng sẽ bắt đầu mờ đi trong vài tháng sau sinh và hầu như biến mất hoàn toàn sau đó, miễn là bạn bảo vệ da cẩn thận trước ánh nắng mặt trời. Các vết rạn da hình thành trong thai kỳ cũng sẽ mờ nhạt hơn dù cho bạn phải chấp nhận sự thật phũ phàng là chúng sẽ không biến mất hẳn đâu.