Lưu trữ cho từ khóa: áp lực học tập

Áp lực học tập khiến trẻ dễ bị rối nhiễu tâm trí

Theo một khảo sát của ĐH Y Dược TP.HCM trên 500 học sinh (HS), tỷ lệ rối nhiễu tâm trí (RNTT) ở HS trường trung học phổ thông là 65,2%.
ap-luc-hoc-tap-khien-tre-de-bi-roi-nhieu-tam-tri
Áp lực học tập khiến nhiều học sinh bị rối nhiễu tâm trí. Ảnh minh họa: Internet
Nguyên nhân gây rối nhiễu có thể do các yếu tố như học lực, hạnh kiểm, áp lực chương trình học, áp lực từ giáo viên, áp lực thi cử, sự quan tâm – hỗ trợ của giáo viên, mâu thuẫn với bạn bè, lo lắng về kinh tế gia đình, áp lực học tập từ gia đình, mâu thuẫn trong gia đình và tình trạng sử dụng rượu bia của bản thân HS. Đặc biệt, những HS cảm thấy áp lực thi cử có tỷ lệ RNTT cao gấp 1,38 lần những HS không cảm thấy áp lực này. Đây là tỷ lệ tương đối cao, có lẽ do HS rất ít khi có cơ hội vui chơi giải trí, vì phải đi học thêm, phải làm quá nhiều bài tập về nhà.
RNTT là tình trạng lệch lạc về sức khỏe tâm trí vượt qua ngưỡng tự điều chỉnh của cơ thể. Những năm gần đây, tỷ lệ RNTT đang có chiều hướng gia tăng ở các nước đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), RNTT đứng hàng thứ năm trong số mười nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật. Mới đây, WHO đã xác định rõ tâm thần là loại bệnh phổ biến nhất, trong tương lai sẽ đứng đầu danh sách gánh nặng bệnh tật, vượt lên trên cả HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng thông thường và tim mạch. Nếu RNTT không được phát hiện và chẩn đoán sớm, sẽ dẫn đến bệnh tâm thần, đồng thời làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và hệ lụy cho bản thân người bệnh, cho xã hội.
Đặc biệt, tình hình RNTT ở thanh thiếu niên hiện nay đã trở thành vấn đề y tế công cộng, là gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Mức độ phổ biến của RNTT thật sự đang vượt xa các vấn đề y tế khác nên rất cần xã hội và ngành y tế quan tâm, nhất là khi trẻ đang sống trong môi trường đầy áp lực và với tính cách dễ bị tổn thương của lứa tuổi vị thành niên. Việc gia đình tạo áp lực học tập và sự kỳ vọng quá lớn vô tình đã gây ra những áp lực nặng nề lên đôi vai con trẻ. Những áp lực đó làm tinh thần trẻ không thoải mái, gây stress, cau có, bực bội, trầm cảm, ảnh hưởng đến tâm trí.
RNTT là hiện tượng đa số, cũng bởi người Việt Nam luôn quan niệm rằng học vấn là cách thoát khỏi tình trạng thấp kém về mặt kinh tế xã hội, gia đình, nhà trường thường gây áp lực rất mạnh đối với việc học tập của trẻ. Bên cạnh những thất bại trong học tập, mâu thuẫn với bạn bè, bị thầy cô trách mắng cùng những mâu thuẫn trong gia đình, không có người cảm thông, chia sẻ – chính là giọt nước làm tràn ly, dẫn đến tình trạng RNTT ở các em HS. Điều đáng nói, trẻ Việt Nam tiếp cận với rượu bia dễ dàng hơn với những trẻ đồng lứa tuổi ở nhiều nước khác. Tập quán phổ biến ở Việt Nam là dùng rượu bia để ăn mừng các sự kiện, để giao tiếp, đôi khi để giải sầu. Những HS sử dụng rượu bia có tỷ lệ RNTT cao gấp 1,25 lần nhóm không sử dụng rượu bia.
Theo Phunuonline.com.vn
The post Áp lực học tập khiến trẻ dễ bị rối nhiễu tâm trí appeared first on Tin Sức Khỏe.

Báo động trẻ nhập viện tâm thần vì áp lực học tập

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không còn kiểm soát được hành vi của bản thân, trong đầu luôn có những câu nói chỉ huy, xui khiến, ảo giác.

Chị Hoàng Thị Minh, ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội đứng chờ đón con ở cổng trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Chị Minh có 2 con đang học tiểu học. Đứa lớn học lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Đứa nhỏ đang học lớp 2 trường Tiểu học Khương Đình.

Trước câu chuyện bài tập về nhà của học sinh tiểu học, chị Minh than thở: “Hai con mới học tiểu học thôi mà tối nào vợ chồng tôi cũng phải thức đến khuya kèm con làm bài tập về nhà. Đứa lớn đang học lớp 5 nên bị giao nhiều bài tập hơn đứa nhỏ.

Tối nào cháu cũng phải làm ít nhất 7 bài tập toán về nhà. Ba phần bài tập trong sách giáo khoa, bốn phần bài tập còn lại là đề nâng cao cô giáo cho thêm về nhà làm. Ngoài ra, cháu còn phải làm đề tập làm văn, bài tập tiếng Việt, bài tập tiếng Anh về nhà… Khi con ôn thi học kỳ, hai vợ chồng tôi phải chia nhau mỗi người kèm cặp một đứa. Có những hôm kèm con học đến 11 giờ đêm nhưng vẫn chưa làm xong bài tập cô giáo giao về nhà. Nhìn con học vất vả vừa thương, vừa xót con, nhưng không làm sao được”.


Rất nhiều học sinh tiểu học đang phải gánh chịu áp lực học tập, bơi trong
đống bài tập về nhà quá sức và không phù hợp (Ảnh minh họa)

Anh Đàm Ngọc Thắng, phụ huynh của em Đàm Quỳnh Tr, học sinh  trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Đống Đa, Hà Nội cũng có chung tâm trạng: “Cháu học bán trú cả ngày ở trường đã căng thẳng lắm rồi, tối về nhà cháu lại phải bơi trong 1 đống bài tập nữa. Về đến nhà tắm rửa và ăn vội bát cơm tối để kịp 7 giờ tối gia sư đến dậy. Vợ chồng tôi đều làm kinh doanh bận rộn đành phải thuê gia sư về dậy. Thế nhưng, hôm nào gia sư về rồi, con bé vẫn phải ngồi lại bàn học hàng giờ nữa để làm tiếp bài tập về nhà. Cao điểm nhất là thời kỳ cháu chuẩn bị ôn thi học kỳ. Nhìn phiếu bài tập cô giáo phát về của con mà chúng tôi choáng. Phiếu đề toán có 50 bài. Phiếu bài tập Tiếng Việt cũng 30 bài cả tập làm văn và tiếng Việt. Ngoài ra còn phiếu câu hỏi ôn tập môn Địa lý, Lịch sử, tiếng Anh… Những ngày đó vợ chồng tôi phải thuyết phục gia sư tăng giờ và trả tiền 2 ca cho gia sư. Thấy con học căng thẳng mà rớt nước mắt vì thương con”.

Không chỉ riêng chị Minh, anh Thắng rơi vào hoàn cảnh đó mà hầu hết phụ huynh có con học tiểu học đang phải xót xa chứng kiến cảnh con “bơi” trong đống bài tập về nhà mỗi tối.

Những câu chuyện đau lòng

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân là học sinh đến khám và xin tư vấn về sức khỏe tâm thần vì áp lực học tập căng thẳng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, các cháu thường đến khám rải rác ở các thời điểm khác nhau trong năm và  tập trung nhiều ở thời điểm đầu năm học, trước và sau các kỳ thi học kỳ.

Gần đây, ông đã khám và điều trị cho bệnh nhân là em N.V.T, học sinh lớp 5 ở một  trường tiểu học của huyện Cẩm Phả – Quảng Ninh.  Ông cho biết: “T nhập viện trong tình trạng không còn kiểm soát được hành vi của bản thân. Trong đầu em luôn có những câu nói chỉ huy, xui khiến, ảo giác”.

Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, T có học lực khá. Gần đây gia đình phát hiện em có những biểu hiện bất thường làm gián đoạn cuộc sống. Bệnh nhân này lúc nào trong đầu luôn có những tiếng nói xui khiến, cảm giác có người theo dõi và đã cứa tay tự tử. Bệnh nhân cứ nghĩ đến chuyện đi học là ngay lập tức xuất hiện những tiếng nói trong đầu và vô cùng sợ đi học. “Nguyên nhân là sự biến đổi sinh học do 1 thời gian dài bệnh nhân phải hứng chịu những áp lực tâm lý quá lớn, không được giải tỏa dẫn đến những rối loạn sinh hóa não, xuất hiện những tiếng nói chỉ huy trong đầu và có những hành vi bất ổn”, bác sĩ Dũng cho biết.

Đã đến lúc báo động

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng từng điều trị cho rất nhiều học sinh phải nhập viện vì những sang chấn, rối loạn tâm thần vì áp lực học tập quá căng thẳng cho biết: “Trước đây học sinh nhập viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia không nhiều vì phụ huynh chủ yếu đưa con em mình đến khám ở các chuyên khoa khác. Nhưng những năm gần đây, người dân bắt đầu có những hiểu biết hơn về những chứng bệnh liên quan đến tâm thần nên đã đưa con đến khám và xin tư vấn rất nhiều.

Tuy nhiên, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia nói riêng và các phòng khám chuyên về tâm thần học nói chung đón bệnh nhân đến hầu hết là đã ở trong tình trạng quá muộn rồi. Và tất nhiên rất khó khăn cho quá trình điều trị. Các gia đình đều cho rằng các cháu mệt mỏi và chỉ cần nghỉ ngơi vài hôm là bình thường trở lại. Tuy nhiên, không đơn thuần là như thế”.

Bác sỹ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã từng nêu cảnh báo khi trả lời báo chí: “Thời gian gần đây số học sinh đến khám bệnh đông, nhất là gần đến mùa thi và sau mùa thi (cuối tháng 3 – tháng 9). Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp đón khoảng 80 -100 bệnh nhân/ngày, tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với các ngày khác trong năm. Nguyên nhân là do học sinh bị ép học hành quá mức, không được quan tâm về tinh thần, không có thời gian vui chơi, giải trí”.

Bác sỹ Dũng cho biết thêm: “Qua việc tổ chức thăm khám cho các học sinh ở các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, một lớp có 40 học sinh thì có đến 4 học sinh có những biểu hiện mệt mỏi, chán nản, lo âu, sợ hãi với việc học tập. 100% câu trả lời cho hiện tượng trên là: Tối qua cháu thức khuya học bài. Cô giáo giao quá nhiều bài tập cháu không làm được hết”.

Theo số liệu thống kê mới nhất của khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2011, khoa đã tiếp nhận 11.432 lượt bệnh nhân đến khám và xin tư vấn về sức khỏe tâm thần. Số học sinh trong độ tuổi tiểu học đến khám và xin tư vấn sức khỏe tâm thần chiếm 30%.

Cũng theo thống kê mới nhất của thạc sĩ Thạch Ngọc Yến, chuyên viên phụ trách Văn phòng Tư vấn Trẻ em TP.HCM, thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, mỗi năm nơi này tiếp nhận trên 1.000 ca tư vấn, trong đó 45% trẻ bị sức ép trong học tập.

(Theo 2sao)