(Webtretho) Áo ngực không giống như xe cộ, máy móc, sẽ không thể bền bỉ theo năm tháng mà đều có “hạn sử dụng” phụ thuộc vào chất lượng sản xuất cũng như cách bạn sử dụng và bảo quản.
Tại sao bạn cần mua một chiếc áo ngực mới?
Rất nhiều phụ nữ thật sự không để ý đến việc cần phải thay áo ngực khi chúng đã có những dấu hiệu “xuống cấp”, hoặc do tâm lý tiếc của nên cứ cố tận dụng nốt khi chúng vẫn còn mặc lên người được. Vậy tại sao chúng ta phải thay áo ngực mới?
Lí do đầu tiên là về vấn đề thẩm mỹ. Qua quá trình mặc, giặt giũ, phơi sấy… phần thun ở các quai áo ngực sẽ bị dãn dần ra, gọng áo và mút lót cũng không giữ nguyên được hình dạng ban đầu, khiến bạn mặc lên người không còn vừa vặn mà dễ méo mó, xộc xệch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình dáng cơ thể bạn mà còn làm cho những bộ đồ bạn mặc lên người không được phẳng phiu, đẹp đẽ nữa. Chưa kể khi chiếc áo ngực của bạn có thể bị phai màu, bị móc rách, đổ lông vải… thì quả thật là vô cùng không đẹp.
Ảnh: Internet
Thứ hai, cơ thể bạn có thể tăng, giảm cân theo thời gian, hoặc khi bạn trải qua những thay đổi trong cơ thể như mang thai, bệnh tật… thì cũng cần phải thay áo ngực cho phù hợp. Thay áo ngực thường xuyên cũng là dịp để bạn có thể đo và thử lại kích thước áo sao cho vừa với cơ thể mình nhất. Mặt khác, chẳng phải một chiếc áo ngực mới, đẹp, vừa vặn sẽ làm cho bạn cảm thấy tự tin và quyến rũ hơn rất nhiều so với một chiếc áo ngực cũ rích, ngả màu sao?
>> Nội y có quan trọng trong chuyện “ấy”
Những dấu hiệu cho thấy bạn cần thay áo ngực
- Bạn đã phải dùng đến hàng móc cuối cùng của áo nhưng chiếc áo vẫn bị xộc xệch hoặc giật ngược lên trên lưng bạn;
- Thun ở quai áo quá dãn đến mức không còn độ đàn hồi;
- Áo ngực bị phai màu, loang lổ, ố vàng, thâm kim, rách…;
- Cơ thể bạn thay đổi, tăng/giảm cân, bạn đang mang thai;
- Phần cúp ngực bị móp méo, biến dạng;
- Gọng áo bị gãy hoặc đâm lòi ra ngoài;
- Khóa móc của áo bị gãy, rách, hoặc rỉ sét;
- Áo không còn đỡ được ngực vì dây áo dãn, phần cúp ngực không còn ôm sát bầu ngực, hoặc ngực “nhảy” ra ngoài vì cúp ngực quá chật.
>> Cách đo kích cỡ khi chọn áo ngực
Những yếu tố ảnh hưởng đến “tuổi thọ” của áo ngực
Thông thường một chiếc áo ngực có thể sử dụng tốt nhất trong vòng từ 6-9 tháng. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến “hạn sử dụng” này, có thể làm áo ngực sử dụng được lâu hơn hoặc có thể khiến áo rất mau hư.
- Số lượng áo ngực
Mỗi người phụ nữ trung bình nên có từ 3-5 chiếc áo ngực để thay đổi luân phiên. Hãy làm một phép tính đơn giản nhé! Nếu bạn có 3 chiếc áo ngực mặc luân phiên trong vòng một năm, mỗi chiếc trung bình sẽ được mặc 121 lần; nhưng nếu với 5 chiếc áo ngực, trong vòng một năm con số đó giảm xuống đáng kể chỉ còn khoảng 73 lần mà thôi. Chính vì thế, càng có nhiều áo ngực, bạn sẽ giảm thiểu được số lần mặc của mỗi chiếc áo, và như thế chúng sẽ có thể sử dụng được lâu hơn.
- Kích thước ngực
Kích thước bộ ngực cũng quyết định đến tuổi thọ của chiếc áo ngực. Đối với những người ngực nhỏ, chiếc áo ngực không chịu nhiều sức nặng, nhưng với những người ngực to hơn, chiếc áo ngực phải làm việc “cật lực” hơn để giữ bầu ngực đứng và đẹp nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến độ bền của chiếc áo.
Ảnh: Getty Images
- Mẹ cho con bú
Với những phụ nữ đang cho con bú, sẽ có rất nhiều điều mới mà họ phải cần làm quen, và một trong số đó là việc phải thay áo ngực thường xuyên do kích thước ngực thay đổi. Ngực của phụ nữ cho con bú to hơn, nặng hơn, nên chiếc áo ngực cũng chịu nhiều áp lực hơn. Thêm vào đó việc bị kéo lên kéo xuống nhiều lần khi cho em bé bú cũng là một tác nhân làm cho chiếc áo ngực mau “xuống cấp”.
>> Chọn nội y cho mẹ mang thai và cho con bú
- Chất lượng
Cũng giống như các loại quần áo và hàng hóa khác, độ bền của chiếc áo ngực cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng sản xuất cũng như chất liệu của áo. Ví dụ như các loại ren, lưới, lụa mỏng… sẽ có độ bền không cao. Một số hãng sản xuất cũng có chất lượng áo không tốt.
- Giặt giũ
Máy giặt là “hung thủ” số một làm cho áo ngực giảm tuổi thọ. Các loại xà bông có chất tẩy rửa mạnh cũng làm cho chất thun của áo bị giòn hơn, khiến chúng mau bị dãn hơn bình thường.
- Cách mặc áo
Một số phụ nữ có thói quen gài khóa áo từ phía trước sau đó mới xoay ra sau, lúc này phần cúp ngực bị lật ngược nên bạn phải kéo ngược áo lên để mặc vào. Thói quen này sẽ khiến cho gọng áo dễ dàng đâm lòi ra ngoài, làm cho cúp áo bị hỏng và đặc biệt là phần thun áo bị xoắn và kéo dãn rất nhanh chóng.
- Áo cơ bản và áo kiểu
Những chiếc áo ngực ren, lưới, áo ngực kiểu đặc biệt xinh xắn, gợi cảm là món quà tặng yêu thích trong những dịp sinh nhật hay Valentine, và chúng cũng thường chỉ được mặc trong những dịp đặc biệt. Khác với áo ngực cơ bản là kiểu áo bạn mặc hàng ngày vì thế chắc chắn áo ngực cơ bản sẽ cần phải thay thế thường xuyên hơn.
Lưu ý để kéo dài tuổi thọ của áo ngực
Bạn nên có nhiều áo ngực để thay đổi luân phiên, đặc biệt là những kiểu áo cơ bản thích hợp để mặc hàng ngày. Nếu bạn có kiểu áo ngực yêu thích nào đó, bạn có thể mua thêm vài chiếc giống nhau để không phải mặc đi mặc lại mãi một cái.
Bạn cũng đừng quên mặc áo ngực đúng cách: xỏ hai tay vào dây áo trước, điều chỉnh cúp ngực, hơi cúi xuống phía trước và vòng tay ra sau để gài áo (nhớ kiểm tra lại chắc chắn các mối gài để tránh trường hợp áo bị bung ra nhé!). Sau khi gài xong, bạn điều chỉnh thêm một lần nữa cho bầu ngực nằm gọn trong cúp ngực. Nếu bạn không quen và muốn cài áo phía trước, hãy nhớ đừng để áo lật ngược sau lưng mà phải dựng cúp ngực lên mới gài khóa để bạn không phải kéo ngược áo lên nữa. Không bị kéo ngược, không bị xoắn và kéo dãn, chiếc áo ngực sẽ “phục vụ” bạn được lâu hơn. Bạn cũng nên lưu ý không nên mặc một chiếc áo liên tiếp hai hay nhiều ngày liền. Áo ngực cũng cần nghỉ ngơi sau một ngày dài căng dãn ra để ôm lấy cơ thể và đỡ lấy bầu ngực của bạn, do đó bạn cần phải thay đổi để áo ngực có thời gian nghỉ ngơi, giúp cho các sợi thun của áo không bị kéo căng quá mức, áo ngực sẽ bền hơn.
Mặc áo ngực đúng cách sẽ kéo dài tuổi thọ của áo Ảnh: Internet
Giặt áo ngực đúng cách cũng rất quan trọng. Bình thường bạn nghĩ chỉ cần quăng áo ngực vào thùng và để máy tự giặt cho nhanh gọn, nhưng cách này sẽ khiến áo dễ hư hỏng như lòi gọng, hỏng lớp mút, dây áo bị xoắn, dãn áo… Áo ngực tốt nhất chỉ nên giặt tay và phơi khô.
Đầu tư vào chiếc áo ngực chất lượng cũng là một yếu tố cần quan tâm. Chất lượng tốt thường đi cùng với giá tiền cao, tuy nhiên cũng không hẳn đắt tiền đã là bền. Do đó bạn cần tìm hiểu, thử và lựa chọn những nhãn hiệu mình tin tưởng, những chất liệu chắc chắc có độ đàn hồi tốt, đảm bảo mặc lên người sẽ êm, vừa vặn và thoải mái. Chiếc áo ngực tốt cộng thêm sự bảo quản tốt sẽ có thể dùng được lâu hơn.