Lưu trữ cho từ khóa: an toàn vệ sinh thực phẩm

Chọn kem an toàn cho mùa hè

Không ít trường hợp học sinh bị ngộ độc hay đau bụng khi ăn phải kem kém chất lượng được bày bán trước cổng trường. Trong khi chưa thể khắc phục cũng như kiểm soát chặt chẽ tình trạng này thì cách tốt nhất là nhà trường cần phối hợp với các bậc phụ huynh hướng dẫn cho con em mình cách tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị ngộ độc.

Cảnh giác với kem kém chất lượng

Đã từ lâu, cộng đồng vẫn quen với khẩu hiệu “Cổng trường em sạch đẹp – an toàn” được treo trước các cổng trường mẫu giáo hay tiểu học. Tuy vậy, tình trạng bày bán la liệt các gánh hàng rong hay kem dạo trước các cổng trường vẫn diễn ra hàng ngày, nhất là thời điểm mới vào đầu năm học như hiện nay. Người bán vẫn ngang nhiên bán, người mua vẫn mua mặc cho chất lượng trôi nổi ra sao. Cô Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà – hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp (q. Tân Bình, TP.HCM) cho biết, mặc dù nhà trường đã phối hợp với các ban ngành liên quan xử lý và nghiêm cấm hoạt động buôn bán hàng rong trước cổng trường nhưng không mấy hiệu quả. Nguyên nhân vẫn xuất phát từ thói quen ăn quà vặt của học sinh và nhu cầu mưu sinh của người buôn bán. Rất nhiều phụ huynh vì chiều con nên cũng “tát nước theo mưa”. Ít ai biết được bên trong những cây kem xanh, đỏ “hấp dẫn” ấy là mầm mống gây bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con em mình. Chưa tính đến những chất phụ gia, phẩm màu bị cấm có trong các loại thực phẩm này.

Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm – phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, các bệnh đường tiêu hóa ở lứa tuổi học trò (như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,…) có liên quan chủ yếu đến các món ăn vặt ngoài đường, mà kem là một trong những món phổ biến nhất. Đó là chưa kể đến các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải kem kém chất lượng.

Ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân

Trong khi chưa thể khắc phục triệt để được tình trạng này thì các trường học cần phối hợp với phụ huynh rèn luyện cho con em mình ý thức tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cô Thanh Trà – hiệu trường trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp cho biết, trong thời gian tới nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các em học sinh về tác hại của việc ăn quà vặt không rõ nguồn gốc, lồng ghép nhắc nhở các em qua các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm… Đồng thời, nhà trường cũng sẽ khuyến khích các em mua hàng tại căn-tin trường. Vì nhà trường đã kí cam kết chỉ cho bán các loại hàng hóa có nhãn mác, thương hiệu rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với túi tiền của phụ huynh, học sinh. Cụ thể, với những món ăn mà trẻ ưa là kem thì nhà trường khuyến khích mua những thương hiệu có uy tín để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nhà trường còn treo biển cấm buôn bán hàng rong trước cổng trường và sẽ cho đội bảo vệ chốt, chặn vào những giờ cao điểm để xử lý triệt để tình trạng này.

Anh Đỗ Hữu Sơn – hội phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (q. Tân Bình, TPHCM) chia sẻ: “Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học lần này chúng tôi sẽ đề xuất với nhà trường kiểm tra chất lượng hàng hóa được bán trong căn-tin trường và đưa ra biện pháp xử lý triệt để với những người buôn bán quanh cổng trường. Bên cạnh đó, với tư cách là phụ huynh, chúng tôi cũng giáo dục các cháu ở nhà nên tránh xa các thực phẩm không rõ nguồn gôc, sử dụng các sản phẩm có thương hiệu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.”

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm – phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết thêm: “Để bảo vệ mình trước tiên người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Với trẻ em, kem là món khoái khẩu nên phụ huynh càng phải quan tâm nhiều hơn. Có thể ngăn ngừa bằng cách mua sẵn các sản phẩm kem có uy tín như ở nhà hoặc giáo dục các em cách chọn loại kem nào an toàn cho mình. Có như vậy mới tránh được các vấn đề về ngộ độc thực phẩm cho các em.”

Sản phẩm Merino Cutie Bear (Ảnh do nhãn hàng Merino cung cấp)

Đại diện đơn vị sản xuất kem Merino cho biết để có được những kem đúng chất lượng, công ty KIDO đã phải đầu tư trang thiết bị sản xuất từ châu Âu đến con số triệu đô, thực hiện đúng các nguyên tắc sản xuất kem sạch đạt chuẩn ISO 22000:2005

Cẩn trọng mứt sen nhuộm phẩm màu công nghiệp

 Để bảo quản hạt sen khô khỏi bị mối mọt, chủ một cơ sở chế biến ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) rắc hóa chất cấm dùng trong thực phẩm - nhôm sulfat; để mứt có màu vàng, họ nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp.

Thượng úy Nguyễn Đức Đan - cán bộ Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội cho biết: Đầu tháng 1-2013, trinh sát Đội 4 phát hiện cơ sở Phương Vui (thôn 8, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) - chuyên sản xuất mứt sen có biểu hiện vi phạm các quy định về VSATTP. “Chúng tôi xác định, quá trình sản xuất mứt sen, cơ sở sử dụng phẩm màu công nghiệp để nhuộm vàng sản phẩm, tạo mẫu mã đẹp đánh lừa người tiêu dùng” - Thượng úy Nguyễn Đức Đan cho hay.

Để làm rõ các vi phạm, chiều qua (9-1), Đội 4 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, phối hợp Đội QLTT số 13 - Chi Cục QLTT Hà Nội, đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP tại cơ sở sản xuất mứt sen Phương Vi. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác ghi nhận cơ sở đang hoạt động, 3 công nhân đang chao hạt sen qua nước đường. Ông Nguyễn Khoa Phương - chủ cơ sở thừa nhận, chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa được đào tạo, tập huấn về ATVSTP song vẫn được UBND xã Ninh Hiệp cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Kiểm tra thực tế tại khu vực sản xuất mứt sen, trinh sát phát hiện, thu giữ nhiều loại phụ gia thực phẩm gồm: chất tạo màu, tạo mùi không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Mứt sen ngon, hạt nhỏ, vỏ ít đường có giá 100.000 đồng/kg thường có màu xám, mẫu mã không bắt mắt. Loại hàng này chủ yếu sản xuất để bán cho người thân và hàng xóm xung quanh sử dụng” - ông Phương cho hay. Tuy nhiên, do mứt loại 1 đắt tiền nên việc tiêu thụ khá chậm.

mut-sen

Vợ chủ cơ sở, bà Đàm Thị Vui cho biết thêm: cứ dịp giáp Tết, một số khách hàng lại đến đặt sản xuất loại mứt rẻ, giá chỉ từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Để hạ giá thành sản phẩm, hạt sen khô sau khi luộc bở sẽ tẩm nhiều đường để tăng trọng lượng. Hạt sen loại 1 “ra lò” chỉ to bằng đầu ngón tay út, nhưng loại 2 và 3 tẩm đường xong to gần gấp đôi. Riêng loại 3 (35.000 đồng/kg), thực chất sen bọc đường chỉ nửa hạt. Sau khi luộc, ủ, chao nhiều lớp đường, nửa hạt sen sẽ to, tròn như hòn bi ve, người mua khó phát hiện ra “cốt” bên trong” - bà Vui cho biết.

Theo chủ cơ sở, ngoài “độn” đường để tăng trọng lượng, hạ giá thành sản phẩm, muốn hạt sen loại 2, 3 bóng bẩy, ưa nhìn hơn loại 1, cơ sở này tưới một loại phẩm màu vàng mua trôi nổi ngoài thị trường. “Theo xác định ban đầu của cơ quan công an, đây là phẩm màu công nghiệp, chứa chất có thể gây ung thư, cấm sử dụng trong thực phẩm” - Thượng úy Nguyễn Đức Đan khẳng định. Không chỉ vi phạm các quy định về VSATTP trong chế biến mứt sen, lực lượng công an còn phát hiện cơ sở này sử dụng hóa chất nhôm sulfat để bảo quản hạt sen khô tránh mối mọt. “Nếu không sử dụng hóa chất này, nửa tháng hạt sen sẽ bị mối mọt hết” - bà Vui khẳng định.

Về những dấu hiệu nhận biết mứt sen không đảm bảo chất lượng, đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Mứt sen ngon thường nhỏ, lớp đường mỏng có thể nhìn rõ phần hạt bên trong, màu hơi xám. Loại hạt sen màu vàng tươi, được tẩm nhiều đường, đóng gói thủ công, giá rẻ... người tiêu dùng không nên lựa chọn vì khả năng đã tẩm hóa chất, “độn” đường để hạ giá thành. Kết thúc buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ các phụ gia dùng để sản xuất mứt sen không có nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ số mứt sen thành phẩm, lấy mẫu gửi cơ quan chức năng phân tích chất lượng sản phẩm, làm căn cứ xử lý.

(Theo ANTĐ)

Trung Quốc: Phần lớn vi cá mập được làm từ độc chất

Một phóng sự điều tra của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 8.1 tiết lộ sự thật hãi hùng về vi cá mập bán tại các nhà hàng ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang và Phúc Kiến: phần lớn vi cá mập được làm từ độc chất.

Được tạo ra từ hỗn hợp bột đậu, chất gelatin, natri và một số hóa chất khác, vi cá mập giả tại các nhà hàng đắt tiền và tiệc cưới đã trở thành một lựa chọn ưa thích của khách hàng, đặc biệt những người muốn gây ấn tượng với khách mời bằng các món “sơn hào hải vị”.

vi-ca-map
Vi cá mập cỡ lớn – Ảnh: Reuters

CCTV ước lượng khoảng 40% vi cá mập tiêu thụ tại các nhà hàng ở Trung Quốc có thể là đồ giả. Các chuyên gia cảnh báo rằng những hóa chất và chất phụ gia sử dụng để làm vi cá mập giả có độc và có thể làm tổn hại phổi cùng các cơ quan khác.

Tờ China Daily hôm nay (9.1) cũng cho biết nhà chức trách ở tỉnh Chiết Giang đã phát hiện nhiều vi cá mập bán tại chợ là sản phẩm nhân tạo và một số chứa dư lượng cadmium, một kim loại độc.

Theo tờ China Daily, các nhà hàng mua vi cá mập giả với giá rẻ song bán với giá cắt cổ lên đến 1.000 NDT/chén (160 USD, khoảng 3,35 triệu đồng VN).

Kết quả tương tự cũng được phát hiện trong cuộc điều tra của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở Chiết Giang. Cơ quan này đã chọn ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập từ các nhà hàng địa phương để mang đi kiểm tra ADN và kết quả là không tìm ra chút vi cá mập nào.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Chiết Giang cũng phát hiện một phần ba số vi cá mập sấy khô bán ở các ngôi chợ trong tỉnh chứa dư lượng cadmium và thủy ngân.

Tiết lộ hãi hùng về vi cá mập đã trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên trang Sina Weibo của Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.

Một cư dân mạng Trung Quốc mỉa mai: “Các quan chức tham nhũng là những người ăn vi cá mập đúng không? Thế giới quả là công bằng”.

(Theo Thanhnien)

TP.HCM trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP được dưa vào hoạt động

 Một trung tâm kiểm nghiệm hiện đại về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Bộ Y tế vừa được đưa vào hoạt động tại TP.HCM.

Chiều nay 23.12, bác sĩ Vũ Trọng Thiện – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) cho biết, Viện vừa đưa vào hoạt động Trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP khu vực phía Nam.

Trung tâm do Bộ Y tế cấp kinh phí đầu tư xây dựng, nằm trong khuôn viên của Viện (đường Hưng Phú, Q.8, TP.HCM).

kiem-nghiem
Lâu nay, kiểm nghiệm là một khâu luôn khó khăn trong quản lý ATVSTP -
Ảnh: Thanh Tùng

Trung tâm được đầu tư khoảng 80 tỉ đồng, trong đó, chiếm phần lớn kinh phí là đầu tư cho máy móc, thiết bị kiểm nghiệm.

Theo bác sĩ Vũ Trọng Thiện, trung tâm được trang bị nhiều máy móc, phương tiện mới, hiện đại, như máy sắc ký khí, sắc ký lỏng, quang phổ hấp thu nguyên tử… Mục đích là để làm được nhiều loại kiểm nghiệm liên quan đến ATVSTP hơn so với trước, nhằm phát hiện những thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, cũng như phục vụ công tác quản lý, điều tra, nghiên cứu.

Ngoài ra, nơi đây còn có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện về kiểm nghiệm ATVSTP cho khu vực phía Nam.

Lâu nay, khó khăn thường gặp trong việc quản lý, phát hiện thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo ATVSTP đó là khâu kiểm nghiệm tìm các độc chất.

(Theo Thanhnien)

HCM: Phát hiện virus độc hại trong hải sản tươi sống

 Nghiên cứu của các nhà khoa học đã tìm thấy loại virus gây tiêu chảy, ói mửa có trong một số hải sản tươi sống.

Trong các xét nghiệm ban đầu, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh – Y tế Công cộng TPHCM kết hợp với trường Đại học Y dược TPHCM đã tìm thấy loại virus gây tiêu chảy, ói mửa có trong một số hải sản tươi sống.

Virus sống trong đa dạng môi trường Trong các nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 40 mẫu hải sản các loại tại một số chợ trên địa bàn TPHCM, mỗi loại 5 mẫu, số lượng 300g/mẫu, gồm nghêu, sò huyết, sò lông, chem chép, sò vẹo, sò đá, móng tay, hàu.

Nhóm sử dụng phương pháp kỹ thuật sinh học phân tử để phân tích. Đây là phương pháp lần đầu tiên được áp dụng trong lĩnh vực phát hiện virus tại nước ta. Qua xét nghiệm phân tích kết quả cho thấy, có 12/40 mẫu hải sản nhiễm Norovirus nhóm GI và GII. Trong đó, nghêu, sò huyết chiếm 3/5 mẫu nhiễm Norovirus, hàu chiếm tới 4/5 mẫu nhiễm virus này. Trong số mẫu nhiễm virus của hàu thì có 1 mẫu nhiễm đồng thời Norovirus, GI, GII và 3 mẫu nhiễm GI hoặc GII.

hai-san

Tuy nhiên, trong thực tế với các loại hải sản thì nhiều thực khách thích các món ăn như gỏi sống, nướng tái và cho rằng ăn như vậy bổ dưỡng hơn. Ngày 14/12, phóng viên khảo sát một số khu vực bán hải sản tại chợ Tân Định (quận 1), chợ căn cứ 26 (quận Gò Vấp) cho thấy: Nghêu, sò huyết, sò lông, hàu vẫn là chủ đạo. Nghêu giá từ 20.000 – 50.000đ/kg, sò huyết giá 60.000đ/kg, hàu giá 28.000 – 30.000đ/kg… Tiểu thương tại chợ căn cứ 26 (quận Gò Vấp) cho biết, những hải sản có thể ăn sống như hàu, sò huyết có lượng tiêu thụ khá lớn, nhất là vào ngày cuối tuần.

Khảo sát tại một số khu dân cư thuộc cư xá 26, chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp) và khu Nam Long (quận 12) cho thấy: Có tới 97% ý kiến người được hỏi cho rằng thích ăn hải sản vì có lợi cho sức khoẻ hơn là ăn thịt, trong đó có 55% thích ăn hải sản dạng tươi sống. Chị Hà Thị Hằng trú tại phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM cho hay, gia đình chị thường mua hàu về ăn sống với mù tạt, còn sò huyết chỉ vắt chanh vào là ăn liền, nếu có nướng sò thì chỉ nướng tái.

Chưa có thuốc đặc trị TS.BS Phạm Hùng Vân, trường Đại học Y dược TPHCM, thành viên mạng Á châu nghiên cứu vi khuẩn kháng thuốc cho biết: Norovirus là một trong những tác nhân gây tiêu chảy hiện nay ở người lớn (chủ yếu là người già) với tỷ lệ tử vong cao. Đến nay, cũng đã xuất hiện trường hợp nhiễm Norovirus ở trẻ em. Ở nước ta cũng đã có trường hợp nhiễm virus này.

Norovirus (NoVs) được coi là nguyên nhân chính gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở trẻ em và người lớn. Con đường truyền nhiễm chính của loại virus này là qua thực phẩm, nước, không khí và lan truyền từ người sang người. Triệu chứng chung của bệnh do NoVs là nhức đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức các bắp cơ, sốt nhẹ và nóng lạnh. Trong đó, trẻ em thường nôn mửa nhiều hơn người lớn. Thậm chí, thực phẩm nấu chín rồi nhưng bát đĩa, nồi xong mà không hợp vệ sinh thì cũng là nơi nảy nở sinh sôi, truyền nhiễm virus này.

Với hải sản đa số nấu, nướng chín nhưng vẫn có loại thực khách ăn sống như hàu. Qua xét nghiệm cho thấy, 5 mẫu hàu sống thì có tới 4 mẫu nhiễm Norovirus, do đó cần thận trọng trong ăn uống thực phẩm hải sản tươi sống.

Nói về loại virus này, bà Phẩm Minh Thu, Trưởng Phòng kiểm nghiệm Hóa lý Vi sinh Viện Pasteur TPHCM cho biết, đây là loại virus đường ruột. Các triệu chứng thường bắt đầu tăng đột ngột trong vòng 12 – 48 giờ sau khi phơi nhiễm với Norovirus. Điều đáng nói là hiện không có thuốc đặc trị và văcxin phòng ngừa loại virus này. Do đó, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải tự ý thức bảo vệ sức khoẻ của mình bằng cách vệ sinh trong chế biến, ăn uống thực phẩm. Thực hiện ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn hợp vệ sinh…

(Theo Soha)

80% thực phẩm chay không đạt chuẩn

 

Đó là kết quả một điều tra khoa học do các nhà khoa học thuộc Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Tiền Giang vừa tiến hành.

Nhiễm khuẩn vượt chỉ tiêu

Nhóm các nhà khoa học thuộc Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Tiền Giang đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm vi sinh và lý hóa tổng số 284 mẫu sản phẩm chay tại các chợ và quán ăn chay trên địa bàn 8 huyện, thị, thành của tỉnh.

Kết quả cho thấy, sản phẩm chay không đạt tiêu chuẩn chất lượng vi sinh chiếm tới 83,72%, trong đó chỉ tiêu về tổng số vi khuẩn cao hơn quy định là 100% số mẫu không đạt, khuẩn coliforms 88,88%, E.coli 1,38% và tổng số nấm mốc là 48,11%... Hầu hết các nhóm sản phẩm ở các huyện đều không đạt chỉ tiêu vi sinh, riêng huyện Chợ Gạo có số mẫu thực phẩm chay không đạt chỉ tiêu này chiếm tới 100%.

Khảo sát thực phẩm chay được bày bán tại một số chợ đầu mối TPHCM như chợ Lớn (quận 8), chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho thấy: 75% thực phẩm sản xuất thủ công trong nước giá bình dân, 5% sản phẩm chay trong nước có thương hiệu, 20% thực phẩm chay nhập từ các nước trong khu vực. Hai nhóm sau có giá bán khá cao, chỉ cung cấp cho các nhà hàng chay lớn trong thành phố.

Tại chợ thực phẩm An Đông những ngày cuối năm này tấp nập người mua thực phẩm chay. Những hộp nhựa, mâm nhôm chứa các loại thực phẩm như bánh bánh bao, nem bì, chả lụa bày bán kiểu cân ký, không bao bì nhãn mác, không hạn sử dụng.

Chúng tôi ghé hàng bà Hoa ngay đầu chợ. Bên cạnh chỗ bà ngồi là chảo mỡ to đùng, nước mỡ cháy đen, trên quầy bán đủ món nào là tàu ki, bánh căn, giò chả. Thấy chúng tôi xem hàng và lưỡng lự, bà Hoa đặt luôn miếng giò chay lên tấm phản (không kê thớt - PV) cắt luôn miếng giò đưa cho thử. Bà Hoa hồ hởi: "Tôi bán ở đây mấy chục năm rồi. Các loại bánh căn, tàu hủ ki tôi lấy hàng về chế biến bán lại. Chỉ giò chả là tôi tự làm để bán và đổ mối luôn. Nhiều mối tận Thủ Đức, Bình Dương, Vũng Tàu đều đổ về đây mua cả...".

Thấy chúng tôi hỏi giò chay của công ty làm sẵn đựng trong túi nilon, bên ngoài in tiếng Hoa, bà Hoa ngăn lại khuyên không nên ăn loại này!.

Vi khuẩn khó chết khi nấu ở nhiệt độ cao

Theo bà Phẩm Minh Thu, Trưởng Phòng Kiểm nghiệm Hóa lý Vi sinh viện Pasteur TPHCM: Nấm mốc có nhiều loại, có loại rất độc như nấm mốc có độc tố aflatoxin do nấm aspergillus flavus sinh ra. Nếu thực phẩm nhiễm loại nấm mốc này nguy cơ người tiêu dùng ăn phải dễ bị ung thư dù với liều lượng nhỏ. Còn nấm mốc tạp sẽ làm cho thực phẩm không còn protein mà chuyển hóa thành những chất khác gây ảnh hưởng sức khoẻ.

E.coli và coliforms là loại vi khuẩn chỉ điểm vệ sinh, cho biết thực phẩm đã bị nhiễm phân tươi vì nó là vi khuẩn đường ruột. Mặt khác, nếu là E.coli có độc tố thì gây tiêu chảy cho trẻ em dưới 5 tuổi. Những khuẩn này nhiễm từ các thiết bị như dao, thớt, dụng cụ sản xuất không đảm bảo, không hợp vệ sinh, vật chứa mất vệ sinh và nguồn nước sản xuất không sạch.

E.coli và coliforms chết ở 1000C nhưng với nấm mốc loại nấm mốc bào tử rất khó chết kể cả khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Đối với khuẩn độc tố aflatoxin thì còn khó chết hơn. Ngoài ra, hiện nay chưa có nghiên cứu nào xét nghiệm sự kháng thuốc kháng sinh của các khuẩn trên. Đối với người tiêu dùng thì điều đầu tiên vẫn là sử dụng thực phẩm chay cơ sở uy tín và không nên ăn hàng quán chay vỉa hè.

BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm văn phòng phía Nam cũng nhận định, khi thực phẩm phát hiện vi khuẩn vượt mức quy định và nấm mốc với số lượng cao rất dễ sinh độc tố, sử dụng thực phẩm bị hư hỏng như vậy dễ bị ung thư khi độc tố tích lũy trong cơ thể theo thời gian.

(Theo Bee)

 

Sai lầm dễ mắc khi chế biến rau quả

 

Rau củ quả chứa nhiều nước, tinh bột và protein, hàm lượng chất béo rất ít, hơn nữa còn là nguồn quan trọng của khoáng chất, chất xơ và vitamin.

Mấy năm trở lại đây, xu hướng ăn uống với khẩu phần rau củ quả là chủ yếu đang ngày càng được ưa chuộng. Nhưng bạn vẫn có thể mắc sai lầm khi ăn uống rau củ quả. Vì vậy, chị em hãy đọc kỹ những điều cần lưu ý khi ăn rau củ quả như sau đây nhé.

1. Ăn cà chua trước bữa ăn

Cà chua nên ăn sau bữa ăn. Như vậy mới có thể giảm đáng kể lượng axit trong dịch vị dạ dày. Nếu ăn cà chua trước bữa ăn sẽ làm tăng áp lực trong dạ dày, dẫn tới sự giãn nở dạ dày, gây ra các triệu chứng như đau bụng, dạ dày khó chịu…

2. Trộn lẫn củ cải với cà rốt

Đừng nên trộn lẫn cà rốt với củ cải. Bởi vì, trong cà rốt có chứa enzyme có thể phá hủy vitamin C. Do đó, lượng vitamin C trong củ cải cũng sẽ bị phá hủy hoàn toàn khi ăn kèm với cà rốt.

3. Rửa hoặc ngâm nấm hương trong nước quá lâu

Trong nấm hương có loại chất chống ôxy hóa lysergic, sau khi hấp thụ ánh nắng mặt trời sẽ chuyển hóa thành vitamin D. Nếu bạn rửa quá nhiều lần hoặc ngâm nước quá lâu trước khi chế biến, nấm hương sẽ bị mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng. Khi nấu nấm hương không nên nấu bằng nồi sắt hay nồi đồng, để tránh mất dinh dưỡng.


Rau của quả cũng phải rửa đúng cách mới sạch mà không mất chất dinh dưỡng.

4. Tiêu thụ quá nhiều carotene

Mặc dù carotene rất bổ dưỡng, nhưng phải ăn ở mức độ vừa phải. Bổ sung quá nhiều carotene (từ nước ép trái cây từ cà rốt hoặc cà chua) có thể làm tăng lipid máu, khiến da mặt và da tay có màu vàng, mất cảm giác ngon miệng, tinh thần bất ổn, bồn chồn, thậm chí ngủ không ngon giấc kèm theo sợ hãi, khóc, mơ màng vào ban đêm…

5. Ăn mướp đắng sống

Vị đắng trong mướp đắng có thể ngăn chặn sự hấp thụ canxi trong thực phẩm. Do đó, trước khi ăn nên đun mướp đắng trong nước sôi nóng, để loại bỏ axit oxalic - axit gây vị đắng, chát. Những người cần bổ sung một lượng lớn canxi không thể ăn quá nhiều mướp đắng.

6. Ăn quá nhiều rau bina

Rau bina chứa một lượng lớn axit oxalic, không nên ăn quá nhiều. Axit oxalic vào cơ thể sẽ kết hợp với canxi và kẽm tạo ra oxalat canxi và oxalate, chúng không dễ dàng hấp thụ và gặp khó khăn trong việc bài tiết ra ngoài. Nó còn ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và kẽm trong ruột, gây ra sự thiếu hụt canxi, kẽm, khiến xương cốt, răng phát triển không tốt, ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ.

7. Tỏi tây để quá lâu sau khi đã nấu chín

Tỏi tây để qua đêm sẽ trở nên độc hại. Tốt nhất nên ăn tỏi tây ngay sau khi nấu xong, không nên để quá lâu. Nếu giữ quá lâu, một lượng lớn nitrate trong đó sẽ biến thành nitrite, gây ngộ độc. Những người tiêu hóa không tốt nên hạn chế ăn tỏi tây.

8. Nấu rau xanh quá lâu

Các loại rau xanh khi nấu thì không được nấu quá lâu. Nếu không, các nitrat trong rau xanh sẽ biến thành nitrite , bất lợi cho sức khỏe. Các loại rau đông lạnh cũng không được nấu quá lâu, nếu không rau sẽ bị nát mất rất nhiều dinh dưỡng.

(Theo Afamily)

 

Gà vịt giết mổ: Sau 4 tiếng đã nhiễm khuẩn

Thực phẩm cần an toàn vệ sinh và sử dụng sớm sau khi giết mổ nhưng thực tế, để có hàng đem ra chợ bán buổi sáng, người ta phải giết mổ từ 1 – 2h sáng, người tiêu dùng sớm thì 7 – 8h ra chợ, muộn thì 10 – 11h trưa mới mua về để chế biến.

Làng gà Hà Vỹ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) – nơi tập trung buôn bán gà vịt của Hà Nội – từ 2h sáng đã sáng đèn. Các nhà lục tục dậy để làm gà cho kịp sáng đem ra chợ bán. Gà vịt được làm từ đêm, sáng sớm đem ra chợ bán đến trưa, bán không hết đem về… để tủ lạnh mai bán tiếp. Những nhà đột nhiên có “mối” lớn như đưa nhà hàng, huy động nhân lực không kịp, phải làm từ 9 – 10 giờ tối để sáng hôm sau kịp giao hàng. Những nhà bán chợ chiều thì làm hàng từ 7 – 8h sáng hay đầu giờ chiều, đến 2 – 3h chiều bắt đầu chở ra chợ bán cho người mua và dùng cho bữa tối.

Thực phẩm cần an toàn vệ sinh và sử dụng sớm sau khi giết mổ nhưng thực tế, để có hàng đem ra chợ bán buổi sáng, người ta phải giết mổ từ 1 – 2h sáng, người tiêu dùng sớm thì 7 – 8h ra chợ, muộn thì 10 – 11h trưa mới mua về để chế biến

Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị, gà vịt sau khi giết mổ khoảng 4 tiếng là vi khuẩn đã xâm nhập. Điều này khiến nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm độc thức ăn cao, nhất là vi khuẩn gây bệnh dịch thích nghi phát triển sinh sôi trên khối thực phẩm. Sau khi giết mổ, nên rửa sạch thực phẩm, sau đó thấm lau khô và bảo quản lạnh.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng khi mua thịt về nếu chưa dùng ngay, nên để trong tủ lạnh. Trước khi để thịt vào tủ lạnh, người tiêu dùng cũng nên rửa lại, sau đó thấm khô bằng giấy hoặc khăn sạch. Sử dụng thịt sau giết mổ để lâu, vấn đề chất dinh dưỡng hao hụt không đáng lo bằng việc ô nhiễm. Đặc biệt, vi khuẩn samunela gây bệnh thương hàn khi xâm nhập vào thực phẩm không làm thực phẩm biến đổi về cảm quan, mùi vị.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: Lượng dinh dưỡng sau giết mổ có hao hụt, nói chính xác là có biến đổi, việc biến đổi là do vi khuẩn xâm nhập gây thay đổi về chất. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản. Nếu bảo quản lạnh thì vi sinh vật sẽ xâm nhập và phát triển chậm hơn.

(Theo TTOL)

Nhiều phụ nữ mù mờ về phụ gia thực phẩm

Đa số phụ nữ chỉ chọn thực phẩm theo cảm tính, có đến 42% người kinh doanh và 68% người tiêu dùng hiểu biết chưa đúng về phụ gia thực phẩm.

Thông tin được các chuyên gia về thực phẩm nêu tại hội thảo “Phụ nữ nói không với phụ gia thực phẩm không an toàn” do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 24/8 tại TP HCM.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết có 23 nhóm phụ gia thực phẩm bao gồm 337 chất được cho phép sử dụng. Thực tế kiểm tra cho thấy phụ gia thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc vẫn còn tồn tại nhiều trên thị trường.

Với ưu điểm là giá thành rẻ, mặt hàng này thường các cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ sử dụng. Cơ quan chức năng không thể thống kê, kiểm soát được vì quá nhiều hộ kinh doanh. Sản phẩm sử dụng phụ gia không nguồn gốc đến tay người tiêu dùng mà các bà nội trợ không thể dùng mắt thường để nhận định.

Tại TP HCM, thời gian qua nhiều sản phẩm nhuộm phẩm màu và phụ gia độc hại đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện. Ví dụ như màu công nghiệp được dùng để nhuộm hạt dưa và bột cà ri; các loại nước giải khát có màu cũng dùng màu không có nguồn gốc để chế biến.

Gần 20 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên đã ký cam kết không kinh doanh các loại phụ gia thực phẩm không an toàn, ngay hôm 24/8.

Song song với cuộc vận động phụ nữ cả nước thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đồng thời vận động các hộ nuôi trồng thực hiện 3 không. Đó là: “Không sản xuất rau không an toàn – Không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn – Không kinh doanh phụ gia thực phẩm không an toàn”.

(Theo TTOL)

Làm vỏ xúc xích từ lòng lợn thối

Công an tỉnh Bắc Ninh, Chi cục Thú y Bắc Ninh phát hiện một kho hàng chứa nội tạng động vật hôi thối tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 24/8, Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - Bộ Công an cho biết: Cơ quan công an bước đầu xác định, số nội tạng “bẩn” lưu giữ tại kho hàng này là của 2 công ty: Công ty Thương mại Hoàng Hải, do ông Nguyễn Hữu Vỹ (SN 1973); Công ty TNHH Đông Loan, do ông Nguyễn Văn Đông (SN 1981) - làm Giám đốc.


Lòng non, bì lợn mốc meo, bốc mùi hôi thối

Tại thời điểm kiểm tra (23-8), cơ quan công an xác định trong kho chứa một lượng lớn nội tạng động vật, chủ yếu là lòng non, bì lợn đang trong quá trình phân huỷ, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín. Trong số 13 tấn nội tạng động vật được lưu giữ tại đây, nhiều sản phẩm động vật được gom về đây cả tháng.

Làm việc với cơ quan công an, đại diện 2 công ty cho biết: thường thu gom nội tạng động vật từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một số tỉnh niền Trung..., không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP.


Được ngâm tẩy hóa chết để chế biến xúc xích (Ảnh: minh họa)

“Quá trình lưu giữ tại kho, nội tạng bốc mùi sẽ được tẩy trắng bằng hóa chất trước khi đem đi tiêu thụ” - chỉ huy Phòng 6, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết. Tài liệu của cơ quan công an cho thấy: lòng non thối sau khi được tẩy trắng sẽ được chế biến thành vỏ xúc xích; bì lợn chế biến thành bóng bì, rồi chuyển lên các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng để xuất lậu sang bên kia biên giới. Theo tính toán sơ bộ, từ đầu năm đến nay, 2 doanh nghiệp này đã tiêu thụ gần 130 tấn nội tạng “bẩn”.

Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã bàn giao hồ sơ ban đầu, số nội tạng động vật “bẩn” trên cho Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh, Chi cục Thú ý tỉnh để xử lý theo thẩm quyền - Đại tá Trần Trọng Bình cho biết.

(Theo Tiin)