Sợ rau xanh phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nên nhiều mẹ đã "cai" rau cho con mà thay thế bằng hoa quả và các loại củ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
“Hiện có xu hướng, người dân sợ các loại rau xanh có thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên không dám ăn mà thay thế bằng các loại củ quả, trái cây. Trong khi nếu chỉ ăn củ quả, trái câu cơ thể chắc chắn sẽ thiếu các sinh tố”.
BS Hoàng Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông (Viện Dinh dưỡng) cho biết tại buổi họp báo hướng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Điệp khúc su su, bí đao
Đến hơn hai tháng nay, nhà chị Vương (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) chỉ ăn nguyên các loại củ, quả thay thế cho rau xanh. “Tôi vẫn nghe nói nông dân dùng thuốc phun kích thích rau lớn, rồi thì phun thuốc sâu hôm trước hôm sau đã hái bán nên đã cẩn thận mua máy sục rau. Vậy mà cách đây hơn hai tháng, đứa con gái 6 tuổi ăn rau xong bị đau bụng, đi ngoài cả một ngày trời, từ đó cả nhà đành “cai” rau xanh, chỉ ăn các loại củ quả.
Thôi thì su su, bí đao, mướp, bí đỏ… đổi loạn cả lên mà cũng được đến hai tháng rồi, giờ cả nhà đã ngao ngán quá. Nhất là mấy đứa nhỏ, đứa nào cũng bị táo bón, dù ép chúng ăn cả nửa đĩa su su luộc nhưng vẫn không ăn thua”, chị Vương buồn rầu nói.
Theo BS Hoàng Thị Kim Thanh, việc người dân sợ các loại rau xanh vì thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật như trường hợp gia đình trên không phải cá biệt mà thực sự là một xu hướng. Thậm chí một số trường mầm non, tiểu học cũng lo ngại nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại rau xanh nên trong thực đơn, các loại củ quả vẫn được ưu tiên.
“Nhiều người nghĩ rằng, đã là rau thì củ quả hay rau lá đều tốt như nhau, đều cung cấp chất xơ, các hàm lượng vitamin và khoáng chất. Thực tế không phải vậy, các thành phần này trong rau củ, hoa quả và rau xanh là hoàn toàn khác nhau”, BS Thanh nói.
“Trên thực tế, ăn củ quả chỉ đủ một số thành phần sinh tố và nếu chỉ ăn củ quả thay cho rau xanh, chắc chắn cơ thể sẽ thiếu sinh tố. Chúng tôi đã tra thành phần dinh dưỡng các loại củ quả, thì hàm lượng sinh tố, đặc biệt sinh tố C và sinh tố nhóm B rất thấp. Đặc biệt những loại như su su thì hàm lượng sinh tố không đáng kể”, BS Thanh cho biết.
Hay như hoa quả, dù rất quý, rất có ích cho cơ thể song cũng không nên ăn hoa quả thay cho rau xanh. Bởi hàm lượng vitamin và các chất khoáng trong rau xanh cao hơn trái cây, ví dụ làm lượng beta - caroten, các loại vitamin và chất khoáng trong rau dền cao gấp 2 - 6 lần trong cam, chanh. Các chất xơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón.
Một số loại rau nhất là rau gia vị còn có tác dụng chữa nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật quý giá như hành, cà rốt, tía tô, tỏi… Vì thế, bên cạnh ăn các loại rau củ, trái cây thì rau xanh là vô cùng quan trọng. Cả người lớn và trẻ em đều phải ăn rau xanh, không thể thay thế bằng các loại củ quả. Vấn đề là mua ở những nơi an toàn, nhặt sạch, rửa sạch sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm. Càng ăn nhiều loại rau và hoa quả thì càng cung cấp đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho trẻ.
Trẻ ăn bao nhiêu rau là đủ?
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, rất nhiều phụ huynh nghĩ trẻ còn nhỏ nên lượng rau ăn ít hơn người lớn, mỗi bữa bé chỉ cần vài gắp rau là đủ. Hơn nữa, nhiều trẻ nhất quyết không chịu ăn rau và bố mẹ cũng tặc lưỡi cho qua, nghĩ con đã ăn được nhiều trái cây nên không ép con ăn thêm rau, đây là quan niệm sai lầm.
Thực tế, từ lớp 1 rồi dần lên lớp 4-5 đã có sự khác biệt rõ ràng về thể chất cũng như dinh dưỡng của trẻ. Bắt đầu lớp 1, trẻ là một trẻ thơ, nhưng hết cấp 1, nhiều bé đã dậy thì, trở thành thiếu nữ. Nếu lượng rau xanh vẫn chỉ vài gắp rau mỗi bữa thì sẽ không đủ bởi lúc này, lượng tiêu thụ rau xanh ở trẻ tương đương với người lớn. Bé hoàn toàn có thể (và nên) ăn khoảng 3 lạng rau/ngày.
Vậy làm thế nào để trẻ chịu ăn rau?. Nguyên nhân một phần là do ngay từ nhỏ, bố mẹ đã không chú ý cho con ăn rau. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm tính một ngày con ăn cháo được 1 lạng thịt (tôm, cá, trứng) mà không quan tâm đến lượng rau, vì cho rằng rau nghèo dinh dưỡng, rồi rau không phải là chất bổ, ăn nhiều rau dễ tiêu chảy, phân xanh… nên trẻ không biết ăn rau. Do đó, cần cho trẻ ăn rau ngay khi bắt đầu thời kỳ ăn bổ sung.
Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cho trẻ ăn rau bằng cách băm, giã nhỏ lá rau xanh cho lẫn vào bột, cháo, tăng từ ít đến nhiều, ăn đa dạng các loại rau.
Với trẻ từ 3 tuổi trở lên, lúc đầu có thể thái rau nhỏ, nấu canh cho trẻ. Khi nấu cũng chọn loại rau thích hợp, nấu thành món canh ngon kích thích trẻ ăn như rau mồng tơi, rau đay nấu với cua, rau ngót nấu thịt, sườn, rau cải nấu với cá rô…
(Theo Afamily)