Lưu trữ cho từ khóa: âm hư hoả vượng

Đông y trị viêm họng

Viêm họng là hiện tượng yết hầu sưng đau, lúc đầu có thể thấy ngứa họng, kèm theo sốt hoặc tiết nhiều đờm dãi. Nếu nặng không chữa kịp thời, yết hầu nghẹn đau, ăn uống khó khăn, họng sưng đỏ, lưỡi gà đỏ, nuốt nước bọt cũng đau, lưỡi đỏ hoặc hồng nhợt. Nguyên nhân do cảm nhiễm ngoại tà như phong hàn, hàn tà hoặc dịch độc thời khí; hoặc do âm hư hoả vượng lâu ngày kèm theo nói năng quá nhiều; hoặc do ăn quá cay nóng hoặc ăn nóng lạnh đột ngột, uống nhiều rượu… mà gây ra.

Yết hầu là cửa ngõ của phế. Nhiều đường kinh mạch đi qua hoặc vòng quanh yết hầu để làm nhiệm vụ bảo vệ không cho tà khí xâm nhập vào cơ thể, Khi ngoại tà xâm nhập vào hầu họng sự giao tranh giữa chính khí và tà khí gây ra sốt, sưng, đau… Nếu chính khí khỏe thì tà khí lui, bệnh đỡ dần và khỏi. Nếu chính khí suy giảm hoặc không được chữa trị kịp thời thì sưng đau tăng, đỏ, loét… làm ảnh hưởng đến toàn thân.

Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh như sau:

Bạc hà.

Ngoại cảm phong hàn

Triệu chứng: Ngạt mũi, nặng tiếng, người ớn lạnh, không mồ hôi, cổ họng hơi sưng, nuốt thấy vướng, đau, kèm theo đau đầu, sốt vừa, sợ gió, đau mỏi thân mình, chán ăn; mạch phù hoãn.

Phương pháp điều trị: Sơ giải biểu tà.

Bài thuốc: Kinh phòng bại độc tán.

Kinh giới, phòng phong, độc hoạt,  sài hồ, tiền hồ, xuyên khung, chỉ xác, cát cánh, phục linh, cam thảo, khương hoạt mỗi vị 12g. Các vị trên thêm 7 nhát gừng,10 lá bạc hà và nước 1.200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: xạ can lá hoặc củ tươi vừa 1 miếng + sinh khương 1 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4- 5 lần.

Ngoại cảm phải dịch độc thời khí

Triệu chứng: Trong họng ngứa đau, khô, sưng đỏ, nuốt khó ăn hay nghẹn, thích uống nước lạnh, sốt cao, khát; mạch sác, nhiều người mắc cùng thời điểm, lây lan lẫn nhau.

Phương pháp điều trị: Thanh hoả giải độc.

Bài thuốc: Thanh yết lợi cách thang: hoàng liên 8g; cam thảo 10g; nhân sâm 10g; bạch linh, hoàng cầm, ngưu bàng tử, phòng phong, bạch thược, thăng ma, cát cánh mỗi vị 12g. Các vị trên thêm 7 nhát gừng và 1.200ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: xạ can 3 miếng + hoắc hương 3 lá + sinh khương 1 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4 – 5 lần.

Kinh dương minh tích nhiệt

Triệu chứng: Sốt không sợ lạnh lại sợ nóng, họng sưng đỏ, đau, nóng, cảm giác như đốt ở trong họng, người mệt mỏi, háo khát, bồn chồn trong bụng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, mạch hồng đại.

Phương pháp điều trị: Thanh tiết uất nhiệt.

Bài thuốc: “Lương cách tán”: hoàng cầm, chi tử, bạc hà diệp, liên kiều mỗi vị 10g; đại hoàng, mang tiêu, cam thảo mỗi vị 20g. Các vị trên (trừ mang tiêu, bạc hà diệp) sao giòn tán mạt, trộn mang tiêu tán mịn tinh. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 10g với nước trúc diệp, bạc hà diệp hoặc mật ong. Trẻ em thì tuỳ tuổi mà cho liều lượng thích hợp.

Thuốc nhai ngậm: lá húng chanh 3 lá + sơn đậu căn 3 miếng, nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5 – 6 lần.

Đàm hoả

Triệu chứng: Yết hầu sưng, đau, nuốt nước bọt đau, người ậm ạch khó chịu, lợm giọng buồn nôn, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, ngại nói, nặng thì khò khè, khó thở, tâm phiền; mạch hoạt sác.

Phương pháp điều trị: Tiêu đàm chí yết thống.

Bài thuốc “Địch đàm thang”: nhân sâm 8g, trúc nhự 8g, thạch xương bồ 10g, cam thảo 10g, đởm tinh 10g, chỉ thực 10g, quất hồng bì 16g, phục linh 16g, bán hạ 20g. Bán hạ khương chế, trần bì khứ bạch. Các vị trên + 5 nhát gừng và nước 1.200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: ô mai nhục + cam thảo vừa 1 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5-6 lần.

Khí hư

Triệu chứng: Họng hơi sưng mà khô, đau, nhức nuốt nước bọt đau. Ăn uống đau nghẹn, khó nuốt, đau nhiều vào lúc gần trưa, đại tiện phân lỏng, chân tay mềm nhẽo, người mệt mỏi; mạch hư nhược.

Phương pháp điều trị: Bổ trung ích khí, sinh tân dịch.

Bài thuốc: “Bổ trung ích khí thang gia giảm”: cam thảo 10g, nhân sâm 12g, thăng ma 12g, trần bì 12g, sài hồ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thiên hoa phấn 12g, hoàng kỳ 24g. Hoàng kỳ mật sao; cam thảo chích; nhân sâm bỏ cuống; đương quy tửu tẩy; trần bì khứ bạch. Các vị trên thêm  1.800ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: Ly tước 1 lá to + sơn đậu căn 3 miếng + vỏ quýt tươi sạch 1 cái, tất cả nhai ngậm nuốt nước cốt.

Tỳ hư can uất

Triệu chứng: Cổ họng hơi sưng mà khô, đau, nuốt nước bọt đau, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, hai mạng sườn đau, thỉnh thoảng nóng lên cổ họng, lợm giọng, buồn nôn, ăn uống kém tiêu, người mệt, đại tiện thất thường, rêu lưỡi vàng cáu; mạch huyền.

Phương pháp điều trị: Bổ tỳ sơ can.

Bài thuốc “Quy tỳ thang” hợp với bài “Tiêu dao tán”: mộc hương 4g, cam thảo 8g, nhân sâm 8g, viễn chí 8g, bạc hà 8g, sài hồ 10g, bạch thược 10g, đương quy 10g, bạch truật 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn nhục 12g, toan táo nhân 12g. Phục thần bỏ lõi gỗ; hoàng kỳ bỏ gốc cuống mật chích; toan táo nhân sao vàng cánh gián; cam thảo chích; viễn chí bỏ lõi tẩm nước gừng sao vàng. Các vị trên 1.500ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: Tam thất tẩm nước muối ủ 5-7 ngày thái mỏng sao giòn nước và bã, ngày 7- 10 lần.

Thận âm hư cảm nhiễm ngoại tà

Triệu chứng: Cổ họng khô, sưng đau, thường xuyên cảm giác nóng rát ở yết hầu, nuốt nước bọt khó khăn, đau, người phiền muộn, háo khát, ăn uống nghẹn khó nuốt, lưng đau, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện vàng sẻn. Rêu lưỡi vàng; chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Tư âm bổ thận.

Bài thuốc “Ngọc nữ tiễn”: tri mẫu 12g, ngưu tất 12g, mạch môn đông 16g, sinh địa 20g, sinh thạch cao 24g. Các vị trên thêm 1.800ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml. Sắc uống ngày 1 thang chia đều 5 lần.

Thuốc nhai ngậm: Tam thất tẩm nước muối ủ 5-7 ngày, thái mỏng sao giòn + ly tước 1 lá to nhai tinh ngậm, nuốt dần cả nước và bã, ngày 7- 10 lần.

(Theo suckhoedoisong)

Đông y trị chứng di tinh (Kỳ I)

Kỳ 1: Di tinh theo quan niệm của Đông y

Nhiều người khi mắc phải chứng di tinh thường rơi vào tình trạng xấu hổ, mặc cảm, lo lắng. Sự lo lắng càng làm cho chứng di tinh thêm trầm trọng hơn. Tuy nhiên các nhà chuyên môn cho rằng di tinh không hoàn toàn là bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.

Là hiện tượng xuất tinh ngoài ý thức kiểm soát của người đàn ông, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Di tinh xuất hiện lần đầu tiên ở thời kỳ thiếu niên khi cơ thể người con trai bước vào thời trưởng thành (đông y gọi hiện tượng này trong lần đầu tiên là thông tinh) và có thể kéo dài đến tận khi có tuổi, nếu là bệnh nặng.

Thời gian xuất hiện hiện tượng di tinh lần đầu nhiều nhất thường là vào mùa hè, mùa xuân, ít nhất là mùa đông, vì mùa hè, mùa xuân là lúc hoạt động tình dục, cũng như quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ nhất.

Thời gian giữa các lần di tinh ở mỗi người một khác, nhưng thường là 2 lần/1 tháng, thậm chí mỗi tuần vài lần. Nếu 2 lần/1 tháng thì đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không cần phải chữa trị. Nhưng nếu mỗi tuần vài lần thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị kịp thời vì lúc này di tinh đã chuyển sang bệnh lý không còn là hiện tượng sinh lý bình thường của lứa tuổi dậy thì.
 
Đối với loại di tinh sinh lý thì nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của dịch nội tiết, cũng như tinh dich. Sự phát triển này đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến hiện tượng xuất tinh khi gặp bất cứ sự kích thích nào. Đông y coi hiện tượng di tinh tự nhiên này là một việc đương nhiên 'đầy quá ắt tràn', đồng thời coi đó là biểu hiện trưởng thành, thận khí đầy đủ của người con trai, hoàn toàn không phải là bệnh tật gì.

Đối với loại di tinh bệnh lý thì hiện tượng di tinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân sau:

+ Do các cơ quan sinh dục bị bệnh, ví dụ như: viêm quy đầu, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo... làm cho trung tâm kích thích tình dục rơi vào trạng thái hưng phấn.

Hoặc cũng có thể do da dương vật mỏng, da bọc quy đầu quá dài làm cho cáu bẩn trên da bao quy đầu khó được khử sạch cũng có thể kích thích quy đầu gây nên hiện tượng di tinh.

+ Do hưng phấn tình dục đại não quá mãnh liệt, tư tưởng quá tập trung vào vấn đề tình dục, chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi sách báo, phim ảnh gợi dục, cũng như sinh hoạt tình dục không điều độ dẫn đến di tinh bệnh lý.

Theo y học cổ truyền bệnh có liên quan tới chức năng của các tạng tâm, can, thận. Do tâm thận quá vượng thịnh, tình dục bị kích thích gây hoạt tinh, thận y không tàng tinh; hoặc ăn quá nhiều thức ăn cay, béo, ngọt gây nên thấp nhiệt dồn xuống dưới kích thích thận hoả gây di tinh

Nguyên nhân gây di tinh thường do thận hư mất khả năng cố nhiếp, quân hoả, tướng hoả vượng thịnh hoặc do thấp nhiệt dồn xuống dưới gây nhiễu động tinh thất mà gây nên bệnh.

Âm hư hoả vượng

Do tâm âm hao tổn tâm hoả cang thịnh dẫn tới nhiễu động tướng hoả, nhiễu động tinh thất gây di tinh. Tâm có chức năng là quân chủ, tâm tàng thần, nếu tâm thần an định thì tinh tự nhiếp không bị di. Ngoài ra còn do hoạt động tình dục quá độ làm ảnh hưởng tới thận âm gây nên tướng hoả vượng thịnh mà dẫn tới di tinh.

Thận hư không tàng tinh

Do tiên thiên bất túc, làm cho thận không tàng tinh dẫn tới di tinh. Hoặc do tảo hôn, sinh hoạt tình dục quá độ gây ảnh hưởng tới thận, thận hư không tàng tinh gây nên di tinh.

Thấp nhiệt

Do uống rượu quá nhiều, ăn thức ăn béo ngọt làm ảnh hưởng tới tỳ vị, gây nên thấp nhiệt dồn xuống dưới gây nhiễu động tinh thất dẫn tới di tinh. Hoặc do âm hư hoả vượng làm ảnh hưởng tới khí hoá của thận, dồn xuống dưới gây di tinh.

Can uất hoá hoả

Do tâm tư tình cảm không được thoải mái, can không được thư thái điều đạt, hoặc tức giận ảnh hưởng tới can, can khí uất kết, sơ tiết thất thường lâu ngày hoá hoả gây nhiễu động tinh thất dẫn tới di tinh.        

(Theo SKDS)