Lưu trữ cho từ khóa: 6-12 tháng tuổi

“Đồ nghề” cho con ăn dặm

(Webtretho) Cục cưng của bạn đã đến tuổi ăn dặm? Và bạn thì chưa biết nên bắt đầu việc này từ đâu và làm thế nào để có những bữa ăn ngon, đủ chất và đảm bảo cho bé ngay tại nhà? Rất đơn giản, trước tiên bạn cần phải có “đồ nghề” để "tác nghiệp" đã chứ...

Nồi (xửng) hấp

Bộ nồi (xửng) hấp là dụng cụ nhà bếp không thể thiếu nếu nhà bạn đang có một em bé tuổi ăn dặm. Ảnh: Corbis.

Không chỉ để làm chín trái cây, rau củ, cá và thịt gia cầm nhanh và dễ dàng, hấp thức ăn cho phép giữ lại tốt nhất dinh dưỡng trong thực phẩm, đảm bảo cho bé hấp thu nhiều nhất từ những thứ bé ăn vào.

Hộp hấp trong lò vi sóng

Đây là loại hộp nhựa chuyên dùng trong lò vi sóng với van linh hoạt trên nắp đậy cho phép hơi có thể thoát ra trong lúc hâm hoặc nấu thức ăn. Hấp thức ăn trong lò vi sóng là cách rất tốt để nấu những lượng nhỏ trái cây, rau củ và cá một cách nhanh chóng và hiệu quả mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

Máy xay cầm tay

Dụng cụ này rất hoàn hảo để chế biến lượng thức ăn nhỏ cho bé, và để nghiền nhuyễn thức ăn thông thường để bé có thể ăn được (bạn có trữ đông chúng thành những phần và sử dụng khi cần). Máy xay cầm tay là rất cần thiết nếu gia đình bạn không có một máy xay đa năng. Hãy chọn loại có nhiều tốc độ đánh khác nhau.

Máy xay thực phẩm đa năng

Đây là dụng cụ lý tưởng cho phép chế biến một lượng thức ăn dạng bột nghiền nhuyễn lớn hơn để trữ đông, một số mẫu máy có tô nhỏ kèm theo để bạn chế biến lượng thức ăn nhỏ hơn khi có nhu cầu. Bạn nên chọn mẫu máy có nhiều loại lưỡi dao để chế biến thức ăn có nhiều kết cấu khác nhau (nhuyễn, mịn và thô hơn).

Cối giã nhỏ

Cối giã rất tiện để sơ chế thực phẩm có vỏ như đậu hoặc trái cây khô giúp tách vỏ và những phần khó tiêu hóa khỏi thức ăn cho bé. Cối tay cũng rất phù hợp để nghiền khoai tây (nếu dùng máy xay, khoai sẽ rất dính).

Tô (chén) nghiền thức ăn

Để tạo ra hỗn hợp thức ăn thô hơn, bạn có thể cần đến loại tô nghiền (tương tự đồ nghiền tỏi nhưng cỡ lớn hơn). Loại dụng cụ này rất tiện để bạn nghiền nát hoặc trộn một lượng thức ăn nhỏ, như làm món khoai tây nghiền.

Bộ nghiền thức ăn và khay đá là hai trong số những "đồ nghề" rất đắc dụng để chế biến và trữ thức ăn dặm cho con. Ảnh: Corbis.

Khay làm đá

Dùng để trữ đông bột ăn dặm của bé thành những phần nhỏ, khay làm nước đá cho phép bạn lấy dần từng viên để xả đông khi cần làm thức ăn cho bé. Hãy chọn loại khay dẻo và có nắp đậy để tránh vấy bẩn vào đồ ăn của con. Bạn cũng nên mua vài chiếc có màu khác nhau để phân loại và nhận diện thức ăn bên trong, tránh phải mở nắp ra nhiều lần.

Bình giữ nhiệt

Bình giữ nhiệt miệng rộng sẽ giúp bạn giữ ấm hoặc lạnh đồ ăn của con trong nhiều giờ, và rất lý tưởng nếu phải đem theo thức ăn của bé trong những chuyến đi ngắn. Bạn cũng có thể mang theo nước sôi để làm ấm thức ăn cho bé.

Yếm

Trẻ con ăn uống rất nhem nhuốc dù là bạn có cẩn thận đến đâu. Chiếc yếm bằng nhựa plastic dễ lau chùi sẽ rất hữu dụng. Hãy chọn loại vừa vặn và thoải mái khi đeo vào cho bé. Với các bé nhỏ hơn, yếm mềm bằng vải cotton sẽ khiến bé dễ chịu hơn.

Ghế ăn bột (ghế cao)

Hãy chọn loại ghế có thể lau rửa dễ dàng. Bé nhỏ có thể cần miếng đệm hỗ trợ và đai giữ. Ghế cao có thể nâng lên hạ xuống sẽ rất tiện để bạn có thể cho bé ăn tại bàn ăn chung của gia đình. Nếu bé không thích ghế cao, bạn có thể cho bé ngồi trong xe đẩy hoặc ghế hỗ trợ trẻ nhỏ trên xe hơi.

Vải bạt

Hãy trải vải bạt bên dưới ghế ăn của bé để giữ cho thảm và sàn nhà của bạn khỏi bị vấy bẩn. Hãy chọn loại không trơn trượt, chống bám bẩn và có thể giặt sạch. Bạt lớn là lý tưởng vì theo thời gian, tầm “công phá” của bé sẽ lớn lên theo tuổi của bé.

Những chiếc hộp (hoặc chén) nhỏ có nắp đậy và thìa xinh như đồ hàng này chính là vật dụng quen thuộc nhất trong bữa ăn của bé. Ảnh: Corbis.

Thìa (muỗng) ăn bột

Hãy chọn loại thìa làm bằng plastic mềm để tránh làm đau nướu của bé. Thìa ăn bột cũng nên nhỏ vừa với cỡ miệng của bé và có cán dài vừa phải để dễ điều khiển. Hãy nhớ rằng không bao giờ là quá sớm để bạn tập cho bé tự cầm thìa xúc ăn cả nhé!

Bát (chén) nhỏ

Mới đầu, bạn cần những chén đựng thức ăn nhỏ để có thể cầm gọn trong một bàn tay, chúng cũng lý tưởng để trữ đông và hâm nóng trong lò vi sóng, và bạn còn có thể cho bé ăn thẳng từ chén này. Hãy chọn loại chén có nắp đậy để có thể mang đi dễ dàng.

Ly có vòi

Từ 6 tháng tuổi, bé nên được cho uống nước và sữa bằng ly. Bạn không nên dùng các loại ly có van chống tràn vì loại ly này rốt cuộc chỉ khuyến khích bé tiếp tục mút thay vì học cách uống. Chất lỏng trong ly nên được chảy tự do nhưng không quá nhanh. Các hãng đồ dùng trẻ em có các loại ly điều chỉnh dòng chảy phù hợp với từng độ tuổi. Hãy chọn loại ly vừa tay bé và không quá cứng.

Làm gì khi con yêu khóc? – với bé sơ sinh đến 2 tuổi

(Webtretho) Đối với người ngoài, tiếng khóc trẻ con lúc nào cũng như nhau: to, dai dẳng và nhức óc. Nhưng khi đã là một người mẹ, bạn sẽ phải học cách nghe hiểu từng kiểu khóc của con – từ gào thét, nức nở cho đến rên rỉ, đó là chưa kể có khi bạn vừa nhận ra thôi, bé đã lại dùng tiếng khóc của mình theo kiểu khác rồi. Thật khó khăn phải không nào?

Và đây chính là cẩm nang cho bạn, giúp bạn hiểu điều gì làm con khóc, làm sao để dỗ con cũng như giúp mọi người xung quanh đỡ đau đầu nhức óc hơn.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi

Bé làm bẩn hoặc ướt tã? Bé khóc. Bé bị đau? Bé khóc. Bé khát sữa? Bé khóc. Trẻ sơ sinh chưa thể kiểm soát được tiếng khóc của mình cũng giống như bạn không thể kiểm soát được những cơn nấc cụt vậy. Trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, khóc đôi khi là một thói quen mang tính phản xạ của bé; nhưng tiếng khóc của bé lại khiến chúng ta không khỏi lo sợ: “Con mình bị sao thế? Làm sao để con nín đây?”

Trong những tháng đầu đời, bé chỉ biết giao tiếp với thế giới qua tiếng khóc của mình mà thôi. Ảnh: Corbis.

Bạn đừng vội cuống lên, hãy bình tĩnh, thở sâu và nhớ rằng trẻ sơ sinh được lập trình để khóc. Việc bé khóc váng lên không hẳn tốt cũng không hẳn xấu. Bé không phải lúc nào cũng đưa cảm xúc vào tiếng khóc của mình, ở giai đoạn này, bé khóc vì chẳng còn cách giao tiếp nào khác mà thôi.

Rồi nhờ vào sự phát triển thần kỳ của não bộ và hệ thần kinh trong 6 tuần đầu đời, em bé sẽ có thể kiểm soát việc khóc của mình tốt hơn, không nhiều nhưng đủ để tạo ra các liên hệ khi cất tiếng khóc để bạn có thể đáp ứng bằng cách thay tã, vỗ về, cho con bú… Mỗi tháng trôi qua, bé sẽ “phức tạp hóa” thêm mối liên hệ giữa tiếng khóc của với nhu cầu của mình. Ồ, bạn có thể thấy con đang lớn khôn từng ngày rồi đây!

Làm gì khi con khóc?

Kiểm tra các nguyên nhân phổ biến. Nếu bạn không chắc vì sao, hãy kiểm tra qua một lượt các “thủ phạm” hàng đầu khiến con yêu phải khóc: Con đã được ăn no chưa? Con đã ợ chưa? Tã con có bị bẩn không? Nếu nguyên nhân làm bé khóc nằm trong số này, coi như bạn đã giải quyết xong rồi nhé.

Quấn bọc, đu đưa thật nhẹ và ru khẽ. Em bé trải qua 9 tháng đầu đời trong điều kiện cần được giữ ấm đặc biệt. Kinh nghiệm quấn bọc và đu đưa có hiệu quả trấn an không còn phải bàn cãi đối với các bé sơ sinh vì nó tái hiện lại cảm giác và âm thanh mà bé trải qua trong bụng mẹ. Khi bé chưa kiểm soát được các cơ bắp của mình, quấn bọc giữ cho tay chân bé áp gọn và ấm áp vào cơ thể, giúp bé có những giấc ngủ không bị gián đoạn.

Đừng quá cố gắng dỗ bé nín. Bạn có nghĩ rằng bạn càng cố dỗ con nín thì con sẽ càng khóc nhiều hơn? Điều đó là hoàn toàn có thể. Nếu bạn đã kiểm tra một lượt các nguyên nhân làm bé khóc mà không phát hiện điều gì cần phải giải quyết, hãy để bé yên trong phòng tối và yên tĩnh, có thể bé chỉ cần được tránh xa mọi kích thích mà thôi.

Cho bé tiếp xúc với thế giới. Nhiều gia đình có trẻ sơ sinh cố gắng làm mọi việc thật khẽ khàng để không làm kinh động bé, vì họ nghĩ rằng bé cần sự yên tĩnh đó. Trên thực tế, bé có thể đang rất thèm những âm thanh văng vẳng mà bé đã nghe được khi còn trong bụng mẹ, như giọng nói của mẹ, giọng hát của bố hoặc loại nhạc mà bạn hay nghe. Hãy sinh hoạt như bình thường, hát và làm những trò thú vị cho con xem, miễn đừng quá ồn ào là được.

Bé từ 6 đến 12 tháng tuổi

Vào khoảng 6 tháng tuổi, bé bắt đầu phát hiện ra rằng bé có thể khóc để được bạn đáp lại. Nó cũng giống như việc bé phun phì phì và ném thức ăn lung tung để xem bạn dọn dẹp rất ngộ (trong mắt bé), hoặc giơ tay ra để được bế lên. Bé đã bắt đầu ghi nhận một loạt các dữ liệu về nguyên nhân và hệ quả. Đây cũng là lúc bạn có thể nhận ra một số thay đổi tính cách: Một nhóc tì khóc ầm nhà có thể sẽ trở nên rất vui vẻ, hay một em bé sơ sinh ít la khóc có thể trở nên hơi khó gần và khó chiều.

Mọc răng là một trong những nguyên nhân phổ biến làm bé hay khóc ở khoảng tuổi này. Ảnh: Corbis.

Nếu một đứa bé 6 tháng tuổi khóc dai dẳng mà bạn chẳng hiểu vì sao, rất có thể bé đang trải qua một cột mốc rất quan trọng đầu đời, đó là mọc cái răng sữa đầu tiên. Mọc răng thường khiến bé đau và khó chịu, và bé sẽ chuyển tải cảm xúc này của mình bằng cách khóc.

Em bé của bạn cũng chưa thể hiểu được một khái niệm tâm lý gọi là sự hiện hữu vật thể. Khi còn là trẻ sơ sinh, việc bạn rời phòng không làm ảnh hưởng đến bé bởi vì bé không thực sự hiểu rằng mẹ đang biến đi đâu mất, nhưng giờ đây, bé có thể sẽ bối rối về việc bạn ở đâu và bạn có trở lại không. Khi không thể gọi bạn hoặc hỏi bạn đi đâu, bé sẽ dùng đến “vũ khí” duy nhất của mình – là khóc – để gây chú ý với bạn. Sau cùng, bé sớm nhận ra rằng khi bé khóc, bạn sẽ chạy lại bên bé.

Đến lúc này, bạn đã có thể phân biệt các kiểu khóc khác nhau của bé. Nhưng nếu bạn không thể, đừng quá lo lắng về điều đó. Thật hoang đường nếu cho rằng mọi bà mẹ đều hiểu rõ con mình muốn gì qua tiếng khóc của con.

Làm gì khi con khóc?

Dạy bé tự xoa dịu bản thân. Bạn có thể dễ dàng biết là bé chỉ khóc ré lên rồi thôi hay sẽ khóc dai dẳng. Hãy để bé tự dỗ mình, bạn sẽ cho con một bài học giá trị. Nếu bé khóc mỗi khi bạn rời khỏi phòng, trò chơi ú òa đơn giản sẽ dạy cho bé về khái niệm tồn tại và hiện hữu của sự vật, và bé rồi sẽ nhận ra là bạn vẫn ở gần bé. Bé sẽ vẫn khóc đòi bạn, nhưng không phải là bất cứ lúc nào bạn rời đi nữa.

Thay đổi từng thứ một tại một thời điểm. Thỉnh thoảng các bé muốn nhìn một bức tường khác hay thử một món đồ chơi khác, vì vậy, khi bé khóc, đừng cuống cuồng đưa bé hết thứ này đến thứ khác hoặc bế đi vòng quanh các phòng. Hãy làm mọi thứ tuần tự và chậm rãi để con còn kịp nhận biết.

Thử ra dấu. Ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp bé nói lên nhu cầu của mình mà không cần phải rơi nước mắt. Hãy dạy con ra dấu cho những nhu cầu chính của bé “uống”, “ăn” và “thêm nữa” để bé có thể nói chuyện với bạn theo cách đỡ… “đau khổ” hơn.

Cho bé cái để gặm. Một số bé không thể hiện bất kỳ biểu hiện sinh của hiện tượng mọc răng, như chảy nước dãi, cắn, hoặc sưng nướu; bé chỉ đơn giản là khóc nhiều hơn. Hãy thử cho bé một chiếc vòng gặm nướu hay khăn mặt ướp lạnh.

Bé từ 12 đến 24 tháng tuổi

Giờ thì bé đang luôn tay luôn chân, phát triển và hoàn thiện kỹ năng vận động và giao tiếp của mình với một tốc độ đáng kinh ngạc. Trẻ ở tuổi chập chững rất hứng thú với việc khám phá thế giới quanh mình nhưng vẫn sợ phải xa mẹ. Có nhiều cách để bé đối phó với chuyện này, và không loại trừ đến cách “truyền thống”… là khóc.

Con bạn có thể đã bắt đầu biết nói nhưng chưa biết làm thế nào để thể hiện sự thất vọng khi ai đó làm điều khiến bé không vừa lòng, chẳng hạn bạn nhỏ chơi cùng giật mất đồ chơi của bé. Trẻ mới biết đi dù đã có thể kiểm soát nước mắt của mình tốt hơn, nhưng đôi khi vẫn chưa thể với tới được những trông đợi của bố mẹ. Chẳng hạn, việc đi ngủ chẳng là gì to tát với người lớn, nhưng bé có thể đối mặt với nhiều thứ đáng sợ diễn ra trong trí tưởng tượng của mình mà bé không thể tự chế ngự được. Và khi không biết phải làm thế nào, bé cũng sẽ khóc.

Nhưng tin tốt là, đối với trẻ con tuổi chập chững, tiếng khóc thực sự có ích và đáng trông đợi. Bé sẽ học được nhiều điều qua những giọt nước mắt và nhờ đó sẽ khôn lớn từng ngày.

Tuổi này, bé đã rất bận bịu với việc khám phá thế giới nhưng vẫn rất sợ phải xa mẹ. Ảnh: Corbis.

Làm gì khi con khóc?

Tập đối phó với một “đối thủ” tinh vi hơn. Khi còn ẵm ngửa, bé sẽ khóc khi đói, mệt hoặc bệnh, và bạn có thể dỗ nín dễ dàng (và đôi khi còn có thể ngăn chặn nó) với thức ăn, sự dỗ dành và âu yếm. Nhưng khi đã vào tuổi chập chững, cục cưng của bạn đã nhận ra “quyền năng” tiếng khóc của bé đối với bạn và có thể biết dùng tiếng khóc của mình để điều khiển người lớn. Vậy nên hãy bình tĩnh trước những cơn gào khóc của con, đừng để bị “đánh hơi” thấy được sự hoảng loạn của bạn khi bé cất tiếng khóc.

Tập trung vào con, còn mặc kệ những người khác. Ít có thứ gì gây lúng túng hơn việc ở giữa nơi công cộng với một đứa trẻ gào khóc không ngừng. Dù khó nhưng bạn đừng bận tâm đến những người xung quanh đang ném cái nhìn khó chịu và những câu bình luận không thiện chí vào bạn, nếu không, bạn sẽ có nguy cơ làm bất cứ điều gì để “bịt miệng” con, mà đây chẳng phải là một chiến lược hay về lâu về dài. Hãy tìm một chỗ yên tĩnh để dỗ dành con thật riêng tư.

Dạy con nói, thay vì khóc. Bạn sẽ phải nói đi nói lại hàng tỉ lần trong những năm tới đây, nhưng điều quan trọng với con bạn là bé cần phải gắn được từ ngữ vào cảm xúc của mình. Để làm được điều đó, bạn cũng cần làm mẫu cho con bằng cách nói với con về điều bạn cảm thấy, chẳng hạn: “Mẹ đang khó chịu vì mẹ đau bụng.” Bạn có thể dạy con nói những câu yêu cầu đơn giản thay vì gào khóc và giúp con hiểu được rằng như vậy bố mẹ sẽ dễ hiểu được con muốn gì hơn. Hãy thử nhớ lại tuổi thơ của bạn xem, còn điều gì quan trọng với trẻ hơn là được bố mẹ hiểu đúng ý mình?

Nên cho trẻ sơ sinh đi dạo khi nào?

Trong vòng 3 đến 4 ngày đầu khi mới ở bệnh viện về, cha mẹ chú ý không nên cho trẻ đi dạo ngay mà phải để cho trẻ có thời gian làm quen dần với khung cảnh trong nhà.

Ảnh minh họa.

Sau đó, hàng ngày có thể đưa trẻ đi dạo khoảng 15-20 phút nếu trời ấm, rồi tăng dần lên 45-60 phút. Nếu ngoài đường trời lạnh, gió mạnh không nên cho trẻ đi dạo mà nên mở cửa sổ nhỏ trong vòng 10-15 phút để trẻ ngủ trong phòng.

Trẻ đang bú mẹ trước 6 tháng tuổi không nên cho ra bãi tắm tránh gió biển mạnh. Từ 6-12 tháng tuổi nếu có cho ra bãi biển cũng chỉ giới hạn trong khoảng 30-60 phút/ngày vào các giờ buổi sáng và buổi chiều. Đồng thời, cần phải có các điều kiện chống nắng cho trẻ khỏi bị tác động của ánh nắng mặt trời.

Trẻ từ 12-24 tháng có thể ra ngoài bãi tắm từ 1-2 giờ, trước 11 giờ sáng và sau 16 giờ chiều. Nếu da trẻ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời nên hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng.

Không nên cho trẻ đang bú mẹ đi du lịch và ngủ cùng trong các lán, lều bạt du lịch. Đợi đến khi trẻ trên 5 tuổi có thể đi du lịch cùng người lớn vì lúc này chúng có thể ăn chung, thích nghi với sự thay đổi về mặt nhiệt độ môi trường tốt hơn.

Meo.vn (Theo Laodong)

Hướng dẫn mua đồ chơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi


Ảnh: Images.

Ở vai trò làm cha mẹ, chắc hẳn đã có lần bạn từng phân vân trước một “rừng” những đồ chơi dành cho cục cưng của mình. Khó khăn hơn nữa là làm sao để xác định được món đồ chơi nào là tốt nhất cho từng giai đoạn phát triển của con. Dưới đây là một số hướng dẫn của tiến sĩ chuyên ngành Vật lý trị liệu Jennifer thuộc trường đại học Indianapolis:  

Tham khảo: Những trò chơi ngoài trời vui nhộn cho bé

Quay về với nền tảng cơ bản

Tiến sĩ Jennifer nói rằng: “Hãy để món đồ chơi đó kích thích trí tưởng tượng và hỗ trợ sự phát triển của trẻ”. Đối với những trẻ chưa đến tuổi đi học, những trò chơi thân thiện và không quá đắt là lắp ráp các khối lập phương hoặc nặn đất sét sẽ giúp kích thích sự sáng tạo và kỹ năng vận động chính xác hơn.

Thú nhồi bông có thể là món đồ chơi học tập tuyệt vời vì nó tạo sự thoải mái cho con bạn đồng thời hỗ trợ tâm lý cho trẻ.

“Video, game điện tử và những đồ chơi tự động có thể thúc đẩy hành vi thụ động và gây trở ngại việc tìm tòi và học hỏi thế giới xung quanh trẻ”  tiến sĩ Jennifer giải thích.

Đừng giữ trẻ nằm chơi một chỗ quá lâu, hãy tập cho trẻ những trò chơi vận động để kích thích hệ tiêu hóa và các chức năng vận động khác.

Ảnh: Images.

Sách là lựa chọn tối ưu cho mọi lứa tuổi, nó cung cấp các giá trị tinh thần và hỗ trợ tương tác giữa bố mẹ và bé. Bước đầu là những cuốn truyện tranh với những hình minh họa dễ thương, vui nhộn cho trẻ, sau đó có hãy tập cho bé lắng nghe những câu chuyện cổ tích…

Đơn giản mọi thứ

Nên tránh những món đồ chơi quá phức tạp đối với trẻ quá nhỏ đang bắt đầu học những điều cơ bản.

“Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi có thể giỏi nắm, kéo bất kỳ những vật nào vừa tầm tay nhưng chúng không có ý thức sẽ đặt những vật ấy trở lại đúng chỗ hoặc giữ chúng cẩn thận được.  Đôi khi những đồ chơi được sản xuất để phục vụ đặc biệt cho trẻ nhỏ không phải luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Ví dụ những đồ chơi và bút chì màu quá cỡ được bán cho trẻ nhỏ hơn có thể dễ dàng cầm nắm nhưng sẽ khó hơn để điều khiển dĩ nhiên là không hỗ trợ trong sự phát triển những kỹ năng vận động tinh xảo của trẻ.”

Đồ chơi theo từng độ tuổi

Trẻ mới sinh: Độ tuổi này bé còn quá nhỏ, hầu hết thời gian của bé là nằm trong nôi. Những đồ vật di chuyển trước mắt giúp bé phát triển thị lực, và những đồ chơi có tiếng nổ và nén giúp cho việc phản ứng và phát triển thính giác… Bé thích được “hóng hớt”, “trò chuyện” theo ánh mắt, lời nói của bố mẹ.

Bé sơ sinh rất thích được "trò chuyện" với bố mẹ. Ảnh: Images.

Trẻ từ 3-6 tháng: Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi bắt đầu trở nên hiếu động. Hãy bổ sung đồ chơi cho bé như những chiếc chuông và những quyển sách mềm để chúng khám phá bằng tay và miệng.

Trẻ từ 6-9 tháng: Khi bé bắt bắt đầu biết lật, tự ngồi dậy, bạn có thể bắt đầu cho trẻ chơi những đồ chơi giúp chúng phát triển khả năng di chuyển nhưng bò và đi.

Trẻ tập đi: Những đồ chơi yêu cầu trèo, đẩy, kéo và lái  nhằm giúp cho trẻ phát triển những kĩ năng di chuyển của chúng. Những quả bóng ném và đá, những món đồ hấp dẫn phía trước giúp trẻ háo hức bò đến để nhận lấy.

Những câu đố khó, những đồ xếp hình, những đồ lắp ráp dựng hình, những đồ chơi trộn lẫn và sắp xếp theo thứ tự cũng là nhưng lựa chọn tốt để bé phát triển trí tuệ và thể chất.

Từ 3 – 5 tuổi là giai đoạn chủ yếu để nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo, do đó sách truyện, mô hình lắp ráp, những loại hình mang tính nghệ thuật như chơi đàn, hát nhạc, đọc thơ…cũng được khuyến khích cho bé.


 


 

Những món đồ chơi tuyệt vời cho trẻ


Ảnh: Images

(Webtretho) Trong mắt con bạn, mọi thứ đều là đồ chơi – màu sắc của giấy gói quà, hình dạng bề ngoài của nó cùng những âm thanh lạ tai phát ra khi bé cầm chúng trên tay có lẽ còn hấp dẫn hơn chính những món đồ chơi chính thống! Vì thế, ở thời điểm này, đừng thất vọng khi bé gạt đồ chơi sang một bên và chú ý đến những chiếc hộp các-tông nhé!

Những tiêu chuẩn để lựa chọn đồ chơi cho bé:

Dưới đây là vài điều bạn cần quan tâm đến khi chọn lựa đồ chơi cho bé dưới 1 tuổi:

Không có món đồ chơi “tốt nhất”: Nói chung, thay vì cứ cố gắng tìm ra món đồ nào là phổ biến nhất cho nhóm tuổi này, thì hãy tìm hiểu điều thích thú đặc biệt của con bạn. Mỗi món đồ chơi đều có khả năng để bé có thể chơi đùa và nên nhớ là không có món đồ nào “tốt nhất” cho mỗi bé.

An toàn: Chỉ nên mua những sản phẩm từ nhà sản xuất và cửa hàng đồ chơi đáng tin cậy. Bé sẽ khám phá từng món đồ chơi qua việc chạm, cắn, nhai, liếm, chọc, đấm và cọ xát. Đó là lý do vì sao đồ chơi của bé không nên có những mảnh sắc nhọn hoặc những miếng nhỏ có thể tháo rời vì những thứ này có thể bị sứt gãy và nuốt dễ dàng.

• Màu sắc: Thị lực của con bạn có thể nắm bắt hầu như dễ dàng các màu sắc cơ bản như: đỏ, xanh da trời, vàng và xanh lá cây. Thêm vào đó, món đồ chơi với nhiều màu sắc tương phản cũng có thể thu hút sự chú ý của bé hơn và thúc đẩy bé khám phá tìm tòi.

Đa giác quan: Bên cạnh màu sắc sặc sỡ thu hút cái nhìn của bé, những món đồ chơi cũng có thể thu hút các giác quan khác như lắng nghe và chạm vào.

Phù hợp với độ tuổi: Những chỉ dẫn về độ tuổi mà nhà sản xuất đồ chơi đưa ra không áp dụng được một cách chính xác cho mỗi đứa trẻ - mỗi bé phát triển với mức độ riêng – nhưng đó là thời điểm khởi đầu tốt. Việc chọn lựa một món đồ chơi được thiết kế cho đứa trẻ trưởng thành hơn chỉ khiến con bạn chán ngắt.

• Đa dạng: Có lẽ bé có nhiều sở thích, nhưng cũng hãy cho phép bé chơi đùa với những món đồ chơi khác. Sự đa dạng làm bé thích thú và giúp bé phát triển khả năng tư duy  trong phạm vi rộng hơn.

Ảnh: Images


Loại đồ chơi theo từng độ tuổi

Chỉ dẫn dưới đây nhằm gợi ý những gì là thích hợp cho trẻ....

0 - 3 tháng tuổi: Đu quay, những đồ chơi màu sắc sặc sỡ có kích thước và cấu tạo khác nhau, vòng nhựa lớn, hộp nhạc cầm tay, trống lắc, thú nhồi bông, sách có nhiều tranh ảnh, hình vẽ của những khuôn mặt, đồ chơi trong bồn tắm… là những món kích thích các bé ở độ tuổi này.

4 – 6 tháng: Các bé dường như chìm đắm vào những khối vuông bằng gỗ, khung dùng cho trẻ con leo trèo và vận động khi tham gia các trò chơi ngoài trời, những món đồ chơi xếp lồng vào nhau, hộp âm thanh, đồ chơi lắc lư, đồ chơi nơi bồn tắm, trống lắc, núm vú, những món đồ phát ra âm thanh vui nhộn: tò te, chít chít…

7 - 9 tháng: Sẽ mê say những món đồ chơi bắn nước, vòng xếp thành chồng trên cột, những quả bóng với  kích thước khác nhau, thùng rỗng, những khối gỗ nhỏ, banh mềm, trống, gậy đồ chơi và thú nhồi bông…

10 - 12 tháng: Độ tuổi này lại thích chạm vào những cuốn sách có nhiều tranh ảnh, búp bê kèm nhiều bộ đồ có thể thay đổi, khối xây lớn bằng nhựa, xe đẩy hình thú, bảng trò chơi chữ cái, những cái chén và khối hình vuông xếp lồng vào hoặc chồng lên nhau nhiều màu sắc, bút chì màu cứng và giấy vẽ, đồ chơi lên dây cót phát nhạc…

Ảnh: Images

 

Tác động qua lại

Tuy vậy, sẽ không có món đồ chơi nào có thể thay thế bạn. Bé cần bạn chơi với bé, cần sự tương tác. Bạn có thể chỉ dẫn, khuyến khích bé, và cho bé thấy cách thức mới được sang tạo từ cùng một món đồ chơi. Bé sẽ phát triển nhanh nhờ vào sự chăm sóc của bạn và một nghiên cứu cho thấy rằng trẻ sẽ chơi đùa lâu hơn nếu cha hoặc mẹ cùng chơi với chúng.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ mười

(Webtretho) Dù bây giờ bé biết lết, bò, đi hay chỉ thích nhìn những đứa trẻ khác di chuyển, có một điều chắc chắn rằng trí não bé đang phát triển ở tốc độ nhanh nhất. Hãy tìm hiểu xem bé đã biết gì về sự tồn tại lâu dài của đồ vật và ngôn ngữ ký hiệu.

Bạn sẽ phải chạy hết tốc lực mới đuổi kịp bé

Ở giai đoạn này, bé thường luôn tay luôn chân. Kết quả là bạn cũng như vậy. Bé có thể di chuyển bằng cách bò nhanh, lật dậy ngồi dù đang ở bất cứ tư thế nào, và thậm chí có thể biết đi rồi.

Đừng ỷ lại vào những vật dụng bảo vệ an toàn cho bé: Giờ bé chỉ có mỗi một việc để làm là di chuyển, khám phá và học hỏi. Bạn cần phải đi trước bé một bước. (Học hỏi kinh nghiệm của các phụ huynh khác về những rủi ro có thể xảy ra với những vật dụng đảm bảo an toàn cho bé)

Khám phá khắp nơi

Webtretho - Bé với lấy đồ chơi trên bàn - Bé 10 tháng tuổi

Bé đã có thể di chuyển nhoay nhoáy để lấy những món đồ chơi yêu thích của mình - Ảnh: Inmagine

Cái bàn trong phòng khách có thể có độ cao ngang tầm với bé để bé vịn đứng lên và khám phá hoặc để bé vịn bước đi. Bé có thể vịn từ chỗ này sang chỗ khác để đi khắp phòng. Điều này làm bé rất thích thú vì bé có thể nhìn thấy một món đồ và di chuyển ở tư thế đứng thẳng đến để lấy món đồ đó. Bé thậm chí còn có thể đứng vịn một tay rồi thả một tay ra cúi xuống nhặt một món đồ dưới đất. Rồi bé sẽ sớm đạt được chiến công này trong quá trình bước những bước đi đầu tiên thôi.

Có nên cho bé dùng xe tập đi loại tròn?

Bé có thể được tặng hoặc được thừa hưởng lại một cái xe tập đi loại hình tròn có gắn bánh xe. Hiện việc có nên cho bé dùng xe tập đi hay không vẫn đang là một đề tài gây tranh cãi. Một số cha mẹ rất sùng bái xe tập đi. Tuy nhiên xét về mặt phát triển, các chuyên gia cho rằng xe tập đi không hỗ trợ các kỹ năng cần thiết để giúp bé học đi vì chúng làm cho bé sử dụng các cơ của mình theo một cách khác. Về cơ bản, xe tập đi cho phép trẻ làm những việc mà trẻ đã sẵn sàng làm một mình. Xe tập đi cũng là nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn bất cứ loại đồ chơi nào, đặc biệt nếu dùng xe tập đi ở gần cầu thang hay trong nhà bếp, gần các đồ nóng. Những ví dụ này có vẻ không có chứng cứ cụ thể nhưng mấu chốt ở đây là xe tập đi cho phép trẻ di chuyển rất nhanh. Vì trẻ đang ở tư thế đứng nên trẻ rất dễ với tới nhiều đồ vật. Cộng thêm tính tò mò không ngừng của trẻ, xe tập đi có thể là một mối hiểm họa tiềm ẩn cho trẻ.

Có người nói bạn quyết định không cho bé dùng xe tập đi nhưng rồi lại cho bé dùng ghế hay một món đồ to nào đó để bé có thể vừa đẩy vừa bước đi thì cũng như không. Nhưng hai việc này khác nhau bởi vì những món đồ này nặng và không có bánh xe nên bé không thể di chuyển với tốc độ nhanh như khi bé ở trong xe tập đi được.

Bé không chịu bò?

Nếu bé không chịu bò hay đứng, có thể bạn sẽ lo lắng về sự phát triển của bé. Có nhiều bé khỏe mạnh, bình thường không thích thú với những hoạt động vận động thô mà thích ngồi và chơi không nói tiếng nào. Những bé này có thể thích quan sát hơn những bé năng động – luôn quan sát và tiếp nhận các thông tin.

Webtretho - Bé bò - Bé 10 tháng tuổi

Không phải em bé nào cũng phải bò trước khi bước sang giai đoạn tập đi - Ảnh: Inmagine

Rất có thể một lúc nào đó bé sẽ đột nhiên bò. Nhưng hãy nhớ rằng có những bé không bò: nhiều bé lết bằng mông, trườn bằng bụng, hoặc nghĩ ra nhiều cách để di chuyển từ điểm A sang điểm B. Một số bé trốn bò và tiến thẳng đến giai đoạn đứng và vịn đồ đạc để di chuyển luôn. Một khi những bé này bắt đầu di chuyển, chúng có khuynh hướng học cách di chuyển nhanh hơn những bé hiếu động và đã làm điều này từ cách đây vài tháng. Ủng hộ khuynh hướng phát triển riêng của bé quan trọng hơn nhiều việc ép bé làm những điều bé chưa sẵn sàng. Nếu bạn vẫn còn lo về việc bé không quan tâm đến di chuyển, bạn có thể đến gặp bác sĩ để bác sĩ đánh giá để bạn có thể yên tâm hơn. Còn lời khuyên của chúng tôi ư? Trong lúc bạn còn được thảnh thơi như thế này thì nên tận hưởng thôi!

Chơi ú òa và sự tồn tại lâu dài của vật thể

Bộ nhớ của bé có những bước tiến lớn trong tháng này. Bé đang phát triển khả năng nhận thức để khi bé không nhìn thấy bạn, bé nhớ rằng bạn vẫn còn tồn tại. Có một vài trò bé thích chơi giúp bé hiểu thêm về sự tồn tại của vật thể.

Ngay cả khi bạn chưa hề bày cho bé chơi trò ú òa, bé vẫn có thể biết chơi trò đó. Nhiều bé thích trùm cái mền yêu thích lên mặt rồi giật ra để nhìn ba mẹ đang cười. Bé rất thích mỗi khi bé trùm mền lại và bạn hỏi “Ủa, bé đâu mất tiêu rồi?” Nếu bé chưa biết cách chơi, bạn có thể dùng hai tay bịt mắt bạn lại rồi chơi ú òa với bé. Chắc chắn bé sẽ bắt chước bạn, như vậy bé có thể vừa học vừa chơi.

Webtretho - Chơi ú òa - Bé 10 tháng tuổi

Trò chơi ú òa không chỉ làm con rất thích mà còn dạy con khái niệm về sự tồn tại nữa đấy mẹ ạ - Ảnh: Inmagine

Một trò chơi thú vị khác cho bé là giấu một món đồ bé thích dưới mền. Bé sẽ học cách giở mền ra để lấy đồ chơi. Bây giờ bé đã biết thế nào là sự tồn tại lâu dài của các đồ vật và bé có thể phản ứng mạnh khi bạn chào tạm biệt bé. (Việc này liên quan chặt chẽ với nỗi lo xa rời cha mẹ hồi bé được 7 tháng tuổi.) Bé biết bạn vẫn tồn tại và chỉ đi đâu đó mà không cho bé theo. Bạn và người chăm sóc bé cần phải giải thích cho bé hiểu là bạn sẽ quay về. Bé sẽ vượt qua được giai đoạn này bằng sự giúp đỡ và tình yêu của bạn.

Ngôn ngữ ký hiệu

Có thể một hai tháng nữa bạn mới nghe bé nói những từ đầu tiên nhưng bây giờ bé vẫn đang giao tiếp với bạn đó. Bạn và bé có thể bày cho nhau những ký hiệu để có thể hiểu được nhu cầu của bé.

Nếu bé đang ở trong ghế ăn và muốn ra, bạn hãy dạy bé đưa cánh tay lên ra dấu. Dĩ nhiên bạn vẫn cho bé tiếp xúc với ngôn ngữ bằng cách giải thích cho bé nghe những gì bé muốn nói. “Ồ, con ăn xong rồi hả? Giờ con muốn ra khỏi ghế đúng không? Con muốn xuống đúng không?”

Một ký hiệu phổ biến khác là vẫy tay chào tạm biệt. Khi bạn sắp sửa xa bé, hãy vẫy tay và nói với bé là bạn phải đi, lát nữa bạn về. Mới đầu, có thể bạn đi rồi bé mới vẫy tay, chứng tỏ bé đang hấp thu các thông tin và thực hành. Cuối cùng rồi bé cũng sẽ biết vẫy tay chào lại bạn.

Chơi để cứng cáp hơn – bé từ 6 đến 12 tháng

Trong năm đầu đời, trẻ nhận thức thế giới xung quanh thông qua những hoạt động thường ngày. Bằng sự sáng tạo, tinh tế, cha mẹ có thể cùng bé tham gia vào những trò chơi đơn giản nhưng vô cùng thú vị. Qua đó, trẻ sẽ trở nên linh hoạt và học thêm được nhiều kỹ năng phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của bé. Những trò chơi chúng tôi gợi ý dưới đây chia thành từng thời kỳ, từ 0 đến 3 tháng, từ 3 đến 6 tháng, từ 6 đến 9 tháng, và từ 9 đến 12 tháng.

Kỳ 1: Chơi để cứng cáp hơn – Bé từ 0 đến 6 tháng

Từ 6 đến 9 tháng
Giai đoạn này, bé đã “trưởng thành” hơn, đã khéo léo và biết “chuyển động” nhanh hơn những tháng trước đó. Một số bé đã có thể phát âm được những từ quen thuộc như bố, mẹ, ông, bà, sữa… Giai đoạn này, bé đang sẵn sàng cho những khám phá thú vị và mạo hiểm hơn.

Chơi cùng bé

Cùng chơi thổi bóng xà phòng

 

Thổi bong bóng: Chọn một ngày đẹp trời, hãy đưa bé ra ngoài sân và cùng chơi thổi bong bóng xà phòng. Những quả bong bóng với đủ kích cỡ sẽ khiến bé thích thú và cười thật nhiều. Động viên bé giơ tay để tóm được những trái bong bóng đang lơ lửng ở phía trước, kể cả khi trái bong bóng có nổ tung trên chiếc mũi xinh xinh của bé thì cũng chẳng sao. Trò chơi này giúp bé phát triển độ linh hoạt của đôi mắt và chuyển động đôi tay trong lúc nhìn và bắt bóng. Bạn nên thổi bóng một cách chậm rãi để bé có thể dễ dàng quan sát “hành trình” của trái bóng từ lúc xuất hiện cho tới lúc tan vào không trung. Khích lệ bé nếu bé chạm được vào nhiều trái bóng.

Căn bếp bí mật: Hãy bế bé vào bếp rồi cho bé nhìn vào một chiếc nồi rỗng. Bạn đưa bé một món đồ chơi rồi bảo bé nhét món đồ chơi ấy vào trong nồi. Tiếp tục đưa bé cầm chiếc vung rồi đóng sập nắp nồi lại. Bạn hãy tỏ vẻ ngạc nhiên rồi hỏi bé: “Ơ, thế con hươu cao ổ (chính là món đồ chơi vừa giấu) của con đâu rồi nhỉ?” Thế nào bé cũng thích thú cười khanh khách rồi rướn người xuống bật nắp chiếc vung cho mà xem. Có thể bé rất thích lặp lại trò chơi này như một cách chơi trốn tìm với món đồ chơi của mình. Đây cũng là cách tăng cường khả năng tư duy của trẻ và giúp trẻ trở nên hoạt bát hơn.

Từ 9 đến 12 tháng

Năm đầu đời, trẻ lớn hơn theo từng tuần tuổi. Ở giai đoạn này, “tài năng” của trẻ càng “phát lộ”. Trẻ biết bò, trườn, leo, trèo, thậm chí còn có thể chạy. Và tất nhiên, trẻ chưa muốn dừng lại, chúng muốn được như bạn. Còn khá nhiều điều lạ lùng diễn ra mà bạn chưa thể hiểu hết được đâu.

Chơi cùng bé

Bé thỏa sức sáng tạo cùng sắc màu.

Vẽ tự do: Chẳng phải bằng bút hay những viên phấn, chính những ngón tay của bé cũng có thể tạo nên được những kiệt tắc. Đặt trước mặt bé những tờ giấy khổ lớn, sau đó chấm chấm những ngón tay bé vào trong bột màu. Bạn cầm tay con, tự di tay lên giấy để vẽ những hình thù đơn giản như hình vuông, hình tròn, ô tô, con mèo, người tuyết… Sau đó hãy để mặc cho bé thỏa sức tưởng tượng và vẽ tự do bất cứ thứ gì bé muốn. Bạn thấy không, bức tranh được vẽ bằng những ngón tay quả là một tác phẩm hoàn hảo của bé. Chính những lần được thỏa sức tự do vẽ hình theo ý mình cũng là để kích thích khả năng sáng tạo ở trẻ đấy.

 

Chọn đồ chơi đúng cách theo độ tuổi

Màu sắc của đồ chơi cũng giúp bé phát triển giác quan rất tốt. Ảnh: Images

Lễ Giáng sinh đang đến gần, bé yêu của bạn chắc hẳn rất hào hứng khi nghĩ về những món quà. Nhưng trước khi đi chọn mua, bạn đừng nhất thiết phải nghĩ đến những món đồ chơi hợp thời hay đắt đỏ nhất. Bởi nếu món đồ chơi không phù hợp, bé chỉ thích thú được khoảng chừng 30 phút rồi bỏ ra quay sang làm việc khác, và đó cũng là lần cuối cùng bé chơi món đồ đó. Thật phí tiền quá phải không?

Thật vậy, những chuyên gia về tâm lý trẻ em cho biết rằng việc chọn đúng món đồ chơi cho trẻ là cả một nghệ thuật. Patricia Koh, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư nhân, nói: “Đồ chơi là những công cụ giúp trẻ em bắt đầu làm quen với việc chơi đùa, gia tăng những kỹ năng tự nhiên ở chúng rồi từ đó nâng cao trí tưởng tượng cho các bé.”

Theo bà, những món đồ chơi quá mất sức làm bé phải ngưng lại chỉ sau nửa tiếng sẽ làm giảm giá trị của việc chơi đùa. Những món đồ chơi điện tử cũng không cần thiết, đặc biệt đối với trẻ dưới 2-3 tuổi. Còn những bậc cha mẹ nghĩ mình đang hành động đúng khi mua những món đồ chơi vượt quá độ tuổi của con cũng cần phải suy nghĩ lại. “Trẻ em phát triển theo nhiều giai đoạn, nếu chúng bỏ qua một bước bất kỳ thì trong tương lai sẽ bị gián đoạn lại theo một cách nào đó thôi.”

Từ 0 đến 1 tuổi: Học khám phá và cử động

Đặc điểm lứa tuổi:

Cheryl Chia, giám đốc quản lý trang web Kidzgrow.com, một kênh thông tin trực tuyến giúp các bậc cha mẹ theo dõi quá trình phát triển của con mình cho biết, trẻ em dưới 1 tuổi tập trung phát triển thị giác và khả năng thăng bằng cơ thể, cũng như cách phối hợp giữa tay và mắt.

Patricia đồng tình: “Đây là lứa tuổi của sự vận động với thỏa mãn và thích thú khi bé được tiếp xúc với mọi người xung quanh. Phần lớn những trò bé chơi trong giai đoạn này đều liên quan đến sự chuyển động: kéo, đẩy, ném, nắm, đánh hay gõ lên một vật gì đó". Khi đã có thề kiểm soát được khả năng vận động cân bằng rồi, bé sẽ nhận ra rằng quả banh thì xoay tròn trong khi chiếc trống lục lạc sẽ phát ra những âm thanh rất ồn ào.

Những món đồ chơi giúp bé phát triển khả năng nhận thức rất hữu ích. Ảnh: Images


Đây cũng là thời điểm bé từ từ khám phá ra những giác quan của mình, Cara Wong – giám đốc điều hành Growing Fun – nhận định: “Những món đồ chơi có kết cấu, ví như sách hoặc những khối xếp hình, rất phổ biến vì chúng kích thích các giác quan và cũng dễ chùi rửa”.

Đồ chơi thích hợp:

-    Thẻ màu phản quang với những màu sắc đối lập nhau, điển hình nhất là đen – đỏ – trắng. Bé chỉ có thể nhận diện đủ các màu sau từ 6 đến 7 tháng.

-    Trống lục lạc nhằm khuyến khích cử động tay chân. Chẳng hạn như một chiếc lục lạc treo vào chân sẽ giúp làm chắc cơ bụng đồng thời kích thích bé phối hợp cả tay khi chơi với chân của mình.

-    Những tấm đệm lót nhiều màu sắc sẽ giúp bé có nhiều thời gian luyện tập khả năng thăng bằng cơ thể mình bằng cách thử lăn, bò trườn trên đó.

-    Những quyển sách lớn nhiều hình ảnh, màu sắc.

-    Đồ chơi bằng vải, lụa.

Từ 1 đến 2 tuổi: Phát triển cá tính và nhận thức

Trẻ trên 1 tuổi bắt đầu thích chơi với những khối xếp hình đòi hỏi sự khéo léo. Ảnh: Images


Đặc điểm lứa tuổi:

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu hiểu ra những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bên cạnh việc củng cố thêm những khả năng vận động cơ thể, Cheryl còn cho biết trẻ đồng thời cũng tập tành để nói. Cũng trong giai đoạn này bé bắt đầu nhận thức được “cái tôi” của chính mình. Cara, công ty Growing Fun, nói: “Đây là thời điểm bé bắt đầu phát triển cá tính của riêng mình, bắt đầu học biết những thứ như "mình là con trai", "mình có thể sờ, đụng này!", "mình thích điều này"…

Cô còn cho biết rằng những món đồ chơi phổ biến thường là tranh xếp hình đơn giản, có thể chỉ 2 – 3 miếng ghép sẽ mê hoặc được bé và giúp bé tập thói quen chú tâm lâu hơn lúc trước. Cara thêm vào: “Con rối cũng rất hữu hiệu khi dùng để kể chuyện và giúp trí tưởng tượng của bé thăng hoa.”

Đồ chơi thích hợp:

-    Những quả banh nhỏ cho bé ném, chụp và đá.

-    Đồ chơi đòi hỏi bàn tay khéo léo như những khối xếp hình nhỏ đòi hỏi phải sắp xếp, hay bút chì sáp không độc hại – bạn biết không, bé đã có thể bắt đầu thử vẽ nguệch ngoạc ngay từ lúc 10-13 tháng tuổi thôi đấy!

-    Tranh ghép hình đơn giản (2-3 mảnh ghép).

-    Quyển sách bìa cứng với những giai điệu và bài hát kèm theo có thể khuyến khích thói quen ham đọc sách và thắt chặt thêm tình cảm giữa cha/mẹ và bé.

-    Những món đồ chơi minh họa quan hệ nguyên nhân – kết quả. Chẳng hạn như, khi bạn ấn vào một cái nút thì những khối hình sẽ xuất hiện trước mắt bé.

Từ 2 đến 3 tuổi: phát triển ngôn ngữ và sự ham học hỏi, muốn khám phá

Đặc điểm lứa tuổi:

Đây chính là lúc con bạn bắt đầu biết sử dụng những từ ngữ khác nhau để thể hiện ra suy nghĩ của mình. Hãy nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ của bé bằng cách đọc sách cho bé nghe, chia sẻ nhiều câu chuyện với bé cũng là việc làm rất cần thiết. Patricia nói: “Đây là bước phát triển bé sẽ chuyển từ một đứa trẻ nhỏ thành một cá thể có suy nghĩ, quan niệm và ý chí của riêng mình. Trớ trêu thay, chính đặc tính đó cũng làm cho một đứa bé 2 tuổi có tâm lý rất lộn xộn, nhưng tất cả những gì mà bé muốn chỉ là khám phá ra cách vận hành của thế giới chung quanh và chính bé có thể tham gia vào đó như thế nào.”

Từ 2-3 tuổi, đọc sách cho bé nghe cũng là một hoạt động thú vị. Ảnh: Images


Khả năng vận động của cơ thể cũng được cải thiện đến mức bé sẽ yêu thích việc mở ra và đóng lại một thứ gì đó, bỏ vào rồi lấy ra, xé toạc, vẽ vời hay xây dựng. “Bởi sự ham học hỏi rất tự nhiên, trẻ ở lứa tuổi này thường thích thú với những món đồ chơi có thể tháo rời ra, sửa chữa, xáo trộn và nối chúng lại”, Patricia cung cấp thêm.

Đây cũng là lúc bắt đầu phân biệt cách chơi giữa con trai và con gái rất rõ ràng. Cara nói bé trai dễ bị hấp dẫn bởi những chiếc xe hơi hay đoàn tàu hoả bởi “bẩm sinh con trai có xu hướng thiên về những món đồ cơ khí”. Con gái thì nhiều cảm xúc hơn, sẽ quan tâm đến những món đồ chơi mềm mại. Nhưng cô ấy lại cho rằng cũng tốt nếu bạn thử cân bằng giữa 2 giới qua việc cho chúng chơi đồ chơi của phái kia, ví như đưa cho bé gái món đồ chơi xây dựng và chú gấu bông Teddy cho bé trai.

Đồ chơi thích hợp:

-    Bộ trò chơi xây dựng.

-    Đồ chơi với nhiều mảnh có thể gắn vào nhau.

10 trò chơi cho năm đầu đời của bé

(Webtretho) Bạn nghĩ rằng, trong năm đầu đời, bé còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện dạy bé những bài học về cuộc sống? Nhưng bạn biết không, những bài học lớn đôi khi bắt nguồn từ những ý niệm rất giản đơn, và bạn hoàn toàn có thể truyền đạt cho bé yêu của mình thông qua những trò chơi nhỏ thú vị.

Quả bóng của bé đâu rồi? Ảnh: Inmagine

Quả bóng đâu rồi nhỉ?

Để bé nhìn thấy bạn đặt quả bóng yêu thích của bé vào một chiếc hộp có nắp đậy, bạn hãy hỏi bé “Quả bóng đâu rồi nhỉ?”, tìm cách khuyến khích bé mở hộp và xem quả bóng bật ra hộp. Trò chơi này là một cách thú vị để nói với bé rằng quả bóng vẫn luôn ở đó, ngay cả khi bé không nhìn thấy nó.

Xe ôtô lăn bánh

Đặt bé ngồi trên sàn đối diện với bạn và lăn chiếc xe ôtô đồ chơi nhỏ về phía bé, sau đó khuyến khích bé lăn trả chiếc xe về phía bạn. Hãy cố gắng giữ cho trò chơi tiếp diễn như vậy. Trò chơi qua lại này giúp dạy cho bé ý niệm về sự luân phiên, điều này sẽ rất cần thiết cho việc dạy bé cách thiết lập các cuộc đối loại và sẻ chia.

Xây tháp bằng đồ nhà bếp

Bạn thực sự chưa cần đến một bộ đồ chơi đắt tiền để bé có thể làm quen với trò chơi lắp ghép trong năm nay đâu, chỉ cần vài chiếc hộp nhựa đựng thức ăn rỗng (nên chọn vài loại hộp có màu sắc sặc sỡ và kích thước khác nhau để thu hút sự chú ý của bé). Hãy giúp bé xếp chồng các hộp lên nhau, và với mỗi chiếc hộp được xếp lên, bạn hãy giải thích đơn giản cho bé về kích thước và màu sắc của hộp. Sau khi xây xong tháp, bạn và bé có thể đẩy nhẹ để tháp đổ ụp xuống vào tạo ra tiếng động loảng xoảng vui tai. Trò chơi này không chỉ dạy cho các bé khái niệm về hình dạng và kích thước mà còn là bài học đầu tiên về nguyên nhân và hệ quả khi bạn nói với bé: “Ồ, con xem này, khi mình chạm vào những chiếc hộp này, chúng đổ xuống và gây ra tiếng động”

Ồ, tiếng động này phát ra từ đâu nhỉ?

Một trò chơi khác để giải thích cho trẻ về sự tồn tại bất biến của đồ vật là giấu những đồ chơi phát âm thanh của bé dưới một tấm chăn. Hãy bắt đầu bằng cách chỉ che một phần đồ chơi và làm nó kêu lên, bạn hãy bảo bé đi tìm đồ chơi của mình. Khi bé đã làm tốt việc này, hãy che phủ hoàn toàn món đồ chơi, gây tiếng động và lại bảo bé đi tìm. Nhớ chúc mừng bé khi bé tìm được đồ chơi của mình nhé!

Mẹ đang ngủ

Bạn hãy ngồi xuống cạnh bé và nói “Mẹ chuẩn bị ngủ đây”, sau đó nhắm mắt lại vài giây rồi bất chợt mở to mắt và hào hứng nói “Chào con”. Việc nhìn thấy mẹ bất ngờ mở mắt và chào thông thường sẽ khiến trẻ bật cười. Sau vài lần, bạn hãy nhắm mắt lâu hơn và đợi xem phản ứng của bé nhé. Rất có thể các bé khoảng 6 tháng tuổi trở lên sẽ bắt đầu phát âm hoặc tìm cách lay gọi mẹ dậy.

Tiếng lá cây giòn tan

Nếu đang trong mùa lá rụng, bạn hãy thu gom một số loại lá khô có màu sắc, kích thước khác nhau và để bé khám phá chúng bằng tay của mình (tất nhiên là với sự giám sát của bạn rồi). Bạn hãy vò nát vài cái lá để bé có thể nghe tiếng lá khô vỡ vụn trong tay bạn và học được rằng việc vò lá cây khô sẽ tạo ra tiếng vỡ giòn tan như thế. Hãy chọn một chiếc lá to đủ để che gần hết khuôn mặt của bạn để chơi trò ú òa vui nhộn và quen thuộc với bé.

Vẽ với bột dinh dưỡng

Trò chơi này sẽ hơi bừa bãi một chút đấy, nhưng đảm bảo là rất tuyệt. Hãy đặt bé vào ghế ăn của mình hoặc cho bé ngồi trên sàn rồi bày ra vài chén bột dinh dưỡng có màu sắc khác nhau cùng với một tờ giấy lớn. Hãy để bé tự do nhúng tay vào các chén bột và vẽ bức tranh của mình. Biết đâu bạn có thể phát hiện sớm khả năng hội họa của bé đấy! Nhưng nhớ là đừng căng thẳng với việc mọi thứ trông thật bừa bộn và bẩn thỉu nhé, hãy để bé hoàn thành xong tác phẩm của mình đã rồi hãy dọn dẹp.

Khơi dậy xúc giác

Chọn vài mẫu vật bằng nhiều chất liệu khác nhau quanh nhà bạn – một cái khăn lụa, một mảnh vài thô, một tấm bìa, một nhánh cỏ, một nắm cát, hoặc bất cứ thứ gì an toàn cho - hãy để bé chạm vào từng thứ một và cảm nhận. Hãy để ý xem bé thích cảm giác nào, sự êm mịn của tơ lụa hay sự thô ráp của vải thô, đây có lẽ là cách duy nhất để bạn nhận biết sở thích của con mình. Có một lưu ý nhỏ trong trò chơi này là bạn phải theo thật sát con mình và đừng để bé bỏ thứ gì vào miệng nhé!

Vui tắm cùng bé

Biến giờ tắm thành giờ chơi nào! Ảnh: Inmagine

Hãy biến giờ tắm của bé thành một trò chơi thật vui với nước. Bạn hãy chuẩn bị cho bé vài cái tách to nhỏ khác nhau, một cái ấm trà hoặc bình tưới nhỏ bằng nhựa, và một ít thìa (muỗng) đong nhựa. Để bé rót nước từ món này sang món khác và xem điều gì đang xảy ra, sau đó đến lượt bạn rót nước và để bé cố gắng hứng nước bằng đôi bàn tay nhỏ xinh của mình. Bạn cũng có thể thử cách này: giơ cao miếng bọt biển ướt để nước nhỏ giọt lên tay bé, sau đó hãy vắt miếng bọt biển để nước chảy xuống thành dòng, chuyển miếng bọt biển cho bé và xem bé thực hành điều vừa học được như thế nào nhé.

Bộ sưu tập màu sắc

Một hoạt động hấp dẫn khác có thể giúp bạn dạy bé cách phân biệt màu sắc và đồ vật, đó là phân nhóm các đồ chơi yêu thích của bé theo màu sắc, mỗi nhóm màu nên có vài loại đồ chơi khác nhau. Sau đó, hãy để bé cầm các món đồ chơi lên, với mỗi món bé cầm lên, bạn hãy gọi tên màu sắc và tên của món đồ, chẳng hạn như quả táo đỏ, quả bóng xanh, chú vịt vàng…

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ mười hai

(Webtretho) Mẹ có thể hơi tủi thân một chút đây, vì “cục cưng” bây giờ bỗng dưng không muốn được mẹ ôm ấp bế ẵm suốt ngày nữa mà chỉ lúc nào bé muốn mà thôi; đó là do bé đã độc lập và tự làm được một số việc rồi. Bé cũng sẽ có những đồ vật “ghiền” của riêng mình, và đó là những thứ có thể giúp bé yên tâm khi đi nhà trẻ hoặc không có mẹ ở bên. Và đây là lúc mẹ bắt đầu phải đặt ra những giới hạn và kỷ luật cho con mình.

Bé độc lập hơn

Webtretho - Bé chơi một mình - 12 tháng tuổi

Mẹ xem này, con đã tự làm được nhiều thứ lắm! - Ảnh: Inmagine

Vì bé biết tự mình làm nhiều việc hơn, có thể bạn sẽ thấy có sự thay đổi trong thái độ của bé và cả của bạn. Bé không còn là một em bé luôn chờ đợi để được ẵm suốt trong vòng tay của bạn; bây giờ bé tự di chuyển và chỉ cần ôm ấp khi bé muốn thôi.

Bé cố gắng tự mình làm nhiều việc và đôi khi phát cáu nếu bạn làm giùm bé. Tuy vậy, bé vẫn cần 100% sự quan tâm của bạn. Bạn cũng không cần phải chạy vội lại chỗ bé mỗi khi bé gọi. Đó cũng là dịp tốt để dạy cho bé hiểu rằng bạn còn có việc phải làm và đôi lúc bé cũng phải biết chờ đợi. Kiên nhẫn là một trong những bài học khó nhất của cuộc sống.

Thiết lập giới hạn

Một trong những nhiệm vụ của bé là tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ trong thế giới của mình. Đôi khi điều này có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho bé. Nhất quán trong việc đặt ra các giới hạn là một phần rất quan trọng trong việc dạy dỗ bé.

Lập ra các giới hạn chủ yếu để giữ cho bé an toàn; bé sẽ hiểu rằng ở thế giới này luôn có những mối hiểm nguy mà bé cần phải học để tránh gặp phải. Ngoài ra, thiết lập các giới hạn cũng dạy bé phải giao tiếp một cách cân nhắc và tôn trọng người khác. Nói ngắn gọn lại là không phải bé muốn đòi gì cũng được.

Thay vì nói với bé không được làm cái này hay cái kia, hãy cố gắng hướng bé qua một việc khác – một việc gì đó an toàn hơn và có thể chấp nhận được để bé khám phá. Bạn cũng có thể cho bé một vài lựa chọn để bé cảm thấy mình được quyền quyết định nhiều hơn.

Những món đồ chuyển tiếp

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy rất vui mỗi khi nhớ lại những món đồ đã từng gắn bó với chúng ta thuở nhỏ, giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn. Đó có thể là một cái chăn, một con búp bê, thú nhồi bông hoặc bất cứ thứ gì miễn là nó mang một ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng dỗ dành đứa trẻ. Các chuyên gia gọi những vật này là “những vật chuyển tiếp” bởi vì chúng giúp trẻ vượt qua được những giai đoạn chuyển tiếp, chẳng hạn như trẻ phải làm quen với người giữ trẻ mới hay trẻ được gửi đến nhà trẻ. Đối với trẻ, những vật chuyển tiếp này là biểu tượng của sự an toàn, tình cảm gia đình và tình yêu thương của cha mẹ.

Có thể đây không phải là thời điểm tốt nhất để tách trẻ ra khỏi những vật chuyển tiếp bởi đối với nhiều trẻ, giai đoạn này là đỉnh điểm của thời kỳ trẻ sợ người lạ và sợ xa mẹ. Tuy nhiên chắc bạn rất chán cái cảnh trẻ lê theo cái chăn ghiền từ phòng này qua phòng khác, từ nhà ra sân, thậm chí ra đường. Dưới đây là một số cách bạn có thể sử dụng để hạn chế việc này xảy ra.

Webtretho - Bé và gấu bông - 12 tháng tuổi

Những món đồ ghiên chính là những người bạn luôn ở bên cạnh bé - Ảnh: Inmagine

Một trong những biện pháp thành công nhất là thiết lập ra thời gian cố định khi nào thì bé được dùng cái chăn ghiền của bé. Khuyến khích bé dùng trong những hoàn cảnh phù hợp như:

  • Đi ngủ
  • Khi chia tay ba mẹ
  • Khi bé buồn
  • Sau khi bị vấp té và bé khóc

Còn lại những lúc khác trong ngày, bạn hãy cất cái chăn ở một chỗ mà bé không thể lấy được. Có phụ huynh chọn cách cắt một mẫu nhỏ từ cái chăn để cho bé cầm và mang theo. Hoặc nếu bạn thấy bé kéo lê cái chăn theo cũng không vấn đề gì thì cứ để bé làm. Dù chọn cách gì đi chăng nữa, điều quan trọng nhất là phải nhất quán.

Thay đổi giờ ngủ ngày

Khoảng 12 tháng (hoặc có thể trong vài tháng tới), bạn sẽ thấy bé thay đổi giờ ngủ ngày. Bé sẽ chuyển từ ngủ hai giấc sang một giấc dài hơn. Mới đầu có thể bé sẽ đi ngủ giấc buổi sáng trễ hơn rồi đến giấc chiều không chịu ngủ nữa. Hoặc có thể bé vẫn ngủ giấc sáng đúng giờ nhưng ngủ lâu hơn.

Có bé chỉ cần một ngày là làm quen được nhưng có bé cũng mất vài tháng mới chuyển hẳn sang ngủ một giấc ngày. Bạn có thể sẽ phải vào đánh thức bé dậy vào giấc ngủ sáng để buổi chiều bé đủ ngon và dài hơn. Bị đánh thức dậy nửa chừng có thể khiến bé uể oải lúc gần trưa do bé mệt.

Ngoài ra, thói quen ngủ của bé còn chịu ảnh hưởng của lịch sinh hoạt ở nhà trẻ nữa. Hãy thông báo cho nhà trẻ biết việc bé đang đổi lịch ngủ. Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ có thể đều đặn thảnh thơi được trọn hai tiếng đồng hồ mỗi ngày khi bé ngủ trưa.

Tổ chức thôi nôi cho bé một cách hợp lý và có cân nhắc

Khi bé chào đón sinh nhật đầu tiên của mình, bạn cũng xứng đáng được chúc mừng! Bạn thật đáng khen vì đã vượt qua được một năm làm mẹ (làm bố). Và có thể bạn cảm thấy cần phải tổ chức một buổi tiệc để đánh dấu sự kiện quan trọng này của bé. Nhưng hãy thực tế nào: Tiệc thôi nôi chủ yếu là để dành cho người lớn hơn là cho bé, phải không? Hãy nghĩ lại cách đây 10 tháng, bạn đã phải cố gắng làm quen với vai trò làm mẹ/cha của mình. Bạn hãy nghĩ xem, dù trải qua một năm, bé đã lớn hơn rất nhiều, tò mò, độc lập hơn, bé vẫn còn là một đứa trẻ bé xíu. Nếu bé thuộc dạng nhạy cảm, một buổi tiệc lớn với nhiều dây trang trí, bong bóng, bánh kem, nhiều người lớn cùng xúm lại cười, nựng bé có thể làm bé khóc và bám bạn chặt hơn. Nói tóm lại, bạn hãy chúc mừng ngày quan trọng này nhưng khi lên kế hoạch, bạn nhớ tính đến bé nhé!