Lưu trữ cho từ khóa: 5 tuổi

Chơi thú nhún, cụt cả bàn tay

Trong khi chơi thú nhún, bé T. 5 tuổi bị mô-tơ cuốn cả cánh tay và bàn tay. Các bác sĩ phải tháo khớp từ cổ tay để cứu mạng bé.

Rất nhiều em bé bị cụt tay, cụt chân khi còn rất nhỏ chỉ vì cha mẹ bất cẩn khi chăm sóc, hoặc để bé chơi những trò chơi không an toàn.

Mấy ngày vừa qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhi bị tai nạn vì lý do này.

Mất tay sau một trò chơi

Sáng 26/10, nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, bé T. (5 tuổi, Đức Hòa, Long An) khóc nấc từng hồi vì đau. Bé có khuôn mặt rất xinh, đôi mắt đen tròn vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi. Toàn bộ cánh tay phải của bé từ khuỷu tay trở xuống băng trắng toát, không còn bàn tay.

Bác sĩ Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết bé T. được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 23/10. Bé được bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật hai lần để nối ghép động mạch bàn tay bị đứt, nhưng do mạch máu giập quá nhiều nên sau khi nối đã tắc lại. Sau đó, bé có biểu hiện nhiễm trùng nên bệnh viện tiến hành hội chẩn và quyết định tháo bỏ bàn tay ở vị trí khớp cổ tay để bảo toàn tính mạng cho bé.

Mẹ bé T. cho biết, tối 22/10, chị cho con đến chơi trò lắc vịt (một kiểu thú nhún). Với trò này, khi trẻ  ngồi lên, nhấn nút hoạt động thì con vịt (có hình dáng hơi giống chiếc xe máy, có chỗ để chân và hai tay cầm) sẽ lắc qua lắc lại. Phía sau con vịt là một mô-tơ vận hành, không có gì che chắn. Khi bé T. ngồi lên con vịt, ngả dựa người ra sau và để tay ra ngoài thì bị mô-tơ cuốn ngay lấy bàn tay rồi cánh tay. Rất may người nhà bé kịp thời dùng dép chặn mô-tơ cho ngừng lại. Lúc gỡ bé ra thì bàn tay gần như đứt lìa hoàn toàn, chỉ còn một tí da và gân dính với cổ tay; cánh tay bé bị giập nát, mặt sây sát.

Người mẹ cứ ân hận vì không biết đưa bé lên thẳng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM để điều trị, khâu nối bàn tay kịp thời, nên khi chuyển viện thì bàn tay của bé T. đã tím, bác sĩ tại đây nói đã quá trễ.

Đi xe máy, mất ngón chân

Ngày 23/10, khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM cũng tiếp nhận điều trị bé H. (6 tháng tuổi, Bình Phước) bị vết thương lòng bàn chân phải, mất hai ngón của bàn chân đó.

Mẹ bé kể, chiều 23/10, chồng chị đang chở ba mẹ con đi bằng xe máy thì nghe tiếng bé H. khóc thét lên đau đớn. Anh phanh gấp nhưng đã muộn vì một phần chiếc khăn lớn chị dùng quấn cho con đã bị cuốn vào bánh xe máy. Bánh xe lôi tuột chiếc khăn và chân phải của bé vào. Khi mở khăn ra, hai ngón chân nhỏ xíu của bé H. đã bị đứt lìa. Do bé quá nhỏ và mạch máu cũng quá nhỏ nên các bác sĩ không thể nối lại hai ngón chân bị đứt.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp, Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, cho biết trước đây cũng có trường hợp bé sơ sinh mới vài ngày tuổi tử vong do sự bất cẩn của người mẹ. Khi đưa con về bằng xe máy sau khi sinh, người mẹ đã không cuốn khăn cho con một cách gọn gàng, chặt chẽ nên chiếc khăn tuột ra và cuốn vào bánh sau xe máy, kéo theo em bé rơi xuống đất và tử vong.

Các bác sĩ khuyên khi bế trẻ nhỏ có cuốn khăn, chở bằng xe máy, phụ huynh phải hết sức chú ý, cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào bánh xe. Với các trì chơi, nếu thấy không an toàn, có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì không nên cho chơi. Ngoài ra, việc các cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức các khu trò chơi cũng cần được cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý để đảm bảo cho trẻ khi tham gia trò chơi được an toàn.

 

Meo.vn (Theo DatViet)

Thận trọng khi dùng cam thảo, lục thần hoàn cho trẻ

Sau khi bé chào đời, nhiều phụ huynh cho trẻ uống cam thảo để tan đàm, uống lục thần hoàn để trẻ không bị giật mình khi ngủ… Các chuyên gia cho rằng, đây là một quan điểm sai lầm, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Tác dụng ngược

Một chuyên gia sản khoa của bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, trẻ được cho uống cam thảo phần lớn là các bé sinh mổ. Các bà mẹ cho rằng do sinh mổ nên lượng đàm nhớt trong cơ thể bé không được đẩy ra hết. Ngay cả các bà mẹ sinh thường cũng cho rằng đàm nhớt không được hút hết là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị khò khè sau này. Vì vậy, khi thấy con có dấu hiệu hơi khò khè hay có chút đàm nhớt, các bà mẹ lại cho bé uống cam thảo. Với những “trục trặc” do chưa thích nghi khi chào đời, bé chưa quen dần với phản xạ nuốt; đặc biệt ở trẻ sinh non, việc cho trẻ uống cam thảo dễ khiến trẻ bị sặc, nguy cơ tử vong rất cao.

Chuyên gia sản khoa cho biết, từ lâu, bệnh viện đã tuyên truyền cho các bà mẹ sau khi sinh nên cho con bú, tuyệt đối không cho trẻ uống bất cứ loại nước nào khác. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn lén cho con uống nước cam thảo, hậu quả đã có trường hợp trẻ bị sặc nhưng do được cấp cứu kịp thời nên không dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trước đây, bệnh viện cũng từng tiếp nhận trường hợp bị ngộ độc cam thảo. Phần lớn các bé nhập viện đều bị viêm phổi, gây khó thở tím tái, ảnh hưởng đến tim mạch… Dù chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra nhưng để điều trị cho bé trở lại bình thường, khỏe mạnh cũng tốn không ít thời gian và công sức. Đa phần các bà mẹ sử dụng những lát cam thảo bắc ngâm vào nước và cho con uống khi trẻ có dấu hiệu “lên đàm” hay “khó thở”. Điều này gây bất lợi cho trẻ vì trong cam thảo có vị ngọt khiến trẻ dễ bỏ bú mẹ, mất cơ hội tiếp thu dòng sữa kháng khuẩn tốt nhất trong đời. Bên cạnh đó, lượng nhớt ở vùng hầu họng không giảm đi mà còn kích thích nhớt tiết ra, làm bé ọc ra nhiều nhớt hơn, khiến người lớn “tin tưởng” vào tác dụng “tống xuất đàm nhớt” của cam thảo. Nếu cho bé uống với lượng nhiều, ngoài việc gây ra các triệu chứng suy hô hấp còn có thể gây ói mửa, chướng bụng, viêm ruột hoại tử, đi tiêu ra máu dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sử dụng thuốc cho trẻ - cần thận trọng

Thạc sĩ – bác sĩ Lê Hoàng Sơn, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khẳng định, cho trẻ uống cam thảo (để tan đàm nhớt) và lục thần hoàn (để không giật mình, thần kinh ổn định) là sai lầm vì hàm lượng corticoid trong cam thảo khá cao, dễ gây ra những tác dụng đáng tiếc, đặc biệt với trẻ sơ sinh.

Nhựa cóc là thành phần có trong lục thần hoàn. Ảnh: Internet

Riêng lục thần hoàn là thuốc tấn công bệnh, không phải là thuốc bổ. Tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, giảm đau, đặc biệt thường được dùng trong các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, sưng tấy, mụn nhọt, chốc lở.

Trong lục thần hoàn có chất độc là nhựa cóc (thiềm tô), có tác dụng tǎng lực tim. Vì đây là thuốc trị bệnh cấp tính và có tính độc nên nhà sản xuất xưa và nay mới chế dạng viên nhỏ như hạt cải và liều dùng tính theo hạt.

Nếu uống quá liều có thể gây độc cho tim, gan và thận.

Nếu uống quá liều sẽ gây ngộ độc, tim đập chậm và đập không đều, nôn mửa.

Lục thần hoàn có thể gây dị ứng nổi mẩn đỏ. Ở trẻ em, dùng quá liều có thể ngất, co giật, nôn mửa, tím tái, thở dốc... Đặc biệt, không nên cho trẻ dưới 5 tuổi dùng lục thần hoàn.

Khi dùng thuốc, cần lưu ý, không nên dùng thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành (chưa có số đăng ký của Bộ Y tế, vì qui trình cấp số đăng ký hiện nay rất chặt chẽ, đặc biệt là thuốc có độc tính).

Khi đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký thì nên sử dụng đúng theo tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc.

Bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo, khi thấy trẻ có đàm nhớt, phụ huynh nên đưa bé đến khám chuyên khoa sơ sinh hoặc nhi, để được khám, điều trị cũng như hướng dẫn cách làm tan đàm. Tuyệt đối không nên cho bé uống cam thảo. Ngoài ra, phụ huynh có thể làm thông thoáng mũi họng bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) từ 4-12 lần/ ngày cho bé. Sau khi nhỏ nước muối sinh lý nên cho bé nằm nghiêng một bên để làm khô mũi. Phụ huynh cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nhỏ mũi nào ngoài nước muối sinh lý, tránh tác dụng phụ nguy hiểm cho bé.

 

Meo.vn (Theo PNO)


Bệnh viêm phổi thường gặp ở trẻ sơ sinh

Viêm phổi là một loại bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh. Đây là một trong những bệnh gây tử vong cho trẻ sơ sinh nhiều nhất tại các nước đang phát triển.


Ảnh minh họa.

Là 1 trong 6 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ

Báo cáo mới đây của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 về kết quả nghiên cứu về đặc điểm bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh trong năm 2007 cho biết: viêm phổi là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở trẻ sơ sinh. Viêm phổi sơ sinh khiến trẻ bị tử vong chiếm gần một nửa trong số trẻ tử vong bởi căn bệnh viêm phổi nói chung. Bình quân, hằng năm trên thế giới có từ 750 ngàn - 1,2 triệu trường hợp tử vong sơ sinh do viêm phổi. Còn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm phổi sơ sinh là 1 trong 6 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi (chiếm khoảng 10% trường hợp tử vong chung xảy ra trên trẻ em).

Riêng báo cáo của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong số những trẻ sơ sinh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, thì viêm phổi sơ sinh chiếm gần 1/3 số lượng. 

Những yếu tố nguy cơ từ bà mẹ

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã thực hiện đề tài nghiên cứu về loại bệnh này ở trẻ sơ sinh. Qua nghiên cứu trên những trẻ sơ sinh có ngày tuổi bình quân là 14 ngày tuổi (ngụ ở TP.HCM và các tỉnh chuyển đến) nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 trong năm 2007 cho thấy: phần lớn bệnh khởi phát lúc trẻ được 3 ngày tuổi sau sinh. Biểu hiện thường gặp là ho, co lõm ngực và phổi có tiếng ran... Với những trẻ bị nặng thì có những triệu chứng như: trẻ thở rên, tím tái, ngưng thở. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng cần lưu ý, có thể trẻ có những triệu chứng không đặc hiệu nhưng thường gặp như, trẻ bỏ bú, bú ít. Những tháng trong năm có trẻ mắc bệnh này nhập viện nhiều nhất là tháng 8, tháng 9 và tháng 10 (do mưa nhiều, ẩm thấp khiến bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp gia tăng). Ngoài ra, qua khảo sát, các bác sĩ cũng ghi nhận được là, có những yếu tố nguy cơ liên quan từ bà mẹ khiến cho trẻ sơ sinh bị viêm phổi, đó là: bà mẹ bị nhiễm trùng ối lúc mang thai; ối vỡ sớm; cuộc chuyển dạ trong lúc sinh kéo dài (hơn 18 giờ); mẹ bị sốt lúc sinh; mẹ bị viêm nhiễm ở đường tiết niệu, sinh dục mà không chữa trị...

Các bác sĩ cũng ghi nhận, nhiễm trùng huyết và tim bẩm sinh là hai bệnh lý thường đi kèm ở trẻ sơ sinh bị viêm phổi, và đây là yếu tố thường làm nặng nề thêm cho trẻ, làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Meo.vn (Theo Khoemoingay)

Ép con thành “thần đồng”

Phụ huynh chạy theo phong trào “thần đồng”, "ép hoa nở sớm" khiến nhiều trẻ tưởng “thần đồng” đã hóa thần kinh!

Ba tuổi viết chữ, làm Toán

Có con mới 5 tuổi, nhưng gần 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Th. (36 tuổi, trú đường Hải Phòng, Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho cháu nghỉ học tại trường mầm non công lập trên địa bàn để gửi tại một cơ sở luyện chữ, học toán của cô L. gần nhà. Gặp chị Th. đón con buổi trưa, chị cười vui, khoe đứa con gái Ngô Thị H. đã đọc, viết thành thạo các số từ 1 đến 10. Bé H. khá dè dặt đọc số, đánh vần các chữ hai âm tiết, như: bé, to, có… dưới sự yêu cầu của mẹ.

“Cháu mới học từ tháng 11 năm ngoái, giờ đã đọc, viết khá thành thạo rồi. Cả nhà tiếp tục cho cháu rèn luyện thêm từ nay đến lúc vào lớp 1. Nghe cô giáo nói đến khi đó cháu sẽ đọc, viết được số 100, các từ ghép, làm nhiều phép toán cơ bản. Anh có con thì mang đến đây để học luôn” - chị Th. nói.

Gọi là “lò” vì cơ sở dạy học tự phát của cô L. nằm khá sâu phía sau đường Hải Phòng. Căn phòng nhỏ, tối, được kê bằng những dãy bàn cũ. Có khoảng gần 20 trẻ, phần lớn 3 - 5 tuổi đang trong giờ học. Em viết chữ, em tô màu, có bé đang nhẩm các phép tính chương trình lớp 1.

Phụ huynh chạy theo phong trào “thần đồng”, "ép hoa nở sớm" khiến nhiều trẻ tưởng “thần đồng” đã hóa thần kinh!

Cùng cô L., cô H. phụ trách lớp luyện chữ, từng là những giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn về hưu. Trong vai người gửi trẻ 4 tuổi, cô L. vui vẻ nhận lời chúng tôi. Theo cô L, mỗi ngày chia làm 2 lớp: Suất ngày và tối. Các bé còn học ở trường mầm non tham gia suất tối (17 đến 19 giờ). Hoặc phụ huynh đăng ký gửi trẻ cả ngày tại đây, ngoài học được ăn 2 bữa trưa, bữa lỡ. Giá mỗi tháng 500 - 850.000 đồng/1 em.

Đảm bảo trước khi vào lớp 1, bé đọc, viết thành thạo chữ cái, từ ghép, tính toán các con số đến hàng trăm. Dễ nhận thấy các lớp học này chỉ thiên về dạy chữ, làm toán mà thiếu các bài học kỹ năng, múa hát, kể chuyện...

Tại trường mầm non tư thục Đ.Tr (đường Phan Chu Trinh, Hải Châu), nhiều phụ huynh cho hay, lý do gửi trẻ vì cơ sở này dạy viết chữ, làm Toán và cả Anh văn. Nhiều trường mầm non M.Đ trên đường Phan Thanh, trường chất lượng cao trên đường Trần Phú… cũng đưa vào hàng loạt chương trình dạy trẻ: Tập vẽ, múa hát đến luyện chữ, học đếm, làm toán, và cả chương trình học ngoại ngữ tiếng Anh để thu hút phụ huynh đăng ký gửi trẻ.

Một hiệu trường trường mầm non tư thục lý giải: Bản thân phụ huynh có nhu cầu dạy con trước tuổi nên nếu không “xé rào” sẽ khó cạnh tranh với các trường khác.

Hệ lụy ép con thành “thần đồng”

Đầu năm học 2011-2012, em Nguyễn Phúc Trường, học sinh lớp 1 trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) được gia đình xin học vượt lớp vì khả năng làm Toán, Văn lớp 2-3 thành thạo khiến cả trường, ngành giáo dục bất ngờ.

Tuy nhiên, sau cuộc khảo sát vừa được phòng giáo dục, ngành chức năng quận Hải Châu tiến hành, phát hiện: Trường có kỹ năng tính toán về số học, đọc tốt văn bản, nhưng kỹ năng trả lời câu hỏi, phân biệt âm, vần, viết câu chưa đảm bảo, đặc biệt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống còn giới hạn…

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hải Châu: Qua tìm hiểu, khả năng đọc Toán, làm Văn của Trường được gia đình rèn luyện và học thêm tại các nhóm trẻ gia đình.

Chị Phan Thị Tư (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu), mẹ Trường cũng bộc bạch: Chúng tôi cho cháu tập đọc, viết trước lớp 1, và cháu có khả năng tiếp thu nhanh, hoàn thành sớm chương trình. Gia đình sợ nếu tiếp tục để cháu học lại chương trình sẽ tạo sự nhàm chán nên mới làm đơn xin vượt lớp.

Ngay trường tiểu học Núi Thành, nhiều học sinh trước khi vào lớp 1 đã biết viết chữ, làm toán. Khảo sát của trường cho thấy, có đến hơn nửa số học sinh lớp 1 tỏ ra viết thông thạo chữ cái trước khi vào lớp 1.

Thầy Phan Chánh, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân lo ngại: Đợt khảo sát chất lượng đầu năm nay có đến 20 - 30% số học sinh mới vào lớp 1 đã có khả năng đọc viết thành thạo. Tỷ lệ này gia tăng nhanh mỗi năm, chứng tỏ xu hướng trẻ em đang bị ép học trước tuổi.

Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, tình trạng dạy con trước tuổi khá phổ biến. Cái khó là phụ huynh hay gửi con cho các nhóm trẻ gia đình, cơ sở tự phát của các thầy cô giáo về hưu, thậm chí bản thân gia đình cố tình nhồi nhét kiến thức trước quy định nên khó kiểm tra, xử lý hết.

Tay trẻ 3-5 tuổi còn yếu, bộ não chỉ tiếp thu ở dạng kiến thức nhất định, như tô màu, nghe kể chuyện… nên nếu bị ép viết, làm toán chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương tay, hệ thần kinh làm trẻ phát triển không toàn diện. Ngay đến thời gian vui chơi cơ hữu của trẻ bị giới hạn khiến các kỹ năng giao tiếp, xã hội của trẻ bị hạn chế.

Ban giám hiệu trường tiểu học Núi Thành cho hay: Cháu Trường ban đầu có biểu hiện phát triển sôi nổi, hăng hái nhưng càng về sau, em hay bị chán nản, lười phát biểu, nhác học bài.

Meo.vn (Theo afamily)

Khổ vì chồng keo kiệt

Đêm tân hôn, chị Xoan giật mình khi nghe chồng thủ thỉ: "Hai đứa mình chia đôi khoản tiền chi cho chuyến nghỉ trăng mật nhé".Hồi yêu, thấy anh Tiến có tính tiết kiệm, chị Xoan ở Khâm Thiên, Hà Nội tự nhủ: "Như thế càng tốt, còn hơn khối anh sĩ hão, tiêu hoang chỉ khổ vợ con". Nhưng lấy nhau rồi, chị ngày càng sốc vì tính ky bo của anh.

Chồng chị không "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" nhưng hễ cái gì chị sắm, lại chép miệng ra vẻ tiếc tiền. Mới đây, con gái 4 tuổi bị ốm, chị mua về cho nó bát phở, anh cũng càu nhàu: "Vừa đắt vừa được ít, tốn tiền".

Bà chị gái khá giả cho vài mảnh vải may quần áo mà mãi không thấy chị Xoan và các cháu diện đồ mới, hỏi ra mới biết, em rể bảo vợ: "May làm gì cho tốn tiền. Quần áo còn nhiều, vẫn tốt chán. Lần sau bảo bác thải ít quần áo cũ là được rồi".

Chị Xoan ngày càng cảm thấy bức bối, coi thường chồng. Những tình cảm, sự ngưỡng mộ chị dành cho anh trước đây cũng mất dần. Khi bức xúc, chị thường tìm đến chị gái để kể hàng đống chuyện "khó tưởng tượng" về chồng. Cũng vì thế, cả nhà chị ghét anh ra mặt. Anh Tiến cũng cũng chẳng thích đến nhà vợ nữa.

Kim Duyên, nhân viên thu ngân của một công ty sản xuất bao bì ở Từ Liêm, Hà Nội đang băn khoăn khi quyết định chia tay với người yêu tên Mạnh cũng thuộc dạng "kẹo kéo".

"Ai đời, yêu nhau mà chưa lần nào được mời vào quán uống nước tử tế, toàn ra sân vận động hay lên cầu ngắm cảnh thôi", Duyên kể.

Mới đầu, cô nghĩ anh thật lãng mạn. Nhưng mấy lần, kêu khát nước, Duyên đều được người yêu dẫn vào quán trà đá hay "sang trọng" lắm mua cho cốc nước mía, cô mới vỡ lẽ.

Hơn một năm yêu nhau, Duyên chưa được người yêu tặng quà bao giờ. Hôm 8/3 năm vừa rồi, đi qua hàng hoa, Duyên thử gợi ý cho người yêu mua. Mạnh cũng dừng xe, vào hỏi một lúc rồi đi ra nhìn người yêu lắc đầu: "Đắt quá, mà mua về được 2 hôm là quăng đi, phí".

Lần khác, Mạnh đưa người yêu vào siêu thị nhưng lại giao hẹn trước: "Mình vào chơi thôi, không mua gì hết em nhé" khiến Duyên không biết nên cười hay nên mếu. Thật ra, hôm đó, Mạnh có mua cho cô... một que kem 2.000 đồng.

Duyên còn phát hiện, Mạnh có thói quen mỗi lần chỉ rút 100.000 đồng từ máy ATM với lý do: "Để nhiều tiền trong người nguy hiểm, lại dễ tiêu hoang". Cũng vì điều này mà có lần hai người gặp cảnh dở khóc dở cười.

Hôm đó, Mạnh đưa người yêu ra sân Mỹ Đình xem diều. Chẳng may, lúc về xe hỏng, phải sửa mất 80.000 đồng, mà trong túi chỉ còn 30.000, Duyên lại bỏ quên ví ở nhà. Thế là, sửa xe xong, Mạnh "cắm" người yêu ở lại để phóng xe đi tìm chỗ rút tiền. Hôm đó, Duyên được buổi muối mặt với mọi người xung quanh. Cô cũng chẳng muốn nhìn mặt người yêu nữa.

Keo kiệt là một trong những tính cách mà phụ nữ ngán nhất ở nam giới. Khi "trót" làm vợ các ông chồng kiểu này, chị em thường cảm thấy bực bội, khó chịu, nhiều khi đâm ra coi thường chồng. Có người còn ra tòa ly hôn.

Tuy nhiên, tính tiết kiệm thái quá ở một số ông chồng chưa hẳn đã là xấu và "hết thuốc chữa". Điều cơ bản là người vợ có thiện chí và muốn giúp chồng mình chữa "bệnh" này không.

Trước tiên chị em nên tìm hiểu nguyên nhân sinh ra tính cách này của chồng, bởi có thể do anh ấy sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, vất vả nên kể cả lúc có nhiều tiền vẫn giữ thói quen ky cóp, dè sẻn.
Khi ấy, người vợ nên thông cảm với chồng, biết chia sẻ những lo toan cùng anh. Chị em cũng nên chứng tỏ mình là người tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu, để ông xã có cảm giác an tâm khi giao phó ngân sách.

Thật ra, những ông chồng keo kiệt cũng có mặt tốt. Họ thường là người biết lo xa, tính toán, lại chịu khó, trung thực, thương vợ con. Họ dễ cảm hóa nếu người vợ tinh tế, biết khen, trân trọng sự chắt chiu của chồng và biết góp ý khéo léo những khi thích hợp.

Các bà vợ tuyệt đối tránh nói xấu chồng với bạn bè, họ hàng mình, làm anh ấy mất mặt, càng không so sánh với người khác kiểu như: "Chồng cái Lan hết mua cho vợ quần áo lại đưa cả nhà đi chơi". Tính keo kiệt giống như một huyệt hiểm của người đàn ông, vì thế, các bà vợ tối kỵ nhè vào đó để châm chọc. Làm thế, chỉ khiến các ông tự ái, sĩ diện và xa lánh vợ hơn thôi.

Một số đàn ông ky bo lại do bản tính "trời sinh" hay tâm lý vùng miền hoặc chịu ảnh hưởng tính cách từ người mẹ. Những người này rất khó thay đổi.Ngoài ra, cũng có những ông chồng rất bủn xỉn khi tiêu tiền của mình, nhưng lại "thoáng tay" khi dùng của người khác.

Chồng chị Trang ở Lò Đúc, Hà Nội là một ví dụ. "Mang tiếng có chồng làm sếp cho công ty nước ngoài mà chả bao giờ được nhờ vả gì. Mọi chi phí trong nhà đều rút túi vợ, từ tiền học cho con, mua sắm đồ đạc, thực phẩm, đến báo hiếu hai bên nội, ngoại", chị Trang nói.

Chị kể, hai vợ chồng đều có lương cao nhưng anh toàn ki cóp tiền riêng, nhất định không chịu chia sẻ với vợ khi chi tiêu khoản gì. Dịp sinh con, chị không lương, lại chưa kịp rút tiết kiệm, hỏi tiền chồng thì phải nhắc vài lần anh mới đưa, lại nhỏ giọt. Khi chưa có nhà thì anh bảo dành dụm để mua, nhưng đến lúc xây căn hộ cũng phần lớn là tiền của chị và gia đình hai bên. "Bây giờ "lão" lại bảo, em cứ chi đi, tiền anh để dành sau này lo cho con du học. Con thì mới 5 tuổi đầu. Nhiều khi chỉ muốn ly dị cho xong, chứ cứ thế này ức chế lắm", chị Trang ngao ngán.

Những anh chàng kiểu như chồng chị Trang không phải là người ky bo mà thuộc dạng ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Tính cách này không thể sửa được, các bà vợ nếu trót có ông chồng như vậy đành chịu trận.

Trong hôn nhân, các khác biệt về thói quen, sở thích, quan điểm... có thể dễ chấp nhận nhưng những xung đột về phẩm chất như bên ích kỷ, bên rộng lượng, thì rất khó dung hòa và chung sống hạnh phúc. Khi ấy, ly hôn có khi lại là biện pháp tích cực.

Meo.vn (Theo Người Đưa Tin)

Đặc điểm phát triển chung của lứa tuổi 3, 4, 5

(Webtretho) Lên 3, thế giới của con đã mở rộng ra rất nhiều, và cùng với đó, con cũng "trưởng thành" hơn rất nhiều. Bố mẹ cần biết gì về sự phát triển của con để chuẩn bị cho con thật tốt bước ra thế giới? Bạn chưa tự tin ư, hãy cùng Webtretho tìm hiểu nhé.


Trẻ 3 tuổi

Trẻ 3 tuổi có cái nhìn về thế giới rộng mở hơn, các khái niệm về thời gian và không gian bắt đầu có những biến đổi thú vị. Các bé bắt đầu hiểu được sự phức tạp của thế giới xung quanh và nhận ra sự khác nhau giữa thực và giả. Chúng thường hỏi những câu kiểu như “Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?”, “Hồi ba còn nhỏ thì có con khủng long không?” và “Mấy cô chú trong TV đó là người thiệt hay giả bộ vậy mẹ?”

Trẻ 3 tuổi

"Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?" (Ảnh: Inmagine)

Với chúng, quá khứ được phân thành: hồi nãy, hôm qua, tuần trước, tháng trước, hồi xưa, hồi ba mẹ nhỏ xíu... Tương lai thì được chia thành: ngày mai, sắp… rồi, hay mai mốt con lớn. Mặc dù có thể không biết tên của các mùa trong năm nhưng trẻ 3 tuổi đã bắt đầu tìm ra các mối tương quan, chúng có thể liên tưởng mùa hè với tiết trời oi bức, cả nhà đi du lịch tắm biển, mùa thu với lá vàng và Tết Trung Thu…

Giống như thời gian, không gian được chia thành nhiều loại: Có những nơi gần và ta có thể đi bộ đến; có những nơi xa không thể đi bộ được; và cũng có những nơi rất rất xa, như châu Phi, mặt trăng. Các bé cũng chia mọi người xung quanh theo mức độ già trẻ, chẳng hạn như con nít, người lớn đi làm, người già ở nhà. Các sự vật có thể sống hoặc không, người và loài vật có thể sống hoặc chết, và mọi thứ có thể thật hoặc giả.

Tới 3 tuổi, các triệu trứng “bướng bỉnh trẻ lên 2” sẽ dần hết và trẻ sẽ đằm tính hơn. Trẻ 3 tuổi có khả năng tập trung tới vài phút để làm một việc gì đó và thích chơi đùa với các trẻ khác hơn. Tới thời điểm này, trẻ cũng biết biểu lộ nhiều dạng cảm xúc hơn. Chúng có thể buồn hoặc tỏ ra đăm chiêu, có thể ganh tị, cảnh giác, sợ hãi hoặc hài lòng, vui vẻ, khoái chí. Các bé cũng nắm bắt được nhiều hơn cảm xúc của người khác. Chúng biết nên làm cho người lớn hài lòng, với một động lực hết sức mạnh mẽ là được người khác khen ngợi và yêu thương. Mặc dù trẻ 3 tuổi có khuynh hướng ít giận dữ hơn trẻ lên 2, nhưng khi mệt hoặc đói thì chúng cũng không ngoan được đâu.


Trẻ 4 tuổi

Trẻ 4 tuổi ngày càng ý thức mình là một thành viên trong một tập thể. Chúng dành phần lớn thời gian để tạo dựng và giữ vững vị trí với các trẻ đồng trang lứa. Chúng cũng dễ dàng sử dụng vốn từ vựng của mình để khen, chê và “chỉnh” những đứa trẻ khác nhằm hướng sự chú ý vào khả năng của chúng và thuyết phục các bạn cùng chơi chấp nhận ý tưởng mà chúng đưa ra.

Trẻ 4 tuổi thích chơi với trẻ khác, có thể dọa dẫm hoặc hứa hẹn để giành lấy một đứa bạn hoặc để được “kết nạp” vào một nhóm bạn. Vậy nên ở trường mẫu giáo, bạn có thể rất hay nghe thấy những câu như “Mình làm bạn của nhau nhé” và “Mình không chơi với bạn đâu.”

Trẻ 4 tuổi cần nhiều không gian để chơi, vì trò nào chúng cũng có thể chơi được cả, đặc biệt là thích trò “siêu nhân” và “quái vật”. Mặc dù đã biết chia sẻ đồ chơi với nhau và thay phiên chơi chung một món đồ nhưng chuyện giành đồ chơi giữa các bé 4 tuổi vẫn xảy ra như cơm bữa. “Chiến tranh” thường bắt đầu bằng việc cãi nhau rồi kết thúc bằng xô đẩy, đấm, đá. Thường thì các bé cũng không thể làm nhau đau lắm đâu, nhưng người lớn vẫn phải canh chừng.

Lên 4 tuổi, bé thích khám phá những điều mới lạ như đu xích đu, nhớ tên các loại khủng long, đếm từ 1 tới 20, và chơi game trên máy tính. Chúng tin vào những gì chúng nhìn thấy, nghe thấy và chạm tay vào. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghĩ rằng ly nước trái cây của nó ít hơn của bạn thì có nghĩa là ly của bạn thật sự nhiều hơn, dù cả 2 ly đều được rót từ 2 hộp như nhau. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghe thấy tiếng một con quái vật đang gầm gừ dưới giường thì có nghĩa là thật sự có một con quái vật ở dưới giường, mặc cho bố mẹ có giải thích đến đâu chăng nữa..

Ở tuổi này, bé cũng rất tò mò và rất thích hỏi “Tại sao?”

Trẻ 5 tuổi

Trẻ lên 5 có thể kiên trì vẽ cho đến khi được bức tranh như mong muốn. (Ảnh: Inmagine)


Trẻ 5 tuổi

Trẻ 5 tuổi dường như lớn hẳn lên trên nhiều phương diện. Giống như khi 4 tuổi, trẻ 5 tuổi thích khám phá những điều mới lạ, nhưng chúng có thể kiên trì luyện tập để thành thục hơn. Ví dụ khi vẽ một cái cầu vồng, một ngôi nhà hay tự họa chân dung, chúng có thể cố gắng vẽ đến khi nhìn được bức tranh như chúng muốn.

Trẻ 5 tuổi cũng thích chơi trò đóng vai các nhân vật khác, nhưng ở mức độ công phu hơn. Trước khi chơi, trẻ thường chuẩn bị các đạo cụ để đảm bảo câu chuyện được diễn ra theo một trình tự hợp lý. Nếu mở “show trình diễn”, chúng sẽ làm sân khấu, bán vé và thay đổi phục trang trước khi trình diễn. Mở màn, chúng có thể sẽ bước lên sân khấu giới thiệu nội dung của buổi diễn, sau đó diễn một vài cảnh, rồi kết thúc bằng việc cúi đầu chào kiểu cách kèm theo những tràng pháo tay rộ lên.

Trẻ 5 tuổi thích dùng và diễn giải các ký hiệu, biểu tượng. Hầu hết trẻ ở độ tuổi này rất nghiêm túc muốn học hỏi, và một số có thể học các cơ chế đọc viết nhanh hơn những đứa khác. Chúng thích tự mình đọc menu và gọi món, diễn giải các biển báo giao thông, tự viết danh sách các món đồ cần mua, và tự viết tên lên nhãn tập hoặc các bức tranh do chúng vẽ. Chúng có thể hình dung ra trong đầu những vấn đề đơn giản và có thể nắm bắt khái niệm cộng trừ, dù có thể chúng phải xòe tay ra đếm trước khi trả lời.

Những đứa trẻ 5 tuổi có cơ hội sử dụng máy tính thường thích các chương trình tương tác. Chúng có thể hiểu, áp dụng các luật chơi và nếu như mỗi lần trả lời đúng các câu hỏi liên quan đến kỹ năng đọc, viết và tính toán và được máy tính hiện ra câu chúc mừng hoặc khen ngợi chúng thì chúng rất thích thú. Trẻ 5 tuổi thích những chương trình cho phép chúng tự giải quyết vấn đề, để chúng tự sắp xếp các nhân vật trên màn hình rồi tạo ra một chuyện tưởng tượng riêng của chúng, và các chương trình hướng dẫn chúng vẽ, tô màu, làm thiệp sinh nhật và thiệp mời.

Trẻ ở độ tuổi này rất có thể tự lập kế hoạch vui chơi trước. Chúng chọn bạn bè tham gia trò chơi dựa trên tiêu chí cùng chung sở thích. Những đứa trẻ thích các trò chơi năng động sẽ chọn chơi các trò leo trèo, chạy và đuổi bắt, chơi bóng hoặc đua xe. Những đứa trẻ thích các trò chơi tĩnh hơn thì sẽ chơi cát, tìm côn trùng hoặc thằn lằn, chơi đóng kịch hoặc tụm lại trò chuyện với một đứa bạn khác.

Thứ bậc trong gia đình và tính cách của con – Phần cuối

Vì sao tính cách của các con tôi lại khác nhau đến thế? Làm sao để tôi có thể giúp con phát triển tốt nhất theo cách riêng của bé bây giờ? Hai câu hỏi lớn trên đây của các bậc cha mẹ dường như dẫn đến cùng một đầu mối…

>> Phần đầu: Con đầu – Con út

Con giữa

Một số ngôi sao là con giữa: Anne Hathaway, Joe Jonas, Owen Wilson…

Sức mạnh bẩm sinh

Con giữa thường thuộc dạng “gió chiều nào xuôi chiều ấy”. Khi một đứa em gái hay em trai ra đời, nó buộc phải học cách liên tục đàm phán và thỏa hiệp để có thể hòa hợp được với tất cả mọi người; vậy nên không có gì ngạc nhiên khi những đứa con giữa thường đạt điểm cao nhất trong số các anh chị em của mình trong bài kiểm tra về tính dễ chịu.

Vì ít được chú ý ở nhà nên con thứ cũng thường có những mối gắn kết rất chặt với bạn bè và ít gắn bó với gia đình hơn anh chị em của mình. “Chúng thường là người đầu tiên đi du lịch với gia đình khác hoặc ngủ lại nhà bạn,” tiến sĩ Linda Dunlap, giáo sư đại học Marist College, New York, cho biết. Tracie Chuisano, mẹ của 3 đứa trẻ đến từ Wilmington, Bắc California, cũng nhận thấy những điểm này ở con trai giữa của mình. “Tôi cho cháu ngủ lại nhà bạn ngay từ hồi mới lớp 2, dù thậm chí nghĩ rằng anh cháu vẫn còn quá nhỏ để làm điều đó.”

Những thử thách thường gặp

Con giữa đã là em bé của cả nhà cho đến khi bị “truất ngôi”. Thật không may là chúng thường nhận biết được rất tinh rằng mình ít được bố mẹ quan tâm bằng những “kẻ tiên phong” là các anh chị hay những đứa con út bé bỏng; chúng cảm thấy yêu cầu và mong muốn của mình bị lơ đi, cảm thấy mình không được đánh giá cao. Sự phàn nàn này không phải là không có cơ sở: một điều tra của trang TheBabyWebsite.com cho thấy 1/3 các bậc cha mẹ có 3 con thừa nhận họ ít chú ý đến đứa con giữa bằng con đầu hay con út.

Quả thật, là con thứ trong gia đình là một vị trí không dễ dàng chút nào. Cũng vì thế, chúng rất dễ bị “lạc” ra ngoài.

Vậy bố mẹ nên làm gì?

Hãy tìm cách giúp những đứa con thứ ra trước trung tâm chú ý. Điều phàn nàn lớn nhất thường gặp ở con giữa là chúng không được “lắng nghe” trong gia đình, nhưng chỉ cần những hành động rất đơn giản của mọi người, như để chúng chọn nhà hàng hoặc bộ phim mà cả nhà sẽ cùng đi, điều đó có thể có ý nghĩa rất lớn. “Rất nhiều lần, những đứa con thứ phải chiều theo ý của anh chị và em của mình,” tiến sĩ Maidenberg nói. Vì thế hãy làm thế nào để con cảm thấy được tôn trọng.

Các trường hợp đặc biệt

Chỉ một trên đời!

Bạn từng nghe nói con một khi lớn lên thường trở nên ích kỷ và lạc lõng với xã hội. Nhưng theo tiến sĩ Frank Sulloway, điều này không đúng, “Những đứa trẻ là con một có thể học  kỹ năng nhân bản từ cha mẹ và các bạn cùng lứa.” Thật ra, hầu hết con một khi lớn lên đều có những đặc điểm giống với con đầu lòng: tham vọng, ăn nói lưu loát; và vì có nhiều thời gian ở bên cha mẹ, con một cũng có thể tương tác thoải mái với người lớn.

Tuy nhiên, mặt trái của việc là con một đó là bé thường gặp phải một số khó khăn với bạn  cùng trang lứa. Vậy nên bố mẹ hãy bảo đảm cho con dành đủ thời gian chơi với bạn bè, hãy đăng ký cho con tham gia vào các sân chơi, đội nhóm thể thao hoặc các hoạt động có tổ chức khác, bạn nhé.

Hạnh phúc nhân đôi

Thậm chí ngay cả khi có các anh chị em khác thì các cặp sinh đôi (hay sinh ba, tư) thường cùng lớn lên như một thực thể đồng nhất – vì đó là cách người khác nhìn chúng. Trong cái thực thể ấy có sự phân định lớn nhỏ rõ ràng, đứa trẻ được sinh ra trước thường hành xử như anh chị lớn, trong khi đứa sinh sau sẽ có những tính cách như một đứa em; tuy vậy nói chung mọi người vẫn nhắc đến những đứa trẻ này là “cặp sinh đôi” chứ ít khi tách riêng ra. Điều ấy có thể là nguồn gốc của những khó khăn, rắc rối khi cặp sinh đôi này lớn lên và có những hướng đi riêng để khắc họa tính cách của mình.

"Zack" và "Cody"

Cặp sinh đôi "Zack" và "Cody" nổi tiếng (Ảnh: Internet)

Vì thế, hãy khuyến khích cặp sinh đôi của bạn phát triển đam mê của riêng chúng. Dù chúng thích làm mọi thứ cùng nhau nhưng hãy tạo điều kiện để mỗi đứa trẻ phát triển sở thích và tính cách riêng, điều này quan trọng lắm đấy, bạn à.

Thứ bậc trong gia đình và tính cách của con – Phần 1

(Webtretho) Vì sao tính cách của các con tôi lại khác nhau đến thế? Làm sao để tôi có thể giúp con phát triển tốt nhất theo cách riêng của bé bây giờ? Hai câu hỏi lớn trên đây của các bậc cha mẹ dường như dẫn đến cùng một đầu mối...

Nhưng trước tiên, hãy cùng chúng tôi lắng nghe chia sẻ của một bà mẹ 3 con, Elizabeth Moore:

Mỗi lần đi siêu thị về, Elizabeth luôn muốn các con ra giúp mang đồ vào nhà. Cậu cả Jake, 13 tuổi, luôn là người đầu tiên ra giúp mẹ trong khi cậu út 8 tuổi Sam luôn miệng phàn nàn gì đó. Và trong lúc ấy thì cậu giữa 10 tuổi, Ben, còn hiếm khi ra được khỏi nhà. “Ben cứ phải cắm cúi đi tìm giày, đến lúc tìm được rồi thì đồ cũng đã chuyển xong,” người mẹ đến từ New Jersey, Hoa Kỳ, nhận xét. “Tôi thật sự ngạc nhiên khi chúng lại có thể khác nhau nhiều đến vậy.”

Tại sao ba đứa trẻ cùng cha mẹ, cùng sống dưới một mái nhà, lại phát triển tính cách khác biệt như thế? Một nguyên nhân quan trọng có vẻ là thứ bậc trong gia đình. Các chuyên gia tin rằng thứ bậc của đứa trẻ trong gia đình có liên quan mật thiết đến những sở thích của chúng, điểm số chúng đạt được ở trường và số tiền chúng có thể kiếm được khi trưởng thành.

Tuy đây không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến việc đứa trẻ sẽ trở nên thế nào khi lớn lên, nhưng nếu nghĩ kỹ lại, ta có thể từ đó hiểu được thêm về tính cách của con mình, và giúp chúng thành công theo cách riêng của chúng.

Con đầu lòng

Brooklyn
Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng cậu bé Brooklyn Beckham đã tỏ ra rất chững chạc. (Ảnh: Internet)

Một số ngôi sao là con đầu lòng: Zac Efron, Beyoncé Knowles, Dakota Fanning...

Sức mạnh bẩm sinh.

Con đầu lòng thường là trung tâm của sự chú ý. Theo một nghiên cứu của đại học Brigham Young, Utah, Hoa Kỳ, thì con trưởng trong gia đình thường có ít nhất 3.000 giờ “chất lượng độc quyền” với bố mẹ nhiều hơn đứa em kế của mình. “Các bậc cha mẹ thường dành nhiều thời gian để đọc sách và giải thích mọi thứ cho con đầu lòng. Nhưng mọi chuyện không còn dễ dàng vậy nữa khi đứa con kế ra đời,” tiến sĩ Frank Farley, người đã có hàng thập niên nghiên cứu về nhân cách và sự phát triển của con người, cho biết. “Sự tập trung hoàn toàn đó có thể giải thích vì sao con đầu lòng thường có khuynh hướng vượt hơn mong đợi.”

Ngoài việc thường đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra IQ và được giáo dục nhiều hơn các em mình, con đầu lòng cũng có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn (theo điều tra của CareerBuilder.com, thu nhập chênh lệch có thể nhiều hơn 100.000$ mỗi năm)

Những thử thách thường gặp.

Thành công nào cũng có giá của nó, con đầu lòng thường có khuynh hướng thuộc về nhóm tính cách A - những người không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi. Theo Tiến sĩ Michelle P. Maidenberg, nhà tâm lý trị liệu ở New York, thì: “họ luôn có một nỗi sợ cực độ về thất bại, những gì đạt được không bao giờ là đủ với họ”. Và bởi vì luôn lo sợ mắc phải sai lầm, những đứa trẻ là con trưởng thường có xu hướng “hơi bị” nghiêm túc, cứng nhắc, không thích sự thay đổi và rất khó để chịu bước khỏi vùng an toàn của mình.

Thêm vào đó, vì luôn phải mang nhiều trách nhiệm ở nhà - dù là trong việc nhà hay trông em - con đầu lòng thường nhận trách nhiệm rất nhanh chóng (và có thể tỏ ra ít nhiều hống hách, áp đặt). Gánh nặng này có thể dẫn đến sự quá tải cho đứa trẻ vốn đã bị áp lực phải trở nên hoàn hảo. “Tôi phải liên tục nhắc Possy, đứa con gái 9 tuổi của mình, rằng tôi mới là mẹ, tôi mới là người phải lo cho mọi người khác,” Julie Cole, một bà mẹ sáu con đến từ Burlington Ontario, cho biết. “Tôi thực sự có thể tin tưởng con mình; không quá khó để trao trách nhiệm cho Possy nhưng tôi cũng không muốn bé trở nên quá già dặn.”

Vậy bố mẹ nên làm gì?

Con đầu lòng luôn nhận được lời động viên cho những thành công của mình, nhưng chúng cũng cần biết nếu không thành công thì cũng không sao cả. Hãy kể cho đứa con lớn của bạn nghe lúc bạn bị điểm kém, không đạt thành tích tốt khi thi đấu thể thao hoặc khi bị sa thải trong công việc đầu tiên - nói chung là bất kỳ tình huống nào mà bạn đã cố gắng rất nhiều nhưng mọi thứ không diễn ra như mong đợi; nhấn mạnh vì sao mọi thứ cuối cùng cũng vẫn ổn và bạn đã học được gì từ những sai lầm đó.

Hãy giúp bé hiểu rằng một vài thất bại không phải đồng nghĩa với mọi chuyện đã kết thúc, thậm chí đôi khi đó lại còn là điều tốt, bạn nhé.

Con út

Một số ngôi sao là con út: Cameon Diaz, Prince Harry, Blake Lively...

Sức mạnh bẩm sinh

Cruz
Trong khi đó cậu bé từng là út ít trong nhà, Cruz Beckham, luôn nổi bật với sự hiếu động của mình. (Ảnh: Internet)

Nhìn chung, con út thường không phải là đứa khỏe mạnh nhất cũng không thông minh nhất, vì thế chúng phải tự tạo ra cách để thu hút sự chú ý. Những đứa trẻ là con út thường dễ thương bẩm sinh với tính cách hướng ngoại và hòa đồng; chúng cũng thường có vị trí nổi bật nhờ tính ưa phiêu lưu của mình. Những đứa trẻ được sinh ra sau cùng trong gia đình thường có thái độ rất thoáng trước những trải nghiệm bất thường và thường liều lĩnh hơn các anh chị.

Những thử thách thường gặp.

Con út thường có cảm nhận “những việc mình làm không có gì quan trọng”. Hầu như mọi dấu mốc sáng ngời trong cuộc đời của một đứa trẻ - như biết nói tiếng đầu tiên, biết đọc chữ đầu tiên, biết đi xe đạp… - đều đã được không con trưởng thì cũng con thứ thực hiện. Vậy nên các bậc phụ huynh thường có xu hướng phản ứng kém hào hứng hơn trước những thành tựu của con út, thậm chí đôi lúc còn tự hỏi “sao mãi đến bây giờ mới biết…”

Bên cạnh đó, những đứa con út cũng thường “tự nhiên” học được cách lợi dụng vai trò ”em bé bỏng” để vận động người khác làm theo ý mình. Các bậc cha mẹ, anh chị thường tỏ ra chiều chuộng đứa em út, và kết quả: đây chính là đối tượng khó đưa vào khuôn khổ nhất!

Vậy bố mẹ nên làm gì?

Việc chiều chuộng quá mức về lâu về dài có thể dẫn đến hậu quả là bé sẽ trở nên phụ thuộc vào người khác và không sẵn sàng bước vào đời. Vì thế, đừng đánh giá con bạn quá thấp. Những đứa con út là thần trốn việc nhà và thường được cho là “quá nhỏ” để có thể tham gia phụ giúp gì đó; nhưng ngay cả một đứa bé 2 tuổi cũng đã có thể làm tốt các việc như dọn dẹp đồ chơi rồi (hãy nhớ lại xem bạn đã huấn luyện đứa con đầu của mình thế nào). “Hãy đặt ra vài quy định thích hợp mà tất cả, từ lớn đến nhỏ, đều phải tuân theo,” tiến sĩ Maidenberg khuyên. “Nếu không buộc được các con phải làm theo nội quy, bạn thật sự không thể nổi giận khi chúng vi phạm đâu.”

>> Mời xem tiếp: Con giữa & các trường hợp đặc biệt

6 bệnh di truyền thường gặp ở trẻ

(Webtretho) Đã bao lần bạn đặt cậu con trai bé nhỏ vào giường, nhìn ngắm bé ngủ và cố tìm ra những đặc điểm bé được kế thừa từ bố mẹ? Khuôn mặt trái tim, đôi mắt to, tóc xoăn của mẹ hay sống mũi cao và làn da bánh mật của bố? Nhiều phụ huynh thừa nhận rằng, có những em bé lúc nhỏ trông rất giống mẹ nhưng lớn lên lại mang nhiều nét giống bố hơn.

Ảnh: Images

Ngoài những đặc điểm về hình dáng, nét mặt thì trẻ con có thể được “thừa hưởng” những vấn đề về sức khỏe tương đối giống với bố mẹ mình: có bé dễ bị cảm sốt và nhức đầu giống hệt mẹ, có bé vô tình “thừa hưởng” bệnh chàm bội nhiễm của bố. Tất nhiên, nhiều căn bệnh kinh niên có thể di truyền qua nhiều thế hệ, nhưng cũng không hoàn toàn chắc chắn rằng mọi đứa trẻ đều mắc phải một trong những căn bệnh có trong lịch sử bệnh tật của gia đình. Các căn bệnh hay tình trạng sức khỏe của gia đình chỉ làm tăng nguy cơ cho em bé mà thôi.: “Thông thường, sự kết hợp của di truyền và tác động từ môi trường sống mới là nguyên nhân của căn bệnh”- Tiến sĩ nhi khoa Jennifer Shu thuộc bang Atlanta và là tác giả cuốn sách Heading Home With Your Newborn cho biết.

Bạn không thể biến đổi gen của con mình, nhưng bạn có thể bảo vệ con bạn bằng cách tìm hiểu các vấn đề sức khỏe của gia đình và ảnh hưởng của chúng đến các thế hệ sau này. Sau đây là những thông tin hữu ích có liên quan đến các vấn đề sức khỏe thường gặp để giúp bạn bảo vệ cho con mình một cách tốt hơn:

Vấn đề về thị giác

Các chuyên gia cho biết thị giác của trẻ tương đối giống với cha mẹ. Các bệnh về mắt cũng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Ảnh: Getty images

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Các chuyên gia cho biết, trên thực tế, thị giác của trẻ con tương đối giống với bố mẹ chúng. Cận thị, mù màu, chứng suy giảm khả năng nhìn thường có tính di truyền. Nếu cả bố và mẹ đều bị cận thị, nguy cơ bị cận thị của con là 25 -50%. “Chỉ có phụ nữ mới truyền gene mù màu cho con, nhưng bệnh mù màu lại thường xảy ra ở nam giới” – Tiến sĩ nhãn khoa Stuart Dankner ở Baltimore cho biết. Vì vậy, một người mẹ bị mù màu nếu sinh con trai thì có đến 50% nguy cơ cậu bé sẽ mắc bệnh này.

Dấu hiệu nhận biết: Nếu con bạn than phiền nhức đầu, thường xuyên nheo mắt hay chảy nước mắt, nhất là khi đọc sách, xem tivi hoặc  sau khi trải qua giờ học ở trường thì bạn cần phải đưa trẻ đi kiểm tra mắt. Trẻ nhỏ thường không nhận biết các vấn đề thị lực của mình cho đến khi bé đủ lớn và bắt đầu đi học, nhưng vấn đề này có thể được phát hiện sớm nhất vào khoảng thời gain bé được 3 tuổi. Crytal Smith đã phát hiện ra cậu con trai tên là Cameron của mình bị cận thị khi bé luôn cố nheo mắt để nhìn mọi vật. Ngay sau đó, Crytal Smith đưa con trai đi đo mắt và kết quả là bé phải đeo kính. Crytal cho biết bản thân anh và vợ, cũng như gia đình bên ngoại của Cameron hầu hết đều bị cận, nhưng anh không nghĩ rằng điều này lại xảy ra với con mình sớm đến như vậy.

Chứng suy giảm khả năng nhìn thường rất khó phát hiện trong vòng 1 năm đầu, trừ khi bác sĩ khám và chẩn đoán. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này ở trẻ sơ sinh – vì hầu hết chúng  sẽ hết sau vài tháng; nếu bạn nhận thấy rằng các vấn đề này vẫn không hề giảm bớt thì có thể lên kế hoạch cho một cuộc kiểm tra mắt cho bé. Đối với bệnh mù màu thì phụ huynh có thể nhận biết khi bé được khoảng 5 tuổi.

Lời khuyên cho phụ huynh: Bạn nên đưa em bé đến khám tại bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ nhi khoa khi bé được 1 tuổi. Điều này đặc biệt quan trọng nếu lịch sử gia đình bạn có nhiều người phải đeo kính ngay từ nhỏ, hoặc bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy nghi ngờ rằng con mình đang bị suy giảm khả năng nhìn. Phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về thị lực có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn và đồng thời còn bảo vệ được thị giác của bé một cách tốt nhất. Đối với những trường hợp bị suy giảm khả năng nhìn, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy giảm thị giác nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng không nhìn thấy gì.

Chàm bội nhiễm

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Tỷ lệ này là 50 -50, tương tự như các trường hợp dị ứng. Điều đó khiến nhiều người có cảm giác rằng chàm bội nhiễm thực sự là một loại phản ứng dị ứng. Loại bệnh này có thể khiến nhiều phụ huynh ngạc nhiên vì con của họ mắc bệnh trong khi cả hai vợ chồng họ đều không có ai mắc bệnh này. Tiến sĩ Howard Saal – giám đốc di truyền học lâm sàng tại Cincinnati Children's Hospital Medical Center cho biết: “Các loại bệnh dị ứng này thường có tính được truyền lại, không phải là dị ứng cụ thể”. Tuy nhiên, chàm bội nhiễm còn có thể bị gây ra bởi một vài nguyên nhân khác như: thời tiết lạnh, khô, điều này tương tự như các dị ứng xảy ra với các thực phẩm từ sữa và trứng.  Ngoài ra, các chuyên gia còn nói thêm rằng, stress cũng có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Theo các nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Munich – Đức: những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn hay ly thân thường tăng gấp 3 lần nguy cơ  bị chàm bội nhiễm trong vòng hai năm sau đó.

Dấu hiệu nhận biết: Chàm bội nhiễm thường dễ bị bỏ qua. Dấu hiệu dễ dàng nhận biết ở các bé bị chàm bội nhiễm là da khô, ngứa hoặc đỏ, nổi lên từng mảng đỏ bên má, bên trong khủy tay, lưng và đầu gối. Khi bệnh nặng hoặc khi con bạn bị trầy xước, lở da thì có thể sinh ra nhiều mủ. Các biểu hiện dị ứng trên da có thể xuất hiện ngay cả khi em bé còn rất nhỏ.

Lời khuyên cho phụ huynh: Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tình trạng này, hãy đưa con bạn đến bác sĩ khám và điều trị định kỳ để bệnh không phát triển thêm. Thông thường, bạn có thể sử dụng các loại dung dịch bôi da (nên lựa chọn loại không có màu, không mùi hương) theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giảm ngứa và điều trị bệnh hiệu quả. Nếu trẻ bị trầy xước dẫn đến nhiễm trùng, bác sĩ có thể cung cấp một ít thuốc kháng sinh.

Chứng đau nửa đầu

Phụ huynh bị đau đầu do suy nhược thần kinh thì con cái cũng có 50% di truyền bệnh này. Ảnh: Getty images.

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Những vấn đề về đau đầu do suy nhược của phụ huynh thường truyền sang cho con cái với tỷ lệ 50%  và có thể cao hơn nếu cả bố và mẹ đều bị tình trạng này.

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng thường gặp bao gồm một vài cơn đau dữ dội (ở trước đầu), buồn nôn hoặc ói mửa, và nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh. Chứng đau nửa đầu thường thể hiện rõ khi trẻ bước vào 8 tuổi, nhưng một vài trường hợp có thể được phát hiện sớm hơn. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, các cơn đau đầu này thường gắn liền với các biểu hiện say sóng khi đi tàu xe.

Lời khuyên cho phụ huynh: Quan sát và ghi lại cụ thể những triệu chứng cho thấy con bạn bị đau nửa đầu – tốt nhất là ghi một cuốn nhật ký theo dõi các hoạt động của trẻ, các món ăn trẻ đã dùng và những triệu chứng đau đầu diễn ra như thế nào, vào thời điểm nào. Những biểu hiện thường thấy của bệnh này bao gồm mệt mỏi, đuối sức, thay đổi thói quen ăn uống (bé có xu hướng thích ăn các thực phẩm giàu chất béo và caffeine). May mắn thay, bệnh nhức đầu của trẻ có thể được thuyên giảm bằng cách đi ngủ hoặc uống  acetaminophen hoặc ibuprofen. Nếu việc điều trị với bác sĩ nhi khoa không mang lại kết quả tốt, bạn có thể tìm đến một chuyên gia về thần kinh trẻ em.

Những cơn đau đầu này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của con bạn. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em bị nhức đầu thường xuyên hoặc nghiêm trọng thường không kiểm soát tốt về cảm xúc, hành vi và cách cư xử so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Điều này không khó để giải thích: tính khí một đứa trẻ vốn khó nắm bắt, nói gì đến trường hợp bé còn bị các cơn đau làm cho mệt mỏi và khó chịu.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Cha mẹ bị hội chứng ruột kích thích thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 lần. Ảnh: Internet

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Có. Theo nghiên cứu của Đại học Syney, Úc thì con cái của những người bị hội chứng ruột kích thích thường có nguy cơ bị các triệu chứng này cao gấp 2 lần. Tiến sĩ Dan Levy – trợ lý của một giáo sư nhi khoa tại Đại học Y Dược Maryland cho biết: “Triệu chứng thường gặp ở những đứa trẻ có cha hoặc mẹ bị IBS là bị đau bụng và thậm chí là trào ngược sữa và thức ăn”.

Dấu hiệu nhận biết: Các triệu chứng cổ điển nhất là đau bụng thường xuyên, kèm với táo bón hoặc tiêu chảy. IBS thường xuất hiện trong thời gian trẻ đến tuổi đi học, nhưng bạn có thể nhận biết sớm hơn khi trẻ thường xuyên bị đau bụng từ trước đó.Tiến sĩ Tanya Remer Altmann, tác giả cuốn sách  Mommy Calls còn cho biết thêm rằng: “Những đứa trẻ này thường có những biểu hiện cảm xúc và tâm lý phức tạp”. Các bé cũng không thích tham gia vào các hoạt động mà lẽ ra lứa tuổi bé phải thích thú, kể cả việc đi học và tham dự những buổi tiệc sôi động.

Lời khuyên cho phụ huynh: Nếu bạn nghi ngờ con mình bị IBS, hãy đưa trẻ đến bác sĩ. “IBS có thể được phát hiện thông qua một chẩn đoán loại trừ” – Tiến sĩ Altmann cho biết. “Các bác sĩ thường nghi ngờ đến những trường hợp nghiêm trọng hơn, như bệnh viêm ruột”. Nếu có nhiều dấu hiệu cho thấy đó là IBS, bạn có thể kiểm soát được chúng bằng cách thay đổi lối sống. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ phải tránh một số loại thực phẩm có thể gây kích ứng, bổ sung các thực phẩm có nhiều thành phần probiotics (một loại vi khuẩn lành mạnh có nhiều trong sữa chua). Ngoài ra, các liệu pháp giúp kiểm soát stress, điển hình là yoga cũng có tác dụng tích cực trong việc điều trị bệnh.

Dị ứng

Khả năng con trẻ có bệnh dị ứng là 50 - 50 nếu cha hoặc mẹ cũng bị bệnh này. Ảnh: Getty images

Liệu trẻ có thể bị di truyền từ bố mẹ? Nếu vợ chồng bạn có một người bị dị ứng thì có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh của con bạn là 50 -50. Nếu cả hai cùng bị dị ứng thì nguy cơ bị bệnh của trẻ sẽ càng lớn hơn rất nhiều. Thế nhưng, bạn đừng nghĩ rằng con mình sẽ bị dị ứng với những thứ giống như bạn. Sự di truyền này chỉ là dị ứng mẫn cảm và có thể biểu hiện bằng rất nhiều trường hợp khác nhau.

Dấu hiệu nhận biết: Cảm lạnh thường xuyên, viêm xoang hay nhiễm trùng tai, thường xuyên sổ mũi, nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của dị ứng. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm như ngứa mắt, nổi mẩn, phát ban, thở khò khè, ho mãn tính -  có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn nhưng cũng có thể là lời cảnh báo lớn nhất cho thấy con bạn bị dị ứng.

Lời khuyên cho phụ huynh: Nếu bạn phát hiện ra con mình xuất hiện một trong các triệu chứng trên – thường là các bé từ 3 đến 5 tuổi – hãy thông báo điều đó với bác sĩ. Đối với những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc kháng  histamin, sử dụng thuốc nhỏ mũi theo trình tự phù hợp. Nếu con bạn có những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu để xác định bệnh. Nếu cần thiết,  trẻ có thể được chích ngừa dị ứng, chẳng hạn như liệu pháp miễn dịch cũng có tác dụng tốt trong trường hợp này. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào sự lựa chọn phương pháp điều trị của gia đình bạn.

Diane Umansky, một người mẹ của ba đứa trẻ ở New York đã chia sẻ: “Tôi bị dị ứng khá nặng, và một vài năm trước, tôi bắt đầu phát hiện ra cậu con trai nhỏ nhất của mình mới vừa 6 tuổi có vẻ mệt mỏi và khó chịu do dị ứng. Bác sĩ đã khuyên chúng tôi nên cho cháu sử dụng thuốc kháng histamin, nhưng vợ chồng tôi đã cố gắng cải thiện tình trạng của cháu thông qua việc điều chỉnh giấc ngủ. Cuối cùng, cậu bé đã giảm hẳn dị ứng với máy hút bụi”.

Các vấn đề về cảm xúc

Về vấn đề tâm lý, cũng có nhiều khả năng trẻ chịu di truyền từ cha mẹ. Ảnh: Images

Ngoài những tình trạng về thể chất, trẻ còn có nhiều khả năng thừa hưởng một số vấn đề về tâm lý, tình cảm từ bố mẹ. Đặc biệt, các hội chứng như rối loạn tăng động và giảm chú ý, rối loạn lo âu, bao gồm cả trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có tính di truyền mạnh mẽ.

Nhiều người cảm thấy thật khó để tiết lộ các vấn đề về sức khỏe tâm lý của mình với bác sĩ, nhưng đây chính là điều quan trọng và cần thiết mà bạn không nên giấu giếm. Như vậy, nếu con bạn có những biểu hiện bất thường về cảm xúc như buồn rầu không rõ nguyên do, khó chịu, lo lắng, không tập trung hoặc biếng ăn, khó ngủ, không hứng thú với mọi thứ xung quanh, bác sĩ có thể căn cứ vào điều này và dựa trên những thông tin về bệnh của bố mẹ để đưa ra kết luận chính xác và nhanh nhất.