Lưu trữ cho từ khóa: 5 tháng tuổi

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ năm

(Webtretho) Con yêu bắt đầu học cách giao tiếp bằng "ngôn ngữ"; dù là tiếng cười khanh khách hay tiếng phun nước bọt phì phì thì bố mẹ cũng cố gắng ghi nhớ nhé, vì đó có thể là cách con đang cố cho bạn hiểu được nhu cầu của bé đấy. Đồng thời đến lúc này, bố mẹ cũng hãy để ý đến những biểu hiện của con để quyết định chuyện cho bé ăn dặm thêm nữa nhé.

Phun phì phì

webtretho_con bắt đầu tạo âm thanh để giao tiếp

Bé bắt đầu tập giao tiếp bằng "ngôn ngữ" (Ảnh: Inmagine)

Bé đã khám phá ra cách dùng môi và lưỡi để tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Có thể những âm thanh bé tạo bằng cách này làm bạn thấy buồn cười,  nhưng đừng đánh giá thấp, chúng chính là “tiền thân” của ngôn ngữ và giao tiếp về sau đấy. Phát hiện mới này khiến con thích thú và cứ lặp đi lặp lại, vậy nên bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh con yêu phun nước bọt phì phì, thậm chí cả khi ăn hoặc uống nước. Bé đang luyện tập đấy mà!

Nuôi dưỡng khiếu hài hước

Một loại âm thanh đáng yêu khác của bé ở giai đoạn này chính là tiếng cười đầu tiên của bé - thứ quý giá mà bố mẹ nào cũng muốn được nghe thật nhiều lần. Để được như vậy, tốt nhất bạn hãy dành thời gian để cùng con đùa giỡn, và nếu con nghĩ bạn hoặc bé vừa làm một điều gì đó buồn cười, hãy cười với bé. Bé cũng sẽ cười khanh khách mỗi khi được bố mẹ dùng những đầu ngón tay cù cù vào bụng cùng những tiếng nựng nịu vô nghĩa quen thuộc của người lớn khi chơi đùa với trẻ con.

Bé có cười khi thấy bạn hắt xì không? Có lẽ do thấy âm thanh và nét mặt lúc bạn hắt xì buồn cười quá đấy mà. Hơn nữa, nếu thử lặp lại âm thanh khi bạn hắt-xì, “Haa.. chuu..”, bạn có thể thấy nó gần giống với tiếng “Agu” mà bé hay nói. Khi con “agu, agu” bố mẹ cũng hãy “agu” lại với bé, được chú ý như vậy sẽ khiến bé rất thích và nghĩ rằng mình đang có một cuộc trò chuyện quan trọng. Cố gắng hiểu và ghi nhớ các âm thanh đặc biệt mà bé “nói” mỗi khi  đói, mệt, hay muốn chơi. Đây là các âm thanh rất quan trọng mà con học để cho bạn hiểu bé đang cần gì.

Phát triển thể chất

Ở giai đoạn này nhiều bé thích ngồi vì ở tư thế thuận lợi này, bé có thể nhìn thấy được cơ thể của mình và cả nhiều thứ xung quanh nữa. Bé cũng có thể khom lưng và chống hai tay phía trước để cố nhấc người lên, càng ngày bé sẽ càng khỏe hơn mà. Thỉnh thoảng bé còn có thể ngồi thẳng hoặc thả một tay ra để với lấy đồ chơi, vậy nên để cẩn thận, bạn nên chặn gối xung quanh con phòng khi bé ngã. Nếu có bố mẹ ngồi bên cạnh nữa thì bé sẽ càng thích vì: "a, mình có thể ngồi giống như bố mẹ này!"

Giờ bé cũng đã sẵn sàng ngồi ghế ăn để ăn cùng với gia đình. Đây là một cột mốc quan trọng khiến bé cảm thấy mình là một thành viên của gia đình.

webtretho_con học uống nước từ ly

Con thích được ngồi ghế ăn và uống nước bằng ly như người lớn (Ảnh: Inmagine)

Nếu con thích ngồi ghế ăn, bạn có thể đưa cho bé một cái ly mút (loại ly có nắp đậy với một chỗ nhô ra để bé ngậm và mút nước trong ly). Bạn cho con cái ly nhỏ thôi và có tay cầm để bé có thể dễ dàng cầm được, dẫu vậy ban đầu cũng hãy chuẩn bị tinh thần sẵn là bé sẽ còn vụng về nên thường làm đổ nước ướt cả áo quần. Và cẩn thận bởi vì đồng thời với việc bé học được cách uống nước từ ly thì bé cũng sẽ học được cách ném ly xuống đất để tạo ra âm thanh mới nữa đấy.

Cho bé ăn dặm

Khi con được 4 đến 6 tháng, nhiều phụ huynh bắt đầu băn khoăn về việc cho bé ăn dặm. Mà các con cũng chẳng chịu giống nhau cơ, trong khi một số rất tò mò mỗi khi thấy ba mẹ ăn  thì một số lại tỏ ra hoàn toàn hài lòng với việc bú mẹ và chẳng quan tâm gì đến thức ăn. Thật ra không có một thời điểm chuẩn nào cho việc này cả; và bạn cũng không cần quá lo lắng vì các bác sĩ nhi khoa cho rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đầy đủ các dưỡng chất mà bé từ sơ sinh đến 9 tháng tuổi cần đến rồi.

Tuy vậy hãy để ý những dấu hiệu ở con để sẵn sàng cung cấp thêm dinh dưỡng cho con vào đúng thời điểm. Thứ nhất, bé có quan tâm không? Nhiều bé ở giai đoạn này rất thích nhìn các món mà bố mẹ chúng ăn, thích chạm vào chén đĩa, bốc đồ ăn, ngắm nghía và còn thử bỏ vào miệng nữa. Ngoài ra còn một số dấu hiệu về mặt giải phẫu học cho thấy bé đã sẵn sàng:

- Bé có thể giữ đầu vững. Nếu bạn còn nghi ngờ về khả năng này của con thì khoan hãy cho bé ăn dặm.

- Bạn có thể nhận thấy ở con có phản xạ dùng lưỡi đẩy thức ăn ra - phản xạ này giúp bảo vệ bé tránh khỏi việc bị hóc, nghẹn, và thường biến mất khi bé được khoảng 4 đến 6 tháng tuổi.

- Bé phải học được kỹ năng đưa thức ăn vào sâu trong miệng để nuốt.

- Môi dưới của bé phải biết phối hợp để lấy thức ăn khỏi muỗng.

- Ruột của bé phải đủ trưởng thành để tiêu hóa được thức ăn rắn, nghĩa là nó có thể sản xuất ra các enzyme tiêu hóa nhất định để tiêu hóa thức ăn.

Khi nhận thấy con đã sẵn sàng, bạn hãy chọn những loại thực phẩm đề nghị dành cho bé mới tập ăn dặm, có thể tán mịn, có mùi vị dễ chịu và dễ tiêu hóa. Thường các bà mẹ hay cho con bắt đầu ăn dặm với bột ngũ cốc trộn sữa. Một số loại thực phẩm phổ biến khác là chuối, bí đỏ, khoai lang, táo, lê, cà rốt (bạn có thể tự nghiền hoặc mua loại làm sẵn). Theo dõi phản ứng của bé với những loại thực phẩm này. Nếu nhè thức ăn ra nghĩa là bé chưa sẵn sàng ăn dặm đâu, nhưng “đầu bếp mẹ” đừng quá lo lắng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi “thực khách bé” sẽ cầm menu gọi món cho mà xem.

webtretho_cho con ăn dặm

Để ý đến những biểu hiện của con để quyết định việc cho con ăn dặm (Ảnh: Inmagine)

Ngoài việc ăn, bé còn thích khám phá thức ăn. Bé có thể dùng ngón tay, cả bàn tay để cảm nhận thức ăn và cho vào miệng - đây là một phần rất bình thường trong quá trình phát triển của bé, giúp bé làm chủ được kỹ năng dùng ngón tay bốc thức ăn. Cho bé khám phá thức ăn ở mức độ nào, trong bao lâu là tùy bạn. Lời khuyên của chúng tôi: đeo yếm cho bé và cho bé thỏa sức khám phá thức ăn, xong xuôi thì rửa ráy cho bé. Chúc bé ngon miệng!

Ăn dặm và tất cả những gì bạn cần biết – Phần 1

(Webtretho) Trong những tháng đầu đời, toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của con bạn đều được sữa mẹ hoặc sữa bình đáp ứng đầy đủ. Khi bé lớn dần lên, nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng trở nên phức tạp. Đối với rất nhiều bà mẹ, thời kỳ cai sữa này khiến họ hết sức mệt mỏi và lúng túng, nhưng với kiến thức đúng đắn và một chút kiên trì, mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái cả.

Khi nào con tôi sẵn sàng cho thức ăn khác ngoài sữa?

Tổ chức Y tế Thế giới khuyên rằng chỉ nên cho con ăn thức ăn thô sớm nhất là 4 tháng tuổi và trễ nhất là 6 tháng tuổi. Đó là bởi vì trước 4 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của con bạn chưa thực sự sẵn sàng để xử lý thức ăn thô, và các phản xạ nguyên thủy có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi nuốt. Cho con ăn thức ăn đặc sớm quá cũng có thể khiến bé bị dị ứng thức ăn.

Sau 6 tháng tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của con bạn trở nên phức tạp hơn, và chỉ sữa mẹ hay sữa bình không đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể đang lớn lên rất nhanh. Nếu bạn không bắt đầu cho con ăn thức ăn đặc lúc 6 tháng tuổi, bạn có thể gặp vấn đề khi cho con ăn vì bé sẽ không chịu ăn các loại thức ăn. Nếm thử những mùi vị và dạng thức ăn mới cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.

Webtretho - Cho bé ăn dặm

Giai đoạn cai sữa và ăn dặm bắt đầu khi bé được từ 4-6 tháng tuổi - Ảnh: Inmagine

Ngoài độ tuổi, bạn cũng có thể biết được con mình đã sẵn sàng cho thức ăn đặc dựa trên những dấu hiệu sau:

  • Bé có thể ngồi không cần tựa và kiểm soát tốt đầu cổ.
  • Bé đưa tay với lấy đồ vật cho vào miệng
  • Bé tỏ ra hiếu kỳ với những gì bạn ăn, thậm chí còn nhép miệng làm động tác nhai
  • Bé tăng cân không đều như trước hoặc sụt cân vì cơ thể sử dụng nhiều calorie mà một mình sữa không thể cung cấp đủ.
  • Sữa dường như không thể làm bé no, và bé đòi ăn nhiều hơn

Cũng cần lưu ý rằng bắt đầu cho con ăn thức ăn đặc với mục đích khiến bé ngủ suốt đêm không phải là ý hay. Thay vì khuyến khích thói quen ngủ đúng giờ, việc này có thể phản tác dụng.

Bắt đầu cho con ăn dặm như thế nào?

Đây là một trải nghiệm mới cho cả bạn và bé, nghe ra thì vất vả nhưng có thể sẽ rất vui. Hãy đảm bảo cả hai mẹ con đều đồng thuận khi lần đầu cho bé ăn thức ăn. Hãy làm điều đó khi con bạn bình tĩnh thoải mái và tỉnh táo. Sẽ mất vài ngày bé mới quen nuốt thức ăn đặc, và những bữa ăn đặc đầu tiên của bé đúng thật là một thí nghiệm với những dạng và mùi vị mới – bạn dọn dẹp thì nhiều mà cho con ăn chẳng được bao nhiêu.

Webtretho - Bột dặm trái cây

Cho bé ăn dặm bằng trái cây trước có thể gây khó khăn khi tập cho bé ăn rau sau này - Ảnh: Inmagine

Bữa trưa là thời điểm tốt nhất để tập cho con bạn làm quen với thức ăn đặc, vì bạn có thời gian dành cho bé. Hãy cho bé uống chút sữa cho bớt đói, rồi thử cho ăn chút thức ăn đặc. Những thức ăn đầu đời của con bạn cần phải mềm và dễ tiêu. Trong những bữa đầu tiên, cố gắng giữ cho dạng thức ăn gần giống như sữa mà bé đã quen uống. Vì vậy, nên bắt đầu cho con ăn những món như bột lỏng hay bột ngũ cốc sơ sinh pha chút sữa mẹ hay sữa bình. Pha trộn theo hướng dẫn cho đến khi tạo thành một mỗi hợp lỏng sền sệt và đút cho bé ăn từng chút một. Khi bé đã quen, hãy thử cho bé ăn nhiều ngũ cốc hơn và pha hỗn hợp đặc dần lên theo thời gian.

Bạn cũng có thể bắt đầu với rau củ và dần dần lên sinh tố trái cây, hãy nhớ đảm bảo cho hỗn hợp đủ lỏng trong thời gian con bạn làm quen với món ăn mới. Trái cây ngọt hơn rau củ, vì vậy nếu cho bé ăn trái cây trước khi ăn rau củ, con bạn có thể trở nên thích trái cây hơn rau và bạn sẽ rất khó bắt con ăn rau sau này.

Những món rau củ và trái cây thường được chọn bao gồm: khoai lang, bí  đỏ, cà rốt, chuối, táo và lê. Hãy bắt đầu với các loại rau củ có màu cam trước khi tiến đến các loại có màu xanh đậm. Bạn cũng có thể cho sữa vào sinh tố để đặt độ lỏng cần thiết. Khi con bạn đã chịu ăn cháo bột hay ngô dằm sữa, hãy chuyển sang rau củ nghiền rồi sinh tố trái cây.

(Còn tiếp)

Thành lập hội Chu sinh – sơ sinh tại TP.HCM

Tử vong sơ sinh của Việt Nam hiện vẫn còn là một nhóm tử vong hàng đầu tại bệnh viện, chiếm đến trên 30% tổng số tử vong trẻ dưới 15 tuổi. Do đó, việc thành lập hội Chu sinh và sơ sinh TP.HCM là một việc làm vô cùng quan trọng để chăm sóc, điều trị, theo dõi sức khỏe của trẻ trong thời kỳ chu sinh và sơ sinh (từ 5 tháng tuổi thai trước sinh đến một tháng tuổi sau sinh).

Trẻ em cần nhận được mọi sự chăm sóc tốt nhất (ảnh minh hoạ). Ảnh: M.E.O

Ngày 12.1, đại hội thành lập hội Chu Sinh – sơ sinh TP.HCM được diễn ra tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Hội Chu sinh và sơ sinh TP.HCM là hội viên của hội Y học TP.HCM, được chính thức thành lập ngày 1.12.2010, với số thành viên tự nguyện đăng ký tham gia hội hiện nay đã gần 300 bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng ở cả hai lĩnh vực sản và sơ sinh. Trụ sở của hội được đặt tại phòng huấn luyện của khoa sơ sinh, lầu 1, khu A, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, do PGS.TS.BS.Ngô Minh Xuân, trưởng khoa sinh sản bệnh viện Từ Dũ làm chủ tịch.

Ths.BS Đỗ Văn Niệm, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp-bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết: Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng nhập viện sơ sinh tuy không quá lớn về số lượng, nhưng lại chiếm tỉ trọng đáng kể về số giường bệnh do thời gian nằm viện kéo dài, và hiện tại nó vẫn còn là một nguyên nhân tử vong quan trọng. Một nghiên cứu ở bệnh viện Nhi Đồng 1, cho thấy, ba nhóm bệnh lý chu sinh, nhiễm trùng hô hấp cấp và dị tật bẩm sinh chiếm trên 80% các trường hợp nhập viện và tử vong. Đây là 3 nhóm bệnh cần tập trung đầu tư nguồn lực điều trị nhằm cải thiện tỉ lệ tử vong.

Bé bú bao nhiêu là đủ?

Nhiều người mẹ thắc mắc không biết nên cho bé bú bao nhiêu là đủ?, làm thế nào để biết bé đã bú đủ, bú no hay chưa?

Con trai tôi 5 tháng tuổi, nặng 6,2 kg, cao 64 cm, lúc sinh nặng 3,4 kg. Tháng thứ tư, bé không tăng ký, tháng thứ năm tăng được 200g. Vì tôi bị mất sữa, nên bé bú sữa ngoài từ tháng thứ tư. Lúc thức, bé không chịu bú, chỉ bú lúc ngủ, mỗi ngày 5-6 bình sữa 90 ml, và một bữa ăn dặm.

Xin hỏi bác sĩ, bé có bị suy dinh dưỡng không? Làm sao để bé bú nhiều, tăng cân, chóng lớn. (Một bạn đọc)

- Trả lời:

Dưới đây là giới hạn bình thường các số cân đo cho bé trai 5 tháng tuổi theo chuẩn quốc tế để bạn so sánh:

Nhịp phát triển tốt về số cân nặng thì miễn sao lúc 4-5 tháng được gấp 2 số cân lúc sinh và khi đầy năm (12 tháng) gấp 3 số cân lúc sinh.

Bạn nên cho bé đi theo dõi sức khỏe hàng tháng tại một cơ sở y tế. Nếu ở TP.HCM, có thể đưa bé đến Phòng khám Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 hoặc Trung tâm Dinh Dưỡng TP.HCM để được theo dõi, tư vấn, hướng dẫn cách nuôi bé theo hướng sau đây:

- Nhiều người mẹ thắc mắc không biết nên cho bé bú bao nhiêu là đủ:

Trung bình ngay sau sinh, cứ 2 – 3 tiếng em bé cần bú khoảng 45 - 90 ml sữa/mỗi cữ bú. Thời gian sau, càng tăng cân, thì lượng sữa bé bú được mỗi cữ cũng tăng lên.

Vào 2 tháng tuổi, lượng sữa bé bú được mỗi lần đạt tới 120 - 150 ml/cữ và cứ 3 – 4 tiếng lại tới cữ cho bú.

Khi được 4 tháng, em bé có thể bú được 120 - 180 ml/cữ , tùy theo nhịp độ cho bú và số cân nặng em bé.

Khi được 6 tháng, lượng sữa bé bú trong 24 tiếng có thể lên tới 720 - 950 ml. Lượng sữa này còn tùy theo việc bạn đã tập cho bé làm quen với thức ăn dặm nào chưa?

Theo BS Nguyễn Lân-Đính

Chuyên viên dinh dưỡng

giadinh.net

Để bé luôn khỏe mạnh – Từ 4-6 tháng tuổi

(Webtretho) Trong năm đầu đời của bé, có rất nhiều vấn đề bố mẹ phải đặc biệt quan tâm, vì đây chính là nền tảng để bé phát triển về thể chất và tâm sinh lý toàn diện về lâu dài. Ngoài những mốc phát triển tâm sinh lý quan trọng, đâu là các vấn để và nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe của bé trong năm đầu đời?

Phần 1: Bé từ 4-5 tháng tuổi

Thời điểm 4 tháng tuổi

  • tiêm chủng

    Ảnh: Inmagine

    Đây là giai đoạn cuối trong lịch trình tiêm chủng cho bé. Giống như những tháng trước đó, bé sẽ cần hai lần tiêm chủng, mỗi lần ở một cánh tay để bảo vệ bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib (một loại vi sinh vật có thể gây bệnh nghiêm trọng) và viêm màng não C. Bé cũng sẽ được nhỏ vắc xin ngừa bại liệt.

  • Rất ít trẻ sơ sinh có thể tránh được tình trạng hăm tã. Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách thường xuyên thay tã cho bé ngay khi bạn nghĩ tã bị bẩn. Nếu bé có dấu hiệu bị đau rát ở mông thì nên để mông bé thoáng khoảng 15 phút trong thời gian thay tã. Thực hiện điều này khoảng 3 lần mỗi ngày cho đến khi bé đỡ bị đau rát, cùng với việc sử dụng kem chống hăm trước khi cho bé mặc tấm tã tiếp theo. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn thấy tình trạng hăm của bé có vẻ nghiêm trọng.
  • “Dính mắt” là triệu chứng thường gặp ở các bé nhỏ tháng, nguyên nhân là do các tuyến lệ chưa được hoàn thiện cho đến khi bé được 6 tháng. “Dính mắt” khiến bé cảm thấy khó chịu vì dường như hai mí mắt cứ lúc nào cũng muốn dính vào nhau. Trong trường hợp này, bạn nên làm sạch đôi mắt của bé bằng bông gòn và làm dịu đôi mắt bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng từ gốc mắt ra phía ngoài. Nếu các triệu chứng vẫn thuyên giảm, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ vì có thể bé đã bị viêm kết mạc và cần điều trị.


Thời điểm 5 tháng tuổi

  • Sẽ là bình thường nếu một em bé khoảng 2 hoặc 3 tháng tuổi đôi lúc nhìn có vẻ như bị lác mắt, nhưng nếu đến 5 tháng tuổi mà bạn vẫn còn thấy dấu hiệu này thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra. Nếu bé bị lác mắt thì cần được điều trị đúng cách để tầm nhìn lâu dài của bé không bị ảnh hưởng.

    Ảnh: Inmagine

  • Eczêma là một loại bệnh da liễu rất phổ biến, và nó thường xảy ra với các bé sau 4 tháng tuổi. Căn bệnh này sẽ khiến em bé của bạn bị ngứa da, vì vậy bạn sẽ thấy bé đưa tay gãi, hoặc thấy những vết trầy xước hoặc những vết thương đã liền da từ những vết sẹo mà bé đã gãi. Những vết trầy xước này rất dễ nhiễm trùng, chảy nước và khiến bé bị đau. Tránh để da bé tiếp xúc với xà phòng, kể cả quần áo của bé cũng chỉ nên được giặt bằng chất tẩy nhẹ.
  • Em bé của bạn bắt đầu vận động, vì vậy đây là thời điểm thích hợp để bạn bố trí lại các vật dụng trong nhà mình sao cho an toàn. Hãy quan sát mọi thứ xung quanh và xem có vật gì có thể gây nguy hiểm cho con bạn không. Chẳng hạn, bạn nên tìm xem có chiếc tủ nào bé có thể mở được, những vật bé có thể kéo xuống và những lỗ mà bé có thể thọc tay vào


Thời điểm 6 tháng tuổi

  • Khi bạn cho bé thử những món ăn mới phù hợp, phân của bé sẽ có sự thay đổi. Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy một ít phân đen nếu ngày hôm trước bạn cho bé ăn một quả chuối – điều này là hoàn toàn bình thường. Bé cần được uống nước trong khi ăn, nhưng hãy cho bé uống bằng ly thay vì bằng chai.
    ăn dặm
    Ảnh: Inmagine
  • Có thể bé sẽ không bị cảm lạnh trong mùa đông đầu tiên của cuộc đời mình, nhưng nếu bé có dấu hiệu bị sốt thì bạn nên cho bé uống một liều paracetamol dành riêng cho trẻ sơ sinh (tất nhiên là tuân theo chỉ dẫn một cách cẩn trọng). Nếu bé sốt cao hơn 38,2 ˚C và không có dấu hiệu giảm xuống, hãy liên hệ với bác sĩ. Cử chỉ và hành động của bé cũng có thể phản ánh tình trạng của bé giống như kết quả từ nhiệt kế. Nếu bé có vẻ lơ đãng, mệt mỏi, không chịu ăn uống, hoặc có những dấu hiệu khác với bình thường thì bạn nên khẩn trương đưa bé đến bác sĩ. Lúc này tình trạng của bé có vẻ nghiêm trọng, nhưng mọi chuyện có thể sẽ thay đổi rất nhanh sau đó.
  • Trong giai đoạn này bé đã biết ăn dặm nên bạn cần đề phòng nhiễm khuẩn dạ dày cho bé bằng cách rửa tay thật sạch trước khi chế biến thức ăn cho bé. Nếu bé bị tiêu chảy, hãy tăng cường cung cấp lượng nước uống và hãy đưa bé đến bác sĩ nếu bạn lo lắng bé đang có dấu hiệu mất nước.


Xem tiếp:

>> Phần 2: Bé từ 7-9 tháng tuổi

>> Phần 3: Bé từ 10-12 tháng tuổi

Khi nào cho bé ăn phô mai, sữa chua?

Cháu nhà tôi đã được 6 tháng tuổi và đang chuyển sang ăn dặm. Do phải đi làm nên tôi đã tập cho cháu uống sữa công thức nhưng rất buồn là cháu có vẻ không thích. Vậy tôi có thể cho cháu ăn các thực phẩm chế biến từ sữa để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cháu không? (Q.Liên, Gia Lâm, Hà Nội)

Trả lời: Đây là vấn đề rất thường gặp ở nhiều trẻ nhỏ và bạn không nên quá lo lắng bởi ở tháng tuổi này, bé đã có thể ăn các thực phẩm chế từ sữa như bơ, phô mai, sữa chua hãy sữa đậu nành để bổ sung thêm các vi chất quan trọng.

Với bơ, bạn có thể cho vào nấu bột hoặc cháo cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi. Tốt hơn cả là cho bé ăn bơ thực vật.

Với phô mai: Hai loại phô mai dành cho trẻ nhỏ được bán trên thị trường Việt Nam hiện nay là phô mai tươi (phô mai sữa chua) và phô mai miếng (bò cười, kiwi…). Bạn có thể cho trẻ tập ăn phô mai tươi khi trẻ trên 5 tháng tuổi và phô mai miếng khi trẻ trên 6 – 7 tháng tuổi. Bạn có thể cho trẻ ăn trực tiếp hoặc cho lẫn vào cháo, bột, súp…

Với sữa chua: Bạn có thể tập cho trẻ ăn sữa chua cùng thời kỳ với phô mai. Nếu bạn mua loại sữa chua dành cho trẻ nhỏ sẽ tốt hơn. Nếu không có sữa chua dành riêng cho bé, bạn tập cho trẻ làm quen dần với sữa người lớn hoặc sữa chua tự làm.

Trẻ trên 5 tháng tuổi có thể uống sữa đậu nành. Lưu ý là tăng dần độ đậm đặc của sữa để giúp trẻ quen dần. Nếu bạn tự chế biến sữa đậu nành cho bé, cần đun sôi sữa trong vòng 7 – 10 phút để giúp cho các loại chất đạm có trong đậu nành dễ tiêu hóa.

Một lưu ý khi cho các thực phẩm chế biến từ sữa như bơ hay phô mai vào cháo, bột, súp… không nên cho vào khi cháo, bột, súp đang sôi mà nên cho sau khi đã tắt bếp, cháo, bột chỉ còn khoảng 70 – 80oC để đảm bảo các vi chất không bị biến dưỡng.

Theo Mầm non