Lưu trữ cho từ khóa: 4-6 tháng

Những điều mẹ cần biết khi cai sữa cho con

Khi nào có thể cai sữa cho con, cai sữa như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con... là nỗi băn khoăn của nhiều bà mẹ trẻ.

Việc cai sữa nên tiến hành từ từ bằng cách thay dần các bữa bú bằng bột, cháo (phải có thịt, cá, trứng, dầu, mỡ, rau quả tươi để đủ dinh dưỡng). Cần chế biến sao cho hợp khẩu vị, thường xuyên thay đổi món để trẻ ăn được hết suất.

Trước hết, phải khẳng định rằng với trẻ dưới 4-6 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất. Không cần cho trẻ ăn gì thêm trong thời gian này.
Sau giai đoạn đó, trẻ tăng trưởng rất nhanh. So với lúc mới đẻ, trẻ 5-6 tháng tuổi đã nặng gấp đôi, trẻ 12 tháng tuổi nặng gấp ba. Sau đó, cứ mỗi tuổi, cân nặng của trẻ lại tăng 1,5 kg. Nhu cầu dinh dưỡng tăng nhanh trong khi nguồn sữa mẹ có chiều hướng giảm cả về lượng và chất.

Do vậy, từ tháng thứ 5, ngoài việc tiếp tục cho trẻ bú để tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung rồi dần dần cho cai sữa.


Không được cai trước 12 tháng tuổi vì việc ăn sữa ngoài hoặc ăn bổ sung quá sớm rất dễ gây tiêu chảy. Mặt khác, do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ nên khả năng tiêu hóa, hấp thu kém, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.

Ở tuổi cai sữa, trẻ đã mọc răng nhưng cơ nhai còn yếu. Vì vậy, các món ăn phải mềm, dễ tiêu (như bột, cháo, cơm nát), và chỉ nên cho trẻ ăn ít một, 4-5 bữa/ngày. Không nên bắt ép trẻ ăn quá nhiều, dễ gây ức chế bài xuất các men tiêu hóa.

Tránh cai sữa đột ngột vì dễ làm cho trẻ bị sang chấn tinh thần và dễ sinh biếng ăn. Không nên cai sữa vào mùa hè hoặc khi trẻ ốm vì đây là lúc trẻ hay bị biếng ăn, khó thích nghi với chế độ ăn mới. Nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì càng bất lợi vì hệ tiêu hóa của trẻ vốn non yếu nay lại bị bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn giảm sút, bệnh tiêu chảy dễ nặng thêm, trẻ càng biếng ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng.

Theo BS. Nguyễn Thu Hà

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Cấy tóc

Việc cấy tóc nên được thực hiện cho những ai? Phương pháp giãn mô để điều trị chứng hói đầu là  thế nào? (Meonho…@yahoo.com.vn)

Trả lời:

Cấy tóc là phương pháp sử dụng những nang tóc còn sống, thường từ 1 - 4 sợi/nang được lấy từ vùng tóc khỏe, chia nhỏ ra và cấy vào khu vực bị rụng tóc. Liệu pháp này được thực hiện không chỉ cho nam giới bị hói mà những phụ nữ có tóc quá thưa, hoặc cũng có thể áp dụng cho những người sau khi bị chấn thương đầu làm mất đi mái tóc. 

Cấy tóc gồm 3 bước: Lấy nang tóc, chia thành mô ghép và cấy mô ghép. Những sợi tóc này thường được lấy ở vùng tóc hai bên và sau đầu vì tóc ở đây thường chắc khỏe và có thể phát triển tốt trên vùng da được cấy. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, thời gian thực hiện tùy vào số lượng mô ghép cần cấy vào nhưng không mất quá nhiều thời gian. Thời gian bình phục khoảng 10 ngày. Và từ 4-6 tháng tóc sẽ mọc tự nhiên. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp cấy tóc. Các yếu tố như đặc điểm tóc, chất lượng da đầu hay các tác dụng phụ cũng cần được cân nhắc trước khi làm phẫu thuật. Điều cần lưu ý là hiệu quả của cấy tóc không cao, thường chỉ đạt 15-20% của số lượng mô cấy.

Phương pháp giãn mô là biện pháp làm giãn da đầu vùng có tóc để lấy tóc vùng này che phủ cho phần hói đầu bẩm sinh hoặc bị mất tóc do tai nạn. Tỷ lệ thành công cao nhưng thời gian phẫu thuật thường kéo dài và rất đau. Hiện nay, phương pháp này đã được thực hiện tại VN.

Theo tư vấn của BS Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc BV thẩm mỹ Thanh Vân

Meo.vn (Theo Thanhnien)

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ năm

(Webtretho) Con yêu bắt đầu học cách giao tiếp bằng "ngôn ngữ"; dù là tiếng cười khanh khách hay tiếng phun nước bọt phì phì thì bố mẹ cũng cố gắng ghi nhớ nhé, vì đó có thể là cách con đang cố cho bạn hiểu được nhu cầu của bé đấy. Đồng thời đến lúc này, bố mẹ cũng hãy để ý đến những biểu hiện của con để quyết định chuyện cho bé ăn dặm thêm nữa nhé.

Phun phì phì

webtretho_con bắt đầu tạo âm thanh để giao tiếp

Bé bắt đầu tập giao tiếp bằng "ngôn ngữ" (Ảnh: Inmagine)

Bé đã khám phá ra cách dùng môi và lưỡi để tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Có thể những âm thanh bé tạo bằng cách này làm bạn thấy buồn cười,  nhưng đừng đánh giá thấp, chúng chính là “tiền thân” của ngôn ngữ và giao tiếp về sau đấy. Phát hiện mới này khiến con thích thú và cứ lặp đi lặp lại, vậy nên bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh con yêu phun nước bọt phì phì, thậm chí cả khi ăn hoặc uống nước. Bé đang luyện tập đấy mà!

Nuôi dưỡng khiếu hài hước

Một loại âm thanh đáng yêu khác của bé ở giai đoạn này chính là tiếng cười đầu tiên của bé - thứ quý giá mà bố mẹ nào cũng muốn được nghe thật nhiều lần. Để được như vậy, tốt nhất bạn hãy dành thời gian để cùng con đùa giỡn, và nếu con nghĩ bạn hoặc bé vừa làm một điều gì đó buồn cười, hãy cười với bé. Bé cũng sẽ cười khanh khách mỗi khi được bố mẹ dùng những đầu ngón tay cù cù vào bụng cùng những tiếng nựng nịu vô nghĩa quen thuộc của người lớn khi chơi đùa với trẻ con.

Bé có cười khi thấy bạn hắt xì không? Có lẽ do thấy âm thanh và nét mặt lúc bạn hắt xì buồn cười quá đấy mà. Hơn nữa, nếu thử lặp lại âm thanh khi bạn hắt-xì, “Haa.. chuu..”, bạn có thể thấy nó gần giống với tiếng “Agu” mà bé hay nói. Khi con “agu, agu” bố mẹ cũng hãy “agu” lại với bé, được chú ý như vậy sẽ khiến bé rất thích và nghĩ rằng mình đang có một cuộc trò chuyện quan trọng. Cố gắng hiểu và ghi nhớ các âm thanh đặc biệt mà bé “nói” mỗi khi  đói, mệt, hay muốn chơi. Đây là các âm thanh rất quan trọng mà con học để cho bạn hiểu bé đang cần gì.

Phát triển thể chất

Ở giai đoạn này nhiều bé thích ngồi vì ở tư thế thuận lợi này, bé có thể nhìn thấy được cơ thể của mình và cả nhiều thứ xung quanh nữa. Bé cũng có thể khom lưng và chống hai tay phía trước để cố nhấc người lên, càng ngày bé sẽ càng khỏe hơn mà. Thỉnh thoảng bé còn có thể ngồi thẳng hoặc thả một tay ra để với lấy đồ chơi, vậy nên để cẩn thận, bạn nên chặn gối xung quanh con phòng khi bé ngã. Nếu có bố mẹ ngồi bên cạnh nữa thì bé sẽ càng thích vì: "a, mình có thể ngồi giống như bố mẹ này!"

Giờ bé cũng đã sẵn sàng ngồi ghế ăn để ăn cùng với gia đình. Đây là một cột mốc quan trọng khiến bé cảm thấy mình là một thành viên của gia đình.

webtretho_con học uống nước từ ly

Con thích được ngồi ghế ăn và uống nước bằng ly như người lớn (Ảnh: Inmagine)

Nếu con thích ngồi ghế ăn, bạn có thể đưa cho bé một cái ly mút (loại ly có nắp đậy với một chỗ nhô ra để bé ngậm và mút nước trong ly). Bạn cho con cái ly nhỏ thôi và có tay cầm để bé có thể dễ dàng cầm được, dẫu vậy ban đầu cũng hãy chuẩn bị tinh thần sẵn là bé sẽ còn vụng về nên thường làm đổ nước ướt cả áo quần. Và cẩn thận bởi vì đồng thời với việc bé học được cách uống nước từ ly thì bé cũng sẽ học được cách ném ly xuống đất để tạo ra âm thanh mới nữa đấy.

Cho bé ăn dặm

Khi con được 4 đến 6 tháng, nhiều phụ huynh bắt đầu băn khoăn về việc cho bé ăn dặm. Mà các con cũng chẳng chịu giống nhau cơ, trong khi một số rất tò mò mỗi khi thấy ba mẹ ăn  thì một số lại tỏ ra hoàn toàn hài lòng với việc bú mẹ và chẳng quan tâm gì đến thức ăn. Thật ra không có một thời điểm chuẩn nào cho việc này cả; và bạn cũng không cần quá lo lắng vì các bác sĩ nhi khoa cho rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đầy đủ các dưỡng chất mà bé từ sơ sinh đến 9 tháng tuổi cần đến rồi.

Tuy vậy hãy để ý những dấu hiệu ở con để sẵn sàng cung cấp thêm dinh dưỡng cho con vào đúng thời điểm. Thứ nhất, bé có quan tâm không? Nhiều bé ở giai đoạn này rất thích nhìn các món mà bố mẹ chúng ăn, thích chạm vào chén đĩa, bốc đồ ăn, ngắm nghía và còn thử bỏ vào miệng nữa. Ngoài ra còn một số dấu hiệu về mặt giải phẫu học cho thấy bé đã sẵn sàng:

- Bé có thể giữ đầu vững. Nếu bạn còn nghi ngờ về khả năng này của con thì khoan hãy cho bé ăn dặm.

- Bạn có thể nhận thấy ở con có phản xạ dùng lưỡi đẩy thức ăn ra - phản xạ này giúp bảo vệ bé tránh khỏi việc bị hóc, nghẹn, và thường biến mất khi bé được khoảng 4 đến 6 tháng tuổi.

- Bé phải học được kỹ năng đưa thức ăn vào sâu trong miệng để nuốt.

- Môi dưới của bé phải biết phối hợp để lấy thức ăn khỏi muỗng.

- Ruột của bé phải đủ trưởng thành để tiêu hóa được thức ăn rắn, nghĩa là nó có thể sản xuất ra các enzyme tiêu hóa nhất định để tiêu hóa thức ăn.

Khi nhận thấy con đã sẵn sàng, bạn hãy chọn những loại thực phẩm đề nghị dành cho bé mới tập ăn dặm, có thể tán mịn, có mùi vị dễ chịu và dễ tiêu hóa. Thường các bà mẹ hay cho con bắt đầu ăn dặm với bột ngũ cốc trộn sữa. Một số loại thực phẩm phổ biến khác là chuối, bí đỏ, khoai lang, táo, lê, cà rốt (bạn có thể tự nghiền hoặc mua loại làm sẵn). Theo dõi phản ứng của bé với những loại thực phẩm này. Nếu nhè thức ăn ra nghĩa là bé chưa sẵn sàng ăn dặm đâu, nhưng “đầu bếp mẹ” đừng quá lo lắng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi “thực khách bé” sẽ cầm menu gọi món cho mà xem.

webtretho_cho con ăn dặm

Để ý đến những biểu hiện của con để quyết định việc cho con ăn dặm (Ảnh: Inmagine)

Ngoài việc ăn, bé còn thích khám phá thức ăn. Bé có thể dùng ngón tay, cả bàn tay để cảm nhận thức ăn và cho vào miệng - đây là một phần rất bình thường trong quá trình phát triển của bé, giúp bé làm chủ được kỹ năng dùng ngón tay bốc thức ăn. Cho bé khám phá thức ăn ở mức độ nào, trong bao lâu là tùy bạn. Lời khuyên của chúng tôi: đeo yếm cho bé và cho bé thỏa sức khám phá thức ăn, xong xuôi thì rửa ráy cho bé. Chúc bé ngon miệng!

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ tư

Bé đã bước qua 3 tháng đầu tiên đầy lạ lẫm của đời mình, bắt đầu từ tháng thứ tư, bé đã tự tin để đạt được những mốc phát triển rất đáng khích lệ. Trong tháng này, bé có thể đã biết lật mình và một số bé sẽ khoe những chiếc răng sữa trắng ngần đầu tiên (nhưng sự kiện này có thể làm bé hơi khó chịu đấy).

1. Não đang phát triển
2. Hiểu các thói quen của bé
3. Cùng đọc sách
4. Mát-xa cho bé
5. Kỹ năng vận động
6. Bắt đầu mọc răng

Não bé đang phát triển

Nhờ có công nghệ hiện đại, chúng ta được biết nhiều hơn về sự phát triển sớm của não. Đúng như các bậc phụ huynh cảm nhận được bằng trực giác, nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những kiến thức bé có được từ giai đoạn sơ sinh rất quan trọng trong việc định hình cách bé suy nghĩ và học hỏi. Não bé lúc sinh ra đã có 100 tỉ tế bào. Những tế bào này được kết nối với nhau như não trưởng thành. Trước 3 tuổi, não bé sẽ hình thành được khoảng 1 triệu tỉ kết nối. Những kết nối này được hình thành dựa trên những sở thích, khám phá và quá trình bé học hỏi về thế giới xung quanh.

Webtretho - Bé 4 tháng tuổi

Bé đang học hỏi ngay từ lúc này - Ảnh: Corbis

Hiểu các thói quen của bé

Hãy quan sát cách bé học hỏi từ bạn thông qua việc bé ngắm gương mặt, đôi mắt và thái độ của bạn. Khi bé đập tay vào một món đồ chơi hoặc với lấy cái lục lạc, não bé sẽ hình thành các kết nối. Thật không thể tin được là những kết nối như vậy sau này có thể giúp bé ném được bóng trúng rổ, giải được bài toán số học hoặc độc tấu guitar.

Quan sát để biết bé thích những dạng hoạt động gì. Nếu bé thích nằm ngửa và đập tay vào đồ chơi, bạn hãy nằm bên cạnh bé và nói chuyện với bé trong khi bé chơi. Giúp bé phát huy các thiên hướng chính là thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với sự phát triển của bé.

Cùng đọc sách

Webtretho - Đọc sách cho bé

Không lúc nào là quá sớm cho bé làm quen với sách - Ảnh: Corbis

Không lúc nào gọi là quá sớm để bắt đầu đọc sách cho bé nghe. Bắt đầu bằng những quyển sách bìa cứng, nhỏ gọn và chắc chắn. Bé có thể đọc sách bằng cách sờ mó bìa sách, cố gắng lật sách, nhìn bạn đọc sách và thậm chí là nếm thử sách. Dường như bé chỉ chú ý đến sách trong chốc lát nhưng chỉ cần đọc cho bé nghe vài giây thôi cũng tạo nên một ấn tượng lâu dài cho bé. Giọng đọc dịu dàng của bạn, những đoạn có vần điệu nhịp nhàng, sự gần gũi khi bé được ngồi trong lòng bạn, và những trải nghiệm bé có được khi tiếp xúc với quyển sách là rất quan trọng.

Bé sẽ ngày càng thích thú những âm thanh mà bạn phát ra. Bé thích chữ “banh” và cũng thích luôn trái banh. Chẳng bao lâu nữa bé sẽ biết cầm quyển sách lên đưa bạn để bạn đọc cho bé nghe và để bé luyện cách phát âm.

Mát-xa cho bé

Vuốt ve là một cách giúp não bé phát triển sớm đồng thời thắt chặt tình cảm giữa bạn và bé. Ôm ấp vuốt ve bé hoặc xoa đầu bé khi bé chuẩn bị ngủ làm giải phóng hormone đóng vai trò rất quan trọng cho sự tăng trưởng của bé.

Nghiên cứu cho thấy những em bé thường xuyên được mát-xa tăng cân nhanh hơn và ngủ sâu hơn. Những bé thường được mát-xa cũng tiết ra ít cortisol hơn – một loại hormone ức chế sự tăng trưởng.

Kỹ năng vận động

Một vài nghiên cứu cho rằng bé biết lật trễ do khi ngủ bé được đặt nằm ngửa để tránh chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Vậy lúc bé thức, việc thỉnh thoảng đặt bé nằm sấp trong ngày rất quan trọng, giúp cơ của bé khỏe hơn.

Lần đầu bé lật thường là từ tư thế nằm sấp lật ra nằm ngửa. Bụng bé tròn nên rất dễ lật từ tư thế nằm sấp. Một số bé có thể ngay lập tức lật lại nhưng một số bé đến mấy tuần sau mới có thể lặp lại kỳ tích của mình.

Bạn có thể khuyến khích bé bằng cách đặt bé nằm sấp rồi đặt các món đồ chơi ưa thích ngoài tầm với của bé. Khi cố gắng với đến món đồ, có thể bé sẽ lật lại được lần nữa.

Bắt đầu mọc răng

Webtretho - Bé mọc răng

Một số bé mọc răng ngay từ 3-4 tháng tuổi - Ảnh: Corbis

Thường ít nhất vài tháng nữa bé mới mọc răng nhưng một vài bé mọc răng từ lúc 3, 4 tháng tuổi. Mọc răng sớm hay muộn thường do di truyền nên bạn xem lại thử gia đình mình có truyền thống mọc răng thế nào để biết khi nào răng của bé có thể xuất hiện.

Một số bé bị sưng nướu hoặc nướu có dấu hiện hằn lên của vết răng sắp mọc cả mấy tuần trước khi răng nhú ra trong khi một số bé khác lại mọc răng ngay mà không có dấu hiệu gì. Mức độ khó chịu khi mọc răng của các bé khác nhau.

Các dấu hiệu mọc răng gồm:

  • Chảy nước dãi (có thể xuất hiện nhiều tuần trước khi răng nhú ra).
  • Mặt bị nổi mẩn đỏ do chảy nước dãi quá nhiều.
  • Cho đồ vào miệng gặm vì nướu bị ngứa.
  • Khó chịu (thường vào nửa đêm).
  • Không chịu bú.
  • Kéo tai hoặc xoa lên má vì đau.
  • Đi tướt.

Tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa mẹ

Trong sáu tháng đầu sự phát triển của trẻ phần lớn chỉ nhờ vào nguồn sữa mẹ nên chế độ ăn uống và sinh hoạt của người mẹ có tác động trực tiếp tạo nên “chất lượng” của bầu sữa.

Danh mục dược phẩm an toàn cho phụ nữ đang cho con bú:

  • Acetaminophen
  • Kháng sinh
  • Thuốc có tác dụng làm thông mũi
  • Insulin
  • Ibuprofen
  • Thuốc điều trị tuyến giáp

Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng

Cũng giống như khi mang thai, sau khi sinh các bà mẹ nên duy trì chế độ ăn uống hoàn hảo. Vậy thế nào được coi là một chế độ ăn uống hoàn hảo đối với phụ nữ trong giai đoạn cho con bú?

Đó là chế độ ăn bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất, các chất đạm cần thiết. Theo các chuyên gia, những bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên bổ sung khoảng 2.700 đơn vị calo mỗi ngày (nhiều hơn 500 đơn vị calo so với những người bình thường).

Nước

Nhiều bà mẹ thường quan niệm rằng việc uống nhiều nước sẽ có tác dụng làm tăng lượng sữa. Tuy nhiên, điều này cũng không hoàn toàn đúng, tuy nhiên bạn vẫn nên uống đủ lượng nước cần thiết để tránh hiện tượng khử nước trong cơ thể. Bạn hãy uống nước bất cứ khi nào bạn cảm thấy khát, ngoài nước lọc bạn cũng có thể uống thêm sữa, nước ép trái cây.

Cafein

Ảnh: Inmagine.

Cafein luôn được xem là loại đồ uống không có lợi cho sức khỏe. Và đối với phụ nữ sau khi sinh cũng không phải là một ngoại lệ, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thu nạp một lượng lớn cafein (nhiều hơn 3 cốc mỗi ngày) có thể chính là “thủ phạm” khiến cho trẻ trở nên cáu bẳn và khó ngủ.

Dị ứng

Đôi khi việc thu nạp thực phẩm của mẹ chính là nguyên nhân gây nên dị ứng ở trẻ bú mẹ. Các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao như những đồ ăn có chứa nhiều loại gia vị, hải sản hay các loại thực phẩm chế biến từ bơ sữa.

Khi bị dị ứng bé thường có những biểu hiện như tiêu chảy, mẩn ngứa, đầy hơi, da khô. Trong trường hợp này bạn cần kiểm tra lại những loại thực phẩm đã ăn để tìm ra nguyên nhân.

Tuy nhiên, cũng xin nhắc bạn rằng đây là hiện tượng bé dị ứng với loại thực phẩm bạn thu nạp vào, chứ không phải là dị ứng với sữa mẹ, vì thế bạn không nên dừng cho trẻ bú sữa.

Danh mục thuốc không an toàn cho phụ nữ đang cho con bú:

  • Thuốc điều trị ung thư
  • Bromocriptine (Parlodel) thuốc dùng để điều trị bệnh Parkinson. Loại thuốc này cũng sẽ làm giảm lượng sữa mẹ
  • Cyclophosphamide, Doxorubicin phần lớn được sử dụng trong việc điều trị ung thư
  • Ergotamine (điều trị bệnh đau nửa đầu), Methotrexate (điều trị chứng viêm khớp)

Thuốc lá

Trong giai đoạn mang thai cũng như sau khi sinh bạn nên từ bỏ và tránh xa thuốc lá.

Trong thuốc lá có chứa chất nicotine, gây nên những tác động tiêu cực đến việc sản sinh ra lượng sữa mẹ. Nguy hiểm hơn việc hút thuốc hay là “nạn nhân” (người hít phải khói thuốc lá) của thuốc lá sẽ khiến bé mắc phải những căn bệnh liên quan đến hô hấp mãn tính hay gây nhiễm trùng tai.

Rượu

Uống ruợu sẽ khiến các cơ vận động của trẻ chậm phát triển, là nguyên nhân làm cho bé khó tăng cân.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng nếu bạn thật sự không thể bỏ được rượu, thì mỗi ngày bạn chỉ nên hạn chế sử dụng 1 ly nhỏ và cần đặc biệt lưu ý không cho bé bú sau 2 giờ bạn uống rượu.

Thuốc

Việc dùng thuốc khi cho con bú cũng rất cần phải cẩn trọng, tránh những ảnh hưởng xấu đến nguồn sữa mẹ.

Các minh chứng cũng đã chỉ ra rằng, trong khi cho con bú, vì điều kiện sức khỏe bạn vẫn có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị những căn bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, hen suyễn để trị bệnh. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc lựa chọn loại thuốc, để hạn chế tới mức thấp nhất những nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến bé yêu.

Lưu ý: Để an toàn cho cả mẹ và bé bạn đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, không nên tự ý mua và uống thuốc, sẽ rất nguy hiểm.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ sáu

(Webtretho) Hai bàn tay đã trở thành công cụ của bé, hãy tìm hiểu xem bé sử dụng chúng với những mục đích khác nhau như thế nào và trong mỗi trường hợp thì bạn cần làm gì để giữ an toàn cho bé. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tìm thấy một số lời khuyên nếu muốn cho bé đi ăn tối ở ngoài cùng với gia đình.

Chụp, lắc, nắm

Rất dễ nhận ra những vận động lớn của bé như bé ngồi, lăn, và đưa tay đòi bế. Bạn cũng có thể quan sát thấy những vận động nhỏ hơn nhưng không kém phần quan trọng của bé. Bé đang học cách sử dụng các ngón tay, riêng lẻ và cùng lúc với nhau. Bé biết được rằng các ngón tay dùng để đập vào các đồ vật, để cầm nắm, rung lắc các vật khác nhau và để bỏ đồ chơi vào miệng. Giờ là lúc bạn có thể xem bé học cách sử dụng các ngón tay để bốc những món đồ rất nhỏ lên.

Webtretho - Bé 6 tháng tuổi

Bé đã phát hiện ra tay mình có thể làm được rất nhiều thứ và sẽ tận dụng khả năng mới này với mọi tình huống có thể - Ảnh: Corbis

Thị lực của bé đã phát triển và mắt bé rất tinh tường – bé có thể nhìn thấy được một vật nhỏ xíu, chẳng hạn như một hạt nho khô rơi trên sàn nhà. Khi muốn bốc các vật nhỏ lên, bé dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa như cái cào hoặc cái gắp vậy. Hầu hết các bé phải vài tháng nữa mới hoàn thiện kỹ năng này nhưng từ giờ bạn đã nên chú ý đến vấn đề an toàn cho bé. Bạn phải hết sức cẩn thận với những món đồ nhỏ nằm trong tầm với của bé và hãy dành thời gian để xem xét và có biện pháp để giữ an toàn cho bé.

Bé đã hoàn thiện kỹ năng nắm giữ một vật trong tay, giờ bé bắt đầu học cách thả ra. Có thể bạn sẽ thấy bé nhặt một vật lên, chuyền qua tay bên kia rồi chuyền về lại tay bên này, cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần. Trong vài tháng tới, bé sẽ tiếp tục học cách sử dụng các ngón tay để điều khiển các vật nhỏ.

Một số bé thích các vận động lớn hơn các vận động nhỏ. Bạn cần hiểu rằng mỗi bé có một sở thích và mối quan tâm riêng, không bé nào giống bé nào.

Ở giai đoạn này thật khó mà ngăn các phụ huynh không so sánh con mình với con người khác. Một số bé bây giờ đã có thể di chuyển bằng cách trườn nhưng có những bé chỉ thích ngồi và quan sát. Dù bé vận động lớn hay vận động nhỏ, tất cả các bé ở giai đoạn này đều chủ động học hỏi xem cơ thể mình có thể làm được những gì.

Những tiếng bập bẹ đầu tiên

Webtretho - Cho bé đi ăn tối bên ngoài

Lúc này, bé đã sẵn sàng để đi ăn tối ở ngoài cùng cả nhà - Ảnh: Corbis

Nhiều bé bắt đầu bập bẹ từ khi 6 tháng tuổi. Có thể bạn sẽ nghe thấy bé nói “mamamama” hay “babababa” – những từ mà bạn đã mong đợi từ rất lâu. Thông thường bé sẽ nói “babababa” trước. Điều đó không có nghĩa là bé muốn nhận ba trước. Bé sẽ bi bô rất nhiều âm khác nhau và có thể lần lượt hết âm này rồi mới đến âm khác.

Nhiều phụ huynh thắc mắc không biết bé chỉ tình cờ phát âm “ba”, “ma” thôi hay là bé muốn gọi ba mẹ. Có thể bé chỉ tình cờ mà thôi nhưng bạn vẫn hãy đáp lại lời bé và lặp lại những âm thanh này. Bé sẽ sớm gọi đúng ba và mẹ thôi.

Đưa bé đi ăn tối ở ngoài

Nếu bé đã có thói quen ngồi trên ghế cao khi ăn thì việc đưa bé đi ăn ngoài sẽ rất thú vị. Quan trọng là bạn phải chuẩn bị trước khi đưa bé đi. Dưới đây là một số lời khuyên từ những phụ huynh có kinh nghiệm khác:

  • Chọn một quán ăn luôn có sẵn chỗ ngồi hoặc cho đặt chỗ trước.
  • Chọn quán ăn có ghế cao dành cho bé.
  • Hãy đi sớm – ăn tối trễ sẽ làm các bé không vui đâu.
  • Chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ hoặc phía ngoài.
  • Người đi qua đi lại hoặc xe chạy ngoài đường sẽ làm bé chú ý. Nếu quán ăn có tháp phun nước thì càng lý tưởng hơn nữa.
  • Nếu bé đã ăn dặm, bạn hãy gọi món ngay khi vừa đến. Bé không thể chờ đợi được nếu đói bụng. Bạn có thể cho bé các thức ăn bốc (nếu có loại phù hợp) để bé có dịp dùng đến các ngón tay của mình.
  • Hãy cẩn thận với chén đĩa, chai lọ trên bàn vì bé rất thích đưa tay chụp lấy.
  • Nếu bé làm bẩn hoặc rơi vãi đồ khắp nơi thì khi ăn xong, bạn hãy cố gắng dọn dẹp nhiều nhất có thể và boa nhiều hơn cho các nhân viên phục vụ.

Các dấu hiệu bị dị ứng thực phẩm

Tháng này có thể bạn đã cho bé ăn dặm được một thời gian rồi và giờ tiếp tục cho bé ăn hỗn hợp các loại thực phẩm khác nhau hoặc mới chỉ bắt đầu tập cho bé ăn thử. Nhiều bé tới tháng này mới sẵn sàng để ăn dặm.

Bạn hãy chú ý nếu gia đình có tiền sử dị ứng thức ăn thì bạn hãy báo cho bác sĩ của bé biết. Trường hợp này, bạn nên chờ sau 6 tháng rồi mới bắt đầu cho bé ăn dặm. Một số triệu chứng dị ứng thực phẩm là sung huyết, nghẹt mũi, ngứa mắt, mẫn đỏ và tiêu chảy.

Cho bé ăn những loại thức phẩm được cho là ít gây dị ứng nhất, gồm:

  • khoai lang
  • bột ăn dặm làm từ gạo hoặc lúa mạch

Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như:

  • dâu
  • chế phẩm từ sữa
  • sô cô la
  • chanh cam
  • lòng trắng trứng
  • các loại quả hạch
  • sò ốc
  • đậu nành

Nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng thức phẩm, dựa vào kinh nghiệm là cách tốt nhất để phòng tránh dị ứng cho bé.

Để bé luôn khỏe mạnh – Từ 4-6 tháng tuổi

(Webtretho) Trong năm đầu đời của bé, có rất nhiều vấn đề bố mẹ phải đặc biệt quan tâm, vì đây chính là nền tảng để bé phát triển về thể chất và tâm sinh lý toàn diện về lâu dài. Ngoài những mốc phát triển tâm sinh lý quan trọng, đâu là các vấn để và nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe của bé trong năm đầu đời?

Phần 1: Bé từ 4-5 tháng tuổi

Thời điểm 4 tháng tuổi

  • tiêm chủng

    Ảnh: Inmagine

    Đây là giai đoạn cuối trong lịch trình tiêm chủng cho bé. Giống như những tháng trước đó, bé sẽ cần hai lần tiêm chủng, mỗi lần ở một cánh tay để bảo vệ bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib (một loại vi sinh vật có thể gây bệnh nghiêm trọng) và viêm màng não C. Bé cũng sẽ được nhỏ vắc xin ngừa bại liệt.

  • Rất ít trẻ sơ sinh có thể tránh được tình trạng hăm tã. Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách thường xuyên thay tã cho bé ngay khi bạn nghĩ tã bị bẩn. Nếu bé có dấu hiệu bị đau rát ở mông thì nên để mông bé thoáng khoảng 15 phút trong thời gian thay tã. Thực hiện điều này khoảng 3 lần mỗi ngày cho đến khi bé đỡ bị đau rát, cùng với việc sử dụng kem chống hăm trước khi cho bé mặc tấm tã tiếp theo. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn thấy tình trạng hăm của bé có vẻ nghiêm trọng.
  • “Dính mắt” là triệu chứng thường gặp ở các bé nhỏ tháng, nguyên nhân là do các tuyến lệ chưa được hoàn thiện cho đến khi bé được 6 tháng. “Dính mắt” khiến bé cảm thấy khó chịu vì dường như hai mí mắt cứ lúc nào cũng muốn dính vào nhau. Trong trường hợp này, bạn nên làm sạch đôi mắt của bé bằng bông gòn và làm dịu đôi mắt bằng nước ấm, lau nhẹ nhàng từ gốc mắt ra phía ngoài. Nếu các triệu chứng vẫn thuyên giảm, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ vì có thể bé đã bị viêm kết mạc và cần điều trị.


Thời điểm 5 tháng tuổi

  • Sẽ là bình thường nếu một em bé khoảng 2 hoặc 3 tháng tuổi đôi lúc nhìn có vẻ như bị lác mắt, nhưng nếu đến 5 tháng tuổi mà bạn vẫn còn thấy dấu hiệu này thì hãy nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra. Nếu bé bị lác mắt thì cần được điều trị đúng cách để tầm nhìn lâu dài của bé không bị ảnh hưởng.

    Ảnh: Inmagine

  • Eczêma là một loại bệnh da liễu rất phổ biến, và nó thường xảy ra với các bé sau 4 tháng tuổi. Căn bệnh này sẽ khiến em bé của bạn bị ngứa da, vì vậy bạn sẽ thấy bé đưa tay gãi, hoặc thấy những vết trầy xước hoặc những vết thương đã liền da từ những vết sẹo mà bé đã gãi. Những vết trầy xước này rất dễ nhiễm trùng, chảy nước và khiến bé bị đau. Tránh để da bé tiếp xúc với xà phòng, kể cả quần áo của bé cũng chỉ nên được giặt bằng chất tẩy nhẹ.
  • Em bé của bạn bắt đầu vận động, vì vậy đây là thời điểm thích hợp để bạn bố trí lại các vật dụng trong nhà mình sao cho an toàn. Hãy quan sát mọi thứ xung quanh và xem có vật gì có thể gây nguy hiểm cho con bạn không. Chẳng hạn, bạn nên tìm xem có chiếc tủ nào bé có thể mở được, những vật bé có thể kéo xuống và những lỗ mà bé có thể thọc tay vào


Thời điểm 6 tháng tuổi

  • Khi bạn cho bé thử những món ăn mới phù hợp, phân của bé sẽ có sự thay đổi. Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy một ít phân đen nếu ngày hôm trước bạn cho bé ăn một quả chuối – điều này là hoàn toàn bình thường. Bé cần được uống nước trong khi ăn, nhưng hãy cho bé uống bằng ly thay vì bằng chai.
    ăn dặm
    Ảnh: Inmagine
  • Có thể bé sẽ không bị cảm lạnh trong mùa đông đầu tiên của cuộc đời mình, nhưng nếu bé có dấu hiệu bị sốt thì bạn nên cho bé uống một liều paracetamol dành riêng cho trẻ sơ sinh (tất nhiên là tuân theo chỉ dẫn một cách cẩn trọng). Nếu bé sốt cao hơn 38,2 ˚C và không có dấu hiệu giảm xuống, hãy liên hệ với bác sĩ. Cử chỉ và hành động của bé cũng có thể phản ánh tình trạng của bé giống như kết quả từ nhiệt kế. Nếu bé có vẻ lơ đãng, mệt mỏi, không chịu ăn uống, hoặc có những dấu hiệu khác với bình thường thì bạn nên khẩn trương đưa bé đến bác sĩ. Lúc này tình trạng của bé có vẻ nghiêm trọng, nhưng mọi chuyện có thể sẽ thay đổi rất nhanh sau đó.
  • Trong giai đoạn này bé đã biết ăn dặm nên bạn cần đề phòng nhiễm khuẩn dạ dày cho bé bằng cách rửa tay thật sạch trước khi chế biến thức ăn cho bé. Nếu bé bị tiêu chảy, hãy tăng cường cung cấp lượng nước uống và hãy đưa bé đến bác sĩ nếu bạn lo lắng bé đang có dấu hiệu mất nước.


Xem tiếp:

>> Phần 2: Bé từ 7-9 tháng tuổi

>> Phần 3: Bé từ 10-12 tháng tuổi