Lưu trữ cho từ khóa: 3 tháng tuổi

Hai trò chơi với bé dưới 3 tháng

Giai đoạn này, vui chơi giúp bé phát triển 5 giác quan. Những trò chơi được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ giúp bé ghi nhớ tốt.

1. Tay bé trong tay mẹ

Một trò chơi cổ điển dành cho mẹ và bé là “vỗ tay”. Đặt tay bé vào lòng bàn tay mẹ và hào hứng: “Hoan hô nào con”.

Một cách giải trí khác là bạn đong đưa 2 bàn tay (tay mẹ giữ bàn tay nhỏ của bé) và hát một bài vui vẻ.


2. Nằm sấp cũng là chơi

Nằm sấp  giúp bé khỏe cơ đầu. Nằm sấp là cách giúp bé (2-3 tháng tuổi) vui chơi đơn giản. Nó giúp bé khỏe cơ đầu (nâng – ngóc đầu), khỏe cơ bụng, bé học tỳ tay, chuẩn bị học lẫy và học bò.

Nằm sấp còn cho phép bé quan sát, khám phá hình ảnh xung quanh và chơi với mẹ. Tuy nhiên, bạn cần luôn để mắt tới con vì cơ cổ chưa được khỏe, có thể làm bé bị gập cổ, gây ngạt.

(Theo M&B)

Cẩn trọng khi dùng thuốc giảm đau Paracetamol

Paracetamol được cho là lành tính nhất trong các loại thuốc giảm đau. Ở liều lượng cho phép, paracetamol rất an toàn và tác dụng nhanh đối với những cơn nhức đầu, sốt, đau nhức... nhưng khi sử dụng lâu dài rất có thể gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt dùng thuốc ở liều cao sẽ gây độc cho gan, thận.

Paracetamol còn có tên là acetaminophen. Với cùng một lượng thuốc, ở liều điều trị, nó có tác dụng hạ sốt, giảm đau tương tự Aspirin nhưng không gây hại như Aspirin (không hại dạ dày - tá tràng, không gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, an toàn cho trẻ em và bệnh nhân sốt vi rút, sốt xuất huyết). Do đó, nó được dùng rộng rãi để điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa, dùng được cho trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên.

Ở Việt Nam, cũng như các nước khác, Paracetamol được xem là loại thuốc được bán không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ. Vì tính phổ biến của mình, Paracetamol được nhiều công ty sản xuất và vì vậy có nhiều tên thương mại khác nhau và được trình bày theo nhiều dạng sử dụng khác nhau. Hiện tại có 4 dạng thuốc hạ sốt chứa Paracetamol phổ biến có thể sử dụng rộng rãi trong cộng đồng: Thuốc viên nén hoặc viên nhộng; thuốc dạng bột chứa trong gói; dạng sirô; dạng thuốc viên nhét hậu môn.

Ảnh minh họa. Nguồn: medlatec.vn

Tuy nhiên, khi sử dụng Paracetamol, ngay ở liều thông thường, cơ thể sẽ mất đi một lượng Glutathion đáng kể (chất giúp chống lại các bệnh hiểm nghèo). Việc dùng Paracetamol trong nhiều ngày sẽ làm cạn kiệt Glutathion, suy yếu sức đề kháng. Khi ấy, chỉ cần một lượng vi khuẩn, vi rút nhỏ cũng đủ gây bệnh nguy hiểm.

Trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy rằng ít nhất 8 đến 10% bệnh nhân bị suy thận cấp tính là những người dùng quá liều thuốc cảm sốt (có chứa Paracetamol), đặc biệt là thuốc giảm đau. Chỉ cần 10g thuốc, tương đương với 20 viên, có thể gây suy thận cấp (liều dùng tối đa cho phép là 8 viên).

Về lý thuyết thì cơ thể chỉ bị ngộ độc Paracetamol khi dùng quá liều lượng. Nhưng Paracetamol có thể gây ngộ độc cho gan ở liều thấp tùy vào cơ địa của mỗi người. Trong trường hợp người bị nhức đầu do uống rượu, bia, nếu dùng Paracetamol sẽ làm tăng độc tính của thuốc. Đặc biệt, ở liều cao (trên 150mg/kg thể trọng với trẻ em, trên 10g với người lớn), tế bào gan sẽ bị hủy hoại dẫn đến giảm chức năng không hồi phục, gây sốc, co giật, nghẹt thở, hôn mê rồi tử vong sau vài ngày.

Theo lời khuyên của bác sĩ, đối với một người lớn khỏe mạnh, liều lượng Paracetamol tối đa cho phép trong thời gian 24 giờ chỉ là 4 g (4.000 mg), có nghĩa là 8 viên (mỗi viên chứa 500 mg). Để tránh tình trạng ngộ độc thuốc, điều đơn giản nhất chúng ta nên làm đó chính là: đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Và trong điều trị cần phải thận trọng, uống thuốc đúng cách, nhất là tránh phối hợp nhiều biệt dược khác nhau có chứa cùng hoạt chất Paracetamol để tránh quá liều.

Meo.vn (Theo CPV)

Đau, đầy bụng ở bé mới sinh

Chăm sóc bé mới sinh, đặc biệt trong những tuần đầu là thách thức không nhỏ cho bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nếu em bé của bạn bị đầy bụng, đau bụng thì bé càng quấy khóc nhiều hơn.

Đau bụng, đầy bụng ở giai đoạn sớm này được các chuyên gia mô tả là chuyện khóc không kiểm soát được ở một em bé khỏe mạnh dưới 3 tháng tuổi (từ chuyên ngành gọi là colic). Hầu hết các bé sơ sinh đều khóc không lý do rõ ràng, đặc biệt là đầu buổi tối. Tuy nhiên, nếu bé khóc nhiều hơn các bé khác và bạn khó khăn để xoa dịu bé thì có khả năng, bé khóc do đầy bụng.

Giai đoạn đỉnh điểm của hiện tượng này là từ 2 tuần tới 3-4 tháng tuổi. Colic không gây ảnh hưởng cho sức khỏe của bé; thậm chí, bé còn khỏe mạnh hoàn toàn.


Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nào gây đầy, đau bụng giai đoạn này. Dưới đây là một số gợi ý giúp làm dịu em bé của bạn:

- Ôm em bé của bạn hoặc bọc bé trong một tấm chăn.

- Một số chuyên gia khuyên rằng những kích thích xung quanh khiến cơn đau bụng ở bé tệ hơn. Do đó, cần đảm bảo phòng của bé yên tĩnh và tối.

- Em bé của bạn sẽ ngừng khóc khi được chuyển động. Vì thế, hãy đu đưa bé hoặc đẩy bé trong xe nôi.

- Hãy thử massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ để tống khứ khí thừa trong bụng và giúp bé đi tiêu dễ.

- Có khi, bé sẽ trấn tĩnh hơn nếu được tiếp xúc với tiếng ồn, hay tiếng rung lặp đi lặp lại. Một số em bé thấy được xoa dịu khi ngồi trong xe hơi hoặc lắng nghe tiếng chuyển động của máy giặt.

- Hoặc em bé của bạn sẽ ngừng khóc nếu được ngậm ti giả.

- Ợ hơi cho bé thường xuyên là cách giúp bé ngăn đầy, đau bụng cho khí. Vác bé trên vai hoặc giữ bé ngồi trong lòng mẹ, vỗ nhẹ vào lưng bé.

- Khi bé bú mẹ, cố gắng giữ bé càng thẳng càng tốt để hạn chế bé nuốt phải khí thừa. Ngoài ra, cần kiểm tra xem bé đã bám vú mẹ đúng chưa. Nếu bé khóc hoặc vặn vẹo khi đang bú thì có thể do bé chưa bám tốt ti mẹ.

- Với bé bú bình, cần chắc chắn bé không nuốt phải khí thừa từ bình sữa. Hãy giữ bé thẳng khi cho bé bú và nghiêng bình sữa.

Meo.vn (Theo Mevabe)

Đồng tử trắng- dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ nhỏ

Thông thường, người lớn chỉ chú ý đến các bệnh về hô hấp, tiêu hóa của trẻ nhỏ mà không để ý nhiều đến các bệnh về mắt mà bé có thể mắc phải. Khi quan sát mắt trẻ thấy xuất hiện một khối màu trắng hoặc sau đồng tử có ánh màu trắng, điều đó chứng tỏ trẻ đã bị một bệnh nặng như đục thủy tinh thể, ung thư võng mạc, nhiễm ký sinh trùng… Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể bị hỏng mắt.

Triệu chứng

Hầu hết các bệnh gây đồng tử trắng đều không có triệu chứng rõ rệt (không đau, không nhức, nhìn vào không thấy có gì đặc biệt…). Trẻ lại không diễn đạt được tình trạng của mình nên bệnh chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám một bệnh khác. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý theo dõi đôi mắt của con; nếu thấy đồng tử có màu trắng, cần nghĩ ngay đến các bệnh dưới đây và đưa trẻ đi khám ngay.
Các bệnh gây đồng tử trắng

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, hoặc tiến triển trong những năm đầu của cuộc đời. Có hai nguyên nhân chính là do di truyền (tỷ lệ khoảng 10% – 25%) hoặc bị nhiễm khuẩn trong thời kỳ người mẹ thai nghén, đặc biệt là các bệnh do virus (rubeon, herpes, cúm, quai bị…). Khác với người lớn, đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi) gây cản trở lớn cho sự phát triển chức năng thị giác, thường dẫn đến nhược thị. Cách điều trị là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Sau này, trẻ có thể nhìn thấy bình thường.


Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt. Tuy nhiên điều quan trọng là cần phát hiện sớm và phẫu thuật gấp để phục hồi thị lực. Mặc dù phẫu thuật đạt kết quả cao nhưng vẫn có thể xảy ra biến chứng như xuất huyết, nhiễm khuẩn, bong võng mạc và glôcôm.

Các bác sĩ khuyến cáo, chúng ta nên kiểm tra mắt cho trẻ bằng cách chiếu đèn, quan sát đồng tử. Nếu thấy trong đồng tử có ánh trắng thì bắt buộc phải đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Nên theo dõi phản xạ nhìn của bé, nếu đến 2 – 3 tháng tuổi mà bé vẫn chưa biết nhìn theo tay mẹ khi di chuyển đồ vật cũng là dấu hiệu bất thường về mắt.

Ung thư võng mạc

Theo các bác sĩ chuyên khoa, ung thư võng mạc mắt là một trong những dạng bệnh phổ biến ở trẻ em từ 1 – 3 tuổi, đa số trước 6 tuổi.Bệnh thường để lại di chứng nguy hiểm nếu phát hiện trễ như mù lòa, khối u di căn lên não theo dây thần kinh thị giác dễ dẫn đến tử vong…

Nếu chữa trị kịp thời, mắt của trẻ vẫn được giữ nguyên hoặc thị lực có giảm nhưng không đáng kể. Mức độ ung thư cả hai mắt chiếm 25% trong tổng số trẻ mắc chứng bệnh bướu nguyên bào võng mạc. Trong số những bệnh nhân này, lần đầu thường phát hiện được ở một bên mắt, bên còn lại xuất hiện sau đó từ vài tháng tới một năm.

Ngoài chứng đồng tử trắng, trẻ mắc bệnh này còn có thể bị lé, mắt đau, đỏ, tăng nhãn áp. Nếu thấy các dấu hiệu trên, cần cho trẻ đi khám ngay vì đây là bệnh rất nguy hiểm, cần chẩn đoán sớm và điều trị tích cực. Bác sĩ sẽ cho trẻ siêu âm, chụp CT hay MRI để xác định bệnh. Tùy theo giai đoạn bệnh và kích thước của u, bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng tia, làm lạnh đông, hóa trị hay múc bỏ mắt.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

Thường gặp ở những trẻ có cân nặng khi sinh dưới 1,5 kg và tuổi thai dưới 36 tuần. Bệnh ở thể nặng thường gặp ở trẻ có trọng lượng dưới 1,2 kg và tuổi thai dưới 28 tuần. Cách điều trị: phẫu thuật, lạnh đông hay quang đông. Nếu bệnh nhẹ, tỷ lệ phẫu thuật thành công có thể lên đến 75%. Trong một số ít trường hợp nhẹ, bệnh sẽ tự lành.

Giãn mạch võng mạc (bệnh Coat)

Thường xảy ra ở trẻ nam, dưới 10 tuổi, bị ở một mắt. Ngoài chứng đồng tử trắng trẻ, còn có thể bị lé. Khi khám, bác sĩ thấy ở võng mạc có mạch máu giãn nở, ngoằn ngoèo, thoát ra các chất mỡ màu hơi trắng ở cực sau hay ngoại biên của mắt. Bệnh có thể tiến triển thành bong võng mạc, đục thủy tinh thể hoặc viêm màng bồ đào. Việc điều trị (áp lạnh đông hay dùng laser) không giúp cải thiện thị lực mà chỉ có thể không cho bệnh tiến triển nặng thêm.

Nhiễm ký sinh trùng của loài chó (Toxocara)

Thường thấy ở trẻ lớn. Ngoài chứng đồng tử trắng, trẻ còn có những u hạt ở phần sau mắt hoặc bị viêm pha lê thể. Xác định bệnh bằng cách thử máu. Điều trị: cho uống thuốc chống sán và cortisone.

Cách phòng bệnh tốt nhất là cha mẹ nên quan tâm đến con cái, thường xuyên quan sát tròng đen mắt của trẻ và đưa đi khám ngay lập tức khi có những dấu hiệu khác thường.

Meo.vn (Theo Choicungbe)

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ ba

(Webtretho) Con vừa phát hiện ra một "món đồ chơi" mới rất thú vị - chính là bàn tay của con đấy - bạn có thể thấy bé cứ nhìn chúng và cười toe toét mãi thôi. Thật may là con đã biết tự giúp vui cho mình, vì bạn cũng cần chuẩn bị để đi làm lại rồi, đúng không nào? Đã đến lúc thích hợp để bạn bắt đầu tìm người trông trẻ rồi đấy.

Bố mẹ ơi, đến 3 tháng tuổi là con đã...

Dần ổn định

Nhiều người tin rằng cuối tháng thứ ba là một cột mốc quan trọng cho cả cha mẹ và bé. Tới bây giờ, bé có thể đã có một thói quen ngủ, ăn và chơi ổn định. Bé cũng thể hiện được nhu cầu của mình rất rõ ràng nên bạn đã có thể nói cho người khác biết các thói quen của bé, bé thích gì và không thích gì.

Phát triển cứng cáp hơn

webtretho_3 tháng tuổi_cứng cáp hơn

Cơ thể con đã cứng cáp hơn nhiều, nhưng vẫn cần bố mẹ giúp con luyện tập (Ảnh: Inmagine)

Tới lúc này, con đã có thể giữ đầu khá vững khi được ẵm đứng, còn khi được đặt nằm sấp, con có thể nâng đầu lên một góc 45 độ. Bạn được nghe các chuyên gia khuyên cố gắng ẵm cho bé đứng bằng chân để chân vận động nhiều hơn, nhưng bạn lại lo không biết con có gánh được trọng lượng cơ thể không?

Vậy hãy tập cho con, bằng cách khi chơi với con, bạn hãy đặt bé ở nhiều tư thế khác nhau – đỡ cho bé ngồi, cho bé đứng tựa vào ngực bạn, cho bé nằm ngửa dưới những món đồ chơi treo lúc lắc hoặc cho bé nằm sấp. Tất cả những hoạt động này sẽ giúp cho hệ cơ của bé phát triển khỏe hơn.

Bây giờ bạn cũng có thể cho con đứng trước gương. Gương không vỡ là món đồ chơi thú vị mà ta thường không nghĩ tới. Một số bé sẽ nhìn mình trong gương một cách chăm chú, một số bé lại hò hét và cười. Thông qua trò chơi này, bạn có thể giúp con học hỏi nhiều hơn bằng cách chỉ cho bé thấy đâu là mũi, đầu, mắt. Bé sẽ chú ý và sẽ mỉm cười với chính mình trong gương.

Bàn tay!

Bé của bạn đã phát hiện ra tay của mình chưa? Tay có thể nhúc nhích, tay có thể nhìn thấy dễ dàng, những ngón tay nhỏ xíu nhìn rất buồn cười, và tay nhét vào miệng vừa ghê. Bé sẽ bắt đầu chơi với những “món đồ chơi” mới này. Bé sẽ ngọ nguậy ngón tay, xoay tới xoay lui, mút và nhìn hai bàn tay chăm chú.

Đưa hai tay lên ngang tầm mắt rồi nắm chặt hai tay lại cũng là một cách khám phá khác của con. Chẳng bao lâu nữa bé sẽ nhận ra tay còn là một công cụ có thể sử dụng được. Bé sẽ bắt đầu đưa tay đụng và cầm những món đồ bé thích, như lục lạc, gấu bông. Bé thậm chí có thể nhận thấy mình có thể gây ra tiếng động bằng cách lúc lắc chiếc lục lạc nữa, đấy chính là sự khởi đầu để bé biết đến khái niệm nguyên nhân – kết quả.

Tìm người chăm bé

webtretho_3 tháng tuổi_tìm người chăm bé

Đã đến lúc mẹ nên bắt đầu tìm người phụ giúp mình chăm con (Ảnh: Inmagine)

Dù bạn đang định đi làm lại hay đơn giản chỉ đang cần người phụ chăm con, bạn nên bắt đầu việc tìm kiếm người từ bây giờ. Bạn sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu các lựa chọn khác nhau, tuyển người, kiểm tra nhân thân và từ từ chuyển giao bé cho người trông trẻ.

Bạn cần hướng dẫn và dặn dò người trông trẻ thật cụ thể, rõ ràng, vì bạn là người nắm rõ nhất cách chăm sóc con mình và việc duy trì một lịch sinh hoạt cố định rất cần thiết đối với bé (khi đoán được sắp tới mình sẽ làm gì, bé sẽ cảm thấy an toàn và tự tin khám phá thế giới xung quanh).

Bạn hãy viết ra tất cả những gì liên quan đến lịch sinh hoạt của bé, kể cả giờ ngủ, giờ ăn. Giải thích thật cụ thể lịch sinh hoạt này với người trông trẻ để họ hiểu và có thể làm theo nhé.