Lưu trữ cho từ khóa: 3-6 tuổi

Mẹ ơi, đi tắm, đi tắm!

(Webtretho) Có lẽ không ít bố mẹ của Webtretho đã trải qua cảnh mỗi lần tắm cho con quả thật là một "trận thủy chiến" rồi, đúng không nào? Thế nhưng có những bố mẹ khác lại "bị" con giục đi tắm cho cơ. Họ có chiêu gì mà tài thế nhỉ?

webtretho_"em đi chơi thuyền" trong bồn tắm

Bạn có thể "dụ" con đi tắm bằng những bài hát vui (Ảnh: Inmagine)

Em đi chơi thuyền: “Em đi chơi thuyền, trong Thảo Cầm Viên…” hay “Row, row, row your boat, gently down the stream…” Bạn biết những bài hát dễ thương này chứ? Đó là những bài rất phù hợp để dỗ các thiên thần nhỏ của bạn thích thú ngồi trong bồn (hay chậu tắm) đấy. Bạn có thể “diễn” theo lời hát, cho vào chậu một miếng bọt tắm hoặc một chiếc thuyền đồ chơi, trên có cả những con thú đồ chơi bằng nhựa nữa, nếu muốn, và “chèo” vòng quanh bồn.

Ngạc nhiên mát lạnh: Hãy cho một nắm đồ chơi con thú bằng nhựa hay miếng xốp tắm (hình khủng long, những con thú trang trại, sinh vật biển…) và đổ nước ngập chúng trong khay đá hay cốc nhựa nhỏ; và đặt đá qua đêm. Trong ngày nóng nực, bạn có thể thả cục đá vào chậu tắm, và cho con xem những con thú đồ chơi của mình trong viên đá đang tan dần.

Bé tự tắm cơ: Ngay cả khi bạn đã tắm cho con không biết bao nhiêu lần mà kể thì cũng vẫn có thể giả như bạn chẳng biết gì và phải cầu cứu bé. Bé sẽ sẵn sàng chỉ bạn cách phải kỳ cọ thế nào cho sạch, phải gội đầu thế nào cho khéo và giải thích vì sao lại phải làm như vậy. Bé không những thấy vui và còn có chút oai oai nữa chứ. 

Kiểu tóc ngộ nghĩnh: Hãy chuẩn bị sẵn máy ảnh cho sự kiện gội đầu đầy tính thời trang này - với những “sản phẩm” có thể vô cùng ấn tượng. Sau khi làm ướt tóc con, hãy tạo bọt với dầu gội đầu và tạo các kiểu tóc ngộ nghĩnh. Bạn cũng hãy chuẩn bị cả gương nữa nhé, để bé cũng được chiêm ngưỡng kiểu tóc thú vị của mình!

Lặn biển: Con yêu của bạn có hét lên mỗi khi nghe nhắc đến “gội đầu”? Để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi “được” gội đầu, bạn có thể sắm một cặp kính bơi hay cái ống thở loại cho trẻ con cho bé đeo khi ngồi trong chậu hay trong bồn, bé sẽ không còn bị xà phòng dính vào mắt làm khó chiu nữa. Bạn cũng có thể đổ bọt xà phòng đầy bồn và giấu đồ chơi dưới đó, rồi cho bé giả vờ là một thợ lặn “khám phá đáy đại dương” tìm kho báu.

webtretho_"lặn biển" trong bồn tắm

Bé đang khám phá đáy đại dương đấy nhé (Ảnh: Inmagine)

Đua tốc độ: Cho những món đồ chơi lên dây cót vào bồn để chúng đua với nhau dưới nước hay trên thành bồn/ chậu và làm bé cười khanh khách. Một phiên bản khác của trò chơi này là dạy con cách tạo sóng bằng cách chuyển động bàn tay dưới nước và xem xem ai có thể đẩy thuyền đi xa nhất.

Tắm mưa! Hãy biến một buổi tắm bình thường thành đặc biệt bằng cách kết hợp vừa tắm trong chậu vừa tắm bằng vòi sen. Nếu bạn nghĩ tắm bằng vòi sen bình thường có thể làm bé sợ thì có thể dùng loại vòi có thể rút ra và điều chỉnh được, đồng thời che bớt trên đầu bé, cách dùng như vậy có thể giúp bạn dễ dàng kiểm soát độ mạnh nhẹ của tia nước và cũng dễ gội đầu cho bé hơn. Nhưng hãy cẩn thận khi bé yêu với được đến “máy làm mưa” này nhé, nhiều khả năng bạn sẽ bị xịt ướt nhem đấy!

ABC và 123: Cắt những chữ cái hay con số, hay những hình dạng khác nhau từ miếng bọt biển hay miếng xốp và cùng bé chơi trò dạy học trong chậu tắm. Bé vừa quên đi cái “đáng sợ” của việc tắm gội, vừa không biết bố mẹ đang tranh thủ dạy cho mình những kiến thức toán học đơn giản. Bố mẹ cũng có thể rủ bé chơi trò chơi “Tôi thấy, tôi thấy” hay “Câu cá” với những chữ cái và con số ẩn dưới đám bọt tắm cũng rất hay.

webtretho_vừa tắm vừa tranh thủ rửa đồ chơi

Bạn có thể tranh thủ cho đồ chơi của con "tắm" cùng (Ảnh: Inmagine)

Kỳ kỳ cọ cọ: Hãy gom tất cả những chú vịt và những món đồ chơi khi đi tắm của bé lại và thông báo rằng đã đến giờ kỳ cọ. Bố mẹ lấy một ít xà phòng tắm của bé, một ít bọt biển hay bông tắm và để bé tự tay kỳ cọ cho các món đồ chơi; đây vừa là cách giúp bé thích thú hơn với công việc tắm táp hàng ngày, vừa là cách làm vệ sinh những món đồ chơi cho sạch sẽ.

Sắc màu thú vị: Bạn cũng có thể tạo hứng thú tắm táp cho con bằng cách trang hoàng không gian tắm của bé một chút, một chú cá hay thủy cung dưới đáy hay trên thành chậu chẳng hạn. Bạn có thể tự tay vẽ để tạo bất ngờ cho con, hoặc rủ bé cùng tham gia quá trình sáng tạo này. 

Con yêu mẹ nhiều hơn!

Tình mẫu tử là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất trên đời. Sự quấn quít đặc biệt dành cho mẹ dễ nhận thấy nhất ở trẻ sơ sinh, nhưng nếu con đã 3-4 tuổi mà chỉ thể hiện tình cảm với một mình mẹ thôi thì cũng phiền phức đấy. Bạn nên làm gì đây khi trong mắt của con, mình là người tuyệt vời nhất?

webtretho_con yêu mẹ nhất

Con yêu mẹ nhất! (Ảnh: Inmagine)

Dĩ nhiên mẹ nào lại chẳng muốn con luôn thương yêu và nghĩ rằng mình là tuyệt vời nhất, nhưng nếu bé đã 3-4 tuổi rồi mà chỉ thể hiện tình cảm với một mình mẹ mà thôi thì rất dễ dẫn đến tình trạng:

- Bé không chịu chơi với bố. Nếu tình cảm của con dành cho mẹ quá sâu sắc, nói cách khác là chỉ yêu mỗi mình mẹ thôi, thì nhất định bé sẽ khó mà chịu ngồi chơi cũng như nói chuyện với bố. Sự thiên vị trong tình cảm này có thể dẫn đến sự chia rẽ và làm cho người bố lo lắng cũng như hơi ganh tị đấy.

- Không chịu đi học mẫu giáo: Với suy nghĩ mẹ tuyệt vời nhất thế giới, bé có thể chẳng thích dính dáng đến người lớn nào khác. Bé có thể không nghe lời hoặc tỏ thái độ bất hợp tác với cô giáo trong các hoạt động ở lớp học. Bé chỉ làm theo khi người hướng dẫn chính là mẹ thôi.

- Những đứa trẻ khác sẽ nghĩ con của bạn còn bé bỏng quá. Tất nhiên những đứa trẻ cùng tuổi với con bạn cũng có tâm lý và suy nghĩ mẹ mình là “xịn” nhất, nhưng chúng cũng cảm nhận được sự thoải mái và hạnh phúc khi được chơi với bố, cô giáo hay người nào khác. Một đứa trẻ lúc nào cũng đeo cứng lấy mẹ rất dễ bị bạn bè cho là “đồ trẻ con”.

Những lý do ẩn

Vẫn chưa có nghiên cứu nào đưa ra được kết luận về lý do khiến một đứa trẻ yêu thương bố hơn hoặc mẹ hơn. Một số nhà tâm lý cho rằng sự thiên vị tình cảm của một đứa trẻ 4 tuổi là cách chúng thể hiện mong muốn được “điều khiển” người lớn trong gia đình. Đứa trẻ khi này đã đủ lớn để nhận thức được bố sẽ buồn và giận dỗi nếu bị cho “ra rìa”, và hy vọng rằng khi bị đặt trong tình huống như vậy thì bố sẽ cố gắng chiều chuộng để lấy lòng nó hơn.

Một số nhà tâm lý khác lại cho rằng sự thiên vị chỉ xuất hiện và mạnh mẽ hơn khi đứa trẻ nghĩ rằng bố mẹ luôn bất hòa; và khi ấy, đứa con có thể chọn về phe mà nó chắc rằng mình sẽ được an toàn và không bị thiệt thòi. Ðiều này có nghĩa là sự thiên vị nảy sinh khi đưa trẻ cảm thấy bất an về mối quan hệ của bố mẹ.

Khôi phục lại thế cân bằng

Dù bạn cảm thấy hạnh phúc vì được con yêu hơn (đó là sự thật, phải không nào?) nhưng bạn cần phải khôi phục lại thế cân bằng trong tình cảm của con.

Bước đầu tiên, hãy tỏ ra cho con thấy bạn vẫn muốn là người tuyệt vời nhất đối với bé. Giúp con hiểu rằng bạn khuyến khích bé yêu mến người khác không đồng nghĩa với việc phải bớt thương mẹ đi. Bạn có thể nói chuyện nhẹ nhàng nhưng hãy thật chi tiết và dễ hiểu, “Mẹ biết con rất yêu mẹ, nhưng con biết không, bố và ông bà cũng rất yêu thương con, lúc nào cũng lo lắng và chăm sóc con cả. Con cũng rất yêu bố và ông bà đúng không? Thế thì con cũng hãy chơi vui với bố và ông bà giống như chơi với mẹ nhé!”

webtretho_con yêu cả bố nữa

Nhưng con cũng yêu bố rất nhiều (Ảnh: Inmagine)

Khó khăn của bạn là làm cách nào giúp con hiểu được bạn không phải là người tốt duy nhất. Hãy chỉ ra cho con thấy những điểm tốt của bố, của những người thân trong gia đình và xa hơn là những người xung quanh, hãy khen ngợi những đức tính, việc làm tốt của từng người.

Đồng thời, bạn cần tránh nhượng bộ sự thiên vị của con. Ví dụ: nếu con cứ nằng nặc đòi theo mẹ mà không vì lý do chính đáng thì bạn đừng nên thay đổi kế hoạch của mình, thay vào đó hãy đưa ra cho con những lựa chọn khác như đề nghị bé ở nhà chơi xếp hình, đọc truyện hoặc xem hoạt hình với bố.

Cũng giống như nhiều thứ khác diễn ra trong thời thơ ấu, giai đoạn của sự thiên vị tình cảm này rồi sẽ qua đi (có thể nhanh như khi nó xuất hiện), tuy nhiên nếu không khéo xử sự thì nó có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình nên cần phải có hướng giải quyết ngay từ đầu.

Còn gì tuyệt hơn khi con yêu thương và cũng được cả bố và mẹ yêu thương, đúng không nào. Chúc cả nhà luôn hạnh phúc nhé!

Mời xem thêm: Mẹ nên làm gì khi con chỉ bám bố?

Có phải con không ngoan? – Phần cuối

(Webtretho) Đôi khi bạn cảm thấy xấu hổ vì đứa con bé bỏng của mình đến chỗ đông người mà chẳng lịch sự chút nào? Bạn đau khổ vì con hung dữ, chẳng chịu nhường nhịn ai? Bạn giận quá là giận đi, vì sao đã nhắc bao nhiêu lần rồi mà con vẫn bày đồ chơi bừa bãi?... Hãy cùng Webtretho tìm hiểu tâm lý của con và giải tỏa những nỗi niềm chất chứa trong lòng biết bao lâu nay ấy nhé.

>> Phần 1


Mong đợi 4: Bé 2 tuổi có thể từ chối sức hấp dẫn từ bát nước của chó mèo.

Thực tế: Chỉ trong vài ngày nhà bạn sẽ như một công viên nước.

Giải quyết: Hãy chấp nhận sức hấp dẫn của nước, bạn cứ thử nhớ lại ngày còn bé mà xem, chơi với nước rõ ràng là rất vui mà. Nhưng đồng thời với đó, bạn cũng hãy kiên định dạy con, hãy nói “Không con à, đây là nước uống của chó/ mèo chứ” và chuyển sự chú ý của bé sang một món đồ chơi, hoặc một hoạt động khác. Bạn có thể trải một cái khăn tắm lên sàn và cho bé chơi với một ly nhựa hay một hộp nhỏ có nước, hoặc cho bé nấn ná thêm một chút vào giờ tắm trước khi đi ngủ chẳng hạn. Luôn ghi nhớ là phải nhẹ nhàng nhưng kiên định, bạn nhé!

Có phải con không ngoan 1

Con ơi, đấy là nước uống của chó cơ mà! (Ảnh: Inmagine)


Mong đợi 5: Con sẽ ngồi ngoan ngoãn ở nhà hàng trong khi đợi đồ ăn được dọn lên.

Thực tế: Bé rắc đường lung tung, làm rơi đồ đạc và thỉnh thoảng hét lên inh ỏi.

Giải quyết: Hãy cố gắng biến nhà hàng càng giống nhà bạn càng tốt: ăn vào giờ ăn thường ngày của gia đình, đừng cho bé mặc những bộ quần áo không thoải mái, thậm chí có thể đem ly, đĩa và muỗng của con bạn theo cùng.

Bạn cũng nên xem xét tính cách của con để tìm ra cách giúp bé "giết thời gian". Màu sáp và giấy có thể khiến con bạn ngoan ngoãn một lúc, nhưng bé cũng có thể cần cả một bao to đồ chơi, đấy là chưa nói đến thậm chí phải dạo quanh quanh nhà hàng nữa ấy chứ. Dù sao thì, trước khi con được ít nhất 4 tuổi, bạn chỉ nên chọn những nhà hàng thân thiện với trẻ em thôi (có khu trò chơi, không quá nghiêm túc, sang trọng...)


Mong đợi 6: Trẻ 5 tuổi sẽ ngồi ở rạp xem một bộ phim thiếu nhi từ đầu đến cuối.

Thực tế: Chỉ sau 15’ là bé sẽ chán ngay (hay cảm thấy sợ ngay!)

Giải quyết: Đầu tiên hãy đảm bảo nội dung phim thật sự lôi cuốn bé. Một phim dành cho thiếu nhi cũng có thể có đôi chỗ cốt truyện phức tạp, vì vậy bạn hãy thì thầm giải thích hay dẫn dắt cho bé hiểu. Thứ hai: hãy chọn phim không dài quá 90’. Và cuối cùng: bởi vì những đoạn quảng cáo ban đầu có âm thanh lớn, đột ngột, có thể làm bé sợ, bạn hãy tranh thủ khoảng thời gian này để dẫn bé đi vệ sinh.

Vậy thật ra bạn nên mong đợi những gì?

Khi con lên 3:

• Biết tự mang giày (loại giày có miếng dán).

• Biết cởi quần áo (rộng).

• Biết mang bát đĩa nhẹ vào bồn rửa (thỉnh thoảng bé có thể làm rơi).

• Biết cất quần áo vào tủ và có thể phân loại quần áo theo màu sắc.

Có phải con không ngoan 2

Ú òa, mẹ xem con giỏi chưa này! (Ảnh: Inmagine)

Khi con lên 4:

• Biết thay quần áo (với một chút trợ giúp của bố mẹ).

• Biết tưới cây (với sự trợ giúp).

• Giúp rửa xe.

• Tự đánh đu.

Khi con lên 5:

• Biết tự thay quần áo (loại không có khóa hay nút phức tạp).

• Biết trộn ngũ cốc và sữa mà không bị rơi ra ngoài nhiều.

• Dọn giường (với sự trợ giúp).

• Dọn bàn với chén nhựa và các món đồ khác như muỗng, đũa.

Có phải con không ngoan? – Phần 1

(Webtretho) Đôi khi bạn cảm thấy xấu hổ vì đứa con bé bỏng của mình đến chỗ đông người mà chẳng lịch sự chút nào? Bạn đau khổ vì con hung dữ, chẳng chịu nhường nhịn ai? Bạn giận quá là giận đi, vì sao đã nhắc bao nhiêu lần rồi mà con vẫn bày đồ chơi bừa bãi?… Hãy cùng Webtretho tìm hiểu tâm lý của con và giải tỏa những nỗi niềm chất chứa trong lòng biết bao lâu nay ấy nhé.

Hiển nhiên, ước ao con trẻ bớt hiếu động đi một chút là điều hoàn toàn hợp lý ở các bậc làm cha mẹ, nhưng theo Giáo sư Tâm lý Ross A. Thompson tại California: “Phần não điều khiển sự bốc đồng và xúc cảm của trẻ phát triển rất, rất chậm. Có nghĩa là khi tỏ ra không hợp tác hoặc bướng bỉnh thì thật ra, trẻ đang sống đúng với tuổi của mình đấy thôi.”

Nên mong đợi gì ở bé 1

Là mẹ hay con phải điều chỉnh lại thái độ đây? (Ảnh: Inmagine)

Những hành vi của trẻ con là không thể đoán trước, khác nhau từng ngày (thậm chí từng giây phút); khả năng tập trung chú ý, năng lực tự chơi và chơi ngoan với bạn bè cũng phụ thuộc vào tâm trạng của bé, mức độ mệt mỏi và một loạt yếu tố khác. Nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nắm được sự phát triển hành vi theo lứa tuổi của con như thế.

Vậy làm sao để biết khi nào chính bạn cần điều chỉnh lại thái độ? Những mong đợi nào của bạn thật ra là ảo tưởng? Và làm sao để biến ảo tưởng thành hiện thực?


Mong đợi 1: Bé con nhà bạn sẽ chịu ngồi im ngoan ngoãn, chỉ 2 phút thôi, để bạn đi vệ sinh.

Thực tế: Bạn vừa quay lưng là bé đã lót tót ngay sau bạn, luôn miệng hỏi “Mẹ đi đâu đấy?” và đòi theo cùng.

Giải quyết: Tiến sĩ Thompson cho rằng ngăn cản sẽ chỉ càng khiến bé muốn đi theo mà thôi. Thay vào đó, bạn có thể chơi xe hơi hay xếp hình cùng con vài phút trước khi nói với bé rằng bạn cần đi vệ sinh và sẽ quay lại ngay. Nhớ giữ lời với con, đừng la cà tranh thủ việc nọ việc kia, và nhất là hãy nhớ khen con đã tự chơi ngoan.

Trong trường hợp phải làm việc, bạn cũng hãy cố gắng chơi cùng con thêm một chút và giải thích cho con nghe kế hoạch bạn sắp làm. Hãy sắp xếp để con có thể nhìn thấy bạn và bạn cũng có thể trông chừng bé, thỉnh thoảng kiểm tra tình hình bằng một cái ôm hay vài lời khen ngợi.


Mong đợi 2: Nhóc nhà bạn sẽ ngoan ngoãn chia sẻ với bạn của chúng.

Thực tế: Bạn sẽ phải làm trọng tài liên tục ấy chứ!

Giải quyết: Trẻ ở độ tuổi mầm non mới chỉ đang học cách để cảm thông, vì vậy thật khó để con nhận ra rằng bạn chúng cũng muốn chiếc xe đó nhiều như chúng muốn. Bố mẹ hãy nói chính xác những cách ứng xử bạn mong muốn ở con, như vậy sẽ giảm bớt nguy cơ tình huống như trên lại xảy ra lần nữa. Đồng thời bạn cũng đừng hơi chút lại can thiệp vào cuộc tranh cãi của bọn trẻ. Dù muốn ngăn mọi việc xảy ra quá đà, bạn cũng hãy kiềm chế đừng vội vội vàng vàng nhảy vào.

Trong trường hợp tự con không giải quyết được, bạn hãy tung đồng hồ vào tham chiến. Hãy nói rằng, “Con chơi búp bê hai phút rồi sẽ đến lượt bạn nhé.” Trẻ ở độ tuổi này đã có thể hiểu và mong đợi sự công bằng. Nhưng mặt khác, trước những lần chơi chung tiếp theo của các con, bố mẹ cũng hãy xem xét việc cất những món mà con không muốn chơi cùng bạn của mình.


Mong đợi 3: Con sẽ tự cất đồ chơi mà không cần nhắc nhở hàng trăm lần liền.

Thực tế: Bé chỉ cất vài món và vẫn tiếp tục chơi.

Mong đợi gì ở bé 2

Phải làm sao đây để con chịu cất đồ chơi về đúng chỗ? (Ảnh: Inmagine)

Giải quyết: Thật khó để một đứa trẻ có thể ngừng chơi và cất đồ chơi của mình đi. Vì vậy bạn hãy dọn cùng bé và khen ngợi nhiệt tình khi con đặt đồ chơi vào đúng vị trí. Bằng cách chỉ cho con biết phải làm gì và khen ngợi khi bé hoàn thành nhiệm vụ – dù ban đầu kết quả của nhiệm vụ này có nhỏ nhoi thế nào đi chăng nữa – bạn sẽ giúp bé hình thành những thói quen tốt sau này.

(Còn tiếp)

Đặc điểm phát triển chung của lứa tuổi 3, 4, 5

(Webtretho) Lên 3, thế giới của con đã mở rộng ra rất nhiều, và cùng với đó, con cũng "trưởng thành" hơn rất nhiều. Bố mẹ cần biết gì về sự phát triển của con để chuẩn bị cho con thật tốt bước ra thế giới? Bạn chưa tự tin ư, hãy cùng Webtretho tìm hiểu nhé.


Trẻ 3 tuổi

Trẻ 3 tuổi có cái nhìn về thế giới rộng mở hơn, các khái niệm về thời gian và không gian bắt đầu có những biến đổi thú vị. Các bé bắt đầu hiểu được sự phức tạp của thế giới xung quanh và nhận ra sự khác nhau giữa thực và giả. Chúng thường hỏi những câu kiểu như “Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?”, “Hồi ba còn nhỏ thì có con khủng long không?” và “Mấy cô chú trong TV đó là người thiệt hay giả bộ vậy mẹ?”

Trẻ 3 tuổi

"Buổi tối chim có đi ngủ không mẹ?" (Ảnh: Inmagine)

Với chúng, quá khứ được phân thành: hồi nãy, hôm qua, tuần trước, tháng trước, hồi xưa, hồi ba mẹ nhỏ xíu... Tương lai thì được chia thành: ngày mai, sắp… rồi, hay mai mốt con lớn. Mặc dù có thể không biết tên của các mùa trong năm nhưng trẻ 3 tuổi đã bắt đầu tìm ra các mối tương quan, chúng có thể liên tưởng mùa hè với tiết trời oi bức, cả nhà đi du lịch tắm biển, mùa thu với lá vàng và Tết Trung Thu…

Giống như thời gian, không gian được chia thành nhiều loại: Có những nơi gần và ta có thể đi bộ đến; có những nơi xa không thể đi bộ được; và cũng có những nơi rất rất xa, như châu Phi, mặt trăng. Các bé cũng chia mọi người xung quanh theo mức độ già trẻ, chẳng hạn như con nít, người lớn đi làm, người già ở nhà. Các sự vật có thể sống hoặc không, người và loài vật có thể sống hoặc chết, và mọi thứ có thể thật hoặc giả.

Tới 3 tuổi, các triệu trứng “bướng bỉnh trẻ lên 2” sẽ dần hết và trẻ sẽ đằm tính hơn. Trẻ 3 tuổi có khả năng tập trung tới vài phút để làm một việc gì đó và thích chơi đùa với các trẻ khác hơn. Tới thời điểm này, trẻ cũng biết biểu lộ nhiều dạng cảm xúc hơn. Chúng có thể buồn hoặc tỏ ra đăm chiêu, có thể ganh tị, cảnh giác, sợ hãi hoặc hài lòng, vui vẻ, khoái chí. Các bé cũng nắm bắt được nhiều hơn cảm xúc của người khác. Chúng biết nên làm cho người lớn hài lòng, với một động lực hết sức mạnh mẽ là được người khác khen ngợi và yêu thương. Mặc dù trẻ 3 tuổi có khuynh hướng ít giận dữ hơn trẻ lên 2, nhưng khi mệt hoặc đói thì chúng cũng không ngoan được đâu.


Trẻ 4 tuổi

Trẻ 4 tuổi ngày càng ý thức mình là một thành viên trong một tập thể. Chúng dành phần lớn thời gian để tạo dựng và giữ vững vị trí với các trẻ đồng trang lứa. Chúng cũng dễ dàng sử dụng vốn từ vựng của mình để khen, chê và “chỉnh” những đứa trẻ khác nhằm hướng sự chú ý vào khả năng của chúng và thuyết phục các bạn cùng chơi chấp nhận ý tưởng mà chúng đưa ra.

Trẻ 4 tuổi thích chơi với trẻ khác, có thể dọa dẫm hoặc hứa hẹn để giành lấy một đứa bạn hoặc để được “kết nạp” vào một nhóm bạn. Vậy nên ở trường mẫu giáo, bạn có thể rất hay nghe thấy những câu như “Mình làm bạn của nhau nhé” và “Mình không chơi với bạn đâu.”

Trẻ 4 tuổi cần nhiều không gian để chơi, vì trò nào chúng cũng có thể chơi được cả, đặc biệt là thích trò “siêu nhân” và “quái vật”. Mặc dù đã biết chia sẻ đồ chơi với nhau và thay phiên chơi chung một món đồ nhưng chuyện giành đồ chơi giữa các bé 4 tuổi vẫn xảy ra như cơm bữa. “Chiến tranh” thường bắt đầu bằng việc cãi nhau rồi kết thúc bằng xô đẩy, đấm, đá. Thường thì các bé cũng không thể làm nhau đau lắm đâu, nhưng người lớn vẫn phải canh chừng.

Lên 4 tuổi, bé thích khám phá những điều mới lạ như đu xích đu, nhớ tên các loại khủng long, đếm từ 1 tới 20, và chơi game trên máy tính. Chúng tin vào những gì chúng nhìn thấy, nghe thấy và chạm tay vào. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghĩ rằng ly nước trái cây của nó ít hơn của bạn thì có nghĩa là ly của bạn thật sự nhiều hơn, dù cả 2 ly đều được rót từ 2 hộp như nhau. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi nghe thấy tiếng một con quái vật đang gầm gừ dưới giường thì có nghĩa là thật sự có một con quái vật ở dưới giường, mặc cho bố mẹ có giải thích đến đâu chăng nữa..

Ở tuổi này, bé cũng rất tò mò và rất thích hỏi “Tại sao?”

Trẻ 5 tuổi

Trẻ lên 5 có thể kiên trì vẽ cho đến khi được bức tranh như mong muốn. (Ảnh: Inmagine)


Trẻ 5 tuổi

Trẻ 5 tuổi dường như lớn hẳn lên trên nhiều phương diện. Giống như khi 4 tuổi, trẻ 5 tuổi thích khám phá những điều mới lạ, nhưng chúng có thể kiên trì luyện tập để thành thục hơn. Ví dụ khi vẽ một cái cầu vồng, một ngôi nhà hay tự họa chân dung, chúng có thể cố gắng vẽ đến khi nhìn được bức tranh như chúng muốn.

Trẻ 5 tuổi cũng thích chơi trò đóng vai các nhân vật khác, nhưng ở mức độ công phu hơn. Trước khi chơi, trẻ thường chuẩn bị các đạo cụ để đảm bảo câu chuyện được diễn ra theo một trình tự hợp lý. Nếu mở “show trình diễn”, chúng sẽ làm sân khấu, bán vé và thay đổi phục trang trước khi trình diễn. Mở màn, chúng có thể sẽ bước lên sân khấu giới thiệu nội dung của buổi diễn, sau đó diễn một vài cảnh, rồi kết thúc bằng việc cúi đầu chào kiểu cách kèm theo những tràng pháo tay rộ lên.

Trẻ 5 tuổi thích dùng và diễn giải các ký hiệu, biểu tượng. Hầu hết trẻ ở độ tuổi này rất nghiêm túc muốn học hỏi, và một số có thể học các cơ chế đọc viết nhanh hơn những đứa khác. Chúng thích tự mình đọc menu và gọi món, diễn giải các biển báo giao thông, tự viết danh sách các món đồ cần mua, và tự viết tên lên nhãn tập hoặc các bức tranh do chúng vẽ. Chúng có thể hình dung ra trong đầu những vấn đề đơn giản và có thể nắm bắt khái niệm cộng trừ, dù có thể chúng phải xòe tay ra đếm trước khi trả lời.

Những đứa trẻ 5 tuổi có cơ hội sử dụng máy tính thường thích các chương trình tương tác. Chúng có thể hiểu, áp dụng các luật chơi và nếu như mỗi lần trả lời đúng các câu hỏi liên quan đến kỹ năng đọc, viết và tính toán và được máy tính hiện ra câu chúc mừng hoặc khen ngợi chúng thì chúng rất thích thú. Trẻ 5 tuổi thích những chương trình cho phép chúng tự giải quyết vấn đề, để chúng tự sắp xếp các nhân vật trên màn hình rồi tạo ra một chuyện tưởng tượng riêng của chúng, và các chương trình hướng dẫn chúng vẽ, tô màu, làm thiệp sinh nhật và thiệp mời.

Trẻ ở độ tuổi này rất có thể tự lập kế hoạch vui chơi trước. Chúng chọn bạn bè tham gia trò chơi dựa trên tiêu chí cùng chung sở thích. Những đứa trẻ thích các trò chơi năng động sẽ chọn chơi các trò leo trèo, chạy và đuổi bắt, chơi bóng hoặc đua xe. Những đứa trẻ thích các trò chơi tĩnh hơn thì sẽ chơi cát, tìm côn trùng hoặc thằn lằn, chơi đóng kịch hoặc tụm lại trò chuyện với một đứa bạn khác.

Thứ bậc trong gia đình và tính cách của con – Phần cuối

Vì sao tính cách của các con tôi lại khác nhau đến thế? Làm sao để tôi có thể giúp con phát triển tốt nhất theo cách riêng của bé bây giờ? Hai câu hỏi lớn trên đây của các bậc cha mẹ dường như dẫn đến cùng một đầu mối…

>> Phần đầu: Con đầu – Con út

Con giữa

Một số ngôi sao là con giữa: Anne Hathaway, Joe Jonas, Owen Wilson…

Sức mạnh bẩm sinh

Con giữa thường thuộc dạng “gió chiều nào xuôi chiều ấy”. Khi một đứa em gái hay em trai ra đời, nó buộc phải học cách liên tục đàm phán và thỏa hiệp để có thể hòa hợp được với tất cả mọi người; vậy nên không có gì ngạc nhiên khi những đứa con giữa thường đạt điểm cao nhất trong số các anh chị em của mình trong bài kiểm tra về tính dễ chịu.

Vì ít được chú ý ở nhà nên con thứ cũng thường có những mối gắn kết rất chặt với bạn bè và ít gắn bó với gia đình hơn anh chị em của mình. “Chúng thường là người đầu tiên đi du lịch với gia đình khác hoặc ngủ lại nhà bạn,” tiến sĩ Linda Dunlap, giáo sư đại học Marist College, New York, cho biết. Tracie Chuisano, mẹ của 3 đứa trẻ đến từ Wilmington, Bắc California, cũng nhận thấy những điểm này ở con trai giữa của mình. “Tôi cho cháu ngủ lại nhà bạn ngay từ hồi mới lớp 2, dù thậm chí nghĩ rằng anh cháu vẫn còn quá nhỏ để làm điều đó.”

Những thử thách thường gặp

Con giữa đã là em bé của cả nhà cho đến khi bị “truất ngôi”. Thật không may là chúng thường nhận biết được rất tinh rằng mình ít được bố mẹ quan tâm bằng những “kẻ tiên phong” là các anh chị hay những đứa con út bé bỏng; chúng cảm thấy yêu cầu và mong muốn của mình bị lơ đi, cảm thấy mình không được đánh giá cao. Sự phàn nàn này không phải là không có cơ sở: một điều tra của trang TheBabyWebsite.com cho thấy 1/3 các bậc cha mẹ có 3 con thừa nhận họ ít chú ý đến đứa con giữa bằng con đầu hay con út.

Quả thật, là con thứ trong gia đình là một vị trí không dễ dàng chút nào. Cũng vì thế, chúng rất dễ bị “lạc” ra ngoài.

Vậy bố mẹ nên làm gì?

Hãy tìm cách giúp những đứa con thứ ra trước trung tâm chú ý. Điều phàn nàn lớn nhất thường gặp ở con giữa là chúng không được “lắng nghe” trong gia đình, nhưng chỉ cần những hành động rất đơn giản của mọi người, như để chúng chọn nhà hàng hoặc bộ phim mà cả nhà sẽ cùng đi, điều đó có thể có ý nghĩa rất lớn. “Rất nhiều lần, những đứa con thứ phải chiều theo ý của anh chị và em của mình,” tiến sĩ Maidenberg nói. Vì thế hãy làm thế nào để con cảm thấy được tôn trọng.

Các trường hợp đặc biệt

Chỉ một trên đời!

Bạn từng nghe nói con một khi lớn lên thường trở nên ích kỷ và lạc lõng với xã hội. Nhưng theo tiến sĩ Frank Sulloway, điều này không đúng, “Những đứa trẻ là con một có thể học  kỹ năng nhân bản từ cha mẹ và các bạn cùng lứa.” Thật ra, hầu hết con một khi lớn lên đều có những đặc điểm giống với con đầu lòng: tham vọng, ăn nói lưu loát; và vì có nhiều thời gian ở bên cha mẹ, con một cũng có thể tương tác thoải mái với người lớn.

Tuy nhiên, mặt trái của việc là con một đó là bé thường gặp phải một số khó khăn với bạn  cùng trang lứa. Vậy nên bố mẹ hãy bảo đảm cho con dành đủ thời gian chơi với bạn bè, hãy đăng ký cho con tham gia vào các sân chơi, đội nhóm thể thao hoặc các hoạt động có tổ chức khác, bạn nhé.

Hạnh phúc nhân đôi

Thậm chí ngay cả khi có các anh chị em khác thì các cặp sinh đôi (hay sinh ba, tư) thường cùng lớn lên như một thực thể đồng nhất – vì đó là cách người khác nhìn chúng. Trong cái thực thể ấy có sự phân định lớn nhỏ rõ ràng, đứa trẻ được sinh ra trước thường hành xử như anh chị lớn, trong khi đứa sinh sau sẽ có những tính cách như một đứa em; tuy vậy nói chung mọi người vẫn nhắc đến những đứa trẻ này là “cặp sinh đôi” chứ ít khi tách riêng ra. Điều ấy có thể là nguồn gốc của những khó khăn, rắc rối khi cặp sinh đôi này lớn lên và có những hướng đi riêng để khắc họa tính cách của mình.

"Zack" và "Cody"

Cặp sinh đôi "Zack" và "Cody" nổi tiếng (Ảnh: Internet)

Vì thế, hãy khuyến khích cặp sinh đôi của bạn phát triển đam mê của riêng chúng. Dù chúng thích làm mọi thứ cùng nhau nhưng hãy tạo điều kiện để mỗi đứa trẻ phát triển sở thích và tính cách riêng, điều này quan trọng lắm đấy, bạn à.