Lưu trữ cho từ khóa: 25-30 tháng

Dạy con mọi thứ trên đời – Cho bé từ 2-5 tuổi

(Webtretho) Cuộc sống phong phú có vô vàn những điều mới lạ để bé tìm hiểu. Bố mẹ cũng có vô vàn những kiến thức và kỹ năng phải chuẩn bị cho các bé để từ đó, các thiên thần nhỏ tự tin bước những bước chập chững tìm hiểu thế giới xung quanh. Sau đây là một số kỹ năng cần thiết mà Webtretho muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh:

Dạy bé từ 2-5 tuổi những thói quen tốt:

Từ bỏ núm vú giả

webtretho_núm vú giả

Ngậm núm vú giả thời gian dài sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bé (Ảnh: Inmagine)

Trong mắt nhiều người, hình ảnh các bé ngậm núm vú giả thật đáng yêu, nhưng theo các nhà chuyên môn, việc ngậm núm vú giả trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của bé.

Tuy vậy, nỗ lực của các bậc phụ huynh trong việc “cai” cho con mình lại thường bất thành, và lý do là vì họ không biết cách giúp bé “lấp chỗ trống” khi bị mất đi món đồ chơi quen thuộc. Tuỳ thuộc vào đặc điểm của mỗi đứa trẻ mà bạn có thể hướng bé sang những thứ khác hấp dẫn hơn như một vài món đồ chơi lạ mắt, cuốn truyện tranh sinh động, thú nhồi bông hay những trò chơi vận động vui nhộn.

Tự lau chùi sau khi đi vệ sinh

Bước 1: Không làm hộ cho con nữa, vì nếu thế bé sẽ nghĩ chẳng bao giờ phải học cách tự vệ sinh làm gì.

Bước 2: Đưa cho bé giấy vệ sinh cùng những hướng dân cụ thể và đơn giản như: “Con gấp giấy lại như thế này, vòng tay như thế này…”

Bước 3: Tất nhiên những lần đầu bé sẽ không tự chùi được sạch sẽ như bạn muốn đâu, nhưng hãy kiên nhẫn, cả mẹ và con. Dần dần bé sẽ thao tác nhanh nhẹn và gọn gàng hơn và có thể tự làm được một mình.

Rửa tay thường xuyên

Đây là thói quen tốt mà mọi em bé đều cần phải học. Rửa tay là một hành động đơn giản nhưng có thể giúp bé tránh được sự xâm nhập của nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nhưng bố mẹ đừng làm cho nó thành một nghĩa vụ, thay vào đó, hãy giúp bé tìm thấy niềm vui khi rửa tay và xem nó như một trò chơi thú vị. Sau đây là một vài mẹo nhỏ hữu ích dành cho bạn:

1… cho bé tự chọn loại xà phòng có hương thơm và màu sắc mà bé thích.

2… hãy hát khi rửa tay. Những bài ngắn ngắn như Kìa con bướm vàng có độ dài vừa đủ để bé rửa tay kỹ càng, đồng thời cũng giúp bé không cảm thấy buồn chán; khi nào kết thúc bài hát có nghĩa là bé đã hoàn thành xong “công việc” của mình.

3… tập cho bé thói quen rửa tay đều đặn nhiều lần trong ngày, như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi đi ngủ. Một khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ tự giác rửa tay mà không cần bố mẹ nhắc nhở.

webtretho_buộc dây giày

Dạy con cách buộc dây giày (Ảnh: Inmagine)

Dạy con cách buộc dây giày

Buộc dây giày là cách giúp trẻ phối hợp giữa suy nghĩ và điều khiển những ngón tay, vậy nên đây hoàn toàn không phải là một nhiệm vụ đơn giản; bố mẹ đừng đòi hỏi con mình phải tự buộc dây giày (chứ chưa nói đến buộc sao cho thành thục, đẹp đẽ và gọn gàng) cho đến khi nào các bé biết chơi lắp ghép, Lego hay biết dùng bút màu.

Một số bé có khuynh hướng suy nghĩ và học qua từ ngữ, một số bé lại học nhanh hơn bằng cách quan sát; bạn hãy tùy vào đó để có cách hướng con dẫn cho phù hợp và hiệu quả. Ban đầu, bé có thể sẽ “giận ơi là giận” vì mãi vẫn không buộc được dây giày, bố mẹ nhớ động viên bé nhé. Đồng thời, bố mẹ cũng hãy cố kiên nhẫn, bình tĩnh, đừng xông vào làm hộ cho con, và nhất là đừng hối thúc bé!

Tập thói quen ngăn nắp và có giờ giấc

Hãy bắt đầu tập cho bé hai thói quen này càng sớm càng tốt, không những sẽ có tác động tốt đến sự phát triển của bé mà còn tránh được cho bạn không ít căng thẳng về sau.

Ban đầu, tất nhiên bé sẽ không thể tự tạo ra cho mình thói quen sinh hoạt giờ giấc và hơn ai hết, bố mẹ phải là người có trách nhiệm tạo ra thời gian biểu cho con mình. Hãy cho bé ăn uống, học, chơi, xem TV và đi ngủ vào những giờ cố định. Các bé được hình thành thói quen này ngay từ nhỏ và sẽ biết cách áp dụng chúng vào những việc quan trọng hơn trong tương lai.

Cũng đừng cho rằng con mình còn bé bỏng mà ôm đồm thay bé tất cả mọi việc, suy nghĩ ấy sẽ tạo cho con bạn thói quen vô tư bày bừa và bố mẹ là người phải có trách nhiệm thu dọn. Hãy dạy cho bé cách sắp xếp đồ đạc ngay từ những bước cơ bản nhất, như thu dọn các món đồ chơi sau khi chơi xong. Bạn có thể tập thói quen này cho bé bằng cuộc thi nho nhỏ “Ai dọn được nhiều đồ chơi nhất, ai bỏ đồ chơi về đúng chỗ nhất” xem sao.

Mời xem tiếp:

Dạy cho bé từ 2-5 tuổi cách ứng xử thông minh | Dạy bé từ 6-9 tuổi |

Dạy bé từ 10 tuổi trở lên những đức tính | Dạy bé từ 10 tuổi trở lên sống có trách nhiệm

Dinh dưỡng cần thiết cho mọi đứa trẻ – Vitamin

Sau 6 tháng đầu đời được nuôi dưỡng hoàn hảo bằng sữa mẹ, bé bắt đầu tiếp nhận những thực phẩm phong phú hơn nhưng cùng với đó việc cung cấp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ cũng trở nên cam go hơn. Vậy một đứa trẻ cần những dưỡng chất nào và làm sao có thể cung cấp dinh dưỡng đúng cách cho bé?

>> Phần 1: Khoáng chất

Phần 2: Vitamin

Vitamin A, D, E và K

Vì sao bé cần: Vitamin A giúp tăng cường thị lực và mang lại một làn da khỏe mạnh. Vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ can-xi và giúp phát triển xương – thiếu vitamin D có thể gây còi xương. Khả năng chống oxy hóa của vitamin D góp phần vào sự tăng trưởng của tế bào và sự phát triển của hệ thần kinh. Vitamin K giúp máu đông bình thường.

Webtretho - Lòng đỏ trứng - Thực phẩm cho bé

Lòng đỏ trứng cung cấp vitamin E cho bé - Ảnh: Inmagine

Liều lượng hàng ngày: Một liều tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh khi mới chào đời giúp ngăn ngừa chảy máu não thất. Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh cung cấp đủ vitamin A, D và E cho đến khi bé được 1 tuổi. Để cung cấp đủ vitamin D, trẻ sơ sinh bú mẹ cần được uống bổ sung vitamin nhằm cung cấp 400 IU vitamin D mỗi ngày cho đến khi bé cai sữa mẹ. Hoặc nếu bạn cung cấp cho bé thức ăn đa dạng theo tháp dinh dưỡng – trái cây, rau củ, sữa, tinh bột, chất béo tốt – và bác sĩ nhận định bé phát triển bình thường theo lứa tuổi, điều đó nghĩa là bé đã hấp thụ được đủ vitamin hòa tan trong chất béo.

Cung cấp cho bé: Ngoài sữa mẹ, sữa công thức và sữa bò, các nguồn cung cấp vitamin A bao gồm trái cây giàu carotene như cà rốt, khoai lang và bông cải xanh. Vitamin ít có trong thực phẩm – đó là lý do mà bác sĩ khuyên bạn cho trẻ uống bổ sung vitamin D cho trẻ bú mẹ cũng như cho bé tắm nắng – nhưng bạn cũng có thể cung cấp cho bé thông qua lòng đỏ trứng và cá. Thực phẩm giàu vitamin E bao gồm dầu thực vật, ngũ cốc; còn vitamin K tìm thấy nhiều trong sữa bò, rau lá xanh, trái cây và dầu đậu nành.

Bạn cần biết: Nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 40% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thu nạp lượng vitamin D thấp dẫn đến xương không khỏe. Hãy nói với bác sĩ nhi khoa của con bạn về việc bổ sung vitamin D nếu bé của bạn bú mẹ hoàn toàn và tăng cường cho bé tắm nắng.

Vitamin C và B

Webtretho - Tháp dinh dưỡng cho trẻ

Tháp dinh dưỡng - Ảnh: Corbis

Vì sao bé cần: Vitamin C làm tăng hấp thụ sắt và giúp ngăn ngừa chứng scobat – một chứng bệnh do thiếu vitamin C gây ra các vết thâm tím lan rộng trên cơ thể mà dân gian thường gọi là “vết ma cắn”. Các vitamin nhóm B – trong đó có axit folic tăng cường hệ thống miễn dịch và hệ thần kinh, duy trì làn da khỏe và trương lực cơ, thúc đẩy sự phát triển tế bào và sự trao đổi chất ốn định.

Liều lượng hàng ngày: Nếu bạn cho bé ăn các loại thực phẩm theo tháp dinh dưỡng – trái cây, rau củ, sữa, ngũ cốc nguyên cám, chất béo – và bác sĩ cho rằng bé phát triển tốt theo lứa tuổi, điều đó có nghĩa bé đã dung nạp đủ vitamin hòa tan trong nước.

Cung cấp cho bé: Vitamin C có trong trái cây họ cam quýt, dâu tây và khoai tây. Axit folic có trong rau xanh, ngũ cốc và bánh mì. Các vitamin nhóm B khác được tìm thấy trong ngũ cốc nguyên cám như gạo nâu cũng như có trong chuối, đậu, trứng, thịt, gia cầm và cá.

Bạn cần biết: Trẻ con thường không thích trái cây hoặc rau xanh, nhưng là phụ huynh hiểu biết, bạn cần kiên nhẫn và đừng từ bỏ việc tập cho bé ăn rau xanh và trái cây giàu dinh dưỡng. Mỗi em bé đều phải thử các loại thức ăn, bỏ vào miệng rồi nhè ra từ 8-10 lần trước khi bé bắt đầu thích nó.

Dinh dưỡng cần thiết cho mọi đứa trẻ – Khoáng chất

Sau 6 tháng đầu đời được nuôi dưỡng hoàn hảo bằng sữa mẹ, bé bắt đầu tiếp nhận những thực phẩm phong phú hơn nhưng cùng với đó việc cung cấp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ cũng trở nên cam go hơn. Vậy một đứa trẻ cần những dưỡng chất nào và làm sao có thể cung cấp dinh dưỡng đúng cách cho bé?

Webtretho - Dinh dưỡng cho trẻ

Mẹ cho con ăn gì thế nhỉ? - Ảnh: Inamgine

Phần 1: Khoáng chất

Chất sắt

Vì sao bé cần: Sắt quan trọng cho sự phát triển của não bộ – nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt khoáng chất này có thể dẫn đến khiếm khuyết trong tư duy và vận động của trẻ. Tin vui là các bé sơ sinh khi ra đời đều có một nguồn dự trữ sắt dồi dào, thường đủ cho nhu cầu của bé trong 4-6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, các bé sinh non có thể thiết hụt một phần hoặc toàn bộ dự trữ sắt quan trọng được tích lũy trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Điều này, cùng với việc nhịp tăng trưởng phải “rượt đuổi”, có thể làm cạn kiệt nguồn sắt dự trữ của bé sinh non chỉ trong 2-3 tháng. Nếu em bé của bạn ra đời sớm hơn dự kiến, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung chất sắt cho bé.

Liều lượng hàng ngày: Sữa công thức đã chứa lượng sắt cần thiết cho nhu cầu của bé trong năm đầu đời, nhưng sữa mẹ thì không được bổ sung khoáng chất này, đó là lý do vì sao bác sĩ nhi khoa khuyên phụ huynh cần cho bé làm quen với thực phẩm giàu sắt sớm trong nửa sau của năm đầu đời, khi bé bắt đầu ăn dặm (lưu ý cắt nhỏ và tròn góc thức ăn cho trẻ dưới 4 tuổi để tránh hóc nghẹn). Từ 7-12 tháng tuổi, bé cần 11mg nguyên tố sắt mỗi ngày, và từ 1-3 tuổi, liều lượng giảm còn 7mg/ngày.

Cung cấp cho bé: Sau 6 tháng tuổi, bạn có thể chọn bột ngũ cốc tăng cường dinh dưỡng để làm thức ăn dặm đầu tiên cho bé, với 2 khẩu phần mỗi ngày (mỗi khẩu phần khoảng 15g) để cung cấp 11mg sắt. Thịt và cá là các nguồn cung cấp sắt tự nhiên, bạn có thể cho bé ăn thêm thịt bò, gà và cá. Một số nguồn cung cấp sắt khác gồm có: quả bơ, khoai tây, bông cải xanh, trứng, đậu nành và rau bó xôi.

Webtretho - Rau bó xôi - Thực phẩm cho bé

Rau bó xôi là một trong các loại rau giàu sắt - Ảnh: Inmagine

Bạn cần biết: Thiếu hụt sắt là phổ biến nhất trong các loại thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ em. Để ngăn ngừa thiếu sắt, hãy yêu cầu bác sĩ nhi khoa theo dõi tình trạng thiếu máu do thiếu sắt của bé ở thời điểm bé được 12 và 18 tháng tuổi.

Can-xi

Vì sao bé cần: Khoáng chất này giúp bé đạt được tỉ trọng xương tối ưu, cần thiết để tạo xương chắc khỏe và ngăn ngừa gãy xương khi bé leo trèo hoặc chơi thể thao.

Webtretho - Chế phẩm sữa - Dinh dưỡng cho bé

Các sản phẩm từ sữa rất giàu can-xi - Ảnh: Inmaigne

Liều lượng hàng ngày: Sữa mẹ và sữa công thức cung cấp đủ can-xi cho bé trong năm đầu đời. Khi bạn chuyển sang cho bé dùng sữa bò nguyên chất, bé cần cung cấp đủ 500mg can-xi mỗi ngày.

Cung cấp cho bé: Một cốc sữa bò tươi nguyên chất hoặc 180ml sữa chua (khoảng 1 hũ) cung cấp khoảng 250mg can-xi tạo nên cấu trúc xương vững chắc. Bé dưới 1 tuổi không nên uống sữa bò tươi, nhưng sữa chua có thể được xem là một loại thức ăn dặm. Một số lựa chọn khác để bổ sung can-xi cho bé như phô-mai, cá hồi, đậu hũ, bông cải, đậu trắng, cà chua và yến mạch.

Bạn cần biết: Giúp bé quen với mùi vị các chế phẩm sữa ít béo sẽ có ích cho bé khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng can-xi vượt trội (1300mg/ngày khi bé 9 tuổi), vì can-xi được hấp thụ tốt nhất từ thực phẩm. Các bé thừa cân và có nguy cơ béo phì, hoặc gia đình có tiền sử mắc tim mạch sớm có thể dùng sữa giảm béo từ 12-24 tháng tuổi.

Kẽm

Vì sao bé cần: Ngoài tác dụng tích cực đối với khả năng nhận thức và phát triển, vai trò chính của kẽm là duy trì chức năng miễn dịch và đảm bảo sự tăng trưởng tối ưu và sửa chữa các tế bào. Thiếu hụt kẽm liên quan đến suy giảm tăng trưởng, tăng khả năng nhiễm trùng và nguy cơ tiêu chảy.

Webtretho - Thực phẩm cho bé

Thịt cá giúp bổ sung kẽm cho bé trong quá trình tăng trưởng - Ảnh: Inmagine

Liều lượng hàng ngày: Sữa công thức cung cấp đủ nhu cầu kẽm của bé, nhưng sữa mẹ thì không, vì vậy điều quan trọng là cần cho bé ăn các thực phẩm giảu kẽm trong nửa sau của năm đầu đời. Trẻ từ 7 tháng tuổi đến 3 tuổi cần 3mg kẽm mỗi ngày.

Cung cấp cho bé: Mỗi 50g thịt thăn heo chứa khoảng 2mg kẽm, mỗi 250g sữa chua chứa 1.6mg kẽm, và nửa cái ức gà chứa 1mg kẽm. Các nguồn thực phẩm chứa kẽm khác gồm: thịt bò, cá, trứng, sữa tươi nguyên chất, phô-mai cheddar.

Bạn cần biết: Kẽm được tìm thấy nhiều  nhất trong các nguồn thực phẩm giàu sắt như thịt, gia cầm và cá, vì vậy nếu bạn cho bé ăn đủ chất sắt, khả năng là bé cũng được cung cấp đủ kẽm.

>> Phần 2: Vitamin

Sự phát triển thể chất của trẻ 1-3 tuổi

Sau rất nhiều những sự phát triển về thể chất của con như biết lật, biết bò, biết ngồi, biết đi… bố mẹ lại tiếp tục chờ đón những cột mốc khác. Những khả năng mới của con khiến bố mẹ vui mừng cũng có mà “đau khổ” cũng có, và dù thế nào đi nữa thì đó cũng là những việc ắt phải xảy ra, cần thiết cho cuộc sống của con về sau. Đó là những khả năng gì ấy nhỉ?

Chơi với bóng
Ngồi xổm
Kéo và đẩy
Leo trèo
Chạy
Bỏ tã
Nhảy

Ném và đá bóng (12 tháng tuổi)

Chẳng bao lâu sau khi đón sinh nhật đầu tiên của mình, con bạn sẽ tỏ ra rất thích chơi với bóng – đầu tiên là ném bóng, đến khoảng 2 tuổi thì đá bóng, và khi khoảng 3-4 tuổi bé sẽ có thể chụp, bắt lấy bóng. Để giúp con rèn luyện những kỹ năng này:

- Ném bóng: đầu tiên bạn hãy lăn một quả bóng nhỏ, mềm giữa bạn và con. Sau một thời gian, bạn có thể tăng khoảng cách giữa hai mẹ con lên, và chẳng bao lâu con sẽ muốn ném bóng cho mà xem.

- Đá bóng: tương tự như trên, có điều bạn hãy chỉ cho con cách dùng chân thay vì tay để lăn quả bóng.

- Bắt bóng: hãy hướng dẫn con lăn bóng lên một đoạn dốc ngắn rồi bắt lại khi nó lăn xuống.

Ngồi xổm (12 đến 18 tháng)

webtretho_ngồi xổm

Ngồi xổm cũng là cả một... bước tiến lớn (Ảnh: Inmagine)

Cho đến giờ, con vẫn phải cúi hẳn người xuống mỗi khi muốn nhặt món đồ nào đó dưới đất. Từ cúi người đến biết ngồi xổm là cả một bước tiến lớn, để giúp con đạt được kỹ năng này:

- Khi con chuẩn bị cúi xuống nhặt đồ, bạn hãy chỉ cho bé cách khuỵu đầu gối để ngồi xổm.

- Để con luyện tập. Rải vài món đồ chơi nhỏ trên nền nhà và chơi trò “tìm kho báu” để con phải di chuyển từ món đồ này sang món đồ kia và nhặt chúng lên – thật là một trò quá hay để con dọn đồ chơi mỗi khi chơi xong!

Kéo và đẩy (12 đến 18 tháng tuổi)

Một khi đã có thể bước đi tự tin, con sẽ tiếp tục tìm thấy niềm vui qua trò kéo và đẩy các món đồ chơi. Khả năng phối hợp của con cũng nhờ đó mà phát triển, vì trong lúc kéo đồ chơi về phía trước, thỉnh thoảng con sẽ phải ngoái nhìn phía sau.

Vậy bạn hãy cho con vài món đồ chơi dạng kéo, đẩy, hoặc cũng có thể tự chế bằng cách buộc một sợi dây vào chiếc xe hơi đồ chơi của con. Bạn phải hết sức lưu ý: trông chừng con trong lúc chơi hoặc chỉ dùng đoạn dây dài tối đa 30cm nhằm tránh nguy cơ dây quấn vào cổ con, gây nghẹt thở.

Leo trèo (12 đến 24 tháng)

Trẻ tuổi này rất “liều mạng” và thích leo trèo khắp nơi, từ giường ngủ đến bàn ghế, vì một lý do rất đơn giản: do chúng nằm ngay tầm mắt của con. Dĩ nhiên việc trèo lên bàn hay ghế với bạn chẳng đáng để gọi là thử thách gì cả, nhưng với con thì khác, vì khả năng lý luận của con không phát triển ngang hàng với khả năng vận động cũng như tính “liều”. Chuyện con bị ngã vì thế là điều sẽ phải xảy ra, nhưng bạn đừng vì thế mà tuyệt đối ngăn cản con; leo trèo là một bước tiến quan trọng về mặt thể chất, nó giúp con phát triển khả năng phối hợp để làm rất nhiều việc khác như bước lên bậc thang. Thay vào đó, bạn có thể giúp con bằng cách:

- Tạo môi trường an toàn cho con leo trèo: Thả những cái gối tựa hoặc gối nằm xuống sàn nhà có trải thảm, hoặc để con được chơi thoải mái ở các khu vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ.

- Neo chặt kệ sách và các đồ đạc khác vào tường, kể cả khi bạn nghĩ những món đồ đó quá nặng và không thể đổ được. Bạn cũng cần cất hết những món đồ trên kệ có thể rơi xuống đầu con hoặc có thể kích thích con trèo lên để lấy.

- Hạn chế các chỗ đặt chân lên để leo trèo, luôn chú ý đẩy ghế vào dưới gầm bàn…

- Lắp cửa chặn ở đầu và cuối cầu thang, đó là cách duy nhất ngăn con không trèo cầu thang một mình. Bạn hãy nắm tay con để hướng dẫn con học cách lên và xuống cầu thang an toàn.

Chạy (18 đến 24 tháng)

Nhiều đứa trẻ dường như từ bò chuyển luôn sang chạy chỉ trong tích tắc, trong khi những bé khác cần nhiều thời gian hơn. Vì sao? Bởi vì khi học chạy, chuyện té ngã sẽ xảy ra thường xuyên, và một số bé thích liều hơn những bé khác. Để khuyến khích con, bạn có thể:

webtretho_con có những hiểu biết đầu tiên về cơ thể mình

"Buồn" quá, phải chạy thôi! (Ảnh: Inmagine)

- Chơi đuổi bắt với con ở những nơi ngã không đau lắm như bãi cỏ hay bãi cát, bạn có thể đuổi theo con, rồi đổi vai để con đuổi theo bạn.

- Chơi chạy đua, trò này sẽ càng vui nếu có những trẻ lớn hơn tham gia cùng.

Tập bỏ tã (24 đến 36 tháng)

Dạy con đi vệ sinh (không cần dùng tã nữa) là một trong những bước phát triển mà bố mẹ mong chờ nhất! Nhưng hãy nhớ rằng độ tuổi thích hợp để dạy rất khác nhau ở từng trẻ, sau đây là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thích hợp:

- Con cúi xuống săm soi cái tã, nắm lấy hoặc cố gắng cởi ra khi tã bị bẩn; con ngồi xổm hoặc bắt chéo hai chân khi muốn đi vệ sinh. Những hành động này cho thấy con đã đủ lớn để hiểu hơn về cơ thể của mình.

- Con quan tâm đến những thứ liên quan đến bô, muốn theo bố mẹ vào nhà vệ sinh hoặc nói chuyện đi tè, đi ị…

Nếu con bạn có những biểu hiện như trên, lại có thể tự kéo quần,  có thể kiên nhẫn ngồi một chỗ… thì hãy bắt đầu tập cho con bỏ tã. Bố mẹ hãy giúp con liên tưởng cảm giác “mắc tè”, “mắc ị” với việc ngồi bô; và khi thấy con có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, hãy nói một câu ngắn gọn như “đi vệ sinh đi con” hay “ngồi bô đi con” để nhắc bé.

Nhảy (24 đến 36 tháng)

webtretho_nhảy

Mẹ ơi, xem con nhảy này! (Ảnh: Inmagine)

Từ 2 đến 3 tuổi, con bắt đầu học cách nhảy khi đang ở tư thế khom người, và sau đó từ tư thế đang đứng. Bạn nghĩ rằng nhảy chồm chồm là “năng khiếu bẩm sinh” của bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng thật ra đây lại là một việc rất phức tạp. “Nhảy” đòi hỏi khả năng phối hợp hai phía, hay khả năng sử dụng cả hai phần bên trái và bên phải của cơ thể để thực hiện một hành động nào đó. Bạn có thể giúp con bằng các trò chơi sau:

- Nhảy từng bước: bạn đứng bên cạnh con trên lề đường hoặc trên một bậc thấp, nắm tay của con và nói, “Một, hai, ba, nhảy!” sau đó cùng nhảy xuống.

- Tập nhảy cóc: đây là một bước đệm để con tập nhảy từ tư thế đứng – một động tác phức tạp hơn nhảy từng bước. Dạy con tư thế khom người và vung tay khi nhảy tới, rồi dần dần con sẽ học được kỹ năng này và khiến bạn càng phải để mắt trông coi hơn nữa.

6 bệnh di truyền thường gặp ở trẻ

(Webtretho) Đã bao lần bạn đặt cậu con trai bé nhỏ vào giường, nhìn ngắm bé ngủ và cố tìm ra những đặc điểm bé được kế thừa từ bố mẹ? Khuôn mặt trái tim, đôi mắt to, tóc xoăn của mẹ hay sống mũi cao và làn da bánh mật của bố? Nhiều phụ huynh thừa nhận rằng, có những em bé lúc nhỏ trông rất giống mẹ nhưng lớn lên lại mang nhiều nét giống bố hơn.

Ảnh: Images

Ngoài những đặc điểm về hình dáng, nét mặt thì trẻ con có thể được “thừa hưởng” những vấn đề về sức khỏe tương đối giống với bố mẹ mình: có bé dễ bị cảm sốt và nhức đầu giống hệt mẹ, có bé vô tình “thừa hưởng” bệnh chàm bội nhiễm của bố. Tất nhiên, nhiều căn bệnh kinh niên có thể di truyền qua nhiều thế hệ, nhưng cũng không hoàn toàn chắc chắn rằng mọi đứa trẻ đều mắc phải một trong những căn bệnh có trong lịch sử bệnh tật của gia đình. Các căn bệnh hay tình trạng sức khỏe của gia đình chỉ làm tăng nguy cơ cho em bé mà thôi.: “Thông thường, sự kết hợp của di truyền và tác động từ môi trường sống mới là nguyên nhân của căn bệnh”- Tiến sĩ nhi khoa Jennifer Shu thuộc bang Atlanta và là tác giả cuốn sách Heading Home With Your Newborn cho biết.

Bạn không thể biến đổi gen của con mình, nhưng bạn có thể bảo vệ con bạn bằng cách tìm hiểu các vấn đề sức khỏe của gia đình và ảnh hưởng của chúng đến các thế hệ sau này. Sau đây là những thông tin hữu ích có liên quan đến các vấn đề sức khỏe thường gặp để giúp bạn bảo vệ cho con mình một cách tốt hơn:

Vấn đề về thị giác

Các chuyên gia cho biết thị giác của trẻ tương đối giống với cha mẹ. Các bệnh về mắt cũng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Ảnh: Getty images

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Các chuyên gia cho biết, trên thực tế, thị giác của trẻ con tương đối giống với bố mẹ chúng. Cận thị, mù màu, chứng suy giảm khả năng nhìn thường có tính di truyền. Nếu cả bố và mẹ đều bị cận thị, nguy cơ bị cận thị của con là 25 -50%. “Chỉ có phụ nữ mới truyền gene mù màu cho con, nhưng bệnh mù màu lại thường xảy ra ở nam giới” – Tiến sĩ nhãn khoa Stuart Dankner ở Baltimore cho biết. Vì vậy, một người mẹ bị mù màu nếu sinh con trai thì có đến 50% nguy cơ cậu bé sẽ mắc bệnh này.

Dấu hiệu nhận biết: Nếu con bạn than phiền nhức đầu, thường xuyên nheo mắt hay chảy nước mắt, nhất là khi đọc sách, xem tivi hoặc  sau khi trải qua giờ học ở trường thì bạn cần phải đưa trẻ đi kiểm tra mắt. Trẻ nhỏ thường không nhận biết các vấn đề thị lực của mình cho đến khi bé đủ lớn và bắt đầu đi học, nhưng vấn đề này có thể được phát hiện sớm nhất vào khoảng thời gain bé được 3 tuổi. Crytal Smith đã phát hiện ra cậu con trai tên là Cameron của mình bị cận thị khi bé luôn cố nheo mắt để nhìn mọi vật. Ngay sau đó, Crytal Smith đưa con trai đi đo mắt và kết quả là bé phải đeo kính. Crytal cho biết bản thân anh và vợ, cũng như gia đình bên ngoại của Cameron hầu hết đều bị cận, nhưng anh không nghĩ rằng điều này lại xảy ra với con mình sớm đến như vậy.

Chứng suy giảm khả năng nhìn thường rất khó phát hiện trong vòng 1 năm đầu, trừ khi bác sĩ khám và chẩn đoán. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này ở trẻ sơ sinh – vì hầu hết chúng  sẽ hết sau vài tháng; nếu bạn nhận thấy rằng các vấn đề này vẫn không hề giảm bớt thì có thể lên kế hoạch cho một cuộc kiểm tra mắt cho bé. Đối với bệnh mù màu thì phụ huynh có thể nhận biết khi bé được khoảng 5 tuổi.

Lời khuyên cho phụ huynh: Bạn nên đưa em bé đến khám tại bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ nhi khoa khi bé được 1 tuổi. Điều này đặc biệt quan trọng nếu lịch sử gia đình bạn có nhiều người phải đeo kính ngay từ nhỏ, hoặc bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy nghi ngờ rằng con mình đang bị suy giảm khả năng nhìn. Phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về thị lực có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn và đồng thời còn bảo vệ được thị giác của bé một cách tốt nhất. Đối với những trường hợp bị suy giảm khả năng nhìn, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy giảm thị giác nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng không nhìn thấy gì.

Chàm bội nhiễm

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Tỷ lệ này là 50 -50, tương tự như các trường hợp dị ứng. Điều đó khiến nhiều người có cảm giác rằng chàm bội nhiễm thực sự là một loại phản ứng dị ứng. Loại bệnh này có thể khiến nhiều phụ huynh ngạc nhiên vì con của họ mắc bệnh trong khi cả hai vợ chồng họ đều không có ai mắc bệnh này. Tiến sĩ Howard Saal – giám đốc di truyền học lâm sàng tại Cincinnati Children's Hospital Medical Center cho biết: “Các loại bệnh dị ứng này thường có tính được truyền lại, không phải là dị ứng cụ thể”. Tuy nhiên, chàm bội nhiễm còn có thể bị gây ra bởi một vài nguyên nhân khác như: thời tiết lạnh, khô, điều này tương tự như các dị ứng xảy ra với các thực phẩm từ sữa và trứng.  Ngoài ra, các chuyên gia còn nói thêm rằng, stress cũng có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Theo các nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Munich – Đức: những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn hay ly thân thường tăng gấp 3 lần nguy cơ  bị chàm bội nhiễm trong vòng hai năm sau đó.

Dấu hiệu nhận biết: Chàm bội nhiễm thường dễ bị bỏ qua. Dấu hiệu dễ dàng nhận biết ở các bé bị chàm bội nhiễm là da khô, ngứa hoặc đỏ, nổi lên từng mảng đỏ bên má, bên trong khủy tay, lưng và đầu gối. Khi bệnh nặng hoặc khi con bạn bị trầy xước, lở da thì có thể sinh ra nhiều mủ. Các biểu hiện dị ứng trên da có thể xuất hiện ngay cả khi em bé còn rất nhỏ.

Lời khuyên cho phụ huynh: Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tình trạng này, hãy đưa con bạn đến bác sĩ khám và điều trị định kỳ để bệnh không phát triển thêm. Thông thường, bạn có thể sử dụng các loại dung dịch bôi da (nên lựa chọn loại không có màu, không mùi hương) theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giảm ngứa và điều trị bệnh hiệu quả. Nếu trẻ bị trầy xước dẫn đến nhiễm trùng, bác sĩ có thể cung cấp một ít thuốc kháng sinh.

Chứng đau nửa đầu

Phụ huynh bị đau đầu do suy nhược thần kinh thì con cái cũng có 50% di truyền bệnh này. Ảnh: Getty images.

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Những vấn đề về đau đầu do suy nhược của phụ huynh thường truyền sang cho con cái với tỷ lệ 50%  và có thể cao hơn nếu cả bố và mẹ đều bị tình trạng này.

Dấu hiệu nhận biết: Triệu chứng thường gặp bao gồm một vài cơn đau dữ dội (ở trước đầu), buồn nôn hoặc ói mửa, và nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh. Chứng đau nửa đầu thường thể hiện rõ khi trẻ bước vào 8 tuổi, nhưng một vài trường hợp có thể được phát hiện sớm hơn. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, các cơn đau đầu này thường gắn liền với các biểu hiện say sóng khi đi tàu xe.

Lời khuyên cho phụ huynh: Quan sát và ghi lại cụ thể những triệu chứng cho thấy con bạn bị đau nửa đầu – tốt nhất là ghi một cuốn nhật ký theo dõi các hoạt động của trẻ, các món ăn trẻ đã dùng và những triệu chứng đau đầu diễn ra như thế nào, vào thời điểm nào. Những biểu hiện thường thấy của bệnh này bao gồm mệt mỏi, đuối sức, thay đổi thói quen ăn uống (bé có xu hướng thích ăn các thực phẩm giàu chất béo và caffeine). May mắn thay, bệnh nhức đầu của trẻ có thể được thuyên giảm bằng cách đi ngủ hoặc uống  acetaminophen hoặc ibuprofen. Nếu việc điều trị với bác sĩ nhi khoa không mang lại kết quả tốt, bạn có thể tìm đến một chuyên gia về thần kinh trẻ em.

Những cơn đau đầu này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của con bạn. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em bị nhức đầu thường xuyên hoặc nghiêm trọng thường không kiểm soát tốt về cảm xúc, hành vi và cách cư xử so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Điều này không khó để giải thích: tính khí một đứa trẻ vốn khó nắm bắt, nói gì đến trường hợp bé còn bị các cơn đau làm cho mệt mỏi và khó chịu.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Cha mẹ bị hội chứng ruột kích thích thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 lần. Ảnh: Internet

Liệu trẻ có bị di truyền từ bố mẹ? Có. Theo nghiên cứu của Đại học Syney, Úc thì con cái của những người bị hội chứng ruột kích thích thường có nguy cơ bị các triệu chứng này cao gấp 2 lần. Tiến sĩ Dan Levy – trợ lý của một giáo sư nhi khoa tại Đại học Y Dược Maryland cho biết: “Triệu chứng thường gặp ở những đứa trẻ có cha hoặc mẹ bị IBS là bị đau bụng và thậm chí là trào ngược sữa và thức ăn”.

Dấu hiệu nhận biết: Các triệu chứng cổ điển nhất là đau bụng thường xuyên, kèm với táo bón hoặc tiêu chảy. IBS thường xuất hiện trong thời gian trẻ đến tuổi đi học, nhưng bạn có thể nhận biết sớm hơn khi trẻ thường xuyên bị đau bụng từ trước đó.Tiến sĩ Tanya Remer Altmann, tác giả cuốn sách  Mommy Calls còn cho biết thêm rằng: “Những đứa trẻ này thường có những biểu hiện cảm xúc và tâm lý phức tạp”. Các bé cũng không thích tham gia vào các hoạt động mà lẽ ra lứa tuổi bé phải thích thú, kể cả việc đi học và tham dự những buổi tiệc sôi động.

Lời khuyên cho phụ huynh: Nếu bạn nghi ngờ con mình bị IBS, hãy đưa trẻ đến bác sĩ. “IBS có thể được phát hiện thông qua một chẩn đoán loại trừ” – Tiến sĩ Altmann cho biết. “Các bác sĩ thường nghi ngờ đến những trường hợp nghiêm trọng hơn, như bệnh viêm ruột”. Nếu có nhiều dấu hiệu cho thấy đó là IBS, bạn có thể kiểm soát được chúng bằng cách thay đổi lối sống. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ phải tránh một số loại thực phẩm có thể gây kích ứng, bổ sung các thực phẩm có nhiều thành phần probiotics (một loại vi khuẩn lành mạnh có nhiều trong sữa chua). Ngoài ra, các liệu pháp giúp kiểm soát stress, điển hình là yoga cũng có tác dụng tích cực trong việc điều trị bệnh.

Dị ứng

Khả năng con trẻ có bệnh dị ứng là 50 - 50 nếu cha hoặc mẹ cũng bị bệnh này. Ảnh: Getty images

Liệu trẻ có thể bị di truyền từ bố mẹ? Nếu vợ chồng bạn có một người bị dị ứng thì có nghĩa là nguy cơ mắc bệnh của con bạn là 50 -50. Nếu cả hai cùng bị dị ứng thì nguy cơ bị bệnh của trẻ sẽ càng lớn hơn rất nhiều. Thế nhưng, bạn đừng nghĩ rằng con mình sẽ bị dị ứng với những thứ giống như bạn. Sự di truyền này chỉ là dị ứng mẫn cảm và có thể biểu hiện bằng rất nhiều trường hợp khác nhau.

Dấu hiệu nhận biết: Cảm lạnh thường xuyên, viêm xoang hay nhiễm trùng tai, thường xuyên sổ mũi, nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của dị ứng. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm như ngứa mắt, nổi mẩn, phát ban, thở khò khè, ho mãn tính -  có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn nhưng cũng có thể là lời cảnh báo lớn nhất cho thấy con bạn bị dị ứng.

Lời khuyên cho phụ huynh: Nếu bạn phát hiện ra con mình xuất hiện một trong các triệu chứng trên – thường là các bé từ 3 đến 5 tuổi – hãy thông báo điều đó với bác sĩ. Đối với những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc kháng  histamin, sử dụng thuốc nhỏ mũi theo trình tự phù hợp. Nếu con bạn có những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu để xác định bệnh. Nếu cần thiết,  trẻ có thể được chích ngừa dị ứng, chẳng hạn như liệu pháp miễn dịch cũng có tác dụng tốt trong trường hợp này. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào sự lựa chọn phương pháp điều trị của gia đình bạn.

Diane Umansky, một người mẹ của ba đứa trẻ ở New York đã chia sẻ: “Tôi bị dị ứng khá nặng, và một vài năm trước, tôi bắt đầu phát hiện ra cậu con trai nhỏ nhất của mình mới vừa 6 tuổi có vẻ mệt mỏi và khó chịu do dị ứng. Bác sĩ đã khuyên chúng tôi nên cho cháu sử dụng thuốc kháng histamin, nhưng vợ chồng tôi đã cố gắng cải thiện tình trạng của cháu thông qua việc điều chỉnh giấc ngủ. Cuối cùng, cậu bé đã giảm hẳn dị ứng với máy hút bụi”.

Các vấn đề về cảm xúc

Về vấn đề tâm lý, cũng có nhiều khả năng trẻ chịu di truyền từ cha mẹ. Ảnh: Images

Ngoài những tình trạng về thể chất, trẻ còn có nhiều khả năng thừa hưởng một số vấn đề về tâm lý, tình cảm từ bố mẹ. Đặc biệt, các hội chứng như rối loạn tăng động và giảm chú ý, rối loạn lo âu, bao gồm cả trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có tính di truyền mạnh mẽ.

Nhiều người cảm thấy thật khó để tiết lộ các vấn đề về sức khỏe tâm lý của mình với bác sĩ, nhưng đây chính là điều quan trọng và cần thiết mà bạn không nên giấu giếm. Như vậy, nếu con bạn có những biểu hiện bất thường về cảm xúc như buồn rầu không rõ nguyên do, khó chịu, lo lắng, không tập trung hoặc biếng ăn, khó ngủ, không hứng thú với mọi thứ xung quanh, bác sĩ có thể căn cứ vào điều này và dựa trên những thông tin về bệnh của bố mẹ để đưa ra kết luận chính xác và nhanh nhất.