Lưu trữ cho từ khóa: 20 bệnh nhi

Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp

Sau những ngày mưa liên tục vừa qua ở TP.HCM, số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập viện đã bắt đầu tăng nhanh. Tại các bệnh viện: Bệnh Nhiệt Đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… số người mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện mỗi ngày lên đến hơn chục bệnh nhân. Tại khoa nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị hơn 20 bệnh nhi bị bệnh SXH.

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có khoảng 4000 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Ảnh Hồ Quang

Bác sĩ Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, có nhiều cháu bị sốt rất nặng, trong đó cháu N.V.A (5,5 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TPHCM) bị SXH đến độ 4. Lúc gia đình đưa vào nhập viện ngày 29.5.2011 thì cháu còn sốt ở độ 3, nhưng sau đó đã tăng lên độ 4, kèm theo tổn thương gan, mặc dù đã được các các bác sĩ truyền dịch chống sốc, truyền huyết tương đông lạnh, truyền máu, hỗ trợ hô hấp… Hiện các bác sĩ đang theo dõi những nguy cơ dẫn đến mức độ sốt ngày càng tăng của cháu.

Theo trung tâm y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay thành phố có khoảng 4000 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh SXH tập trung chủ yếu ở các quận Thủ Đức, quận 6, quận 8, quận Tân Bình, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh… Riêng trong tháng 5.2011 đã phát hiện hơn 500 ca mắc bệnh SXH.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho biết, diễn biến bệnh SXH năm nay sẽ rất phức tạp, do số lượng ca SXH ở mùa khô còn tồn tại ở các quận – huyện là khá lớn. Hiện còn đến hơn 1/3 xã – phường có người mắc bệnh SXH, nằm rải rác ở khắp 24 quận – huyện, nguy cơ bùng phát dịch SXH vào mùa mưa này là rất lớn.

Cũng theo bác sĩ Thọ, hiện ngành y tế dự phòng đang theo dõi dòng virút, tính độc lực, lưu hành trên một hay nhiều tuýp huyết thanh để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh SXH năm nay. “Loại vi rút này có 4 tuýp huyết thanh: D, D2, D3 và D4. Nếu cùng lúc lưu hành nhiều tuýp huyết thanh thì sẽ có rất nhiều trường hợp mắc bệnh SXH nặng, nguy cơ gây tử vong cao. Trong các tuýp huyết thanh thì tuýp D2 gây ra bệnh nặng nhất, nếu lưu hành cùng lúc nhiều tuýp mà có tuýp D2 thì bệnh sẽ càng nặng hơn” , bác sĩ Thọ nói.

Sở y tế TP.HCM khuyến cáo người dân phải kiểm soát lăng quăng truyền bệnh bằng cách dẹp bỏ các vật phế thải chứa nước quanh nhà. Sở y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận – huyện tổ chức kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ và cảnh báo cho người dân biết những nơi có nguy cơ cao, nhất là những nơi xuất hiện nhiều vật phế thải chứa nước như: chùa chiền, công viên, nơi buôn bán cây cảnh, buôn bán phế liệu… Đồng thời, trung tâm y tế dự phòng các quận – huyện phối hợp với các ban ngành chức năng ở địa phương yêu cầu các đơn vị trên viết bản cam kết diệt lăng quăng.

Bác sĩ Lê Trường Giang, phó giám đốc sở y tế TPHCM cho biết, trong hai tháng 6 và 7.2011, ngành y tế sẽ tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất tại những khu vực có nguy cơ cao. Theo đó, những nơi thường xảy ra dịch SXH sẽ vận động người dân, đội xung kích diệt lăng quăng và lực lượng y tế dự phòng các quận – huyện sẽ phun hóa chất diệt muỗi, phòng ngừa phát sinh lăng quăng.

SGTT

Hà Nội: Ba ngày nắng nóng, hơn 6.000 trẻ nhập viện

Bác sĩ Vũ Quý Hợp - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết: Trong những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhi đến khám tại BV tăng vọt.

Trung bình nỗi ngày có từ 1300-1500 cháu. Trong đó có nhiều loại bệnh nhưng tập trung đông nhất vẫn là bệnh của mùa nóng như rối loạn tiêu hoá dẫn tới tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sốt do virus.

Đã xuất hiện bệnh nhân bị viêm màng não mủ.

Tại Khoa Truyền nhiễm, có khoảng 20 bệnh nhi phải nằm viện do bệnh viêm màng não tập trung chủ yếu ở trẻ từ 5 – 12 tuổi.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong ba ngày nắng nóng, lượng trẻ nhập viện vì các bệnh sốt virus, siêu vi trùng, lỵ và tiêu chảy đã tăng lên đột biến. Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai có 25 giường nhưng đến ngày 24/5 có tới 65 bệnh nhi điều trị.

Tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trong hai ngày 22-23/5 cũng có 200 bệnh nhi nhập viện. Bệnh viện Đống Đa riêng ngày 23/5 có gần 600 bệnh nhân. Tập trung đông bệnh nhi nhất là bệnh viện Xanhpôn, trong ngày 23-24 có hơn 3.000 bệnh nhi nhập viện cũng do các bệnh tiêu chảy, viêm họng, sốt, viêm phế quản.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, hôm nay (25/5), một đợt không khí lạnh tràn về sau những ngày nắng nóng cũng là một yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng ở trẻ nhỏ khiến trẻ dễ mắc các bệnh về sốt virus.  

Thái Hà - Mỹ Hằng (Theo TienPhong)

Bệnh tay chân miệng: 50% bệnh nhi bị biến chứng thần kinh

Ngay trong thời điểm ngày 31/5, khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 đang điều trị cho 20 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. 50 - 60% trong số đó bị các biến chứng thần kinh nặng.

Trong tuần qua, BV Nhi Đồng 1 vừa cứu sống 2 trẻ bị biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng.

Đó là hai chị em ruột bé V.T.K.O, 3 tuổi và bé K.T. 1 tuổi, nhà ở quận Tân Phú - TP.HCM, đã qua khỏi cơn nguy kịch biến chứng thần kinh do bệnh tay chân miệng tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1.

Mẹ bé O. cho biết bé bị sốt, nôn ói nhiều lần, ăn ít, tay chân bé thỉnh thoảng bị run, ngủ không yên hay quấy khóc.

Khi đến khám sức khoẻ tại BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ chỉ phát hiện ra một sẩn hồng ban ở ngón tay út của bé K.O.

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định đây là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng và có khả năng bé K.O bị biến chứng nặng ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, nên cho bé K.O nhập viện ngay.

Sau đó, các bác sĩ khuyên người nhà đưa các cháu nhỏ sống cùng nhà đến khám tiếp. Bé K.T, em ruột của K.O khi nhập viện đã bắt đầu có những dấu hiệu giật mình, khó ngủ, sốt cao, mạch đập nhanh, run chi - những biểu hiện khi vi-rút EV 71 gây bệnh tay chân miệng đang tấn công vào hệ thần kinh trung ương.

Hiện nay, mặc dù tay trái của bé K.O còn hơi yếu nhưng cả hai bệnh nhi này đã qua khỏi giai đoạn nguy hiểm và bắt đầu hồi phục.

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1, cảnh báo thông thường đỉnh điểm của dịch bệnh tay chân miệng là vào các tháng 9-12 và từ tháng 2-4. Nhưng năm nay, có thể do thời tiết quá nóng, nên đến tháng 5 bệnh tay chân miệng vẫn không giảm. Và hơn một nửa trong số đó bị các biến chứng thần kinh.

BS. Khanh nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với bệnh tay chân miệng là các bậc phụ huynh phải theo dõi sát để có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng và mang trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, các bệnh nhân bị tay chân miệng nhập viện điều trị trên toàn thành phố là 315 ca.

Hương Cát (Theo VNN)