Lưu trữ cho từ khóa: 2-3 tuổi

Mẹ ơi, đi tắm, đi tắm!

(Webtretho) Có lẽ không ít bố mẹ của Webtretho đã trải qua cảnh mỗi lần tắm cho con quả thật là một "trận thủy chiến" rồi, đúng không nào? Thế nhưng có những bố mẹ khác lại "bị" con giục đi tắm cho cơ. Họ có chiêu gì mà tài thế nhỉ?

webtretho_"em đi chơi thuyền" trong bồn tắm

Bạn có thể "dụ" con đi tắm bằng những bài hát vui (Ảnh: Inmagine)

Em đi chơi thuyền: “Em đi chơi thuyền, trong Thảo Cầm Viên…” hay “Row, row, row your boat, gently down the stream…” Bạn biết những bài hát dễ thương này chứ? Đó là những bài rất phù hợp để dỗ các thiên thần nhỏ của bạn thích thú ngồi trong bồn (hay chậu tắm) đấy. Bạn có thể “diễn” theo lời hát, cho vào chậu một miếng bọt tắm hoặc một chiếc thuyền đồ chơi, trên có cả những con thú đồ chơi bằng nhựa nữa, nếu muốn, và “chèo” vòng quanh bồn.

Ngạc nhiên mát lạnh: Hãy cho một nắm đồ chơi con thú bằng nhựa hay miếng xốp tắm (hình khủng long, những con thú trang trại, sinh vật biển…) và đổ nước ngập chúng trong khay đá hay cốc nhựa nhỏ; và đặt đá qua đêm. Trong ngày nóng nực, bạn có thể thả cục đá vào chậu tắm, và cho con xem những con thú đồ chơi của mình trong viên đá đang tan dần.

Bé tự tắm cơ: Ngay cả khi bạn đã tắm cho con không biết bao nhiêu lần mà kể thì cũng vẫn có thể giả như bạn chẳng biết gì và phải cầu cứu bé. Bé sẽ sẵn sàng chỉ bạn cách phải kỳ cọ thế nào cho sạch, phải gội đầu thế nào cho khéo và giải thích vì sao lại phải làm như vậy. Bé không những thấy vui và còn có chút oai oai nữa chứ. 

Kiểu tóc ngộ nghĩnh: Hãy chuẩn bị sẵn máy ảnh cho sự kiện gội đầu đầy tính thời trang này - với những “sản phẩm” có thể vô cùng ấn tượng. Sau khi làm ướt tóc con, hãy tạo bọt với dầu gội đầu và tạo các kiểu tóc ngộ nghĩnh. Bạn cũng hãy chuẩn bị cả gương nữa nhé, để bé cũng được chiêm ngưỡng kiểu tóc thú vị của mình!

Lặn biển: Con yêu của bạn có hét lên mỗi khi nghe nhắc đến “gội đầu”? Để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn khi “được” gội đầu, bạn có thể sắm một cặp kính bơi hay cái ống thở loại cho trẻ con cho bé đeo khi ngồi trong chậu hay trong bồn, bé sẽ không còn bị xà phòng dính vào mắt làm khó chiu nữa. Bạn cũng có thể đổ bọt xà phòng đầy bồn và giấu đồ chơi dưới đó, rồi cho bé giả vờ là một thợ lặn “khám phá đáy đại dương” tìm kho báu.

webtretho_"lặn biển" trong bồn tắm

Bé đang khám phá đáy đại dương đấy nhé (Ảnh: Inmagine)

Đua tốc độ: Cho những món đồ chơi lên dây cót vào bồn để chúng đua với nhau dưới nước hay trên thành bồn/ chậu và làm bé cười khanh khách. Một phiên bản khác của trò chơi này là dạy con cách tạo sóng bằng cách chuyển động bàn tay dưới nước và xem xem ai có thể đẩy thuyền đi xa nhất.

Tắm mưa! Hãy biến một buổi tắm bình thường thành đặc biệt bằng cách kết hợp vừa tắm trong chậu vừa tắm bằng vòi sen. Nếu bạn nghĩ tắm bằng vòi sen bình thường có thể làm bé sợ thì có thể dùng loại vòi có thể rút ra và điều chỉnh được, đồng thời che bớt trên đầu bé, cách dùng như vậy có thể giúp bạn dễ dàng kiểm soát độ mạnh nhẹ của tia nước và cũng dễ gội đầu cho bé hơn. Nhưng hãy cẩn thận khi bé yêu với được đến “máy làm mưa” này nhé, nhiều khả năng bạn sẽ bị xịt ướt nhem đấy!

ABC và 123: Cắt những chữ cái hay con số, hay những hình dạng khác nhau từ miếng bọt biển hay miếng xốp và cùng bé chơi trò dạy học trong chậu tắm. Bé vừa quên đi cái “đáng sợ” của việc tắm gội, vừa không biết bố mẹ đang tranh thủ dạy cho mình những kiến thức toán học đơn giản. Bố mẹ cũng có thể rủ bé chơi trò chơi “Tôi thấy, tôi thấy” hay “Câu cá” với những chữ cái và con số ẩn dưới đám bọt tắm cũng rất hay.

webtretho_vừa tắm vừa tranh thủ rửa đồ chơi

Bạn có thể tranh thủ cho đồ chơi của con "tắm" cùng (Ảnh: Inmagine)

Kỳ kỳ cọ cọ: Hãy gom tất cả những chú vịt và những món đồ chơi khi đi tắm của bé lại và thông báo rằng đã đến giờ kỳ cọ. Bố mẹ lấy một ít xà phòng tắm của bé, một ít bọt biển hay bông tắm và để bé tự tay kỳ cọ cho các món đồ chơi; đây vừa là cách giúp bé thích thú hơn với công việc tắm táp hàng ngày, vừa là cách làm vệ sinh những món đồ chơi cho sạch sẽ.

Sắc màu thú vị: Bạn cũng có thể tạo hứng thú tắm táp cho con bằng cách trang hoàng không gian tắm của bé một chút, một chú cá hay thủy cung dưới đáy hay trên thành chậu chẳng hạn. Bạn có thể tự tay vẽ để tạo bất ngờ cho con, hoặc rủ bé cùng tham gia quá trình sáng tạo này. 

Chọn đồ chơi đúng cách theo độ tuổi

Màu sắc của đồ chơi cũng giúp bé phát triển giác quan rất tốt. Ảnh: Images

Lễ Giáng sinh đang đến gần, bé yêu của bạn chắc hẳn rất hào hứng khi nghĩ về những món quà. Nhưng trước khi đi chọn mua, bạn đừng nhất thiết phải nghĩ đến những món đồ chơi hợp thời hay đắt đỏ nhất. Bởi nếu món đồ chơi không phù hợp, bé chỉ thích thú được khoảng chừng 30 phút rồi bỏ ra quay sang làm việc khác, và đó cũng là lần cuối cùng bé chơi món đồ đó. Thật phí tiền quá phải không?

Thật vậy, những chuyên gia về tâm lý trẻ em cho biết rằng việc chọn đúng món đồ chơi cho trẻ là cả một nghệ thuật. Patricia Koh, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư nhân, nói: “Đồ chơi là những công cụ giúp trẻ em bắt đầu làm quen với việc chơi đùa, gia tăng những kỹ năng tự nhiên ở chúng rồi từ đó nâng cao trí tưởng tượng cho các bé.”

Theo bà, những món đồ chơi quá mất sức làm bé phải ngưng lại chỉ sau nửa tiếng sẽ làm giảm giá trị của việc chơi đùa. Những món đồ chơi điện tử cũng không cần thiết, đặc biệt đối với trẻ dưới 2-3 tuổi. Còn những bậc cha mẹ nghĩ mình đang hành động đúng khi mua những món đồ chơi vượt quá độ tuổi của con cũng cần phải suy nghĩ lại. “Trẻ em phát triển theo nhiều giai đoạn, nếu chúng bỏ qua một bước bất kỳ thì trong tương lai sẽ bị gián đoạn lại theo một cách nào đó thôi.”

Từ 0 đến 1 tuổi: Học khám phá và cử động

Đặc điểm lứa tuổi:

Cheryl Chia, giám đốc quản lý trang web Kidzgrow.com, một kênh thông tin trực tuyến giúp các bậc cha mẹ theo dõi quá trình phát triển của con mình cho biết, trẻ em dưới 1 tuổi tập trung phát triển thị giác và khả năng thăng bằng cơ thể, cũng như cách phối hợp giữa tay và mắt.

Patricia đồng tình: “Đây là lứa tuổi của sự vận động với thỏa mãn và thích thú khi bé được tiếp xúc với mọi người xung quanh. Phần lớn những trò bé chơi trong giai đoạn này đều liên quan đến sự chuyển động: kéo, đẩy, ném, nắm, đánh hay gõ lên một vật gì đó". Khi đã có thề kiểm soát được khả năng vận động cân bằng rồi, bé sẽ nhận ra rằng quả banh thì xoay tròn trong khi chiếc trống lục lạc sẽ phát ra những âm thanh rất ồn ào.

Những món đồ chơi giúp bé phát triển khả năng nhận thức rất hữu ích. Ảnh: Images


Đây cũng là thời điểm bé từ từ khám phá ra những giác quan của mình, Cara Wong – giám đốc điều hành Growing Fun – nhận định: “Những món đồ chơi có kết cấu, ví như sách hoặc những khối xếp hình, rất phổ biến vì chúng kích thích các giác quan và cũng dễ chùi rửa”.

Đồ chơi thích hợp:

-    Thẻ màu phản quang với những màu sắc đối lập nhau, điển hình nhất là đen – đỏ – trắng. Bé chỉ có thể nhận diện đủ các màu sau từ 6 đến 7 tháng.

-    Trống lục lạc nhằm khuyến khích cử động tay chân. Chẳng hạn như một chiếc lục lạc treo vào chân sẽ giúp làm chắc cơ bụng đồng thời kích thích bé phối hợp cả tay khi chơi với chân của mình.

-    Những tấm đệm lót nhiều màu sắc sẽ giúp bé có nhiều thời gian luyện tập khả năng thăng bằng cơ thể mình bằng cách thử lăn, bò trườn trên đó.

-    Những quyển sách lớn nhiều hình ảnh, màu sắc.

-    Đồ chơi bằng vải, lụa.

Từ 1 đến 2 tuổi: Phát triển cá tính và nhận thức

Trẻ trên 1 tuổi bắt đầu thích chơi với những khối xếp hình đòi hỏi sự khéo léo. Ảnh: Images


Đặc điểm lứa tuổi:

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu hiểu ra những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bên cạnh việc củng cố thêm những khả năng vận động cơ thể, Cheryl còn cho biết trẻ đồng thời cũng tập tành để nói. Cũng trong giai đoạn này bé bắt đầu nhận thức được “cái tôi” của chính mình. Cara, công ty Growing Fun, nói: “Đây là thời điểm bé bắt đầu phát triển cá tính của riêng mình, bắt đầu học biết những thứ như "mình là con trai", "mình có thể sờ, đụng này!", "mình thích điều này"…

Cô còn cho biết rằng những món đồ chơi phổ biến thường là tranh xếp hình đơn giản, có thể chỉ 2 – 3 miếng ghép sẽ mê hoặc được bé và giúp bé tập thói quen chú tâm lâu hơn lúc trước. Cara thêm vào: “Con rối cũng rất hữu hiệu khi dùng để kể chuyện và giúp trí tưởng tượng của bé thăng hoa.”

Đồ chơi thích hợp:

-    Những quả banh nhỏ cho bé ném, chụp và đá.

-    Đồ chơi đòi hỏi bàn tay khéo léo như những khối xếp hình nhỏ đòi hỏi phải sắp xếp, hay bút chì sáp không độc hại – bạn biết không, bé đã có thể bắt đầu thử vẽ nguệch ngoạc ngay từ lúc 10-13 tháng tuổi thôi đấy!

-    Tranh ghép hình đơn giản (2-3 mảnh ghép).

-    Quyển sách bìa cứng với những giai điệu và bài hát kèm theo có thể khuyến khích thói quen ham đọc sách và thắt chặt thêm tình cảm giữa cha/mẹ và bé.

-    Những món đồ chơi minh họa quan hệ nguyên nhân – kết quả. Chẳng hạn như, khi bạn ấn vào một cái nút thì những khối hình sẽ xuất hiện trước mắt bé.

Từ 2 đến 3 tuổi: phát triển ngôn ngữ và sự ham học hỏi, muốn khám phá

Đặc điểm lứa tuổi:

Đây chính là lúc con bạn bắt đầu biết sử dụng những từ ngữ khác nhau để thể hiện ra suy nghĩ của mình. Hãy nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ của bé bằng cách đọc sách cho bé nghe, chia sẻ nhiều câu chuyện với bé cũng là việc làm rất cần thiết. Patricia nói: “Đây là bước phát triển bé sẽ chuyển từ một đứa trẻ nhỏ thành một cá thể có suy nghĩ, quan niệm và ý chí của riêng mình. Trớ trêu thay, chính đặc tính đó cũng làm cho một đứa bé 2 tuổi có tâm lý rất lộn xộn, nhưng tất cả những gì mà bé muốn chỉ là khám phá ra cách vận hành của thế giới chung quanh và chính bé có thể tham gia vào đó như thế nào.”

Từ 2-3 tuổi, đọc sách cho bé nghe cũng là một hoạt động thú vị. Ảnh: Images


Khả năng vận động của cơ thể cũng được cải thiện đến mức bé sẽ yêu thích việc mở ra và đóng lại một thứ gì đó, bỏ vào rồi lấy ra, xé toạc, vẽ vời hay xây dựng. “Bởi sự ham học hỏi rất tự nhiên, trẻ ở lứa tuổi này thường thích thú với những món đồ chơi có thể tháo rời ra, sửa chữa, xáo trộn và nối chúng lại”, Patricia cung cấp thêm.

Đây cũng là lúc bắt đầu phân biệt cách chơi giữa con trai và con gái rất rõ ràng. Cara nói bé trai dễ bị hấp dẫn bởi những chiếc xe hơi hay đoàn tàu hoả bởi “bẩm sinh con trai có xu hướng thiên về những món đồ cơ khí”. Con gái thì nhiều cảm xúc hơn, sẽ quan tâm đến những món đồ chơi mềm mại. Nhưng cô ấy lại cho rằng cũng tốt nếu bạn thử cân bằng giữa 2 giới qua việc cho chúng chơi đồ chơi của phái kia, ví như đưa cho bé gái món đồ chơi xây dựng và chú gấu bông Teddy cho bé trai.

Đồ chơi thích hợp:

-    Bộ trò chơi xây dựng.

-    Đồ chơi với nhiều mảnh có thể gắn vào nhau.

Sự phát triển tâm lý của trẻ 1-3 tuổi – Phần cuối

(Webtretho) Bước sang năm thứ hai của cuộc đời, cùng với những phát triển về mặt thể chất, con còn có những bước tiến trong suy nghĩ, tâm tư. Bây giờ con đã có thể nói chuyện với bố mẹ, biết liên hệ những cảm xúc của mình với người khác, biết tỏ ra... nổi loạn. Và bố mẹ có thể làm gì để giúp con lớn khôn, cũng như làm gì để xử lý khi con yêu "trở chứng" đây?

>> Phần 1

Trở nên tự lập (18 đến 36 tháng)

Trẻ sơ sinh thường không cho rằng mình có thể tách rời khỏi bố mẹ, mà đặc biệt là với mẹ. Nhưng suy nghĩ này sẽ nhanh chóng thay đổi kể từ năm thứ hai trong đời, khi con bắt đầu nhận thức được mình là một cá thể độc lập, bé sẽ cố tự làm mọi thứ. Dưới đây là một số điểm bạn cần lưu ý để giúp con phát triển đúng hướng:

- Chấp nhận mất thời gian để con tự thân vận động, dù việc con tự mặc áo khoác, mang giày mỗi khi chuẩn bị ra khỏi nhà sẽ làm bạn mất nhiều thời gian hơn nhiều.

- Để con giúp làm việc nhà. Bạn có thể nhờ con mang giúp mình cái hốt rác, hay cầm giẻ  "lau" bụi chân bàn, chân ghế trong nhà.

- Phải kiên nhẫn. Buổi đầu khi cho con tự cầm muỗng đũa hay tự mặc quần áo có thể khiến bạn bực mình, nhưng hãy cố gắng đừng can thiệp và để con tự xoay sở.

Trong giai đoạn này đôi khi tính tự lập của con sẽ gây ra những tình huống rất dễ làm ta phát cáu, chẳng hạn như lúc con thể hiện sự độc lập bằng cách luôn nói “không!” hoặc làm ngược lại những gì bạn muốn. Những lúc như vậy bạn thường có khuynh hướng chứng tỏ cho con thấy ai mới là người quyết định. Nhưng tình hình sẽ tốt hơn nếu bạn:

- Đồng ý với con bất cứ khi nào có thể, miễn là việc đó không gây nguy hiểm, bất tiện, hay vô lý.

- Cứng rắn khi cần thiết. Nếu phải làm việc gì đó theo ý của bạn hoặc phải làm vì sự an toàn của con, hãy thực hiện một cách cương quyết, nhanh chóng nhưng thận trọng và nhẹ nhàng.

Và tự nhiên... "trở chứng"

webtretho_con trở chứng

Sao tự nhiên con lại trở chứng thế này (Ảnh: Inmagine)

Bạn có thể lúng túng khi tự dưng con trở nên “tiến bộ ngược”. Ví dụ, con vốn nói như cái máy giờ lại toàn chỉ trỏ và khóc, hoặc vốn đi nhoay nhoáy nay lại cứ đòi được bế bồng. Tất cả những điều ấy cũng... bình thường, con đang phát triển quá nhiều kỹ năng nên đôi khi bị quá tải đấy mà. Những điều bạn cần làm là:

- Tìm hiểu cảm xúc của con. Nếu con không thể nói cho bạn biết điều gì làm bé khó chịu, hãy dựa vào những biểu hiện để phán đoán.

- Thay vì đánh giá hành động của con là ngoan hay hư, hãy xem nó như một tín hiệu giúp bạn giải quyết vấn đề. Khi con tự nhiên "trở chứng", đó là dấu hiệu cho thấy bé cần được vỗ về, khi đó hãy cho con rúc vào lòng, hoặc đọc sách cho bé nghe. Bé sẽ sớm bình thường trở lại.

Lời kết

Trẻ giai đoạn này không ngừng tìm hiểu những điều mới lạ, vậy nên hãy ân cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho con được tự do khám phá càng nhiều càng tốt để tập tính tự lập. Đừng quá lo lắng nếu thỉnh thoảng con quên một kỹ năng nào đó – “đi thụt lùi” cũng là một phần trong quá trình phát triển của trẻ ở giai đoạn này.

Bạn có thể lo lắng khi con chưa đạt tới chuẩn phát triển nào đó nhưng hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, không giống nhau, một số trẻ phát triển chậm trong khi một số trẻ khác lại phát triển nhanh hơn bạn bè trang lứa. Tuy vậy, nếu bạn vẫn thấy băn khoăn, hãy trao đổi với bác sĩ.

Sự phát triển tâm lý của trẻ 1-3 tuổi – Phần 1

(Webtretho) Bước sang năm thứ hai của cuộc đời, cùng với những phát triển về mặt thể chất, con còn có những bước tiến trong suy nghĩ, tâm tư. Bây giờ con đã có thể nói chuyện với bố mẹ, biết liên hệ những cảm xúc của mình với người khác, biết tỏ ra... nổi loạn. Và bố mẹ có thể làm gì để giúp con lớn khôn, cũng như làm gì để xử lý khi con yêu trở chứng đây?

Tập đọc sách (12-36 tháng)

webtretho_đọc sách cho con

Hình thành thói quen cùng con đọc sách (Ảnh: Inmagine)

Hầu hết các bé ở độ tuổi này đều thích giờ kể chuyện; quả thật, còn gì vui thích hơn khi được nằm trong lòng bố mẹ, xem những bức tranh đầy màu sắc và lắng nghe những âm thanh thú vị. Giờ đọc sách của gia đình không chỉ là một nếp sinh hoạt đầm ấm mà còn giúp con làm quen với những kỹ năng đọc cơ bản như:

- Hiểu được sách là gì - trong sách sẽ có những câu chuyện;

- Những câu chuyện có bắt đầu và kết thúc;

- Đọc sách từ trái sang phải.

Và để khơi dậy lòng ham thích đọc sách của con, bố mẹ có thể dùng những chiêu như:

- Cho con chơi với sách cho quen.

- Đọc to.

- Đọc từng đoạn ngắn. Trẻ nhỏ trong giai đoạn này chỉ có thể tập trung chú ý trong một khoảng thời gian ngắn, mười phút – thậm chí chỉ năm phút thôi - cũng là quá lâu với bé.

- Đặt câu hỏi. Câu hỏi ở đây có khi chỉ là yêu cầu con tìm những chi tiết đơn giản như đôi mắt của em bé hoặc một bông hoa đẹp, mục đích là đem nội dung trong sách làm đề tài nói chuyện giữa bạn và con.

- Theo sự hướng dẫn của con. Nếu con muốn lấy sách và tự lật, hãy để bé làm điều đó, còn bạn chỉ cần ôm con trong lòng và âu yếm nựng nịu trong khi con xem sách.

Nói những câu đơn giản (18 đến 24 tháng)

Kể từ lúc biết bập bẹ những từ đầu tiên đến nay, con vẫn tiếp tục luyện tập bằng cách kết hợp điệu bộ, những âm tiết riêng lẻ và từ. Giờ đây bé đã có thể nói được những câu đơn giản gồm hai từ. Bạn và con đều vui mừng vì đã có thể trò chuyện với nhau (dù chưa đàng hoàng lắm nhưng cũng đã theo một cách gần với trò chuyện hơn)! Tuy vậy bạn cần kiên nhẫn, vì dù con biết nói một số từ, nhưng bé có thể không hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của chúng. Những việc bạn cần làm để khuyến khích con:

- Không kết thúc câu hộ con, việc đó sẽ chẳng giúp được gì mà còn làm bé thêm bực mình.

- Hãy nhớ rằng con vẫn sẽ phản ứng bằng cách khóc khi quá mệt, đói, cáu kỉnh, hoặc bị quá tải với việc sử dụng từ ngữ.

- Hãy tạo điều kiện cho con nói chuyện, đặc biệt là nếu con có anh/ chị lớn.

- Khi con đã biết diễn đạt tốt hơn, hãy giúp bé nói trôi chảy hơn là cứ mải chỉnh sửa cách phát âm hoặc ngữ pháp, vì khi bị ngắt lời và nhắc nhở, bé có thể cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc.

Học cách chia sẻ, cảm thông (24 tháng)

webtretho_dạy con về cảm xúc

Giúp con hiểu về cảm xúc (Ảnh: Inmagine)

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu biết liên kết cảm xúc và hành vi của mình với cảm xúc và hành vi của người khác - đây là nền tảng cho sự giao tiếp với người khác và xây dựng các mối quan hệ. Hãy giúp con phát triển sự chia sẻ, đồng cảm bằng cách:

- Đừng cố “chấn chỉnh” khi con cảm thấy không vui, mà thay vào đó, hãy giúp bé đối mặt với nỗi buồn bằng cách nhận diện cảm xúc - dù con buồn vì món đồ chơi yêu thích bị hỏng hay vì thấy ai đó đang khóc - và trấn an con rằng cảm xúc như vậy là bình thường.

- Dạy con bằng cảm xúc của chính bạn. Đừng ngại nói với con rằng bạn đang giận, buồn, hay thất vọng - nhưng nhớ đừng phản ứng thái quá, bởi vì điều đó có thể làm cho con cảm thấy lo lắng, sợ hãi.

Mời xem tiếp: Khi con trở chứng!

Sự phát triển thể chất của trẻ 1-3 tuổi

Sau rất nhiều những sự phát triển về thể chất của con như biết lật, biết bò, biết ngồi, biết đi… bố mẹ lại tiếp tục chờ đón những cột mốc khác. Những khả năng mới của con khiến bố mẹ vui mừng cũng có mà “đau khổ” cũng có, và dù thế nào đi nữa thì đó cũng là những việc ắt phải xảy ra, cần thiết cho cuộc sống của con về sau. Đó là những khả năng gì ấy nhỉ?

Chơi với bóng
Ngồi xổm
Kéo và đẩy
Leo trèo
Chạy
Bỏ tã
Nhảy

Ném và đá bóng (12 tháng tuổi)

Chẳng bao lâu sau khi đón sinh nhật đầu tiên của mình, con bạn sẽ tỏ ra rất thích chơi với bóng – đầu tiên là ném bóng, đến khoảng 2 tuổi thì đá bóng, và khi khoảng 3-4 tuổi bé sẽ có thể chụp, bắt lấy bóng. Để giúp con rèn luyện những kỹ năng này:

- Ném bóng: đầu tiên bạn hãy lăn một quả bóng nhỏ, mềm giữa bạn và con. Sau một thời gian, bạn có thể tăng khoảng cách giữa hai mẹ con lên, và chẳng bao lâu con sẽ muốn ném bóng cho mà xem.

- Đá bóng: tương tự như trên, có điều bạn hãy chỉ cho con cách dùng chân thay vì tay để lăn quả bóng.

- Bắt bóng: hãy hướng dẫn con lăn bóng lên một đoạn dốc ngắn rồi bắt lại khi nó lăn xuống.

Ngồi xổm (12 đến 18 tháng)

webtretho_ngồi xổm

Ngồi xổm cũng là cả một... bước tiến lớn (Ảnh: Inmagine)

Cho đến giờ, con vẫn phải cúi hẳn người xuống mỗi khi muốn nhặt món đồ nào đó dưới đất. Từ cúi người đến biết ngồi xổm là cả một bước tiến lớn, để giúp con đạt được kỹ năng này:

- Khi con chuẩn bị cúi xuống nhặt đồ, bạn hãy chỉ cho bé cách khuỵu đầu gối để ngồi xổm.

- Để con luyện tập. Rải vài món đồ chơi nhỏ trên nền nhà và chơi trò “tìm kho báu” để con phải di chuyển từ món đồ này sang món đồ kia và nhặt chúng lên – thật là một trò quá hay để con dọn đồ chơi mỗi khi chơi xong!

Kéo và đẩy (12 đến 18 tháng tuổi)

Một khi đã có thể bước đi tự tin, con sẽ tiếp tục tìm thấy niềm vui qua trò kéo và đẩy các món đồ chơi. Khả năng phối hợp của con cũng nhờ đó mà phát triển, vì trong lúc kéo đồ chơi về phía trước, thỉnh thoảng con sẽ phải ngoái nhìn phía sau.

Vậy bạn hãy cho con vài món đồ chơi dạng kéo, đẩy, hoặc cũng có thể tự chế bằng cách buộc một sợi dây vào chiếc xe hơi đồ chơi của con. Bạn phải hết sức lưu ý: trông chừng con trong lúc chơi hoặc chỉ dùng đoạn dây dài tối đa 30cm nhằm tránh nguy cơ dây quấn vào cổ con, gây nghẹt thở.

Leo trèo (12 đến 24 tháng)

Trẻ tuổi này rất “liều mạng” và thích leo trèo khắp nơi, từ giường ngủ đến bàn ghế, vì một lý do rất đơn giản: do chúng nằm ngay tầm mắt của con. Dĩ nhiên việc trèo lên bàn hay ghế với bạn chẳng đáng để gọi là thử thách gì cả, nhưng với con thì khác, vì khả năng lý luận của con không phát triển ngang hàng với khả năng vận động cũng như tính “liều”. Chuyện con bị ngã vì thế là điều sẽ phải xảy ra, nhưng bạn đừng vì thế mà tuyệt đối ngăn cản con; leo trèo là một bước tiến quan trọng về mặt thể chất, nó giúp con phát triển khả năng phối hợp để làm rất nhiều việc khác như bước lên bậc thang. Thay vào đó, bạn có thể giúp con bằng cách:

- Tạo môi trường an toàn cho con leo trèo: Thả những cái gối tựa hoặc gối nằm xuống sàn nhà có trải thảm, hoặc để con được chơi thoải mái ở các khu vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ.

- Neo chặt kệ sách và các đồ đạc khác vào tường, kể cả khi bạn nghĩ những món đồ đó quá nặng và không thể đổ được. Bạn cũng cần cất hết những món đồ trên kệ có thể rơi xuống đầu con hoặc có thể kích thích con trèo lên để lấy.

- Hạn chế các chỗ đặt chân lên để leo trèo, luôn chú ý đẩy ghế vào dưới gầm bàn…

- Lắp cửa chặn ở đầu và cuối cầu thang, đó là cách duy nhất ngăn con không trèo cầu thang một mình. Bạn hãy nắm tay con để hướng dẫn con học cách lên và xuống cầu thang an toàn.

Chạy (18 đến 24 tháng)

Nhiều đứa trẻ dường như từ bò chuyển luôn sang chạy chỉ trong tích tắc, trong khi những bé khác cần nhiều thời gian hơn. Vì sao? Bởi vì khi học chạy, chuyện té ngã sẽ xảy ra thường xuyên, và một số bé thích liều hơn những bé khác. Để khuyến khích con, bạn có thể:

webtretho_con có những hiểu biết đầu tiên về cơ thể mình

"Buồn" quá, phải chạy thôi! (Ảnh: Inmagine)

- Chơi đuổi bắt với con ở những nơi ngã không đau lắm như bãi cỏ hay bãi cát, bạn có thể đuổi theo con, rồi đổi vai để con đuổi theo bạn.

- Chơi chạy đua, trò này sẽ càng vui nếu có những trẻ lớn hơn tham gia cùng.

Tập bỏ tã (24 đến 36 tháng)

Dạy con đi vệ sinh (không cần dùng tã nữa) là một trong những bước phát triển mà bố mẹ mong chờ nhất! Nhưng hãy nhớ rằng độ tuổi thích hợp để dạy rất khác nhau ở từng trẻ, sau đây là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thích hợp:

- Con cúi xuống săm soi cái tã, nắm lấy hoặc cố gắng cởi ra khi tã bị bẩn; con ngồi xổm hoặc bắt chéo hai chân khi muốn đi vệ sinh. Những hành động này cho thấy con đã đủ lớn để hiểu hơn về cơ thể của mình.

- Con quan tâm đến những thứ liên quan đến bô, muốn theo bố mẹ vào nhà vệ sinh hoặc nói chuyện đi tè, đi ị…

Nếu con bạn có những biểu hiện như trên, lại có thể tự kéo quần,  có thể kiên nhẫn ngồi một chỗ… thì hãy bắt đầu tập cho con bỏ tã. Bố mẹ hãy giúp con liên tưởng cảm giác “mắc tè”, “mắc ị” với việc ngồi bô; và khi thấy con có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, hãy nói một câu ngắn gọn như “đi vệ sinh đi con” hay “ngồi bô đi con” để nhắc bé.

Nhảy (24 đến 36 tháng)

webtretho_nhảy

Mẹ ơi, xem con nhảy này! (Ảnh: Inmagine)

Từ 2 đến 3 tuổi, con bắt đầu học cách nhảy khi đang ở tư thế khom người, và sau đó từ tư thế đang đứng. Bạn nghĩ rằng nhảy chồm chồm là “năng khiếu bẩm sinh” của bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng thật ra đây lại là một việc rất phức tạp. “Nhảy” đòi hỏi khả năng phối hợp hai phía, hay khả năng sử dụng cả hai phần bên trái và bên phải của cơ thể để thực hiện một hành động nào đó. Bạn có thể giúp con bằng các trò chơi sau:

- Nhảy từng bước: bạn đứng bên cạnh con trên lề đường hoặc trên một bậc thấp, nắm tay của con và nói, “Một, hai, ba, nhảy!” sau đó cùng nhảy xuống.

- Tập nhảy cóc: đây là một bước đệm để con tập nhảy từ tư thế đứng – một động tác phức tạp hơn nhảy từng bước. Dạy con tư thế khom người và vung tay khi nhảy tới, rồi dần dần con sẽ học được kỹ năng này và khiến bạn càng phải để mắt trông coi hơn nữa.

Có phải con không ngoan? – Phần cuối

(Webtretho) Đôi khi bạn cảm thấy xấu hổ vì đứa con bé bỏng của mình đến chỗ đông người mà chẳng lịch sự chút nào? Bạn đau khổ vì con hung dữ, chẳng chịu nhường nhịn ai? Bạn giận quá là giận đi, vì sao đã nhắc bao nhiêu lần rồi mà con vẫn bày đồ chơi bừa bãi?... Hãy cùng Webtretho tìm hiểu tâm lý của con và giải tỏa những nỗi niềm chất chứa trong lòng biết bao lâu nay ấy nhé.

>> Phần 1


Mong đợi 4: Bé 2 tuổi có thể từ chối sức hấp dẫn từ bát nước của chó mèo.

Thực tế: Chỉ trong vài ngày nhà bạn sẽ như một công viên nước.

Giải quyết: Hãy chấp nhận sức hấp dẫn của nước, bạn cứ thử nhớ lại ngày còn bé mà xem, chơi với nước rõ ràng là rất vui mà. Nhưng đồng thời với đó, bạn cũng hãy kiên định dạy con, hãy nói “Không con à, đây là nước uống của chó/ mèo chứ” và chuyển sự chú ý của bé sang một món đồ chơi, hoặc một hoạt động khác. Bạn có thể trải một cái khăn tắm lên sàn và cho bé chơi với một ly nhựa hay một hộp nhỏ có nước, hoặc cho bé nấn ná thêm một chút vào giờ tắm trước khi đi ngủ chẳng hạn. Luôn ghi nhớ là phải nhẹ nhàng nhưng kiên định, bạn nhé!

Có phải con không ngoan 1

Con ơi, đấy là nước uống của chó cơ mà! (Ảnh: Inmagine)


Mong đợi 5: Con sẽ ngồi ngoan ngoãn ở nhà hàng trong khi đợi đồ ăn được dọn lên.

Thực tế: Bé rắc đường lung tung, làm rơi đồ đạc và thỉnh thoảng hét lên inh ỏi.

Giải quyết: Hãy cố gắng biến nhà hàng càng giống nhà bạn càng tốt: ăn vào giờ ăn thường ngày của gia đình, đừng cho bé mặc những bộ quần áo không thoải mái, thậm chí có thể đem ly, đĩa và muỗng của con bạn theo cùng.

Bạn cũng nên xem xét tính cách của con để tìm ra cách giúp bé "giết thời gian". Màu sáp và giấy có thể khiến con bạn ngoan ngoãn một lúc, nhưng bé cũng có thể cần cả một bao to đồ chơi, đấy là chưa nói đến thậm chí phải dạo quanh quanh nhà hàng nữa ấy chứ. Dù sao thì, trước khi con được ít nhất 4 tuổi, bạn chỉ nên chọn những nhà hàng thân thiện với trẻ em thôi (có khu trò chơi, không quá nghiêm túc, sang trọng...)


Mong đợi 6: Trẻ 5 tuổi sẽ ngồi ở rạp xem một bộ phim thiếu nhi từ đầu đến cuối.

Thực tế: Chỉ sau 15’ là bé sẽ chán ngay (hay cảm thấy sợ ngay!)

Giải quyết: Đầu tiên hãy đảm bảo nội dung phim thật sự lôi cuốn bé. Một phim dành cho thiếu nhi cũng có thể có đôi chỗ cốt truyện phức tạp, vì vậy bạn hãy thì thầm giải thích hay dẫn dắt cho bé hiểu. Thứ hai: hãy chọn phim không dài quá 90’. Và cuối cùng: bởi vì những đoạn quảng cáo ban đầu có âm thanh lớn, đột ngột, có thể làm bé sợ, bạn hãy tranh thủ khoảng thời gian này để dẫn bé đi vệ sinh.

Vậy thật ra bạn nên mong đợi những gì?

Khi con lên 3:

• Biết tự mang giày (loại giày có miếng dán).

• Biết cởi quần áo (rộng).

• Biết mang bát đĩa nhẹ vào bồn rửa (thỉnh thoảng bé có thể làm rơi).

• Biết cất quần áo vào tủ và có thể phân loại quần áo theo màu sắc.

Có phải con không ngoan 2

Ú òa, mẹ xem con giỏi chưa này! (Ảnh: Inmagine)

Khi con lên 4:

• Biết thay quần áo (với một chút trợ giúp của bố mẹ).

• Biết tưới cây (với sự trợ giúp).

• Giúp rửa xe.

• Tự đánh đu.

Khi con lên 5:

• Biết tự thay quần áo (loại không có khóa hay nút phức tạp).

• Biết trộn ngũ cốc và sữa mà không bị rơi ra ngoài nhiều.

• Dọn giường (với sự trợ giúp).

• Dọn bàn với chén nhựa và các món đồ khác như muỗng, đũa.

Có phải con không ngoan? – Phần 1

(Webtretho) Đôi khi bạn cảm thấy xấu hổ vì đứa con bé bỏng của mình đến chỗ đông người mà chẳng lịch sự chút nào? Bạn đau khổ vì con hung dữ, chẳng chịu nhường nhịn ai? Bạn giận quá là giận đi, vì sao đã nhắc bao nhiêu lần rồi mà con vẫn bày đồ chơi bừa bãi?… Hãy cùng Webtretho tìm hiểu tâm lý của con và giải tỏa những nỗi niềm chất chứa trong lòng biết bao lâu nay ấy nhé.

Hiển nhiên, ước ao con trẻ bớt hiếu động đi một chút là điều hoàn toàn hợp lý ở các bậc làm cha mẹ, nhưng theo Giáo sư Tâm lý Ross A. Thompson tại California: “Phần não điều khiển sự bốc đồng và xúc cảm của trẻ phát triển rất, rất chậm. Có nghĩa là khi tỏ ra không hợp tác hoặc bướng bỉnh thì thật ra, trẻ đang sống đúng với tuổi của mình đấy thôi.”

Nên mong đợi gì ở bé 1

Là mẹ hay con phải điều chỉnh lại thái độ đây? (Ảnh: Inmagine)

Những hành vi của trẻ con là không thể đoán trước, khác nhau từng ngày (thậm chí từng giây phút); khả năng tập trung chú ý, năng lực tự chơi và chơi ngoan với bạn bè cũng phụ thuộc vào tâm trạng của bé, mức độ mệt mỏi và một loạt yếu tố khác. Nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nắm được sự phát triển hành vi theo lứa tuổi của con như thế.

Vậy làm sao để biết khi nào chính bạn cần điều chỉnh lại thái độ? Những mong đợi nào của bạn thật ra là ảo tưởng? Và làm sao để biến ảo tưởng thành hiện thực?


Mong đợi 1: Bé con nhà bạn sẽ chịu ngồi im ngoan ngoãn, chỉ 2 phút thôi, để bạn đi vệ sinh.

Thực tế: Bạn vừa quay lưng là bé đã lót tót ngay sau bạn, luôn miệng hỏi “Mẹ đi đâu đấy?” và đòi theo cùng.

Giải quyết: Tiến sĩ Thompson cho rằng ngăn cản sẽ chỉ càng khiến bé muốn đi theo mà thôi. Thay vào đó, bạn có thể chơi xe hơi hay xếp hình cùng con vài phút trước khi nói với bé rằng bạn cần đi vệ sinh và sẽ quay lại ngay. Nhớ giữ lời với con, đừng la cà tranh thủ việc nọ việc kia, và nhất là hãy nhớ khen con đã tự chơi ngoan.

Trong trường hợp phải làm việc, bạn cũng hãy cố gắng chơi cùng con thêm một chút và giải thích cho con nghe kế hoạch bạn sắp làm. Hãy sắp xếp để con có thể nhìn thấy bạn và bạn cũng có thể trông chừng bé, thỉnh thoảng kiểm tra tình hình bằng một cái ôm hay vài lời khen ngợi.


Mong đợi 2: Nhóc nhà bạn sẽ ngoan ngoãn chia sẻ với bạn của chúng.

Thực tế: Bạn sẽ phải làm trọng tài liên tục ấy chứ!

Giải quyết: Trẻ ở độ tuổi mầm non mới chỉ đang học cách để cảm thông, vì vậy thật khó để con nhận ra rằng bạn chúng cũng muốn chiếc xe đó nhiều như chúng muốn. Bố mẹ hãy nói chính xác những cách ứng xử bạn mong muốn ở con, như vậy sẽ giảm bớt nguy cơ tình huống như trên lại xảy ra lần nữa. Đồng thời bạn cũng đừng hơi chút lại can thiệp vào cuộc tranh cãi của bọn trẻ. Dù muốn ngăn mọi việc xảy ra quá đà, bạn cũng hãy kiềm chế đừng vội vội vàng vàng nhảy vào.

Trong trường hợp tự con không giải quyết được, bạn hãy tung đồng hồ vào tham chiến. Hãy nói rằng, “Con chơi búp bê hai phút rồi sẽ đến lượt bạn nhé.” Trẻ ở độ tuổi này đã có thể hiểu và mong đợi sự công bằng. Nhưng mặt khác, trước những lần chơi chung tiếp theo của các con, bố mẹ cũng hãy xem xét việc cất những món mà con không muốn chơi cùng bạn của mình.


Mong đợi 3: Con sẽ tự cất đồ chơi mà không cần nhắc nhở hàng trăm lần liền.

Thực tế: Bé chỉ cất vài món và vẫn tiếp tục chơi.

Mong đợi gì ở bé 2

Phải làm sao đây để con chịu cất đồ chơi về đúng chỗ? (Ảnh: Inmagine)

Giải quyết: Thật khó để một đứa trẻ có thể ngừng chơi và cất đồ chơi của mình đi. Vì vậy bạn hãy dọn cùng bé và khen ngợi nhiệt tình khi con đặt đồ chơi vào đúng vị trí. Bằng cách chỉ cho con biết phải làm gì và khen ngợi khi bé hoàn thành nhiệm vụ – dù ban đầu kết quả của nhiệm vụ này có nhỏ nhoi thế nào đi chăng nữa – bạn sẽ giúp bé hình thành những thói quen tốt sau này.

(Còn tiếp)