Lưu trữ cho từ khóa: 19-24 tháng

Dinh dưỡng cần thiết cho mọi đứa trẻ – Vitamin

Sau 6 tháng đầu đời được nuôi dưỡng hoàn hảo bằng sữa mẹ, bé bắt đầu tiếp nhận những thực phẩm phong phú hơn nhưng cùng với đó việc cung cấp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ cũng trở nên cam go hơn. Vậy một đứa trẻ cần những dưỡng chất nào và làm sao có thể cung cấp dinh dưỡng đúng cách cho bé?

>> Phần 1: Khoáng chất

Phần 2: Vitamin

Vitamin A, D, E và K

Vì sao bé cần: Vitamin A giúp tăng cường thị lực và mang lại một làn da khỏe mạnh. Vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ can-xi và giúp phát triển xương – thiếu vitamin D có thể gây còi xương. Khả năng chống oxy hóa của vitamin D góp phần vào sự tăng trưởng của tế bào và sự phát triển của hệ thần kinh. Vitamin K giúp máu đông bình thường.

Webtretho - Lòng đỏ trứng - Thực phẩm cho bé

Lòng đỏ trứng cung cấp vitamin E cho bé - Ảnh: Inmagine

Liều lượng hàng ngày: Một liều tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh khi mới chào đời giúp ngăn ngừa chảy máu não thất. Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh cung cấp đủ vitamin A, D và E cho đến khi bé được 1 tuổi. Để cung cấp đủ vitamin D, trẻ sơ sinh bú mẹ cần được uống bổ sung vitamin nhằm cung cấp 400 IU vitamin D mỗi ngày cho đến khi bé cai sữa mẹ. Hoặc nếu bạn cung cấp cho bé thức ăn đa dạng theo tháp dinh dưỡng – trái cây, rau củ, sữa, tinh bột, chất béo tốt – và bác sĩ nhận định bé phát triển bình thường theo lứa tuổi, điều đó nghĩa là bé đã hấp thụ được đủ vitamin hòa tan trong chất béo.

Cung cấp cho bé: Ngoài sữa mẹ, sữa công thức và sữa bò, các nguồn cung cấp vitamin A bao gồm trái cây giàu carotene như cà rốt, khoai lang và bông cải xanh. Vitamin ít có trong thực phẩm – đó là lý do mà bác sĩ khuyên bạn cho trẻ uống bổ sung vitamin D cho trẻ bú mẹ cũng như cho bé tắm nắng – nhưng bạn cũng có thể cung cấp cho bé thông qua lòng đỏ trứng và cá. Thực phẩm giàu vitamin E bao gồm dầu thực vật, ngũ cốc; còn vitamin K tìm thấy nhiều trong sữa bò, rau lá xanh, trái cây và dầu đậu nành.

Bạn cần biết: Nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 40% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thu nạp lượng vitamin D thấp dẫn đến xương không khỏe. Hãy nói với bác sĩ nhi khoa của con bạn về việc bổ sung vitamin D nếu bé của bạn bú mẹ hoàn toàn và tăng cường cho bé tắm nắng.

Vitamin C và B

Webtretho - Tháp dinh dưỡng cho trẻ

Tháp dinh dưỡng - Ảnh: Corbis

Vì sao bé cần: Vitamin C làm tăng hấp thụ sắt và giúp ngăn ngừa chứng scobat – một chứng bệnh do thiếu vitamin C gây ra các vết thâm tím lan rộng trên cơ thể mà dân gian thường gọi là “vết ma cắn”. Các vitamin nhóm B – trong đó có axit folic tăng cường hệ thống miễn dịch và hệ thần kinh, duy trì làn da khỏe và trương lực cơ, thúc đẩy sự phát triển tế bào và sự trao đổi chất ốn định.

Liều lượng hàng ngày: Nếu bạn cho bé ăn các loại thực phẩm theo tháp dinh dưỡng – trái cây, rau củ, sữa, ngũ cốc nguyên cám, chất béo – và bác sĩ cho rằng bé phát triển tốt theo lứa tuổi, điều đó có nghĩa bé đã dung nạp đủ vitamin hòa tan trong nước.

Cung cấp cho bé: Vitamin C có trong trái cây họ cam quýt, dâu tây và khoai tây. Axit folic có trong rau xanh, ngũ cốc và bánh mì. Các vitamin nhóm B khác được tìm thấy trong ngũ cốc nguyên cám như gạo nâu cũng như có trong chuối, đậu, trứng, thịt, gia cầm và cá.

Bạn cần biết: Trẻ con thường không thích trái cây hoặc rau xanh, nhưng là phụ huynh hiểu biết, bạn cần kiên nhẫn và đừng từ bỏ việc tập cho bé ăn rau xanh và trái cây giàu dinh dưỡng. Mỗi em bé đều phải thử các loại thức ăn, bỏ vào miệng rồi nhè ra từ 8-10 lần trước khi bé bắt đầu thích nó.

Dinh dưỡng cần thiết cho mọi đứa trẻ – Khoáng chất

Sau 6 tháng đầu đời được nuôi dưỡng hoàn hảo bằng sữa mẹ, bé bắt đầu tiếp nhận những thực phẩm phong phú hơn nhưng cùng với đó việc cung cấp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho trẻ cũng trở nên cam go hơn. Vậy một đứa trẻ cần những dưỡng chất nào và làm sao có thể cung cấp dinh dưỡng đúng cách cho bé?

Webtretho - Dinh dưỡng cho trẻ

Mẹ cho con ăn gì thế nhỉ? - Ảnh: Inamgine

Phần 1: Khoáng chất

Chất sắt

Vì sao bé cần: Sắt quan trọng cho sự phát triển của não bộ – nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt khoáng chất này có thể dẫn đến khiếm khuyết trong tư duy và vận động của trẻ. Tin vui là các bé sơ sinh khi ra đời đều có một nguồn dự trữ sắt dồi dào, thường đủ cho nhu cầu của bé trong 4-6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, các bé sinh non có thể thiết hụt một phần hoặc toàn bộ dự trữ sắt quan trọng được tích lũy trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ. Điều này, cùng với việc nhịp tăng trưởng phải “rượt đuổi”, có thể làm cạn kiệt nguồn sắt dự trữ của bé sinh non chỉ trong 2-3 tháng. Nếu em bé của bạn ra đời sớm hơn dự kiến, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung chất sắt cho bé.

Liều lượng hàng ngày: Sữa công thức đã chứa lượng sắt cần thiết cho nhu cầu của bé trong năm đầu đời, nhưng sữa mẹ thì không được bổ sung khoáng chất này, đó là lý do vì sao bác sĩ nhi khoa khuyên phụ huynh cần cho bé làm quen với thực phẩm giàu sắt sớm trong nửa sau của năm đầu đời, khi bé bắt đầu ăn dặm (lưu ý cắt nhỏ và tròn góc thức ăn cho trẻ dưới 4 tuổi để tránh hóc nghẹn). Từ 7-12 tháng tuổi, bé cần 11mg nguyên tố sắt mỗi ngày, và từ 1-3 tuổi, liều lượng giảm còn 7mg/ngày.

Cung cấp cho bé: Sau 6 tháng tuổi, bạn có thể chọn bột ngũ cốc tăng cường dinh dưỡng để làm thức ăn dặm đầu tiên cho bé, với 2 khẩu phần mỗi ngày (mỗi khẩu phần khoảng 15g) để cung cấp 11mg sắt. Thịt và cá là các nguồn cung cấp sắt tự nhiên, bạn có thể cho bé ăn thêm thịt bò, gà và cá. Một số nguồn cung cấp sắt khác gồm có: quả bơ, khoai tây, bông cải xanh, trứng, đậu nành và rau bó xôi.

Webtretho - Rau bó xôi - Thực phẩm cho bé

Rau bó xôi là một trong các loại rau giàu sắt - Ảnh: Inmagine

Bạn cần biết: Thiếu hụt sắt là phổ biến nhất trong các loại thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ em. Để ngăn ngừa thiếu sắt, hãy yêu cầu bác sĩ nhi khoa theo dõi tình trạng thiếu máu do thiếu sắt của bé ở thời điểm bé được 12 và 18 tháng tuổi.

Can-xi

Vì sao bé cần: Khoáng chất này giúp bé đạt được tỉ trọng xương tối ưu, cần thiết để tạo xương chắc khỏe và ngăn ngừa gãy xương khi bé leo trèo hoặc chơi thể thao.

Webtretho - Chế phẩm sữa - Dinh dưỡng cho bé

Các sản phẩm từ sữa rất giàu can-xi - Ảnh: Inmaigne

Liều lượng hàng ngày: Sữa mẹ và sữa công thức cung cấp đủ can-xi cho bé trong năm đầu đời. Khi bạn chuyển sang cho bé dùng sữa bò nguyên chất, bé cần cung cấp đủ 500mg can-xi mỗi ngày.

Cung cấp cho bé: Một cốc sữa bò tươi nguyên chất hoặc 180ml sữa chua (khoảng 1 hũ) cung cấp khoảng 250mg can-xi tạo nên cấu trúc xương vững chắc. Bé dưới 1 tuổi không nên uống sữa bò tươi, nhưng sữa chua có thể được xem là một loại thức ăn dặm. Một số lựa chọn khác để bổ sung can-xi cho bé như phô-mai, cá hồi, đậu hũ, bông cải, đậu trắng, cà chua và yến mạch.

Bạn cần biết: Giúp bé quen với mùi vị các chế phẩm sữa ít béo sẽ có ích cho bé khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng can-xi vượt trội (1300mg/ngày khi bé 9 tuổi), vì can-xi được hấp thụ tốt nhất từ thực phẩm. Các bé thừa cân và có nguy cơ béo phì, hoặc gia đình có tiền sử mắc tim mạch sớm có thể dùng sữa giảm béo từ 12-24 tháng tuổi.

Kẽm

Vì sao bé cần: Ngoài tác dụng tích cực đối với khả năng nhận thức và phát triển, vai trò chính của kẽm là duy trì chức năng miễn dịch và đảm bảo sự tăng trưởng tối ưu và sửa chữa các tế bào. Thiếu hụt kẽm liên quan đến suy giảm tăng trưởng, tăng khả năng nhiễm trùng và nguy cơ tiêu chảy.

Webtretho - Thực phẩm cho bé

Thịt cá giúp bổ sung kẽm cho bé trong quá trình tăng trưởng - Ảnh: Inmagine

Liều lượng hàng ngày: Sữa công thức cung cấp đủ nhu cầu kẽm của bé, nhưng sữa mẹ thì không, vì vậy điều quan trọng là cần cho bé ăn các thực phẩm giảu kẽm trong nửa sau của năm đầu đời. Trẻ từ 7 tháng tuổi đến 3 tuổi cần 3mg kẽm mỗi ngày.

Cung cấp cho bé: Mỗi 50g thịt thăn heo chứa khoảng 2mg kẽm, mỗi 250g sữa chua chứa 1.6mg kẽm, và nửa cái ức gà chứa 1mg kẽm. Các nguồn thực phẩm chứa kẽm khác gồm: thịt bò, cá, trứng, sữa tươi nguyên chất, phô-mai cheddar.

Bạn cần biết: Kẽm được tìm thấy nhiều  nhất trong các nguồn thực phẩm giàu sắt như thịt, gia cầm và cá, vì vậy nếu bạn cho bé ăn đủ chất sắt, khả năng là bé cũng được cung cấp đủ kẽm.

>> Phần 2: Vitamin

Sự phát triển thể chất của trẻ 1-3 tuổi

Sau rất nhiều những sự phát triển về thể chất của con như biết lật, biết bò, biết ngồi, biết đi… bố mẹ lại tiếp tục chờ đón những cột mốc khác. Những khả năng mới của con khiến bố mẹ vui mừng cũng có mà “đau khổ” cũng có, và dù thế nào đi nữa thì đó cũng là những việc ắt phải xảy ra, cần thiết cho cuộc sống của con về sau. Đó là những khả năng gì ấy nhỉ?

Chơi với bóng
Ngồi xổm
Kéo và đẩy
Leo trèo
Chạy
Bỏ tã
Nhảy

Ném và đá bóng (12 tháng tuổi)

Chẳng bao lâu sau khi đón sinh nhật đầu tiên của mình, con bạn sẽ tỏ ra rất thích chơi với bóng – đầu tiên là ném bóng, đến khoảng 2 tuổi thì đá bóng, và khi khoảng 3-4 tuổi bé sẽ có thể chụp, bắt lấy bóng. Để giúp con rèn luyện những kỹ năng này:

- Ném bóng: đầu tiên bạn hãy lăn một quả bóng nhỏ, mềm giữa bạn và con. Sau một thời gian, bạn có thể tăng khoảng cách giữa hai mẹ con lên, và chẳng bao lâu con sẽ muốn ném bóng cho mà xem.

- Đá bóng: tương tự như trên, có điều bạn hãy chỉ cho con cách dùng chân thay vì tay để lăn quả bóng.

- Bắt bóng: hãy hướng dẫn con lăn bóng lên một đoạn dốc ngắn rồi bắt lại khi nó lăn xuống.

Ngồi xổm (12 đến 18 tháng)

webtretho_ngồi xổm

Ngồi xổm cũng là cả một... bước tiến lớn (Ảnh: Inmagine)

Cho đến giờ, con vẫn phải cúi hẳn người xuống mỗi khi muốn nhặt món đồ nào đó dưới đất. Từ cúi người đến biết ngồi xổm là cả một bước tiến lớn, để giúp con đạt được kỹ năng này:

- Khi con chuẩn bị cúi xuống nhặt đồ, bạn hãy chỉ cho bé cách khuỵu đầu gối để ngồi xổm.

- Để con luyện tập. Rải vài món đồ chơi nhỏ trên nền nhà và chơi trò “tìm kho báu” để con phải di chuyển từ món đồ này sang món đồ kia và nhặt chúng lên – thật là một trò quá hay để con dọn đồ chơi mỗi khi chơi xong!

Kéo và đẩy (12 đến 18 tháng tuổi)

Một khi đã có thể bước đi tự tin, con sẽ tiếp tục tìm thấy niềm vui qua trò kéo và đẩy các món đồ chơi. Khả năng phối hợp của con cũng nhờ đó mà phát triển, vì trong lúc kéo đồ chơi về phía trước, thỉnh thoảng con sẽ phải ngoái nhìn phía sau.

Vậy bạn hãy cho con vài món đồ chơi dạng kéo, đẩy, hoặc cũng có thể tự chế bằng cách buộc một sợi dây vào chiếc xe hơi đồ chơi của con. Bạn phải hết sức lưu ý: trông chừng con trong lúc chơi hoặc chỉ dùng đoạn dây dài tối đa 30cm nhằm tránh nguy cơ dây quấn vào cổ con, gây nghẹt thở.

Leo trèo (12 đến 24 tháng)

Trẻ tuổi này rất “liều mạng” và thích leo trèo khắp nơi, từ giường ngủ đến bàn ghế, vì một lý do rất đơn giản: do chúng nằm ngay tầm mắt của con. Dĩ nhiên việc trèo lên bàn hay ghế với bạn chẳng đáng để gọi là thử thách gì cả, nhưng với con thì khác, vì khả năng lý luận của con không phát triển ngang hàng với khả năng vận động cũng như tính “liều”. Chuyện con bị ngã vì thế là điều sẽ phải xảy ra, nhưng bạn đừng vì thế mà tuyệt đối ngăn cản con; leo trèo là một bước tiến quan trọng về mặt thể chất, nó giúp con phát triển khả năng phối hợp để làm rất nhiều việc khác như bước lên bậc thang. Thay vào đó, bạn có thể giúp con bằng cách:

- Tạo môi trường an toàn cho con leo trèo: Thả những cái gối tựa hoặc gối nằm xuống sàn nhà có trải thảm, hoặc để con được chơi thoải mái ở các khu vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ.

- Neo chặt kệ sách và các đồ đạc khác vào tường, kể cả khi bạn nghĩ những món đồ đó quá nặng và không thể đổ được. Bạn cũng cần cất hết những món đồ trên kệ có thể rơi xuống đầu con hoặc có thể kích thích con trèo lên để lấy.

- Hạn chế các chỗ đặt chân lên để leo trèo, luôn chú ý đẩy ghế vào dưới gầm bàn…

- Lắp cửa chặn ở đầu và cuối cầu thang, đó là cách duy nhất ngăn con không trèo cầu thang một mình. Bạn hãy nắm tay con để hướng dẫn con học cách lên và xuống cầu thang an toàn.

Chạy (18 đến 24 tháng)

Nhiều đứa trẻ dường như từ bò chuyển luôn sang chạy chỉ trong tích tắc, trong khi những bé khác cần nhiều thời gian hơn. Vì sao? Bởi vì khi học chạy, chuyện té ngã sẽ xảy ra thường xuyên, và một số bé thích liều hơn những bé khác. Để khuyến khích con, bạn có thể:

webtretho_con có những hiểu biết đầu tiên về cơ thể mình

"Buồn" quá, phải chạy thôi! (Ảnh: Inmagine)

- Chơi đuổi bắt với con ở những nơi ngã không đau lắm như bãi cỏ hay bãi cát, bạn có thể đuổi theo con, rồi đổi vai để con đuổi theo bạn.

- Chơi chạy đua, trò này sẽ càng vui nếu có những trẻ lớn hơn tham gia cùng.

Tập bỏ tã (24 đến 36 tháng)

Dạy con đi vệ sinh (không cần dùng tã nữa) là một trong những bước phát triển mà bố mẹ mong chờ nhất! Nhưng hãy nhớ rằng độ tuổi thích hợp để dạy rất khác nhau ở từng trẻ, sau đây là những dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thích hợp:

- Con cúi xuống săm soi cái tã, nắm lấy hoặc cố gắng cởi ra khi tã bị bẩn; con ngồi xổm hoặc bắt chéo hai chân khi muốn đi vệ sinh. Những hành động này cho thấy con đã đủ lớn để hiểu hơn về cơ thể của mình.

- Con quan tâm đến những thứ liên quan đến bô, muốn theo bố mẹ vào nhà vệ sinh hoặc nói chuyện đi tè, đi ị…

Nếu con bạn có những biểu hiện như trên, lại có thể tự kéo quần,  có thể kiên nhẫn ngồi một chỗ… thì hãy bắt đầu tập cho con bỏ tã. Bố mẹ hãy giúp con liên tưởng cảm giác “mắc tè”, “mắc ị” với việc ngồi bô; và khi thấy con có dấu hiệu muốn đi vệ sinh, hãy nói một câu ngắn gọn như “đi vệ sinh đi con” hay “ngồi bô đi con” để nhắc bé.

Nhảy (24 đến 36 tháng)

webtretho_nhảy

Mẹ ơi, xem con nhảy này! (Ảnh: Inmagine)

Từ 2 đến 3 tuổi, con bắt đầu học cách nhảy khi đang ở tư thế khom người, và sau đó từ tư thế đang đứng. Bạn nghĩ rằng nhảy chồm chồm là “năng khiếu bẩm sinh” của bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng thật ra đây lại là một việc rất phức tạp. “Nhảy” đòi hỏi khả năng phối hợp hai phía, hay khả năng sử dụng cả hai phần bên trái và bên phải của cơ thể để thực hiện một hành động nào đó. Bạn có thể giúp con bằng các trò chơi sau:

- Nhảy từng bước: bạn đứng bên cạnh con trên lề đường hoặc trên một bậc thấp, nắm tay của con và nói, “Một, hai, ba, nhảy!” sau đó cùng nhảy xuống.

- Tập nhảy cóc: đây là một bước đệm để con tập nhảy từ tư thế đứng – một động tác phức tạp hơn nhảy từng bước. Dạy con tư thế khom người và vung tay khi nhảy tới, rồi dần dần con sẽ học được kỹ năng này và khiến bạn càng phải để mắt trông coi hơn nữa.

Học mà chơi – bé từ 12 tháng tuổi

(Webtretho) Khi đã làm mẹ, bạn có một lý do tuyệt vời để vui chơi thêm một chút! Xét cho cùng, đó là cách bạn giúp bé học tốt nhất. Hãy tận dụng càng nhiều thời gian chơi cùng bé càng tốt và đừng quên tối đa hóa khả năng học mà chơi của bé nhé.

>> Học mà chơi - bé từ 0-3 tháng tuổi

>> Học mà chơi - bé từ 3-6 tháng tuổi

>> Học mà chơi - bé từ 6-12 tháng tuổi

Từ 12 tháng tuổi

Kích thích giác quan

Hình ảnh

Bé đang học cách nhận diện những khuôn mặt quen thuộc trong các bức ảnh. Đây là một hoạt động tốt để rèn luyện trí nhớ và giúp bé nhận diện những người thân, họ hàng khi gặp lại họ: “Bà đâu con nhỉ?”, “Chú Bảo đâu con?”. Bé cũng có thể học âm thanh phát ra từ các con vật trong bức tranh và lắng nghe âm thanh của các con vật này ở bên ngoài.

Âm thanh

Các loại nhạc cụ đồ chơi sẽ giúp bé tìm được giai điệu cho riêng mình. Các loại trống đồ chơi, đàn phiến gỗ, nhạc cụ Maraca và đàn piano chính là những trò chơi âm nhạc thú vị để bé học hỏi. Bạn dạy bé hát bài hát “Bảng chữ cái” hoặc những bài hát mà gia đình bạn yêu thích.

Webtretho - Nhạc cụ đồ chơi

Ảnh: Inmagine

Xúc giác

Vào độ tuổi này, bé thích cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng tay nhiều hơn là bằng miệng. Những quyển sách có hình ảnh nổi lên, các bức tranh dựng hình hoặc những hình ảnh được minh họa bằng các chất liệu khác nhau chính là bài học về hình ảnh thú vị cho bé và giúp bé phát triển kỹ năng xúc giác cũng như kỹ năng vận động.

Kỹ năng vận động tinh

Vào khoảng 15 tháng tuổi, em bé đã có thể điều khiển chuyển động cổ tay của mình mà không cần phải di chuyển toàn bộ cánh tay, điều này cho phép bé thực hiện các trò chơi bằng nhiều hành động đa dạng và chính xác hơn. Bé có thể thực hiện các động tác như múc nước đổ vào bồn, múc cát đổ vào hố cát; bé sẽ phát hiện ra trọng lực. Đồng thời, em bé của bạn cũng có thể tạo ra những “tác phẩm nghệ thuật” bằng các loại bút chì không độc hại và dùng ngón tay để sơn mọi thứ. Các trò chơi nhận dạng hình khối và xếp hình cũng sẽ giúp ích cho bé học tập kỹ năng xác định vị trí và hình khối của một vật.

Cột mốc vận động thô

Webtretho - Bé chơi đồ chơi

Đồ chơi cũng giúp rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng vận động thô ở trẻ - Ảnh: Inmagine

Một số kiểu đồ chơi tập đi mới thay thế xe tập đi kiểu cũ - được cho là không an toàn cho bé – có thể giúp phát triển kỹ năng đi đứng cho bé trong giai đoạn tập đi. Những kiểu trò chơi kéo và đẩy cũng có tác dụng giúp các bé trong độ tuổi này học cách giữ thăng bằng. Khi em bé của bạn lớn hơn và biết cách phối hợp hơn thì sân chơi của khu phố chính là không gian tuyệt vời để bé tự tin học hỏi và chủ động tiếp thu những kỹ năng mới như leo trèo, giữ thăng bằng và nhảy. Đến khi được 18 tháng tuổi, bé có thể ném được một quả bóng.

Tăng cường trí tuệ

Bé luôn mong muốn được như bố mẹ. Hãy khuyến khích bé tham gia vào các trò chơi nhận thức xã hội , chẳng hạn như trò chơi “ngôi nhà tí hon” với đầy đủ vật dụng nhà bếp, máy cắt cỏ, các đồ dùng, thiết bị đồ chơi, trang sức. Tạo điều kiện cho bé phát huy trí tưởng tượng của mình bằng những bộ trang phục phù hợp cùng với những con rối, những cô cậu búp bê có thể cùng bé đóng vai một gia đình. Hãy để bé tự do phát triển trí tưởng tượng phong phú của mình trong một môi trường an toàn. Khi bạn và bé cùng đọc sách, hãy để bé tự “đọc” giúp bạn bằng cách nhìn vào hình ảnh và kể ra những câu chuyện dựa trên những hình ảnh đó, cho dù bé chỉ bi bô hoặc có thể nói ra thành từng câu, từng chữ. Thường xuyên đáp lại và hưởng ứng để bé biết rằng bạn vẫn đang lắng nghe.