Thay khớp háng toàn bộ: giảm đau, cải thiện đi lại

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Nhu cầu hằng ngày đòi hỏi khớp háng phải mang trọng lượng cơ thể, đi bộ, leo cầu thang và cúi và vặn khiến chúng trở thành hai khớp xương phải làm việc vất vả nhất. Nhưng khớp háng bị tổn thương do viêm khớp, gãy xương hoặc những chứng bệnh khác khiến chúng không còn có thể đi bộ, leo cầu thang, cúi và vặn như trước được nữa. Khi giảm cân, thuốc, hạn chế hoạt động và dùng gậy chống không giúp giảm đau, thì thay khớp háng – còn gọi là tạo hình khớp háng toàn bộ – có thể là một giải pháp.
Sự giảm đau và làm tăng cử động là mục đích chính của thay khớp háng. Cho đến nay đây là phẫu thuật là phương pháp thành công nhất để điều trị viêm khớp háng giai đoạn muộn. Đó cũng là một trong những phẫu thuật thay khớp thông thường nhất, với trên 168000 ca được thực hiện mỗi năm ở Mỹ.
Trước khi quyết định phẫu thuật thay khớp háng, hãy tìm hiểu thêm về cơ chế hoạt động của khớp háng, liệu bạn có phải là người thích hợp cho phẫu thuật không và việc phẫu thuật sẽ có lợi cho bạn như thế nào. Nếu bạn đã quyết định phẫu thuật, hãy tìm hiểu về cách thức mổ – bạn cần chuẩn bị những gì, điều gì sẽ xảy ra trong cuộc mổ, có thể mong chờ điều gì trong quá trình hồi phục và những biến chứng nào có thể nảy sinh.
Các khớp háng làm việc như thế nào
Các xương vùng háng có nhiệm vụ nâng đỡ và giữ ổn định cho cơ thể. Háng là khớp cầu-ổ lớn nhất, đủ lớn và đủ khỏe để mang toàn bộ trọng lượng cơ thể bạn. Đầu trên lớn, hình tròn của xương đùi ăn khớp với ổ cối của xương chậu, cho phép bạn nâng lên, hạ xuống và xoay chân. Khớp được bao quanh bởi cơ và dây chằng bảo vệ, giữ cho lồi cầu xương đùi nằm trong ổ chảo.
Hai xương tạo thành khớp háng, xương đùi và xương chậu, được phân cách bởi sụn – lớp mô trắng bóng, dai giữ cho các xương khỏi cọ xát vào nhau. Sụn cho phép khớp cử động trơn tru và không đau.
Khi sụn trong khớp háng của bạn bị bệnh hoặc tổn thương – như do thoái hóa khớp – khớp sẽ trở nên cứng và đau khi cử động.
Khi phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất
Lý do để mổ thay khớp háng toàn bộ bao gồm đau nặng, không cử động được, hoặc khớp háng bị biến dạng. Trong hầu hết các trường hợp, mổ thay thế háng là hậu quả của thoái hóa khớp. Nhưng có thể phải mổ thay khớp háng do chấn thương, viêm khớp dạng thấp hoặc một số bệnh khác – như khối u xương hoặc mất xương do tưới máu không đủ (hoại tử vô mạch).
Bạn có thể hỏi bác sỹ về khả năng thay thế khớp háng nếu bạn thường xuyên có những triệu chứng sau:
- Đau làm bạn thức giấc giữa đêm
- Đau giảm ít hoặc không giảm khi dùng thuốc
- Khó đi lên và xuống cầu thang
- Khó đứng lên khi ngồi
- Phải ngừng các hoạt động ưa thích do quá đau
Trước khi bác sỹ khuyên thay thế khớp, tổn thương cần được nhìn thấy trên phim chụp X quang.
Khi phẫu thuật có thể không phải là sự lựa chọn tốt nhất.
Khi cân nhắc lợi ích của phẫu thuật đối với bạn, bác sỹ sẽ xem xét thể trạng của bạn, gồm các yếu tố như cân nặng, mật độ xương và tuổi. Bạn có thể không phải là ứng cử viên cho phẫu thuật thay thế háng nếu có những tình trạng sau:
- Bị giảm mật độ xương rõ rệt (loãng xương)
- Thừa cân
- Bị bệnh tim
- Cao huyết áp không kiểm soát được
- Có nguy cơ cao bị nhiễm trùng
- 95 tuổi hoặc hơn
- Thể trạng kém
Trước đây các bác sỹ thường khuyên thay thế khớp háng chủ yếu cho những người trên 60 tuổi. Hồi đó người ta quan niệm rằng người già ít hoạt động và do đó ít làm mòn khớp nhân tạo. Nhưng công nghệ hiện đại đã chế tạo được những loại khớp nhân tạo vững chắc hơn và có tuổi thọ lâu hơn thích hợp cho người trẻ hoạt động nhiều hơn. Tuy nhiên, người trẻ có thể sẽ phải mổ lại sau 15 đến 20 năm do khớp háng nhân tạo bị mòn hỏng. Việc mổ lại thường khó khăn hơn không thành công như lần mổ đầu.
Chuẩn bị sẵn sàng cho phẫu thuật
Nếu bạn quyết định phẫu thuật thay thế háng, bạn có thể làm nhiều việc trước để chuẩn bị sẵn sàng và làm hồi phục dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn.
Nói chuyện với bác sỹ
Lập danh sách các chủ đề bạn muốn thảo luận với bác sỹ có thể giúp bạn chuẩn bị tư tưởng và có thể giảm căng thẳng tinh thần trước phẫu thuật. Đây là một số câu hỏi được gợi ý:
- Khi nào bạn sẽ nhập viện?
- Điều gì sẽ xảy ra trong khi phẫu thuật?
- Tại sao bạn phẫu thuật?
- Nguy cơ của phẫu thuật là gì?
- Bạn có thể làm gì để chuẩn bị cho sự hồi phục sau phẫu thuật, khi đã xuất viện?
- Thuốc men: Những loại thuốc nào bạn nên hoặc không nên dùng sau phẫu thuật?
- Bạn nên thận trọng những gì đối với dị ứng và các phản ứng khác nếu phải dùng thuốc?
- Dự kiến quá trình hồi phục sẽ diễn ra như thế nào?
- Những lo lắng của về quan hệ xã hội hoặc tình dục có liên quan đến phẫu thuật?
Lập kế hoạch trước cho quá trình hồi phục
Quá trình hồi phục cần có thời gian. Có thể phải mất một vài tháng bạn mới trở lại hoạt động bình thường. Hãy lập kế hoạch cho lúc ra viện trước khi lên bàn mổ.
- Hãy đề nghị một ai đó – người thân, bạn bè hoặc hàng xóm – giúp bạn trong 1 hoặc 2 tuần sau khi ra viện. Hoặc bạn có thể thu xếp một nơi nghỉ điều dưỡng trong thời gian này.
- Có kế hoạch giảm tạm thời các hoạt động thể chất.
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng sao cho bạn không cần dọn lại khi trở về.
- Cất hết thảm và những thứ cản trở lối đi lại
- Nếu có thể, sắp xếp phòng ngủ tạo khoảng trống rộng hơn quanh giường để có thể ra vào phòng bằng nạng, khung tập đi hoặc gậy chống. Nếu phòng ngủ nằm ở tầng lửng, nên tạm thời chuyển giường ngủ ra tầng chính của ngôi nhà.
- Lập một “rung tâm phục hồi” nơi bạn sẽ ở đó phần lớn thời gian. Đặt một chiếc ghế bành ghế bành vững chắc – chứ không phải ghế tựa – và để những đồ vật bạn thường xuyên dùng tới ngay trong tầm tay: bộ điều khiển TV từ xa, điện thoại, sách, tạp chí, khăn giấy, thuốc và bình nước.
- Sắp xếp lại bếp sao cho có thể dễ dàng lấy được các thứ. Đặt chúng ở vị trí thuận tiện để giảm thiểu việc cúi hoặc với.
- Chuẩn bị trước một số đồ ăn và cất trong tủ lạnh.
- Yêu cầu người đưa thư báo mang vào trong nhà, nếu có thể.
Chờ đợi điều gì trong phẫu thuật thay khớp háng
Được thực hiện bởi bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình, thủ thuật sẽ thay lồi cầu xương đùi – phần đầu trên của xương đùi – bằng một lồi cầu kim loại. Thiết bị có nhiều kích thước khác nhau. Bác sỹ phẫu thuật của bạn sẽ đo cẩn thận để chọn loại vừa nhất với bạn. Lồi cầu kim loại này gắn liền với một thân bằng kim loại lắp vào xương đùi. Một ổ chảo bằng chất dẻo và kim loại được gắn vào xương chậu để thay thế ổ chảo tổn thương. Các bộ phận giả, bắt chước thiết kế tự nhiên của khớp háng, vừa khít với nhau và hoạt động như một khớp háng bình thường.
Phẫu thuật thường mất 2 đến 3 giờ, trong thời gian đó là bạn sẽ được gây tê vùng háng hoặc gây mê. Trong khi phẫu thuật, bác sỹ sẽ tách xương đùi ra khỏi ổ chảo. Giữa các cơ lớn ở háng, bác sỹ sẽ cắt bỏ mô và xương tổn thương hoặc bị bệnh, để lại xương và mô lành. Bác sỹ sẽ dùng dụng cụ đặc biệt để cắt bỏ xương và sụn tổn thương ở ổ chảo. Ổ chảo giả được đặt vào vị trí. Đầu trên xương đùi được khoét rỗng để lồng thân kim loại có gắn lồi cầu ở trên vào. Khớp ổ chảo lồi cầu giả sẽ tạo thành khớp háng mới. Bác sỹ phẫu thuật sẽ kiểm tra sự thẳng hàng của khớp mới trước khi khâu vết mổ.
Sau phẫu thuật, bạn được chuyển tới phòng hồi sức để theo dõi trong khi tỉnh mê. Y tá hoặc nhân viên gây mê hồi sức sẽ theo dõi huyết áp, mạch, tri giác, mức độ đau và nhu cầu dùng thuốc của bạn.
Bạn sẽ nằm viện một vài ngày trong khi bình phục. Ngay ngày đầu tiên sau mổ, bạn có thể được khuyến khích ngồi dậy và thậm chí thử đi lại bằng nạng hoặc khung tập đi. Bác sỹ vật lý trị liệu có thể giúp bạn với một số bài tập mà bạn có thể thực hiện trong bệnh viện và ở nhà để hồi phục nhanh chóng. Trước khi ra viện, bạn và những người chăm sóc cho bạn sẽ tìm ra cách tốt nhất để bạn mặc quần áo, ngồi xuống ghế, ra khỏi giường, sử dụng toilet và leo cầu thang.
Trong tương lai sẽ có kỹ thuật mới cho phẫu thuật thay thế khớp. Thay khớp háng với vết mổ tối thiểu chỉ cần vết mổ dài 7,5 đến 12,5 cm thay cho vết mổ 25 cm đến 30 cm trong phẫu thuật thay khớp háng chuẩn hiện nay. Bệnh nhân sẽ ít đau hơn và bình phục dễ dàng hơn.
Các biến chứng có thể xảy ra
Các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp háng. Mặc dù một số biến chứng là rất nghiêm trọng, song hầu hết có thể được điều trị thành công.
- Trật khớp. Vấn đề hay gặp nhất là trật khớp ở khớp mới. Do ổ chảo lồi cầu nhỏ hơn khớp bình thường, nên một số tư thế có thể làm lồi cầu bị bật ra. Để tránh điều này, đừng cúi quá 90 độ và đừng bắt chéo chân. Nếu bị trật khớp, bác sỹ có thể nắn lại khớp mà không phải mổ thêm.
- Nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể xảy ra cả ở vết mổ và ở mô bên trong gần bộ phận giả. Phần lớn nhiễm trùng có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng với nhiễm trùng nặng gâng bộ phận giả, có thể phải mổ để lấy bộ phận giả. Vì nhiễm trùng có thể xảy ra thậm chí nhiều năm sau mổ, nên đừng quên cho nha sỹ hoặc bác sỹ biết bạn có lắp bộ phận giả trước khi làm bất kỳ thủ thuật nào trong tương lai. Ví dụ, bác sỹ nha khoa có thể cho bạn uống thuốc kháng sinh trước khi tiến hành thủ thuật răng miệng để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Huyết khối. Là kết quả của giảm cử động chân. Các thuốc chống đông máu thường được dùng sớm sau phẫu thuật khớp hangd. Các dụng cụ đè ép, như bít tất chun dài, và các bài tập để làm tăng lưu lượng xuống chân cũng thường được sử dụng. Uống thuốc đúng hướng dẫn để tránh huyết khối. Và tuân thủ phác đồ lý liệu pháp để đảm bảo là bạn tập luyện đủ.
Các biến chứng lâu dài có thể gồm:
- Lỏng lẻo. Bộ phận giả có thể lỏng lẻo bên trong xương. Bạn có thể bị đau nếu điều này xảy ra. Cần phải mổ lại để cố định.
- Gãy bộ phận giả. Hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra. Cần phẫu thuật lại để thay khớp gãy.
- Phản ứng viêm. Những mảnh vỡ nhỏ thể bị mòn ra từ bộ phận giả và được mô xung quanh hấp thu, gây ra đáp ứng viêm. Các tế bào viêm có thể gặm nhấm xương, khiến bộ phận giả bị lỏng lẻo.
Cách tốt nhất để tránh những biến chứng lâu dài này là làm cho khớp háng mới hoạt động dễ dàng. Hãy chăm chỉ tập luyện cơ chân – cơ khoẻ mạnh sẽ giảm thiểu tác động ở khớp háng.
Sau phẫu thuật: Trở lại hoạt động bình thường
Hoạt động và tập luyện phải là nếp sống hằng ngày của bạn để sử dụng lại các cơ và khớp. Bác sỹ vật lý trị liệu sẽ đề nghị những bài tập sức mạnh và chuyển động và giúp bạn học cách sử dụng những dụng cụ hỗ trợ đi lại, như khung tập đi hoặc nạng. Khi việc điều trị tiến triển, bạn sẽ dần dần tăng trọng lượng đặt lên chân cho tới khi có thể đi bộ mà không cần giúp đỡ.
Trong 6 đến 8 tuần đầu sau phẫu thuật, hãy hạn chế các hoạt động có thể gây trật khớp háng. Tránh những động tác sau:
- Cúi khớp háng trên 90 độ
- Đi chéo chân
- Cúi nhặt đồ vật trên sàn hoặc buộc dây giày
- Bắt chéo chân khi ngồi
Để bảo vệ khớp háng mới, có thể cần một số thay đổi ở nhà. Ví dụ như nâng cao bệ toilet. Kẹp một cái gối giữa hai chân khi ngủ để hai chân không đặt quá gần nhau. Dùng dụng cụ gắp để lấy đồ vật ngoài tầm với. Sau khi khoẻ hơn, bạn sẽ không phải lo lắng quá nhiều về những biện pháp thận trọng này.
Đôi khi khoảng 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật, bạn sẽ phải đi khám lại để chắc chắn rằng khớp háng của bạn đang liền đúng. Nếu sự phục hồi diễn ra tốt, hầu hết mọi người trở lại hoạt động bình thường vào thời điểm này – dù có hạn chế.
Cái đau nhất thời mà bạn cảm thấy trong khớp dần dần giảm đi khi mô liền vết thương và cơ khoẻ hơn. Các hoạt động va chạm mạnh – ví dụ chạy hoặc chơi bóng rổ – có thể chưa được bác sĩ đồng ý. Nhưng trong thời gian này, bạn có thể bơi, chơi gôn, đi bộ hoặc đi xe đạp thoải mái.
Khả năng hồi phục thành công là khá thuận lợi. Phẫu thuật thay khớp háng thành công ở trên 90% số lần. Và khả năng khớp háng đã thay có tuổi thọ 20 năm là 80%.
Những biện pháp thay cho phẫu thuật thay khớp háng
Trước khi đề nghị thay khớp háng, bác sỹ có thể cho bạn thử một số cách điều trị không phẫu thuật để giảm đau. Nếu bạn thừa cân, giảm vài kilôgam có thể làm giảm sự đè ép lên khớp và làm giảm đau ở khớp háng. Một chương trình tập luyện để làm khoẻ cơ vùng háng và chân của bạn có thể cải thiện tư thế khớp háng và làm giảm đau. Dùng dụng cụ giúp đi bộ – như gậy hoặc khung tập đi – thường làm tăng khả năng chuyển động của bạn và giảm đau nhờ giảm căng thẳng cho khớp háng.
Bác sỹ có thể cho thuốc để làm giảm bớt các triệu chứng. Các thuốc chống viêm phi steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen (Advil, Motrin), làm giảm sưng ở háng, giảm đau và phục hồi chức năng.
Một cách khác để thay cho phẫu thuật thay khớp háng có thể là điều trị ngoại ít phức tạp hơn, như thủ thuật mở xương. Trong thủ thuật mở xương, bác sĩ sẽ cắt lọc mô và xương bị bệnh và trả khớp về tư thế đúng của nó. Điều này giúp phân bố đều trọng lượng cơ thể và, đối với một số người, nó làm giảm đau và cải thiện chức năng của khớp háng. Nhưng thủ thuật mở xương không phải là giải pháp cho tất cả mọi người. Sự hồi phục cần thời gian, tới 6 đến 12 tháng, và sau khi phẫu thuật khớp háng có thể tiếp tục bị thoái hóa, dẫn tới cần điều trị thêm.
Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Thay khớp háng toàn bộ: giảm đau, cải thiện đi lại (https://www.meo.vn/thay-khop-hang-toan-bo-giam-dau-cai-thien-di-lai.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *