Thay đổi môi trường sống có thể gây hiếm muộn

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Thay đổi môi trường sống (chuyển nhà, đi công tác nhiều) có thể khiến chị em rối loạn nguyệt san dẫn tới khó mang thai. Nếu công việc và thực tế cuộc sống bắt bạn phải di chuyển, bạn có thể làm gì để chống lại nguy cơ bất hạnh này?

Nguyệt san rối loạn do di chuyển

Chị Ngọc Hà, 32 tuổi, hiện đang làm trưởng phòng kinh doanh cho một tập đoàn liên doanh với Nhật Bản ở Q.7, Tp.HCM. Do tính chất công việc nên chị Hà thường xuyên phải đi công tác nước ngoài để tham gia các buổi hội thảo, đàm phán với các đối tác nước bạn. Những chuyến công tác bận rộn đến nỗi chị không còn thời gian nhớ kỳ nguyệt san của mình. Có những lúc chị nhớ ngày của tháng trước nhưng tháng này lại không “rơi” vào đúng ngày đó. Có khi đang tham dự hội thảo, trao đổi với đối tác, chị phải vội vàng xin phép ra nhà vệ sinh vì “báo động” đột ngột. Kèm theo những báo động không đều đó, chị Hà còn hay bị tức bụng, cảm giác khó chịu, dễ cáu gắt khó tập trung vào công việc.

Còn chị Thanh Hoài 30 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội không phải đi di chuyển thường xuyên nhưng gia đình chị mới chuyển từ Đồng Nai ra Hà Nội được 10 tháng. 3 tháng đầu, kinh nguyệt của chị ít hơn bình thường. Và hai tháng nay chị đã bị mất kinh. Nghĩ là có thai, chị mua que test về thử nhưng kết quả chỉ có 1 vạch. Lo lắng nên chị Hoài đã đi khám. Bác sỹ nói chị bị rối loạn kinh nguyệt do chưa thích nghi được với sự thay đổi môi trường sống và đề nghị chị nên nghỉ ngơi tập quen với môi trường mới.

BS. Lê Thị Kim Dung, Khoa Sản, Trung tâm Y tế Lao động, Thái Hà, Hà Nội cho biết: Thay đổi môi trường sống là một trong những nhân tố gây nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở chị em phụ nữ. Nguyên nhân là sự thay đổi môi trường sống tác động tới tâm lý của gây căng thẳng thần kinh, lo lắng, stress. Từ đó, hormone estrogen và progesterone bị suy giảm. Hai loại hormone này là yếu tố quan trọng chúng thúc đẩy sự phát dục của cơ quan sinh dục nữ và chu kỳ kinh nguyệt. Khi số lượng hai loại hormone này suy giảm sẽ khiến cho chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, số lượng nguyệt san cũng tăng giảm thất thường, kèm theo những dấu hiệu khó chịu cho nữ giới như đau tức bụng, người mệt mỏi, đau lưng, mỏi cổ, vai, mắt…

Và dẫn tới khó thụ thai

Vòng kinh đều đặn và ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng đối với khả năng thụ thai của phụ nữ. Nếu chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên bị thay đổi, quá dài hay quá ngắn sẽ gây khó khăn cho việc thụ thai một cách tự nhiên. Giải thích điều này, bác sĩ Dung cho hay:

Chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên bị rối loạn, lượng nguyệt san thất thường sẽ dẫn tới một số bệnh bên trong cơ thể như: noãn sinh trưởng bất thường, tắc ống dẫn trứng, viêm nhiễm âm đạo làm cản trở quá trình trứng thụ tinh làm tổ của trứng.

Ngoài ra, nếu khi chu kỳ kinh rối loạn theo chiều hướng lâu ngày mới hết kinh thì nó gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày; gây mất máu dẫn tới suy giảm sức đề kháng; tăng nguy cơ viêm nhiễm “cô bé” như: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng… Những yếu tố này cũng tác động khiến phụ nữ khó mang thai. Ngược lại, nếu chu kỳ kinh nguyệt của chị em quá ngắn, số lượng nguyệt san quá ít sẽ khiến cho bụng bị đầy hơi, đau tức, cơ thể sẽ dễ mệt mỏi, cáu gắt, khó chịu.

Sống lành mạnh giảm nguy cơ

Nếu bạn bị rối loạn kinh nguyệt vì lý do mất cân bằng hormone estrogen và hormone progesterone như đã nói ở trên, thì bạn nên có thời gian nghỉ ngơi, thích nghi với môi trường mới, điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt của bản thân sao cho hợp lý. Nếu phải đi công tác thường xuyên, bạn vẫn nên để kỳ nguyệt san diễn ra bình thường, hạn chế dùng thuốc nội tiết để tự ý điều chỉnh chu kỳ.

Di chuyển và thay đổi môi trường là hai yếu tố khó tránh trong cuộc sống hiện đại, nên bạn cần tích cực chăm chút bữa ăn và chế độ sinh hoạt để hỗ trợ khắc phục tình trạng xấu. Hãy bổ sung vào thành phần bữa ăn hàng ngày các nhóm thực phẩm giầu vitamin nhóm B như: cá, thịt bò, trứng, sữa, pho mát…. Nên ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là những loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà chua, cà rốt…

Ngoài ra, bạn còn có thể dùng thêm sản phẩm được có nguồn gốc từ các loại thảo dược như: cam thảo, hương phụ, trần bì, thục địa… để giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt.

Theo Suckhoegiadinh.com.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Thay đổi môi trường sống có thể gây hiếm muộn (https://www.meo.vn/thay-doi-moi-truong-song-co-the-gay-hiem-muon.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *