Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Có người gọi táo bón là căn bệnh của thời đại vì nó khá phổ biến hiện nay và gặp ở mọi lứa tuổi.
Ở Mỹ, qua một cuộc điều tra thấy ít nhất có khoảng 4,5 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng dài ngày của bệnh này, trong đó hơn 2 triệu người đi khám bác sĩ và hàng năm chi phí táo bón hết 750 triệu đô la tiền thuốc.
Ở ta, có tài liệu nên gần 30% dân số mắc bệnh táo bón. Có người nói xã hội càng công nghiệp hóa, dùng nhiều loại thức ăn ăn liền, làm việc trí óc là chính, ít vận động nên số người bị táo bón càng nhiều.
Thế nào được gọi là táo bón? Đây là hiện tượng cơ thể thải quá chậm trễ các chất cặn bã qua đường tiêu hóa, với thời gian 3 ngày/1lần, lượng phân dưới 35g/ngày phân khô cứng với hàm lượng nước không đủ 78%.
Nguyên nhân gây táo bón: Có ý kiến phân thành 2 loại
Nguyên nhân thực thể
Các nguyên nhân gây táo bón ngoài ống tiêu hóa: Do các bệnh nội tiết, một số bệnh lý thần kinh (Parkinson), tăng canxi máu, các bệnh toàn thân (suy giáp trạng), do dùng một số thuốc có thể gây triệu chứng táo bón (thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống dị ứng, thuốc chứa nhiều tanin, thuốc ngừa opium, thuốc kháng acid có muối nhôm và Calci).
Táo bón có thể xảy ra ở các đối tượng: Phụ nữ có thai (do sự biến đổi hoóc môn làm ảnh hưởng cơ trơn, khiến cho nhu động ruột giảm và do thai phát triển làm cho sự lưu thông của ruột bị hạn chế), người có bệnh nằm lâu một chỗ.
Các nguyên nhân gây táo bón tại ống tiêu hóa: Gồm các bệnh lý ở đường tiêu hóa như rối loạn co thắt đại tràng, rối loạn chức năng đại trực tràng, bệnh đại tràng chức năng, rối loạn chức năng vận chuyển của ruột (còn gọi là hội chứng ruột dễ kích thích).
Nguyên nhân chức năng
Sai lầm trong chế độ ăn uống: Ăn ít chất bã (chất xơ), ăn đồ cay nóng, ít uống nước hoặc chỉ uống trà đặc, cà phê.
Mất phản xạ đi tiêu: Thói quen nhịn đi đại tiện do bận, do sợ nhà vệ sinh công (trường học, cơ quan) không sạch... dẫn tới phân di chuyển vào trực tràng sẽ tích tụ lại ở đó thành một khối, cơ thể không còn thói quen báo hiệu chuyện cần đi tiêu.
Sinh hoạt ít vận động (các nhân viên văn phòng, người làm việc tĩnh tại).
Rối loạn tinh thần: Táo bón thường xảy ra tình trạng mất thăng bằng tinh thần, sau một stress trong cuộc sống. Có nhận xét những người tính nóng nảy thường dễ bị táo bón.
Tác hại của táo bón
Mặc dù táo bón không phải là một bệnh lý gây tử vong nhưng nhiều phiền phức, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Táo bón thường làm tốn thời gian trong nhà vệ sinh. Có người tranh thủ đọc sách báo khi đi đại tiện để tiết kiệm thời gian, nhưng vô tình làm mất tập trung vào việc chính, khiến việc đi tiêu bị chi phối.
Táo bón nếu không điều trị kịp thời dễ dẫn đến táo bón mãn tính hay đọng lại thành những cục phân lớn, có thể gây ra tắc ruột, nhất là đối với người lớn tuổi hay trẻ em.
Táo bón có thể gây ra các biến chứng khá trầm trọng như trĩ, hậu môn, sa trực tràng do phải rặn mạnh mỗi khi đi đại tiện. Khi bị các hiện tượng trên, đi ngoài bị đau nên bệnh nhân ngại đi, do đó, lại càng táo bón hơn, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn.
Khi cố rặn cũng làm tăng áp lực máu (biểu hiện mặt đỏ), nên rất nguy hiểm cho người cao huyết áp, người bị bệnh tim mạch (dễ bị đột quỵ khi đi tiểu). Táo bón lâu ngày có thể gây nên ung thư trực tràng. Có lời khuyên khi có một trong các dấu hiệu sau, cần đến khám bệnh tại các chuyên khoa tiêu hóa nhất là đối với những người trên 40 tuổi:
Táo bón kéo dài
Màu sắc phân thay đổi (thường có máu và chất nhầy trong phân, máu có thể đỏ tươi nhưng thường là lờ lờ máu cá. Dấu hiệu có máu trong phân dù chỉ thoảng qua hay kéo dài đều có vấn đề phải quan tâm).
Kèm theo táo bón là đau bụng, đầy bụng, chướng hơi. Toàn trạng thường sút kém, giảm cảm giác ăn ngon miệng, gây sút cân hoặc có sốt nhẹ kéo dài.
Các biện pháp xử lý
Tìm hiểu nguyên nhân gây táo bón để chữa trị (theo một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thì có tới 41% chẩn đoán không gây ra nguyên nhân).
Thay đổi chế độ ăn: Ăn nhiều chất xơ, chất bã (200g - 300g/lần/ngày). Ăn các thứ nhuận tràng: Rau đay, rau mồng tơi, khoai lang, bí đỏ, mướp, uống nhiều nước (từ 1 - 1,5l), đặc biệt là các loại nước hoa quả và nước khoáng có kali, chất rất cần cho sự vận động của ống tiêu hóa. Tránh ăn gia vị nóng, uống trà hoặc cà phê đặc.
Có chế độ tập thể dục thường xuyên, cường độ tùy theo tuổi và tình trạng sức khỏe, luyện tập thói quen đi đại tiện vào giờ nhất định trong ngày. Hạn chế stress...
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn vào giai đoạn bắt đầu điều trị. Giai đoạn sau là tập luyện và có chế độ ăn uống hợp lý vì tất cả thuốc điều trị táo bón đều có ảnh hưởng không tốt, nếu dùng kéo dài, dễ gây lệ thuộc thuốc.
Các thuốc dùng trong chữa táo bón
Đó là các loại thuốc nhuận tràng tác dụng đẩy mạnh sự đào thải phân, ngoài việc chữa táo bón, còn dùng để tháo hết phân khỏi ruột, trước khi làm một số xét nghiệm như nội soi, X quang hay trước khi phẫu thuật
Có thể phân loại thuốc nhuận tràng theo cơ chế tác dụng, tất nhiên có thể có sự chồng chéo giữa loại này với loại kia và trong một số trường hợp cơ chế tác dụng chính xác còn chưa rõ. Có một số thuốc nhuận tràng cổ điển đã thôi không dùng do tác dụng phụ của chúng như Phtalein phenol...
Các thuốc nhuận tràng tạo khối phân lớn, gây ra sự ứ nước và làm tăng khối lượng phân dẫn đến tăng nhu động ruột. Loại này thường có tác dụng sau 1-3 ngày dùng thuốc, có hiệu quả khi có những cục phân nhỏ và rắn. Với người có tuổi, loại này không phải thuốc ưu tiên chọn trước vì có thể gây đi ngoài khó cầm.
Điển hình loại này: Methyl cellulose - Dẫn chất este methyl hóa của cellulose, thường có các loại: 20, 450, 2.500 và 4.500 (tùy theo độ sánh). Loại có độ sánh trung bình cao, dùng để nhuận tràng, dưới dạng thuốc hạt hay viên nén theo liều 1-4g, chia làm vài lần trong ngày.
Thuốc nhuận tràng kích thích: Do tác dụng kích thích trực tiếp các đầu dây thần kinh ở niêm mạc ruột kết, làm tăng khả năng di động phân ở ruột, các thuốc này có tác dụng nhanh hơn tạo khối phân lớn, thường hiệu quả thể hiện sau 6-12 giờ.
Loại này nên dùng ngắn ngày và ở liều tối thiểu đủ để có hiệu quả nhằm tránh tác dụng bất lợi. Đại tiện có các chất chứa anthraquinon như cây keo, các dẫn chất của Diphenylmethan như Bisacodul, Natri Picosulfat, Bisacodyl (biệt dược Ducolax, Ulcolax...) viên nén hoặc bọc đường 5 và 10mg, thuốc đạn 10mg.
Liều dùng: Người lớn uống 5-15mg vào buổi tối trước khi khi đi ngủ hoặc nửa giờ trước bữa sáng hoặc nạp vào hậu môn buổi tối 1-2 viên thuốc đạn.
Chống chỉ định: Nghi tắc ruột, đau bụng không rõ nguyên nhân, đau bụng cấp, viêm trực tràng hoặc hạ trĩ, mất nước nghiêm trọng.
Thận trọng: Không nên dùng cho người mang thai hoặc đang cho con bú. Không dùng lâu dài (gây rối loạn cân bằng nước và loạn giải). Có ý kiến của thầy thuốc mới được dùng cho trẻ em.
Các thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Có tác dụng rất nhanh, có thể thay thế thuốc nhuận tràng kích thích nhưng có thể gây tình trạng phân lỏng không cầm lại được, nên hạn chế sử dụng. Chúng có tác dụng bằng cách làm tăng áp suất thẩm thấu ở ruột do kéo nước vào ruột.
Đó là các muối Magiê (cacbonat, citrat, hydroxid) muối natri sulfat. Ngoài ra còn bao gồm: Lactulose, glyderol, sorbitol, macrogol. Ở thị trường có biệt dược Forlax, đó là macrogol 4.000. Đây là một hỗn hợp do trùng phân các polyme của ethylen oxid với nước, trọng lượng trung bình được ghi bằng con số đã đi kèm với tên (macrogol 4.000 có trọng lượng phân tử 4.000).
Dùng cho người lớn, kể cả bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch. Ngày uống 1-2 gói, hòa tan trong 1 lít nước.
Chống chỉ định: Các chứng viêm ruột kết, hội chứng nghẽn ruột, đau bụng chưa rõ nguyên nhân bệnh trạng, suy yếu: Mất nước, suy tim nặng, ung thư đại tràng trẻ em.
Trẻ em bị táo bón có thể dùng lactulose, đóng lọ 20mll dung dịch uống (15ml = 10g) gói 15ml (có 10g), dung dịch uống 66.7%. Trẻ em uống 1-3 thìa cà phê (ngày chia 3 lần). Nếu phân mềm hoặc lỏng cần làm giảm liều. Không để thuốc ở tủ lạnh, không dùng thuốc lâu dài. Có một số trường hợp chống chỉ định
Các thuốc làm mềm phân: Tác dụng bằng cách làm giảm sức căng mặt ngoài, tạo điều kiện cho nước thấm vào phân. Điển hình là thuốc Ducosat (muối natri). Thuốc có khá nhiều tên biệt dược. Có các dạng viên bọc đường 100mg, viên nang 100-250mg. Là một tác nhân diện hoạt, làm cho nước và mỡ dễ xâm nhập vào phân, làm tăng nhu động ruột, tăng tiết nước, chất điện giải và protein ở ruột.
Uống vào buổi sáng và tối, mỗi lần 100mg với một nửa cốc nước. Trẻ em dùng nửa liều trên. Tránh dùng kéo dài. Không được phối hợp với dầu parafin. Không dùng trong cơn trĩ kịch phát, dò hậu môn, viêm đại trực tràng, xuất huyết. Thích hợp với người có tuổi, người bị cao huyết áp hay tim mạch. Dùng riêng đôi khi hiệu quả kém nên thường dùng kết hợp với các thuốc nhuận tràng kích thích.
Các thuốc làm trơn lòng ruột như dầu parafin, lansoyl, lubentyl: Các thuốc làm giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu nên hiện ít được dùng. Trước đây hay được dùng là dầu parafin dưới dạng uống hay thụt trực tràng, với liều dùng là 15-30ml.
Có ý kiến khuyên không dùng loại này có thể gây ra những u parafin ở màng treo của ruột, có thể rỉ ra qua hậu môn gây viêm, ngứa hậu môn. Thuốc có thể gây viêm phổi nếu ợ lên và hít phải. Do đó loại này tránh dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, ốm yếu, và không được dùng ngay trước khi nằm ngủ.
Các thuốc làm tăng nhu động ruột: Cơ trơn của dạ dày, ruột có nhu động và nhu động này được điều khiển bởi hệ thần kinh tự động, bởi các phản xạ tại chỗ và bởi các nội tiết ở dạ dày ruột. Các nhu động này đẩy chất chứa từ dạ dày tới hậu môn. Các thuốc này có tác dụng trên một số điểm và làm tăng nhu động ruột đó. Gồm các thuốc Metoclopramid, domperidon, cisaprid. Cisaprid (tên biệt dược: Ciza, Motilax 10...) viên nén 5mg. Người lớn ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 viên. Trẻ em 3-15 tuổi, ngày uống 1-2 lần, mỗi lần1/4-1/2 viên.
Chống chỉ định: phụ nữ có thai, trẻ em dưới 36 tháng, chảy máu dạ dày, tắc ruột, loạn vận động đường tiêu hóa khi dùng thuốc an thần kinh.
Tác dụng như: Co thắt bụng thoáng qua, sôi bụng, phân lỏng, nhức đầu nhẹ, hãn hữu bị co giật.
Thuốc chữa táo bón, ngoài uống còn có thể dùng qua đường hậu môn dưới dạng thuốc đạn (nạp vào hậu môn) hoặc dung dịch thụt, thích hợp cho những trường hợp cần giải quyết nhanh việc táo bón. Thuốc đạn chứa glycerol dễ kích thích sự tháo phân và sự tháo phân này thường xảy ra sau 15-30 phút. Tác dụng của thuốc có thể do cơ chế thuốc thẩm thấu nhưng có thể còn có tác dụng kích thích làm trơn, làm mềm phân bổ sung thêm.
Dung dịch thụt thường có chứa các thuốc nhuận tràng thẩm thấu để giữ lâu trong bụng hơn là các thuốc đạn. Phân bị nén chặt có thể điều trị bằng cách này.
Có dạng như thuốc Microlax, gồm có ống thuốc (chứa Natri lauryl sulfoacetat 70% + sorbitol (dung dịch 70%) + Natri citrat + canuyn 5ml. Chỉ dùng cho người lớn.
Cho canuyn vào trực tràng và bóp ống thuốc vào cho hết. Cần nhớ bóp giữ ống khi rút canuyn ra để thuốc không bị hút trở lại. Dùng 1 ống/ngày. Bơm 5-10 phút trước khi muốn đại tiện. Có loại Microlax bé dùng cho trẻ nhỏ. Có loại Microlax, gel thụt nhuận tràng dùng cho cả trẻ em và người lớn.
Riêng phụ nữ có thai khi bị táo bón chỉ dùng loại Forlax (macrogol 4.000). Thuốc này không được cơ thể hấp thụ, cũng không chuyển hóa tại ống tiêu hoá và đã được xác định là không ảnh hưởng gì đến thai nhi và trẻ nhỏ còn bú mẹ. Uống quá liều có thể bị tiêu chảy.Thuốc có thể làm giảm hấp thu các loại thuốc khác nếu uống cùng một lúc.
Một số dược thảo và sản phẩm đông dược trị táo bón
Củ cải trắng (La bạc tử): Tên khoa học Raphanus Sativus L, họ chữ thập: Cruciferae. Liều dùng 6-12g chia 2-3 lần uống trong ngày.
Muồng trầu: Tên khoa học Cassia Alate (L), họ vang (Caesalpiniaceae). Liều dùng từ 12-20g.
Cây xấu hổ còn gọi là trinh nữ, mắc cỡ, tên khoa học Mimosa Pudica L, họ trinh nữ (Mimosaceae). Dùng dưới dạng sao tẩm.
Cây lô hội còn gọi là cây nha đam tên khoa học: Aloe maculata Forsk thuộc họ hành tỏi (Liliaceae). Liều dùng 2-4g.
Trong nhân dân còn dùng cám, vừng rang, lá mít non, củ khoai lang... để chữa táo bón.
Sirô thông táo Hoa Linh: Được bào chế từ bài thuốc cổ Ma tử nhân thang gồm có ma nhân + đại hoàng + khổ hạnh nhân, chỉ thực, hậu phác, bạch thược, mật ong. Người lớn mỗi lần 2 thìa cà phê (10ml) ngày 2-3 lần. Trẻ em mỗi lần 1 thìa cà phê (5ml) ngày 2 lần. Đợt dùng 5-7 ngày. Không dùng cho phụ nữ có thai, người mắc bệnh tiểu đường.
Sản phẩm đông dược
Viên Ceditan gồm cao diếp cá + bột rau má. Người lớn uống mỗi lần 2 viên, ngày 3 lần.
Viên OP Liz viên có cao bìm bìm + cao phan tả diệp + cao bột đại hoàng + chỉ xác + cao mật lợn. Ngày uống: Người lớn 2v x 2 lần, trẻ em tuỳ theo tuổi, nên uống trước khiđi ngủ, không dùng cho phụ nữ có thai.
Theo 24H
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Táo bón và thuốc chữa (https://www.meo.vn/tao-bon-va-thuoc-chua.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.