Tác dụng phụ của thuốc có chứa Corticoid

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

“Thuốc có Corticoid luôn đứng đầu trong danh mục thuốc thiết yếu của Bộ Y tế vì những tác dụng thần kỳ của nó. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó cũng khôn lường nên các bác sĩ cần phải am hiểu và tư vấn kỹ cho bệnh nhân”.

Giáo sư Hoàng Tích Huyền – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý – ĐH Y Hà Nội chia sẻ với NTNN về Corticoid (NTNN số 245). Giáo sư Hoàng Tích Huyền cho biết:

Corticoid được chỉ định trong nhiều loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp, như: Suy thượng thận cấp tính và mãn tính; các bệnh liên quan đến dị ứng như hen, mề đay, choáng phản vệ; chống viêm; chống thải ghép với các trường hợp cấy ghép tạng; điều trị một số bệnh ung thư; một số bệnh về da (sẹo lồi, viêm da dị ứng, exima); một số dạng viêm khớp, giảm đau… Corticoid cũng có nhiều dạng dùng để uống, bôi, tiêm hoặc đặt (viên đặt trực tràng). Do Corticoid được chỉ định điều trị rộng, kết quả thấy ngay nên rất được các bác sĩ và bệnh nhân ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ phản tác dụng.

Khám sàng lọc trước khi tiêm Corticoid tại Bệnh viện E.

Các bệnh nhân viêm khớp thường được bác sĩ tiêm giảm đau tức thời ngay tại khớp. Theo GS, đó là thuốc gì và dùng nhiều có tác hại lâu dài không?

- Vô cùng nguy hiểm. Thuốc tiêm để giảm viêm khớp thường là K-cort, có tác dụng giảm đau ngay lập tức và kéo dài 3-4 ngày, có nghĩa Corticoid ở trong cơ thể 3-4 ngày, sẽ ngấm vào xương, vào máu và gây ra các tác dụng phụ. Corticoid gây ức chế, giảm tế bào tạo xương và tăng tế bào hủy xương nên những trường hợp dùng Corticoid kéo dài 4-5 năm có thể khiến xương xốp đến mức ấn mạnh là gãy và khó phục hồi.

Corticoid còn có các tác dụng phụ gì nữa, thưa ông?

- Bất cứ bệnh nào dùng Corticoid đều có tác dụng phụ. Mặc dù chỉ có khoảng 2% bệnh nhân dùng Corticoid bị tác dụng phụ là loét dạ dày – tá tràng nhưng nếu đã bị thì lại gây chảy máu cấp, khó cầm, nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là người cao tuổi. Corticoid có trong một số thuốc nhỏ mắt để chống viêm có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Corticoid dạng kem dùng để bôi có thể gây teo da, xơ cứng bì, viêm da, nếu bôi quá liều sẽ gây nên hội chứng Cushing mặt tròn như mặt trăng...

Corticoid có mặt trong một số thuốc điều trị bệnh cho trẻ nhỏ. Vậy Corticoid có gây tác dụng phụ với trẻ nhỏ không?

- Trẻ em sẽ bị tất cả các tác dụng phụ khác của Corticoid như ở người lớn. Đặc biệt, việc lạm dụng Corticoid ở trẻ em có thể làm giảm hoạt động hoóc môn tuyến giáp trạng, gây chậm lớn, ức chế hoạt động của tuyến sinh dục gây rối loạn kinh nguyệt ở bé gái và thay đổi nội tiết tố sinh dục ở bé trai. Xương trẻ yếu nên cũng dễ gây xốp xương hơn…

Để hạn chế các tác dụng phụ của Corticoid thì bệnh nhân cần có các chỉ định gì?

- Xưa nay các bác sĩ kê đơn thuốc thường không nhắc đến tác dụng phụ của thuốc nói chung và thuốc Corticoid nói riêng. Vì thế, để tránh việc bệnh nhân “thấy hiệu quả nên dùng mãi”, bác sĩ cần cảnh báo các tác dụng phụ của Corticoid cho bệnh nhân, khuyến cáo bệnh nhân không dùng quá liều, không tự mua thuốc, không dùng quá thời gian bác sĩ chỉ định. Các bệnh nhân không bao giờ được dùng Corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ.

Meo.vn (Theo Dân Việt)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Tác dụng phụ của thuốc có chứa Corticoid (https://www.meo.vn/tac-dung-phu-cua-thuoc-co-chua-corticoid.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *