Sốt xuất huyết: Không được lạm dụng truyền dịch

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Mấy ngày nay, mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân đến Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia khám do sốt, trong số đó có khoảng 60 ca do sốt xuất huyết.

Theo ThS Nguyễn Hồng Hà – Phó Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, so với cùng thời điểm này năm ngoái, số mắc sốt xuất huyết tăng gấp 4 – 5 lần.

So với cùng thời điểm này năm 2008, số mắc sốt xuất huyết điều trị tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia tăng gấp 4 – 5 lần. (Ảnh: Song Hương)
ThS Nguyễn Hồng Hà cảnh báo, nhiều người hiện vẫn chưa hiểu đúng về bệnh sốt xuất huyết. Khi bị sốt, người bệnh cuống lên đi tìm thuốc hạ sốt hoặc đòi bác sĩ kê cho thuốc hạ sốt. Thực ra, trong điều trị sốt xuất huyết, sốt trong 3 ngày đầu lại có ý nghĩa bảo vệ cơ thể.

Ảnh minh họa

Chính nhiệt độ cao khống chế sự nhân lên của virus trong cơ thể. Nếu bệnh nhân chịu đựng được, cứ để sốt diễn biến tự nhiên. Trong trường hợp sốt quá cao, đe dọa co giật mới cần can thiệp bằng thuốc hạ sốt. Hơn nữa, hạ sốt có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, trong khi nếu mắc sốt xuất huyết, gan đã bị ảnh hưởng.

Việc truyền dịch để hạ sốt cũng đang bị hiểu sai, lạm dụng. 3 ngày đầu kể từ khi mắc bệnh, cơ thể có thể thiếu dịch do sốt cao, ăn uống kém. Điều này có thể bù lại bằng cách uống nhiều nước lọc, nước rau, hoa quả… Chỉ nên truyền dịch trong trường hợp không ăn uống được, nôn.

Lượng dịch truyền cũng cần vừa phải (dưới 1 lít). Truyền dịch trong sốt xuất huyết không đơn thuần như những truyền dịch khác. Khi truyền dịch có thể bị phản ứng bởi chai dịch không đảm bảo hoặc do cơ địa của bệnh nhân dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể. Ở nhiệt độ cao, có thể đông vón protein trên não rất nguy hiểm.

Khi bị sốt xuất huyết, ngày thứ 4 kể từ khi mắc bệnh, bệnh nhân nên tái khám xét nghiệm lần 2. Việc tái khám này rất quan trọng, bởi ngoài việc đánh giá có xuất huyết không, tình trạng huyết áp, mạch, nhiệt độ cơ thể… bác sĩ sẽ xem công thức máu có thay đổi, tiểu cầu có hạ so với ban đầu không, Hemaclit có tăng… Điều quan trọng là khám tổng thể lần này để xem chẩn đoán ban đầu có đúng.

Nếu bệnh nhân vẫn ổn định thì hẹn tiếp tục tái khám. Trường hợp bệnh nhân mệt mỏi hơn thì lúc này mới cần vào viện.

Theo Bee

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Sốt xuất huyết: Không được lạm dụng truyền dịch (https://www.meo.vn/sot-xuat-huyet-khong-duoc-lam-dung-truyen-dich.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *