Sốt siêu vi ở trẻ em

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Các tin tức dồn dập gần đây cho thấy một hiện tượng bùng phát các bệnh nhiễm virus ở trẻ em, bao gồm những bệnh lý đặc thù như quai bị và sốt xuất huyết và các dạng bệnh phát triển thành dịch gọi chung là nhiễm siêu vi mà tác nhân gây bệnh cần phải được xác định cụ thể hơn. Gây chú ý nhiều nhất là dịch 'sốt siêu vi' đang hoành hành ở trẻ em và học sinh tại Hà Nội và một số tỉnh, thành, với biểu hiện chính là sốt và các triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng...).

Có nhiều loại tác nhân siêu vi (trên 250 phân típ kháng nguyên thuộc 8 giống khác nhau) có thể gây hội chứng hô hấp. Có lẽ đây là nhóm bệnh lý cấp tính phổ biến nhất - mà mỗi người bình quân hằng năm mắc phải 3 - 5 lần, nhiều nhất là ở trẻ nhỏ. Đại đa số các bệnh nhiễm này liên hệ đường hô hấp trên, nhưng bệnh đường hô hấp dưới cũng có thể phát sinh, đặc biệt ở trẻ nhỏ và một số nhóm dịch tễ. Thường gặp nhất là:                                            

- Các rhinovirus, tác nhân chính gây hội chứng cảm lạnh (sổ mũi, nghẹt mũi, nhảy mũi), đôi khi gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm phổi hay các cơn kịch phát hen suyễn hoặc viêm phế quản.

- Coronavirus: cũng thường gây cảm lạnh.

- Adenovirus: gây cảm lạnh, viêm họng và đôi khi viêm phổi ở trẻ em, có thể phát thành dịch ở trường học và doanh trại quân đội.

- Virus cúm A, B: gây bệnh cúm, có thể gây biến chứng viêm phổi hay viêm mũi - họng.

- Phó cúm: viêm thanh quản, viêm phổi ở trẻ em, viêm họng, cảm lạnh, viêm khí phế quản ở người lớn.

- RSV (virus hợp bào hô hấp): viêm phổi và viêm tiểu phế quản ở trẻ em, cảm lạnh ở người lớn, viêm phổi ở người già...

- Enterovirus (các virus Echo và Coxsackie): gây bệnh sốt cấp tính không đặc thù ('cúm mùa hè'), bệnh Bornholm (sốt, tức ngực, đau bụng trên), bệnh sốt phát ban, bệnh tay - chân - miệng (nổi mụn nước, bóng nước, loét, phát ban)...

Nhưng dịch sốt siêu vi hiện nay là do tác nhân nào? GS. Đỗ Quang Hà, một chuyên gia về virus học ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhận định: 'Muốn xác định tác nhân gây bệnh, phải phân lập virus. Nhưng đó là những dạng bệnh nhẹ, với diễn tiến thường lành tính, cho nên các nơi thường không làm xét nghiệm phân lập...'. Và cho dù có nhận diện được một virus, thì điều ấy không có nghĩa là đợt bùng phát 'sốt siêu vi' hiện nay chỉ do một tác nhân duy nhất gây nên. Trong khi đó, một giới chức y tế ở Hà Nội cho rằng tác nhân gây dịch sốt siêu vi hiện nay ở Hà Nội là một adenovirus. Là một virus thuộc giống Mastadenovirus, bao gồm ít nhất 47 típ huyết thanh, adenovirus của người thường gây bệnh cho trẻ em và nhũ nhi, đặc biệt vào thời điểm hiện nay (từ mùa thu đến mùa xuân). Một số típ adenovirus (4, 7, 3, 14, 21) có kết hợp với những cơn bột phát bệnh cấp đường hô hấp nơi các tân binh vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh nhiễm adenovirus được điều trị theo triệu chứng cùng với các biện pháp hỗ trợ (không dùng thuốc kháng virus). Vaccin cho adenovirus 4 và 7 đã được triển khai nhằm phòng chống dịch trong các trại lính tân binh.

BS. Phạm Quốc Vỹ

Nguồn: Khoahocphothong

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Sốt siêu vi ở trẻ em (https://www.meo.vn/sot-sieu-vi-o-tre-em.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *