Sợ chân tay miệng, ồ ạt cho con nghỉ học

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Ở Hà Nội, trường mẫu giáo của cháu bé vừa tử vong vì bệnh chân tay miệng vắng hoe. Phụ huynh các trường khác cũng sợ hãi khi cho con đến lớp.

Trường mẫu giáo số 5, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, nơi học của cháu N. 3 tuổi vừa tử vong vì bệnh tay chân miệng (TCM), vắng vẻ, mất hẳn không khí náo nhiệt, đầy tiếng trẻ cười đùa của ngày thường. Ngày 23/9, tại thời điểm phóng viên đến ghi nhận, trường chỉ có 52/400 trẻ đi học.

Ồ ạt cho con nghỉ học

Bà Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo số 5, cho biết bé N. là trường hợp đầu tiên tại trường mắc bệnh TCM. Ngay chiều 20/9 nhận được thông tin, nhà trường đã báo cáo lên trung tâm y tế phường, quận và có cán bộ y tế xuống hướng dẫn, phối hợp với trường phun thuốc diệt khuẩn, tổng vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, bàn ghế của các bé.

Song từ hôm nhận được tin buồn đến nay, số lượng các bé đến trường cứ vơi dần. Sáng 21/9, sau một ngày bé N. tử vong, chỉ còn 280/400 cháu đi học, ngày 22/9 còn 126 cháu và đến ngày 23/9 chỉ còn 52 cháu - chưa bằng nửa sĩ số của một lớp. Mỗi ngày thấy cháu nào nghỉ học, các cô phụ trách lớp phải gọi điện đến từng gia đình hỏi thăm lý do nghỉ học, xem có dấu hiệu bị TCM không để có hướng xử lý kịp thời. Đến nay, trường chưa có thêm bé nào bị TCM. Trong số 348 cháu nghỉ học hôm qua chủ yếu là do gia đình lo sợ, hoặc bị sốt dịch hay viêm họng do thay đổi thời tiết.

Bà Vân cho biết thêm, nhiều phụ huynh lo lắng bởi nghe được tin đồn thất thiệt xung quanh trường hợp tử vong của bé N. “Không hiểu từ đâu lại có tin bé N. chết ngay trên tay cô giáo, rồi lại có chuyện thêm một cháu cùng lớp với bé N. mắc TCM đang rất nguy kịch… Những tin đồn này đã khiến phụ huynh hoang mang tột độ, nên cho con nghỉ học hàng loạt”, cô Vân buồn bã.

Không chỉ phụ huynh của trường Mẫu giáo số 5 mà rất nhiều phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ sự lo ngại trước bệnh TCM. Một phụ huynh có con học tại trường mầm non Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho hay, ngày nào đón trẻ ở trường về cũng vạch miệng, vạch tay, chân và người con để kiểm tra xem có nốt đỏ.

 

Lớp học tại Trường mẫu giáo số 5 vắng teo do phụ huynh sợ lây TCM.

Nghỉ học không phải là giải pháp tốt

Một đại diện của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 316 ca TCM, thời điểm hiện nay, mỗi tuần có thêm vài chục ca. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường, đồ chơi, bày tay trẻ, đặc biệt là bàn tay người chăm sóc trẻ.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng 40% trẻ mắc TCM là từ bàn tay người chăm sóc không đảm bảo vệ sinh. Do đó, theo vị đại diện này, người lớn cần phải chú ý vệ sinh cả bàn tay của mình khi chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cảnh báo, việc  cho trẻ nghỉ học hàng loạt dù trẻ không mắc bệnh không phải là giải pháp tốt, nhất là với trường hợp cho nghỉ tại trường nhưng lại bị gửi vật vạ ở hàng xóm hoặc người quen. Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi theo thống kê của Bộ Y tế có tới 80% trẻ lây bệnh tại gia đình.

Nên chú ý dấu hiệu của trẻ

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh báo, đã xuất hiện trường hợp bệnh nhi mắc TCM nhưng lại không có triệu chứng điển hình như nổi nốt phỏng vùng tay, chân, miệng rồi lan ra toàn thân. Hoặc trường hợp trẻ mắc bệnh thể tối cấp, chỉ sau một ngày khởi sốt, bệnh đã tiến triển nhanh, gây biến chứng viêm cơ tim, phù phổi, rối loạn tuần hoàn. Do đó, cha mẹ phải chú ý đến dấu hiệu sốt của trẻ, nếu thấy con sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, có co giật, rét run dù chưa xuất hiện nốt phỏng hoặc chỉ 1-2 nốt thì phải đưa trẻ đi khám ngay.

Ông Điển cũng khuyến cáo, thời điểm hiện nay việc quan sát, theo dõi kỹ trẻ từng ngày có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát hiện sớm ca bệnh. Ngoài ra, người chăm sóc trẻ có thời gian bên trẻ nhiều nên sẽ cảm nhận chính xác trạng thái của trẻ. Ví dụ như tiếng khóc của trẻ là vì đau đớn, hờn dỗi hay giận dữ hoặc có bất kỳ biểu hiện nào bất thường so với những trận ốm trước thì cũng nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện và cần kể với bác sĩ để trẻ được chẩn đoán nhanh, chính xác.

Một trường mẫu giáo có 6 trẻ mắc TCM

Chiều 23/9, bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Bách Khoa, Hà Nội, cho biết đã phát hiện 6 cháu mắc TCM. Trong đó có một cháu khối lớp 3 tuổi và 5 cháu 5 - 6 tuổi. Ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo lên trung tâm y tế của phường, quận và đã được tiến hành khử khuẩn tổng vệ sinh toàn trường bằng dung dịch Cloramin B. Toàn bộ 53 cháu thuộc lớp C4 (lớp có 4 cháu mắc TCM hôm 19/9) đã được cho nghỉ học đến hết 29/9. Từ ngày phát hiện ca bệnh, nhà trường tiến hành tổng vệ sinh toàn trường bằng Cloramin B mỗi tuần một lần. Riêng lớp C4 được vệ sinh hằng ngày liên tục trong 7 ngày.

“Ngoài biện pháp khử khuẩn môi trường, đồ dùng của trẻ, Trường liên tục kiểm tra dấu hiệu bất thường của trẻ, nếu thấy trẻ có biểu hiện hơi sốt, bỏ chơi là gọi điện cho gia đình để đưa trẻ đi khám. Các cháu cũng được tăng cường cho trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau giờ vui chơi, trước khi ăn. Sau khi thực hiện hành vi rửa tay bằng xà phòng, các cô không cho trẻ lau tay bằng khăn như trước đây mà thay vào đó là búng tay cho khô, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan bệnh khi dùng chung khăn”, bà Hà cho biết.

Meo.vn (Theo BĐV)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Sợ chân tay miệng, ồ ạt cho con nghỉ học (https://www.meo.vn/so-chan-tay-mieng-o-at-cho-con-nghi-hoc.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *