Sai lầm thường gặp khi trẻ bị tiêu chảy

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Vì sốt ruột, nhiều bà mẹ cho con uống cầm tiêu chảy khi trẻ có biểu hiện đi ngoài nhiều lần. Cách làm này khiến bệnh trẻ càng nặng và kéo dài thêm.

Tiến sĩ Bùi Vũ Huy thuộc khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mùa hè bắt đầu đồng nghĩa với việc nguy cơ tiêu chảy, nhất là ở trẻ em, tăng cao. Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm gây bệnh phát triển mạnh. Thức ăn dễ bị ôi thiu, lên men, gây ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện bệnh thường gặp là: Trẻ mệt mỏi không chịu chơi, biếng ăn, sốt, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân có nước hoặc nhầy máu mũi. Nếu bệnh nặng, trẻ có biểu hiện mất nước như mắt trũng, khát nước, môi khô, và đây chính là dấu hiệu nguy hiểm bởi các chức năng cơ thể đều bị ảnh hưởng nặng..

Điều quan trọng trong trường hợp tiêu chảy là phải bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol (phải pha đúng liều như hướng dẫn) hoặc nước canh, nước cháo muối. Việc dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ.

Trong điều trị tiêu chảy cho trẻ, các bà mẹ cần tránh những sai lầm thường gặp sau:

- Cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy hoặc các quả chát (ổi xanh, lá ổi non) với mục đích này: Tiêu chảy là một phản ứng của cơ thể nhằm thải các độc tố trong đường tiêu hóa. Nếu uống thuốc cầm, chất độc và mầm bệnh vẫn được giữ lại trong cơ thể khiến bệnh nặng và kéo dài thêm.

- Tự ý cho trẻ dùng thuốc hoặc kháng sinh: Nguyên nhân gây tiêu chảy khá đa dạng có thể là vi khuẩn, virus hay nhiễm chất độc, việc dùng thuốc không đúng chẳng những vô hiệu mà còn ảnh hưởng xấu đến trẻ. Phần lớn trường hợp bệnh sẽ khỏi sau vài ngày điều trị, chủ yếu là bù nước và điện giải. Nếu cần dùng thuốc, bác sĩ sẽ là người quyết định.

- Cho trẻ ăn kiêng: Cho rằng bụng còn yếu, nhiều bà mẹ cho con ăn kiêng rất thanh đạm, thậm chí chỉ có cháo trắng pha muối. Điều này khiến trẻ đã yếu càng suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng, nhất là trường hợp tiêu chảy kéo dài.

Ăn uống thế nào khi bị tiêu chảy?

Với trẻ nhũ nhi, tiến sĩ Bùi Vũ Huy khuyên vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ bởi đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và vệ sinh nhất. Trong trường hợp không có điều kiện bú mẹ, cần cho trẻ uống sữa trong cốc thìa cho hợp vệ sinh. Nếu dùng bình sữa, cần cẩn trọng bởi phải rửa thật kỹ, nhiều lần mới có thể sạch được. Tốt nhất là chọn loại bình có dáng thấp, cổ rộng để dễ đánh, dễ cọ, nếu có điều kiện thì dùng loại bình sử dụng công nghệ silver-nano vì có khả năng diệt khuẩn rất cao.

Với trẻ lớn hơn, nên cho ăn uống bình thường. Chọn thức ăn dễ tiêu, ít mỡ hơn một chút, nấu chín kỹ, mềm, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu chứng tiêu chảy không đỡ sau 3 ngày hoặc có kèm theo nôn, phân đen (có máu), biểu hiện mất nước nặng, trẻ không chịu uống oresol hoặc nôn ra hết...

Hải Hà (Vnexpress)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Sai lầm thường gặp khi trẻ bị tiêu chảy (https://www.meo.vn/sai-lam-thuong-gap-khi-tre-bi-tieu-chay.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *