Rồi trời sẽ không phụ lòng…

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Trong hành lang bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM, người đàn ông có khuôn mặt sạm nắng gió đất khổ miền Trung thổ lộ cùng tôi với nụ cười hiền: “Khi các con của chú ấy nghèo túng, nản chí, thì tui phải đứng ra lo. Còn nước còn tát. Để ở nhà, nhìn cái chết ngày càng đến gần với em trai mình, đau lòng lắm!”

Ông Nguyễn Văn Kha đang chăm sóc em trai Nguyễn Văn Lanh tại bệnh viện Chợ Rẫy trước khi phẫu thuật.

Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Kha, 57 tuổi. Còn người em trai của ông đang lâm trọng bệnh, là Nguyễn Văn Lanh, 50 tuổi.

Tận cùng nghịch cảnh

Trong góc phòng ken kín giường bệnh nhân ở khoa ngoại thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy, ông Lanh nằm bán thân bất toại, đôi mắt vươn ra ánh nhìn âu lo. Ngồi bên giường bệnh, giọng buồn bã, ông Kha kể cho tôi nghe gia cảnh thương tâm “có một không hai” của người em trai khốn khổ…

Cách đây ít lâu, khi đang đi làm thợ xẻ gỗ cho các xưởng cưa ở quê nhà (thôn Triệu Phong 2, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), ông Lanh bị một cơn nhức đầu dai dẳng đánh gục. Người ta đưa ông về trong căn nhà xơ xác. Vợ ông Lanh, bà Nguyễn Thị Diễm (37 tuổi) nhìn chồng đau đớn vật vã với đôi mắt vô hồn, đờ đẫn. Chuyện là sau khi sinh đứa con thứ tư, bà Diễm bị tâm thần nặng. 13 năm qua, ông Lanh một mình làm thuê nuôi người vợ điên và bốn đứa con ăn học. Khó khăn, nên ông Lanh phải “cày bừa” quá sức – ai kêu gì cũng làm, khi nhổ mì, làm cỏ mía, lúc túng thiếu quá phải đi xẻ gỗ rừng thuê cho người khác.

Người trong thôn Triệu Phong cứ nói với nhau, nhà ông Lanh là “mái ấm đặc biệt” vì cái sự nghèo và nghịch cảnh có một không hai. Nhà cửa không của cải, vật dụng. Đồ đạc đáng kể nhất trong nhà là hai chiếc giường thì sau vài lần lên cơn, bà Diễm đã châm lửa đốt rụi. Người ta còn kể có lần ông Lanh đi làm xa nhà, bà Diễm bế con vào rừng, một tay nách con, một tay cầm dao chặt hết nguyên một sào mía. Chủ rẫy phát hiện về làng dò tận nhà định buộc ông Lanh phải đền, nhưng tìm đến nhà, nhìn mái nhà tranh tạm bợ, trống hoác, chủ rẫy bỏ về mà không bắt đền đồng nào.

Tôi hỏi ông Lanh: “Khó khăn vậy, địa phương có giúp đỡ gì không?” Ông Lanh nói tiếng được tiếng mất: “Địa phương có miễn phí tiền nước sinh hoạt. Nhà thờ xứ đạo địa phương cho mỗi tháng mười ký gạo và vài thùng mì tôm, hai đứa sau còn đi học (cháu Phương Trinh lớp 11 và Bảo Thắng lớp 7) thì được nhà trường miễn học phí 50%”. Từ khi ông Lanh ngã bệnh, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào hai con lớn. Con trai đầu là Nguyễn Ngọc Quỳnh học giỏi nhưng đến lớp 12 đã phải đi phụ hồ kiếm tiền nuôi cha mẹ bệnh (nếu có công trình, mỗi ngày Quỳnh kiếm được 100.000 đồng). Đứa con gái kế – Nguyễn Thị Mỵ cũng bỏ học đi làm công nhân ở Đồng Nai với lương tháng hơn 2 triệu, chi chút gửi về nhà cho hai em ăn học.

Trong câu chuyện, khi nhắc đến những ân nhân, giọng ông Lanh nghẹn lại, những giọt nước mắt ứa ra, lồng ngực nặng nề nấc lên từng đợt.

Người nghèo bệnh giàu

Nhìn cái cảnh người anh bên kia con dốc cuộc đời vẫn săn sóc từng muỗng cháo cho đến chuyện tiêu tiểu tại chỗ cho người em trai nhiều nghịch cảnh, nhiều thân nhân nuôi bệnh cùng phòng không cầm được nước mắt.

“Bệnh nhà giàu” – bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy xác định bệnh nhân Nguyễn Văn Lanh bị một khối u lớn trong não, gây chèn thần kinh, liệt nửa người, việc phẫu thuật rất khó khăn và tốn kém nhưng nếu không mổ sớm thì khó qua khỏi!

Trong khi hai con lớn của ông Lanh đang kiếm tiền gom góp gửi vào tính từng ngày thuốc cho cha thì nâng đỡ tinh thần cho ông trước khi bước vào ca phẫu thuật hiểm nghèo là người anh trai. Ông Kha tâm sự: “Tui là anh đầu trong gia đình năm anh em. Biết là có gia đình riêng, mỗi người mỗi cảnh, nhưng số tui nó vậy, cho tới giờ phút này vẫn chưa thôi lo lắng mỗi khi mấy chú, mấy o (cô) tụi nó khó khăn ngặt nghèo. Mấy năm trước, đứa em trai út bị tâm thần, tui cũng trói tay trói chân nó, đưa vào Đồng Nai chữa chạy. Bây giờ chú út đi làm được thì lại đến chú Lanh. Bản thân tui cũng vừa trải qua đợt mổ thận và dạ dày, về nhà cũng vác cuốc đi làm rẫy. Bảy đứa con tui đều phải bỏ học đi làm rẫy, làm thuê. Nhưng xót xa tình máu mủ anh em, tui bỏ rẫy nương để một mình đưa chú nó vào đây chỉ mong vượt qua cơn hiểm nghèo này. Nghe nói ca mổ lên đến năm, bảy chục triệu đồng, mấy hôm nay tui nghĩ nát óc vẫn chưa ra cách xoay xở. Cũng may vợ tui biết chuyện, cứ khuyên tui đừng bỏ cuộc, ráng hy sinh, chịu khó ở lại nuôi chú ấy, rồi trời sẽ không phụ lòng người…”

Trong tuần tới, người em sẽ được lên lịch phẫu thuật cắt khối u não. Nhìn cái cảnh người anh bên kia con dốc cuộc đời vẫn săn sóc từng muỗng cháo cho đến chuyện tiêu tiểu tại chỗ cho người em trai nhiều nghịch cảnh, nhiều thân nhân nuôi bệnh cùng phòng không cầm được nước mắt. Đâu như vừa có người bệnh già nằm chung phòng thều thào khẽ nhắc mấy người con đang vây quanh một câu nói xưa lắc của ông bà: “Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần”...

Meo.vn (Theo SGTT)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Rồi trời sẽ không phụ lòng… (https://www.meo.vn/roi-troi-se-khong-phu-long%e2%80%a6.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *